Nguyễn Văn Trung
MILAN KUNDERA
esperantonord.free.fr
Kundera, Ông là Cộng Sản?
Không, tôi là người viết truyện.
Ông là người bất đồng chính kiến?
Không, tôi là người viết truyện.
Ông theo phe tả hay phe hữu?
Không, tôi không theo phe nào cả,
tôi chỉ là người viết tiểu thuyết.
(Les testaments trahis, p. 190)Tôi vẫn gắng theo dõi sách báo, đặc biệt các tạp chí tư tưởng văn hóa Pháp, thấy ít nói đến Kundera. Tôi cũng theo dõi sinh hoạt văn học Việt Nam ở hải ngoại cũng không thấy giới thiệu nhà văn này. Chỉ gần đây gặp lại một đồng nghiệp ở ĐHVK Saigon trước 75, vượt biên, hiện cư ngụ ở Québec, trong lúc nói chuyện tâm tình, hai ông bà cho biết đã đọc một vài truyện của Kundera làm cho hai người thay đổi lối nhìn về thời cuộc. Trường hợp kể trên cho tôi thấy người Việt ở trong nước và ngoài nước có nên đọc Kundera không, vì các truyện của ông nói tới tâm trạng của người sống trong một chế độ toàn trị hay tị nạn định cư ở nước ngoài và sau cùng tâm trạng nhớ cố hương, quay về thăm lại quê nhà. Kundera đã sống ở Tiệp trong chế độ toàn trị và 1975 sang định cư ở Pháp. Hoàn cảnh Tiệp và Việt Nam có những điểm giống và khác nhau. Tiệp Khắc và Việt Nam đều sống dưới chế độ toàn trị kiểu Stalinít, nhưng ở Việt Nam chế độ này do chính người Cộng Sản Việt Nam thiết lập từ đòi hỏi dành lại độc lập dân tộc trong khi ở Tiệp và các nước Đông Âu khác, do áp đặt của Liên Xô sau thế chiến II. Việt Nam và Tiệp đều là những nước nhỏ, nấp bóng những nước lớn, Liên Xô, Trung Quốc, chịu áp lực về chính trị văn hóa của hai nước đàn anh, nhưng vẫn cố giữ bản sắc dân tộc văn hóa riêng của mình; hai thắc mắc nẩy ra trong đầu tôi: Tại sao các tạp chí văn hóa tư tưởng nổi tiếng của Pháp ít nói tới Kundera? Tại sao người Việt từ miền Nam qua hay từ miền Bắc sang Đông Âu cũng ít nói đến Kundera. Tôi liên lạc được với ông Trịnh Y Thư ở Hoa Kỳ đã dịch từ ấn bản Anh ngữ cuốn The Unbearable Lightness of Being, xuất bản lần thứ I năm 2002; theo dịch giả, turyện đã được giới thiệu nhiều chương trong các tạp chí Văn Học, Hợp Lưu, Nhân Văn từ những năm 1980, trước trong nước và ông là người đầu tiên duy nhất dịch Kundera ở Hoa Kỳ. Tôi cũng đã liên lạc với ông Cao Viết Dũng ở Paris dịch cuốn La Vie est ailleurs, gửi về Hà Nội xuất bản. Còn ở Việt Nam ba cuốn: Sự bất tử (L’immortalité), Chậm Rãi (La Lenteur), Bản Nguyên (l’identité) do Ngân Xuyên dịch xuất bản chung một tập có lời bạt của Nguyên Ngọc. Nguyên Ngọc dịch hai cuốn: L’Art du roman và Les testaments trahis xuất bản năm 2001. Theo Nguyên Ngọc, cuốn của Trịnh Y Thư cũng được phổ biến ở Việt Nam theo dạng sao chụp. Tôi có hỏi Nguyên Ngọc về tình hình xuất bản, dư luận người đọc trong nước. Tôi cũng hỏi hai người tôi quen biết làm phê bình và nghiên cứu văn học ở Hanoi, Saigon về Kundera. Một thắc mắc thứ ba: Tại sao trong nước có thể xuất bản phổ biến tác phẩm Kundera? Theo Nguyên Ngọc, những cuốn được dịch trong nước chưa gặp khó khăn bị ngăn cản gì, vì nói chung còn là “hiền”, không trực tiếp đụng chạm đến những chuyện như Nga xâm chiếm Tiệp hay chế độ cửa quyền. Theo tôi nghĩ những đoạn đụng đến chính trị chỉ có vẻ hiền về ngôn từ thôi, không phải về nội dung vì thế thiết tưởng phải tìm hiểu những lý do sâu xa hơn, tại sao Kundera được dịch giới thiệu ở Việt Nam mà ít được dịch giới thiệu ở hải ngoại?
*
* *
Tôi tìm đọc Kundera mười cuốn truyện từ cuốn đầu La plaisanterie (l’ignorance), đến cuốn mới xuất bản gần, hai cuốn tiểu luận và mấy cuốn biên khảo về ông. Điều làm tôi thắc mắc đầu tiên khi đọc Kundera, là tất cả các truyện in lại gần đây đều chỉ có một câu ngắn gọn giới thiệu tác giả: “Kundera sinh ra ở Tiệp. Năm 1975 định cư ở Pháp”. Tại sao tác giả không muốn giới thiệu tiểu sử của mình?
Chính Kundera đã giải thích đây đó trong các tập tiểu luận của ông? Ông tỏ ra gớm ghét cái bệnh kể lể tâm tình qua thư từ nhật ký v.v... Viết cho người thân đọc thì còn được; nhưng viết cho những người không quen biết, cho độc giả thì đó là biểu lộ áp đặt cái tôi đáng ghét, và bầy tỏ ý chí quyền lực của mình đối với người khác mà thôi; vì thế Ông mong ước các nhà văn dấu tên thật chỉ nên ký bút hiệu. Làm như vậy sẽ xóa bỏ được cái bệnh khoa trương tâm sự cuộc đời của mình, giảm bớt những đố kỵ ghen ghét giữa các người viết văn và sau cùng gạt đi lối giải thích tác phẩm văn học bằng tiểu sử thời đại của tác giả. Kundura nói: “Nhà văn, theo Flaubert, phải đứng sau tác phẩm – là tác giả thì phải từ chối vai trò một nhân vật trong quần chúng. Giữ vai trò nầy, tác giả biến tác phẩm thành phụ bản những lời tuyên cáo xác định lập trường của mình”. Nhưng đọc truyện của Kundera, một người đương thời với ông sống trong một hoàn cảnh tương tự hoàn cảnh của ông tình hình Tiệp sau thế chiến II, tôi thấy không thể hiểu được Kundera như một tác giả hiện đại. Đành phải tìm đọc trên mạng lưới tin điện có ít nhiều thông tin về tiểu sử Kundera. Milan Kundera sinh 1-04-1929 tại Brno xứ Bohemia, Tiệp. Cha là Lukvik Kundera, một nhà nhạc học nổi danh, từng là viện trưởng Đại Học Bruo. M.K. học âm nhạc, điện ảnh, văn học ở Đại Học Karlova, Praha. Vào đảng 1948, bị khai trừ 1950 vì những xu hướng cá nhân chủ nghĩa. Được kết nạp lại năm 1955 đến 1970. Trong những năm từ 1950, ông làm thông dịch viên, viết biên khảo và soạn một số vở kịch. Xuất bản truyện Risibles Amours trong 3 lần liên tiếp từ 1963-1968. Năm 1967, ông xuất bản cuốn La Plaisanterie. Truyện được viết trong khung cảnh cuộc sống dưới chế độ Stalinit. Ông tham gia tích cực như một thành viên của phong trào mùa xuân Praha. Ngày 21-8-1968, chiến xa Liên Xô tiến vào Praha. Kundera mất dạy học và tất cả tác phẩm đã xuất bản đều bị tịch thâu ở các tiệm sách và bị cấm lưu hành. 1975, cư ngụ tại Pháp, dạy Đại Học Rennes: 1979 mất quốc tịch Tiệp và năm 1981 mang quốc tịch Pháp. 1986 xuất bản cuốn Art du Roman viết bằng tiếng Pháp. 1988 xuất bản cuốn L’Immortalité ở Pháp. Ông phàn nàn các bản dịch ra tiếng nước ngoài, đặc biệt những bản dịch tiếng Pháp đều không trung thực; nên ông đã bỏ nhiều thì giờ để xem lại, sửa chữa các bản dịch tiếng Pháp để có thể ghi chú nhắc nhở độc giả đọc bản tiếng Pháp: “Những bản dịch này đã được tác giả coi lại nên có giá trị như nguyên bản tiếng Tiệp”.
