XuânDê 2015




photo: Hoàng Huy Mạnh



 

Lê Thị Huệ

Tiếng Đàn Của Cô Bé Hàng Xóm

 

chuyện ngắn

 

Tôi nghe tiếng đàn lúc cô vừa mới sơ tuổi.  Tiếng đàn nhà hàng xóm ù ơ vọng sang.  Văng vẳng vài nốt nhạc vừa bắt đầu vày vọc đàn. Có lẽ  “Mỏm với Đá” (Mom & Dad) của cô cho cô bé học đàn. Tôi nghĩ Tàu học đàn. Người Tàu ở Hoa Kỳ vẫn rập khuôn cho con học dương cầm hay vĩ cầm hòng sau này con lập thành tích nổi trội để nộp đơn vào các đại học le lói.

 

Ba mẹ cô là thứ chằng ăn trăn quấn. Một ông trẻ Tàu Cholon lùn và tròn. Trán hói. Ngộ với nị lia chia. Một mẹ mụ du học sinh Méng Lèng Chai Nà (Mainland China) lấy ông Việt gốc bánh tiêu kỹ sư điện tử vùng Silicon Valley để có quốc tịch ở lại Mỹ.

 

Lần thứ nhất là tôi thấy cô bé từ nhà thương Kaiser về. Mẹ cô ẵm trên tay. Một bụm nơ hồng.  Năm ấy hàng rào của hàng xóm bị bão Nancy quất sụm. Thợ Mễ đến sửa nên họ nhờ chồng tôi cho phép dùng sân đậu xe để tạm đống gỗ do Home Depot chuyển giao. Chồng tôi lúc đó đang ở Tokyo nên Tàu chồng phải hỏi qua tôi. Đương sự phân trần tôi mới biết gia cang. Ngôi  nhà này do cha mẹ họ Đặng là chủ tiệm fastfood cho ông. Ông không phải đóng mortgage nữa. Ông mới có con gái. Tàu vợ khó chịu bắt ông phải qua hỏi nhờ chúng tôi dù theo ông thì để ngoài vỉa đường cũng được.

 

Những năm sau hai vợ chồng Tàu cãi nhau nổ banh lỗ tai. Có khi tôi muốn gọi cảnh sát vì chúng chửi nhau còn hơn chó sủa lúc mình đang ngủ.  Eng éc như bọn chim mockingbird banh vo lum tối đa gọi đàn lúc zero giờ sáng trên những cây đậu óc chó đầu xóm. Các âm thanh lộn tiết nghe là thấy chỉ muốn xách xe chạy ra biển trốn để trốn nhân quần trần thế.

 

Lúc cô bé bốn hoặc năm tuổi, tôi nghe tiếng đàn từ tốn lúc ban sáng. Mùa hè, tôi ở nhà, ngủ dậy trễ, ngủ nướng đến chín mười giờ. Có khi tiếng đàn của cô đánh thức tôi dậy. Nghe cũng đa đã.

 

Tôi nhớ có thời gian tiếng đàn lại xuất chiêu khỏang bốn giờ PM. Tôi đang ở nhà nấu bếp. Tiếng đàn bắt đầu nhanh. Nghe có vẻ như chân sáo vừa lên ràn. Rộn ràng háo hức.

 

Tôi hơi ấm ức sao mình chưa thấy mặt cô bé. Dù đã nhiều lần tôi đứng canh me trong cửa sổ phòng trên lầu để mong nhìn xuống thấy cô bé ra sân sau. Nhà tôi lầu hai tầng cao hơn nhà trệt hàng xóm . Tôi có thể nhìn thấy hết sân sau to rộng không cây trái của họ. Tôi chỉ mong cô bé bước ra sân sau chơi một lần để tôi thấy hình dáng của cô bé. Nhưng dù canh bao nhiều lượt, tôi cũng chả thấy cô bé ra sân sau. Có lẽ cô bé chỉ sinh hoạt sân trước.  Mà nhà tôi đâu mặt đầu đường này. Nhà hàng xóm đâu mặt qua đầu đường kia. Tôi cũng chả tò mò đến độ ra phía trước hay qua nhà kiếm chuyện nhà hàng xóm để nhìn mặt đứa con gái duy nhất của đôi vợ chồng Tàu bị tôi ghiếc này.

