Ngu Yên & Vũ Tiến Lập

Các Đề Tài Trong Văn Học Hải Ngoại
đối thoại giữa 2 tác giả

 

Vũ Tiến Lập là bút hiệu và cũng là tên thật. Nguyên quán Thái Bình. Sinh ngày 8 Tháng 9 năm 1950. 

Cùng biến cố 30/4/1975 di tản và tị nạn đến Hoa Kỳ.

Khởi từ thời kỳ này tham gia sinh hoạt văn nghệ và sáng tác thơ.

Thường xuyên cộng tác với những tạp chí hải ngoại như: Gió Văn. Hợp Lưu. Văn (ký tên Vũ Mộng Hà) và Văn học. Các Website như: Gió O. Chim Việt Cành Nam.

 

Tác phẩm đã xuất bản:

Tạp Ghi Thơ. Gió Văn xuất bản 2006.

Giữa Đất trời Giao Hưởng.  Viết với nhiều tác giả do Hồ trường An biên soạn Gió Văn xuất bản 2008.

Núi Cao Vực Thẳm. Viết với nhiều tác giả  do Hồ trường An biên soạn. Tiếng Quê Hương xuất bản 2010

Cảo Thơm Lần Giở.  Nhận định văn học. Viết với nhiều tác giả  do Hồ trường An biên soạn. Tổ hợp miền đông Hoa Kỳ xuất bản 2015.

 

Ngu Yên sinh năm 1952 tại Bình Định . Từng có thời gian theo học ở một tu viện ở Nha Trang hòng trở thành linh mục Công Giáo.nhưng chỉ vài ba năm thì rời bỏ tiểu chủng viện. 
Trước 1975 theo học ở đại học Luật Khoa Sài Gòn.
Năm 1975 rời Việt Nam cùng với người yêu Ngọc Phụng và sau này thành uyên ương vợ chồng. Tỵ nạn tại Hoa Kỳ từ năm 1975.

Ngu Yên là cây sáng tác khỏe nhất trong số các cây viết Hải Ngoại. Từ thơ, văn, nhạc, sang đến ký, nghiên cứu, dịch thuật

Đã xuất bản một con số kỷ lục là 111 tác phẩm do các nhà xuất bản như Nhà sách Văn Nghệ, Amazon, Barnes & Noble, Acdemia: ebooks .

Phong phú về khả năng phô diễn nên con đường sáng tạo của Ngu Yên khá đa dạng. Đặc biệt trong lĩnh vực âm nhạc Ngu Yên tạo được một đường nghệ thuật khá lả lướt tuy anh chưa cho phép ca sĩ phổ biến nhiều bài hát của anh.

 

Vũ Tiến lập:  Thấm thoát đã 50 năm. Chúng ta là những chứng nhân trải nghiệm từ những biến chuyển của thân phận, văn hoá cũng như ngôn ngữ. Nhìn lại đoạn đường dài đã đi qua chắc hẳn chúng ta cũng ngậm ngùi cho thân phận người Việt Nam nơi đất khách. Và trong 50 năm qua có khá nhiều những thi văn nhân đã tạo được tên tuổi trong văn chương hải ngoại. Anh có những nhận xét gì về những giá trị mà họ đã đóng góp?

Ngu Yên:  50 năm qua, những đóng góp của các nghệ sĩ sáng tác ngôn ngữ Việt hải ngoại có giá trị như thế nào? Một câu hỏi bao quát cho phép tôi tạm thời chia ra bốn diện lăng kính.

Nhưng trước hết, cho phép tôi trình bày về vị trí tôi đang nhìn bốn mặt văn chương văn học kia. Tôi gia nhập dòng văn chương hải ngoại vào năm 1978, Từ số bốn của tạp chí Văn học Nghệ thuật bộ cũ do Võ Phiến và Lê Tất Điều chủ trương. Trong số 4 tôi gửi bài thơ “Những Đêm Dài Của Mẹ”, tên “Ngh. L.” Số 5, bài thơ “Cuối Tuần Sống Lại”, ký vô danh. Từ đó, tôi cộng tác thường xuyên dưới tên Ngh. L. Tên Ngu Yên, mãi về sau mới sử dụng.

Là một trong số người viết từ hải ngoại, nghĩa là không chính thức viết trước tháng 4 năm 1975, tôi gắn bó với dòng văn chương này cho đến nay. Mặc dù, không thể đọc hết mọi văn bản hải ngoại, một khối chữ nghĩa khổng lồ, nhưng trong cuộc và theo dõi thường xuyên cho tôi những cảm nhận vui buồn, hy vọng, thất vọng đầy cảm giác về dòng văn chương này.

Bốn diện mà các văn thi sĩ hải ngoại đã đóng góp và cấu thành dòng văn chương ngôn ngữ Việt, một dòng chảy song song với dòng văn chương quốc nội, là

1-   Diện tác giả. Bao gồm những nghệ sĩ thành danh hoặc đã xuất hiện trên văn đàn trong nước trước tháng 4 năm 1975 và những nghệ sĩ xuất hiện sau thời điểm này ở hải ngoại, hầu hết từ Hoa Kỳ và Âu Châu.

2-   Diện cơ sở. Bao gồm các tạp chí văn chương và các nhà xuất bản văn học.

3-   Diện mạng lưới. Rất nhiều mạng lưới văn chương-nghệ thuật và những mạng lưới bán văn chương-nghệ thuật, không thể kiểm nhận, tôi chỉ xin nêu lên vài mạng lưới nổi bật, có khả năng qui tụ nhiều cây viết giá trị, và có đời sống lâu dài. Ví dụ thuần túy về văn chương như Gió-o, Da Màu. Mạng văn chương và chính trị như Talawas.

4-   Diện độc giả. Đây là yếu tố quan trọng nhất, đóng vai trò sinh tử cho dòng văn chương hải ngoại, không kém gì trọng lượng của vai trò tác giả.

