ký giả Phạm Điền[i], Đài Á Châu Tự do giới thiệu sách
« Luận Chiến Nước Ngoài » của Võ Văn Ái
Ghi chú : Bài giới thiệu sách « Luận chiến Nước ngoài » của tác gia Võ Văn Ái do ký giả Phạm Điền, bút hiệu của Nhà báo Ngô Vương Toại, thực hiện trên Đài Á Châu Tự do ngày 8.7.2005.
Đài Á Châu Tự do : Thứ Bảy hàng tuần, Tạp chí Văn học Nghệ thuật lại đến với quý thính giả. Kỳ này Phạm Điền trở lại « Luận Chiến Nước Ngoài » của Nhà Văn Võ Văn Ái.
Vào năm 1990, Nhà xuất bản Quê Mẹ do Nhà văn Võ Văn Ái chủ trương ở Paris đã cho xuất bản cuốn sách có tựa đề là « Luận Chiến Nước Ngoài – Đi tới tận cùng sự Hoá giải dân tộc ».
Qua cuốn sách dài gần 400 trang này, tác giả đã có quan điểm về sáu vấn đề lớn. Luận chiến của ông khá rốt ráo và đặc biệt đã được viết bởi một văn phong nồng nhiệt, có tâm tình với đất nước quê hương. Có đọc người ta mới nắm bắt các luồng nhận thức khá nhức nhối nhưng triệt để của người đọc, bừng tỉnh các vấn đề mình phải đối đầu trong cuộc hành trình tìm cách hồi sinh đất nước.
Một điểm độc đáo khác nữa là những điểm ông đưa ra vào Luận Chiến Nước Ngoài vào lúc đó, lại xuất phát với tình hình của Việt Nam hồi gần đây cho thấy viễn kiến sâu sắc của tác giả trong nhiều thập niên trước. Người viết trong một cái nhìn tỉnh táo và sự phá vỡ sự ù lì trong lối suy nghĩ lỗi thời. Để chia sẻ với người đọc, nhận thức mới trong hành trình phục hồi và phục hưng quê hương. Đó là lý do tại sao chúng tôi hân hạnh giới thiệu lại cuốn sách đã được Quê Mẹ in và xuất bản từ năm 1990 của tác giả Võ Văn Ái.
Ông Võ Văn Ái là Giám đốc Phòng Thông tin Phật gíao Quốc tế của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất và là người rất tích cực trong cuộc đấu tranh cho nhân quyên và dân chủ cho Việt Nam.
Ông là người chủ trương tạp chí Quệ Mẹ ở Paris, tác giả của 17 tác phẩm thơ cũng như văn. Về Thơ, ông được biết nhiều qua bút hiệu Thi Vũ. Xin mời quý thính giả nghe phần trao đổi Nhà văn Võ Văn Ái với Tạp chí Văn học Nghệ thuật sau đây.
Phạm Điền : Kính chào Nhà văn Võ Văn Ái
Võ Văn Ái : Kính chào anh Phạm Điền và quý thính giả Việt Nam.
Phạm Điền : Kiểm điểm tình hình Việt Nam hồi gần đây và đối chiếu với thực tế, chúng tôi lại thấy những vấn đề của ông viết trong « Luận Chiến Nước Ngoài – Đi tới tận cùng sự Hoá giải dân tộc » xuất bản từ năm 1990, đã có những nét trùng hợp với tình hình hiện tại, nhân đó xin được giới thiệu lại cuốn « Luận Chiến Nước Ngoài ». Xin Nhà văn Võ Văn Ái một số liên hệ đến cuốn sách này.
Võ Văn Ái : Thưa cuốn sách trên 380 trang này dưới tiêu đề mà quý Đài vừa trình bày, thu tập một số bài xã luận mà tôi viết đăng trên tạp chí Quê Mẹ. Tạp chí Quê Mẹ ra đời rất sớm vào đầu năm 1976. Chúng tôi không thể in hết các bài viết đó, mà chỉ chọn lọc và xuất bản năm 1990 một số bài xã luận viết từ cuối năm 1975 trong mục tiêu bảo tồn văn hoá Việt Nam và thông tin các vấn đề nhân quyền, Người Vượt Biển, v.v...
Tiêu điểm nhắm vào hoá giải vấn nạn dân tộc. Đặc biệt 6 vấn đề chính yếu, đó là ý thức mới trên lộ trình dân tộc, hành động mới trên trận địa quốc tế, con đường hoá giải để đi tới tận cùng sự hoá giải dân tộc...
Thời gian đó có rất nhiều phong trào trong cũng như ngoài nước nhắc tới vấn đề hoà giải dân tộc, mà chúng tôi thấy rằng đây là vấn đề tâm lý hay, vì nó xuất từ tình tự dân tộc. Tuy nhiên, qua rất nhiều thời kỳ, danh xưng hoà giải dân tộc đã bị lạm dụng cho những tiêu điểm chính trị rất xa vời với dân tộc.