Mặc dầu ông được những thể chế nhà nước trọng đải, như Hàn lâm viện Pháp trao giải phê bình văn học cho cuốn L’art du Roman và chính phủ Pháp tặng huân chương Légion étrangère; và mặc dầu ông tuyên xưng công khai yêu nước Pháp, chọn nước Pháp như quê hương thứ hai và xử dụng tiếng Pháp để viết sách báo, ông vẫn bị một số dư luận Pháp không ưa thích, chỉ trích làm cho ông giận lẫy đến nỗi truyện L’ignorance viết bằng tiếng Pháp, ông lại không xuất bản ở Pháp mà để cho các nhà xuất bản Tây Ban Nha, Ý, Anh, Mỹ ra sách từ năm 2000, mãi đến tháng 4-2003 mới xuất bản ở Pháp. Tôi hỏi ông Cao Viết Dũng ở Paris tại sao có dư luận Pháp chê bai Kundera? Theo ông Dũng, vì họ cho là Kundera chưa xử dụng thành thạo tiếng Pháp như tiếng Tiệp. Tôi nghĩ phải tìm hiểu những lý do sâu xa hơn.
Trong bài “Les mots sous les mots: Le Dictionnaire intime de Milan Kundera, Ilaria Vitali đã cho biết lý do tại sao cuốn l’Ignorance không xuất bản trước ở Pháp vì “theo báo Figaro, lý do xuất bản chậm trễ này bắt nguồn từ những phản ứng về cuốn l’Identité xuất bản năm 1997. Nhiều nhà phê bình người Pháp chỉ trích Kundera đã để mất cái hồn Tiệp của mình”. Kundera đã viết nhiều bài ngắn giải thích những quan điểm, thái độ của ông.
Trong bài “Diabolum” ông giải thích không hề có dứt đoạn nào giữa những gì ông viết ở Boheme (Tiệp) và ở Pháp; cũng không có gì là đoạn tuyệt giữa những truyện viết ở Boheme thời Cộng Sản và cuốn l’Immortalité viết ở Pháp.
Nếu ai hiểu như một đoạn tuyệt thì vì hai thiên kiến sau đây:
Thiên kiến thứ nhất do quan niệm coi tiểu thuyết như phản ánh một xã hội, một xứ sở. Chẳng hạn cuốn La vie est ailleurs kể chuyện “một nhà thơ trẻ thời Stalinit, tôi không có ý viết về chế độ Stalinit... Chủ đề của truyện này là trữ tình, và trữ tình cách mạng trong chính sách khủng bố của Cộng Sản chỉ soi chiếu một cách đặc biệt vào xu hướng trữ tình muôn thuở của con người”. Chủ đề trong l’Immortalité cũng không phải xã hội như một quang cảnh, sân khấu xã hội tây phương ngày nay, vì con người từ thuở nào đến giờ vẫn ưa chuộng nhìn cuộc đời như một trình diễn trên sân khấu.
Thiên kiến thứ hai là xác tín xã hội Cộng Sản và xã hội dân chủ đối nghịch nhau hoàn toàn. Có thể như vậy về phương diện chính trị, kinh tế. Nhưng đối với người viết truyện, khởi điểm là cuộc sống cụ thể của một cá nhân, và nhìn trên bình diện đó, sẽ nhận ra hai xã hội xem ra đối nghịch lại giống nhau một cách lạ thường. Khi còn ở Tiệp, tôi nhìn thấy những cao ốc cho thuê rẻ tiền (HLM) tôi tưởng đây là một biểu lộ cái đáng ghét của chế độ Cộng Sản. Nghe những tiếng loa phát thanh hát rống lên, hô khẩu hiệu, tôi đã cảm nhận ý chí biến đổi các cá nhân thành một tập thể bị những tiếng động vùi dập. Chỉ về sau, tôi mới hiểu chế độ Cộng Sản chẳng qua chỉ sao chép những nét tổng quát của xã hội hiện đại. Cũng cùng một thứ bàn giấy chủ nghĩa ở mọi nơi mọi lúc. Tranh đấu giai cấp được thay thế bằng những thể chế kênh kiệu khinh bạc đối với người tiêu dùng. Tất cả những biểu tượng đó đều có chung một điểm: Không tôn trọng cá nhân và đời sống riêng tư của cá nhân. Ở đây, phía tây phương, người ta nại quyền được thông tin. Còn công an Cộng Sản đặt máy nghe lén ở phòng ngủ cũng nhân danh nhu cầu thông tin. Do đó, về phương diện này, đối với tôi kinh nghiệm Cộng Sản là một dẫn nhập thật tốt đưa vào nếp sống hiện đại mà thôi”.
Trong một bài khác “Testament trahi de Goethe”, Kundera dẫn chứng Goethe vẫn nói nhiều lần: thời kỳ văn học quốc gia đã qua rồi, nay là thời kỳ văn học thế giới. Đó là một di chúc của Goethe . Di chúc này đã bị phản bội vì Âu châu vẫn chưa ra khỏi những biên giới địa lý quốc gia trong sáng tác và phê bình văn học.
Trong bài “La francophobia, ça existe” Kundera viết: “Tôi sinh ra ở Tiệp, nhưng đã định cư với vợ ở Pháp”. Đây là một biến cố có tính cách quyết định toàn bộ cuộc đời của tôi. Ở Hoa Kỳ, tôi thấy xuất bản một thư mục các tác phẩm của tôi, không đả động gì hết đến những gì tôi đã viết ở Pháp; từ 18 năm nay, tôi đã sống thật đầy đủ; ở đây tôi có những bạn thân, nhà xuất bản in toàn bộ tác phẩm của tôi. Đi đâu ở Hoa Kỳ, tôi cũng nghe người ta nói: Văn chương Pháp ư, bây giờ còn có gì đáng nói đâu. Tinh thần bài Pháp có thật, bài bác một nền văn hóa vẫn giữ vai trò tuyệt hảo từ nhiều thế kỷ. Tinh thần bài Pháp đó xúc phạm đến chính tôi, tương tự thái độ khinh bạc của nước lớn đối với nước nhỏ như Tiệp. Tôi biết ơn nước Pháp, vì chỉ người Pháp đã nâng đỡ tôi từ ban đầu nên vợ tôi thường nhắc đi nhắc lại: Nước Pháp là quê hương thứ hai của chúng tôi. Sau cùng, Kundera nêu trường hợp một nhà thơ khác cũng gốc Tiệp, sang định cư ở Pháp hồi 1968, làm thơ tiếng Pháp. Vera Linhartova đã coi lưu vong như một giải thoát bằng cớ là những người lưu vong khác từ Nga, Đông Âu: Miloz, Kolakowski, Kristeva, Zinoviev, Siniavski, Forman, Polanski, sau khi chế độ Cộng Sản sụp đổ, có ai quay về xứ sở cũ của mình đâu. Họ đều chọn nơi họ sống và ngôn ngữ của nơi đã chọn định cư để nói, viết văn. Ý kiến cho rằng một người viết văn không thể tách khỏi ngôn ngữ của đất nước mình, chẳng qua cũng chỉ là một huyền thoại vì nhà văn không phải là tù nhân của một ngôn ngữ cố định. Khi Linhartova viết tiếng Pháp cô có còn là nhà văn Tiệp nữa không? Không, cũng không phải là nhà văn Pháp, cô ở nơi khác. Cũng như xưa kia Chopin và sau này Nabokov, Beckett... (trong bài l’exil libérateur). Kundera tâm sự: “Tôi quý tự do của tôi hơn gốc gác của tôi. Tiếng Tiệp gọi tôi: quay về đi, đồ mắc dịch. Nhưng tôi không nghe, tôi muốn ở lại với ngôn ngữ mà tôi yêu quý”. Những lý lẽ Kundera đưa ra kể trên hình như không ăn nhằm gì đến vấn đề căn bản liên quan đến thái độ của người trí thức trước thời cuộc. Tất cả những người làm thơ văn đều là trí thức vì sáng tác đòi hỏi suy tư, nhưng tất cả trí thức không phải đều là nhà văn nhà thơ. Vấn đề đặt ra cho người trí thức, nhà văn nhà thơ không phải là lựa chọn ở lại trong biên giới một quốc gia hay vượt khỏi biên giới đó; cũng không phải lựa chọn ở lại trong một chế độ toàn trị làm người bất đồng chính kiến (dissident) hay đi lưu vong vì đó là quyền tự do của mỗi người phải được tôn trọng mà là dù lựa chọn nào thì trước một biến cố lớn xảy ra trên đất nước mình hay trên thế giới, có lên tiếng theo lương tâm nhân loại của mình hay không? Vaclav Haven ở lại Tiệp tham gia sinh hoạt hiến chương 77 bị trên 4 năm tù, còn Kundera đi lưu vong chỉ để tiếp tục sáng tác. T. Todorov gốc Bungari cũng lưu vong ở Pháp đã lên tiếng phản đối Otan can thiệp vào Kosovo, phê phán Hoa Kỳ đang sa vào “chướt cám dỗ làm điều thiện” cho cả thế giới. Lên tiếng đúng hay sai không quan trọng. Điều quan trọng là có lên tiếng. Truyền thống trí thức nhà văn ở Pháp chính gốc hay di dân trước thời cuộc là một nét đặc biệt của văn hóa Pháp. Trước một biến cố trọng đại, dư luận thắc mắc tự hỏi hay hỏi nhau: chẳng hạn Sartre nghĩ gì. Nhà văn người trí thức được kính nễ đến nỗi tổng thống Pháp gửi thư cho Sartre gọi Ông Cher Maitre. Sartre xuống đường gây rối cảnh sát không dám bắt như thể nhà văn người trí thức ở trên cả pháp luật. Althussier nhà triết học nổi tiếng, đảng viên đảng Cộng Sản trong một cơn mất trí giết vợ mà không bị truy tố đưa ra tòa. Dư luận Pháp quý trọng người trí thức dấn thân vào thời cuộc đến nỗi thiên vị: Thà sai với Sartre còn hơn có lý với R. Aron; mặc dầu Aron cũng dấn thân nhưng dựa vào sự kiện, còn Sartre thì bốc đồng.