Nếu anh thoả thuận với tôi rằng có sự khác biệt giữa văn học và văn chương, mà thường xuyên bị sử dụng lẫn lộn. Văn học có nghĩa là liên quan đến hoặc kết nối với việc sáng tác, nghiên cứu hoặc đánh giá văn chương (Literary means concerned with or connected with the writing, study, or appreciation of literature.) Nói một cách khác, văn chương là đối tượng của văn học. Trong tinh thần thỏa thuận này, dẫn tôi đến kết luận: Hải ngoại có một thời văn chương bùng sáng nhưng vì thiếu cập nhật văn học sáng tác nên dòng chảy trở nên âm u. Nếu không có gì biến chuyển, có lẽ, dòng chảy văn chương tiếng Việt sẽ cạn tắt.

 

Vũ Tiến lập: Ý anh nói cập nhật văn học sáng tác là như thế nào?

Ngu Yên: Ý tôi là đa số người Việt sáng tác tiếng Việt cho người Việt đọc. Ít nhà văn nhà thơ Việt sáng tác tiếng Việt cho thế giới đọc. Hai tâm thức, hai mục đích, dẫn đến hai tìm hiểu, học hỏi, khai phá, sáng tạo khác nhau. Cứ xem trường hợp nhà thơ Szymborska với ngôn ngữ Ba Lan và nhà văn Han Khang với ngôn ngữ Hàn làm ví dụ. Muốn sáng tác so vai với thế giới, phải biết thế giới sáng tác ra sao, họ thể hiện điều gì ở mức độ giá trị văn chương. Và chúng ta, người viết, có gì thể hiện cho thế giới. Ý tôi, phần này chúng ta thiếu.

 

Vũ Tiến lập: Anh theo dõi ngay từ đầu, anh có thể cho biết  những thời kỳ biến chuyển của dòng văn chương này như thế nào?

Ngu Yên: Như anh đã đọc, đã có rất nhiều người viết về những thời kỳ này theo mốc thời gian, một loại lịch sử văn chương ngắn. Trong đó, bài viết của nhà phê bình Thụy Khuê “Hai muơi lăm năm văn học Viêt Nam hải ngoại, 1975-2000,” có vẻ như đầy đủ nhất về những khái niệm căn bản lúc ban đầu. Theo bà, có ba thời kỳ:

Thời kỳ phôi thai từ 1975 đến 1981,

Thời kỳ phát triển từ 1982 đến 1990,

Thời kỳ hòa hợp từ 1991 đến 2000.

Dựa trên cách đánh giá phẩm lượng và giá trị, theo tôi, dòng văn chương này chia làm hai thời kỳ:

Thời kỳ phát huy và bùng nổ, 1975 đến 1995.

Thời kỳ suy thoái, 1995 đến hiện nay.

Thời kỳ đầu từ lúc cất cánh đến đỉnh ánh sáng được xây dựng bởi nỗi hờn lưu vong, hoàn cảnh tị nạn và lòng thưong nhớ quê nhà. Những động lực này đều dữ dội và hiệu quả, đã từng chứng minh sự thành tựu văn chương của nhiều dân tộc có cùng định mệnh.

Tuy những đề tài và nội dung phù hợp thời thế, thành công thu hút sâu rộng tình cảm người đọc, nhưng xét về văn học, nghệ thuật và kỹ thuật, chỉ là sự nối dài từ năm 1975. Ngay cả sự đóng góp của văn chương hòa hợp, dẫn đầu bởi tạp chí Hợp Lưu, vẫn chỉ là tường thuật và mô tả hiện thực, dẫn đầu bởi tâm lý cá nhân và tâm lý xã hội, trong bối cảnh phức tạp và khó khăn của chính trị và xã hội. Hầu như, chúng ta không thấy một tác phẩm nào nổi bật ra ngoài khung viên đó. Tôi không nhớ có một nghiên cứu hoặc phê bình nào về hội nhập sáng tác với văn học thế giới trong thời kỳ này.

 

Vũ Tiến lập: Tôi nghĩ là có. Có thể chúng ta chưa được dịp may mắn để đọc.

Ngu Yên: Vâng, có thể là vậy. Như anh đã biết, không có ngọn lửa nào, dù mạnh mẽ, lan tràn cách mấy, rồi cũng sẽ tàn rụi vì thiếu tiếp liệu. Nhiệt huyết sáng tác cũng vậy. Khi người lưu vong, tị nạn, vượt biên bắt đầu bị ràng buộc vào đời sống mới, lạ lẫm, nhiêu khê, ngập ham muốn; khi người tưởng mất quê hương có thể trở về quê quán, từ từ dễ dàng như đi chợ, thì những động lục nung nấu sáng tác nguội dần, tâm sự chia sẻ của người đọc cũng giải tỏa vào những xu hướng khác. Dòng văn chương hải ngoại bắt đầu suy thoái.

Như anh thấy, các thế hệ tiếp theo, đa phần thành công, nghĩa là chìm vào tiện nghi và hưởng thụ vật chất, chuyện văn chương tiếng Việt càng lúc càng hững hờ.    

Tôi mong đợi có thời kỳ thứ ba của sáng tác việt ngữ. Một thời kỳ có ý thức văn học, có ý muốn mang văn chương Việt vào thế giới, có ý chí tu tập trên tài năng thiên phú. Không cần phải sáng tác bằng Anh ngữ. Cứ xem trường hợp nhà thơ Szymborska với tiếng Ba lan, nhà văn Han Kang với tiếng Hàn, đuợc thế giới nhận biết và ngưỡng mộ. Và có lẽ, thời kỳ này kết hợp trong và ngoài nước Việt.

 

Vũ Tiến lập: Vừa rồi anh có phân tích bốn diện ảnh hưởng đến văn chương hải ngoại. Theo tôi, diện tác giả và diện độc giả là quan trọng. Như vậy, trong thời kỳ suy thoái, nghĩa là, hai diện tác giả và độc giả không đóng góp như trong thời kỳ phồn thịnh, theo anh, ai là vai chính tạo ra suy giảm?

