Phạm Thùy Nhân, áo vét thứ hai từ bên phải
trước nhà nguyện Năng Tĩnh (cũ) của đại học Đà Lạt, cùng các cựu sinh viên Đà Lạt
(thuộc bộ ảnh sưu tầm của Nguyễn Duy Lễ)

 

PHẠM THÙY NHÂN


 

THIÊN ĐƯỜNG ĐÃ MẤT !

 

(kì 2)

 

hồi ký

 

Lê Cung Bắc, Tôi Và Thày Vũ Khắc Khoan

Từ Sân Khấu Đến Giảng Đường (1)

Từ Sân Khấu Đến Giảng Đường (2)

Thiên Đường Đã Mất (1)

 

PHƯỚC BẤT TRÙNG LAI, HOẠ VÔ ĐƠN CHÍ!

Điều này tôi thấy nếu vận vào cái số phận của tôi trong thời gian ngắn ngủi đó sao nó đúng thế!

Sáng hôm ấy khi tôi lên Viện thì gặp thày Nguyễn Hồng Giáp – Phó Khoa trưởng Văn khoa. Thày ngoắt tôi vào phòng làm việc của thày và thông báo một tin quan trọng: Văn khoa đã quyết định giữ tôi làm phụ khảo Việt văn! Tôi hỏi thày có đùa không vì thày vẫn thường “tiếu ngạo giang hồ” với sinh viên và anh em trong Kịch đoàn Thụ Nhân! Nhưng thày nhìn tôi với ánh mắt nghiêm nghị và chậm rãi nói:

-Bây giờ trên nguyên tắc cậu đã ở trong ban giảng huấn của Văn khoa rồi! Kịch đoàn Thụ Nhân nổi tiếng nên cậu được nhiều người biết tới. Cậu phụ khảo Việt văn mình yên tâm. Nhưng trường hợp của cậu cũng còn có lời ra tiếng vào đấy!

-Tiếng gì ạ, thưa thày?

-Le chien aboie, la caravanne passe! Đường ta ta cứ đi!

Rồi thày cười bắt tay tôi thật chặt:

-En marche! Tiến lên!

Nhưng khoảng vài ngày sau khai giảng niên học mới (1974-75) khi tôi đã bắt đầu làm quen với các sinh hoạt mới của một “phụ khảo” Văn khoa từ cách ăn mặc com lê nghiêm túc, đến tác phong mô phạm của một nhà giáo (dù chưa đứng lớp) thì thầy Nguyễn Hồng Giáp lại thông báo với tôi một tin quan trọng khác: Cha Viện muốn gặp tôi!

-Chuyện gì vậy thày? – Tôi hỏi.

-Tôi cũng không rõ!

Đúng ngày giờ tôi đến gặp Cha Viện tại văn phòng Viện trưởng. Cha Viện là cách gọi tắt của Linh mục Viện trưởng – Tiến sĩ Lê Văn Lý. Cha dạy tôi môn Ngữ học và nổi tiếng trong giới sinh viên về tính nghiêm khắc hoàn toàn khác với Cha Viện trưởng cũ là Linh mục Nguyễn Văn Lập – người được sinh viên rất yêu mến vì tính khoan dung, hoà đồng, giúp đỡ sinh viên gặp khó khăn và đặc biệt ủng hộ Ban kịch Thụ Nhân hoạt động từ tinh thần đến vật chất theo như đạo diễn Lê Cung Bắc có lần kể lại với tôi khi anh nói về cha Nguyễn Văn Lập. Còn Lê Kim Ngữ thì bảo cha Lý không mặn mà với ban kịch vì cha từng nói với Ngữ: “Cha thích xiếc hơn kịch! Sao các con lại không học làm xiếc cho Cha xem nhỉ?”

Tôi bước vào căn phòng nhỏ bài trí đơn sơ, đã thấy Cha Lê Văn Lý ngồi đó rồi. Vẫn khuôn mặt nghiêm nghị và vóc người đầy đặn dưới chiếc áo chùng đen như khi dạy chúng tôi môn Ngữ học tại giảng đường Minh Thành 3.

Tôi cung kính cúi chào và nhỏ nhẹ nói:

-Thưa Cha gọi con!

-Cậu ngồi đi! – Cha lạnh lùng nói.

