tranh Lâm Quang Kim Phượng


Vũ Đình KH.

có những đêm trăng vỡ

 

(Gửi Đ.Q.)

 

     '... Hãy về với biển. Có lẽ ở đây sẽ gợi hứng sáng tác nơi anh, đều nhịp hơn chăng? Thân.'

     Anh đọc lại lá thư từ tay vợ đưa - của một bạn văn từ miền biển gửi. Anh đắn đo:

     - Hoài nghĩ thế nào? Có nên làm một cuộc viễn du về vùng biển?

     - Đã từ lâu, chúng ta chưa nhìn được biển từ khi rời khỏi nước. Những thành phố ở Bắc Âu và ở đây giống nhau quá. Sự lập lại bao giờ cũng nhàm, dù là cảnh sắc. Mỗi mùa đông đến chỉ là những trận mưa tuyết xối xả, dơ bẩn và dài lê thê. Nên chăng, một thay đổi, mình nghĩ sao? - Chị Hoài e dè hỏi lại anh.

     Đã sáu năm qua, từ khi du học, anh và Hoài cũng như bao thanh niên du học sinh khác đã thoát mình và nhìn ra khung trời mới. Ở đó, con người có định nghĩa cao đẹp mà nhân loại hằng rao. Họ như những ngư nhân thoát rọ lao vào vũ môn. Nhưng vũ môn nào chẳng thử thách? Họ nghĩ thế.

     Canada.

     Một năm lại trôi qua. Ngoài mưu sinh, cả hai thấy cuộc sống vẫn còn điều gì đó đơn điệu, ngượng ngập chưa rõ ra những gì họ muốn tìm kiếm ở cuộc sống lưu vong này. Anh vẫn lao đầu vào nghiệp dĩ viết lách, chị góp vài bài thơ như cầm chịch. Nhưng có một cái chưa gọi thành tên đã làm anh bị khựng lại trong sáng tác. Họ miệt mài trong cuộc sống trước mắt. Nhưng tuyết? Tuyết lạnh ở Bắc Âu và Canada gợi nơi họ những nhức nhối của một thời đã qua. Từ Tiệp Khắc, họ từng ẩn náu qua nhiều nước Bắc Âu...

     Anh cần một sự đổi mới cách sống. Ít nhất nơi ấy có biển như quê hương anh đã từng là biển.

     Đêm ấy, họ quyết định sẽ di thêm một chặng đường nữa. Chỗ nào mà chẳng lưu vong, khi đã là người lưu xứ! Miễn sao, ở đó có biển. Biển! - Là suốt một chiều dọc của lịch sử đã trườn qua bao sự vùi dập văn minh trên quê hương anh. Biển có cho họ sự hứng gợi từ sáng tác, như người bạn đã nói?

 

     Đây là một mỏm đảo trong muôn đảo của Canada. Một thành phố nhỏ trên một mỏm đảo nhỏ ngoài khơi vịnh Thái Bình Dương to lớn. Khí hậu giao hòa, thi thoảng có tuyết rơi, có bốn mùa rõ rệt như quê cũ. Có bao nhiêu đồng hương trên mỏm đảo này? Điều ấy vô nghĩa đối với vợ chồng anh, ngoài một người em họ đã định cư tại đây mấy năm.

     Anh vẫn mải sáng tác và cùng người em họ đi hái lá, bắt sò làm kế sinh nhai. Rừng vàng bạc biển là đây. Rừng. Trên cao có lá - một loại lá đặc biệt để trang trí những vòng điếu hoa, rất lâu héo úa -  Anh tha hồ hái. Biển. Dưới đó là những bãi cát rộng mênh mang, sò sẽ lộ dần khi con triều rút nước trả về đại dương xa thẳm. Anh cứ việc cào, nhặt. Như mọi người...

     Mùa mưa. Một mình anh băng rừng tìm, vặt lá. Những ngày mưa tạnh. Anh dắt chị cùng nhặt sò trên bãi vắng rộng mênh mang trời đất; vào những đêm trăng.

     Cứ thế họ sống vô tư qua nhiều mùa trăng.

     Những tháng đầu, biển cuồng nộ hăm dọa xua đuổi. Anh bảo: Ta là nhà thơ đi tìm chất liệu sống! Thế rồi biển thua, đành rút dần ra xa nhường lại phần cát mềm xương máu cho anh.

     Trăng lên. Vầng trăng xám ngoét lạnh lẽo giữa đất trời vô tận một màu xanh đen của biển trong đêm.

     Hè tới. Họ là những thi sĩ đi tìm vầng thơ trên bãi vắng. Anh nhặt nhạnh. Chị lúi cúi. Đếm.  Đo. Cứ thế, họ nhặt những vần thơ cuộc đời. Có gì hạnh phúc hơn trong cuộc đời này?