Ngu Yên: Anh nói đúng, sự suy thoái của dòng văn chương hải ngoại chủ yếu là do đồng phạm tác giả và độc giả. Một liên hệ hổ tương tạo ra hiệu quả giảm sút.

Sau khi những tác giả bản lãnh tên tuổi từ trong nước ngưng viết hoặc lần lượt qua đời, những tác giả mới ở hải ngoại không thay thế được vị trí văn học của họ, dù vị trí văn chương không phải thua sút, nhưng vì sự đánh giá của độc giả, hầu hết khả năng thưởng ngoạn chung tuân theo thói quen và những tiêu chí giá trị cũ, khiến họ không mấy ủng hộ tác phẩm và tác giả mới.

 

Vũ Tiến lập: Anh cho rằng tác giả và độc giả cùng chịu trách nhiệm, nhưng chắc hẳn phải có một bên gánh nặng hơn chứ?

Ngu Yên: Nếu phải đi sâu vào vấn đề này, tôi nghĩ, nhiệm vụ của tác giả là hướng dẫn người đọc và làm sao  cho người  đọc thích thú với văn chương theo từng cấp độ từ bình dân đến bác học. Trong lập luận này, tác giả đã không thành công. Phần lỗi nhiều hơn bên sáng tác.

 

Vũ Tiến lập: Nghĩa là sao?

Ngu Yên: Khi tình thế và tinh thần của cộng đồng người Việt hải ngoại thay đổi từ tình trạng và tâm sự tị nạn, vượt biên, qua đến di trú, di dân; từ ám ảnh thương nhớ quê nhà qua hội nhập đời sống mới và ngụp lặn trong thất bại thành công, văn chương không đuổi  kịp, không thỏa mãn nhu cầu cho người đọc.

Quan trọng hơn, đời sống thay đổi, nghĩa là văn hóa thay đổi, những tiêu chuẩn giá trị thay đổi, những thay đổi này đòi hỏi văn học phải thay đổi, tư tưởng thay đổi, để có khả năng mang đến những tác phẩm phù hợp với tâm trí hội nhập và các thế hệ trẻ. Hầu hết những tác phẩm xuất hiện không thể hiện mức độ cập nhật. Nếu người đọc cứ phải tiếp tục đọc những khuôn mẫu kéo dài từ trước năm 1975, từ nội dung đến hình thức lỗi thời, tất nhiên họ sẽ cảm thấy nhàm chán và xa lánh văn chương. Tình trạng suy thoái khởi đầu là do tác giả rồi độc giả tiếp tay, một hiệu quả hổ tương.

 

Vũ Tiến lập: Anh có thể cho một ví dụ không?

Ngu Yên: Cứ trả lời những câu hỏi như, 50 năm qua, trong văn học văn hóa toàn cầu, văn học của văn chương hải ngoại phát triển như thế nào? ở tốc độ nào? Và đạt được bao nhiêu? Cho đến giờ phút này, không phải không có người đọc, mà không có tác phẩm họ muốn đọc. Số người đọc đi tìm đọc sách dịch, truyện dịch, ngày càng tăng.

 

Vũ Tiến lập: Có lẽ, anh nên giải thích rõ hơn vì bất kỳ sự suy thoái nào cũng có nhiều nguyên nhân xa gần phức tạp. Như sự suy thoái của văn chương Magic Realism đã được phân giải qua hàng ngàn trang sách trong nhiều thập niên trước.

Ngu Yên: Đúng vậy. Tôi xin cưỡi ngựa điểm hoa như thế này: Cá tính Việt chung của người đọc và người viết: nghi ngờ những gì mới lạ về mặt tinh thần, trong khi rất ham thích những mới lạ trong vật chất. Vì vậy, hầu hết tác giả và độc giả ngập ngừng, trì trệ trước văn chương cần hội nhập và văn học cần phát triển.

Đồng thời, có ba trường hợp cần xem xét:

1-   Đối với tác giả: Trong khi các động lực, động cơ sáng tác mất dần sức mạnh vì tình thế chính trị và tình hình tị nạn, vượt biên, lưu vong biến đổi sang di dân di trú, mà sáng tác chưa tìm ra con đường mới, phong trào mới để cập nhật văn chương. Dẫn đến việc nội dung, ý tưởng, nhất là hình thức diễn đạt, quá quen thuộc, nhàm chán, không còn khả năng khích thích, gây thú vị cho hàng loạt độc giả. Những người đang hiểu rõ sức bận rộn căng thẳng trong đời sống mới.

2-   Độc giả lẫn tác giả, nói chung, người Việt hải ngoại, từ vị trí hầu hết trắng tay, tham gia vào một nơi đầy kho của cải, mấy ai không tích cực ngày đêm cố gắng tạo dựng cơ đồ và mở đường cho con cái về hướng “giàu có” “danh vọng” trong tương lai. Mấy ai cón có thời giờ, nhất là tâm tình, tâm trí, theo dõi, phát huy văn chương hải ngoại?  Nếu có, thế hệ thứ nhất còn một ít. Thế hệ thứ hai, quá ít. Thế hệ thứ ba, tiếp cận con số không. Lý thuyết giá trị tinh thần cao hơn giá trị vật chất khó thực hành khi bản năng thúc gịục lòng ham muốn; khi bản ngã xác nhận: sống để ăn.

3-   Từ năm 1980, khi nhà nước Cộng sản mở cửa văn hóa, một số tác phẩm trong nước được đưa ra hải ngoại và dòng văn chương hợp lưu phát triển, tạo ra một hiện tượng văn chương lạ lẫm, người ngoài nước, người miền nam, chưa quen văn chương và phong cách bắc hà. Sự thích thú này dẫn đến việc đàn áp văn chương đang hiện diện. Tuy nhiên, sau một thời gian ngắn, văn chương nam bắc đều yếu lực vì hai nguyên nhân đã trình bày trước.

 

Vũ Tiến lập: Anh cho rằng văn học hải ngoại trì trệ nên chúng ta không có văn chương so sánh với thế giới?

