tranh Lâm Quang Kim Phượng
Vũ Đình Kh.
có những niềm đau
1.
Tịnh cùng bốn tân binh, bị đưa đi đóng quân trên một mỏm đảo nhỏ, nằm chênh vênh, côi cút ngoài khơi vịnh Cam Ranh. Cả làng, đếm chưa tới trăm nóc gia, có mùi gió biển tanh tanh của cá phơi khô. Trú đóng hơn tuần, Tịnh bắt đầu chú ý con lợn và bầy gà, do lính Hậu cần nuôi.
Sáu tháng quân trường, cơm cà mắm muối, thao trường cực nhọc, lại ít được thăm nuôi, gã nào cũng ốm tong teo như lão còng gió, đen đủi đến thảm thương. Được ăn lưng lửng, đã là ước mơ lớn của đời lính, nói chi miếng thịt!
Đã từ lâu, ít nhất sáu tháng, Tịnh chưa hề biết tới mùi vị thịt gia súc. Ngoài rắn, giông, kỳ đà và những loài bò sát khác, con nào con nấy, bé tẻo như rẻo tay con nít, đút vào mồm chỉ một 'nhát' là xong, sau vài thủ thuật nấu nướng nhanh, gọn. Thức ăn chỉ là cá vụn ôi, bo bo, bột mì và mì sợi Trung Quốc trộn vào cơm.
- Lính thế... Đánh đấm với chó! Vậy mà cũng huênh hoang 'đánh cho Mỹ cút, Ngụy nhào'. Kỳ cục! - Thiện, thằng sinh viên đại học năm thứ 2, từng nói thế, vào ngày gắn lon binh nhì ra trường.
Vì thế con lợn, bầy gà và... miếng thịt cứ ám ảnh Tịnh triền miên, cả trong giấc ngủ. Mỗi khi rảnh rỗi, lẽ ra vào làng cua đào, ghẹo gái, Tịnh hay đi lang thang, thơ thẩn trên đồi đá, nhìn ngắm trời nước vu vơ. Anh cố xua đuổi hình ảnh ám ảnh đó, những khi nhìn thấy con lợn cun cút bên chậu cám, đàn gà xôn xao vỗ cánh đá nhau nhặt nhạnh sát bếp.
Hình hài thằng người như ma cà bông, gái nào chịu nhìn mà bày đặt cua đào với điếc? - Tịnh từng cay đắng nghĩ thế.
Những bữa ăn có nước muối pha loãng với trái cà đỏ, nếm mặn chát đến lạc lẽo vô vị; và cá tuy không ôi, nhưng cơm không đủ, lại thiếu chất mỡ, vẫn cứ tiếp tục hành hạ Tịnh nhớ quay quắt miếng thịt tưởng tượng trong đầu.
- Phải thịt nó! - Tịnh nắm tay quyết chắc như thế! Anh tự nghĩ và chưa biết phải xử trí ra sao.
Buổi trưa, trời đứng gió, oi ám căn phòng. Mấy ngọn trúc đào thao thức cùng nắng đứng ủ rũ ngoài sân. Con chó cò, khoanh trắng, ghẻ lởm chởm đầy lưng nằm rỏ dãi, thở khò khè như bị suyễn kinh phong, sắp chết. Tịnh lò dò đi xuống nhà bếp tìm nước uống. Xuống khỏi con dốc đầy đá lởm chởm như ổ chuột, ngang lùm cây, Tịnh thấy hai gã tân binh đang ngồi chỉ chỏ, thì thầm. Tịnh len lén ngồi nép vào gốc cây cạnh đó, nghe ngóng.
- Phải thanh toán nó mày ạ! Tớ thèm lắm rồi. - Một gã nói.
- Bằng cách nào? Nghe nói, đây là của thủ trưởng. Tụi mình đụng vào là lớn chuyện đó.
- Xì! Thế cũng nói. Nó vốn của hậu cần Tỉnh, tặng cho mỗi đơn vị bộ đội, khi còn bé tí. Chờ đến Tết thịt, gọi là bồi dưỡng cho lính. Từ khi nó ngày mỗi lớn, ông trưởng đồn cứ nói vơ vào, bảo của ông ấy. Mấy anh em đóng đồn trước mình nghe vậy, tức anh ách, nhưng không ai dám cãi. Tết sắp đến rồi, tụi mình phải có cái gì chén chứ. Tớ cũng thèm rỏ dãi đây.
- A. Hai ông mãnh đang âm mưu chuyện tày trời. Tớ đi báo cáo, tớ lấy điểm, lập công! - Tịnh ló đầu, cười.
- Thằng đồng chí quỷ quái, làm chúng ông hết hồn. Lại đây Tịnh. Tao biết, mày đâu phải thứ ăng-ten rỉ sét. - Gã tân binh tên Hùng, gọi Tịnh.
