tranh Rừng Kinh Dương Vương



 

Vũ Đình Kh.

Những Mùa Ớt Trong Đời

 

 

     Hắn không nhớ biết ăn ớt từ khi nào, lúc mấy tuổi, ra làm sao? Trong ký ức mù mờ hắn nhớ dường như đã từ lâu lắm. Có lẽ vào cái tuổi, hắn bắt đầu đi học thì phải. Mẹ hắn thường nói với hàng xóm như một hãnh diện:

     - Cái thằng biết ăn ớt từ lúc... biết đi!

     Nhưng kỷ niệm hắn nhớ nhất cái sự ăn ớt của hắn là vào khoảng năm mười hai tuổi.

     Thuở ấy, cái quận lỵ Diên Khánh nhỏ quắt queo như bàn tay bà già. Dọc con đường từ nhà đến trường, là những gò mối, những đám tranh lơ thơ cằn cỗi, những ngôi mả lạn hoang vu tiêu điều. Xen vào đó là những cây ớt dại luôn gãy ngọn vì bọn con nít đi ngang thường túm lấy vài trái cất vào túi áo, quần đem tới trường nghịch phá.

     Người ta gọi đó là ớt cứt chim ỉa. Ít người chịu ăn, bởi trái nó bé tí, tốn công hái nhặt. Sở dĩ gọi ớt cứt chim ỉa vì giống ớt này mọc lên do chim ăn khắp nơi, về nơi đây đậu trên các cành cây rồi ị xuống, theo thời gian nảy mầm mọc lên. Ớt không to trái, vì thế nó luôn mọc chỉa thẳng lên trời. Bọn trẻ như hắn hồi đó nghe người lớn thường nói: nó cay xé trời!

     Hắn còn nhớ như in, một hôm cùng thằng bạn tên Đức đang trên con đường làng đến trường ngày đầu đông, thằng Đức chợt nói:

     - Trời lạnh thật! Sáng không ăn cơm, thấy lạnh hơn mọi ngày.

     - Ừa. Tao cũng vậy! Bà tao nói người lớn họ thích đánh nhau hoài, nên tụi mình là đám con nít phải chịu đói luôn. Mấy ổng ở trên núi ban đêm xuống đánh, xuống gõ mõ khắp làng. Ban ngày mấy ông lính dưới này, như bác tao, thì nã đạn lên núi liên tục, làm ai ai cũng bỏ cả ruộng đồng, nương rẫy! - Hắn vừa xoa hai tay vừa đế vào.

     Hai đứa co ro đi trong gió lạnh mù sương. Một lát thằng Đức chợt nói:

     - Mà Tít nè! Sao người lớn họ thích đánh nhau quá hén! Lớn lên tao cũng đi lính, cũng bắn ầm ầm như bác của mày thường bắn mỗi ngày ở chi khu!

     - Bậy nà! Bắn giết có sướng ích gì! Bà tao nói vậy. Bác tao thì ở dưới này. Chú Út tao lại ở trên núi, lâu lâu lén về thăm nhà xin xỏ bà tao. Bác tao có biết được cũng đành giả vờ làm ngơ đi. Bởi vậy...

     - Ê! Hai thằng nhóc kia, lại đây. - Hắn chưa nói hết câu, đã nghe tiếng Tư Cò gọi.

     Tư Cò làm cảnh sát ở địa phương này chưa lâu nhưng nổi tiếng hách dịch. Hắn biết, lúc trước Tư Cò là lính đào ngũ, sau nhờ cha mẹ đút lót mà làm cảnh sát tại quê nhà. Tên của anh thực ra là Tư, bởi anh thứ tư. Tướng Tư cao lêu nghêu như cây tre làng, lại mặc đồ cảnh sát màu trắng, nhìn từ xa giống như con cò cao cẳng, cho nên mấy anh lớn trong trường thường gọi Tư thành Tư Cò theo đúng nghĩa: vừa giống Cò thú vật vừa giống Cò người - như cái chức Cò cảnh sát của Tư. Nhất là những trưa tan trường, học sinh tràn tràn lớp lớp đua nhau ra về, ngang cửa Tây (một loại cửa như đường hầm thời xưa để lại), xô lấn chửi thề um vang, ép nhau đi, thế nào Tư Cò cũng bợp tai mấy đứa con trai làm oai.

