Vũ Hoàng Thư

ư tháng chng không thư ờ

 

Ngày tháng chạp trắng mơ sương lũng. Vệt nhớ quẹt ngang vẫy mặt, da diết lậm lừng trời. Ngây chao trong buổi sáng lạnh có mây hồng. Cơn gió thoảng mang mang ngày ấy, hải tảo ươm vàng, một thời rất xa. Khứu giác nồng toang ngái dậy. Người sống với niềm rêu, ôm trọn bão ngời, rộn chồn cơn sóng. Rong rêu kết tinh ôm quá khứ quấn chặt giữa lòng. Mùi hương ngầm chứa từ không khí, âm nhạc dấu đâu đó ở thinh không. Cuối năm khơi mở muôn nghìn lắng đọng trong vạn điều nhấp nháy thực tại. Có lẽ xuân đang khua bước trong từng ngày dậy. Khép lại cửa kính bỗng thấy mình thành ốc đảo giữa lòng đời. Người nằm gọn trong khoang gió, hiu hiu biển rộng vòng quanh. Ngoài khung kính, thế giới là cuốn phim quay chậm, xa lạ và vô cảm. Người trôi trong tiếng hát. Adamo lấp lửng mở ngày, 𝘔𝘢𝘳𝘪𝘦 𝘓𝘢 𝘔𝘦𝘳, chào em biển khơi, hải âu xòa bay gọi đàn oang oác. Tiếng guitar búng từng chùm ba, âm bass gọi giật như đẩy xô theo bực cấp xuống dần, xuống dần. Tôi tìm thấy em dưới kia biển xa vời vợi, lạ lẫm mỹ miều, 𝘑𝘦 𝘵'𝘢𝘪 𝘵𝘳𝘰𝘶𝘷é𝘦, é𝘵𝘳𝘢𝘯𝘨𝘦 𝘦𝘵 𝘣𝘦𝘭𝘭𝘦. Đôi mắt xanh, chẳng phải Marie La Mer, của Nhatrang sâu hút lòng người. Dư âm trở về từ duyên hải, gọi đảo xanh và biển khơi. Ở phút này là khoảnh khắc rơi ngoài, ra khỏi đời thường để nghe những đợt ngầm của nhớ.

 

Như thế Ph. và tôi lái xe về vùng vịnh, tìm chút lãng mạn vặt của người đi ngoài sương gió. Thèm một ly cà phê thật đậm. Mưa đánh hạt li ti bắn nhẹ vào khung kiếng rồi dần dần nặng hột. El Nino dầm dề có đủ nước cứu cơn khát dài hạn của Cali? Kiếm được chỗ đậu xe, chúng tôi đội dù leo dốc Vallejo dưới cơn mưa, cả hai tìm lại quán Caffe Trieste nơi đã một lần ghé qua năm năm trước. Ngụm cà phê đầu tiên tuyệt mù thương nhớ, lâng lâng ngày cũ chạy về. Có quán Tuổi Ngọc một thời, có cô hàng cà phê. Em ngồi ở quầy, khuất dáng bình hoa. Tôi dựa người nơi góc quán. Quán vắng, chỉ có tôi và em. Bức tranh treo tường “Những Nường Xóm Avignon” - 𝘓𝘦𝘴 𝘋𝘦𝘮𝘰𝘪𝘴𝘦𝘭𝘭𝘦𝘴 𝘥𝘈𝘷𝘪𝘨𝘯𝘰𝘯 của Picasso rạo rệu gập khối. Dung nhan gãy góc, lạ mặt, nhìn chùng. Tiếng tây ban cầm chậm vừa, dập dìu và sắc nhọn như vạch xéo vào tim. Tremolo có lúc kích xoáy cuồng lốc. Không gian nào đổ xuống theo tiếng nhạc. Một dấu lặng rơi vùng… Dấu lặng trong âm nhạc là khoảng ngừng giữa hai nốt khác nhau. Tiếng của vô thanh. Không nghe, không có nghĩa là không hiện hữu. Đó là âm thanh của đợi chờ. Nín hơi. Đó là sự cất bước vào một thế giới khác. Rất riêng rẽ. Chỉ còn thinh lặng và niệm tình. Không cần cắt nghĩa. Khoảng lặng đó ngắn bằng một sát na mà cũng có thể dài hơn thiên thu. Tất cả đều tùy thuộc. Khi chỉ một mình, riêng mình ta và em. Ta và em? Hay ta với em? Ta và em vẫn còn hai thực thể, ta với em như gần lại chung cùng. Và như thế Ta Em là một. Một là thái cực khởi đầu, uyên nguyên khoen vòng vô thủy.

 

Cơn mưa tháng chạp dẫn nhiều ngõ ngách của mộng, nói theo ngôn ngữ của Bùi Giáng, trong “lung linh sương bóng”, Ồ 𝘵𝘩ư𝘢 𝘦𝘮 𝘵𝘢 𝘵𝘩𝘺 𝘮𝘯𝘨 𝘬𝘩ô𝘯𝘨 𝘵𝘩ườ𝘯𝘨. Mộng không thường ắt phải là chuyện thường bởi chưng cuộc hiện hữu vốn đã vô thường. Khi người nằm mộng hai mắt giật mạnh, mộng càng sâu cường độ xoay động của mắt càng tăng. Hắn đang dò lối giữa cơn mộng nhỏ và cơn mộng lớn chăng? 𝘛𝘢 đ𝘪 𝘣𝘯𝘨 𝘮𝘵 𝘴𝘪 𝘵ơ… Phạm Duy mộng du như thế. Thế kỷ thứ 9, nhà thơ Nhật Bản Tsurayuki lặn lội trong mơ như thế nầy :

 

𝙊𝙣 𝙩𝙝𝙚 𝙥𝙖𝙩𝙝 𝙤𝙛 𝙙𝙧𝙚𝙖𝙢𝙨

𝘖𝘯 𝘵𝘩𝘦 𝘱𝘢𝘵𝘩 𝘰𝘧 𝘥𝘳𝘦𝘢𝘮𝘴

𝘏𝘢𝘴 𝘵𝘩𝘦𝘳𝘦 𝘣𝘦𝘦𝘯 𝘥𝘦𝘸𝘧𝘢𝘭𝘭, 𝘱𝘦𝘳𝘩𝘢𝘱𝘴?

𝘛𝘩𝘳𝘰𝘶𝘨𝘩𝘰𝘶𝘵 𝘵𝘩𝘦 𝘯𝘪𝘨𝘩𝘵

𝘐 𝘸𝘦𝘯𝘵 𝘣𝘢𝘤𝘬 𝘢𝘯𝘥 𝘧𝘰𝘳𝘵𝘩, 𝘮𝘺 𝘴𝘭𝘦𝘦𝘷𝘦𝘴

𝘚𝘰𝘢𝘬𝘦𝘥, 𝘢𝘯𝘥 𝘴𝘵𝘪𝘭𝘭 𝘯𝘰𝘵 𝘥𝘳𝘪𝘦𝘥.

- Ki no Tsurayuki

 

Ông Tsurayuki nức danh thể thơ waka thời ấy, ông có bài thơ được liệt vào một trong 36 bài thơ bất tử của thi ca Nhật Bản. Có lẽ hãy thử cùng leo trèo dốc mơ rồi lội ngược trở về, xem ông ấy thấy gì ở cơn mơ :

 

𝗧𝗿ê𝗻 𝗻𝗵𝗻𝗴 𝗯ế𝗻 𝗺ơ

Tôi tìm tôi những bến mơ

Có sương trắng ngập lối bờ đêm hư?

