Quanh bàn tròn:
Vào hội Nhà Văn Việt Nam
vinh dự nhưng không nhất thiết

Phỏng vấn nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo 

Hiện đang là mùa kết nạp hội viên Hội Nhà Văn Việt Nam (HNVVN) như thông lệ hàng năm. Và, cứ như “mùa Thu thì có lá rụng”, dư luận lại xôn xao, bàn tán.

Nhiều cây đa, cây đề trong làng văn vào cuộc với nhiều cách tiếp cận vấn đề, nhiều cách lý giải, nhiều quan điểm khác nhau…khiến cho những người “ngoài làng” cũng tò mò muốn biết “điều gì đang diễn ra?”. Để có thêm một góc nhìn, chúng tôi mời bạn đọc cùng tham gia cuộc trò chuyện với nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo, người đã nói một cách chắc nịch rằng “Được vào hội Nhà Văn Việt Nam là một vinh dự lớn. Nhưng, không nhất thiết!”     

 Phóng viên (PV): Thưa ông, tôi thích hai câu thơ này: “Em mười chín tuổi nghìn năm trước. Sao đến bây giờ mới hai mươi…” Nếu không nhầm, thì đó là thơ ông?

 Nhà thơ (NT) Nguyễn Trọng Tạo: Đúng! Đó là hai câu thơ trong bài thơ “Thiên thần” tôi viết lâu lắm rồi, có rất nhiều người thuộc, mà họ cũng không biết tác giả là ai, giống như chị vậy.

      PV: Chủ quan mà nhận, thì ông cho rằng, mình có bao nhiêu câu thơ “đóng đinh” vào tâm khảm người đọc kiểu như thế? Hay nói theo kiểu “liêu trai” một tý thì có bao nhiêu câu thơ của ông “hay” đến mức ám ảnh người ta?

NT Nguyễn Trọng Tạo: Không thể nói được số lượng người ta thuộc thơ mình. Nhưng mà đi đến đâu,tôi cũng gặp người thuộc và đọc thơ tôi, cả những bài tôi đã quên, và họ đọc cho tôi chép lại. Đây là niềm hạnh phúc mà không nhiều nhà thơ Việt Nam có được.

      PV: Bởi thế, nghiễm nhiên Nguyễn Trọng Tạo là một nhà thơ hạng nặng, “có thương hiệu”, vậy ông đã là hội viên HNVVN chưa?

NT Nguyễn Trọng Tạo: Gần ba mươi năm thì phải. Tôi nhớ, sau “bảy nhăm” (năm 1975), hội NVVN công bố danh sách “Các nhà thơ Việt Nam”.Không thấy tên tôi, nhiều người gặp và thắc mắc, và tôi hiểu hoá ra, nếu không vào Hội thì không được gọi là nhà thơ Việt Nam. Thế là tôi viết đơn vào Hội

      PV: Gần 30 năm là hội viên Hội NVVN, ông có thấy vì thế mà thơ ông hay hơn lúc ông chưa vào hội?

    NT  Nguyễn Trọng Tạo: Nó chỉ hay hơn một cái, là đi đâu cũng được giới thiệu là nhà thơ một cách đàng hoàng. Trước đây, khi chưa vào Hội thì chỉ được gọi là người làm thơ. Vào Hội tôi thấy oai hơn!

      PV: Vậy ông và nhiều người nổi tiếng như ông (dù không vào Hội cũng nổi tiếng lắm rồi) thì vào hội để làm gì?

NT Nguyễn Trọng Tạo: Để giải quyết khâu oai. Có người nhận được thẻ hội viên HNVVN đã mở tiệc khao cả làng. Có anh khao bạn bè, và trước mặt mọi người anh ta hôn lên tấm thẻ, còn “bắt” mọi người cũng phải hôn lên tấm thẻ đó! (cười rất vui)

      PV:  Nói vậy chứ: có vào, có quy chế, có xét duyệt nghiêm ngặt, chắc chắn là phải có quyền lợi nhiều nhiều?

   NT  Nguyễn Trọng Tạo: Thời bao cấp, chia thẻ nhà văn ra khi mua vé tàu xe thì được ưu tiên. Tiêu chuẩn tem phiếu đường thịt được tăng đôi chút. Mỗi năm được nghỉ thêm một tháng ngoài phép, gọi là thời gian để sáng tác. Thời đổi mới, nếu là hội viên thì được biếu không một tờ báo Văn nghệ, một tờ tạp chí Hội Nhà Văn và một cuốn tạp chí Văn học nước ngoài. Đó gọi là hỗ trợ tài liệu phục vụ sáng tác. Một bộ phận hội viên được đi trại sáng tác, có chỗ ngủ chỗ ăn để ngồi viết. Có người được hỗ trợ tiền từ một đến mười triệu để viết…Tuy nhiên, đây không phải là tất cả, còn tuỳ thuộc vào nhiều yếu tố… 

      PV: Nói nôm na thì nhà văn trong hội NVVN tỷ như doanh nghiệp nhà nước, còn nhà văn ngoài hội tỷ như doanh nghiệp tư nhân. Có không việc các nhà văn “trong” hội được “bảo hộ”? (Bản thân danh nghĩa hội viên hội NVVN như một tấm thẻ bài đưa ta lên đài vinh quang của văn đàn!)