Thế kỷ XX, Pháp có những khuôn mặt nhà văn sáng giá: Sartre, Camus, Malraux, không phải chỉ ở phe tả mà cả ở phe hữu như François Mauriac. Để thể hiện vai trò dấn thân vào thời cuộc, họ thường ra một tạp chí, tuần báo hay cộâng tác với một tạp chí tuần báo. Sartre thành lập tạp chí “Les temps modernes”, François Mauriac viết mục bloc-notes hàng tuần cho tờ Express. Trí thức nhà văn Thế kỷ XX tiếp nối truyền thống lên tiếng của Thế Kỷ XIX. Tiêu biểu là thái độ “tôi tố cáo” (J’accuse) của Emile Zola về vụ án Dreyfus. La Martine nhà thơ đã khơi động cách mạng 1848: “Tôi sinh ra để lo những việc quốc gia đại sự hơn là bận tâm những vụ tự ái cá nhân nhỏ mọn hay những háo danh mà xã hội dành cho những thành công về văn học”. Malraux cũng bày tỏ một ý tưởng tương tự: “để được lòng dư luận, nên có những gì nặng ký hơn tác phẩm cống hiến cho dư luận, chẳng hạn một tiểu sử kinh ngạc, một uy tín đáng kể”. Chính những ưu thế đó lại làm cho Kundera dè dặt né tránh. Thái độ của Kundera cũng dựa trên những nhận xét rất đáng lưu ý. Những nhà biên khảo về Kundera như Kavetoslav Chvatik trong Le Monde Romanesque de Milan Kundera, bản dịch tiếng Đức nhà xuất bản Gallimard 1994 ghi nhận “Quan niệm viết tiểu thuyết của Kundera thật khác xa quan niệm dấn thân của Sartre. Theo Kundera, Sartre không dùng từ người viết tiểu thuyết mà chỉ phân biệt người viết văn xuôi và người làm thơ. Văn xuôi có vai trò thông tin, minh chứng, chất vấn, yêu cầu, thuyết phục ca tụng hay kết án. Sartre, Camus, Malraux là những nhà văn, tuy viết tiểu thuyết, nhưng lại để cho những luận điểm triết học hướng dẫn từ bên trong tiểu thuyết, một điều mà họ làm có khả năng thuyết phục hơn trong các biên khảo triết học của họ” (trang 199) như vậy tiểu thuyết của Kundera không nhằm mô tả một biến cố thời sự, phản ánh một hoàn cảnh lịch sử hay trình bày một chủ đề triết học, vì tiểu thuyết là một tác phẩm văn học tự lập gần gũi với những thể loại văn nghệ khác như âm nhạc. Cấu trúc của âm nhạc là đa âm (polyphonie) đa tấu, thực ra là hòa âm, hòa tấu, hay khi cấu trúc của Tiểu thuyết theo Kundera cũng đa âm, đa tấu nhưng không phải hòa âm, hợp tấu và vì tiếng nói của các nhân vật là ông nói gà bà nói vịt trong một thế giới bị “tàn phá, đổ vở” theo lời kể của nhân vật chính trong La plaisanterie.
*
* *
Truyện La Plaisanterie xuất bản lần đầu tiên ở Tiệp năm 1967. Cốt truyện xoay quanh vai Ludvik, một thanh niên có chân trong đảng nhưng lại muốn sống như một người bình thường, mong chiếm được tình yêu của một cô bạn gái khờ khạo. Trong việc chiếm đoạt cô gái, anh gửi cho cô một câu nói đùa ghi trên bưu thiếp, trong khi cô này đang dự một khóa huấn luyện để trở thành đảng viên Cộng Sản: “chủ nghĩa lạc quan là thuốc phiện của nhân dân. Một tâm hồn lành mạnh là tâm hồn nặng mùi ngu xuẩn. Trôstkit muôn năm”. Câu nói đùa đã làm biến đổi cuộc đời người thanh niên. Ludvik bị khai trừ khỏi đảng, bị đuổi ra khỏi đại học. Hình ảnh những bàn tay các bạn anh, những bàn tay đồng chí từng người từng người dơ lên để biểu quyết đuổi anh khỏi đảng, khỏi đại học là một ám ảnh mà Ludvik không sao quên được. Anh cố bào chữa trước các buổi họp luận tội anh: đó chẳng qua chỉ là một chuyện đùa, một chuyện đùa được biểu diễn công khai giữa hội trường trở thành một trò đùa, trò hề... Một vai khác trong tuyện, Zemanek, chồng của Helena, người đàn bà mà Ludvik dụ dỗ, phụ trách đoàn thành niên của đảng, người đã đứng ra điều động đoàn viên đuổi Ludvik trở thành kẻ thù của Ludvik; về sau Ludvik trả thù Zemanek bằng cách dụ dỗ được vợ Zemanek, nhưng chính lúc đó Ludvik lại khám phá ra Zemanek không còn yêu Helena, đồng thời anh cũng thấy Zemanek không phải người quá tệ. Sự trả thù là một thất bại.
Kundera nói về cuốn truyện đầu tay này ra đời thế nào trong một “chú thích của tác giả” in trong bản pháp văn truyện Plaisanterie tái bản năm 1985”. Năm 1901, tôi đi thăm bạn bè ở vùng mỏ. Họ kể cho tôi nghe câu chuyện một nữ công nhân bị tống giam vì bị bắt quả tang ngắt mấy bông hoa ở nghĩa trang để gửi tặng người yêu. Không bao giờ tôi quên được, hình ảnh một số phận phụ nữ biết tách biệt tình yêu với tình dục. Một hình ảnh khác kèm theo hình ảnh kể trên về một mối tình dai dẳng thực ra chỉ là một hành động thù ghét. Hai hình ảnh ấy đã làm nảy sinh cuốn truyện đầu tiên của tôi hoàn thành vào năm 1965, được đặt tên “trò đùa”. Những người phụ trách nhà xuất bản của Hội nhà văn đều ưa thích cuốn truyện, nhưng phải đưa bản thảo đi duyệt. Trong một năm tôi bị yêu cầu gởi đi “làm việc” không biết bao nhiêu lần đề nghị sửa chỗ này, bỏ chỗ kia. Lần nào tôi cũng từ chối những đề nghị sửa chữa hay cắt bỏ. Nhưng lạ lùng thay, những yêu cầu kể trên được giảm đi mỗi lần làm việc. Từ những năm 1960, câu chuyện khó tin do bầu khí tự do lan rộng đã làm rạn nứt guồng máy đảng, gây mặc cảm tội lỗi nơi những người cầm quyền, đến nỗi những người phụ trách duyệt sách không còn duyệt như trước và điều làm cho mọi người ngạc nhiên là cuối cùng bản thảo được gửi cho nhà in nguyên vẹn không bị xóa bỏ chỗ nào. Khi sách ra mắt hồi mùa xuân 1967, cuốn truyện được hầu như toàn thể hội viên hội nhà văn chào đón và trao tặng giải thưởng của Hội cho năm 1968. Là một tác giả ít được biết đến trong một thời gian ngắn, cuốn truyện của tôi được tái bản ba lần đưa tổng số sách phát hành lên đến 120.000 cuốn.
