Chiến dịch lấy chữ ký
“Chống Văn Chương Miệt Thị Nữ Giới”
của nhóm Nguyễn Trần Khuyên

 

Lời ngỏ của nhóm Nguyễn Trần Khuyên

 Bài viết “Nguyễn Trần Khuyên là ai?” được bắt đầu viết vào ngày 17.4.2005. Trưa 19.4.2005, chúng tôi hoàn tất và gửi lên talawas trùng ngay thời điểm Talawas upload và đăng bài “Minh Bạch”. Hai ngày sau, ngày 21.4.2005, talawas đã trả lời là không đăng bài chúng tôi vì: “Bài mà các chị gửi lên talawas, các chị đã đăng trên trang web của các chị. Tiếc rằng talawas không đăng lại bài từ các trang web khác. Nguyên tắc này áp dụng với tất cả mọi trường hợp, không có ngoại lệ” (xem nguyên nội dung bức thư trên tại trang petition của chúng tôi). Nội dung bức thư này và những “khuất tất” trong bài “Minh Bạch” mà talawas đã nêu ra sẽ được chúng tôi phản hồi trong kì tới.
 Chúng tôi quyết định gửi bài “Nguyễn Trần Khuyên là ai?” (giữ nguyên nội dung với bản gửi cho talawas) lên Gió-o như một diễn đàn để công khai quan điểm của chúng tôi và rộng đường cho bạn đọc hoặc các tác giả liên quan viết phản hồi. Xin cám ơn Gió O tạo điều kiện để những bài viết và tiếng nói của chúng tôi cũng như những vấn đề xung quanh đề tài này được trao đổi trong dân chủ và tự do ngôn luận.

24.4.2005
Nhóm Nguyễn Trần Khuyên


Nguyễn Trần Khuyên là ai?

Theo các thông tin thu thập trên mạng, Nguyễn Trần Khuyên là:

- “Cộng Sản,” “ Việt Cộng,” “Trung Cộng”- theo Lý Đợi, Đỗ Kh
- “Taleban”- theo Đỗ Kh, Hoàng Ngọc Tuấn
- “Nữ quyền bạt mạng”- Nguyễn Quốc Chánh, Hoàng Ngọc Tuấn, Bùi Chát
- “Khờ -“me Đỏ”- theo Đỗ Kh
- “Bộ Đạo Đức”-theo Hoàng Ngọc Tuấn
- “Một Nhóm Phụ Nữ Việt Nam Kì Quặc”- theo Hoàng Ngọc Tuấn
- “Hồng Vệ Binh Nữ Quyền”- theo Đỗ
                                       
   --(chắc chắn sẽ bổ sung thêm)--


 Ngày 18/4/2005
Chào bạn đọc, các nhà văn nhà thơ nam-nữ đang theo dõi “vụ Nguyễn Trần Khuyên” vừa qua,

Cho đến nay (ngồi chờ đợi mỏi mòn) chúng tôi vẫn chưa thấy có bài nào nói trúng vấn đề chúng tôi đặt ra trong bài viết “Một nền văn học xây dựng từ Đực và phục vụ cho Đực”. Vì chúng tôi mong được đọc những bài tranh luận đúng hướng với bài víết chúng tôi đưa ra, dựa trên kiến thức và lý tính có giá trị cho người đọc và người viết. Và để cuộc chơi được sòng phẳng, đối phương không phải đoán mò, chúng tôi sẽ giới thiệu cho quí vị chúng tôi là ai. Nhưng trước hết, thiết nghĩ cũng nên trả lời cho những quí vị đã lên tiếng phản hồi [phản ứng, phản xạ, phản bác, phản đối, phản trí thức, phản nữ quyền] cho bài viết của chúng tôi với hy vọng tránh tình trạng phê bình hỗn loạn và paranoia như hiện nay.