Hồi còn ở quân trường, tân binh nào cũng biết Tịnh. Tịnh là dân học sinh được tuyển vào công an vũ trang đợt đầu tiên, sau giải phóng, năm 1976, vì gia đình có liên hệ cách mạng. Anh khá nổi tiếng về những phát biểu “linh tinh” trong các giờ chính trị. Lần khác, Tịnh đánh đồng đội vì miếng ăn, máu đổ xối xả trên thau cơm đầy rau, ở nhà ăn tập thể của lính. Với Tịnh, anh cần sự công bằng trong mọi hình thức chia xẻ, dù là miếng ăn - là miếng tồi tàn nhất. Tịnh đánh và thắng, dù anh thấp hơn gã kia cả cái đầu. Tịnh có nước liều của một con sói bị cùng đường, khó bứt thoát khi bị vứt vào đời - một đời sống vô cùng đói khát trong quân ngũ, sau thời chiến tranh nghèo nàn, tụt hậu; dù anh vốn nho nhã và có chút ít học thức. Tụi tân binh trong quân trường, từ đó, thường theo Tịnh, đêm đêm chun rào ra ngoài, hái cây trái của dân trồng, ăn cho đỡ đói. Nhưng tịnh không một gã nào dám tuyên bố những điều lếu láo về chính trị như Tịnh. Mấy thằng tân binh nể Tịnh, thương Tịnh là thế. Giờ về đây, cái đồn hẻo lánh, xa xôi này chứa toàn một lũ bất trị như Tịnh, từ ma cũ tới ma mới. Anh nào cũng gầm ghè nhau giữ miếng.
Thỉnh thoảng, bực tức nhìn sự việc vây quanh, Tịnh phát ngông, phun một tràng tiếng Anh, chẳng ai hiểu nổi.
Thằng sinh viên cười ngất, bảo: 'Nó nói tiếng Mỹ dở như cứt!' - Ông trưởng đồn giận như còng bị lấp lỗ, đi lại loay hoay chửi Tịnh và bắt viết kiểm điểm. Tịnh 'vâng dạ' lấy lệ, rồi kiếm cớ dông, rong chơi trên những mỏm đá ngoài khơi…
- Ăn để sống, đó là chuyện thường tình của con người trên cõi đời này. Tìm cái có để mà ăn ngon, để khoái khẩu, cho cái ti tiện thèm thuồng của bản chất ham hố con người, mới là điều khó. Tụi mày ngộ chưa? - Tịnh bông đùa, đi đến ngồi xuống, bứt ngọn cỏ ống nhai nhai.
- Con người ti tiện, vì thông minh hơn loài cầm thú, đánh mất sự dũng mãnh trong cái sự tìm ăn như loài hổ báo. Để có cái ăn ngon, con người bất chấp tất cả, ngay cả những điều tàn nhẫn nhất. -Thằng sinh viên lên tiếng.
- Vậy đã nghĩ ra chưa, người oai phong?
- Tao chưa nghĩ ra. Tao không thông minh như loài người.
- A ha. Vậy mày là hổ? Con hổ này, tếu đếch chịu được. - Cả Tịnh và Hùng cùng cười, nhạo thằng sinh viên. Tịnh tiếp:
- Đúng là thời mạt pháp! Con người chỉ nghĩ đến miếng ăn. Kiếm có cái gì đó đút tọng vào mồm cho đỡ đói, còn bày đặt ví von hổ với hiếc, liêm sỉ của con người. Chán mớ đời!
Ba gã tân binh ngồi kháo chuyện một chốc, rồi bỏ về phòng. Trời vẫn đứng gió. Cái nóng buổi trưa, oi bức như đứng trong hầm than, làm Tịnh thấy khát nước. Dù đã có gió của biển, và Tịnh, đã là bạn của biển.
Đã là bạn của Biển, Tịnh thường dạo rong qua các gềnh đá của biển, của trời đất mênh mông, vô thủy vô biên.
Tịnh thả đàn bò dưới chân dốc, cho chúng tự nhiên đi gặm những đóm cỏ vàng trên những mỏm đá nóng.
Tịnh lom khom, luồn qua kẽ vách đá núi. Bên dưới, sóng vỗ, đánh ầm ầm vào gành. Nhìn những ngọn sóng bạc đầu ngoài khơi, đang kéo vào, lớp sau dồn lớp trước, Tịnh thấy sợ cái dữ tợn của trời đất mênh mông, biển nước bao la quá nhiệm mầu. Tịnh tưởng như đang sống trên một hoang đảo. Một mình! Tịnh trườn qua mỏm đá, treo cây súng, níu cành cây, quăng mình nhảy lên nhẹ nhàng.
Bây giờ là đất với đá và rừng cây lưa thưa.
Ở trên ngọn cây không cao lắm, một con khỉ đang ngồi ưu tư nhìn ra đại dương mênh mông xa thẳm. Thỉnh thoảng, nó đưa tay gãi gãi cái đít teo nhách, sần sùi và đỏ thắm như trái sim rừng mọc dại trên mỏm núi đá. Tịnh lấy súng, bò thật sát như trong quân trường đã dạy. Vừa đủ đích nhắm để bắn, Tịnh dựa vào một cây cổ thụ lớn. Tịnh nâng súng. Sáu chục thước. Tài bắn súng của Tịnh không tệ. Ngày ra trường, anh đã từng bắn trúng hai vòng tâm ở khoảng cách 150 mét.
- Mày 'đi' là cái chắc! - Tịnh lầm bầm, tự tin đưa đầu ruồi vào mục tiêu quá gần.