     Thằng Đức nói:

     - Mẹ ơi. Tư Cò lại say rượu rồi! - Hai đứa riu ríu nép mình theo cái vẫy tay của Tư Cò.

     - Thằng Tít! Nghe nói, đêm hôm qua thằng Út Bạch Lan lại mò đầu về nhà xin tiếp tế  gạo, tiền... Phải không mậy?

     Hắn tái mặt. Mặc dầu trời mùa đông lạnh buốt xương, nhưng không dấu nổi bộ mặt của hắn càng trắng bệch thêm ra. Quả đêm hôm qua, chú Út của hắn cùng mấy ông du kích từ bên kia Đại Điền Đông lội băng đồng về nhà bà hắn xin gạo tiền, lúc rút đi không biết làm sao chó sủa suốt đêm, dân làng phải đánh trống, gõ mõ, gõ nồi niêu xoong chảo vang um trời đất trong đêm đen để báo chính quyền xã. Hắn sợ quá nằm thu lu bên vú bà.

     - Anh Tư... Tui đâu biết. Tui ngủ mù trời mà! Tui nói thiệt...

     - Thằng xạo mày! Hồi hôm, trống mõ xoong chảo đánh liên tu liền tù tì mà mày nói ngủ mù trời hả? Tao nói thiệt. Tao mà bắt được thằng Út Bạch Lan, tao cắt gân nó!

     Hắn im re không dám hé răng. Hắn biết, giữa Tư Cò và và chú Út của hắn có mối hận tình với một cô gái trong thôn. Cả hai gã đàn ông đều yêu một cô gái quê, nhưng không được đáp lại mối tình câm. Cả hai đều thất tình! Tư Cò trốn lính một thời gian sau làm cảnh sát. Chú Út của hắn lên núi làm cuộc cách mạng... đắp mô đường xá, giựt mìn xe lam! Sở dĩ, có cái tên Út Bạch Lan là vì chú hắn ca vọng cổ giao duyên rất mùi, cả xóm ai ai cũng thích. Hắn không biết giữa hai gã đàn ông làm sao mà từ tình bạn hóa ra thành kẻ thù truyền kiếp nhau? Vì một cô gái quê? Vì quê hương đất nước? Hắn nghĩ mãi vẫn không ra lẽ. Chuyện hai chàng thanh niên mới lớn yêu một cô gái quê không được đáp tình, là chuyện phức tạp của người lớn, hắn không thể hiểu nổi! Mà chuyện vì quê hương đất nước hắn còn mù mờ hơn! Yêu đất nước lại trốn lính, rồi đút lót để được đi cảnh sát nằm tại quê nhà? Yêu đất nước mà đêm đêm chú hắn cùng đồng đội về làng đắp mô, gài mìn cho nổ xe lam và dân quê chết oan ức tội nghiệp? Hắn không hiểu lắm về một đất nước mà hắn đang ở ra làm sao!

     Tư Cò có tật uống rượu mỗi sáng sớm khi đứng gác cổng thành. Mỗi khi say sần sần, anh có quyền... cho phép mình đánh vài bợp tai một-hai thằng học sinh nào đó đi ngang qua cổng mà anh không ưa!

     - Mày dìa nói với Út Bạch Lan coi chừng có ngày tao thịt nó...

     Tư Cò chưa dứt câu hắn, đã lò dò muốn đi.

     - Ê! Thằng kia. Tao cho mày đi chưa mà mày dám đi hả mậy? Lại đây tao biểu...