Tôi ngồi xuống chiếc ghế bành đối diện Cha, kín đáo quan sát thái độ của Cha như thế nào. Tôi nghĩ lành ít dữ nhiều! Vì tôi có cảm giác Cha đã “chiếu tướng” tôi từ lâu!




giáo sư Triết, kiêm khoa trưởng Văn Khoa Đại Học Đà Lạt Nguyễn Khắc Dương (giữa)
ngồi với các cựu sinh viên đại học Đà Lạt
trước Thư Viện Đại Học Đà Lạt (cũ)
(thuộc bộ ảnh sưu tầm của Nguyễn Duy Lễ)



Một hôm khi tôi đi lơn tơn từ giảng đường Minh Thành để lên nhà nguyện Năng Tĩnh rồi rẽ xuống câu lạc bộ sinh viên gặp các bạn trong Ban kịch Thụ Nhân tập kịch vì học môn Ngữ học chán quá dù đó là do Cha Viện dạy! Đang đi hăng hái bỗng chân tôi khựng lại, mắt tôi lấm lét nhìn tới trước: một dáng người thấp bé, gầy ốm đang lừng lững tiến về phía tôi! Tôi không thể quay lại hoặc rẽ vô nhà nguyện bởi con đường duy nhất dẫn xuống câu lạc bộ sinh viên đã bị con người đầy uy lực đó án ngữ! Ai vậy? Chính là Khoa trưởng Văn khoa - giáo sư Triết học Nguyễn Khắc Dương! Thấy tôi thày Dương lập tức nhăn mặt khó chịu vừa ngoắt tay gọi tôi đến thày dưới hàng cây trắc bá diệp.

-Cậu đi đâu đây? Giờ này là giờ học, tôi nhớ không lầm lớp Việt văn năm tư của cậu có giờ Ngữ học của Cha Viện! Đúng không?

-Dạ đúng thưa thày!

-Đúng sao cậu ở đây? Hẹn hò em diễn viên nào ở câu lạc bộ sinh viên phải không?

-Dạ không ạ!

Bất chợt thày Nguyễn Khắc Dương nghiêm sắc mặt nói:

-Cha Viện có nói với tôi về cậu, Cha bảo tôi nói với cậu là phải tập trung vào việc học không được chểnh mảng sang những chuyện vô bổ khác!

Tôi đang nghĩ ngợi xem những chuyện vô bổ đó là chuyện gì thì thày Dương nói thêm:

-Vì những chuyện đó có thể ảnh hưởng đến tương lai của cậu!

Bây giờ thì tôi hiểu tại sao thày Khoa trưởng lại quan tâm đến tôi như vậy. Khoa đã nhắm tôi vào vị trí phụ khảo nhưng quyền quyết định lớn nhất vẫn là Viện trưởng! Và bây giờ tôi đang ở đây, trước mặt người có thể ảnh hưởng đến tương lai của tôi như thày Khoa trưởng nói!

Bấy giờ, theo lời kể của thày Nguyễn Thanh Châu với tôi sau này, thày đang cùng với các sinh viên năm thứ nhất Việt văn (lớp nhập môn), đang có mặt tại một phòng học của giảng đường Minh Thành cùng sinh viên để chào đón thày phụ khảo môn Hán văn là tôi! Thày Nguyễn Thanh Châu quý tôi nên có mặt để giới thiệu tôi với sinh viên đồng thời giúp ổn định tâm lí cho tôi trong buổi đứng lớp đầu tiên…




giáo sư Nguyễn Thanh Châu, áo ấm xám đen, tóc bạc, đứng hàng đầu
và giáo sư Nguyễn Khắc Dương, đứng giữa áo ấm khoác túi xéo
vẫn thường gặp gỡ và sinh hoạt với các cựu sinh viên Văn Khoa Đại Học Đà Lạt
(thuộc bộ ảnh sưu tầm của Nguyễn Duy Lễ)



Trong khi đó tôi hồi hộp chờ đợi chưa biết Cha Viện sẽ nói những gì với tôi. Khuôn mặt Cha cứ lạnh tanh. Rồi, không nhìn tôi Cha nói:

-Văn khoa đã giới thiệu con là phụ khảo của Khoa, con biết rồi chứ?

-Dạ biết thưa Cha!

-Nhưng Cha lấy làm tiếc...

-Điều gì ạ, thưa Cha?

-Có nguồn tin cho Cha biết về những mối quan hệ của con! Mà đây là điều hệ trọng...

-Nhưng thưa Cha, cha cho phép con có ý kiến!