I. Bàn về sự phản ứng của các cây bút nam về bài viết “Một nền văn học xây dựng từ Đực và phục vụ cho Đực” trên Talawas:

Như chúng tôi dự đoán, bài viết “Một nền văn học xây dựng từ Đực và phục vụ cho Đực” xuất hiện trên Talawas sẽ khơi lên những cuộc tranh luận “nảy lửa,” và các cây bút nam dính dáng ít nhiều trong bài viết này sẽ lên tiếng bộc lộ thái độ cũng như quan điểm của họ.  Nhưng trái với những gì mà chúng tôi và có lẽ bạn đọc mong đợi, các tác giả nam đã không phản ứng với những lập luận vững chắc mà dựa theo cảm tính.  Họ không tranh luận trực tiếp với chúng tôi về xu hướng và vấn nạn của văn chương Việt Nam đương đại, đặc biệt là khía cạnh chà đạp phụ nữ trong sáng tác của các cây bút nam, mà dùng những hình ảnh và ví dụ không tương hợp và dính dáng đến cuộc tranh luận đang diễn ra. Tệ hơn, họ cố tình bóp méo nội dung bài nhận định nghiên cứu của chúng tôi và lái nó vào một hướng khác, ví chúng tôi như những chế độ chuyên quyền áp đặt phụ nữ (?!). Vì những phản hồi này đến từ những cây bút được xem là có ít nhiều ảnh hưởng, chúng tôi buộc phải nghĩ rằng: (1) Họ cố tình hiểu lầm, lờ đi để phủ nhận những điểm chính của vấn đề; (2) Họ thực sự không có khả năng nhận thức và tranh luận một cách sòng phẳng những vấn đề liên quan đến nữ quyền.

Trong bài “Đực Tính không thể qui thành c.*” của Nguyễn Quốc Chánh, xét từ ngay tiêu đề đã thấy anh không hiểu sâu mà còn hiểu sai vấn đề chúng tôi đặt ra, mặc dù anh công nhận đó là một bài “đáng suy nghĩ”.  Ngay cả bạn đọc cũng thấy được lập luận lủng củng, dựa trên triết lí ba xu của Chánh. Chúng tôi mạn phép trích bức thư của độc giả Nguyễn Áo Xanh gửi lên mục “Ý kiến bạn đọc” ở trang petition của chúng tôi:

Trong bài "Đực Tính Không Thể Quy Thành C. "Ông Nguyễn Quốc Chánh có vẻ không hiểu ông ta đang nói cái gì.  Nếu ông Nguyễn Quốc Chánh muốn tranh luận về "đực tính" và cái "tính" trước hết ông phải định nghĩa "đực" tính và cái "tính" như thế nào. Thế nhưng ông ta đã không có nổi một định nghĩa trong bài viết. Kế tiếp ông không dẫn dãi và không chứng minh gì cả, mà xáp lá cà bảo ngay rằng đực tính không thể quy là "c." và cái tính không thể quy là "l." (tôi sẽ không bao giờ đánh vần đủ những chữ này, vì với tôi đấy là điều không thể chấp nhận được…" “… Ông ngụy biện qúa nhanh. Ông phải đủ sức lý luận cũng như dẫn chứng để kết luận dương vật và âm vật không phải là biểu tượng cho tính đực và tính cái. Ông đã không làm chuyện lý luận và dẫn chứng, chỉ khơi khơi kết luận như thế thì làm sao thuyết phục độc giả là "đực tính" không phải là "C." khi mà cái biểu tượng rõ rệt nhất giữa hai hình người ở bên ngoài là con c. và cái l. Câu kết luận "vì đực tính không phải là c." của ông Nguyễn Quốc Chánh là một câu kết luận thiếu lập luận, thiếu giải thích, thiếu bằng chứng. Một bài viết chỉ dăm ba chữ lèo tèo mà đòi bàn về chữ "tính" này "tính" nọ. Thưa ông nếu ông muốn bàn về chữ "tính" thì ông nên viết một bài rạch ròi. Không thể viết một câu "đực tính là tính của một con đực" rồi sang câu khác " Một con đực mà không có Ðực tính thì là con gì?", rồi lại sang một câu khác: "Trái với Đực tính là Cái tính.", rồi đến một câu khác nữa: "Một con cái mà không có Cái tính thì là con gì?"  Nhảy ngay qua một câu khác liền theo: "Một con đực mà lơ mơ về Ðực tính thì bị gọi là lại cái."  Ông đã đưa ra một đề tài to lớn là "đực" và "tính" vĩ đại thế mà chỉ viết một câu "Đực tính là tính của con đực". Xong nhảy sang đề tài "có đực tính hay không có đực tính".  Chưa xong đực tính thì lại tự hỏi mình: "Con cái không có cái tính là con gì". Tôi không hiểu ông Nguyễn Quốc Chánh được đào tạo từ nền giáo dục nào. Mà căn bản luận văn ông quá kém. Viết một phân đoạn nhỏ mà viết như một người chưa được học một lớp luận văn căn bản. Là khi giới thiệu một mệnh đề chính, thì phải có những mệnh đề phụ hổ trợ cho mệnh đề chính như thế nào . Riêng tôi, vì đọc một bài viết thiếu cơ sở lý luận, và tính nghiêm chỉnh của ông. Tôi không muốn cãi cọ về định nghĩa của chữ "tính", hay các chữ "đực tính", "cái tính", "lại tính" này nọ.  Nói tóm lại, ông đã rất hồ đồ trong bài viết khi đưa ra quá nhiều đề tài to tát vĩ đại trong một bài viết ngắn. Nên bài viết của ông chẳng có tí giá trị nào. Thật là thất vọng khi thấy một ông nhà thơ Việt Nam nổi tiếng như ông mà viết một bài văn rất thiếu tiêu chuẩn luận văn: thiếu kiến thức, thiếu lý luận, thiếu mạch lạc, thiếu thuyết phục.  Nhảy cóc đủ đề tài. Toàn là phán những câu rất ấu trĩ và thiếu trình độ hiểu biết tổng quát của một con người theo kịp thời đại.  Kiểu như : "Trước khi đòi nữ quyền, làm ơn hãy đi đòi nhân quyền cái đã !" Một câu thánh phán mà ngay cả một em nhỏ trung học ở Mỹ cũng thấy đây là một thái độ kỳ thị giống phái chỉ thấy ở những thành phần thô bạo và thiếu giáo dục…”.

