tập thơ của Phạm Công Thiện do Thi Vũ trình bày
THI VŨ
thư trao đổi giữa nhà thơ Thi Vũ với chủ biên Gió-O Lê Thị Huệ,
về nhà thơ Phạm Công Thiện thập niên 1960
Huệ thân mến,
Anh hồi âm trễ. Bốn năm ngày qua loay hoay với việc tái khám và chuẩn bị giấy tờ nhập viện. Do vài biến chứng của tuổi già, làm phiền Thơ.
Câu hỏi Huệ đặt ra anh khó trả lời. Hoàng Trúc Ly là tác giả anh muốn viết, bởi thấy vài loé sáng của thơ Việt qua Trúc Ly. Anh ấy lại tinh tế, thâm trầm, sắc nét với người nữ. Lạ là những kẻ đắm đuối sống tình trai – nhiều tính Cái – mới loáng lên tinh tế ấy. Xuân Diệu là ví dụ của muôn đời. Và nếu ta tin tiết lộ của Viên Linh trong trường hợp Hoàng Trúc Ly.
Nhưng hẩm hỉu thay anh chẳng có trong tay tập thơ hay tuyển tập thơ nào của Trúc Ly.
Biết đến thơ Hoàng Trúc Ly là do thời gian 1965 – 1966 Phạm Công Thiện sau khi bỏ học ở Hoa Kỳ sang Paris sống vất vưởng không nhà, anh đem về nuôi nơi gác trọ ở xóm La tinh (8 rue Guy de la Brosse – Paris 5) Thiện mê thơ Hoàng Trúc Ly thường ngâm nga Trúc Ly rồi đem giấy bút làm thơ. Cứ vài câu đây đó, sau gộp in chung vào tập « Ngày Sinh Của Rắn » do anh xuất bản lần đầu tại Paris, trước khi Thiện về lại Saigon. Nghe thơ Ly mãi cũng nhập tâm và lưu luyến.
Anh để ý thấy thơ Thiện làm thời ở Saigon, trước khi đi Mỹ, có hơi hướm Hoàng Trúc Ly. Nghĩa là có ảnh hưởng mạnh. Nhưng mạnh nhất trong Thiện là khao khát làm triết gia. Chẳng khác chi Nhất Hạnh khao khát làm Tổ sư hơn làm thi sĩ. Một ham muốn đáy, đốt cháy nửa chừng thơ.
Như anh từng kể, năm 1966 Hoà thượng Thích Minh Châu, Viện trưởng Viện Đại học Phật giáo Vạn Hạnh, cùng một số giáo sư, khoa trưởng Đại học Saigon sang Paris dự Hội nghị UNESCO. Một hôm đang rề rà chuyện vãn với Thiện trong nhà, nghe tiếng gõ cửa. Mở ra, bất ngờ gặp giáo sư Nguyễn Khắc Hoạch đi cùng Thầy Minh Châu đến thăm. Gs Hoạch tháp tùng thầy nên ra về ngay, cũng là ý tứ cho Thầy nói chuyện riêng. Thầy Minh Châu vào phòng trọ tâm sự chuyện đại học Vạn Hạnh. Thầy bảo Vạn Hạnh đang gặp khó, Việt Cộng nằm vùng quậy sinh viên dữ quá. Anh Ái về giúp Vạn Hạnh một tay. Lại thêm bất ngờ khác. Nhân tiện có Thiện ngồi cùng chiếu. Anh nói dạ phải về giúp quý Thầy thôi, nhưng Thầy mời Nguyên Tánh cùng về luôn cho vui. Thầy Minh Châu đỏ mặt, ấp úng liếc qua Thiện : chú Nguyên Tánh đây à ?! Lúc đó Thiện đã ra đời, ăn mặc xi-vin, mặt béo tròn đỏ gay vì rượu hay vì bất ngờ. Thầy Minh Châu ừ, dẫn hai đứa cùng Vĩnh Ấn đi ăn tiệm. Nhưng lên Sứ Quán làm chiếu khán, thì Thiện song suốt, anh bị đì. Sứ Quán nói với Thầy Minh Châu : Ông Ái thường trả lời báo chí Pháp và lên truyền hình nói theo ý kiến các Thầy Viện Hoá Đạo bên nhà, nên chúng tôi không dám quyết định. Xin Thượng toạ can thiệp với Bộ Nội vụ thì dễ tính hơn. Về Saigon, Thầy Minh Châu can thiệp Bộ Nội vụ giấy tờ hồi hương cho anh. Mọi chuyện yên ổn. Nhưng anh mất hứng, không về nữa.