     Thằng Đức sợ quá níu hắn lại, nói:

     - Tư Cò kiếm chuyện rồi Tít ơi! Hình như ổng xỉn rồi đó.

     Hắn riu ríu đứng lại. Tư Cò bảo:

     - Mày dám chống tao? Tao chưa cho đi mà mày dám đi hén! Ê! Thằng Đức cống, lại tao biểu.

     Tư Cò vừa nói vừa vẫy vẫy cái roi mới bẻ đâu đó trong lùm cây, mắt nhìn láo liêng, chỉ vào mấy cây ớt mọc hoang sau cái mả lạn.

     - Thằng ‘Đức cống’ đi hái cho tao một bụm ớt coi mậy.

     - Chi vậy anh Tư?  - Thằng Đức ngơ ngác hỏi Tư Cò.

     - Thì tao bảo sao nghe vậy, mày có nghe hông mậy?

Thằng Đức lò dò đi quanh mấy gốc ớt bứt một bụm đem ra đưa Tư Cò. Tư Cò bảo:

     - Mày nói đêm hồi hôm thằng Út Bạch Lan không có về, phải không? Làm sao tao tin mày! Tao biết cả nhà mày cố bao che nó. Hay là thế này: một là mày phải thú thật với tao đêm qua có thấy thằng Út Bạch Lan về làng; còn hai, nếu mày muốn chứng minh mày không biết gì cả, tao cá mày có dám ăn hết bụm ớt của thằng ‘Đức cống’ vừa hái kia không?

     - Ai lại đi xử ép với nó như vậy anh Tư...

     - Im mậy! - Tư Cò cướp ngang lời thằng Đức.

     - Sao? Dám không mày, Tít? - Tư Cò nhìn hắn khiêu khích.

     Đến lúc này hắn không còn chọn lựa. Hắn không muốn Tư Cò biết chú Út của hắn có thể còn luẩn quẩn quanh làng. Hắn bậm môi gật đầu. Hắn tin cái tài ăn ớt... từ lúc còn biết đi của mình.

     - Được rồi! Tui ăn. Nhưng từ đây tui không muốn anh hỏi tới chú tui nữa, vì tui không biết mấy cái chuyện của người lớn này.

     Tư Cò cười khinh khỉnh bảo thằng Đức:

     - Ê... ‘Đức cống’! Mày đưa bụm ớt cho nó ăn.

     Thằng Đức đưa bụm ớt nói như xin lỗi:

     - Biết vậy, hồi nãy tao hái ít ít...

     Hắn không nói không rằng, bốc bụm ớt tọng vô miệng nhai rau ráu. Tư Cò cười khoái chí, vừa quơ cây roi quất đen đét vào thinh không vừa đi vào bục gác ngồi.

    Đó là lần đầu tiên trong đời một thằng bé như hắn biết thế nào là sự thù hận của con người Việt Nam trên ngay mảnh đất hắn đang sống.

     Ngày ấy, hắn tọng cả bụm ớt ăn nhưng vẫn không thấy cay. Hắn chỉ thấy: Đời cay hơn ớt!

 

 

     ... Sau 1975, người ta nói quê hương đã thanh bình. Hắn lớn lên như gió đồng quê vẫn thổi dạt dào vun xới những cánh đồng lúa mơn mởn ngọn đòng đòng nơi làng quê hắn. Thanh bình đâu không thấy? Hắn chỉ thấy nhà tù nhiều hơn, trại cải tạo mọc khắp trên quê hương hắn; và người dân ngày càng đói meo mốc hơn. Những từ ngữ mới lạ nhiều hơn.  