     Đông đến. Là thời gian họ thấy cô đơn nhất. Nhưng hề gì! Phải chăng những nhà thơ là những con người yếm thế và thích sự cô đơn lạc lõng từ muôn kiếp? Sự cô đơn làm nên những vầng thơ. Anh thường nói: 'Mỗi mùa đông. Cuộc đời nhai nhãi!'

     'Reng.. reng...'  Anh chộp ống nghe trước chị và con bé Ty.

     - Ông "mần thơ"? - Tiếng bên kia đảo.

     - A! Thằng "nhà dzăng". Khỏe không hè!

     - Tôi thông báo một việc quan trọng!

     - Quan trọng!? Hừm! "Nhà dzăng" chúng mày lúc nào cũng quan trọng. Với ta đời chả có gì quan trọng sất!

     - Vâng! Ông nghe đây. Đúng hai tiếng nữa, tôi sẽ lấy phà sang đảo và có mặt tại nhà ông ngay trước cửa. Nè. Nhớ mua vài chai rượu mà đãi tôi.

     - Ừm. Quan trọng thật! - Anh hét lên, tuyên bố. - Thằng "nhà văn khùng" sắp qua đảo.

     - Ông ấy bao giờ chả khùng và quan trọng. - Chị Hoài cười, tiếp - Cả ông nữa. Hắn đã khùng lấy xe lên phà, băng qua đảo, băng qua bao con đường đất lầy lội đầy tuyết, mà ông không cản hắn. Hóa ra ông còn khùng hơn. Mấy ông coi cái tình văn nghệ còn hơn mạng sống chính mình. Tôi trổ tài đây. - Chị Hoài xông xáo vào bếp.

     - Khàà! Khàà! - Anh cười, sảng khoái.

      - Uống bao chai mới gọi là say, thưa ông anh nhà thơ? - Một người bạn trẻ anh vừa quen trong những ngày đi hái lá trên rừng cao, đưa cao chai bia lạnh, lắc lắc, hỏi.

     - Chí Phèo uống cả đời vẫn chưa say! Ta bây giờ già hơn Chí Phèo hồi đó vài tuổi khi hắn về chầu Diêm vương. Ta khá hơn hắn. Ta chưa say! - Anh chỉ gã bạn, đang ngồi ngật ngừ - Mày viết truyện có biết: đái ra rượu mới say?

     - Vậy ông chưa say! - Thằng nhà văn phán.

     Tiếp: 

     - Hết béng nó rồi! Bà Hoài ơi, nhờ gọi "thằng vua Napoléon" lại hầu ba thằng tui!

     - Uống bấy nhiêu là đủ! Rượu. Uống cho nặng cái tình. - Vợ thằng nhà văn nói.

     - Mấy ông không là Chí Phèo, rõ nói tào lao! Ở đây có đâu đồng hương mà xách dao tìm rượt khi xỉn! - Chị Hoài đùa.

     - Rượt mấy bà thì được. Rượt lạng quạng nó chém thấy mồ! - Anh hóm hỉnh ghẹo.

     Chị Hoài cười nghiêng mũi, xách tai kéo "thằng vua Napoléon", bắt nó nhảy lên bàn rượu, lạy mỗi ông hai vái rõ to. Chị trở lại bàn tiếp chuyện dang dở với vợ thằng nhà văn.

     - Tai hai mụ thính như tai ốc sên! - Anh nói khẽ.

     Thằng nhà văn cười khùng khục trong cổ họng. Tợp thêm ngụm rượu. 

     Người bạn trẻ hỏi :

     - Hình như có rượu người đời thường làm chuyện khác thường?

     - Quả là vậy! Nam Cao phải biết uống rượu, mới dựng nên nhân vật Chí Phèo hay như thế! Dường như rượu làm nhà văn khơi lại nhiều chuyện dĩ vãng hơn. Cái đời thực trước mắt nó ghê tởm, nó dung tục quá! Mà dĩ vãng bao giờ chả hay, dù có đớn đau, xấu xí. Đem cái xấu xí trộn tính nhân bản vào sẽ làm nên một bản văn hay, một bài thơ đẹp.

     - Vậy mấy ông nhà văn không uống rượu?

     - Mấy ông này thực dụng hơn! Nhìn đời bằng con mắt can đảm, không giản đơn. Họ là những người chí tình. Dám sống với đời. Chạm đời!

     - Nhưng luôn luôn tránh né những gì thuộc về quá khứ? - Thằng nhà văn ngật ngừ nói.

     - Cái đó đã hẳn! - Anh chen vào.

     - Vậy, tại sao mấy ông phải viết? Cả một đời sống sờ sờ trước mắt đã chẳng là những cuốn sách lớn của cuộc đời lắm sao? - Người bạn trẻ lại hỏi.

     - Cái đó... cũng đã hẳn. Đó là sự thao thức!

     - Khó nhỉ?

     - Chưa chắc!

     - Sao?

     - Diệt xong "thằng vua Napoléon" này mới hẳn là khó! - Thằng nhà văn nói.