Con khỉ vẫn thản nhiên, làm trò khỉ vạch dái bắt rận. Bắt được mụ rận nào, nó bỏ vào miệng tóp tép nhai, mắt hấp háy ra chiều thống khoái.
Tịnh phát giác con khỉ đã mấy ngày qua và anh đã cố công theo dõi dấu vết nó. Tịnh nghĩ, đây là một con khỉ nhà bứt dây, chạy thoát, lạc vào rừng cây thưa.
Tịnh rà cò súng, đắn đo, chưa định bóp cò.
Con khỉ, dường như ngửi được sự đe dọa, đâu đó trong giác quan chợt bừng thức sau những phút ưu tư, vu vơ. Nó chợt xoay mình, nhìn thằng người ốm o đang nâng súng nhắm nó. Vài giây trôi qua, Tịnh và con khỉ vẫn nhìn nhau đâu đấu. Trong một sát na nhà Phật, Tịnh định bóp cò, nhưng anh cố kìm hãm sự náo nức tuổi trẻ. Có lẽ, con khỉ đã biết khó thoát khỏi tay súng thằng người, đang đứng nhắm nó không xa mấy. Nó cúi gầm mặt, mắt lấm lét liếc nhìn Tịnh như van lơn.
- Bắn đi Tịnh, cả mươi ký thịt tươi đấy! - Con quỷ đói khát, nằm trong thằng người của Tịnh xúi dục, sôi sục. Tịnh mân mê bá súng, chưa vội bắn. Ý nghĩ mâu thuẫn bắn giết, thương xót vẫn còn bám anh.
- Sáu tháng mày chưa biết mùi thịt, đúng nghĩa của miếng thịt kia mà. Bắn đi! Bóp cò đi, Tịnh! Tao chắc chắn, khi mày bóp cò, con vật khốn nạn này sẽ quăng mình xuống ngay. - Con quỷ đói thôi thúc thêm. Tịnh định bóp cò.
Thằng người lương tri lại nói:
- Nó là một con khỉ đói, cô độc sống lang thang không bầy đàn. Nó cũng giống mình. Cả cái đảo đá hoang này, đâu có bao nhiêu cây trái để nó đói no. Nó cũng biết sợ đấy chứ?
- Như vậy, cả hai thằng mình đều phải đói. Thời gian sáu tháng chưa đủ sao? Bắn nhanh đi Tịnh! - Con quỉ thôi thúc tiếp.
Sóng vẫn vỗ ầm ì, bọt tung trắng xóa.
Tịnh nâng súng lên trời. Ở đó, có trời, có thần linh tạo ra ma quỷ phá phách loài người; có những đám mây đang trôi nhanh mãi miết, thoạt nhìn là ma quỷ, thoáng biến thành tiên, rồi hóa ra chồn
Tịnh xiết cò.
Đạn nổ dòn dã như pháo Tết.
Khi Tịnh nhìn xuống rừng cây lưa thưa, con khỉ đã biến mất tự bao giờ.
Con quỷ đói đau khổ, kêu rêu:
- Như vậy, là mày thua và mày sẽ đói, sẽ thèm ăn mãi mãi!
- Có những cái thua, cái đói, lại là những niềm hạnh phúc lớn lao. - Tịnh an ủi.
Khi Tịnh đi xuống một khoảng ngắn, thấy thằng sinh viên cắm đầu chạy lên. Mặt nó tái mét, nhìn Tịnh soi mói, thở hồng hộc.
- Mày vừa bắn? Bắn chi, thằng lính?
- Tao bắn đời! Cuộc đời trần tục này, cái gì mà chả muốn bắn.
- Trời ơi, trời. Mày đúng là đồ chăn bò! Dĩ nhiên, là đời này cái gì cũng đáng bắn cả. Nhưng thằng chăn bò ơi! Mày chăn thế nào, mà bò với chủ, mạnh ai nấy đi phá đời thế này. Cả ba con bò, nó cày nát đám khoai của người ta ở dưới làng kia kìa. Trời ơi! Lính ơi là lính! Bò ơi là bò! - Thằng sinh viên dậm chân.
- Tối nay tao khỏe rồi. Viết kiểm điểm, khỏi có gác! - Tịnh cười sảng khoái chạy xuống con dốc thoai thoải. Thằng sinh viên lò dò đi theo. Con dốc hơi cao, thằng sinh viên vừa đi, vừa thở. Nó chửi Tịnh và đi nghiêng nghiêng như kiểu còng quào leo đá.
- Báo cáo đồng chí! Tôi nghĩ, nhất định có lợn rừng đang quanh quẩn đồn này. - Tịnh gãi đầu, khi trình báo ông Thiếu tá, trưởng đồn công an.
- Ở đây là đảo đá, làm gì có lợn rừng! Đồng chí đùa chắc? - Ông thiếu tá nhìn Tịnh chăm chăm, dò phản ứng thằng lính mới.
- Báo cáo! Bữa trước viết kiểm điểm, tôi có nói tôi bắn lợn rừng, nhưng đồng chí cứ nhất định không tin, cứ vu tôi đi bắn bừa trên đảo. Tôi nghĩ lợn rừng nó ma mãnh lắm. Nó có thể húc, giết bò của ta như bỡn. Tôi phải triệt nó trước. Bây giờ nó xuất hiện ngay chuồng lợn của ta.