Ngu Yên: Nói chung, nhận xét với sự thông cảm rằng chúng ta không có đủ tài liệu để xác nhận minh bạch, tôi xin đưa ra ngay kết đề: Hải ngoại có văn học diễn giải, mà ít văn học tự thức.

Như anh biết, văn học, phần lớn đến từ nghiên cứu và phê bình. Trong giai đoạn đó chúng ta có một ít nhà phê bình, tôi chỉ xin nêu tên theo tính cách đại diện và nêu tên theo thứ tự A,B,C, của tên họ không theo thứ tự cấp bậc hoặc mức độ quan trọng. Đó là nhà phê bình Bùi Vĩnh Phúc, Nhà phê bình Nguyễn Hưng Quốc, Nhà phê bình Thụy Khuê, vân vân. Mỗi người mỗi vẻ, ông Bùi Vĩnh Phúc có những nhận xét tinh tế và dí dỏm, đôi khi mỉa mai. Ông Nguyễn Hưng Quốc nổi bật với những lý luận chặt chẻ đầy thuyết phục. Bà Thụy Khuê là một kho tài liệu, đọc bài viết của bà, luôn luôn thu thập thêm một số kiến thức chưa biết. Cả ba đều nghiên cứu, bình giải và phê phán tác giả, tác phẩm, học thuyết, phong trào văn học, mang lại nhiều hiểu biết cho giới thưởng ngoạn.

Điều mà tôi ít thấy, đó là phê bình tự thức. Tức là nghiên cứu và phê phán sáng tác về ý thức sáng tạo trong văn học thế giới. Tôi thấy có nghiên cứu, phê phán sáng tác, kỹ thuật và nghệ thuật, qua các bài viết về tác giả, tác phẩm của các nhà phê bình hải ngoại, cưu mang văn học Việt. Văn chương phát triển đa diện, đa phương là nhờ văn học nghiên cứu, phê phán, những học thuyết mới và những thực hành cập nhật.

Vì văn học hải ngoại không có nhiều mới lạ, không tiếp thu, hội nhập những ưu điểm của văn học thế giới, nên sáng tác vẫn thường xuyên thể hiện trong lề lối truyền thống Việt, dần dần quá quen thuộc, kém hấp dẫn. Đưa đến tiền đề: Ảnh hưởng văn học thế giới trên văn học hải ngoại như thế nào?

 

Vũ Tiến lập:Trong gần 2 thập niên qua đã có một ít tác phẩm về truyện ngắn theo cấu trúc hậu hiện đại nhưng pha trộn khoa học giả tưởng, khoa học viễn tưởng hoặc pha lẫn thể loại Kỳ ảo (fantastic fiction), và thể loại Tự Thức (metafiction, siêu hư cấu). Có nghĩa là đưa những sự việc không thể có vào truyện mang tính hiện thực, hóa ảo những hiện thực, hoặc truyện viết về tính hư cấu của chính nó . Những thể loại này hầu như thách thức với người viết cũng như người đọc. Theo anh những loại truyện mang tính chất nêu trên có phải là những thử nghiệm của tác giả? và liệu nó có mang đến ý nghĩa và thay đổi cách nhìn về sự cấu trúc những câu chuyện huyễn hoặc?

Ngu Yên: Để trả lời câu hỏi này, chúng ta nên duyệt sơ qua bản chất của kể chuyện và dựng truyện thay đổi theo đời sống qua từng thời đại. Chính xã hội và con người thay đổi khiến cho văn chương thay đổi theo để phù hợp. Nhà văn, nhà thơ, nói chung là nghệ sĩ, họ nhạy cảm và khám phá những cách thức diễn đạt để vạch ra những vấn đề phức tạp trong quá trình thay đổi đó. Riêng về truyện văn học, chú trọng hơn về nghệ thuật thẩm mỹ,  được khám phá khởi đầu bằng hiện thực, lúc đó, truyện như tấm gương phản ảnh đời sống. 

Đến cuối thế kỷ 19 sang thế kỷ 20, hiện thực không còn khả năng bày tỏ những khát vọng và vấn nạn của con người, truyện không còn dừng lại ở mặt gương soi mà vượt qua để diễn đạt những gì sau lưng tấm gương. Nói một cách khác, với những tư tưởng mới lạ về nguồn gốc con người của Charles Darwin, về tâm lý vô thức của Sigmund Freud, về xã hội kinh tế của Karl Max, về ngôn ngữ của Ký hiệu học, của cấu trúc luận và sự tiến bộ của khoa học, dẫn đến việc sáng tạo mở rộng đào sâu hơn về khả năng tưởng tượng.

Sau đó, hai trận thế chiến đã khiến con người sâu sắc hơn về bản thân và lối sống, những mất mát, tàn phá, tử vong, khiến con người mất niềm tin, lạc lõng, dẫn đến truyện hư cấu càng lúc càng gia tăng tưởng tượng tìm đến những thế giới khác, con đường khác để thỏa mãn sự tồn tại bấp bênh của đời sống thực. Với sự xuất hiện của triết gia Jean-Francois Lyotard, Jurgen Habermas,  Jean Baudrillard, Jacques Derrida,  thuyết phục về sự thật đã mất tích, mất nguồn gốc, sự giả tạo trở thành sự thật.

Từ những thay đổi xa gần này, truyện và tiểu thuyết biến hóa theo, những thể loại chính được ghi nhận trong văn học tây phương là truyện kỳ ảo (fantastic fiction), truyện tự thức (metafiction), truyện Hóa ảo hiện thực (Magisrealism), truyện giả tưởng (phần chính là khoa học giả tưởng, science fiction) và mới nhất là phong trào trở về hiện thực nhập thế, đối đầu, vạch trần, chống cự ... với những bất bình, bất mãn trong kiểu sống phi mã theo tiến bộ khoa học và nhất là tiến bộ điện tử.