 

     Mùa hè lại đến. Đêm. Đã bao đêm. Anh vẫn dắt chị ra bãi.

     Đêm cuối tuần bãi vắng. Anh cùng chị dạo mát, ngắm biển. Dù họ đã là bạn của biển qua mấy mùa trăng. Sóng vẫn vỗ ầm ì như muôn thuở, đưa lên những bài ca của biển. Trăng nửa vành xám ngoét nhìn xuống. Gió mơn man da thịt mời gọi, thích thú.

     Đêm. Hưng phấn. Anh dắt chị chạy miên man trên bãi. Họ đùa, họ vật nhau lăn kềnh trên bãi cát mềm đã cho họ niềm hạnh phúc bấy lâu. Chợt nhiên anh đứng dậy, đưa tay chỉ ra vùng biển đêm đen:

     - Bên kia bờ Thái Bình Dương, là quê hương ta!

     Những ngọn sóng bạc đầu vỗ ầm ì, hung dữ phủ nhận.

     Biển nói:

     - Ngươi ở bên này sao vẫn ngóng bên kia? Ngươi là kẻ bạc bẽo, bội ơn!

     Anh thảng thốt. Anh rú lên tiếng đau thương của một loài thú, của kẻ lìa xa cội nguồn.

     Anh dắt tay Hoài chạy. Chạy mải miết dọc những lọn sóng vẫn vỗ ầm ì. Chợt nhiên anh dừng lại nhìn ra biển sâu hun hút, ngâm lên một bài thơ. Chị Hoài ngẩn ngơ, nhìn chồng. Một thoáng. Chị chợt hiểu. Chị nhặt hai hòn đá cuội lớn của biển làm phách gõ nhịp lách cách, hài hòa...

     'Xuống gành cào bãi hoang sơ

     thấy con sò ngậm một bờ trăng non

     biển  khuya rít gió oan hờn

     ngọn đèn lung ảo chập chờn bóng cây?

     đâu đây mọc giữa chốn này

     hái đầy một vốc lá ngây ngất về

     đường vòng dạng cánh lê thê

     hằng sa trút tuổi bộn bề âm dương.' (*)

     Chị Hoài ứng khẩu. Ngâm:

     'Biển. Biển ơi! Biển hời!

     Cũng là biển mênh mông

     Cũng trăng. Nửa vầng trăng tái

     Sóng. Muôn thuở bạc đầu

     Sao lại khác nhau?

     Đã quyết ra đi

     để lại mối lòng sầu

     Hề! Tiếc nối chi?

     Ai hiểu nguồn cơn?

     Ôi! Nỗi nhớ hai đầu...'  

     Anh ngâm tiếp:

     'Xuống gành cào bãi hoang sơ

     Thấy con sò ngậm một bờ trăng non...'

     - Sao lại là một bờ trăng non? - Chị Hoài  ngừng đập phách, hỏi.

     - Trăng! Thủy chung tiền kiếp là người. Bờ trăng non là vành trăng khuyết. Hoài đã từng đọc 'Chém treo ngành' của Nguyễn Tuân, Hoài đã biết chém treo ngành là thế nào! Nửa vầng trăng ấy bị thượng đế chém treo ngành, treo lơ lửng những đầu mùa trăng.

      Họ lại ngâm nga, gõ nhịp dưới ánh trăng non treo chém ngành, giữa biển cả muôn trùng. Tiếng phách gõ, tiếng ngâm càng lúc càng rõ mồn một, át cả tiếng sóng vỗ ầm ì.

     Biển thua! Gọi nước triều rút xuống.

     Anh nắm tay chị chạy man man, loang loáng xua nước triều ra xa. Anh cởi áo chị. Hoài cũng nóng hổi cởi áo anh. Cả hai rượt đuổi, rồi ùa xuống mặt nước xanh đen thăm thẳm. Thời cổ tích lừng lững, xuất hiện. Cả hai đang sống trong thời hồng hoang, xa xôi. Anh ôm chị, cắn chị ngấu nghiến, như chưa từng.

     Cả hai yêu nhau trong ngụp lặn của tiềm thức cổ thi đam mê.

     Anh ôm xiết Hoài. Anh địu chị trước ngực như địu một em bé, chạy lên bãi cát mịn màng, hoang vắng của thuở ban sơ trời đất chưa sinh ra loài người. Anh đặt chị xuống. Trần truồng. Cả hai trần truồng giữa trời đêm hoang dã. Anh hét vang...

     - Cuộc đời! A ha, cuộc đời! Cuộc đời này có ai mà không bị chém treo ngành nhỉ!?

     Trăng trên cao chìm khuất trong bóng mây, ló nửa vành gãy gọn hoang sơ.

     Có những đêm trăng vỡ.

01/12/1999 –Vancouver

Vũ Đình Kh.

____

(*) Thơ Sử Mặc