Thông qua nhận định của chị Nguyễn Áo Xanh như trên, chúng tôi thiết nghĩ không còn gì để bàn về bài viết của Nguyễn Quốc Chánh.

Còn với Nguyễn Viện, khác với thái độ của Nguyễn Quốc Chánh là đứng lại, nhìn vào vấn đề và bóp nó…méo.  Bài viết “Sợ hãi và tự do” của Nguyễn Viện là một sự chạy trốn hèn mạt trước tác phẩm mang nặng tính lạm dụng đàn bà của ông như chúng tôi đã đề cập trong bài trước.  Ông phủi bỏ trách nhiệm và trốn vào cái ông cho là “tự do”.  Theo chúng tôi, tính từ hoặc nơi chốn “tự do” của Nguyễn Viện chỉ là trạng thái và địa điểm vay mượn mà khi ông giơ ra, mọi người [có ý thức và tôn trọng tự do] buộc phải dừng lại trước cái từ to lớn ấy. Ở đây, Nguyễn Viện mượn cái vỏ của chữ “tự do” để chặn tiếng nói người đối thoại hơn là để bàn về tự do như một khái niệm triết học và như một nhu cầu chính trị xã hội. Bài viết của Nguyễn Viện là một thái độ bảo vệ quyền tự do sáng tác của ông ta trước cái mà ông cho là sự đe dọa của Nguyễn Trần Khuyên.  Nhưng ông đã hoàn toàn hiểu sai mục đích của chúng tôi. Chắc hẳn quí vị còn nhớ, chúng tôi viết rất rõ rằng:

“Bài viết này không quan tâm lắm đến vấn đề đạo đức hoặc những gì liên quan đến tự do cá nhân. Chúng tôi cho rằng mọi người, kể cả các ngòi bút, có quyền “ăn, đ., ngủ, ị” theo sở thích riêng của họ. Bài viết này lại càng không quan tâm đên tự do viết lách, có nghĩa là mọi người hoàn toàn có thể viết những gì họ muốn. Điều chúng tôi hoàn toàn chống lại là việc những cây bút nam, đặc biệt là các ngòi bút kể trên, duy trì quan niệm miệt thị giới tính, vốn là một biểu hiện của chế độ kì thị phụ nữ.”