 

Một lần tôi đứng sau lưng Tàu chồng hàng xóm ở ngòai chợ Safeway. Trán ông đã hói dù chỉ mới ngoài bốn mươi. Lùn tịt tròn quay như con vụ. Đội cái mũ đội banh Giant.  Không cầm được tò mò hỏi con gái của nị giờ ra sao. Tròn và lùn nói:  Nó học lớp Pảy doài.  Sắp sửa nộp đưng dzô tường tung học.  Mà dzợ tui muống nó học tường tư nên dờ pắc đầu kím tường tư. Nó học dở wá.  Hỏng piếc có thi zô được tường tư con dzợ tui muống hong á.

 

Tôi vẫn còn tò mò vì cây dương cầm bé bỏng chào đời đến nay đã gần qua nửa tuổi teen mà mình thì vẫn chưa thấy mặt.

 

Nhưng đời mắc dzịt “sô” (so) bận rộn ở cái xứ Mỹ. Thiệt! Đủ thứ chuyện cuốn theo dòng đời làm tôi lần lửa vẫn chưa xem được chân dung cô bé hàng xóm. Nhưng lòng tự nhủ luôn muốn biết bé con nhà hàng xóm mặt mũi vuông tròn có như Nàng Tiên Cá hoặc Alice in Wonderful Land. Đẹp thì không mong vì thấy vợ hay ra sau phơi áo quần. Người này có cái mốt là giặt máy, nhưng phơi cả đống áo quần sau nhà. Tôi thấy mặt bà mẹ nhọn như cái lưỡi câu câu cá. Tóc thẳng cắt bum bê kiểu Tàu Trung Cọng thời Cách Mạng Văn Hóa. Con giống mẹ là bảo đảm môi dểnh, mắt sắc, ốm đen, như đàn bò Tàu ở China Town. Không thể nào mỏng tang xinh như con gái Thượng Hải lướt trên đường phố. Giống ba nó thì thành Tàu Cholon thùng nước lèo lúc lắc.  Cũng có lúc tôi nghĩ biết đâu cô bé giống người hàng xóm ở bên kia đồi đường Charlie. Có nhan sắc Mông Cổ.  Đẹp ngáo ngỗ.

 

Dù sao thì tôi cũng muốn chộ dung nhan hàng xóm bé bỏng một lần. 

 

Nhất là sau kỳ nghỉ hè ở Yángshuò, Guǎngxī 广西.  Tôi ở một khách sạn nhỏ trên con đường trồng đầy hoa ngọc lan. Nửa đêm mùi hoa ngọc bay thoang thỏang vào làm người tôi dịu dàng ra làm tôi tự hỏi tại sao mình ghiếc Tàu dữ vậy. Có du lịch rồi mới thấy đất này cũng có một mùi hương thoang thỏang hồn nhiền. Đất nở hương đất.  Một hoàng hôn, tôi lang thang ra bờ sông bỗng thấy một người đàn ông Tàu đứng ngoài bờ đê vắng lặng. Thành phố sau lưng ông thì thắp đèn như đại hội. Nhưng con sông trước mặt ông thì tối âm u. Bên kia sông những đốm sáng nhập nhòe trong những rừng cây. Người đàn ông quay mặt về phía con sông và dạo vĩ cầm.  Tôi đứng phía sau ngắm hình ảnh người đàn ông Tàu mảnh mai say sưa đàn violon  hấp dẫn tuyệt vời. Tôi hạ thành kiến về người Tàu chơi đàn. Nếu không muốn nói tôi nghĩ người Tàu như anh đàn ông chơi đàn buổi hoàng hôn ấy cũng có thể làm cho lòng tôi thấy bớt ác cảm với giống dân khổng lồ ở cạnh nước Việt Nam. Mà tôi thường bị dí cho bài học di căn là “Đồ Tàu Chệt” lúc còn sống ở Việt Nam. Âm nhạc quả là liều bí mật của đời sống bắc cầu Golden Gate xoay chuyển tâm hồn tôi.

 

Đi nghỉ hè chuyến ấy về tôi dặn lòng thế nào cũng phải gặp mặt cô bé đánh đàn hàng xóm. Nói với cô ta là lâu nay tôi được nghe tiếng đàn của cô và tôi muốn nói nó là những kỷ niệm đáng yêu không bao giờ ra khỏi đời tôi.  Đôi khi mình cũng nên rộng lượng với đời. Tôi nghĩ. Nên nhớ điều lành trong cái đống bầy hầy của đời sống. Ghiếc Tàu nhưng nhờ tiếng đàn của người đàn ông bên bờ sông Dương Sóc và cô bé Tàu hàng xóm, tôi sẽ sẵn sàng có cảm tình với những người đáng yêu ấy. Hay hôm nào mình mua bó hoa mang sang nói để tặng cô bé đàn cho mình nghe những bản nhạc không tên.