Tôi cõi thật lội mê nhừ

Suốt đêm thâu nghe mộng hư huyễn tràn

Đẫm vai áo sương chưa tan

(Vũ Hoàng Thư phỏng dịch)

 

Nào ai biết sương thấm áo vào lúc nào, trong lúc nhà thơ đang lặn lội đêm khuya hoặc khi trở về cố quận mơ màng 𝘭𝘶𝘯𝘨 𝘭𝘪𝘯𝘩 𝘴ươ𝘯𝘨 𝘣ó𝘯𝘨? Trên triền mộng, hồn thơ xúc tác cho thật và ảo giao thoa, tần số giao động gây âm hưởng càng lúc càng gia tăng. Không bật thành âm lớn, chỉ khe khẽ êm vui vừa đủ một tiếng cười giữa rừng sen. Trong bát ngát và mênh mông.

 

𝘉𝘵 𝘵𝘳𝘪 𝘭𝘢𝘪 𝘣𝘵 𝘵𝘳𝘪

𝘊á𝘤𝘩 𝘩𝘰𝘢 𝘷ă𝘯 𝘵𝘪ế𝘶 𝘯𝘨

(Nguyễn Du - Mộng đắc thái liên)

Nào biết khi người đến

Nghe cười cách khóm sen

 

Chẳng biết người đi đến lúc nào chỉ nghe tiếng cười bên khóm hoa. 𝘉𝘵 𝘵𝘳𝘪 𝘭𝘢𝘪 𝘣𝘵 𝘵𝘳𝘪 là tuyệt cú. Không biết, không biết. Không biết đến hai lần nhưng tiềm thức vẫn nhận ra. Hình như đó, đâu đây 𝘯𝘨ườ𝘪 𝘷𝘵𝘳𝘰𝘯𝘨 đê𝘮 𝘵𝘪, ô𝘮 𝘤à𝘯𝘩 𝘩𝘰𝘢… (𝘊à𝘯𝘩 𝘏𝘰𝘢 𝘛𝘳𝘯𝘨 – Phạm Duy). Tố Như nằm mơ đi hái sen nhưng ông mộng thật khéo. Không thấy người chỉ nghe tiếng, thế rồi khi xuất hiện người chỉ là cái bóng mơ hồ.

 

𝘏𝘵𝘩𝘺 𝘩à 𝘹𝘶𝘯𝘨 𝘥𝘶𝘯𝘨

𝘛𝘩𝘺 𝘵𝘳𝘶𝘯𝘨 𝘩𝘶 𝘯𝘩â𝘯𝘯𝘩

Mặt hồ dâng lai láng

Nước biếc bóng người in

 

Nước hồ lăn tăn sóng, ẩn hiện bóng người soi. Như thể vừa ở tầm tay mà cũng vời vợi xa dù chỉ trong gang tấc. Hụt hẫng buồn chạy quanh. Người nhìn bàn tay trơ nhỏ bé, ôm được gì vào lúc đó? Tsurayuki rõ hơn ai hết, chẳng có gì bù đắp được khi ta không còn em…

 

𝙁𝙧𝙤𝙢 𝘾𝙪𝙥𝙥𝙚𝙙 𝙃𝙖𝙣𝙙𝙨

𝘍𝘳𝘰𝘮 𝘤𝘶𝘱𝘱𝘦𝘥 𝘩𝘢𝘯𝘥𝘴

𝘋𝘳𝘰𝘱𝘭𝘦𝘵𝘴 𝘤𝘭𝘰𝘶𝘥

𝘛𝘩𝘦 𝘮𝘰𝘶𝘯𝘵𝘢𝘪𝘯 𝘴𝘱𝘳𝘪𝘯𝘨-

𝘐𝘵'𝘴 𝘯𝘰𝘵 𝘦𝘯𝘰𝘶𝘨𝘩-𝘢𝘴 𝘧𝘳𝘰𝘮 𝘺𝘰𝘶

𝘈𝘮 𝘐 𝘱𝘢𝘳𝘵𝘦𝘥.

- Ki no Tsurayuki

𝗧𝘃𝗰 𝘁𝗮𝘆

Nằm ở đó trong vốc tay

Hạt li ti quện vờn bay sương mù

Ngàn suối đổ ví cho dù

Chứa bao nhiêu chất đền bù nỗi lung

Khi em xa - ta không chung

(VHT phỏng dịch)

 

oOo

 

Những vốc tay phả sương lạnh buổi khuya vào mặt. Hương đêm ngát vị đọt trà mới hái từ bát chè xanh chan chát đầu lưỡi ngày mới lớn. Như hương bưởi vườn khuya hẹn hò, ngây nồng khi cuối đêm chia tay. Như bước chân gõ dần xa một đêm trăng. Mẹ sắp hoa quả bày biện cúng rằm. Tháng chạp nghi ngút trầm hương đón Tết. Bây giờ Mẹ không còn, quê hương đó thật xa, mùi Tết vương vấn trong không. 𝘈𝘴 𝘧𝘳𝘰𝘮 𝘺𝘰𝘶 / 𝘈𝘮 𝘐 𝘱𝘢𝘳𝘵𝘦𝘥… Khi tôi xa Em. Em trở thành chữ hoa, to lớn như những gì đã mất.

 

Hơi lạnh gợn mây đem chút lung linh của trăng cuối năm ghé về bên cửa. Những vốc tay của Tsurayuki điềm đạm vuốt ngược bờ mái tóc ướt át nguyệt rằm. Dạ huyền đơm mái tóc, nguyệt vỗ vào đôi mắt xuyên suốt nghìn trùng. Con mắt chiếu vào lòng giếng, mang theo ba ngàn thế giới trăng sao. Từ bờ giếng, mấy thế kỷ sau, Yi Gyu Bo, một thi sĩ nổi danh của Triều Tiên thế kỷ 12, vốc từng mảnh trăng bỏ vào bình của sơn tăng gánh về chùa. Để làm gì? Kiếm tìm mộng không thường?

 

𝙏ĩ𝙣𝙝 𝙩𝙧𝙪𝙣𝙜 𝙣𝙜𝙪𝙮𝙩

𝘚ơ𝘯 𝘵ă𝘯𝘨 𝘣𝘯 𝘯𝘨𝘶𝘺𝘵 𝘴𝘤

𝘛𝘯𝘩 𝘤𝘱 𝘯𝘩𝘵 𝘣ì𝘯𝘩 𝘵𝘳𝘶𝘯𝘨

Đá𝘰 𝘵𝘱𝘩ươ𝘯𝘨𝘯𝘨 𝘨𝘪á𝘤

𝘉ì𝘯𝘩 𝘬𝘩𝘶𝘺𝘯𝘩 𝘯𝘨𝘶𝘺𝘵 𝘥𝘪𝘤 𝘬𝘩ô𝘯𝘨

Yi Gyu Bo (Lý Khuê Báo 1168-1241 )

𝗧𝗿ă𝗻𝗴 đá𝘆 𝗴𝗶ế𝗻𝗴

Sư thèm làn nguyệt tỏ

Giếng múc cất trăng trong

Về chùa liền sực nhớ

Nghiêng bình trăng rốt không

(VHT phỏng dịch)

 

Một mặt trăng chiếu thành vô số trăng khắp nơi sông hồ, giếng lặng. Một chứa trong tất cả. Trăng đáy giếng là hiện tượng của một trăng nhất như trên cao. Hành động múc trăng đáy giếng cất vào bình thật lãng mạn và khá dễ thương. Đầy tính người cũng như tính thơ. Nhân đấy mua vui, Thư tôi xin ghi thêm vài câu nhắn với sơn tăng.