     Hắn cũng thay đổi hẳn! Bây giờ hắn trở thành công an biên phòng đóng đồn tận Thủy Triều, Cam Ranh. Lâu lâu mặc đồ trận về làng đạp xe dạo chơi thăm bạn bè. Ai nhìn hắn cũng sợ, cũng e dè lấm lét mà đi - ngay cả mấy thằng bạn thân nhất như thằng ‘Đức cống’ một thời áo trắng quần xanh thuở bé cũng nghi kị cả hắn! Mà hắn có làm chi đâu? Hắn nghĩ mặt mày hắn cũng chẳng lưu manh, cô hồn chi lắm. Bằng chứng là sáu tháng quân trường hắn đói meo, đói rã họng bởi cái tánh ngờ nghệch học trò mới dứt sữa của mình. Hắn chỉ mặc bộ đồ công an màu xanh cứt ngựa, đội cái mũ vải có gắn cái ngôi sao vàng trên đầu, mà ai nhìn cũng đã hoảng hồn. 

     'Xã hội gì kỳ cục! Sợ gì không sợ, lại đi sợ cái ngôi sao vàng... khè!' Hắn vừa nghĩ miên man, vừa cong đít đạp chiếc xe đạp cà tàng qua cửa Tây, nơi ngày trước hắn từng ăn cả bụm ớt cứt chim ỉa. Chợt thấy đám đông dưới dốc, hắn ngừng xe lại.

     - Mẹ. Đánh chết nó đi! Cha này hồi trước làm cảnh sát ngụy, hách dịch lắm. Chả làm gì cứ lấp lấp ló ló dưới ao cá mấy hổm rày. Định câu trộm cá hợp tác xã chắc? Đánh chết mẹ nó đi. Có gì tao chịu!

     Hắn nhìn hai gã du kích xã trong xóm quen mặt, can gián:

     - Thôi bỏ qua đi. Mấy ông đâu có quyền đánh người ta như vậy. Cũng dân trong xóm, trong làng cả mà. Còn luật pháp nữa chi?

      - Luật pháp cái... củ bìu! Luật pháp là tui đây!

     Hai tên du kích cự lại. Nhìn người đàn ông nằm xấp, hai tay ôm đầu, co đôi đầu gối quì kiểu chổng mông để che đòn, hắn bất bình, điên tiết dọa:

     - Đù mẹ! Tao là công an. Tao cũng có súng. Tụi mày lạng quạng tao bắn thấy mẹ!

     Hai gã du kích xã lườm lườm nhìn hắn, đoạn xua đám đông rồi cũng đi. Hắn vừa dìu người đàn ông đứng dậy, vừa lầm bầm:

    - Làm gì để tụi nó đánh dữ vậy? - Hắn chợt ngưng ngang khi nhìn ra người đàn ông. - Ủa! Anh Tư! Khỏe không anh Tư... Còò?

     Hắn nghĩ, bây giờ hắn cũng có quyền... hạch xách, trịch thượng gọi Tư là... Tư Cò. Đời mà! Cá ăn kiến, kiến ăn cá mà lị! Hắn chào Tư Cò, kéo rê chữ ò cuối như riễu cợt.

     Tư Cò lúi cúi lượm cái mũ tai bèo nhăn nhúm phủi phủi, quay lại định trả lời. Chợt Tư Cò thấy gã công an còn non chẹt, chân mang đôi dép râu cáu đầy bụi nhìn anh cười tỏn tẻn. Tư Cò chợt sợ ngang! Anh nhớ đã gặp cái thằng bộ đội con nít, con cháu Bác Hồ này ở đâu đây quanh xóm trước đây, nhưng không tài nào nhớ nổi, bởi cái sợ khi nhìn thấy... cái ngôi sao vàng khè hắn đội trên đầu.

     - Nhớ tui không anh Tư? - Hắn cười thân thiện. Tư Cò nhìn hắn, cố nhớ xem thằng con nít này là ai, nhưng anh đành chịu, lắc đầu.

     - Anh hổng nhớ tui thiệt à? Tui là cháu của Út Bạch Lan nè!

      - Ủa? Trời ơi. Thằng Tít! Mà mày... mày, dạ.. Dạ không, thưa anh cán bộ Tít! Anh mới về chơi? - Tư Cò gãi gãi đầu thân thiện.