-Con cứ nói!

-Theo con nghĩ quan hệ đó chỉ là những người bạn học mà con đã giúp đỡ, chỉ bảo họ về Hán-Nôm theo yêu cầu của thày Lê Hữu Mục, tuyệt nhiên không có gì khác!

-Nhưng lấy gì bảo đảm là không có gì khác? Đây là một vấn đề tế nhị! Người ta thường nói không có lửa sao có khói!

Tôi cảm thấy tức nghẹn vì sự vu khống của ai đó, song lại càng nguy hiểm hơn, khi chính Cha lại đang tin vào sự vu khống đó! Thế là tôi cố lấy lại bình tĩnh nói:

-Thưa Cha, con không phải là tín đồ Thiên Chúa giáo. Nhưng trước mặt Chúa Jésus...

Tôi đứng dậy trước mặt Cha Viện đưa tay phải lên, thành kính nhìn vào cây Thánh giá – có tượng Chúa Jésus bị đóng đinh câu rút - ở trên vách phía trên chỗ Cha đang ngồi và tiếp lời:

-Con xin thề trước Chúa, không bao giờ làm điều gì không phải với bất kì ai!

Cha Viện phẩy phẩy tay vừa lắc lắc đầu:

-Con thề thốt mà làm gì chứ!

-Để Cha tin vào sự trung thực của con! Bây giờ con xin được hỏi Cha một việc!

-Cha nghe!

-Cha có tin vào những gì mà “người nào đó” đã nói về con không?

-Cha mời con đến đây là để nghe con nói sự thật!

-Sự thật của con Cha đã nghe rồi! “Người nào đó” đã vu cáo con với Cha thì biết rõ con là ai, nhưng con – người bị vu khống – thì lại không biết ngay cả cái tên của người ấy là gì! Như vậy liệu có công bằng không, thưa Cha! Con muốn người ấy cũng phải có mặt ở đây cùng với ai đó với tư cách là “bị hại” để đối chất làm rõ trắng đen trước mặt Chúa và Cha.

-Cha thấy điều đó không cần thiết!

-Như vậy thì làm sao Cha có thể đi đến tận cùng của sự thật? Hay nói cách khác Cha không cần biết sự thật đó có thật hay không! Vậy Cha mời con đến đây làm gì?

Im lặng. Cha Viện có vẻ bối rối rồi chậm rãi nói:

-Để thông báo cho con về quyết định cuối cùng! Cha rất tiếc... Mặc dù Khoa chấp thuận nhưng trường hợp của con là không thể...

-Tại sao không thưa Cha? Con có lỗi gì? Con đã làm gì sai? Con đã thề trước Chúa và Cha về sự trung thực của con!

-Nhưng một người đứng trên bục giảng thì không thể có “dư luận” được!

-Con không giết người song cái “dư luận” quái quỷ mà Cha nói cứ bảo là con giết người thì Cha tin là con giết người thật sao? Bằng chứng đâu? Tại sao Cha không cho con gặp mặt kẻ đã tạo ra “dư luận” về con cho Cha? Họ là ai?

-Cha không thể làm theo ý con được! Điều đó không được phép!

-Nhưng trên hết Cha là một linh mục, con cần sự trung thực của Cha nhân danh Chúa để phân định phải-trái, đúng-sai, thiện-ác… trong vấn đề này?

Khuôn mặt Cha Viện chợt bối rối nhìn ra ngoài vừa phẩy tay nói nhanh:

-Cha đang có khách con nhé!

Tôi uất ức và thất vọng trước thái độ của Cha bèn lập tức đứng dậy cúi đầu thưa:

-Chào Cha!

Trong lớp học ở giảng đường Minh Thành cả thày Nguyễn Thanh Châu lẫn các tân sinh viên đều thắc mắc sao thày phụ khảo lại đến trễ thế! Thày Nguyễn Thanh Châu kể lại: “Tôi xem đồng hồ mà cứ thắc thỏm sao Nhân lại chưa thấy đến lớp? Không biết có chuyện gì?”        

Ra khỏi phòng Viện trưởng tôi đi thẳng một mạch ra khỏi cổng Viện và tự nhủ không bao giờ quay trở lại đây nữa! 04 năm trước khi mới rụt rè, bỡ ngỡ bước vào với trái tim trai trẻ tràn ngập ước mơ tôi không thể ngờ đến một lúc tôi lại rơi vào hoàn cảnh như thế này! Tại sao một linh mục khả kính như Cha Viện lại bao che cho kẻ giấu mặt “ngậm máu phun người” như vậy?