 

𝗡𝗵𝗻 𝘃𝗶 𝘀ơ𝗻 𝘁ă𝗻𝗴

đáy giếng mảnh trăng trong

hoài công dấu nguyệt ngà

soi bình lung linh bóng

chẳng trăng cũng chẳng ta

𝗡𝗴𝘂𝘆𝘁 𝗴𝗶 𝘁ă𝗻𝗴

giỡn đêm một mảnh bồng

giếng lóng rọi hình trong

nhân gian chân với ảo

hằng đêm nguyệt trụ không

 

Trăng tháng chạp xếp lại tháng năm của một niên kỳ. Trăng ngất ngưởng ở không gian muôn thuở, người dưới trần chỉ thấy trăng mỗi tháng một lần. Không thấy không phải là không có. Như mùa xuân không đợi chim én mới hiện hữu. Một chút xuân thì đang lấp ló trong khí quyển nếu người chịu hít thở tâm xuân. Một cánh én không làm nên mùa xuân, người vẫn bảo. Con én của Issa bay ra từ cánh mũi Đại Phật Liêm Thương, nhỏ bé và sinh động giữa tĩnh lặng bề thế của đại tượng. Tượng Phật bằng đồng ở Liêm Thương (Kamakura) cao hơn 13 mét và nặng khoảng 93 tấn. Có lẽ chân không từ mũi Phật phà sinh khí cho mùa xuân bay lên…

 

𝘥𝘢𝘪𝘣𝘶𝘵𝘴𝘶 𝘯𝘰 𝘩𝘢𝘯𝘢 𝘬𝘢𝘳𝘢 𝘥𝘦𝘵𝘢𝘳𝘶 𝘵𝘴𝘶𝘣𝘢𝘮𝘦 𝘬𝘢𝘯𝘢

(Issa)

from the great bronze

Buddha’s nose…

a swallow !

(Translated by David G. Lanoue)

ngất ngưởng cao tượng đồng to

vòm mũi Phật

én thập thò cánh xuân

(VHT phỏng dịch)

 

Vũ Hoàng Thư

Cận Tết Bính Thân, 2016

 

Và đây là những bình bàn của văn thi hữu, sau khi nhà văn Vũ Hoàng Thư đưa bài “ ư tháng chng không thư ờng lên Facebook ngày 19/12/2020 .  Tài liệu để tham khảo (lth)

Gió-O Hải Ngoại

Tôi quý những tản mạn mang mầu sắc trí thức thời đại của những tác giả như Thi Vũ, Vũ Hoàng Thư, Phạm Chu Thái, Hồ Đình Nghiêm Dinh Nghiem Ho, Nguyễn Thị Hải Hà Haiha Nguyen, Hoàng Mai Đạt ... trên Gió O . Nói mang mầu sắc thời đại, theo tôi, các tản mạn này mang tính "tiêu hóa kiến thức quốc tế thời toàn cầu hóa". Điều này có nghĩa là các bài viết của họ phản ảnh trình độ trí thức đọc ngoại ngữ nhiều và hiểu rộng về con người trong thế giới toàn cầu hóa. Cái nhìn và trình độ của họ có tầm, so với cái nhìn của những tác giả bị hạn hẹp trong thứ gông trí thức ao ếch nào đó. Để nhìn ra điều này, người đọc cũng phải có trình tương đương với tác giả, mới thích thú khám phá ra những ghi nhận hay cảm tác của tác giả . Điều tôi quý hơn nữa là các tác giả này rất nâng niu tiếng Việt dù họ không sống trong Việt Nam lâu năm . Tiếng Việt của họ chắt lọc và cẩn trọng , như trong trường hợp Thi Vũ, Vũ Hoàng Thư. Ở hai tác giả này, nét đài các và tinh túy của chữ nghĩa trong các tản văn họ viết, rất sang và đẹp (làm văn nhưng có chút cầu toàn của lý tính và cảm xúc trong "Ngữ" và "Nghĩa". Và nhất là không quá văn vẻ lòng thòng lê thê thừa thải). Chúng là những tác phẩm lóng lánh chữ nghĩa tiếng Việt đã chắt lọc ở mức độ tinh túy sáng tạo của thế giới Tiếng Việt Hải Ngoại . (lê thị huệ)

 

Vũ Hoàng Thư

 

Rất vui khi bắt gặp được những đồng cảm trong văn chương chữ nghĩa từ Gio-O, một thú vị đơn nhất. Cám ơn chị Lê Thị Huệ rất nhiều về những lời dẫn nhập thật rộng lượng. Cảm kích vô ngần!

chim kia hót giọng bâng quơ

cũng vì bóng nắng lửng lơ gọi mời...

 

Gió-O Hải Ngoại

Tôi hào phóng với Nguyễn Thế Hoàng Linh gọi hắn là "thiên tài"thơ Việt Nam. Và bị quạt lại. Nhưng thế mới thị là kẻ đìu hiu Gió O tách lối rẻ mà đi 🙂Hơi bị hết kiên nhẫn với những bọn xài bạc giả và cái đám đông "cam-chịu-và-khuất-phục" nhược tiểu kia. 😡Cám ơn đã không cảm thấy phiền lụy. 🧑‍⚖️(lth)

 

Vũ Hoàng Thư

I took the one less traveled by,

And that has made all the difference.

(Robert Frost)

 

Haiha Nguyen

Công nhận là các bản (phỏng) dịch thơ của Vũ Hoàng Thư tuyệt hay. Tôi rất thích cách dịch như thế, chẳng những bản dịch giúp tôi hiểu bài thơ, nó còn giúp tôi thấy cái lung linh ảo diệu của bài thơ. Nếu tôi có thể đòi hỏi ở dịch giả, tôi muốn có kèm theo một bản dịch sát nghĩa, chỉ để hiểu. Còn bản dịch là một bài thơ thì để thấy hay.

Lâu rồi có một hai bạn đọc đã khuyến cáo Hà là những lời khen nhiều khi cũng gây thiệt hại cho chính người khen. Còn lời chê thì dĩ nhiên là chẳng mấy người thích dẫu người chê là người thân thuộc trong nhà.

Chắc chị Huệ bao nhiêu năm nay bầm dập đã nhiều. (Mà chắc có người cũng bị chị làm cho bầm dập?) Giỡn chơi, đừng giận nghen.

 

Gió-O Hải Ngoại

Một bản dịch "Thơ" sát nghĩa, khác với một bản dịch "Thơ" hay là thế nào? Tại sao cần có sự riêng biệt rạch ròi này? Điều này chỉ xảy ra với các bản dịch thơ hay các tác phẩm sáng tạo nói chung. Tôi hỏi, vì Nguyễn Thị Hải Hà cũng là một tay dịch khá nhiều vốn . (lth)

 

Haiha Nguyen

Thôi bỏ qua câu đòi hỏi này nghen. Hồi viết thì thấy ok, giờ đọc lại thấy ngớ ngẩn.

 

Gió-O Hải Ngoại

Tôi nghĩ đấy là một vấn đề khá hữu ích cho người dịch, người đọc. Trong tình trạng toàn cầu hóa và công việc dịch thuật đang được hỗ trợ bởi Google. Các tác giả có mặt trong FB đây như Nguyễn Thị Hải Hà, Vũ Hoàng Thư, Hồ Đình Nghiêm là những người sống ở ngoại quốc lâu năm, nếu đồng ý chia sẻ , tôi nghĩ là nhiều kiến thức và kinh nghiệm quý báu về việc dịch thuật sẽ lộ hiện . Hai nữa "Thơ Dịch" đang là cái mốt tràn lan. Mà Thơ là thứ khó dịch nhất vì cái tính "xác thực" của ngôn ngữ thơ là một điều luôn được bàn cãi. Nên câu hỏi đặt ra của dịch giả Nguyễn Thị Hải Hà, nếu nói là "ngớ ngẩn" thì đấy chỉ là cách nói khéo mà thôi (lth)

Haiha Nguyen

·         Chị ép quá nên cho phép Hà viết thêm vài câu. Lấy ngay thí dụ từ bài dịch thơ của dịch giả (kiêm nhà thơ kiêm nhà văn) Vũ Hoàng Thư mà chị đăng ở đây làm thí dụ.