Nhìn sơ lược như vậy, có thể nói những thay đổi tất yếu này với ý thức hiện hữu phải xảy ra trong đời sống, trong nghệ thuật, trong văn học để bảo vệ và phát triển sự tồn tại của con người, bao gồm tác giả, độc giả. Chắc chắn sẽ còn nhiều thay đổi trong tương lai, một tương lai đầy nghi ngờ và kỳ vọng, đó cũng là một trong lý do chính tại sao truyện khoa học giả tưởng, khoa học viễn tưởng đang bắt đầu thịnh hành, dù đã xuất hiện từ thế kỷ trước. Và câu hỏi của anh dẫn đến câu hỏi khác, trong quá trình thay đổi biến hóa này, văn chương tiếng Việt nằm ở đâu?

 

Vũ Tiến lậpĐã lâu lắm, dường như dịch thuật gần như không thường xuyên có mặt. Trước đây chúng ta có Học giả Nguyễn Hiến Lê. Nhà thơ Diễm Châu ( Tôi quên mất Họ của ông). Thi sĩ Bùi Giáng, Nữ sĩ Phùng Khánh (Ni Sư Trí Hải.) Nhà văn Phạm Công Thiện và nhà văn Hoàng Hải Thủy v.v... Bây giờ, chúng ta có thêm kỹ thuật và nhiều phương tiện (software) giúp cho vấn đề chuyển ngữ dễ dàng hơn, thế nhưng vẫn chưa thấy nhiều kiệt tác của những Thi Văn sĩ vĩ đại của thế giới xuất hiện. 

Tại sao vậy? Có phải dịch thuật không tạo được đam mê cho dịch giả? Hay còn thiếu những yếu tố để khắc phục, hoặc những  khúc mắc nào đó đã cản trở sự sáng tác của người dịch? 

Ngu Yên: Anh cũng biết, dịch thuật là công việc khó khăn, đôi khi khó hơn cả sáng tác, nhưng không được đáp trả, bù đắp một cách xứng đáng. Cho đến nay, một số lớn thưởng ngoạn vẫn xem dịch thuật là một dòng văn học tầm gửi, dòng thứ hai đi song song và kém hơn sáng tác. Nói một cách khác, không có văn học chính thức thì không có văn học dịch, vì vậy dịch giả sống nhờ tác giả.

Quan niệm này ở tây phương đã thay đổi vào khoảng thập niên 1980, văn học dịch được nâng lên ngang hàng với văn học sáng tác vì quan điểm dịch theo những học thuyết cập nhật, dịch là sáng tạo, nhất là thơ. Rồi từ khi văn học khoanh vùng trở thành văn học thế giới, văn hóa địa phương trở thành văn hóa toàn cầu, qua internet và các phương tiện điện tử, nghệ thuật dịch được xem trọng vì khả năng tiếp cận giao tiếp của nhiều ngôn ngữ; vị trí dịch giả được đánh giá cao và cao hơn bình thường, đôi khi cao hơn tác giả, vì qua họ mà tác giả được thế giới biết đến. Chẳng phải hầu hết các tác giả tiếng Việt đều mong muốn tác phẩm mình được dịch ra tiếng ngoại, nhất là tiếng Anh, tiếng Pháp, bởi một dịch giả tên tuổi?  

Anh thấy đó, dịch thuật Việt hầu hết vẫn theo truyền thống từ lúc văn học Pháp đô hộ truyền lại. Chúng ta ít quan tâm tại sao dịch thuật thay đổi, tại sao nghệ thuật dịch không diễn đạt được văn bản gốc? Dịch sát và đúng văn bản gốc chưa hẳn là dịch đúng cho sự thu nhận của người đọc, dịch giả chưa hẳn phải trung thành với tác giả? vân vân. Từ hai thập kỷ cuối của thế kỷ 20 sang thế kỷ 21, nghệ thuật dịch, kỹ thuật dịch thay đổi khá nhiều. Ngay cả việc dịch Kinh Thánh là việc làm truyền thống nhất, kỷ luật nhất, mà cũng có nhiều thay đổi từ ngôn ngữ qua cách chuyển hóa theo văn hóa địa phương. 

Nói theo chủ nghĩa phê bình mới, dịch nội tại, tức là cách người đọc hiểu bài thơ là chuyển dịch ngôn ngữ bài thơ đó theo sở học và sở thích của bản thân; việc này đã khó, hiểu tường tận một bài thơ không phải dễ. Một bài thơ có thể hiểu dễ dàng, thường không phải là bài thơ có giá trị. Bước thêm một bước là dịch bài thơ ra ngôn ngữ ngoại, anh có thể thấy ngay, sự khó khăn tăng lên bội phần. Cho đến hôm nay, vẫn không ai dám tự hào về việc dịch thơ, họ phải làm vì đó là việc cần thiết cho văn học của họ. Có lẽ từ những phức tạp này mà một số dịch giả và tác giả đồng ý rằng dịch là sáng tác.

Tôi là người hưởng ứng về sự dịch qua máy điện tử, mặc dù, vẫn còn thô sơ và sai lầm, nhưng những "robot" dịch đến nay chỉ là những đứa trẻ tiểu học. Cho thêm thời gian để chúng thi đậu bằng cử nhân, tiến sĩ, lúc đó, chúng sẽ giải quyết nghệ thuật và kỹ thuật dịch một cách kinh ngạc hơn. Thay vì chống lại tiến trình điện tử dịch, chúng ta nên quan sát, theo dõi, thử nghiệm, không hại gì, chỉ có lợi cho sự hiểu biết. 

 

Vũ Tiến lập: Ngôn ngữ, chữ nghĩa là để truyền đạt cho tư tưởng. Thế nên đối với dịch thuật đòi hỏi người dịch phải nhạy cảm, giàu có chữ nghĩa và khả năng tiếp cận những ý tưởng nguyên bản, nếu không bản dịch sẽ trở nên kém trung thực và mất ý nghĩa.  Anh  là một dịch giả có nhiều kinh nghiệm về dịch thuật, vậy theo anh cốt lõi của dịch thuật là gì? Làm thế nào để người dịch có thể chuyển ngữ một văn bản tương đối được hoàn hảo?