Nhưng chỉ một năm sau, quân đội Nga xâm chiếm Tiệp đã làm đảo lộn tất cả. Cuốn truyện bị một chiến dịch báo chí đả kích, nguyền rủa, bị cấm cùng với các cuốn truyện khác, bị thu hồi khỏi các thư viện công.
Vào năm 1966, trong lúc số phận bản thảo còn bị ngâm ở sở kiểm duyệt, Antonin Liehm đã mang lén một bản thảo sang Pháp trao cho Aragon. Tôi phải nhắc đến một điều ít ai biết: Aragon thường giúp các văn nghệ sĩ bên kia bức màn sắt bằng cách đăng những bài khen tụng những nhà văn đang bị đe dọa, bị làm khó dễ. Tuần báo “Les Lettres Françaises” là tờ báo phương Tây duy nhất có thể mua được ở các nước Cộng Sản... Aragon gặp Liehm, mặc dầu chưa đọc bản dịch, đã giới thiệu nó với Claude Gallimard với tất cả uy tín của nhà thơ, ông hứa sẽ viết lờiø giới thiệu đúng vào tháng 8 Tiệp bị Nga xâm lăng. Bài giới thiệu của Aragon đăng trong lần in thứ nhất ở Pháp, không nói gì nhiều đến nội dung văn học cuốn truyện, nhưng Ionesco viết một bài về cuốn tiểu thuyết đăng trên Figaro đã là những lời thật đáng kể được nói lên ở Pháp trước thảm kịch Tiệp. Tháng 8-1968, Claude Galimard mời tôi sang Paris để chứng kiến buổi ra mắt sách. Đây là lần đầu tiên tôi gặp Aragon. Ở nhà Aragon, có hai vợ chồng một nhà khoa học Nga đang trò chuyện với Aragon. Những trí thức, nhà văn sống ở các nước Đông Âu đều nhìn Aragon như một người yêu Cộng Sản cởi mở, nhiệt tình có thể bênh vực che chở họ. Hai vợ chồng người Nga nói với Aragon: “Ông không nên đoạn tuyệt với nước Nga. Phải phân biệt nhân dân Nga với chính phủ của họ, nên ông vẫn cần đi Nga”. Aragon giận dữ về vụ Nga xâm lăng Tiệp, đi lại trong phòng, trịnh trọng tuyên bố: “ Dù tôi có muốn đi Nga, nhưng chân tôi không chiïu bước đi. Tôi cảm phục nhà thơ. Nhưng vài năm sau, chân ông đưa ông đến Mạc Tư Khoa để được Brejnev gắn mề đay và vài năm sau nữa, chân ông còn đưa ông đến diễn đàn đại hội đảng để vỗ tay hoan hô một cuộc xâm lăng khác: xâm lăng A Phú Hãn.
Nhưng nếu không có Aragon, cuốn La Plaisanterie không bao giờ được ra mắt ở Pháp và số phận của tôi có lẽ cũng đã rẽ sang một ngã khác. Lúc ở Tiệp tên tôi bị bôi đen, cuốn La Plaisanterie được nhà xuất bản Gallimard tung ra khắp thế giới, làm cho tên tôi có được những độc giả mới thay thế độc giả Tiệp. Sau đó Kundera đã để gần 2 trang kể lại những bản dịch đã bị thêm bớt thế nào, buộc ông bỏ ra nhiều năm tháng để điều chỉnh tất cả cho đúng ý của ông. Phần cuối chú thích, Kundera cho biết năm 1967 trong không khí tự do cởi mở trước mùa Xuân Praha, truyện của ông không gây một cảm nghĩ nào có tính cách chính trị. Để hiểu cuốn truyện được đón nhận thế nào ở Tiệp, tôi dẫn một vài tựa đề giới thiệu La Plaisanterie trên các tạp chí Tiệp: “Mỉa mai và luyến tiếc”, “lối viết chống Sartre về tiểu thuyết hiện sinh”, “Bài học có thể tiếp thu về cái nghịch lý”, “Hiện tượng luận và tiểu thuyết”, “Kỹ hà học cuốn La Plaisanterie” v.v... Năm sau, Paris đón nhận truyện của tôi vừa làm cho tôi vui, vừa làm cho tôi buồn. Cuốn truyện được ca tụng, nhưng chỉ được đọc theo một chiều về chính trị. Lỗi tại hoàn cảnh lịch sử lúc đó. Cuốn truyện ra mắt sau 2 tháng Nga xâm lăng Tiệp; Lời nói đầu giới thiệu của Aragon chỉ chú ý tới khía cạnh chính trị và sau cùng lỗi tại phê bình văn học ở Tây phương biến dần thành bình luận mang tính cách báo chí một cách vội vã, bị cái nạn độc tài của thời sự chi phối. Còn ngày nay, những âm vang mang tính thời sự đã qua rồi: Mùa Xuân Praha cũng như cuộc Nga xâm lăng Tiệp... Chính nhờ sự quên lãng đó, mà một cách nghịch lý, truyện La Plaisanterie bây giờ, cuối cùng có thể trở lại điều thực sự mà nó chỉ là tiểu thuyết và ngoài tiểu thuyết, không còn gì khác nữa” (tháng 5/1985). Chú thích kể trên đã bị tác giả bỏ đi, kể cả lời giới thiệu của Aragon trong những lần tái bản sau. Lời bài giới thiệu của Aragon trong ấn bản tiếng Pháp đầu tiên năm 1968. “Tiểu thuyết mà tôi coi là một tác phẩm lớn” (Le roman que je treres pour une oeurvre majeure”, đúng như Kundera đã nhận định, Aragon đã chỉ chú trọng tới khía cạnh chính trị của cuốn truyện: “Tôi nói tiểu thuyết của Kundera, vượt tất cả các tài liệu chính trị có thể tưởng tượng được và không thể tưởng tượng được, soi chiếu hoàn cảnh đã được tạo ra từ 20 năm nay đưa đến thảm kịch mà chúng ta đang chứng kiến ngày nay... Tôi nghĩ đến những người ở lại Tiệp đang chịu tra tấn, tù đày... tôi cũng nghĩ đến những người bỏ ra đi và chỉ mơ ước trở về, vì không thể tin được ở đó sẽ xảy ra một thảm cảnh Biafra về tinh thần”.