𝙁𝙧𝙤𝙢 𝘾𝙪𝙥𝙥𝙚𝙙 𝙃𝙖𝙣𝙙𝙨

𝘍𝘳𝘰𝘮 𝘤𝘶𝘱𝘱𝘦𝘥 𝘩𝘢𝘯𝘥𝘴

𝘋𝘳𝘰𝘱𝘭𝘦𝘵𝘴 𝘤𝘭𝘰𝘶𝘥

𝘛𝘩𝘦 𝘮𝘰𝘶𝘯𝘵𝘢𝘪𝘯 𝘴𝘱𝘳𝘪𝘯𝘨-

𝘐𝘵'𝘴 𝘯𝘰𝘵 𝘦𝘯𝘰𝘶𝘨𝘩-𝘢𝘴 𝘧𝘳𝘰𝘮 𝘺𝘰𝘶

𝘈𝘮 𝘐 𝘱𝘢𝘳𝘵𝘦𝘥.

- Ki no Tsurayuki

𝗧𝘃𝗰 𝘁𝗮𝘆

Nằm ở đó trong vốc tay

Hạt li ti quện vờn bay sương mù

Ngàn suối đổ ví cho dù

Chứa bao nhiêu chất đền bù nỗi lung

Khi em xa - ta không chung

(VHT phỏng dịch)

Phần tiếng Anh nếu dịch chỉ để hiểu nghĩa của bài thơ, không vần điệu, một người đọc và hiểu tiếng Anh, trung bình như Hà, có thể dịch tàm tạm như thế này. Cũng phải thú nhận vì Hà không biết làm thơ, nên có thể đánh mất ý thơ, nhưng hiểu sao thì dịch như vậy.

Từ trong vốc hai bàn tay

Chứa đựng những hạt sương mưa li ti

Con suối chảy từ trong núi

không đủ - từ chỗ em

Tôi bị ngăn cách.

Hai câu cuối Hà hiểu là nhà thơ muốn nói rằng, con suối ngăn cách hai người, nhưng không thể đổ thừa tại con suối mà hai người xa nhau.

Bản (phỏng) dịch của nhà thơ VHT có những cụm từ biến câu thơ linh động hơn, như quện vờn bay, ngàn con suối, đổ ví cho dù, v.v...

Để dịch và biến nó thành bài thơ, người dịch có thể thêm hay bớt hình ảnh, thêm hay bớt chữ nghĩa vào trong bài, có thể chỉ dùng một phần ý của bài thơ, có thể người đọc bản dịch sẽ không còn nhận ra bản chính nữa. Điều này, có người (như Hà) chấp nhận và thích đọc như thế. Nhiều người khó tính hơn, có thể không vừa ý, bảo rằng như vậy không còn là dịch nữa.

Phải dài dòng như thế để giải thích thế nào là một bản dịch sát nghĩa, chỉ để hiểu nghĩa của từng câu trong bản gốc mà không phải là hay chưa phải là bài thơ.

 

Dinh Nghiem Ho

Theo mình, chị Hải Hà dịch như vậy là ổn lắm rồi. Bởi thi ca là cõi mông lung mà người nhìn ra mang riêng một cảm nhận khác. Thơ Việt còn thế huống hồ thơ ngoại quốc. Chuyện này e nói sang năm mới vẫn chưa xong. Chúc mọi người mùa lễ cuối năm an lạc.

 

Dinh Nghiem Ho

 Chị Huệ bao giờ cũng có nhiều ý nghĩ thú vị. Luôn đặt ra những điều cần khơi mở.

 

Gió-O Hải Ngoại

Đa tạ nhà văn Hồ Đình Nghiêm (lth)

 

Vũ Hoàng Thư

Tôi hiểu đề nghị của chị Nguyễn Thị Hải Hà là khi giới thiệu một bài thơ ngoại quốc nên có 3 phần: phần nguyên bản, phần dịch sát nghĩa bài thơ, và phần dịch nguyên bản ở dạng thơ. Đây vẫn là cách trình bày trong các bài nghiên cứu thơ ngoại quốc ta thường thấy trong sách vở. Cá nhân tôi khi viết tản mạn, vốn là một hình thức phóng khoáng, bay nhảy theo ý muốn tùy thích, tôi thường bỏ phần thứ hai vì để cho ngắn gọn, và không muốn cắt đứt mạch thơ từ nguyên bản trong đầu người đọc. Chính cái lây lan ngây ngật này đem tới những lời phỏng dịch sau đó. Tôi chỉ dịch những bài mình thích, coi như là một thú vui, bởi vẫn thường ám ảnh câu nói “dịch là phản” từ những ngày trường lớp xa xưa. Bởi thế tôi thường chú “phỏng dịch” ở dưới vì biết mình không “phản” nhiều thì cũng “phản” ít! Thông thường trước khi dịch, tôi cố gắng tìm tòi những chi tiết hậu trường của nguyên bản, để hiểu ý cũng như hoàn cảnh sáng tác, giúp mình thấu rõ tâm trạng của tác giả hơn. Việc này cũng khá dễ dàng đối với nguyên bản tiếng Anh khi sách vở, internet đầy dẫy. Trái lại khi dịch haiku, waka tôi phải dựa vào bản dịch Anh ngữ vì cá nhân không biết tiếng Nhật. Thông thường tôi phải tham khảo từ nhiều bản dịch tiếng Anh khác nhau để so sánh. Xin kể một ví dụ khi dịch một haiku của Hokushi mà tôi đã có lần nhắc đến trên Gio-O FB mấy tháng trước khi mới tập tễnh bước vào thế giới Phây, chỉ biết yêu (Love) thôi chả biết gì...

kaite mitari

keshitari hate wa

keshi no hana

Tachibana Hokushi

(1665 – 1718)

I write, erase, rewrite,

erase again, and then

a poppy blooms.

(translated by Yoel Hoffman)

1.

từng câu viết

sửa rồi sai

hoa lặng mở đóa mãn khai không lời

2.

đã hư

tu chỉnh một đời

anh túc nở miệng chúm lời tàn phai

(VHT phỏng dịch)

Sở dĩ có hai cách dịch vì tiếng Nhật “keshi” có 2 nghĩa: erase và poppy. Ta có thể hiểu đây là cách chơi chữ của tác giả. Đang nói về tẩy xóa, erace, nên khi dùng chữ hoa, poppy, là cũng có ý nói về một cái gì tàn lụi, xóa mất, tùy theo ý người đọc cảm nhận như thế nào. Một lối chơi chữ tài hoa của Hokushi, nếu không thận trọng lối chơi chữ này sẽ bị đánh mất khi dịch và đương nhiên sẽ phản nghĩa.

Một lần khác tôi dịch haiku dưới đây và bị O Gió Lê Thị Huệ cho là “nhà thơ đi hoang hơi nhiều” nên liền có một phiên bản thứ nhì.

sookai no nami sake kusashi kyoo no tsuki

(Basho)

blue seas

breaking waves smell of rice wine

tonight's moon

(Trans. by J. Reichhold)

1.

biển khơi

triều đậm men đằm

chén nghinh đêm vọi nguyệt rằm ngào hương

2.

trùng dương

triều đậm men đằm

nghinh thân tầng vọi nguyệt rằm ngào đêm

(Vũ Hoàng Thư phỏng dịch)

Đôi khi “đi hoang” cũng là một thú vị, có thể một số người đồng ý, dịch là một tái tạo mới. Giữa hai phiên bản tôi đều thích cả hai.