 

Rồi thời gian cứ thắm thoát tè le từa lưa.  Thời chúng tôi say sưa miệt mài luyện in tơ net. Chả để ý gì đời chung quanh. Chả có thời giờ dư tí tẹo nào để để ý chuyện ngòai net. Tôi bựn và quên bẵng tiếng đàn cô. Có thời gian khỏang bốn năm vì khủng hoảng với Dean trên trường, tôi đổi thời khóa biểu. Tôi rời nhà lúc 3 giờ chiều và về nhà lúc 8 giờ tối.

 

Bỗng một ngày mùa đông sau lễ Thanksgiving, tôi chợt nghe tiếng đàn trổi mạnh mẽ lên từ nhà hàng xóm. Tiếng đàn vang lên âm vực tối đa.  Nhanh chậm dồn dập rất tung hứng đã điếu cung tơ chiều. Tôi chợt nhận ra cô bé hàng xóm đang dạo  khúc nhạc cổ điển Für Therese. Tôi lẩm nhẩm tính. A giờ này có lẽ cô bé học lớp 12 hay năm thứ Nhất đại học rồi. Trời! Bao nhiêu năm trôi qua mà tôi vẫn chưa biết mặt cô bé.

 

Một bữa đi conference xa với đồng nghiệp. Mimi dạy ESL. Mimi lớn hơn tôi mấy tuổi. Con của một ông tá cao cấp Miền Nam Việt Nam Cọng Hòa trước 1975. Mimi và tôi thay phiên nhau lái xe đường dài hai tiếng đồng hồ.  Trên xe, Mimi kể cho tôi nghe một câu chuyện về mẹ mình trước khi lìa đời đã nói chả biết gì về chồng.  Dù hai người sống với nhau mấy chục năm và có bảy người con.

 

Mimi nói. Bà già chết trước ông già. Thời gian bà ốm bệnh sắp mất. Ba mình rất bận rộn với một loạt phỏng vấn nhân ngày 30 tháng 4 của một đại học Mỹ ở Texas. Năm ấy nhân dịp kỷ niêm Hai Mươi Lăm Năm Mất Miền Nam.  Có một sinh viên ngành ngoại giao người Mỹ đang nghiên cứu về Vietnam War phỏng vấn ông ba mình về những chiến dịch tấn công của quân đội Miền Nam Việt Nam Cọng Hòa. Mình nhớ một buổi tối mình nằm dưới chân mẹ để xoa bóp hai bàn chân bà cho dễ. Bà than bị đau nhức ấy mà. Hai mẹ con trò chuyện.  Mình hỏi bà: Má có chuyện gì mà chưa bao giờ má kể cho ai nghe, giờ má kể cho con nghe đi. Bà già im lặng một lúc rồi nói: Má sống cả đời với ba mày mà cứ nghe đồn là ba mày làm cho CIA không biết có đúng không. Thấy ông ấy đi quân đội. Lính tráng công việc đi đây đi đó là thường. Nghe đồn là ba mày làm cho CIA không biết có đúng không.  Sau khi bà già mất. Bọn mình mới có dịp đọc các tài liệu về ba.  Mới biết ngày trước ba mình là xếp tình báo chuyên môn lĩnh những valise tiền rất to lớn của cố vấn Mỹ rồi mang phát cho cha mẹ hoặc vợ các ông lính Biệt Kích trong Nam xâm nhập ra Bắc vùng Vinh Nghệ Tĩnh thời năm 1958. 

 

Buổi tối nằm một mình trong khách sạn The Westin ở Sacramento, tôi nghĩ lan man về câu chuyện của Mimi kể. Tôi nghĩ cuộc đời với biết bao điều chúng ta không biết xíu xiu nào dù sống rất cận kề như vợ chồng ba mẹ của Mimi, như hàng xóm của tôi. Bỗng có chút gì đó dã dượi của đời sống như chạy suốt trong tôi dòng điện lực. Thấu đến những cell hông chậu khi chợt nhớ ra mười mấy năm qua tôi không hề nghe bất cứ tiếng trò chuyện nào thoát ra từ đôi môi xinh của cô bé nhà bên.

 

 

Lê Thị Huệ

2009

  

 

© gio-o.com 2015