  NT   Nguyễn Trọng Tạo: Trước đây, các nhà văn thực sự có tài mới nghĩ đến việc vào Hội. Kinh tế thị trường xuất hiện khiến mọi sự mở ra, cho nên có nhiều nhà văn có tài cũng không muốn vào Hội. Viết văn là công việc độc lập, nếu vào Hội mà nhầm lẫn mục tiêu thì cá tính sáng tạo sẽ thui chột. Nhà nước đang tiến hành cổ phần hoá các doanh nghiệp nhà nước. Việc này mà làm tốt thì cũng thức tỉnh nhiều nhà văn Hội viên nhận thức lại công việc sáng tác của mình. Anh viết tác phẩm hay, được người mua “OK!” thì anh sẽ nhiều tiền. Hiện nay, nhiều người bỏ tiền túi ra in sách lắm! Xong rồi chiêu đãi, tặng tùm lum…vô cùng tốn kém tiền của vợ con. 

      PV: Vì có những đặc quyền đặc lợi (cũng giống như cánh làm kinh tế vậy) nên mới có chuyện mà Việt Nam Net gọi là “lobby” (vận động hành lang) để được vào Hội. Theo ông, có bao nhiêu phần trăm sự thật về những ì xèo ấy?

NT    Nguyễn Trọng Tạo: 99% sự thật! Tôi có tham gia Hội đồng thơ để bỏ phiếu cho việc kết nạp hội viên thì cứ đến thời gian chuẩn bị mùa kết nạp thì rất nhiều người gọi điện thoại. Người nói khéo. Người mặc cả. Người doạ dẫm. Có nhà báo nói: “người ta đồn rằng, ông là người khó mua nhất!?” “Thực ra nhiều năm ngồi Hội đồng, tôi chưa thấy ai mua tôi cả, cho nên không hiểu khó dễ là thế nào!” Tôi đã cay đắng trả lời như vậy. 

      PV: Sẽ không còn lobby, sẽ không còn ì xèo này khác nếu như (lại nếu) không còn cơ chế đặc quyền. Hội chỉ đơn thuần là nơi đóng lệ phí để sinh hoạt và trao đổi kinh nghiệm nghề nghiệp, nếu theo cách hoạt động này, tôi đoan chắc Hội còn phải vận động mỏi mồm mới có người vào (cho xôm trò). Ông có nghĩ khác?

   NT  Nguyễn Trọng Tạo: Nếu có một chính sách tự do lập hội nghề nghiệp, trong đó có hội cho những người làm văn chương thì chắc chắn sẽ có rất nhiều nhà văn tự nguyện tham gia. Như thế, mới tránh được những giá trị giả.

    PV: Giả sử, có một Hội Nhà Văn hoạt động như chúng ta vừa phác hoạ, thì lúc ấy, theo ông ai sẽ là Hội trưởng? Nếu được cử, ông có làm không?

NT   Nguyễn Trọng Tạo: Cần có một nhà văn có đầu óc quản lý và làm ăn giỏi, tôn trọng văn chương và tôn trọng nghề nghiệp. Những người như thế bây giờ cũng không hiếm, ví dụ như: Hoàng Trần Cương, Nguyễn Thuỵ Kha, Võ Thị hảo, Lê Minh Quốc…và, lúc ấy, nhiều doanh nghiệp lớn sẽ tự nguyện đứng bên cạnh các nhà văn như là những mạnh thường quân. Riêng tôi, không thích làm Hội Trưởng. Tôi thích là một nghệ sỹ tự do.

      PV: Xin hỏi ông, hội NVVN được bao nhiêu tuổi rồi?

  NT Nguyễn Trọng Tạo: Gần sáu mươi! Sắp đến tuổi nghỉ hưu rồi (cười lớn). Đùa chút cho vui thôi chị à. Văn chương không có tuổi!

      PV: Thưa nhà thơ, chúng tôi ngước lên Hội Nhà văn với ánh mắt ngưỡng mộ lắm, vì đấy là nơi tập trung những tinh hoa văn học- tư tưởng của nước nhà. Nhiều lúc tôi lẩn thẩn nghĩ, nếu các bậc tiền bối như cụ Nguyễn Du, cụ Nguyễn Khuyến, cụ Cao Bá Quát và gần đây hơn là cụ Tản Đà…mà trỗi dậy, liệu các bậc đại trí đại nhân ấy có được kết nạp vào hội không nhỉ?

 NT Nguyễn Trọng Tạo: Chắc khó! Mấy ông tự do và ngang ngang như thế, lại còn dùng bút phê phán gay gắt này kia, thế thì Hội sẽ không bỏ phiếu kết nạp đâu!

      PV: Còn tôi, yêu văn chương. Trong sáng và không vụ lợi. Tuy nhiên, tôi chỉ có thể sản xuất ra một cái gì na ná văn chương thôi, liệu tôi có thể xin vào Hội không?

  NT Nguyễn Trọng Tạo: Hiện giờ có khá nhiều người na ná văn chương  đã ngồi trong Hội. Nếu chị viết đơn và biết cách “tiếp thị” bản thân, chị có quyền hy vọng.

    PV:  Câu hỏi cuối cùng: Theo ông, có ai quan tâm đến vấn đề chúng ta đang bàn? Hay chỉ là chuyện, các nhà văn buồn quá (không có việc gì mà làm) thì nghĩ ra chuyện nói cho đỡ tẻ, để rồi tất cả lại “Như từng viên đá cuội, rớt vào lòng biển khơi”

NT Nguyễn Trọng Tạo: Vấn đề này đã được đặt ngay ngắn trên bàn những người có trách nhiệm và trên nhiều báo chí.Chắc chắn nó có tác động nhất định đến suy nghĩ của toàn xã hội (và đặc biệt là với những người có khát vọng theo đuổi nghiệp văn chương chân chính) về đời sống văn chương và vị trí đích thực của nhà văn.

      Vâng! Xin chân thành cảm ơn nhà thơ. 

      Hồ Xuân Hương (thực hiện)