Trở lại với bài waka “From Cupped Hands” của Tsurayuki, gửi chị HaiHa Nguyen một phiên bản khác tôi dịch sát nghĩa:

𝙁𝙧𝙤𝙢 𝘾𝙪𝙥𝙥𝙚𝙙 𝙃𝙖𝙣𝙙𝙨

𝘍𝘳𝘰𝘮 𝘤𝘶𝘱𝘱𝘦𝘥 𝘩𝘢𝘯𝘥𝘴

𝘋𝘳𝘰𝘱𝘭𝘦𝘵𝘴 𝘤𝘭𝘰𝘶𝘥

𝘛𝘩𝘦 𝘮𝘰𝘶𝘯𝘵𝘢𝘪𝘯 𝘴𝘱𝘳𝘪𝘯𝘨-

𝘐𝘵'𝘴 𝘯𝘰𝘵 𝘦𝘯𝘰𝘶𝘨𝘩-𝘢𝘴 𝘧𝘳𝘰𝘮 𝘺𝘰𝘶

𝘈𝘮 𝘐 𝘱𝘢𝘳𝘵𝘦𝘥.

- Ki no Tsurayuki

Từ vốc tay tôi

Làn sương tụ

Cho dù sơn tuyền kia

Cũng chẳng đủ - khi em

Và tôi xa nhau

Từ vốc tay ôm mặt có lẽ lệ nhòa như màn sương che. Dù khóc như suối chảy cũng chẳng đủ để nói lên niềm đau, khi em xa tôi...

Nằm ở đó trong vốc tay

Hạt li ti quện vờn bay sương mù

Ngàn suối đổ ví cho dù

Chứa bao nhiêu chất đền bù nỗi lung

Khi em xa - ta không chung

(VHT phỏng dịch)

Hôm kia ghé qua FB Nguyễn Đức Tùng thấy một haiku của chàng:

My dream

Night rain

Telling you only a half

(Nguyễn Đức Tùng)

Tôi phóng bút như thế này:

mơ tôi

đêm rớt giọt vừa

kể em nửa chuyện giữa hư huyễn bờ

Nhà thơ Nguyễn Đức Tùng hỏi “rớt giọt vừa là giọt gì anh?” tôi trả lời : “Only dreamers can explain.”

Xin trích đoạn cuối trong bài “Về với Ly Tao” của Bùi Giáng mà Thư tôi thấy được đôi điều thú vị,

“Nếu giáo sư hỏi tôi : - “Trò nghĩ gì về Thơ?” thì tôi xin đáp : - Thưa Thầy, con có một người yêu mơ hồ xa vắng. Con cố nhìn bóng em ở mười hướng không gian. Bốn mùa đi qua, con chưa thấy mặt. Nhớ nhung nhiều quá, con đem thơ ra lặng lẽ đọc thật to. Và con nghĩ : Phải rồi. Thơ có thể tạm là biểu trưng cho hình ảnh thân yêu của người em xa vắng.”

 

Le Phuong Lan

Anh Vũ Hoàng Thư , từ tiếng Nhật, dịch qua tiếng Anh, rồi phỏng dịch qua tiếng Việt.

Mỗi người hiểu bài thơ gốc tiếng Anh mỗi kiểu tuỳ theo trí (tâm) lượng của mỗi người, nên phỏng dịch (dịch thoát nghĩa ???) luôn có cái thấm đậm hơn ( cũng tuỳ nhà thơ phỏng dịch nữa há)

Haiku mà dịch sát nghĩa cho hay thì “bể” cái trốt 😎, o vẫn thích thơ phỏng dịch hơn 😊

 

 

Tung Nguyen

Tôi sẽ về nhà và ngủ một giấc sau một đêm ít được ngủ và khi thức dậy sẽ đọc bài Vũ Hoàng Thư chị Lê Thị Huệ vừa nhắc với những dòng thơ lai rai và trước đó sẽ pha một ly cà phê và vì vậy sẽ mất ngủ tiếp...hik Merry Chrismas các anh chị !

 

Le Phuong Lan

Dịch và phỏng dịch khác nhau phải không Quý Vị?

 

Dinh Nghiem Ho

Mình nghĩ khác mà không khác. Đôi lúc dịch giả muốn an thân nên tạm khoác lấy "phỏng dịch", tiện bề chân bước đi xa khỏi nguyên tác. Bởi còn đó lời rêu rao khắc nghiệt: Dịch là phản !

 

Gió-O Hải Ngoại

Tôi lại nghĩ khác nhà văn Hồ Đình Nghiêm. Tôi thường chia ra làm 3 loại . Dịch, phỏng dịch, và phóng tác. "Dịch" thì đúng là theo sát chữ nghĩa nguyên bản, tôn trọng "ý nghĩa" tối đa. "Phóng dịch" thì theo sát nội dung ý nghĩa và câu chữ của sáng tác, nhưng dịch giả chế biến câu chữ và mang văn hóa của mình vào dịch bản. (Có thể xem bài thơ trên của nhà thơ Vũ Hoàng Thư là phỏng dịch). Còn phóng tác thì dịch giả dựa vào nguyên bản của tác phẩm mà chế ra một nền tác phẩm và một ngữ cảnh thích ứng cùng văn hóa của dịch bản, là chính. (Các tác phẩm được gọi là phóng tác như "Kiều Giang" nhà văn Hoàng Hải Thủy chế từ tác phẩm Jane Eyre của Charlotte Brontë. "Người Đàn Bà Với Hai Con Chó Nhỏ" nhà văn Phạm Thị Hoài chế từ "The Lady With The Dog" của nhà văn Nga Anton Pavlovich Chekhov . "Cay Đắng Mùi Đời" nhà văn Hồ Biểu Chánh chế ra từ "Sans Famille" của nhà văn Pháp Hector Malot). (lth)

 

Gió-O Hải Ngoại

Đây là góp ý của nhà thơ Ngu Yên

Bắt đầu từ bài thơ của Ki no Tsurayuki:

From cupped hands

Droplets cloud

The mountain spring –

It’s not enough – as from you

Am I parted.

Tôi không truy lùng ra bản gốc và không tìm thấy dịch giả nên đành dùng bản thông dụng trên mạng lưới.

1. “From cupped hands”: Nghĩa và hình ảnh: Hai tay bụm lại hứng.

2. “Droplets cloud”: Cả hai chữ đều là danh từ. Có thể hiểu cụm từ kép.

Nghĩa: Sương trên núi như mây hoặc núi cao lẫn trong mây. Hình ảnh: Sương mây.

3. “The mountain spring”: Nghĩa và hình ảnh 1: Con suối trên núi. Nghĩa 2: Mùa xuân trên núi. Thơ Hài Cú truyền thống luôn luôn có ít nhất một câu diễn tả thiên nhiên. Cả hai ý và ảnh nêu trên đều có thể dùng. Nếu có bản gốc sẽ dễ dàng truy ra nghĩa đúng vì “mùa xuân” và "con suối”: viết khác nhau trong tiếng nhật.

4. “ – It’s not enough – “ Câu này mở và đóng bằng dấu -. Nghĩa: Không đủ. Ngụ ý: cảnh đẹp mùa xuân hoặc sự quyến rũ của con suối không đủ sức giữ người ở lại.

5. “As from you”: Nghĩa: Bắt đầu từ you hoặc ngay từ you. You ám chỉ mùa xuân hoặc con suối.

6. “Am I parted”: Nghĩa: tách đôi. Ngụ ý: Chia tay, giã từ.

Trên mạng Long Hồ Vĩnh Long, Kim Oanh dịch:

Từ búp tay cuộn

Vụn nhỏ mây tuôn

Xuân nguồn không đủ

Khi nửa tôi buông. (*)

Bản này dùng yếu tố thiên nhiên là mùa xuân.

Tôi không có ý định so sánh bản nào đúng bản nào sai, hoặc bản nào hay hơn bản nào. Tôi chỉ muốn đóng góp rằng: Dịch thơ là một công việc liều lĩnh. Dành cho những ai thích mạo hiểm, thám thính cõi sâu sắc mù u của văn chương thế giới.

Có hai lý do chính, tại sao dịch thơ khó hơn dịch văn xuôi, dịch triết học. Và thường khi không chính xác. Một trong các ông vua dịch thơ, Robert Frost, đã xác nhận: “Poetry is what gets lost in translation”. Quan điểm, dịch là làm mất thơ, hoàn toàn đúng đắn.