Nên chúng tôi đề nghị một con đường hoá giải để đi tới tận cùng sự hoà giải dân tộc, và các vấn đề như vấn đề gây dựng chủ lực dân tộc, cũng như nhận thức về xu thế dân chủ để giải cứu Việt Nam. Cuối cùng vấn đề thứ sáu là vấn đề tôn giáo trong tiến trình dân chủ hoá Việt Nam.
Đấy là những vấn đề đặt ra từ năm 1990.
Các bài xã luận này đã tập trung những ý niệm chúng tôi đề xuất từ năm 1977. Nếu tôi nhớ không lầm thì bài đầu tiên là bức « Thư Ngỏ gửi ông Phạm Văn Đồng » lúc Thủ tướng công du Pháp năm 1977. Trong đó chúng tôi trình bày với thủ tướng Phạm Văn Đồng về tình tự dân tộc và nói lên việc các quân cán chính của Việt Nam Cộng hòa cũ cùng nhân dân Việt Nam đang bị trả thù qua những hình thức Trại Cải tạo hay các Vùng Kinh tế mới. Đó là đại quan các vấn đề chúng tôi đưa ra. Qua đó nhắc nhở rất nhiều đến việc đối thoại giữa các Nhà văn trong và ngoài nước cho nỗ lực chung hoà giải dân tộc. Thời đó chúng tôi đã đưa ra sớm « Lời đề nghị thực hiện dân chủ tại Việt Nam » yêu cầu nhà cầm quyền Cộng sản bỏ Điều 2 và Điều 4 trên Hiến pháp. Đó là lời đề nghị rất sớm trong các đề xuất của người Việt đấu tranh nước ngoài. Từ đó tới nay, Điều 2 về chuyên chính vô sản đã được bỏ đi. Tuy nhiên Điều 4 vẫn còn tồn tại trong Hiến pháp Việt Nam hiện tại.
Phạm Điền : Dường như ông cũng không ngại và không tránh né khi nêu ra vấn đề hoà hợp hoà giải dân tộc ?
Võ Văn Ái : Thưa đúng như vậy. Vấn đề chúng tôi tha thiết nhất, là vấn đề gọi là hoà hợp hoà giải dân tộc. Đây là tiêu đích đã đề ra trong Hiệp định chấm dứt chiến tranh năm 1973 tại Paris. Sau này, tự dưng vào những năm 80-88 trở đi có một số phong trào đấu tranh chính trị nước ngoài cũng như các nhà lãnh đạo trong nước đặt lại về cái gọi là « quên đi quá khứ», « đừng nhớ tới thù hận cũ » để cùng nhau đoàn kết.
Điều tôi nhận định qua sách này, là những tiêu đích hoà giải dân tộc chỉ nhắm làm công cụ chính trị cho một đảng phái nào đó, đặc biệt là Đảng Cộng sản Việt Nam. Nhưng thực tế không lập lại tình tự dân tộc kể từ thời Vua Hùng trở về sau. Suốt hai mươi thế kỷ Chống Xâm lăng, nước ta ở vị thế, một mặt có tài sản trong đất đai, rừng núi, tuy nhiên cuộc chiến tranh xâm lược vẫn xẩy ra hoài từ Bắc phương rồi Tây phương. Chúng ta chưa có thời gian nào người Việt có thể sống với nhau trong thanh bình. Giai đoạn 60 năm qua, ai cũng kêu gọi đoàn kết, hoà giải dân tộc. Nhưng kỳ thực qua những lời kêu gọi đó thường chỉ có tính chất mê hoặc, mị dân. Chưa ai muốn kéo lại tình tự dân tộc của truyền thống văn minh Việt Nam. Bởi vì đoàn kết không có nghĩa cùng chung xây dựng đất nước, kiến thiết đất nước, mà đoàn kết chỉ mang nghĩa đoàn kết sau lưng tôi, đoàn kết sau lưng đảng phái tôi. Đoàn kết theo hàng dọc. Trong hàng dọc mọi người chỉ tuân phục như người lính, chứ không là những kẻ bình đẳng và đồng đẳng của người công dân. Vấn đề hoà giải dân tộc cũng như thế mà thôi. Người ta kêu gọi « xoá bỏ thù hận », nhưng người kêu gọi vẫn tiếp tục thù hận. Những ai không theo đảng Công sản mà vẫn cứ kêu gọi như thế thì thật là vô duyên, khó thực hiện.