Tịnh cùng ông thiếu tá đi xuống chuồng lợn. Tịnh chỉ những dấu chân còn hằn nét rõ rệt của những móng chân lợn rừng, bên ngoài chuồng con lợn nhà. Đám lính đi theo, nhìn Tịnh khâm phục. Ông thiếu tá cũng khâm phục sự xét đoán của Tịnh. Ông nhìn những vết chân lợn rõ nét, bảo:
- Đúng là dấu chân con lợn rừng! Tớ bao năm chinh chiến trong rừng sâu, nhìn sơ qua là tớ biết ngay. Các đồng chí coi này. - Ông di di bàn chân cáu ghét đầy đất, tiếp. - Tớ còn biết đây chính là con lợn đực nữa đấy nhé. Con lợn của tớ giờ phát mã 'con gái', thằng lợn này nó muốn động cỡn đây. Quái nhỉ. Đảo đá mà cũng có lợn lòi? Tớ giao việc này cho đồng chí Tịnh. Phải diệt nó ngay! Còn vài hôm nữa là Tết, ta cũng cần có chất tươi... ăn Tết. Tớ dám chắc con lợn lòi này phải trên một tạ đấy nhé!
Đêm.
Trời vẫn nóng hâm hấp, dù đã cận Tết. Những vì sao chi chít lấp lánh ánh trời đêm. Đêm ở đảo đá sao quá nhiều sao? Nhưng không đủ rọi sáng nơi chuồng lợn nằm.
- Lão thiếu tá có đoán ra cái trò này không nhỉ? - Hùng tay lăm le khẩu AK.47, nhìn màn đêm hỏi Tịnh.
- Mày hãy để mắt vào cái chuồng lợn kia dùm tao. Khi thấy nó đi qua khỏi chuồng lợn nhà, hẵn bắn. Nhớ bắn xả vào chuồng, thế nào cũng trúng. Xuỵt! Có ai tới đó.
Ông thiếu tá xuất hiện. Tịnh thấy run run, nhưng không thấy sợ.
- Cái ăn sao mà nhục quá?!
Ông yên lặng, nằm xuống cạnh Hùng, sau đôi câu thăm hỏi lấy lệ.
Đêm thăm thẳm trôi.
Tiếng ục ục của lợn kêu đâu đó trong màn đêm. Tịnh nhìn về hướng phát ra tiếng kêu. Cái bóng đen đi ngang như nhảy. Tịnh thấy tim đập mạnh hơn. Tim Tịnh nhoi nhói. “Cái ăn sao mà nhục quá!?” Tịnh kêu rêu trong họng. Anh cảm thấy hối tiếc trò chơi này.
- Đi nhanh lên, chạy nhanh lên! - Lòng Tịnh thúc hối cái bóng đen kêu ục ục não nề, anh lo lắng.
Ông thiếu tá nôn nóng, giật cây súng trên tay Hùng. Tịnh nhoài người định giật cây súng lại, ông thiếu tá đã xiết cò. Tiếng súng nổ dòn dã, như đã từng nổ bao năm qua trên quê hương đói nghèo này, trong những đêm đen.
- Trúng tao rồi, Tịnh ơi!
Cả đất trời sụp xuống trước mắt Tịnh. Ông trưởng đồn ngơ ngác nhìn vào màn đêm có tiếng kêu cứu thống khổ.
Tịnh quì gối. Anh ôm đầu bật khóc, ngửa mặt nhìn những vì sao.
2.
Tịnh cùng hai gã tân binh và một hạ sĩ quan lấy tàu vượt biên, sau đó hai hôm.
Những ngày mới qua đảo, bị giam biệt lập trong một căn phòng tám thước hình vuông, chỉ có độc nhất một cánh cửa sổ nhìn ra ngoài trời, gần con lộ nhỏ bằng đất trải sỏi; để chờ ngày ra tòa án quân sự ở Palawan, Philippinnes. Trong những giấc ngủ vô thức, triền miên giữa ngày và đêm, Tịnh thường mơ thấy cái dáng đi xiên xiên như còng quào leo đá của thằng sinh viên, trong đêm bị bắn chết ngay chuồng lợn. Hùng thường hay đập dậy mỗi khi Tịnh nằm mơ, hắn nhăn nhó:
- Lại mơ thấy thằng Thiện nữa à? Mày hãy sống, hãy làm việc cho mình. Trước mắt là làm sao, phải thoát ra khỏi cái nhà tù này cái đã!
Hai thằng còn lại, nhìn Tịnh lắc đầu. Thắng nói:
- Tao dắt mày đi, là để đi tìm một cái gì đó; đáng gọi là sống. Tao không dắt mày qua đây, để mày nhìn lại quá khứ mà âu sầu, khóc hận. Hãy cố gắng đứng lên mà sống, thằng lính!
Tịnh ngồi bật dậy, ngơ ngác nhìn ra ngoài khung cửa sổ.