Qua đoạn này, chúng tôi đã phân biệt rất rõ sự khác biệt giữa tự do sáng tác của cá nhân tác giả và tự do đòi hỏi của người đọc đối với tác giả-tác phẩm đó. Các tác giả có quyền tiếp nhận hoặc từ chối những phân tích và nhận định của người đọc/đồng nghiệp, nhưng họ hoàn toàn sai lầm khi nghĩ những nhận định này là một phương pháp cưỡng chế tự do sáng tác của họ. Khi tác phẩm đã được đăng hoặc trình làng công khai, các nhận xét về nó thuộc về công chúng, chứ không phải thuộc về phạm vi cá nhân. Vì lẽ đó, người đọc có quyền lên tiếng, và lên tiếng triệt để nếu cần thiết, để chống nếu họ thấy những tác phẩm đó xúc phạm đến họ. Như khi bộ phim “Birth of a Nation” (Sự ra đời của một quốc gia) của D.W. Griffith ra mắt khán giả năm 1915 (bộ phim này được dựa trên tiểu thuyết cùng tên của mục sư Thomas Dixon Jr.), đã lập tức gây ra ít nhất 32 cuộc biểu tình trên khắp nước Mỹ do người Mỹ da đen kết hợp với một số người da trắng cấp tiến để cùng nhau lên tiếng chống đối thông điệp kì thị của bộ phim nói riêng và của chủ nghĩa kì thị ở Hoa Kỳ đối với người da đen nói chung.  Bộ phim vào thời đó đã thu hút được nhiều khán giả da trắng vì nó khẳng định sự tự tôn cuả nguờì da trắng đối với những người da đen.  Nhân vật da đen trong bộ phim này được mô tả như những kẻ dâm đãng, chuyên truy lùng hãm hiếp phụ nữ da trắng và đòi hỏi cơ chế bình quyền với người da trắng, và trong quá trình đó, tạo nên một xã hội hỗn loạn, nguy hiểm và phi luân lý.  Những cuộc biểu tình không chấm dứt ở năm 1915 mà vẫn tiếp tục diễn ra nhiều lần trong thâp niên vưà qua. Điển hình nhất là trong năm 1993, khi bộ phim này được đưa vào hộ tịch phim ảnh quốc gia, rồi năm 1998, khi nó được tuyển vào danh sách 100 bộ phim hay nhất của Mỹ, người Mỹ da đen đã lên tiếng đả kích bộ phim rầm rộ nhằm kêu gọi chính quyền cũng như khán giả Mỹ lưu ý tới khía cạnh kì thị của bộ phim. Qua đó họ muốn nói đến hậu quả của chế độ kì thị đối với cộng đồng người da đen trong thời kì đương đại.  Nói tóm lại, việc biểu tình phản đối hay chống đối bằng cách thu thập chữ kí không phải là một hành động nhằm tước đoạt tự do ngôn luận của người khác mà là sử dụng tự do ngôn luận để đấu tranh cho quan điểm của mình.  Đây là một điều hoàn toàn dân chủ và bình thường ở một nước tự do.
Vì vậy, việc các cây bút nam hải ngoại hoặc ngấm ngầm hoặc lộ liễu kết án chúng tôi “vi phạm quyền tự do sáng tác” là một kết luận nông cạn. Làm sao chúng ta có thể đẩy xa nền phê bình văn học và sáng tác văn chương Việt Nam nếu như phản ứng đầu tiên của chúng ta trước lời phê bình của người khác là cảm tính xốc nổi, thiếu lập trường và bản lĩnh (nói sát nghĩa hơn là “chửi rủa” người phê bình)?


Trở về với Nguyễn Viện, khi ông không thể tìm thấy tự do dưới chế độ Cộng Sản Việt Nam, nhưng cũng không đủ sức tạo cho mình một tự do nội tại, ông đã phải giải phóng bản thân mình qua thân xác đàn bà. Ông nói: “Tôi chỉ có thể giải phóng tôi như giải phóng một áp chế chính trị là đâm dương vật mình vào âm hộ đàn bà để những linh hồn được trao trả cho thân xác của chúng.” , “tôi biết ơn đàn bà vì với họ, tôi] tìm thấy độc lập tự do hạnh phúc. Bởi thế, tình dục của tôi trong văn học là một tình thế chính trị. Giải trừ định kiến và sợ hãi để xác lập tự do từ bên trong. Ít ra cho chính tôi. Tôi không còn tin văn học có thể làm được gì cho người khác”


Thưa ông Nguyễn Viện, đàn bà có thật sự thấy được “độc lập tự do hạnh phúc” không, khi một người đàn ông [nhà văn, 56 tuổi không tin văn học có thể làm được gì cho người khác], đến cả đào tẩu cũng phải tìm về âm hộ của người đàn bà để núp?  Phụ nữ không phải là một nơi để ông “tìm đến tự do” hoặc để ông “thấy được chính ông” hay vì bất cứ lí do nào đến từ những ức chế của ông.  Họ cũng có nhu cầu tự do, khát khao bình đẳng và quyền tự quyết định tình dục của họ cho chính bản thân họ. Cho nên, câu “tình dục của tôi trong văn học là một tình thế chính trị” là một ngụy biện cho việc ông sử dụng đàn bà như dụng cụ “giải phóng”.  Thật ra, câu văn trên của ông phải được viết chính xác hơn như thế này: “tình dục của tôi trong văn học là một tình thế lợi dụng chính trị ngụy biện cho sự chà đạp nữ giới.”