Kế sách của chúng tôi cố gắng mang lại trên các lĩnh vực văn hoá, tư tưởng, để trở về cội nguồn đất nước. Đây không là vấn đề về nguồn, vì nguồn cội đã ở trong tâm tư mỗi con người. Con đường hoá giải đó có thể thực hiện được khi chúng ta gạt phăng khỏi tâm tư chúng ta những gì gọi là phi dân tộc, phi văn hoá. Đối với ý thức hệ Cộng sản, có số người nghĩ rằng đánh đổ Cộng sản bằng cách giết tất cả những người theo đảng Cộng sản. Chúng tôi không nghĩ như vậy. Sau các cuộc chiến, ý thức hệ đã giết không biết bao triệu người Việt Nam. Chúng tôi mong rằng tinh thần hóa giải chúng tôi đề cao qua Luận Chiến Nước Ngoài là làm sao gạt bớt chất Cộng trong con người Việt đi. Trước một người có 100% chất Cộng, nghĩa là toàn chất ý thức ngoại lai đến từ phương Tây, chẳng còn một phần trăm chất Việt, chúng ta vận động như thế nào để biến chất Cộng trong họ thành chất Việt. Một lúc nào đó chất ngoại lai Cộng sản sẽ không còn trong họ nữa. Từ đó mà tìm lại 100 người của Mẹ Âu Cơ.
Phạm Điền : Thưa Nhà văn Võ Văn Ái, cuốn « Luận Chiến Nước Ngoài » của ông là một tác phảm rất có gia trị, và người đang chờ đợi một tác phảm khác tương tự.
Võ Văn Ái : Trong thời gian qua, vận động đấu tranh cho nhân quyền và dân chủ trên trường quốc tế, đặc biệt phải có mặt thường xuyên tại Diễn Đàn LHQ cũng như tại các Quốc hội Châu Âu, Quốc hội Hoa Kỳ… gặp gỡ các chính giới Âu Á. Công tác thuyết trình và gặp gỡ đó chiếm rất nhiều thì giờ, trong khi mình chỉ là người viết văn không là người làm chính trị. Chẳng qua đất nước đến một giai đoạn mình không thể tụ thủ bàng quan. Tuy nhiên trong những giờ rỗi rảnh chúng tôi vẫn tiếp tục viết. Như về thơ văn, chúng tôi vừa hoàn tất và xuất bản tập I « Bốn Mươi Năm Thơ Việt Nam » còn 2 tập nữa mới trọn bộ. Hy vọng rằng đất nước sớm thanh bình để viết triếp những tac phẩm còn dở dang.
Phạm Điền : Chúng tôi xin cám ơn Nhà văn Võ Văn Ái và xin chào ông.
--------------------------------------
[i] Ký giả Phạm Điền là bút hiệu của Nhà báo Ngô Vương Toại. Sau 1975 anh đến Hoa kỳ, chủ trương Tuần báo « Diễn Dàn Tự do » tại vùng Virgina, rồi làm Phóng viên cho Đài Á Châu Tự do. Mất ngày 3 tháng 4 năm 2014. Hồi ở Saigon anh từng là Tổng Thư ký Sinh viên Văn Khoa trong Tổng hội Sinh Viên Saigon.
Ngày 16/12/1967 anh cùng các bạn tổ chức buổi văn nghệ vận động tranh cử tại Quán Văn ở Đại học Văn Khoa, đường Cường Để. Đặc công Việt Cộng xâm nhập cướp micro tuyên truyền kỳ niệm 7 năm thành lập Mặt trận Giải Phóng Miền Nam. Bị Ngô Vương giật micro không cho nói. Việt Cộng bắn trọng thương hai sinh viên trong đêm Văn nghệ Trịnh Công Sơn – Khánh Ly ấy.
Ngô Vương Toại bị bắn lủng dạ dày và Nguyễn Văn Tấn bị thương nhẹ ở chân. Đêm đến, Việt Cộng lại tìm vào bệnh viện Bình dân bắn tiếp, quyết giết Ngô Vương Toại. May nhờ có bạn là Nguyễn Văn Tấn cứu thoát.
Trước cảnh rừng rú bắn chết sinh viên, Trịnh Công Sơn đã sáng tác ca khúc “Nhân Danh Ai - Hát cho Toại Tấn”, sinh viên thời đó ai cũng thuộc. Lời đại để như sau :
“Nhân danh ai anh đến đây bắn vào người, cho máu em, cho máu anh tuôn trên da thịt này / Nhân danh ai anh đến đây bắn đồng loại. Lũ dơi trời đêm nay vùng biết nói / Nhân danh ai anh đến đây bắn vào người / Trong mắt anh, trong mắt em, hãi hùng.../ Xin nhân loại một ngày nhủ lòng thương mến nhau thôi / Nhân danh ai anh đến đây bắn vào người...”.