Bây giờ đã là buổi trưa. Thời gian trong tù, sao mà dai dẳng như nghe một khúc nhạc buồn bất ưng. Cái nắng quái quỷ, vàng chảy hừng hực của xứ nhiệt đới như thiêu đốt, hắt xuống từ những mái tôn trên cao làm trán Tịnh ri rỉ đổ mồ hôi. Đã bốn ngày không được tắm, từ khi bước xuống chiếc tàu, rồi bị nhốt vào đây, thằng nào cũng hôi như chó cái hành kinh!
Bên ngoài 'căn tù', một nhóm người Việt tị nạn đã ba hôm, từ khi nghe tin, vội tụ tập lại biểu tình bọn Tịnh. Họ tụ từng nhóm, đi qua lại xầm xì, những con mắt dòm ngó, xoi mói... Vài thanh niên trẻ cỡ tuổi bọn Tịnh, cùng một vài gã trung niên, giơ nắm đấm, rít răng ra dấu hăm dọa:
- Tụi mày mà ra được, chúng ông đập chí chết! Đả đảo!
- Đả đảo!- Tiếng người hô theo.
- Đả đảo cái củ bìu! Làm như chỉ có mấy ông, mới được quyền vượt biên, còn tụi tui thì không à? - Hùng giơ tay, chỉ đám người bên ngoài.
Đám người chợt hung lên, lồng lộn. Mấy gã lính Phi, đen như bọ hóng, lưng trần trùng trục, đang đứng gác, lấy súng hăm dọa, họ mới chịu im. Tịnh đứng kề bên Hùng, tay bấu chặt mấy chấn song sắt, nhìn ra ngoài, thèm khát được tự do đi lại như họ, nhưng lòng thấy buồn, tủi. Phải nói, anh buồn tởm mới đúng hơn. Anh thấy con người sao thay đổi nhanh chóng quá! Đồng cà lăm, bực mình nói:
- Thôi, vào ăn cơm, Tịnh!
Tịnh ngồi xuống, tiếng chửi rủa từ bên ngoài vẫn còn dư âm. Tịnh nhìn những đĩa đồ ăn đầy ắp do nhà bếp cung cấp riêng hàng ngày. Tịnh lấy cái bát, xới cơm để phần cho thằng sinh viên. Mỗi đứa gắp một thứ đồ ăn bỏ vào bát. Cái bát đầy ắp, có ngọn.
- Mày bây giờ làm con ma no nê rồi nhé, Thiện! - Thắng nói trước khi và miếng cơm. Bốn thằng cắm cúi ăn.
- Thức ăn thừa thãi, sao đời vẫn cay? - Tịnh thầm nhủ, và biết rằng mãi mãi, còn ở cuộc đời này, là còn thằng sinh viên trong tâm khảm anh. Tịnh và thằng sinh viên là đôi bạn thân khắn, khít nhất từ lúc còn ở quân trường. Ôi, một trò chơi trả giá quá đắt! Tịnh bỏ bát cơm, đứng dậy nhìn ra khung trời của nắng quái. Đám đông đã vãn, khi con người đói và biết sợ đói, với những đồ ăn người ta cấp cho. Họ hết hùng hổ như khi no đủ, rảnh rang. Tịnh nói, như gửi cho gió:
- Sau này đi định cư, cứ 29 Tết ta, tụi mày nhớ mà cúng cho thằng Thiện, để nó không còn là con ma đói. Nhớ cúng cho nó con lợn thật lớn, dù bất cứ hoàn cảnh nào!
- Mấy con mà chả được! Chỉ sợ, chừng đó rồi chính mày lại quên thằng bạn ma đói của mày!
Một tháng sau đó, bọn Tịnh bất ngờ được đi định cư ở nước thứ ba.
Sau buổi sáng, ra hầu tòa án quân sự Philippines, năm 1978, bọn Tịnh được lính hộ tống đưa thẳng ra phi trường, nơi có mấy chiếc máy bay DC-10 đợi. Họ chia bọn Tịnh ra làm hai nhóm, dẫn Tịnh cùng Hùng đến một chiếc máy bay đậu gần đó. Bọn Tịnh hoảng hốt khóc nức nở trong chia ly, dù trước kia đã là những thằng lính lì lợm bất cần đời. Bước lên thang máy chiếc máy bay, Tịnh dụi nước mắt, nhưng còn cố hét lớn:
- Nhớ nha! Mỗi 29 Tết ta, nhớ cúng cho thằng Thiện một con lợn thật lớn!
Họ định cư ở đâu, Tịnh không biết.
Họ quen biết nhau, nhưng không thân và không biết gia cảnh nhau mấy, khi còn ở quân trường Nha Trang và một tháng đóng quân trên đảo đá vịnh Cam Ranh. Tịnh chỉ biết thoang thoáng, Thắng người Lương Sơn vùng biển, Đồng người Ninh Hòa bên kia đèo Rù Rì, của thành phố Nha Trang.
Đó là lần cuối họ chia tay nhau và mất liên lạc từ đó.
2.