*
* *
Ở Sài Gòn miền Nam Việt Nam thời đó, chúng tôi chưa được đọc Kundera nhưng theo dõi những biến cố chính trị xảy ra ở Tiệp, mùa Xuân Praha và cuộc Nga xâm lăng Tiệp. Tạp Chí Hành Trình, Đất Nước đưa ra chủ trương xã hội chủ nghĩa không Cộng Sản nghĩa là không phải Stalinit, nên làm sao chúng tôi không đón mừng xã hội chủ nghĩa có khuôn mặt người do Alexandre Dubcek đưa ra. Đất Nước số 7 tháng 11-1968 dịch đăng: (Tuyên ngôn của người Tiệp dân chủ) do 70 nhân vật Tiệp đủ mọi thành phần lên tiếng ngày 27-6-68 gọi là tuyên ngôn hai ngàn chữ... “Đảng Cộng Sản từ sau thế chiến được dân chúng tín nhiệm đã dần dần đem lòng tín nhiệm này đổi lấy địa vị, cho đến khi chỉ còn địa vị, chứ không còn gì khác nữa... Chúng tôi phải nói thế và những người Cộng Sản trong đó có cả chúng tôi đều biết thế. Nỗi thất vọng của họ trước những hậu quả cũng lớn lao như niềm thất vọng của những người khác... Chúng ta tất cả đều phải chịu trách nhiệm về tình trạng này nhất là những người Cộng Sản trong đó có cả chúng tôi... Từ đầu năm nay, chúng ta bước vào tiến trình dân chủ hóa. Việc này bắt đầu ngay từ trong đảng Cộng Sản. Chúng tôi phải nói thế, để những người không ở trong đảng trong số chúng tôi, những người không mong đợi gì ở chúng tôi từ trước đến nay biết vậy... Sự mở đầu và những cố gắng của người Cộng Sản dân chủ chỉ là sự đền bù món nợ của đảng đối với những người ngoài đảng. Chính vì thế mà chúng ta chẳng phải chịu ân huệ gì của đảng Cộng Sản cho đến khi đảng được nhìn nhận là đã cố gắng sử dụng một cách thành thật cơ hội cuối cùng này để cứu vãn danh dự của đảng và của tổ quốc... Theo những nguồn tin dè dặt, có thể có lực lượng ngoại quốc can thiệp vào những biến đổi nội bộ của nước ta. Đối diện với các lực lượng hùng hậu ngoại bang, điều chúng ta phải làm là giữ gìn hàng ngũ của chúng ta và đừng khơi động.
Chúng ta bảo đảm với chính quyền rằng chúng ta ủng hộ chính quyền dù cả bằng khí giới... Mùa Xuân này, tương tự như sau thế chiến là một cơ hội lớn đã đến với chúng ta. Mùa Xuân này sắp chấm dứt. Nó không bao giờ trở lại nữa; còn mùa đông chúng ta đã biết cả rồi; vì vậy chúng tôi kết thúc bản tuyên ngôn của chúng tôi cùng các công nhân, nông dân, viên chức, nghệ sĩ, học giả, kỹ thuật gia và tất cả mọi người”.
Đọc lại tuyên ngôn 2.000 chữ mới hiểu được tại sao truyện Trò đùa có thể chào đời và được dư luận Tiệp đón nhận. Nói cách khác, truyện trò đùa đã không thể có được nếu không có mùa xuân Praha do đảng Cộng Sản đề ra và được hầu như toàn đảng toàn dân hưởng ứng. Những nghi thức thể chế công khai của chế độ đã được người trong đảng ngoài đảng tuân theo mà không còn xác tín chẳng khác nào những vai hề diễn kịch trên sân khấu chính trị là các hội trường hội nghị như những trò đùa trò hề mặc dầu bề ngoài chúng được coi là quan trọng nghiêm chỉnh.
Trong truyện Kundera không mô tả tường thuật mùa xuân Praha, những tranh luận phê phán xã hội guồng máy đảng là những điều thời sự mà báo, đài đã nói nhiều, cũng không kể tâm trạng tình cảm được bộc lộ của hàng trăm ngàn người xuống đường trong không khí cởi mở của mùa xuân Praha. Tác giả chỉ kể một vài chi tiết gợi ý cho những suy nghĩ sâu xa về con người, nhất là trong mối quan hệ cá nhân và tập thể. Dư luận Tiệp thời đó đã cảm nhận như vậy nên cuốn truyện không mang ý nghĩa chính trị gì đối với họ.
Nhưng khi cuốn truyện được dịch ra nhiều thứ tiếng, phổ biến khắp thế giới, cuốn truyện đã không thể tránh được, vào thời điểm đó, ý nghĩa chính trị. Nếu không có vụ Nga xâm lăng, cuốn truyện chắc không được phổ biến rộng rãi và việc phổ biến nếu có ý nghĩa chính trị nào, thì đó là ý nghĩa chính trị tốt, tích cực. Cuốn truyện cho phép hy vọng dù chế độ Cộng Sản thế nào đi nữa nay đang có khả năng thay đổi và do chính người Cộng Sản làm. Nhưng sự kiện Liên Xô,â một nước đàn anh đã đem xe tăng xâm chiếm một nước đàn em nhỏ bé, cưỡng bách tổng bí thư, ban lãnh đạo Tiệp sang Mạc Tư Khoa buộc phải nhượng bộ rồi trở về Tiệp tuyên bố những thỏa hiệp đã làm dư luận thế giới phẫn nộ và nhiều đảng viên đảng Cộng Sản Âu Châu ra khỏi đảng.
*
* *
Ngày nay và mai sau có thể đọc truyện Trò đùa và các tác phẩm khác của Kundera mà không cần liên hệ đến tiểu sử tác giả, lịch sử?
Roland Barthes đã nêu vấn đề liên quan giữa tiểu sử và phê bình văn học trước những lạm dụng dùng tiểu sử để giải thích văn học. Nhưng có thể gạt hẳn tiểu sử ra khỏi phê bình văn học không hay ít ra cần cái tối thiểu. Đối với Kundera, cái tối thiểu đó có phải chỉ là một câu vẻn vẹn được ghi ở các truyện của Kundera tái bản những lần cuối gần đây: “Kundera sinh ra ở Tiệp và định cư ở Pháp 1975". Trả lời phỏng vấn của Christian Sanmon đăng lại trong “Art du roman” hỏi Kundera có cần phải biết lịch sử Tiệp để hiểu tác phẩm của ông không? Kundera trả lời: “Không, những gì cần biết chính tiểu thuyết đã nói”. Cuốn Trò đùa và những cuốn khác chỉ nêu một vài nét gợi ý về chế độ chính trị ở Tiệp và nước Tiệp; chẳng hạn trong truyện Trò đùa chỉ nói đến sự kiện Ludvik bị bạn bè đồng chí đồng loạt giơ tay ủng hộ quyết định đuổi khỏi đảng, Đại học, không nói đến vai trò của đảng, các thể chế của đảng vì điều Kundera muốn nói qua sự việc đồng loạt giơ tay là số phận con người bị cái nhìn của người khác, bạn bè quy định ngay cả đưa đến chỗ chết.
Trong vụ Nga xâm chiếm Tiệp, báo chí sách sử đều tường thuật đầy đủ chỉ có một chi tiết mà Kundera cho là có ý nghĩa về nhân loại học lại bị bỏ qua, đó là bệnh sát hại tập thể chó. Sự kiện duy nhất Kundera nhắc đến như một khung cảnh lịch sử trong truyện La Valse aus adieux. Hoặc truyện L’insantenable légèreté de l’être nói đến Alenxandre Dubcek, tổng bí thư đảng bị bắt cóc đưa về Mạc Tư Khoa buộc phải điều đình với Brejnev, rồi được đưa về Praha. Tác giả không kể lại những sự kiện đó mà ai cũng biết, chỉ kể một chi tiết bị các bài tường thuật bỏ qua. Dubcek nói trên đài, mệt mỏi, phải ngừng lại nhiều lần để thở một cách khổ sở, những chỗ ngừng lại đó về sau đã bị cắt bỏ hết. Kundera chỉ nhắc lại sự kiện bị bỏ qua đó để nói về cái thế yếu của con người: (Người ta luôn luôn ở thế yếu khi phải đối đầu với thế mạnh hơn. “mặc dầu Dubcek có thâân hình lực sĩ”). Đồng ý với Kundera, không cần mô tả thời cuộc khi viết cho người đương thời vì bối cảnh chính trị xã hội biến cố người đương thời ít nhiều đều đã biết nên nhà văn chỉ cần nhắc những chi tiết mà báo chí sách sử bỏ qua để gợi ý cho những suy tưởng về con người, cuộc đời. Nhưng những thế hệ mai sau có thể không còn biết gì về mùa xuân Praha, Nga xâm chiếm Tiệp nếu họ chỉ được đọc một vài chi tiết gợi ý làm sao họ có thể hiểu được? Vậy ít ra cần cái tối thiểu về tiểu sử và cái tối thiểu đó chính Kundera đã viết ra như chú thích năm trang đăng trong một lần tái bản, tại sao Kundera lại bỏ đi trong những lần tái bản sau cùng với lời giới thiệu của Aragon mà ông thú nhận đã giữ lại trong 16 năm? Bài giới thiệu của Aragon và bài cảm nghĩ của Ionesco trong Le Figaro ông cho rằng không thể quên mà không nên quên, tại sao ông lại bỏ đi trong những lần tái bản sau? Bài giới thiệu của Aragon, mặc dầu không dính líu gì đến nội dung cuốn truyện nhưng như Kundera thú nhận nó đã làm cho cuốn sách có thể ra đời và được dư luận thế giới biết đến, nghĩa là tuy nó là một yếu tố ngoại tại, nhưng cũng là yếu tố cấu tạo của tác phẩm. Đó là chưa nói đến khía cạnh ân nghĩa, người ta có thể quên thời sự, lịch sử, nhưng có thể quên ân nghĩa được không? Nếu Aragon còn sống, nhà thơ nghĩ sao về thái độ của nhà văn Kundera.