Ngu Yên: Cá nhân tôi thử nghiệm nhiều lối dịch khác nhau, nhiều trường phái dịch khác quan điểm, bao gồm cả quan điểm dịch của máy điện tử. Theo tôi, tài năng dịch khởi đầu bằng khả năng phân tích và cảm nhận văn bản gốc. Quá trình này liên quan đến nhận thức và siêu nhận thức. Khả năng này của mỗi người dịch khác nhau, vì vậy ít khi có hai bản dịch giống nhau dù từ hai sư phụ dịch giả. Tiếp theo là tài năng tái tạo ngôn ngữ gốc qua ngôn ngữ dịch. Quá trình này đòi hỏi khả năng ngôn ngữ của cả hai văn bản gốc và dịch. Kỹ thuật trong gia đoạn này rất quan trọng, làm thế nào để giữ văn phong của tác giả? Giải quyết như thế nào khi văn phong của tác giả qua ngữ pháp và cú pháp của họ không dễ hiểu khi chuyển qua ngôn ngữ dịch? Khi đứng trước lựa chọn giữa trung thành với tác giả hoặc tái tạo văn hóa gốc thành văn hóa dịch có lợi cho độc giả, dịch giả nên làm gì?

Rốt ráo, câu hỏi của anh: Cốt lõi của dịch thuật là gì? Thế giới hiện nay có ba câu trả lời. 1- Dịch theo tác giả. 2- Dịch theo sở học sở thích của dịch giả. 3- Dịch theo độc giả. Mỗi câu trả lời đều thiếu và sơ hở. Họ vẫn còn tranh cãi. Mỗi dịch giả đi mỗi hướng. 

Tôi chọn và thử nghiệm dịch: Vì không thể theo tác giả một cách mù quáng, nhưng không thể không xem trọng văn bản gốc và những bí ẩn bên trong cùng với văn phong diễn đạt bên ngoài; vì không thể không luyện tập cho bản thân những khả năng cần thiết để dịch, nhất là, dịch thuật không chỉ cần khả năng mà cần thêm ý chí; vì không thể không thỏa mãn độc giả trong ngôn ngữ dịch, dù một văn bản văn học hay đến mức nào, nếu người đọc không hiểu, thì văn bản dịch sẽ vô ích; vì tìm tòi trong những lý do đó, tôi chọn dịch thử nghiệm theo lý thuyết "Thường Thấm Thấu."

 

Vũ Tiến lập: Lý thuyết “Thường Thấm Thấu”, tôi mới nghe lần đầu. Là như thế nào? Anh có thể giải thích thêm không?

Ngu Yên: Vâng. Tóm lược như thế này.Trong bất kỳ lời nói hoặc ngôn ngữ viết nào cũng đều có ba loại câu. Câu là đơn vị hoàn tất của viết, đọc và dịch. Câu “thường” là câu dễ hiểu, dễ viết và dễ dịch, ví dụ như “Chiều thứ Bảy, chúng tôi đi nghe nhạc hòa tấu.” Câu “thấu” là đối tượng của trực giác. Nghe là hiểu xuyên qua chữ. Ví dụ như những câu tục ngữ, ca dao; những câu mang ngộ tính như lời thiền, vân vân. Câu thấu thường phát sáng từ vô thức. Câu “thấm” là câu khó, ngụ ý khó hoặc diễn đạt khó. Phải suy gẫm, phải lý luận, là đối tượng của tri thức.

Một bài viết được xây dựng hầu hết bằng câu thường. Nếu có trình độ sinh ngữ trung bình, ai cũng có thể dịch. Tôi thường dùng lập trình để dịch các câu này. Tiết kiệm nhiều thời giờ và để tâm sức dịch câu thấm.  Câu Thấu, dịch bằng cách tìm câu ca dao, tục ngữ tương đương hoặc giải thích ra thành câu thường hoặc bằng ghi chú. Câu thấm là câu mà người dịch phải tốn nhiều công sức, đôi khi phải dịch đi dịch lại cho phù hợp với cú pháp và văn hóa dịch. May mắn, câu thấu và câu thấm ít xuất hiện trong một văn bản văn học bình thường. Thơ, triết học, văn phong đặc biệt, thường có nhiều câu thấm, do đó khó dịch trơn tru và biểu cảm.

Dịch kết hợp với máy dịch là một kỹ thuật, nghệ thuật mới, cần nhiều nghiên cứu. Máy và người từng cộng tác nhau thành công như nồi cơm điện, máy lám bánh, những hợp tác tương tựa hiện diện khắp nơi, đc biệt thành công lớn trong lãnh vực y khoa và thị trường chứng khoán.

 

Vũ Tiến lập:   Anh có quan điểm gì về Triết học trong văn chương Hải Ngoại?

Ngu Yên: Tôi nghĩ, nếu chúng ta khái niệm triết học trong nghĩa hẹp, nghĩa chính thức, thì văn chương hải ngoại ít quan tâm về việc trình bày triết học hoặc triết thuyết dù là ngụ ý trong tác phẩm, nhưng chúng ta có đầy dẫy nhân sinh quan đời sống trong thơ nhạc truyện, kể cả hội họa. Dường như, truyền thống chung của người Đông phương, Á châu, không mấy quan tâm đến học thuyết mà quan tâm đến sống theo một lối nhân sinh nào đó. Ngay cả những học thuyết lớn như Phật giáo, Khổng giáo, Lão giáo, Ấn độ giáo, vân vân, đều trở thành đạo. Đạo để hành xử. Không thao thức, khơi dậy nhiều câu hỏi lớn như triết học tây phương.  Vì vậy, tác phẩm của hầu hết văn chương Hải ngoại cưu mang và lập lại những nhân sinh quan truyền thống, hành xử không mấy thắc mắc. 