1- Dịch thơ là đi tìm ý nghĩa thơ trong ngôn ngữ gốc. Hầu hết mơ hồ và khó hiểu vì ngôn ngữ tự bản thân là ẩn dụ, đại diện cho ý nghĩa phổ thông. Những nhà thơ cao kỳ thường xuyên sử dụng chữ nghĩa phổ thông đề sáng tạo hoặc tái tạo ý nghĩa khác. Những ý tưởng và hình ảnh xuất hiện từ tiềm thức của nhà thơ vì ám ảnh, vì mặc cảm, vì hỉ nộ ái ố... đôi khi chính nhà thơ cũng không biết, làm sao dịch giả biết? Dịch là đoán nghĩa. Đôi khi, bói nghĩa. Sau đó, phải nói lại bằng ngôn ngữ dịch, ngôn ngữ của độc giả, một cách nào đó để họ nắm bắt ý nghĩa, và khó khăn hơn nữa là giá trị đẹp và hay của bài thơ.

2- Quá trình sáng tác thơ và quá trình dịch thơ đối nghịch nhau.

Quá trình sáng tác: thơ đi từ cảm xúc với hình ảnh và tứ thơ đến ngôn ngữ diễn đạt. Nếu cảm xúc lên mạnh, xuất thần, hình ảnh, tứ thơ và ngôn ngữ xuất hiện từ vô thức thúc đẩy và xây dựng. Những câu thơ này thường khi khó hiểu. Hiểu được cũng khó diễn tả sao cho văn vẻ, thẩm mỹ.

Quá trình dịch thơ: người dịch bắt đầu từ ngôn ngữ ngoại. sử dụng ý thức, lý trí, sở học để phân tích, tìm hiểu, giải mã hình ảnh, tứ thơ, ý nghĩa. Dùng ý thức để tìm hiểu vô thức sáng tác là một điểu không ai dám quả quyết đúng sai,

Hơn thế nữa, như Arthur Waley nhận định, “of all poetry Ja[anese poetry is the most untranslatable”. Điều này cho thấy, dịch thơ Nhật, có lẽ bói và bàn nhiều hơn chính xác. Điều này cũng cho chúng ta một thông cảm với nhau, với người đọc: Chúng ta cũng bói và bàn From The Cupped Hands của nhà thơ tài hoa Ki no Tsurayuki (865- 945.).

Dịch thơ lôi thôi như vậy, thường khi bị chê bai, phê phán hơn là khen thưởng, nhưng mỗi năm số lượng dịch giả trên thế giới đều gia tăng, vì sự cần thiết cho sáng tác và thưởng ngoạn làm quen với tinh hoa văn chương (chỉ có trong thơ) và văn hóa đa dạng trên thế giới. Có thể Kết luận: người dịch là kẻ chịu đấm cho người khác ăn xôi.

Người dịch Việt làm việc này không lãnh lương, không bán sách, vắng mặt trong văn học sử, .... tại sao?

Lời quê góp nhặt dông dài

mua vui mệt bỏ mẹ được vài trống canh.

Ngu Yên (không dùng Facebook)

(*) http://longhovinhlong.blogspot.com/.../from-cupped-hands...

 

Vũ Hoàng Thư

Cám ơn bài nhận định của anh Ngu Yên thật chính xác và sâu sắc. Anh ấy cũng là một người rất dạn dày “chịu đấm” trong lãnh vực dịch thuật thơ! 🙂Nhận định của Arthur Waley có phần đúng về việc dịch thi ca Nhật là một điều bất khả. Tuy nhiên vẫn có nhiều cách diễn tả về một cảm hứng, một rung động. Không giữ lời được nhưng vẫn có thể trung thành với ý của nguyên bản được.

Đọc bài dịch của Kim Oanh trong phần anh Ngu Yên trích mới thấy từ một nguyên bản mà dịch thuật có lắm cách nhìn cũng như cảm nhận khác nhau.

Từ búp tay cuộn

Vụn nhỏ mây tuôn

Xuân nguồn không đủ

Khi nửa tôi buông.

(Kim Oanh dịch)

Một bổ túc khác tôi muốn nhắc đến, bài thơ “From Cupped Hands” của Tsurayuki là một bài waika, chứ không phải haiku, vì thế không nhất thiết cần đến một quý ngữ (kigo) để miêu tả mùa cho bài thơ. Vì vậy khó có thể kết luận đây là một bài thơ về mùa xuân.

Copy lại nguyên bản bài thơ này từ wakapoetry.net :

むすぶてのしづくににごる山の井のあかでも人にわかれぬるか

musubu te no

siduku ni nigoru

yama no wi no

akade mo Fito ni

wakarenuru kana

From cupped hands

Droplets cloud

The mountain spring-

It’s not enough-as from you

Am I parted.

c chú thích bài thơ như thế này: “Composed on parting from someone with whom he had spoken by a rocky spring on the way through the Shiga mountains.” (Bài thơ sáng tác khi tác giả từ giã một người bên cạnh một suối nước trên đường đi qua núi Shiga)

 

WAKAPOETRY.NET

Waka Poetry | 'Simply moving and elegant'

Waka Poetry | 'Simply moving and elegant'

 

Gió-O Hải Ngoại

Đưa về đây vài tìm kiếm của nhà thơ Nguyễn Thị Hải cho các vị nào muốn tham khảo về nguyên bản bài thơ của Ki no Tsurayuki . Nguyễn Thị Hải hiện đang sống ở Sài Gòn, đang chăm chú học và nghiên cứu tiếng Trung Hoa và Nhật Bản

【むすぶ手の しづくに濁る 山の井の あかでも人に 別れぬるかな】 歌意は、 手から落ちたしずくで濁るほど浅い山の井の水が飲めないように、ゆっくりと話もできずに、心残りがあるままにあなたとお別れしてしまった。 「むすぶ手のしづくににごる山の井の」は「あか」を引き出す序詞となっています。 「あか」は掛詞。「仏壇にそなえる水」と「飽か」(飽きる)をかけています。 仏壇にお供えする僅かの水、それと同じぐらいの水のみ場の少ない水の量、それに女性と飽きるまで話したかった、という気持ちを掛けているわけです。 この歌は、土佐日記で有名な紀貫之が旅の途中に詠んだものです。 旅で山を登っている途中、水のみ場で女性が水を飲んでいるところを目にします。その女性と親しくなれないまま別れてしまったことが残念だ、という気持ちを表した歌です 水の濁りや、喉の渇きに "あかでも" と合わせているところは考えようによっては露骨な感じもするのですが、藤原俊成の「古来風躰抄」に「この歌、『むすぶての』とおけるより、『しづくにゝごる山のゐの』といひて『あかでも』などいへる、おほかた、すべてことば、ことのつゞき、すがた・こゝろ、かぎりもなきうたなるべし。歌の本たいは、たゞこの歌なるべし」と絶賛されているように、古くから名歌として親しまれている歌です。

.

Trong nguyên tác, bài tanka này không có từ chỉ mùa. Vì khác thơ Haiku truyền thống phải có quý ngữ, thơ tanka không đòi hỏi điều này.

Trong bài thơ nguyên tác chỉ có chữ “tỉnh”, nghĩa là giếng nước hoặc suối nước. Ở đây hiểu theo nghĩa suối nước.

.

Kino Tsurayuki (868?-945) có bài tanka được tuyển trong tập “Bách nhân nhất thủ” ( 100 bài thơ của 100 tác giả) do Fujiwara Teika (1162-1241), một học giả, thi nhân biên soạn. Bài thơ của Kino Tsurayuki xếp thứ 35 trong 100 bài.

.