*
* *
Tôi là người đương thời của Kundera, kém ông 1 tuổi. Tôi có thể đọc ông về nhiều phương diện: Kỹ thuật viết tiểu thuyết, những đề tài tư tưởng mà ông muốn bày tỏ, và tại sao tôi không được đọc Kundera về chính trị hiểu như một khía cạnh thiết yếu của thân phận làm người sống trong những hoàn cảnh của một thời đại. Trong chiều hướng đó tôi muốn tìm hiểu ở Việt Nam ngày nay trên danh nghĩa vẫn là chế độ toàn trị như Tiệp trước đây, tại sao ở đó một số truyện của Kundera được dịch phổ biến chính thức mà không bị kiểm duyệt làm phiền hà gì. Nếu không đọc chú thích 5 trang của Kundera, tôi không thể giải thích được thắc mắc kể trên. Chú thích đó cho thấy truyện của Kundera được xuất bản phổ biến công khai được ca ngợi nữa bao lâu nó chỉ là một hiện tượng văn học thuộc nội bộ của Tiệp. Nó trở thành chính trị và bị cấùm đoán khi bên ngoài Tiệp coi truyện của Kundera như một bằng chứng tố cáo Cộng Sản. Như vậy có thể nêu giả thuyết giải thích phải chăng tác phẩm của Kundera được phổ biến ở Việt Nam vì ở hải ngoại người Việt di tản lưu vong không nói đến Kundera, không sử dụng Kundera để chống Cộng? Nhưng tại sao giới làm văn học hải ngoại không sử dụng Kundera phải chăng vì không thể sử dụng được. Không thể sử dụng vì Kundera không phải là một dissident, ông không bày tỏ một thái độ chống cộng nào từ ngày rời Tiệp, hơn nữa ông còn chống cộng không khi ông coi chế độ Cộng Sản chẳng qua chỉ là một hình thức biểu lộ xã hội tây phương hiện đại mà ông cũng không tán thành.
Đây đó rải rác trong các tác phẩm, Kundera nhắc tới thái độ phê phán tây phương kể trên, chỉ xin dẫn chứng một đoạn trong Les testaments trahis, Kundera nói đến những vụ án chính trị xảy ra ở Liên Xô, Đông Âu mà ông gọi là những “procès de l’esprit” xúc phạm đến tự do tư tưởng, tôn giáo của cá nhân với tư cách công dân; nhưng những vụ án chống tinh thần bao hàm tinh thần tố cáo, chụp mũ - l’esprit de procès – tinh thần tố cáo, thái độ chụp mũ đã tiêm nhiễm vào tâm trí các nước Tây Âu tạo ra những vụ tố cáo các nhà văn, nhà tư tưởng về tội liên hệ với các chế độ phát xít, quốc xã, cộng sản. Kundera đặc biệt chĩa mũi dùi vào cuốn 1984 của Orwell. Ông nêu lên những tai hại của cuốn truyện này (đã được dịch ra tiếng Việt phổ biến ở hải ngoại) – chú thích của NVT “Ảnh hưởng xấu của cuốn truyện ở chỗ tất cả thực tại bị giản lược vào khía cạnh thuần túy chính trị và trong giản lược đó lại chỉ để ý đến các mặt tiêu cực của chính trị. Tôi từ chối không tha thứ việc giản lược này viện cớ nó cần thiết để tuyên truyền chống độc tài toàn trị xấu xa. Vì điều xấu xa chính là sự giản lược mọi sự vào chính trị và giản lược chính trị vào nhu cầu tuyên truyền: Giản lược đời sống của một xã hội mà mình oán ghét bằng cách chỉ kê khai các mặt xấu của nó. Vì thế cuốn truyện 1984 dù có ý tốt cũng là thành phần của tinh thần toàn trị. Một hai năm sau khi Cộng Sản sụp đổ, nói chuyện với người Tiệp, tôi đều thấy họ luôn luôn nhắc tới 40 năm khủng khiếp, 40 năm phí phạm, tôi nhìn những người nói như vậy và nhận ra họ là những người không bị đi tù hoặc di tản, mất công ăn việc làm, ngay cả không bị nhìn với con mắt ngờ vực. Nhưng khi nói sau 40 năm khủng khiếp họ đã giản lược toàn bộ cuộc đời của họ vào chính trị; sở dĩ họ làm như vậy vì họ đã ăn phải bã lý luận của Orwell, tưởng toàn bộ cuộc đời của mình là hư hỏng phí phạm. Sau đó Kundera giải thích tại sao không thể tố cáo những người đã tin theo ý thức hệ Cộng Sản, về sau mới thấy mình lầm lạc. Tất cả mọi người hành động dự đoán tương lai đều không đi giữa ban ngày hay đi đêm tối, vì đêm tối thì không thấy gì, còn thấy rõ như ban ngày thì không sai lầm được. Tất cả đi vào cuộc đời như đi trong sương mù có thấy nhưng chỉ lờ mờ không rõ. Chỉ sau khi đi một quãng đời nhìn lại không còn sương mù nữa mới thấy những ảo tưởng sai lầm của mình. Tất cả các người nổi tiếng như Heidegger, Maiakowski, Aragon, Gorki... đều đi trong sương mù. Vì thế có thể tự hỏi: ai là kẻ mù. Maiakowski làm thơ ca tụng Lénin không hề biết chủ nghĩa Lénin dẫn đưa đi đâu hay chúng ta bây giờ phê phán Maia sau hàng chục năm không bị sương mù bao quanh; vì thế cái mù quáng của Maiakowski thuộc về thân phận muôn đời của con người. Không nhìn thấy sương mù trên đường đi của Maiakowski là quên thân phận làm người, quên thân phận của chính chúng ta”, (trang 205.)
*
* *
Một người đã trải qua kinh nghiệm chế độ toàn trị, một chế độ mà ông coi chẳng qua chỉ tiêu biểu cho nếp sống xã hội của những nước Tây phương không thể không cảm thấy chán ngán, ê chề tất cả những hoan hô đả đảo từ bất cứ đâu vì như Kundera đã thú nhận ông đã được chích ngừa mọi biểu lộ nhiệt tình cách mạng hay chống cách mạng “à jamais, j’ai été vacciné contre toutes les tentations lyriques” (Testaments trahies trang 189) cho nên ông chỉ ước ao một điều thôi là có cái nhìn tỉnh táo và chán chường; cái nhìn đó, ông chỉ thấy trong nghệ thuật viết truyện. Ông viết truyện không phải chỉ để thực hiện một thể loại văn học, mà còn để bày tỏ một thái độ loại bỏ tất cả những đồng hóa với chính trị, tôn giáo, ý thức hệ, đạo lý, tập thể (trang 189).