Một vài nhà văn thuộc thế hệ trẻ hơn đã bắt đầu mang những học thuyết tây phương vào tác phẩm có giá trị như "Ngôi Nhà Sau Lưng Văn Miếu" của Trần Vũ. Phân tâm học cho thấy nhân vật tôi và nhân vật Lài  là một người trong cảnh phân thân. Nhân vật thầy, nhân vật cụ cố là hai con bệnh tâm lý bởi động lực tình dục. Gần đây, cuốn tiểu thuyết "AI" của Đặng Thơ Thơ mang quan điểm mất tích của phái Hiện sinh Jean-Paul Sartre qua nhân vật người con và dựng cảnh Clone, một khoa học đang phát triển, để tạo ra câu hỏi, nếu có thể clone một người nhiều lần thì người gốc mất tích có thực sự là điều quan trọng? Đánh động suy nghĩ của tôi, nếu có thể clone người thì phải chăng Thượng Đế cần mất tích? Tôi chỉ dẫn chứng đơn giản để chúng ta nhìn thấy tác phẩm và tác giả của thế hệ xuất hiện thuần túy bên hải ngoại có điểm khác biệt và sâu sắc khác với các thế hệ lớn tuổi, kéo dài văn chương từ trước 1975. 

 

Vũ Tiến lập: Dưạ theo những nhận định phê bình của Nhà văn Thụy Khuê cũng như của Anh thì văn chương hải ngoại đang trong thời kỳ suy thoái. Tuy nhiên phải có một đáp án, hoặc những phương cách nào đó có thể duy trì và tập hợp đẩy dòng văn chương này tiếp tục tiến tới huy hoàng chứ? Nếu không nó sẽ bước vào tuyệt lộ. Liệu nó phải trở về nguồn hoà nhập vào dòng văn chương quốc nội nếu không muốn bị bỏ rơi?

Ngu Yên: Tôi chắc chắn rằng, văn chương tiếng Việt hải ngoại đã là văn chương Việt Nam, đã keo dính tạo thêm phong phú cho lịch sử văn chương, văn hóa dân tộc.

Về mặt đáp án, văn chương và văn học hải ngoại có cơ hội đóng góp nhiều tâm trí quan trọng. Dù có sự mở rộng vào thế giới do internet và những mạng xã hội như facebook, blogs, vân vân, khả năng sinh ngữ và lề lối kiểm soát của nhà cầm quyền Hà Nội làm trì trệ, giam hãm, sức tiến bộ của người dân và những nhà chuyên môn. Ở hải ngoại, người Việt giỏi sinh ngữ rất nhiều, lại hoàn toàn tự do sử dụng không gian điện tử vô tận, có thể chuyển tải những tài liệu, những suy tư, những sáng tác, những sáng tạo từ ý thức văn học toàn cầu và đa văn hóa. Như số đông học giả và nghệ sĩ Châu mỹ Latin đã chuyển tải ưu điểm văn học văn chương thế giới về quê nhà, gây ra sự bùng nổ văn chương văn hóa ở Châu mỹ Latin vào thập niên 1960, dẫn đến phong trào Magic Realism khiến thế giới kinh ngạc và đưa giải văn chương Nobel 1982 đến Gabriel Garcia Marquez. Dù viết tiếng Việt, người Việt cần sáng tác với ý thức tạo giá trị toàn cầu và sánh vai thế giới, không phải để cạnh tranh nhau.

 

Vũ Tiến lập: Nếu được như vậy, dòng văn chương hải ngoại sẽ tồn tại hoặc có cơ hội huy hoàng?

Ngu Yên: Tôi nghĩ, dòng văn chương tiếng Việt hải ngoại từ dòng sông, có thể sẽ thành con suối, dần dần, có thể là một dòng chảy khó diễn tả. Nếu nó dừng lại, thì không có gì kinh ngạc, không có gì than thở, chỉ là sự tự nhiên của bản chất tồn tại. Có sinh thì có tử. Chết sớm thì đầu thai sớm.

Nhưng tôi nghĩ, đã đến lúc không cần phải quan tâm về văn chương ngoài nước hay trong nước, vì cả hai đang hòa nhập vào nhau. Tác phẩm trao đổi nhau. Tác giả học hỏi nhau. Văn học tiếng Việt cần tìm hiểu văn học thế giới, để mở rộng, đào sâu tinh thần dân ta, để thể hiện tính Việt vượt qua biên giới lãnh thổ, gia nhập toàn cầu. Còn văn chương tiếng Việt là văn chương tiếng Việt, thế thôi.

 

Vũ Tiến lập: A.I. Còn được biết như là “sự hủy diệt mang tính sáng tạo” đã dấy lên rất nhiều tranh luận, và có những phỏng đoán về vị trí giữa con người với trí tuệ nhân tạo. Bởi nó có khả năng giải quyết những vấn đề như con người trong mọi lĩnh vực.Theo anh thì ảnh hưởng của A.I đối với văn chương Việt, văn học hay triết học sẽ đi về đâu trong những năm sau này?

Ngu YênA.I. sáng  tác văn chương và nghệ thuật là một lãnh vực mênh mông, mới lạ, hấp dẫn và nhiều khó khăn tranh đấu giữa hai trí tuệ: người và máy.

“Sự hủy diệt mang tính sáng tạo” luôn ứng dụng trong văn học, giờ đây, còn đúng hơn với A.I. vì tất cả những sáng tạo lớn đều bắt đầu sau khi hủy diệt. Phùng Phật sát Phật. Đầu Thai. Phục Sinh đều mang tính hủy diệt để sáng tạo.