- Trong đói nghèo, con người thường nghĩ tới cái ăn cho thỏa đam mê khốn nạn hằng có ở đời thường. Khi sự thỏa thê đã đầy ắp, con người lại hay quên những khốn khó của thời thiếu ăn, trước kia. Người ta bắt đầu tìm kiếm kỷ niệm, qua miếng ăn, sự ăn, bằng những hình thức ghê tởm. Tịnh, hãy đọc bài này. - Hùng ném tờ Edmonton Sun qua Tịnh, giọng bực bội.
Tịnh đọc lướt trên trang nhất tờ báo của thành phố cư ngụ. Cái tựa 'Người Việt Nam ăn máu tươi' làm Tịnh choáng váng. Bên dưới là những tấm ảnh chụp mấy đĩa tiết canh vịt làm chứng. Mấy ông tị nạn Việt, chơi trò bắt vịt trời ở công viên thành phố, về làm tiết canh vịt, bị cảnh sát theo dõi, bắt được, chụp hình. Những tin tức loại này, thỉnh thoảng, vẫn được đăng trên các trang báo địa phương như một hình thức sỉ nhục người tị nạn Việt Nam.
Ở thành phố này mấy năm đầu, Tịnh và Hùng vẫn sống chung nhau. Họ cố công tìm kiếm Thắng và , nhưng vẫn biệt mù tăm cá!
Tịnh vẫn nhớ biển của quê hương qua từng ngày tháng. Biển đã giúp Tịnh vượt thoát và biển cũng đã để lại trong anh một kỷ niệm xót xa của những ngày còn trẻ.
Và bây giờ, Tịnh đã là bạn của tuyết.
Những ngày cận Tết ta, dưới những cơn bão tuyết trù dập, hung hãn, Tịnh vẫn cố công lội bộ vào các chợ, lung, mua một con lợn thật lớn để cúng cho thằng sinh viên, nhưng tìm mãi vẫn chưa ra.
Chính quyền Canada, cấm tuyệt đối bán những giò, lòng, đầu lợn, dù người Hoa đã ở đây khá lâu đời. Vì thế mỗi 29 Tết, Tịnh và Hùng thường cúng thằng sinh viên bằng những đĩa thịt lợn ê hề. Vài năm sau, Tịnh thấy xuất hiện những giò, xương lợn dân bản xứ để chất đống bỏ một góc tủ, ai muốn lấy cứ nhặt về. Nhưng đầu, huyết, tim gan phèo phổi thì tuyệt không thấy. Ban đầu, len lén mắt trước mắt sau, sợ người bản xứ nhìn thấy, cười, Tịnh lấy bốn cái giò lợn bỏ vào bịch ny-lon. Tịnh mua thêm những miếng thịt lớn, rồi sắp xếp, vẽ cái đầu lợn bằng giấy bản cứng giống như hình con lợn để cúng thằng sinh viên.
Thời gian cứ thế trôi vùn vụt. Tịnh và Hùng cũng như bao gã con trai động cỡn đi tìm gái, cũng lập gia đình. Họ mua nhà sống gần nhau, xa thị tứ ồn ào của những đồng hương. Mỗi 29 Tết ta, Tịnh vẫn thường xuyên mua mọi thứ về cúng cho thằng sinh viên. Hùng đùa:
- Bây giờ sướng nhé Thiện, chỉ thiếu cái đầu lợn thật cho mày. Rồi tao cũng sẽ cố tìm ra cái 'thủ' cho mày xem!
Năm sau cận ngày Tết, Hùng hớn hở khoe:
- Tịnh, tìm ra rồi!
- Cái gì vậy? - Tịnh ngơ ngác nhìn Hùng.
- Tao tìm ra chỗ bán nguyên con lợn rồi!
Tịnh mừng, reo lên. Hùng nói:
- Tụi da trắng này cũng quỉ quái lắm! Nó cũng ăn giò, lòng, đầu lợn như dân mình, nhưng nó khôn hơn biết lén lút giấu diếm. Mấy thằng Tây trong hãng tao làm đó! Ban đầu nghe tao nói nó la lên như nghe chuyện kinh khủng, nhổ nước bọt tùm lum. Sau mấy lần đi bar nhậu hỏi tới, tụi nó mới khai thật và chỉ tao cái chỗ này.
Cuối tuần ấy, Hùng chở cả hai gia đình vào một nông trại của những người Đức di dân. Di dân nào khi sống xa xứ sở cũng thích sống quây quần; Họ sống ở đây lâu đời, biệt lập hẳn những cộng đồng khác. Công việc chính của họ là nông nghiệp với những cánh đồng lúa mạch cò bay thẳng cánh, với hàng đàn gia súc đủ loại.
Sau khi cho mấy đứa nhỏ cỡi ngựa chạy băng băng trên những cánh đồng tuyết trắng xóa, Hùng trả tiền thuê ngựa và hỏi mua chục con gà cùng con lợn lớn. Gã nông dân người Đức to dềnh dàng với mái tóc màu đỏ râu ngô, nhìn bọn Tịnh đăm đăm. Gã gật đầu vào căn nhà gần đó, nhấc điện thoại gọi. Tịnh nhìn Hùng lo lắng:
- Thôi rồi. Có lẽ nó kêu cảnh sát?