Thế là Thiện về một mình. Giấc mộng hồi hương của anh coi như trì hoãn mà nay thì biết không còn dịp. Bữa ăn cuối chia tay ở Paris, anh nói với Thiện : « Thiện là thi sĩ chứ không phải triết gia. Ông phải làm thơ, đừng bỏ ! ». Những năm sau này, hình như Thiện từng tuyên bố đâu đó bên Mỹ anh ta chính thực là thi sĩ. Những bài thơ trong tập « Ngày Sinh Của Rắn » tái bản sau này so với bản anh xuất bản lần đầu, Thiện sửa lại lối hành văn trong một số câu, bài. Anh nghĩ Thiện muốn phù hợp theo ngôn ngữ triết. Nhưng chúng mất đi chút ngây thơ, hồn hậu lúc ban đầu.
Trong khi ngồi chọn thơ xuất bản trên căn gác ở Guy de la Brosse, Thiện đọc cho anh nghe lần đầu 2 câu :
Mưa
chiều thứ bảy tôi về muộn
Cây khế đồi cao trổ hết bông
Và cho biết sáng tác thời Thiện tu trên đồi Trại Thuỷ, chùa Hải Đức, Nhatrang. Thầy Trí Thủ đặc cách cho Thiện lên ở trong cốc của Ôn. Không ở chung với chúng điệu như lệ thường nhà chùa. Nhờ sự giới thiệu và gởi gắm của thi hào Quách Tấn mà có sự biệt đãi. Dù ở chốn riêng biệt, Thiện thường trốn chùa ra phố nhậu nhẹt hay đến nhà Võ Hồng.
Anh khá tâm đắc 2 câu thơ trên. Định bụng khi viết về Thiện sẽ khởi đầu từ 2 câu ấy. Qua đó sáng loáng của Thiền chợt bay qua, rồi lay lắc mù tăm. Chất đạo hiếm thấy nơi tâm khảm núi lửa épicurien của Thiện. Hiếm thấy ngay cả trong thơ các ông sư làm « thơ thiền ».
Do không có trong tay toàn bộ thơ Hoàng Trúc Ly, thật khó để quy kết vấn đề mượn văn hay không của Thiện mà theo Huệ có số người bàn tán. Khi chưa có chi chắc qua văn bản, trích ngôn của Tường Vũ Anh Thi có thể là lối giải thoát bế tắc chăng :
Đời
lê thê quá anh về muộn
Em ngủ một mình đêm gió mưa
Dù sao ảnh hưởng sâu đậm của Hoàng Trúc Ly trong thơ Phạm Công Thiện trước thời đi Mỹ (1964) vẫn lưu dấu cho kẻ đọc thơ. Loại trừ chuyện mượn văn, khi đọc 2 câu trên anh thấy phảng phất ảnh hưởng tươi mát của Níkos Kazantzâkis nơi tứ thơ Thiện. Thiện là người đọc nhiều sách, trí nhờ dai, lại có tài hô biến những bóng thoáng trần gian.
Bài Đặng Tiến « Nhớ thương Phạm Công Thiện » là một bài hay, ngoài những giai thoại đương thời làm sống khí hậu văn chương miền tự do, ngòi bút khá chân thành, tạc khắc được cá tính và nhân cách của hai nhà viết, không để thời cuộc neo theo. Có điều anh chưa hiểu được Đặng Tiến khi đọc lời bình của ông ấy : «chiều thứ bảy» trong P.C.T. là lấy ý tự kinh Phật. « Cây khế » cũng vậy».