     - Cán bộ, cán gáo gì anh Tư! Anh làm gì để tụi nó đánh dữ vậy?

     - Có làm gì đâu! Tụi nó nghi, tụi nó không thích thì tụi nó có quyền đánh mình mà... em.

     Hắn cười cười:

     - Thì... cũng giống như anh hồi trước ấy mà, phải không? Chà. Lạ quá hén. Hồi trước tui gặp anh cũng ở đây. Bây giờ cũng ở đây. Anh còn nhớ vụ tui... bị ăn cả bụm ớt cứt chim ỉa?

     - Thôi mà... em Tít! Nhớ chi chuyện xưa. Thằng Út Bạch Lan nó hành tui cả năm trời trong trại cải tạo. Nó... hổng phải... ổng bây giờ làm lớn, ổng... quyền hét ra lửa...

     - Chuyện của chú tui là chuyện của ổng và anh có dính dáng gì tới tui. Tui có muốn đòi nợ, đòi nần gì ở anh đâu, mà anh sợ dữ vậy anh Tư? Tình cờ gặp anh ở đây, nhắc chuyện bị ăn ớt cứt chim ỉa cho vui, luôn tiện tui muốn nói cái kỳ cục ở cái xã hội này. Hồi năm 1974, tui lo học nhảy đặng khỏi bị đi quân dịch sớm, ai dè có ngày 30 tháng Tư, cũng không thoát, cũng đi lính dù đã hòa bình. Nếu không có ngày này, có lẽ giờ tui với anh cũng... sát cánh bên nhau trên chiến trường anh hén? Rồi có lẽ tui cũng... sát cánh bên anh đi cải tạo mút mùa lệ thủy chớ giỡn chơi sao! Phải không anh Tư? Rồi bây giờ tui làm công an cũng như anh làm cảnh sát trước kia. Muốn chửi ai thì chửi, muốn bợp tai ai thì cứ... tự nhiên làm, không sợ ai phạt vạ tống tù mình. Mà cái xã hội này nó còn lạ hơn nữa. Anh Tư có tin, tui, chính tui tay cầm súng đứng canh tù, mà người tù đó chính là ông bác tui?

     Tư Cò đứng im, mặt tái ngắt như cái thuở hắn bị anh bắt nạt. Hắn cười tiếp:

     - Chưa vượt biên sao anh Tư? Dạo này nghe nói mấy ông lính vượt biên dữ lắm.

     - Thôi mà em Tít! Cho anh sống với. Út Bạch Lan bây giờ làm ở huyện ủy. Tui lạng quạng là ổng còng đầu tui ngay. Ổng còn hận cái vụ tui cùng mấy ông lính địa phương quân bố ráp nhà bà em hồi đó, làm ổng chạy văng mạng bán sống bán chết đêm hôm ấy. Ở đó mà nói tới vượt biển với vượt biên!

     Hắn kê chân lên bàn đạp, nói trước khi đi:

     - Anh liệu sao đó mà làm. Dù sao, cho đến bây giờ tui cũng cám ơn anh cái vụ bị anh cho ăn ớt cứt chim ỉa! Nó là một bài học quí giá đối với tui. Bởi vậy, mấy tháng nay đi công an tui cứ nghĩ hoài về vụ này. Nó cho tui biết cái xã hội này không thích hợp với tui, dù rằng chú tui muốn gửi tui đi học ở bên Liên Sô tui cũng không thèm!