Mặt Hùng tái mét, nhưng vẫn cố trấn an bạn. Tịnh chợt nhớ cái câu kêu rên trong họng cách đây gần mười năm - 'Cái ăn sao mà nhục quá!' - Vài phút sau, một gã Đức khác lái chiếc xe lớn, thấp - loại nhà nông thường dùng cho nông trại - chạy đến. Tịnh vuốt ngực hú vía! Bốn gã đàn ông, hai to lớn kềng càng như những đô vật, hai nhỏ thó như đôi nhái bén leo lên xe định chạy. Mấy thằng bé nhao nhao đòi đi cho bằng được. Gã da trắng cho thuê ngựa, mở sợi dây xích ngang hông xe cho lũ trẻ ùa lên.
Đó là một căn nhà gạch lớn để nuôi lợn; lớn, như Tịnh chưa hề thấy trong đời. Tịnh đưa tay, chỉ thằng lợn to nhất trong muôn ngàn con lợn đang vùi mặt vào cái máng thức ăn. Thằng lợn nặng hơn tạ, bị gã da trắng kéo tai ra khỏi chuồng, dẫn đến một cây sồi, cột gần đó. Gã da trắng thoăn thoắt, cột cổ con lợn vào cây thật rành nghề. Gã xua tay đuổi mấy thằng bé trở ra xe. Bọn trẻ cứng đầu vẫn đứng xa xa nhìn con lợn bị cột vào trụ cây, rống lên từng hồi; có đứa vỗ tay. Gã da trắng hỏi:
- Tụi mày lấy huyết?
Tịnh lắc đầu lia lịa. Gã da trắng với tay lấy cái búa tạ, treo trên cây gần đó, gạt bọn Tịnh ra xa. Gã nhổ bãi nước bọt vào lòng bàn tay to như hai quả phật thủ, xoa xoa như đang thoa mỡ.
Tịnh đứng chết sững, chưa kịp phản ứng; gã đã vung búa đập liên tục mấy nhát rõ to như đánh chày trên đầu con lợn. Con lợn rú lên hồng hộc từng hồi ai oán. Tịnh lấy tay bịt mắt, nhưng vẫn như thấy những tia máu bắn vọt đâu đó trên tuyết. Mấy đứa nhỏ la ré lên, chạy thẳng ra xe.
Tịnh chợt nhớ đến Thiện - thằng sinh viên. Anh nhớ rõ nét cái hình ảnh của Thiện trong đêm định mệnh mà nó giả làm con lợn mươi năm về trước...
Tiếng hộc hộc đã im, chỉ còn tiếng rên rỉ nho nhỏ. Tịnh mở mắt, thấy Hùng đứng trơ mặt như hóa thạch. Tịnh nhìn con lợn đang nằm thở thoi thóp, xoãi bốn chân chỉa thẳng lên trời, mắt hấp háy như muốn hỏi ông Thiên: Sao loài người vì miếng ăn mà tàn bạo quá quắt? Con lợn từ từ nhắm mắt, bốn chân giẫy bết bát trên tấm thảm trắng lam nham một màu đỏ loe loét.
Tịnh khóc ục ục, kêu rêu trong họng, tiếng kêu mươi năm về trước. Chợt nhiên, Tịnh nôn thốc tháo. Tịnh ôm bụng nôn, thốc tháo đến mật xanh, mật vàng.
Tịnh quì gối trên mảng tuyết trắng lốm đốm màu huyết bầm, cố móc miệng nôn ra tất cả những gì mà đất trời đã tạo nên cho cái cuộc đời đầy thi vị, vật chất gớm ghê này.
Vất lại mớ tiền, mặc gã da trắng, đôi mắt xanh thăm thẳm màu trời đang há họng nhìn, Hùng dìu Tịnh chạy lết bết trên tuyết.
Tịnh khóc hù hụ:
- Thiện ơi, cho tao xin lỗi!
3.
Tịnh trở về Việt Nam, sau hai mươi mốt năm.
Được vài ngày, Tịnh kêu thằng em chở ra Lương Sơn tìm Thắng. Trời đất bao la biết đâu mà tìm, khi không biết địa chỉ rõ ràng? Nhưng, như có một thôi thúc vô hình, Tịnh vẫn cố tìm. Tịnh dò hỏi tới gần xế chiều cũng không tìm ra Thắng, sau bao "ông Thắng Việt kiều" mà anh nhìn ảnh họ do người thân đưa xem. Tịnh thất vọng. Cái làng Lương Sơn, cũng như bao làng khác sau hai mươi mấy năm thay đổi giờ sầm uất không khác gì một thị trấn đang lên. Một bà già bảo Tịnh:
- Ở trong làng này, có một ông trung tá công an về hưu, cháu đến hỏi, may ra tìm được. Cái làng này biết bao người đã từng ra đi.