Lỗi tại tôi, lỗi tại tôi, lỗi tại tôi mọi đàng.

                             (Kinh Cáo Mình)

Những ngày sau đó, với tôi thành phố Đà Lạt chỉ là những ngày buồn và những đêm mù sương lạnh giá, cô đơn nếu không có Kịch đoàn Thụ Nhân. Kịch đoàn cho tôi tình bạn: Lê Kim Ngữ, Phạm Văn Lại, Lê Cung Bắc, Nguyễn Văn Xuyên, Nguyễn Thanh Long (Long râu), Trần Đại Hùng, Ngọc Quỳnh, Diệu Hằng, Vi Cường, Nguyễn Xuân Thành (Tư Cầy), Lê Hữu Khanh, Nguyễn Thanh Toại, Hà Văn Đính, Ngọc Ánh, Hương, Yến, Phúc, Phong, Hữu, và các bạn khác… Vậy mà, tôi sắp phải từ giã tất cả những khuôn mặt, những cái tên thân yêu ấy để về lại nơi phồn hoa, náo nhiệt, xô bồ mà 5 năm trước tôi dứt áo ra đi để tìm một khung trời tĩnh lặng, những sáng mù sương, những li cà-phê đen nóng toả khói bên bờ hồ Xuân Hương mà bàn luận về văn chương, triết học với anh em, bạn bè… Bây giờ thì giàn thiên lí đã xa, cổng thiên đường đã khép! Tôi sẽ không bao giờ trở lại nơi đây nữa!

Trước khi rời Đà Lạt tôi tặng anh Nguyễn Minh - giáo viên học cùng lớp – người sau đó đỗ Thủ khoa Việt văn – toàn bộ số sách vở, tài liệu Hán-Nôm mà tôi sưu tập, tìm tòi được trong suốt 4 năm học vì tôi hiểu rằng hoàng hạc nhất khứ bất phục phản (thơ Thôi Hiệu), con hạc vàng một khi đã vỗ cánh bay thì không bao giờ quay trở lại ngôi lầu Hoàng Hạc nữa!

Biết tôi bị nạn, thày Vũ Khắc Khoan lập tức gặp tôi và bảo hãy về Sài Gòn làm kịch với thày! Một lần nữa thày lại kéo tôi ra khỏi vũng lầy của sự đố kị và lòng thù hận để trở về đúng với con đường nghệ thuật mà tôi đang theo đuổi!

Tôi rời Đà Lạt vào một sớm mù sương, lặng lẽ, không người thân đưa tiễn – vì tôi muốn thế - như ngày nào tôi đã đến! Không một ai! Chỉ có trong tôi một thế giới lung linh những giấc mơ, những ánh đèn sân khấu...

Bốn năm trước tôi đã đến Đà Lạt với chiếc xe Vespa Super màu xanh và 2 bàn tay trắng, thì nay khi rời Đà Lạt về Sài Gòn tôi cũng chỉ với chiếc xe Vespa Super màu xanh và 2 bàn tay trắng! Một mảnh bằng Cử nhân giáo khoa Việt văn cho ra bằng cũng không có mà chỉ là tờ chứng thư và phiếu điểm từng năm (4 năm) có đóng dấu son Khoa trưởng Văn khoa Viện Đại học Đà Lạt và chữ kí cùng tên thày Nguyễn Khắc Dương! Tôi và thày cũng không gặp nhau từ đó (1974), để rồi hơn 03 năm sau tôi lại gặp thày trong một hoàn cảnh không thể nói kịch tính hơn:

Tháng 4/1975, cũng như nhiều người khác tôi rời Sài Gòn trở về quê làm ruộng. Một hôm trên đường đạp xe đi làm tại vùng Châu Khâm (Sông Mao) – nơi từng đặt Đại bản doanh Sư đoàn 5 Bộ binh thời Ngô Đình Diệm (1956 – 1963); Bộ Tư lịnh Trung đoàn 18, Sư đoàn 23 Bộ binh thời Nguyễn Văn Thiệu; rồi là Trại cải tạo của Chính quyền Cách mạng sau năm 1975 – nơi tập trung học tập cải tạo các sĩ quan quân đội chế độ cũ khu vực miền Đông Nam Bộ - tôi tình cờ gặp thầy Nguyễn Khắc Dương! Bấy giờ tôi kinh ngạc dừng ngay xe đạp trên con đường mòn đứng nhìn tới! Trước mặt tôi, một đoàn các học viên từ trong trại cải tạo đi ra xếp hàng một mặc áo bà ba đen, quần cụt xanh dương đang trên đường đi lao động! Trong số đó tôi nhận ra một số người là bạn tôi vốn là dân địa phương Phan Rí Cửa! Song cả tôi và họ đều làm mặt lạ, không có bất kì cử chỉ thân mật nào khác. Bỗng nhiên tôi chú ý tới một người đàn ông hoàn toàn khác biệt với những người trong hàng: vóc người nhỏ bé, da dẻ trắng trẻo, tuổi tác lớn hơn và đặc biệt trên khuôn mặt dưới vầng trán cao là cặp mắt kính trắng lấp loá dưới ánh năng ban mai! Ôi… thày Nguyễn Khắc Dương! Thày Nguyễn Khắc Dương – Khoa trưởng Văn khoa đây mà! Tôi định kêu lên “Thày ơi!” Nhưng kịp ngậm miệng lại, vì một người bộ đội trong toán an ninh đi kề bên ngoài hàng, mang súng AK 47 nhìn về phía tôi.

Từ buổi sáng xót xa đó tôi không còn gặp thày! Những gì tôi đã nhìn thấy về vị Khoa trưởng kính mến ngày nào tại viện Đại học Đà Lạt khiến tôi rất hoang mang và xúc động! Mái trường Thụ Nhân, Ban kịch Thụ Nhân với biết bao kỉ niệm cùng những người thân yêu cũ không biết bây giờ ra sao? Như thày Vũ Khắc Khoan, thày Nguyễn Khắc Dương, như tôi hoặc những người khác nữa còn trôi giạt vào các ngóc ngách tăm tối nào của một cuộc bể dâu! Và rồi nỗi tang thương của cuộc đời quanh tôi lớn đến nỗi khiến tôi nguôi ngoai đi cái nỗi hận lòng năm ấy, thậm chí không còn nhớ đến những “đại pháp quan” đã xô tôi ra khỏi Viện Đại học Đà Lạt nơi tôi đã dong ruỗi trong đó suốt những tháng năm hoa mộng nhất của đời mình! Tôi đã quên! Tôi đã có một cuộc đời khác!

Nhưng cái quá khứ khắc nghiệt ấy lại cứ đeo đẳng bên đời tôi. Một hôm, mấy người bạn trong nhóm Văn khoa Đà Lạt cũ, nhắn với tôi là thày Nguyễn Khắc Dương muốn gặp tôi! Tôi rất phân vân vì kể từ sau khi dứt áo khỏi Viện Đại học Đà Lạt ra đi tôi “thề” với lòng mình là không dính líu gì nơi ấy nữa! Và tôi đã giữ lời.

Năm 1981 tôi lấy bối cảnh Đà Lạt để viết kịch bản điện ảnh đầu tay của mình mang tên Con mèo nhung (theo câu chuyện có thật do Lê Kim Ngữ kể lại). Tôi có thể lấy bối cảnh ở địa phương khác như Nha Trang, Cần Thơ… gì cũng được. Nhưng trong thâm tâm tôi vẫn nhớ Đà Lạt (chớ không phải Viện Đại học Đà Lạt!). Tôi tháp tùng đoàn quay phim lên Đà Lạt và giúp cho đạo diễn Lê Dân chọn bối cảnh phù hợp với kịch bản tôi đã viết. Lê Dân là một trong những đạo diễn tên tuổi của điện ảnh Sài Gòn trước năm 1975 với những bộ phim nổi tiếng như: Trường tôi, Loan mắt nhung,… Anh đã từng lên Đà Lạt nhiều lần để quay ngoại cảnh vì thiên nhiên lãng mạn và ngoạn mục của vùng đất mù sương này trong đó có Viện Đại học Đà Lạt! Song có lần đạo diễn muốn quay một số cảnh trong Viện Đại học cho bộ phim của tôi thì tôi không đồng ý, tôi bảo dù chỉ thấy cái cổng tôi cũng xin lỗi anh, không muốn! Đạo diễn Lê Dân rất quý tôi (anh đạo diễn tiếp tục các phim Tiếng sóng, Xương rồng đen… theo kịch bản của tôi) nhưng anh cũng thắc mắc, phân vân không hiểu điều gì đã tác động mạnh đến tôi như vậy! Một hôm, sau buổi quay ở hồ Than Thở chấm dứt khi ngồi uống cà phê giải lao, anh Lê Dân lại hỏi tôi điều gì đã khiến cho tâm trạng của tôi u uất đến thế khi nói đến Viện Đại học Đà Lạt! Tôi không thể chối từ “người thày điện ảnh” của mình nên kể lại câu chuyện năm xưa. Đạo diễn Lê Dân yên lặng lắng nghe tôi nói từ đầu đến cuối và khi câu chuyện chấm dứt, sau một lúc đăm chiêu anh khẽ đưa bàn tay vỗ nhẹ lên vai tôi rồi nói: “Bỏ đi! Họ không đáng để tâm hồn cậu bị vẩn đục. Con đường nghệ thuật của cậu còn dài…”