Với một tâm trạng, lối nhìn đời “chán chường” như vậy, làm sao có thể còn đòi hỏi Kundera dấn thân vào đối tượng tranh đấu này, đối tượng tranh đấu kia? Những gào hét, những múa may quay cuồng ở bên này hay bên kia đều là những trò đùa, trò hề; những trò đùa trò hề rút cục tạo ra cái trò đời của một xã hội tan rã, một thế giới bị tàn phá. Trong truyện “Trò đùa”, Ludvik nói: chúng tôi, Lucie và tôi đều sống trong một thế giới đổ vở, bị tàn phá (Nous vivons, Lucie et moi, dans un monde devosté”. Xã hội tan rã, thế giới đổ vỡ bị tàn phá vì những hành động của cá nhân đều do cái nhìn của người khác qui định hoặc người khác chỉ được nhận diện trong nhãn quan của cá nhân. Cứ tưởng thế này về mình, về người khác, rút cục lại không phải thế. Tình trạng kể trên được diễn tả bằng chính cấu trúc truyện kể: “Truyện La Plaisanterie được dàn dựng không theo lối viết truyện cổ truyền: thay vì dựng một nhân vật chính kể lại toàn bộ cuộc đời, Kundera dùng bốn nhân vật thực hiện những độc thoại, mỗi người nhìn sự việc, người khác theo nhãn quan của mình. Câu chuyện do 4 nhân vật kể lại, chỗ phù hợp, bổ túc cho nhau, chỗ đối nghịch nhau. Đó là kỹ thuật dùng nhiều người kể chuyện, multiple narrators, tạo thành không phải một hòa âm, một hợp tấu – theo cấu trúc âm nhạc mà tác giả rất am hiểu với tư cách người dạy âm nhạc ở đại học – mà chỉ là một đa âm (poly-pho.......) đa tấu. Câu truyện kể như một đa âm, đa tấu cho thấy thật khó tìm ra đâu là sự thật, lẽ phải; cuối cùng Ludvik cảm nhận một cách tổng quát phải chăng chính lịch sử cũng như đùa (Et si l’histoire plaisentant!).
Trong khung cảnh đó, có thể nói Kundera đã muốn ra khỏi thời hiện đại (modernisme) dựa trên niềm tin lạc quan vào lý tính, lẽ phải, đi vào thời gọi là hậu hiện đại (postmodernisme) được biểu lộ qua thái độ hoài nghi, luôn luôn đặt lại vấn đề những gì vẫn được coi là hiển nhiên – đã hẳn là thế - mà không đưa ra một chủ trương, một thứ isme nào, nhất là không lên mặt dạy đời...
Vì thế, một người đọc Kundera, bất cứ đứng ở vị trí nào, trên lãnh vực nào, đều không thể không xét lại những niềm tin, những xác tín của mình. Truyện của Kundera bày tỏ một thế giới bị “tàn phá”. Nhưng người đọc không thấy cái gì đổ vỡ, bị tàn phá vì mọi sự, mọi người đều vẫn nguyên vẹn. Tính cách khuynh đảo của truyện, sự đổ vỡ, tàn phá chỉ xảy ra trong tâm trí người đọc, không phải ở trong truyện.
*
* *
Tôi có một vài thắc mắc, sau khi đọc Kundera, vì không theo dõi thường xuyên sinh hoạt văn hóa Pháp và thế giới nên có thể nhận xét thiếu sót sai lệch. Trong trường hợp đó, xin được giải thích và xin lỗi tác giả.
1. Về quan hệ giữa Kundera và Sartre. Kundera và nhiều nhà bình luận ông đều nói đến sự khác biệt giữa Sartre và Kundera về quan điểm viết tiểu thuyết. Hình như bản văn duy nhất của Sartre được nhắc tới nói về sự phân biệt giữa văn xuôi và thơ mà theo Sartre viết văn xuôi không thể không đụng đến thời cuộc chính trị. Kundera cũng nói đến những tác giả ông đã đọc như Husserl, Heidegger (cuốn Être et le temps) nhưng không nhắc đến cuốn nào của Sartre, đặc biệt cuốn l’Être et le Néant. Nếu ai đọc l’Être et le Néant, một cuốn thuần tuý triết học phân tách cấu trúc ý thức con người đều biết một vài khái niệm nổi tiếng như Esprit du sérieux, La mauvaisefois, Le Regard d’autrui không thể không nghĩ đến những chủ đề trong tiểu thuyết của Kundera.
Ví dụ thái độ đóng một vai: (Người hầu bàn đóng vai người hầu bàn) (Le garçon du café joue à être garçon du café). Người đóng vai nọ vai kia giả vờ tin là quan trọng rồi thực sự tin do đó đã tự lừa dối và lừa dối người khác. Con người hai mặt, mặt sống cho mình và mặt sống theo cái nhìn của người khác trong vai mình đóng trước xã hội. Trong đời sống hàng ngày mọi người đều ít nhiều là con người hai mặt; nhưng trong chế độ toàn trị, nó trở thành thể chế buộc ai cũng phải đóng để có thể xuất hiện an toàn trước cái nhìn của người khác. Đó là thái độ ngụy tín (mauvaise foi). Thái độ ngụy tín do đó liên hệ mật thiết với cái nhìn của người khác. Sartre đã phân tích sâu sắc cái nhìn của tha nhân quy định bản sắc phong cách của một người trong chương Le Regard d’autrui (l’ Être et le Néant) và viết hai tác phẩm nổi tiếng trình bày đề tài đó trong cuốn Saint Genet nói về một thằng bé là thằng ăn cắp vì tất cả mọi người đều coi nó là thằng ăn cắp và trong Quelques réflexcons sur la question juive, người Do Thái phải che dấu bản sắc dân tộc của mình, tự phủ nhận để được sống yên ổn theo cái nhìn của những người chống Do Thái.
2. Trong Les testements trahis, Kundera nói đến tác quyền như một thành quả tích cực của thời kỳ hiện đại Âu châu. Trong bài La franco phobie, ça existe đăng trong Le Monde 24-9-1993 trích lại trong phụ lục: “Le Monde romanesque de M. Kundera của Kvetoslav Chvatik, Kudera bày tỏ sự phẫn nộ khi biết nhiều xứ Á châu đã dịch tiểu thuyết của ông mà không xin phép lại còn dịch theo bản tiếng Anh. Ông tức giận vì người ta không xin phép ông nên không trả tác quyền cho ông và nhà xuất bản. Ở Á Châu, Nhật có lẽ đàng hoàng, chỉ có Đài Loan, Trung Quốc nổi tiếng dịch và xuất bản vô tội vạ. Còn ở Việt Nam, nhà xuất bản chính thức không xin phép còn 2 người dịch ở Pháp và Mỹ đều cho biết họ ái ngại xin phép các nhà xuất bản. Nếu Kundera biết được rằng Việt Nam có hơn bảy mươi triệu dân, sách in 1.000 cuốn bán nhiều năm mới hết, còn ở Mỹ in có 500 cuốn vẫn còn để lây lất. Cao Viết Dũng cho biết tiền nhuận bút ở Việt Nam trả cho ông quãng trên hai trăm Euros. Tình hình dịch xuất bản thê thảm như vậy nỡ nào đòi tác quyền. Kundera đề nghị các nhà văn nên dấu tên thật và ký bút hiệu tránh được những điều tiêu cực như đã nói ở trên. Ký bút hiệu thì chỉ có một số người đương thời gần gũi tác giả biết tên thật còn đối với người ở xa bây giờ và mai sau không biết tên thật thì bút hiệu kể như vô danh và đã vô danh làm sao còn nói đến tác quyền. Kundera đưa ra đề nghị ký bút hiệu dường như chỉ để khuyến cáo người khác thực hiện còn chính ông vẫn ký tên thật và đòi được tôn trọng tác quyền. Nghĩ đến thái độ của Sartre lại thấy khác hẳn. Bernard Henry Lévi trong bài trả lời phỏng vấn về cuốn sách của ông Le Siècle de Sartre (xuất bản sau 20 năm Sartre qua đời (1980-2000) đã viết một đoạn về thái độ hào hiệp của Sartre: La genéogité de Sartre. Sartre est la géneogité même. Bạn bè đều biết cả... Những người lạ mà ông tiếp, bảo trợ khuyến khích dĩ nhiên bằng cả tiền nữa... Tiền bỏ ra như nước, đến với bất cứ ai muốn có: bạn bè, các phong trào cách mạng, ủy ban này, nhóm kia v.v... George Michel trong bài “Regards sur l’Evennement”, số 56-2000 cũng viết: Đừng quên điều cốt yếu: lòng quảng đại của Sartre. Về tiền bạc đó là trường hợp độc nhất. Bất cứ ai gõ cửa và xin tiền ông đều cho. Ở tiệm ăn, bao giờ ông cũng để lại thật nhiều tiền pour boires. Ông chết đi thực ra chẳng còn tiền gì cả).
Kundera phê phán nhiều mặt xã hội Tây phương, trừ pháp lý về tôn trọng tác quyền. Tác phẩm của ông từ mấy chục năm nay xuất bản ở nhiều nước, tái bản nhiều lần trong khi những người cầm bút viết văn ở Việt Nam không ai sống được chỉ bằng nghề cầm bút. Nếu bây giờ tôi gõ cửa nhà ông đề nghị ông chia sẻ một chút tiền tác quyền của ông để những ai muốn dịch giới thiệu toàn bộ tác phẩm của ông, liệu ông có sẵn sàng không?