Em có hai cuốn sách dịch tuyển tập này, một tiếng Việt của dịch giả Trần Thị Chung Toàn và một tiếng Trung của Lưu Đức Nhuận. Lưu Đức Nhuận dịch sang tiếng Trung bài thơ này là:

Du du ki lữ khách,

Vấn quân khả tằng tri.

Cố lý mai hoa phát,

U hương tự cựu thì.

.

a) Nguyên văn:

人はい

心も知ら

ふるさと

花ぞ昔

香ににおいけ

b) Phiên âm:

Hito wa isa

Kokoro mo shirazu

Furusato wa

Hana zo mukashi no

Ka ni nioi keru

c) Diễn ý:

Không hiểu người có đổi lòng hay không ,

Điều đó, ta không sao hiểu nổi.

Trên miếng đất thân quen của chúng ta ngày trước,

Cành mơ vẫn còn đưa hương như xưa.

Nguyễn Thị Hải bổ sung nếu còn thấy cần thêm gì nhé . (lth)

 

Nguyễn Thị Hải

Dịch giả Nguyễn Nam Trân, một học giả tiếng Nhật dịch bài thơ như sau:

“Bụm nước giếng núi giọt vơi

Uống chưa đã khát, như người vội xa”

Giống như không thể uống được nước của con suối cạn trên núi, cạn đến mức giọt nước rơi xuống từ lòng hai bàn tay chụm lại cũng đủ làm cho nó vẩn đục, cuộc gặp gỡ tình cờ mà không thể cùng nàng trò chuyện thong thả cho đến khi thỏa nguyện đã phải chia tay, để lại trong ta bao nhiêu luyến tiếc.

Chữ “あかaka” trong nguyên tác là một từ đa nghĩa, là thủ pháp thường xuyên được sử dụng trong thơ tanka. Có nghĩa “nước cúng trên bàn thờ Phật” và nghĩa thứ hai là “sự no nê, chán ngán”. Có thể được hiểu, lượng nước ít ỏi (so sánh với nước trên bàn thờ Phật), chẳng thể đỡ được cơn khát trong cổ họng, cũng như việc ta muốn trò chuyện với nàng đến thỏa thuê mà không được, đành phải từ biệt khi chưa kịp thân thiết hơn với nàng.

Trong một chuyến leo núi, Kino Tsurayuki có lẽ tình cờ bắt gặp hình ảnh một người con gái đang uống nước, nên đã viết bài thơ này.

【むすぶ手の しづくに濁る 山の井の あかでも人に 別れぬるかな

Ghi bằng nhiều chữ Hán hơn:

*「結ぶ手の滴に濁る山の井のあかでも人に別れぬる哉

 

Vũ Hoàng Thư

Cám ơn nhà thơ Nguyễn Thị Hải về những nguồn giá trị này. Trước đây tôi đã có lần phỏng dịch bài thơ thật thơ mộng này của Ki no Tsurayuki trong tập "Thơ Hòa Ca Trăm Nhà" thành 2 câu lục bát, dựa trên nhiều dịch giả chuyển sang Anh ngữ. Với tài liệu này của Hải thì tôi yên tâm là mình không “bói” [sic] nhiều quá... hihi...

Hito wa isa

Kokoro mo shirazu

Furusato wa

Hana zo mukashi no

Ka ni nioi keru

- Ki no Tsurayuki

nhân gian

tư nghị khôn lường

mận quê

vẫn ngát nguyên hương

ban đầu

(Vũ Hoàng Thư phỏng dịch)

Nguồn Anh ngữ dịch bài thơ này xin chia xẻ cùng mọi người: (tôi đã post ở FB của anh Vinh Doan)

No! no! As for man,

How his heart is none can tell,

But the plum's sweet flower

In my birthplace, as of yore,

Still emits the same perfume.

MacCauley, Hyakunin-Isshu, p. 71

___________________________

No, the human heart

Is unknowable.

But in my birthplace

The flowers still smell

The same as always.

Rexroth, One Hundred Poems, p. 87

______________________________

Now I cannot tell

What my old friend is thinking:

But the petals of the plum

In this place I used to know

Keep their old fragrance.

Bownas and Thwaite, The Penguin Book of

Japanese Verse (Harmondsworth: Penguin, 1964), p. 82

_____________________________

As for people--well,

I don't know how they feel,

but in my old home

these flowers still bloom

with the same scent as before

Sato and Watson, From the Country of

Eight Islands (New York: Columbia University

Press, 1986), p. 130

________________________________

I cannot well know

What human feelings may do,

But in this village

The plum blossoms anyway

Still have the fragrance of old.

Galt, The Little Treasury of One Hundred People, One Poem Each, p. 35

________________________________

About the people

living on in this old place

I cannot be sure--

but the plum blossoms at least

have the scent of long ago.

Carter, Traditional Japanese Poetry: An Anthology , p. 216

 

Nguyễn Thị Hải

Về bối cảnh sáng tác bài thơ (bài 35), được cho biết là Kino Tsurayuki đã ứng tác khi trở lại quán trọ thường lưu trú mỗi khi đến viếng chùa Hase. Vị nữ chủ nhân đã trách ông lạnh nhạt hằng mấy năm không trở lại, ông bèn bẻ một cành mơ đang nở rộ trong vườn, kèm với bài thơ này để hồi đáp chủ quán trọ. Với hàm ý, hương thơm của hoa mơ vẫn y nguyên như ngày cũ, cũng như con tim ta không hề quên mối thâm giao. Tuy có thưa thớt viếng thăm, nhưng chân tình không vì thế mà lạnh nhạt. Đây là hình thức ứng đối tao nhã phổ biến trong giai cấp quý tộc thời Heian.

 

Nguyễn Thị Hải

Trong nguyên tác, tuy tác giả dùng chữ “ふるさと” có nghĩa là 古里、故郷、( cố lý, cố hương) nhưng thực ra không phải là quê tác giả, mà chỉ cố đô 奈良 Nara.

 

Về bài thơ 【むすぶ手の しづくに濁る 山の井の あかでも人に 別れぬるかな】, so nguyên tác với bản dịch của nhà thơ Vũ Hoàng Thư, cảm thấy người con gái trong thơ Kino Tsurayuki như còn vương bóng hình nơi đầu dốc, ngã rẽ, chỉ vừa khuất bóng, cái lưu luyến tiếc nuối như thể cơn khát không thỏa, như giọt nước lọt qua kẽ bàn tay còn ướt. Còn “em” trong bản dịch của nhà thơ Vũ Hoàng Thư như đã khuất biệt từ lâu. “Hạt li ti quện vờn bay sương mù” hay “của tin còn một chút này”, nên “ngàn suối đổ ví cho dù/chứa bao nhiêu chất đền bù nỗi lung/ khi em xa-ta không chung”. Thế giới này không còn “em”thì có gì đền bù được, mà mời gọi ta chung cùng được. Phải vậy không ạ nhà thơ? 🙂

 

Vũ Hoàng Thư

Thật hay! Một chi tiết nhỏ nhưng quan trọng, nếu không rành văn học Nhật thời đó có lẽ cũng không phát hiện ra. Ngay cả MacCauley, người tiên phong trong việc chuyển ngữ thi ca Nhật ở đầu thế kỷ trước vẫn nhầm lẫn giữa “cố lý” và “cố đô”! Cám ơn nhà thơ Nguyễn Thị Hải.

 

Vũ Hoàng Thư
Tuyệt! Có thể khi phân tích chi tiết thì thấy một hành động mới đây hay đã hoàn toàn xảy ra trong quá khứ. Nhưng trên phương diện cảm xúc, có lẽ không còn tùy thuộc vào thời gian nữa. Một mất mát vẫn là một niềm đau cho dù “đã có” hay “bây giờ có”. Nói cho cùng tôi đã mượn bài thơ của Tsurayuki để nói về sự hụt hẫng khi ta mất đối tượng, và đối tượng đó không nhất thiết phải là một người, nó có thể là một ước vọng, một mục tiêu, hay chân lý. Ta và Em như tôi nhắc đến ở phần trên trong bài tản mạn, “Và như thế Ta Em là một. Một là thái cực khởi đầu, uyên nguyên khoen vòng vô thủy”. Không ngờ từ bài thơ nhỏ nảy ra một thảo luận cũng nho nhỏ nhưng đầy kỳ thú, tuyệt diệu là vậy, phải cám ơn nhà thơ Nguyễn Thị Hải một lần nữa. Mong có nhiều dịp trở lại trong tương lai, đồng ý không?