  Nguyễn Viện nhân danh tự do, “giải trừ định kiến và sợ hãi” bằng cách “đưa dương vật vào âm hộ đàn bà”, mà không cần biết đàn bà nghĩ gì, cảm giác gì. Tình dục trong văn chương của ông thực chất là lạm dụng và sử dụng phụ nữ như một công cụ để giải toả áp bức chế độ cho đàn ông.  Và, trong tình thế tìm đến tự do này, nếu không giải thoát được cho tất cả mọi người [có thể hiểu là đàn ông], Nguyễn Viện “lí giải” rằng “ít ra cho chính tôi”. Nhưng, cũng chính trong cách giải quyết này, bạn đọc nữ như chúng tôi không thể nào mất đi cảm giác “sợ hãi”, “giải trừ định kiến” hoặc được “tự do”. Dưới ngòi bút của Nguyễn Viện, việc lao dương vật vào phụ nữ để trút lên họ những “áp chế chính trị” trở thành một phản xạ tự nhiên của đàn ông.  Bất cứ phụ nữ nào chống đối việc này đều trở thành “nhóm Nguyễn Trần Khuyên.”  Nên, câu “tuyên ngôn” của ông trong bài viết: “...chỉ có tự do mới có phẩm cách làm người” là một câu phát biểu rỗng tuếch và hết sức lố lăng! Câu tuyên ngôn này của Nguyễn Viện cũng chẳng khác gì câu “chỉ có đâm dương vật vào đàn bà mới có phẩm cách làm người.”  Một kẻ đối xử với phụ nữ như vật đụ thì làm sao có tư cách bàn về “phẩm cách làm người”?


Nói tóm lại, lí giải của Nguyễn Viện về tác phẩm và đời sống của ông, chứng tỏ trong tận cùng, đàn bà vẫn là nơi để giải quyết thuận tiện nhất.  Sự trốn chạy trách nhiệm của Nguyễn Viện trước việc lợi dụng phụ nữ trong tác phẩm là sự trốn chạy được ngụy trang dưới hình thức bảo vệ tự do cá nhân và sáng tác. Về phía chúng tôi, đứng trước những lời nói miệt thị công khai của Nguyễn Viện, chúng tôi lại càng thấy kiên quyết hơn trong việc chỉ trích triệt để thái độ vừa ăn cướp vừa la làng của giới trí thức nam, có nghĩa là họ vừa lộ liễu chà đạp phụ nữ vừa bù lu bù loa cho họ là nạn nhân khi phụ nữ lên tiếng đả kích họ.
    
II. Về cuộc petition yêu cầu rút những hình ảnh lạm dụng và nhục mạ phụ nữ trên Tạp chí Thơ của nhóm Nguyễn Trần Khuyên.

Viêc chúng tôi phát động phong trào thu thập chữ kí từ bạn đọc và các văn hữu trong ngoài nước để gửi đến Tạp Chí Thơ và yêu cầu họ rút những hình ảnh nhục mạ phụ nữ và phỉ báng nghệ thuật đã gây không ít phẫn nộ từ giới sáng tác .  Không ít các văn hữu đã vu khống chúng tôi là những nhà đạo đức độc tài, hoặc các đảng viên cộng sản chân chính.  Những lời kết án này chứng tỏ một ý thức yếu kém về tự do dân chủ cũng như một lối suy nghĩ phản nữ quyền của giới trí thức nam. 