Nhận xét chung, ngay giờ phút này, đa số người Việt, sáng tác lẫn thưởng ngoạn đều không quan tâm lắm, có khi khinh thường khả năng sáng tác văn học của A.I. Thậm chí, có người quả quyết A.I.không bao giờ thành công. Ngoài quan niệm bế quan tỏa cảng này, thời giờ để nghiên cứu, tự tìm hiểu văn học của hầu hết người Việt rất hạn hẹp, ít hơn giờ xem truyền hình, kém hấp dẫn hơn ăn nhậu, buồn bã hơn hát cho nhau nghe. Tôi muốn nói gì? A.I. sáng tác sẽ không ảnh hưởng mấy đến văn học, triết học Việt trong và ngoài nước. Chỉ khi nào A.I. lãnh được giải thưởng văn học lớn, như Pulitzer, Nobel, vân vân, thì dân ta mới công nhận và ào ạt ca ngợi. Dân ta vẫn một lòng: “Lội nước theo sau.”

 

Vũ Tiến lập: Thông thường chúng ta sáng tác qua trạng thái, qua cảm hứng, qua hoài cảm hay cảm xúc ngẫu nhiên nào đó, trong khi AI hoàn toàn không có cảm xúc, ngoài nhận dữ kiện của người viết đưa vào. Vì tính năng của nó hầu hết là phân tích và sử dụng dữ liệu để hỗ trợ cho những hoạt động đi đến sáng tác. Vậy những cảm xúc hay hồn thơ (passion) của con người chẳng lẽ không mang được giá trị nào so với trí tuệ nhân tạo?

Ngu Yên: Đây là lý luận đúng nhất khi tấn công khả năng sáng tạo của A.I. Cho đến giờ phút này, con người tin rằng chỉ có con người mới có cảm xúc cao độ để sáng tác. Cũng cho đến nay, chưa ai có thể giải thích minh bạch về cảm xúc và biết rõ đường đi lối về của cảm xúc. Nó từ đâu? Nó ở đâu? thứ gì đã cấu tạo thành nó? Cảm xúc sáng tác vẫn là huyền thoại. Vì vậy, thay vì hỏi A.,I. có cảm xúc để sáng tác hay không? Nên hỏi, A.I. có tìm ra thể loại điện tử hoặc thứ gì thay thế cho cảm xúc? Hoặc A.I có tìm ra thứ gì có hiệu quả như cảm xúc? Dĩ nhiên, qu'est ce sera.

Tôi rất e ngại khi bàn đến hồn thơ, nhất là vía thơ, thần thơ, thánh thơ, vì tôi đặt niềm tin vào khả năng nhận thức, siêu nhận thức và vô thức khi sáng tác.

 

Vũ Tiến lập: A.I. đánh thắng người chơi cờ Vua. A.I. sáng tác bức họa Théâtre D’opera Spatial và đoạt giải ở Hội chợ thuộc tiểu bang Colorado. Giả dụ, A.I.sẽ sáng tác những bài thơ hay, những truyện hay, giá trị và lãnh giải thưởng, thì anh nghĩ sao?

Ngu Yên: Theo tôi, giả dụ này có khả năng rất lớn để xảy ra. Nếu xảy ra trong lúc tôi còn sống, tôi sẽ không ngạc nhiên. Vấn đề văn học A.I. không phải tại A.I. mà tại một số người không có niềm tin về A.I. cho dù họ sử dụng A.I. hàng ngày dưới nhiều dạng khác nhau: trí tuệ thông minh của Siri, Alexa, Arlo, August, Ecobee, GE, Honeywell, Kwikset, LIFX, Lutron, Nest, Philips Hue, Schlage, SmartThings, Sylvania, TP-Link, Wemo, và nhiều dạng khác trong hầu hết các lãnh vực đương đại.

Về mặt A.I., nó sẽ tiếp tục tiến tới mà đường đi thì mênh mông chưa thấy giới hạn. Nếu có sự thay thế A.I. điện tử, sẽ là A.I. hóa học. Người  lớn tuổi dần dà sẽ vắng mặt, các thế hệ trẻ xuất hiện sẽ đương nhiên chấp nhận A.I.

Tôi cho rằng, dù hay hơn hoặc kém hơn sáng tác của con người, văn học A.I. sẽ hiện hiện vừa kết hợp vừa cạnh tranh với văn học người. Văn học A.I. sẽ thay đổi tiêu chuẩn giá trị văn hoá, văn chương, triết học, nghệ thuật, vân vân. Sự thay đổi này sẽ làm cho truyền thống trở thành lịch sử cũ, sáng tác sẽ khó khăn hơn, tác phẩm của người lẫn A.I. sẽ được tuyển chọn và đánh giá một cách khác hơn. Bánh xe lịch sử đang sắp bay về một chân trời mới.

 

Vũ Tiến lập:Những tác phẩm do AI tạo ra có thể được coi như bản gốc hay tác phẩm phát sinh? Và trong quá trình sáng tạo có ý nghiã gì đối với luật bản quyền?

Ngu Yên: Tôi không có khả năng tiên tri về vấn đề luật pháp, chính trị và lòng ham muốn. Tôi chỉ có lý luận như thế này: Những gì người sáng tác sử dụng đều thuộc về người khác, người đi trước và người đồng thời. Ngay cả kết quả sáng tạo cũng vay mượn. Không có gì hoàn toàn nguyên bản. A.I. sáng tác phần lớn cũng nhờ vào bộ nhớ mênh mông chứa đựng dữ kiện, kiến thức. Nó cũng vay mượn. Hai đứa đi vay mượn của người khác rồi tranh nhau quyền sở hữu, thì quyền sở hữu phải thuộc về kẻ thứ ba hoặc phải bãi bỏ.

 

Vũ Tiến lập: Vì số lượng trang bài có giới hạn, nên chúng ta tạm chấm dứt buổi mạn đàm 50 năm văn chương hải ngoại tại đây. Cám ơn anh Ngu Yên đã cho tôi một buổi mạn đàm rất thú vị cũng như những nhận định và đóng góp cho tuyển tập này.

Ngu Yên: Xin cảm ơn nhà thơ Vũ Tiến Lập và Mạng Văn chương Gió-o. Cảm ơn tất cả bạn đọc. Xin tha thứ cho tôi, những trình bày thiếu sót và đôi khi vô tình khiến bạn không hài lòng. Xin chào.

 

Gió O 2025