 

Nguyễn Thị Hải

Mong chờ hạnh ngộ. Cảm ơn nhà thơ nhiều 🙂

 

Gió-O Hải Ngoại

Góp ý là hiện nay "Chưởng Môn Google" đang làm cái việc dịch sát nghĩa như nhà văn Nguyễn Thị Hải Hà nhắc đến, rất tốt. Tôi có theo dõi Google Translate từ thưở sơ khai cho đến nay . Nhận thấy Google càng ngày dịch càng tốt . Nhưng dĩ nhiên không thể hoàn hảo . Ví dụ trên Phây tôi thấy hiện tượng là nhiều bạn Việt Nam viết Gió Đông mà Google dịch là "East Wind". Nhưng tôi tin càng ngày máy dịch này sẽ càng hoàn hảo hơn . Thế thì phần còn lại là "Văn Chương" tức là "Hay" hay "Không Hay" như nhà văn Nguyễn Thị Hải Hà đặt tên vấn đề mà chúng ta đang thảo luận. Có một điểm vui vui là cả hai nhân vật chính trong cuộc thảo luận này là dân từ Logic Toán Học ra. Nhà văn Vũ Hoàng Thư tốt nghiệp "double E" EE, Electrical Engingeering , Kỹ sư Điện Toán . Và Nguyễn Thị Hải Hà tốt nghiệp Civil Engineering Kỹ Sư Công Chánh. Cả hai tốt nghiệp đại học Mẽo và hành nghề Kỹ Sư mấy chục năm nay trên đất Hoa Kỳ. (lth)

 

Gió-O Hải Ngoại

Phản hồi của nhà thơ Ngu Yên (2)

Chào anh VHT, (Vũ Hoàng Thư)

Những người bị đấm mà chưa gục, phải kể luôn ông bạn già Đoàn Minh Đạo (Vinh Doan ), anh này tuy né giỏi nhưng không khỏi bị sưng người. Bị đấm riết đâm ra chai. Da dày lên, gọi là thiết bì. Da trâu sợ gì gai góc.

Giá như những cú đấm biến thành những bàn tay vuốt ve. Nhất là bàn tay của khác phái, thì trời ơi, hay biết mấy.

Anh Thư, anh Đạo, nhớ không?

Năm 1950, một số nghệ sĩ từ Châu Mỹ Latin đổ xô về Châu âu để tìm hiểu văn học nghệ thuật thế giới, đang tề tựu tại thiên đàng Paris. Họ thành lập những nhóm báo chí, tạp chí, đài phát thanh...(chưa có mạng lưới.) Họ chuyển dịch hàng trăm ngàn tài liệu, tác phẩm văn chương nghệ thuật, đưa về quê nhà. Châu Mỹ Latin lúc đó chỉ có nên văn chương tụt hậu và mê tín. 10 năm sau, 1960, cuộc cách mạng văn học, văn chương bùng nổ trên toàn bộ Châu Mỹ , tạo ra những tên tuổi như Louis Borges, Pablo Neruda, Octavio Paz, Carlos Furntes, Isabel Allende, Gabriel Garcia Marquez, Gabriela Mistral, Julio Cortaza .... và những giải Nobel văn chương. Họ xây dựng Magic Realism, một phòng trào gây kinh ngạc cho cả tây phương và bắc Mỹ. Họ làm được, sao mình không làm được một phần tư? Chỉ cần được 25% thôi, đã thỏa mãn chịu đấm liên miên.

Nếu Gio-o chịu phát động phong trào dịch thuật, gửi văn chương nghệ thuật về thắp đèn đường ở quê hương, không chừng 20 năm sau sẽ có ánh sáng. Tiếc rằng, lúc đó, chúng mình đã mục nát không phải vì bị đấm mà vì quá đát.

Đã có website Wakapoetry.net cho biết thông tin, bài thơ From Cupped Hands trở nên khá rõ ràng. Chúng ta có thể mường tượng cảnh một lữ khách băng qua đường núi cao trong một buổi sương mù. Gặp một người khác bên con suối, trò chuyện một hồi, rồi ra đi. Ghi lại bài thơ cảm khái.

Bây giờ, đến phiên Ngu Yên bói: Bói sau có lợi hơn bói trước, Người về sau bói càng có lợi hơn. Có lợi nhất là bạn đọc.

Hai tay hứng

sương mây

trên núi bên dòng suối -

gặp nhau chưa đủ - từ giả bạn

tôi đi

Hoặc lời theo kiểu Việt:

Hai tay hứng sương mây trên núi

Gặp nhau bên dòng suối

Nói chưa cạn lời

từ giã bạn

tôi đi

Anh Thư và anh Đạo,

cùng bạn đọc,

khi nào rảnh rỗi, vào link này, chia sẻ với Ngu Yên về dịch thơ. Tóm lược một phần quan niệm về dịch thơ của NY ở đây.

Bây giờ, chúng ta chia tay:

Hai tay hứng

chữ

đối diện màn ảnh

gõ chưa cạn lời

từ giả bạn

tôi đi thăm vợ.

Thân mến

NY.

https://www.academia.edu/.../D%E1%BB%8Bch_Th%C6%A1_T%C3...

 

WAKAPOETRY.NET

Waka Poetry | 'Simply moving and elegant'

Waka Poetry | 'Simply moving and elegant'

 

Vinh Doan

Anh Ngu Yên ơi Chúc Mừng Năm Mới An Vui & Sáng Tạo.

 

Vũ Hoàng Thư

Hôm nay mới đọc được hết ý kiến của anh Ngu Yên, cô Nguyễn Thị Hải và chị Lê Thị Huệ trên Gio-O. Ngày hôm qua lang thang trên Phây chỉ thấy anh Vinh Doan trích lời cô Hải trên Phây anh ấy, không thấy những đoạn này trên Gio-O. Ở chỗ nhân gian không thể hiểu???... hihi...

Trước hết xin cám ơn cô Nguyễn Thị Hải với vốn liếng Hoa ngữ và Nhật ngữ thật phong phú đã soi thêm nhiều ánh sáng cho Thư tôi về bài thơ From Cupped Hands của Tsurayuki. Vì không biết tiếng Nhật, nói như anh Ngu Yên dịch thơ Nhật y như bói, sinh con đầu lòng không gái thì trai... haha...

Anh Ngu Yên,

Cám ơn mấy lời tâm sự của anh, tôi thật tâm đắc. Anh viết khi nào cũng rành rọt và duyên dáng!

Sau cùng không quên cám ơn chủ biên Gio-O cũng như chị Hải Hà đã khơi mở một cuộc thảo luận thật hữu ích cho cá nhân tôi cũng như bạn đọc.

Hai tay bắt

giữ con chữ

đã gặp. chưa gặp

lạ lẫm. thân quen.

thi ca

Chúc Mừng Mọi Nhà Năm Mới An Lạc !

 

Le Phuong Lan

Chúc mừng Năm Mới những tay viết tô thắm đời thường 🌹🎈

 

Vũ Hoàng Thư

Thanh kiu O PLan!

Năm Mới bui hí!

 

Top of Form

nguồn: https://www.facebook.com/gioohaingoai/posts/pfbid02Rnoq2FdZUEujNFwcu9tZ9fwScEeKGxT3qssoNa12TzUP6zpQS5Bv26Q2CNNF9xRhl

Bottom of Form