                                                           

                                                                       

 

     Hắn nhớ, sau vụ gặp gỡ Tư Cò lần cuối, trở lại Cam Ranh hơn tuần hắn cướp tàu nhà nước vượt biên cùng ba gã công an trong đồn. Qua tới Philippines một năm, hắn giã từ người yêu lên đường định cư Canada với hành trang vỏn vẹn... hai ký ớt cứt chim ỉa mà hắn và người yêu cố công đi hái trên đảo Palawan trong khu rừng hoang, rồi nén chặt trong lọ thủy tinh với muối, để qua mặt bọn hải quan phi trường nhiều nước trước khi tới Canada. Hắn nghĩ cái xứ Canada lạnh lẽo, làm gì có ớt cứt chim ỉa mà ăn cho khoái vị cay của quê nhà, nơi mà hắn đã chối bỏ ra đi để sống xứ người?

     Canada là vùng đất lạnh. Xứ lạnh nhưng tình nồng. Thời cuối thập niên 1970, dân tị nạn Việt Nam rất ít, nên sống quây quần và giúp đỡ nhau chí tình trong những ngày sống tha hương. Dĩ nhiên, xứ lạnh làm gì có ớt huống chi ớt cứt chim ỉa hắn thích ăn.

     Hai năm sau, hắn nhận được thư của Tư Cò từ bên đảo Ga-Lăng gửi qua. Từ đó giữa hắn và Tư Cò coi nhau như anh em. Nhiều năm sau, Tư Cò ổn định đời sống ở California, mời vợ chồng con cái hắn qua chơi.

     Trong điện thoại Tư Cò nói:

     - Chú qua đây. Anh cho coi cái này. Anh biết thế nào chú cũng quí!

     Hắn qua tới Mỹ quốc, nơi xô bồ người Việt Nam, gặp Tư Cò, hắn hỏi ngay:

     - Anh nói có cái gì quí? Đưa tui coi ngay!

     Tư Cò kéo tay hắn ra nhà sau chỉ... cây ớt cứt chim ỉa, phán:

      - Nó đây!

     Trời ơi! Đi bao dặm đường, qua bao quốc gia gần 15 năm sau, hắn mới được nhìn lại cây ớt cứt chim ỉa, giống như cây ớt ở quê hương. Dù rằng cây ớt cao quá đầu người và tán tỏa rộng cả một góc sân. Hắn săm soi cây ớt,  hỏi Tư Cò:

     - Anh Tư lấy giống ở đâu vậy?

     Tư Cò bảo:

     - Anh cũng không rõ! Chủ trước của nó chắc cũng là người Việt, dọn ra bỏ lại. Cây này mọc chắc cũng đã lâu. Người ở trên lầu và anh ở dưới đất ‘share’ quanh năm suốt tháng mà nó cứ ra trái hoài, ăn hổng hết thấy rụng cũng uổng. Hồi anh đi mướn nhà, thấy cây ớt này lại… nhớ chú, nên mới mướn căn nhà này, chứ khu này tụi Đen quậy dữ lắm, anh đâu có thích.

     Hắn mặc Tư Cò nói. Tai hắn nghe tay cứ dứt từng trái bỏ túi. Chợt hắn giật mình.

    - Trời ơi! Trời! Làm gì mà hái dữ vậy? Hái hết của người ta chắc?

     Hắn ngẩng mặt nhìn lên cầu thang, thấy một mụ nạ dòng mặt quen quen. Người mụ đeo đầy vòng vàng ở tai, ở cổ, ở tay kêu rổn rảng khi xê dịch. Tư Cò vội nói:

    - Tít! Chú còn nhớ chị Hai Lý? Chị Hai cũng là dân ở làng mình nè!

      Hắn chưa kịp chào, Tư Cò tiếp:

     - Chị Hai, chị còn nhớ thằng Tít, con thiếm Sáu Lúa ở làng mình hông? Nó từ Canada qua thăm vợ chồng tui đó.

     Mụ đàn bà chẳng thèm nhìn hắn:

     - Nó là thằng nào, con ai, ở đâu tới... mặc mẹ nó! Cây ớt này của tui và chú, chớ có phải của nó đâu mà chú để nó muốn hái bao nhiêu mà hái. Hở trời!

 

Vũ Đình Kh.

Vancouver, 12/10/1999.