Anh đọc Kinh Phật tuy chưa trọn. Nhưng những chi đọc được và cố nhớ, vẫn chưa tìm ra « Chiều thứ bảy » và « Cây Khế » « là lấy ý từ Kinh Phật » như Đặng Tiến diễn ngôn.
Điều thứ hai không đúng trong bài, là chi tiết « Dường như thời đó, anh sống nhờ vào giúp đỡ của nhà văn Henry Miller gửi từ Californi». Đúng là một hai lần nào đó đã lâu Henry Miller từng gửi tiền giúp Thiện. Tuyệt nhiên không có vụ nuôi sống Thiện ở Paris, giữa thập niên 60 cũng như đầu thập niên 70.
Thiện bỏ học ở Hoa Kỳ lang bạc sang Paris cuối 1965, nhờ tự tay sửa giấy Thông hành. Thời ấy, có lúc VNCH không muốn cho cho viên chức nhà nước, sinh viên, giáo sư qua Paris, nơi Hà Nội ảnh hưởng mạnh, nên Thông hành ở trang ghi các quốc gia có thể đến không có nước Pháp. Thiện đã tự tay đề thêm chữ « Pháp » khá vụng về. Gặp nhân viên Sứ quán Cộng sản VN ngày nay, vốn được tiêm máu Công an, khó qua khỏi.
Thiện có người anh du học Pháp cư ngụ thành phố Rennes (Tây bắc Pháp) nên sang ở nhà anh. Anh em không hợp nhau, Thiện bỏ lên Paris sống cảnh Hippies. Giai đoạn này nhan nhản ở Paris những thanh niên thanh nữ Mỹ con nhà giàu, chán cảnh sống xa hoa quyền quý, lên đường lang bạc tìm cõi sống tâm linh ở Ấn độ và khắp cõi ta bà. Những kẻ gối đầu sách Jack Kerouac / On the Road, Krishnamurti, Ramakrisna… Họ trở thành những clochards của thành phố Paris. Ngày ngày làm đuôi trước quán cơm xã hội Pháp lãnh món xúp và mẩu bánh mì miễn phí. Tháng tháng làm đuôi ở các Nha bưu điện lãnh tiền cha mẹ từ Mỹ gửi sang chi phí. Trong số đó có Phạm Công Thiện. Thiện vốn người thông minh, tính toán giỏi, đi đâu, lúc nào cũng có quới nhơn phò trợ. Chưa hề thiếu rượu, cà phê, ăn nhậu trong đời. Chỉ đau khổ và thiếu thốn qua văn chương thôi.
Thiện gặp Trần Quang Hiếu, hoạ sĩ, mà Gió O từng có bài Tưởng mộ. Hiếu đem về nuôi ở phòng trọ đường Contrescarpe không xa mấy với Guy de la Brosse của anh. Nói kẻo quên, nơi anh ở thuở ấy số 8 rue Guy de la Brosse, Linh mục Kim Định từng cư ngụ số 6 rue Guy de la Brosse, Paris 5, một cơ sở Công giáo. Anh từng ghé thăm, hàn huyên.
Một hôm, anh và Vĩnh Ấn vào tiệm Lạc Hồng sau lưng điện Pantheon ăn hủ tiếu. Phòng ăn nhỏ thấy Hiếu và một người phốp pháp, vạm vỡ, mặt đỏ gay, ăn nói vung tay (không múa chân). Hiếu chào anh và Vĩnh Ấn. Cái ông ăn nói vung tay kia liền đứng dậy ôm chầm lấy anh ôm siết như mấy bà đầm xoè, miệng ta thán : “Ông Nguyễn Thái đây à ? Trời ơi, tôi tới Paris đi tìm ông muốn chết !”. Thập niên 50 anh bĩnh bút cho tạp chí Liên Hoa ở Huế dưới bút danh Nguyễn Thái nên giới Phật giáo biết nhiều qua tên này. Thế là Thiện dời về ở với anh cho đến cuối năm 1966 mới theo chân Hoà thượng Minh Châu về Vạn Hạnh.
