tranh Nguyễn Thúy Hằng

Nguyễn Thuý Hằng

 Cõng Người Lạ

                   

      Ở mảnh tối treo trên từng dãy nhà, tiếng chim kêu đứt quãng, khi có khi không, làm đám người ấy càng rũ người, ôm chầm, vặn lại với nhau. Chỉ có tiếng thở giãn hoà, thõng dưới từng ghế ngồi. Lưng họ oằn xuống vì những ức chế mơ hồ ấy. Lát sau, tất cả đều ủ sâu trong cặp môi mệt mỏi. Cái chớp mắt khô và dòn như tiếng bánh vỡ. Thời gian của họ là từng vũng tối rộng, nấp trong góc kẹt hình tam giác trên dãy nhà, bậc thang, khúc rẽ ngay đầu đường.

 

     Rù rì. Động vẫn êm ỉ chảy qua từng ngón chân đang víu vào nền đất nện, nhớp nháp mồ hôi. Chờ đợi. Không thể có điều gì khác hơn ngoài đường viền của nước chảy lăn tăn xuống cống.

Tôi đã rửa hình xong, đâu đâu cũng là nó. Châu lục đen. Mất bao nhiêu năm để tái tạo vành đai xanh và rắc những lớp diệp lục để lọc bớt mảnh kim loại trong đầu. Mù mù mờ mờ, cảm nhận rõ sự va đổ của đồ đạc khi di chuyển. Mà không, nó đã dẫm lên bao nhiêu thân người rồi.

 

     Chị suốt ngày cặm cụi bên bàn máy may, dậm liên tiếp lên miếng vải những đường chỉ đủ màu. Chiếc máy may xài bốn chục năm, hay kể lể câu chuyện của nó cho đến khi miếng vải được thành hình chiếc váy hoặc áo sơ mi đơn giản. Đường chỉ vừa chấm dứt thì cũng ngay câu chuyện vừa cạn.

 

     Câu chuyện kể về người đàn ông có tấm lưng rộng khủng khiếp. Chứa đủ người vợ và bốn đứa con. Hồi còn bé, cái gì anh ta cũng đem lên lưng và cõng. Ai sai mang cái gì cũng vác lên lưng, bất kể vật to hay nhỏ, nặng hay nhẹ. Thay vì nói chuyện để đoán biết tính tình của ai, thì anh ta đem họ lên lưng và cõng. Đi hết một vòng anh sẽ nói cho nghe người ấy như thế nào, thích ăn cái gì và là người có thể làm bạn tốt hay không.

 

     Vậy mà vợ anh lại là người khó đoán nhất trong tất cả những người anh từng cõng. Khi thì chị ta nặng, khi thì nhẹ. Vả lại, sự đụng chạm qua tấm da lưng cũng có thay đổi. Nó làm anh ta ngứa. Từ khi cõng chị xong, anh ta không sao ngưng gãi lưng mình được. Tắm táp xong, muốn ngả lưng và đánh một giấc dài thì cũng không thoát khỏi cảm giác chưa đặt chị xuống đất. Chị vẫn còn vắt vẻo trên cái lưng rộng của anh, chân đung đa đung đưa hai bên hông, ngúng nguẩy như đứa con nít. Ngay lúc đó anh đã bắt đầu đoán sai về tính tình của chị. Có điều gì đó cứ chập chờn trên lưng, mách bảo đây là người có cuộc sống lạ lùng nhất mà anh biết. Rồi sự dính chặt của họ cũng bắt đầu từ đó, khi mà chị thử leo lên lưng anh lần nữa. Và từ đấy chẳng buồn xuống.