Giáo sư Nguyễn Khắc Dương (2017) trước Cầu Kiều giảng đường Minh Thành Đại Học Đà Lạt (cũ)
(thuộc bộ ảnh sưu tầm của Nguyễn Duy Lễ)



Cuối cùng tôi không thể tránh né thày Khoa trưởng Nguyễn Khắc Dương mãi – Tuy tình cảm giữa tôi và thày không sâu như với thày Vũ Khắc Khoan nhưng nghĩa thì có nặng! Thày vốn quý tôi, vì tôi mà thày phải bận lòng lo toan nhất là trong giai đoạn tôi bị thày Lê Hữu Mục triệt hạ! Cho nên tôi phải đến gặp thày, xin lỗi thày!

Một buổi sáng, tại quán cà phê 30-4 trong khuôn viên Dinh Thống Nhất (Dinh Độc Lập) đường Huyền Trân Công Chúa quận 1, khi tôi đến thì các bạn trong nhóm Văn khoa Viện Đại học Đà Lạt tại Sài Gòn đã có mặt gồm: Nguyễn Duy Lễ, nhà văn Trần Bảo Định, Nguyễn Hoàng Đông, Bùi Việt Dân, Phạm Thị Nhạn, Lương Thị Kim Kê, Nguyễn Thế Hậu và vợ (chị Thuận), Vũ Thiết Sơn và vợ (chị Yến), vợ chồng anh Phương – chị Phước, Kim Sơn, Đỗ Vĩnh,… Mọi người vui khi thấy tôi đến. Tôi nhã nhặn chào rồi tiến đến phía thày – ngồi ở khu vực giữa những chiếc bàn nối lại nên chưa thấy tôi và đang mãi nói chuyện.

Thấy tôi đến phía sau thày, nhà văn Trần Bảo Định nói lớn và chỉ vô chiếc ghế trống cạnh thày:

- Nhân ngồi xuống ghế cạnh thày!

Khi tôi còn bối rối chưa dám ngồi thì anh Trần Bảo Định quay sang thày Nguyễn Khắc Dương nói:

- Thày! Thằng Nhân tới rồi kìa thày! Cho nó ăn đòn đi thày!

Thày Nguyễn Khắc Dương lập tức nhìn qua ngó lại vừa tươi cười hỏi:

- Đâu? Đâu? Thằng Nhân đâu? Thằng Nhân đâu?

Tôi từ phía sau bước tới một bước lên tiếng:

- Thưa thày Nhân đây ạ!

Khuôn mặt thầy Dương nhìn lên bồi hồi nói:

- Ngồi xuống đi! Ngồi xuống!

Nhưng tôi chưa vội ngồi mà nhẹ nhàng thưa với thày:

- Thưa thày! Em thành thật xin lỗi thày! Lẽ ra em phải gặp thày sớm hơn chớ không phải đến bây giờ! Em xin lỗi thày!

- Lỗi phải gì! Ngồi xuống! Tôi có chuyện quan trọng muốn nói với cậu!

- Dạ!