Đầu năm 1970, trong tư cách Khoa trưởng Khoa Văn chương Đại học Vạn Hạnh, Thiện tháp tùng Thầy Viện trưởng Thích Minh Châu đi dự Hội nghị Văn hoá ở Tel Aviv, Do Thái. Một sáng đang làm việc ở nhà in, khoảng 9 giờ điện thoại reo hỏi ông Ái. Bắt máy alô ? Đầu giây kia : Ông Ái ! Tôi đây, Phạm Công Thiện. — Ủa ông ở đâu đó ? Saigon hả ? Có chuyện chi không ? — Không, tôi đứng ở Orly đây, ông làm ơn ra rước tôi giùm ! — Sao qua Pháp à, đi chuyện chi vậy ? — Ông ra đón tôi đi, tôi kể chuyện sau, hấp dẫn lắm… Hoá ra dự hội nghị mới xong một ngày, sáng hôm sau Thiện xách va-li rời khách sạn qua thẳng Paris. Chẳng báo, chẳng rằng, khiến Thầy Minh Châu ngỡ ngàng không biết ông Thiên lôi đi đâu, bỏ bê việc hội nghị.
Đó là năm Thiện trở về với anh, tá túc Nhà in Quê Mẹ (25 rue Jaffeux – Gennevilliers, ngoại ô bắc Paris) cho đến khi bắt được cô bồ con bác sĩ Lê Khắc Quyến, du học ở Bỉ cưới làm vợ mới dời nhà ra đi. Nói là nuôi Thiện thì không dám, nhưng chia sẻ nhà ở, ăn uống, bù khú, khi tỉnh rượu, lúc tàn canh…
Giai đoạn ở với anh thời 1965 – 66 ở Guy de la Brosse Paris quận 5, là giai đoạn Thiện thư từ thường xuyên với Henry Miller. Do trước khi đi Pháp Thiện qua California thăm Henry Miller. Có một thời của Phạm Công Thiện hoá thân Rimbaud. Rồi một thời của Phạm Công Thiện hoá thân Vivekananda.
Bây giờ nghĩ lại, anh thấy Henry Miller, tuy không là Phật tử nhưng vô cùng kính ngưỡng đức Phật, là một thiền sư đúng nghĩa. Hầu như tất cả những nhà thơ lớn, nhà văn lớn đều là Thiền sư đúng nghĩa như thế. Bởi họ có cái nhìn quán chiếu. Mắt họ ngó vào đâu như hải đăng nghìn lực quét vào xóm tối. Trực giác Henry thâm hậu. Anh ấy biết nhìn người và thu hồn họ rất nhanh. Biết họ mơ gì, liền tạo giấc mơ cho họ nhập, như những con đồng xập xình trước ngày tháng hư hao. Có lúc Henry khẳng định Thiện là hoá thân của Rimbaud lại có lúc là hoá thân của Vivekananda. Những lúc như thế Thiện mừng rơn, lớn cao như Phù Đổng. Thời ở với anh giữa thập niên 60 Thiện cứ đòi đi Tây Tạng vì muốn làm Milarepa ngồi tu thiền trong hang động, để có thể gây động chấn thế giới bằng tư tưởng siêu việt của mình. Đó là thời Henry Miller kích Thiện hình ảnh Đạo sư Vivekananda. Hằng tuần đều nhận thư Henry. Những buổi sáng như thế căn phòng sách càng nhộn với biết bao là đại thế luận cà kê dê ngỗng.
Ôi con chim thời nhỏ bay ngang rồi.
Thăm Huệ siêng tay viết.
anh,
tv
Trên đây là thư hồi âm của nhà thơ Thi Vũ khi tôi hỏi ông thông tin về hai câu thơ được nhà văn Đoàn Nhã Văn nêu ra ở một trang Facebook của anh. Hai câu “Mưa chiều thứ bảy tôi về muộn. Cây khế đồi cao trổ hết bông” của Phạm Công Thiện và ảnh hưởng của nhà thơ Hoàng Trúc Ly trên hai câu thơ này. Ngày 2/6/2020 (lê thị huệ)
6/2020