3. Đọc La Plaisanterie về phương diện dàn dựng truyện kể, không thể không nghĩ đến cách dàn dựng phim Rashomon mà tôi đã xem và bây giờ bất cứ cuốn tự điển nào về phim ảnh đều nhắc đến, vì thế tôi nghĩ Kundera cũng biết phim Rashomon vì ông đã học về điện ảnh ở Đại học Charles University, Praha, dạy môn văn học quốc tế tại phân khoa phim ảnh ở Praha Academy.
Truyện phim Rashomon dựa theo hai truyện ngắn trong cuốn Rashomon and Other Unusual Stories của tác giả người Nhật Ryunosuke. Akuta (1892-1927).
Akira Kurosawa, người viết truyện phim đã đưa kỹ thuật phim ảnh Nhật Bản lên hàng quốc tế từ những năm 1950. Phim Rashomon đoạt giải “Lion d’or ở” Venise 1951 và giải phim nước ngoài hay nhất năm 195i. Bergman thú nhận đã lấy cảm hứng khi quay phim La Source từ tuyệt tác của Kurosawa.
Ba người, một nhà sư, một tiều phu, một gia nhân trú mưa ở cổng một ngôi chùa bỏ hoang. Chứng kiến một vụ xô xát giết người. Sau bị đưa ra toà, một hiệp sĩ và vợ đi qua khu rừng, bị một tên cướp tấn công, hảm hiếp vợ. Tên cướp kể: đang ngồi ở gốc cây thấy một người đẹp đi qua, động lòng muốn chiếm đoạt và chế ngự được người chồng. Đáng lẽ sự việc chỉ đến đó, nhưng người vợ đã xúi bẫy tên cướp đấu kiếm với chồng mình...
Người vợ kể, sau khi bị hảm hiếp, bị chồng khinh bỉ nên đã tìm cách giết chồng rồi sau đó sẽõ tự tử, nhưng chỉ ngất đi.
Còn người chồng kể: Sau khi vợ bị hảm hiếp, chính vợ đã đẩy tên cướp đấu kiếm với mình, nhưng tên này ngần ngại không làm bỏ trốn và nguời chồng nhục nhã chỉ còn nghĩ đến tự sát.
Người tiều phu chứng kiến khẳng định cả ba đều nói láo. Vụ đấu kiếm đã xảy ra và tên cướp đã thắng rồi hoảng sợ bỏ chạy, sau bị bắt. Mưa tạnh dần, tiều phu tìm thấy một trẻ nhỏ bị bỏ rơi, đem về nhận làm con nuôi. Gia nhân chỉ biết phàn nàn chê trách, còn nhà sư chỉ bày tỏ thái độ kinh hãi trước những tàn bạo của người đời. Tóm lại, sự việc xảy ra được thuật lại khác nhau, khán giả không thể biết đuợc đâu là sự thật: người đàn bà bị hiếp hay đồng lỏa với tên cướp? người chồng có định tự sát hay hèn nhát chạy trốn. Một chủ đề của phim Rashomon là cái nhìn chủ quan của con người, ý nghĩa mọi sự việc tùy thuộc vào người nhìn sự việc. Đó cũng là một chủ đề của truyện La Plaisanterie.
*
* *
Một ông bạn làm phê bình văn học ở Hanoi cho tôi biết: Trong nước nhiều người đọc Kundera nhưng chẳng ai định học gì theo Kundera. Tôi không rõ ý của ông muốn nói gì, chỉ biết ông là người tham gia vào việc xuất bản cuốn biên khảo về Kim Dung trong đó đăng lại toàn văn cuốn Vô Kỵ giữa chúng ta của Đỗ Long Vân, một nhà phê bình văn học trong nhóm Đất Nước được coi là sâu sắc độc đáo. Đỗ Long Vân viết giới thiệu tiểu thuyết Kim Dung đăng trong những số đầu tạp chí Đất Nước cuối 67 đầu 68, thời điểm miền Nam đưa lên sân khấu chính trị những tướng tá nhân danh cách mạng lật đổ cách mạng Ngô Đình Diệm rồi lật đổ nhau, xuất hiện trước dân chúng như những vai hề trong tuồng chèo cổ điển Việt Nam, đặc biệt một ông đại tướng lật đổ ông đại tướng khác bị sinh viên xuống đường tập trung trước dinh thủ tướng hô đả đảo độc tài, ông đại tướng chịu chơi ra gặp sinh viên và cũng hô đả đảo độc tài. Dư luận thời đó cho rằng ông đại tướng này không phải chỉ làm trò đùa trò hề mà còn làm trò khỉ. Truyện của Kim Dung tràn ngập khống chế sinh hoạt trí thức báo chí miền Nam sau 63. Nhiều báo hàng ngày đua nhau đăng truyện Kim Dung, nhiều cây bút bình luận thời cuộc nỗi tiếng đều lấy bút hiệu các nhân vật trong truyện Kim Dung. Đỗ Long Vân ghi chú những ai để ý tới tương quan giữa văn học và xã hội không thể không coi sự kiện mê đọc Kim Dung như một hiện tượng của thời đại. Vậy hiện tượng Kim Dung như thế nào? Nó có nghĩa gì giữa cảnh tai biến của chúng ta và tại sao lại có thể xảy ra? Lòng người thời đó nghi ngờ về chính trị xã hội không còn biết ai phải ai trái, không thể phân biệt được chánh tà, không còn những tiêu chuẩn khách quan của một cái hay muôn thuở. Võ Học trong truyện Kiếm Hiệp trước Kim Dung không đặt ra nghi vấn nào. Chánh phái hay tà phái đều dùng một thứ võ. Nhưng Võ Học trong truyện Kim Dung không còn thể thống nhất; ngần ấy võ công là ngần ấy ngôn ngữ; và võ công nào trong giới hạn của nó đều có thể gọi là vô địch. Làm thế nào thu gom cái thế giới nát vụn ấy vào một mối. Ai cũng muốn làm bá chủ Võ lâm. Người ta giết nhau như ngóe để độc chiếm những võ công kỳ bí cho phép có thể khuất phục thiên hạ. Câu truyện nghĩa hiệp đã nhường chỗ cho những cuộc tranh hùng đẫm máu. Ẩn tàng trong cảnh tương tàn ấy tuy nhiên cái gì người ta thấy là sự huy hoàng của một giấc mơ thống nhất “(Vô Kỵ giữa chúng ta. Đất Nước số 1, tháng 11-67. Sau 1975, miền Bắc “giải phóng miền Nam” lúc đầu Kim Dung chỉ được đọc lén sau thì được in công khai phổ biến rộng rãi ở khắp nơi. Vậy phải chăng vì người Việt Nam đã đọc Kim Dung, trình bày một thế giới đổ vỡ nên nhà phê bình văn học ở Hanoi mới nói chẳng còn gì học ở Kundera. Nhưng nhà phê bình văn học đó cũng thú nhận ít người hiểu Kundera. Lý do thiết tưởng vì những người thuộc thế hệ Nguyên Ngọc trên dưới 70 được học tiếng Pháp thời thực dân không còn bao nhiêu. Làm sao những thế hệ sau hiểu được tiểu thuyết Âu châu như của Kundera đầy rẫy những tên người tên đất thuộc lịch sử văn học Âu châu nói riêng và lịch sử Âu châu nói chung? Do đó rất cần chú thích để hiểu Kundera và nên đọc Kundera vì tiểu thuyết của Kundera gợi ý về những vấn đề thời đại, không tìm thấy ở Kim Dung. Chẳng hạn vấn đề di tản lưu vong, lòng nhớ cố hương của những người xa xứ, có người trở về thăm quê nhà, mà tôi sẽ giới thiệu trong cuốn truyện vừa xuất bản của Kundera, Cuốn l’ignorance và theo tinh thần đọc liên bản (intertexte) tìm hiểu mối liên hệ giữa tiểu thuyết của Kundera và văn học truyền thống Việt Nam; sau cùng tìm hiều Nhật Bản, Ấn Độ cảm nhận Kundera thế nào.
Nguyễn Văn Trung
Cuối tháng 3/2004