Tôi từ từ ngồi xuống cạnh thày. Các bạn ngồi gần tế nhị chuyển sang ghế khác để cho chúng tôi có khoảng riêng không ai nghe nội dung câu chuyện. Lúc ấy thày mới nghiêng sang tôi nói vừa đủ cho tôi nghe:

- Hơn 40 năm nay từ ngày cậu rời khỏi Văn khoa tôi cứ phải mang trong lòng mối hận này! Nhiều lần tôi muốn tìm cậu để nói ra cho nhẹ lòng nhưng thế sự cứ dồn dập hết biến cố này đến biến cố khác xô tôi trôi giạt hết chỗ này tới chỗ kia! Tôi tưởng tôi đã quên, nhưng không hiểu sao tôi lại vẫn cứ nhớ như in cái buổi sáng ấy khi cậu bị Cha Viện không chấp nhận cho làm phụ khảo Văn khoa! Tôi biết cậu rất phẫn nộ khi Cha Viện chỉ tin vào những lời vu khống của họ, mà không cho cậu một cơ hội nào! Thú thật tôi buồn lắm!

- Em cám ơn thày!

- Và không hiểu sao chuyện đó cư đeo đẳng tôi mãi khiến cho tôi nặng lòng! Tôi thấy thương cho cậu một chàng trai trẻ thông minh và trung thực đã dám nói lên tiếng nói của mình chống lại sự huyễn hoặc, giả tạo cho dù phải gánh chịu những hậu quả nặng nề! – Ngừng một chút thày nghiêm giọng nói: - Cậu có biết kẻ đã vu cáo cậu với Cha Viện là ai không?

- Thưa thày, em không biết ạ!

- Lê Hữu Mục!

Tôi khá bất ngờ khi nghe thày Khoa trưởng nhắc lại cái tên đó! Tôi buột miệng nói:

- Em cám ơn thày!

Thày Nguyễn Khắc Dương mỉm cười nói:

- Tôi đã nói ra với cậu cái “bí mật” đó! Bây giờ tôi thấy thực sự nhẹ lòng rồi!

Tôi ngồi im lặng không biết phải làm gì! Vui hay buồn? Thú thực tôi cũng chẳng vui chẳng buồn gì! Hơn 40 năm qua biết bao nước chảy qua cầu cuốn trôi đi những nỗi niềm, những thương đau của biết bao nhiêu số phận trong đó có thày Nguyễn Khắc Dương, có tôi, có Cha Lê Văn Lý, có thày Lê Hữu Mục… Biết đâu như người ta nói “tái ông thất mã”, “trong cái rủi có cái may”, nhờ bị Cha Lê Văn Lý đuổi mà tôi theo thày Vũ Khắc Khoan về Sài Gòn đi theo con đường nghệ thuật (kịch nghệ - điện ảnh) cho đến bây giờ! Nhưng qua những gì thày Nguyễn Khắc Dương kể tôi chợt loé lên ý tưởng vui vui mà cay đắng: Hoá ra thày mình cũng “tiếu ngạo giang hồ” biết học trò mình là biên kịch điện ảnh nên tìm cho bằng được để cung cấp cái chi tiết “thày Lê Hữu Mục đã vu cáo mình với Cha Lê Văn Lý để Cha Lý đóng cánh cửa cuối cùng loại mình ra khỏi Viện Đại học Đà Lạt!

Trong tiểu thuyết Les Misérablas (Những kẻ khốn cùng), nhà văn Pháp Victor Hugo có xây dựng nhân vật thanh tra Javert bất hủ đã đeo bám theo người tù khổ sai Jean Valjean cho đến cuối cuộc đời. Tôi liên kết với những gì thày Nguyễn Khắc Dương đã tiết lộ, thì thấy thanh tra Javert còn thua xa thày Lê Hữu Mục, bởi danh vị của một giáo sư và đạo đức của một người thày có cho phép thày Lê Hữu Mục “truy sát” học trò của mình như vậy hay không? Có lẽ vì “vấn nạn đạo đức học” đó mà giáo sư triết học Nguyễn Khắc Dương mới bị “nặng lòng” hay chăng? Cái này thì phải cầu viện thày Vũ Khắc Khoan để thày viết một vở kịch “phi lí” chắc chắn sẽ “thời thượng” hơn Ga xép rồi!

Chỉ tiếc một điều:

Những người muôn năm cũ

Hồn ở đâu bây giờ?

          (Ông đồ, Vũ Đình Liên)


Phạm Thùy Nhân, người đeo kính đen, sinh hoạt với các bạn hữu cựu sinh viên đại học Đà Lạt
(thuộc bộ ảnh sưu tầm của Nguyễn Duy Lễ)

 

Mùa Vu Lan Kỉ Hợi (15-8-2019)

PHẠM THUỲ NHÂN

(Nhà biên kịch phim truyện điện ảnh & truyền hình)