Khi bài viết của chúng tôi vừa đăng trên Talawas, không ít văn hữu email “ủng hộ” bài phân tích cũng như quan niệm nữ quyền của chúng tôi.  Nhưng khi chúng tôi gởi đơn kiến nghị, thì cũng những văn hữu này lên tiếng phản bác và so sánh hành động chống TCT của chúng tôi như hành động chuyên chế ép bức tự do ngôn luận của chế độ Cộng Sản Việt Nam.  Nhưng sự so sánh này hoàn toàn khập khiễng, nếu không muốn nói là lố bịch và thiếu hiểu biếtvì hai lí do chính: (a) Hành động chống đối bằng cách vận động chữ kí qua đơn kiến nghị là một hành động chỉ có thể xảy ra trong bối cảnh tự do dân chủ. Các kiến nghị chống đối hay ủng hộ một vấn đề gì đó là một biểu hiện của tự do ngôn luận, không phải là điều ngược lại. Có nghĩa là, nếu Tạp chí Thơ có thể sử dụng tự do ngôn luận của họ đề “cải cách” văn chương, thì chúng tôi cũng có thể sử dụng tự do ngôn luận của mình để biểu hiện sự chống đối cái mà Tạp chí Thơ cho la` “cách tân,” với tư cách một hoặc nhiều cá nhân. (b) Chúng tôi, những cá nhân hoặc công dân, không có quyền lực của một chính quyền. Chúng tôi chỉ có quyền chống đối Tạp chí Thơ bằng tiếng nói, chứ không qua hình thức ném đá, đánh đập hoặc bắt giam bỏ tù.  Việc “chống đối” và “đàn áp” đòi hỏi hai bối cảnh quyền lực rất khác nhau.

Khi chúng tôi quyết định viết đơn kiến nghị, chúng tôi biết rất rõ cho dù có thâu thập được 3000 hay 4000 chữ kí đi chăng nữa cũng không thể ép Tạp chí Thơ lấy những hình ảnh láo xược và hạ nhục phụ nữ xuống [vì sự trơ lì hoặc vô ý thức].  Nhưng chúng tôi không chọn hình thức im lặng hoặc “lơ đi” như một chiến thuật chống đối, mặc dù trong tuần vừa qua, chúng tôi nhận được rất nhiều thư từ các cây bút “khuyên” là “Tạp chí Thơ là tạp chí quèn, có ai thèm đọc nó đâu, chống làm chi…,” hoặc “Tạp chí Thơ như một đống c., các bạn càng chống, nó càng trét c. lên tờ báo của nó…,” hoặc lịch sự như Khánh Trường thì “cái gì không hay, không tốt, không có giá trị sớm muộn gì cũng bị đào thải, vượt qua. Đó là qui luật tất yếu.”  Tất cả những điều này đã không ngăn cản chúng tôi tiến hành đơn kiến nghị, vì đối với chúng tôi phản ứng của Tạp chí Thơ KHÔNG QUAN TRỌNG BẰNG việc chúng tôi LÊN TIẾNG chống đối Tạp chí Thơ một cách dân chủ.  Qua việc phát hành đơn kiến nghị, chúng tôi muốn thể hiện một cử động dân chủ cũng như xem xét lại “bộ mặt thật” của giới trí thức hải ngoại và trong nước QUA CHÍNH LỜI NÓI CỦA HỌ.  Giới trí thức ngoài nước đua nhau chỉ trích sự thiếu tự do trong nước (không phải là không đúng) nhưng lại không tưởng tượng tự do ấy như thế nào khi có được nó.  Ở đây, chúng tôi “thông cảm” cho các cây bút trong nước như Lý Đợi, Bùi Chát, Nguyễn Quốc Chánh, Nguyễn Viện,…do quen sống dưới chế độ Cộng Sản nên bất cứ hình thức chỉ trích tác phẩm hoặc tác giả nào đều bị họ xem là đàn áp tự do nhân quyền và tự do sáng tác.  Nhưng chúng ta giải thích như thế nào trước sự vu khống của giới trí thức ngoài nước, đã sống và thở không khí tự do dân chủ?