Ông trung tá về hưu, giờ ngồi bán kẹo lạc trong căn nhà tranh lụp xụp gần mé biển của dân đánh cá trong làng. Ông phe phẩy cái quạt đuổi đàn nhặng đang đảo quanh những mảnh bánh cốm vàng ố. Ông khinh khỉnh, gần như lơ đễnh ngồi nghe Tịnh kể cái chuyến đi lịch sử của bốn gã công an vũ trang cách đây 21 năm về trước. Nghe xong, ông chìa tay ra bảo Tịnh cho tiền, mới chịu chỉ nhà Thắng. Ông kêu một thằng bé lấy xe đạp, dắt Tịnh đến nhà Thắng. Đã suốt ngày. Tịnh gặp quá nhiều cái cảnh bắt chẹt này, nên anh cũng không hy vọng lắm. Tịnh đã từng nghèo, từng đói khổ, anh biết cái cảm giác của những kẻ đến bước đường cùng. Tịnh nhủ đây là lần cuối, nếu tìm không ra, phải về.
Trong cái chập choạng buổi chiều cuối năm ở một làng biển nghèo, Tịnh bước vào một căn nhà tranh, vách đất xập xệ. Người đàn bà tiếp Tịnh, xua tay đuổi đám con nít bu quanh trước cửa như ngày xem hội đình. Sau thủ tục trao đổi chủ khách, người đàn bà lấy một tấm ảnh đưa Tịnh xem. Đó là tấm ảnh của một gã đàn ông mập mạp, khuôn mặt được ông thợ ảnh chụp nghiêng nghiêng khó nhìn, đang đứng vái, cúng kiến hóa vàng giữa đất trời nước Úc. Trước mặt anh ta là một con lợn thui vàng thật lớn, nằm gọn gàng trong cái mâm có lót giấy gương đỏ thắm, cùng những cây trái xếp xung quanh nhìn rất trang trọng. Thật tình, Tịnh không nhìn ra người đàn ông này là ai! Sau bao dâu bể, trí nhớ Tịnh về Thắng, Đồng hầu như đã mất. Năm ấy, khi vượt biên Tịnh gần 19 tuổi, cái tuổi lo chưa tới và dễ quên. Bây giờ, Tịnh đã là gã trung niên có mấy cái răng rụng, má hóp theo thời gian. Trong ánh sáng mờ của ánh đèn điện vàng bợt bạt, Tịnh đành chịu thua, trả tấm ảnh cho người đàn bà, định kiếu. Người đàn bà chợt nhớ, nói:
- Nó có viết mấy dòng sau tấm ảnh.
Tịnh vội lấy tấm ảnh trên tay người đàn bà, lật ra mặt sau xem. Trong những hàng chữ li ti, Tịnh đọc: "Khi nào có người tên Tịnh, Hùng về đây hỏi, chị cứ chỉ con lợn em đang vái cúng, là tụi nó nhận ra em ngay."
&
... Tịnh đi tới lui nơi phòng đợi của phi trường quốc tế Vancouver, trên tay cầm tấm ảnh của Thắng từ Úc châu gửi qua, sau một tuần Tịnh từ Việt Nam trở ra. Thắng bây giờ làm ở hãng hàng không dân dụng Úc, cư ngụ ở Sydney. Thật tình Tịnh không thể nào nhận ra Thắng sau 21 năm xa nhau. Ngay cả giọng nói của Thắng trong điện thoại cũng đã khác hẳn khi xưa. Cái giọng lơ lớ của người Việt lấy vợ Hoa đã ảnh hưởng anh.
Dòng người tuôn ra ào ạt nhưng lặng lẽ khi chuyến bay trút xuống những con người. Tịnh chờ, cứ chờ mãi. Mười lăm phút trôi qua trong nôn nóng. Người cuối cùng rồi cũng ra. Đó là một gã đàn ông Á châu tầm thước, tóc bạc phếch một màu vôi.
- Không phải. Làm gì già khú đế thế! - Tịnh nhủ, nhìn lại tấm ảnh của Thắng.
Nhưng mà lạ! Tịnh liếc nhìn, biết gã đàn ông đang nhìn anh đăm đăm, rơm rớm nước mắt, nhưng gã cố nín quay mặt đi tiếp cho hết con hành lang nhỏ. Tịnh lại đợi! Đợi thêm mươi phút và bắt đầu thất vọng.
- Có lẽ Thắng không qua? - Tịnh nhìn lên màn ảnh ti-vi biết chuyến bay đã đến được 45 phút. Tịnh vừa nôn nóng, vừa thất vọng.
- Mày chờ ai vậy, Tịnh? - Gã đàn ông ban nãy đã đến đứng sau lưng Tịnh tự bao giờ, hỏi. Tịnh quay người, sững sờ nhìn. Không phải là Thắng! Vậy gã lạ mặt này là ai, mà biết tên Tịnh? Tịnh nói xin lỗi, định đi.
Gã đàn ông gầm lên, giọng cà lăm:
- Đuù mẹ! Mày khôông... nhìn ra taoo... hở Tịnh?
Tịnh nhìn lên mái tóc bạc của gã đàn ông một chập, rồi ôm xiết gã:
- Trời ơi, thằng cà lăm. Đồng! Chính là mày! Sao mày lại thế này?
Họ ôm nhau, chảy nước mắt
.
Cả hai thằng đàn ông trung niên bá vai ôm nhau khóc giữa phi trường quốc tế lộng lẫy.
Tịnh khóc, mà không biết vì sao anh khóc. Anh không bao giờ biết.
Có những niềm đau không bao giờ biết!
Vũ Đình Kh.
Vancouver, 07/12/1999