Đương nhiên chúng tôi ý thức được rằng, trong một cộng đồng viết thật nhỏ bé ở hải ngoại, việc đồng nghiệp chống đối nhau trông thật “mất đoàn kết” và “không xem được”. Có những người có quan hệ thân thiết với Đỗ Kh, Khế Iêm hoặc cộng tác chặt chẽ với Tạp chí Thơ, và việc kí tên của họ vào đơn là một hành động quá triệt để.  Nhưng về phía chúng tôi, việc các vị kí tên vào đơn kiến nghị mang một ý nghĩa quan trọng hơn: Chúng tôi không phải lên tiếng chống đối một cá nhân Đỗ Kh hay một diễn đàn văn chương nhất định mà lên tiếng chống đối các hình thức lạm dụng thể xác và tình dục phụ nữ để phục vụ văn học Việt Nam nói chung.  Sự đàn áp nữ giới của đàn ông có thể được giải thích bởi những động tác chính trị nhưng không thể là nguyên nhân bào chữa hoặc  ép phụ nữ phải chấp nhận và bỏ qua. Tất cả những cuộc đấu tranh trong lịch sử đều “phủ nhận” nữ quyền bằng việc xếp các nhân quyền (có thể được gọi là “nam quyền”) trước tất cả các vấn đề khác. Vì thế, chúng tôi càng thuyết phục là mình phải chống đối tiếp tục khi Nguyễn Quốc Chánh đã tuyên bố gần đây “trước khi có nữ quyền, phải có nhân quyền”.
Chúng tôi đã không hành động một cách ngây ngô, nghĩa là đã không kì vọng rằng bài viết của chúng tôi sẽ biến cá nhân Đỗ Kh, Nguyễn Quốc Chánh, Hoàng Ngọc Tuấn, Nguyễn Hưng Quốc, v.v, thành những nhà nữ quyền .  Việc Đỗ Kh phán ra gần đây: “Ở vị trí văn nghệ sĩ, chúng tôi không có tham vọng ý thức văn học” cho thấy sự “bi quan” của chúng tôi hoàn toàn có căn cứ.  Trước khi vào cuộc chơi, chúng tôi đã đoán một trong hai tình huống sau đây sẽ xảy ra: (1) Tạp chí Thơ sẽ bình tĩnh và chỉnh lại hướng thể hiện đề tài (xác suất hy vọng của chúng tôi là 0.069%) và (2) Tạp chí Thơ sẽ tự bộc lộ bản chất lăng mạ phụ nữ rõ nét hơn qua thái độ “lì” và tiếp tục đăng những hình ảnh táo tợn hơn (nhiều nhiều phần trăm còn lại).  Qua đó, những người a dua đứng về Tạp chí Thơ, góp sức cho Tạp chí Thơ những hình ảnh phỉ báng phụ nữ cũng sẽ lộ diện rõ. Đến lúc đó, việc “vạch mặt” Tạp chí Thơ và những “hành động” trơ trẽn đã rõ như ban ngày, chúng tôi không cần petition nào nữa (lại một lần nữa chúng tôi là tiên tri!).

Bên cạnh việc vu khống chúng tôi tước đoạt tự do ngôn luận, những người lên tiếng chống đối chúng tôi còn quy cho chúng tôi tội “đạo đức tôn giáo cực đoan”, theo kiểu chính quyền Taleban.  Đáng “bàng hoàng” cho chúng tôi hơn nữa là việc nhiều người kết án chúng tôi đã “không cho các chị em khoe rốn.”  Hầu như là một hiện tượng qua đêm, giới trí thức nam hải ngoại cùng nhau vùng lên đòi lại quyền tự do phơi rốn cho chị em phụ nữ.  Họ còn kết án chúng tôi là những người “đè Hĩm xuống để che Hĩm lại và đè Cu xuống để cột Cu lại”.  Như chúng tôi đã phân tích phần trên về bài phản hồi của Nguyễn Viện, chúng tôi CHƯA BAO GIỜ CHỐNG ĐỐI TỰ DO CÁ NHÂN.  Chúng tôi lập lại (và có lẽ sẽ còn phải lập lại nhiều lần): chúng tôi chống một trào lưu văn hóa văn chương duy dương vật, vô tình hay cố ý duy trì định kiến giới tính và miệt thị phụ nữ.  Điều buồn cười là đơn kiến nghị của chúng tôi không hề có mục nào “ra lệnh” TCT phải lấy xuống hình ảnh “các chị em khoe rốn.”,mà trong thư kiến nghị rõ ràng chúng tôi chỉ buộc TCT bỏ những mục có hình ảnh sỉ nhục phụ nữ hiện nay. Nên việc TCT, cũng như cá nhân Đỗ Kh, các nhà văn nữ, các cây bút nam lên tiếng inh ỏi bảo vệ những cái rốn rõ ràng là một sự xuyên tạc không đúng sự thật. Họ cố tình đánh lạc hướng  để khỏi phải giải thích chợ hàng thịt phụ nữ trên mạng nhà của TCT chăng?  Và trong bài viết cũng như petition, chúng tôi không hề có câu văn là “cấm đoán tình dục trong văn chương” như mọi người khép tội chúng tôi hiện nay để bàn thêm vấn đề này, các cây bút nam nữ hãy đọc KĨ LẠI bài của chúng tôi, đừng nóng giận lên rồi cố ý bóp méo những điều chúng tôi đã đưa ra.)

Chốt lại những vấn đề liên quan đến petition này, một lần nữa chúng tôi xin nhắc lại, cuộc petition của chúng tôi chống Tạp chí Thơ là sự phản ứng và lên tiếng phản đối của chúng tôi cho dòng VĂN CHƯƠNG MIỆT THỊ NỮ GIỚI. Chúng tôi không tước đoạt quyền tự do của ai cũng như không ép ai phải kí vào lá đơn này. Chúng tôi sẽ mở ngỏ petition này và chờ đợi đến người cuối cùng chống văn chương miệt thị nữ giới vào kí.

Nhân đây, một phần nhỏ trong bài viết này [theo chúng tôi là chi tiết nhỏ nhặt và không quan trọng], nhưng sẽ đem lại công bình cho người tham gia, tăng thêm sự “an tâm” cho những người ủng hộ chúng tôi và tạo sự “sòng phẳng” cho những người tranh luận với chúng tôi, là việc công khai họ tên và nghề nghiệp một cách rõ ràng:

Chúng tôi, NHÓM NGUYỄN TRẦN KHUYÊN* [còn “được” gọi bằng những tên: Taleban, Khờ-me Đỏ, Cộng Sản, Việt Cộng, Trung Cộng, Hồng Vệ Binh Nữ Quyền**, Bộ Đạo Đức, Một Nhóm Nữ Việt Nam Kì Quặc, Nhóm Nữ Quyền Bạt Mạng v…v…] sau nhiều lần đếm kĩ, vỏn vẹn chỉ có hai thành viên:

1.Nguyễn Vũ Khuyên, sinh viên đang học bằng Tiến Sĩ ngành Ethnic Studies tại Đại Học Berkeley, USẠ [Chủ Soái]

2.Trần Minh Quân, sinh viên học bằng Tiến Sĩ ngành South and Southeast Asian Studies tại Đai Học Berkeley, USA [Soái Chủ]

Với sự cộng tác thỉnh thoảng [vì lười] của đạo văn sĩ: Khuyến.

Chấm hết.

Nguyễn Trần Khuyên
18/4/2005

Chú thích:
* Tác phẩm, thành tích và hoạt động của nhóm từ khi thành lập đến nay:
- Bài “Một nền văn học xây dựng từ Đực và phục vụ cho Đực”
- Bốn bài thơ sao chép-giễu nhại: “Một bài thơ vận mệnh/Cô ấy ví von”, “Qué lồn [cài]”, “Tắm hơi 54” và “Ờ, tại sao hỏi”
- Petition “Chống Văn Chương Miệt Thị Nữ Giới” ở Tạp Chí Thơ.
- Thành công trong việc thống nhất văn nghệ sĩ trong/ngoài nước: làm cho những văn nghệ sĩ trong ngoài nước bấy lâu thù ghét nhau nay bỗng nhiên yêu thương, bênh vực và sát cánh một cách “nồng thắm” qua việc hợp sức phản đối Một Nhóm Nữ Việt Nam Kì Quặc, Taleban…..
- Thành công trong sự nghiệp “phục hồi” cảm hứng sáng tác của các cây bút nam tưởng đã không còn khả năng viết nay đã “hồi sinh” trở lại trên Tiền Vệ [mong Tiền Vệ ghi nhận cho thành tích này]

** Về việc Đỗ Kh “khen ngợi” nhóm Nguyễn Trần Khuyên là “Hồng Vệ Binh Nữ Quyền” và “khẳng định một kiểu nữ quyền khác” trong bài viết “Đông Phương Hồng Quần, Nữ Quyền Giang Thanh” đăng trên Talawas ngày 13/4/2005: vì bài viết của Đỗ Kh quá dài và có rất nhiều điều nói bậy cần chỉnh sửa. Nên khi nào Đỗ Kh. chính thức tự sửa xong hết lỗi theo dạng bài đính chính vừa đăng trong mục “Thư độc giả” trên Talawas, chúng tôi sẽ đọc lại và tính sau. Mời bạn đọc và văn hữu xem bài viết kế tiếp của chúng tôi về “Hĩm và Cu” Hoàng Ngọc Tuấn.