 

                                                              ***

 

     Sáng, hai vợ chồng cõng nhau ra chợ. Họ mua hàng hóa về nhà bán. Ai thích cái gì thì họ bán cái ấy. Tiền lời không là bao nhưng được cái khách hàng thích hai vợ chồng ở việc dùng lưng để cân hàng. Vậy mà vợ chồng anh chẳng bao giờ cân sai. Một kí đúng bong một kí. Hai trăm năm mươi lạng đúng hai trăm năm mươi lạng. Tách một cái là anh đã để món hàng ngay dưới đất để mọi người kiểm tra xem thừa thiếu đến đâu. Mười năm trôi qua, chẳng ai phàn nàn họ về chuyện cân đong đo đếm. Khách hàng còn thích mục kích cái cảnh cứ khoảng dăm phút người vợ lại đòi leo lên lưng chồng. Chị không cảm thấy an toàn khi chạm chân xuống đất nữa. Người nhẹ hẫng và chực té. Chị ngồi chễm trên cái tấm phản ấy, đầu tựa vào vai anh và ngủ. Nhưng cũng thật phù hợp, là anh chồng cũng thích cõng chị trên mặt phẳng bao la của mình. Anh có thể vừa cõng chị và vừa cõng hàng cùng một lúc. Sự nhạy cảm của chiếc lưng luôn thông báo số lượng chính xác khiến mọi người đều phục.

 

      Tối đến, sau khi tắm rửa kì cọ cho nhau xong thì họ vác nhau đi chơi. Từ xa đã thấy dáng hai vợ chồng đèo nhau cao ngất nghểu. Đi đến đâu cũng thấy dáng họ thừng thững đến đó như hai bị gạo chồng lên nhau. Khi họ vào quán ăn, chị vợ ngồi tụt xuống, mông chạm ghế nhưng ngực vẫn ấp lưng chồng. Họ chẳng bao giờ rời nhau, như con rắn mọc hai đầu vậy. Họa hoằn anh mới nhìn được trực tiếp vợ, ngoài ra tất cả đều diễn ra sau lưng anh. Vợ chồng họ là một gia đình hạnh phúc trong cái làng này. Cũng có nhiều cặp bắt chước họ, cũng đèo nhau ra phố. Nhưng cũng chưa ai thấy có tấm lưng nào dài và rộng, vững chắc như tấm lưng của anh. Cũng chưa có người con gái nào phù hợp với tấm lưng ấy như là chị. Những năm sau này, khi tất cả thành phố đều mọc nấm, chị càng sợ phải đặt chân xuống mặt đất hơn. Nên chị cứ ngồi trên cái lưng anh. Con cóc ngồi ôm tảng đá. Có thể, hình ảnh họ đúng y như thế.

 

     Mười năm sau khi cưới, họ tính toán sinh con đầu lòng. Lần đầu tiên có vẻ khó khăn nhưng về sau mọi việc đều trót lọt. Chị nhét đứa bé vào giữa ngực chị và lưng chồng. Đứa bé có một chỗ nấp an toàn nên không buồn cục cựa. Càng lớn, đôi chân nó thòi ra qua hai bên hông càng xinh xắn, hồng hào. Những đêm gió mát hoặc làng có lễ hội, anh đèo cả vợ lẫn con đi chơi. Tấm lưng vững vàng đủ sức che tất cả gió tạt vào mặt. Đứa bé lớn trên lưng bố. Người vợ sống êm đềm, gắn chặt trong chiếc lưng rộng thênh thang. Đời sống của họ, bồng bế nhau, tằng tịu, đưa đẩy qua nhiều giai đoạn. Rồi họ sinh thêm ba em bé nữa. Một đứa quặp bên hông phải, một đứa quặp bên hông trái. Đứa lớn nhất vẫn ngồi giữa mẹ và bố. Đứa sau cùng được mẹ cõng trên lưng. Tất thảy có năm người sống quây quần trên chiếc lưng ấy. Bước chân anh lúc bấy giờ có vẻ nặng nề, bàn chân to lún sâu vào nền đất, nhưng anh vẫn vui vẻ và hạnh phúc vì thực sự tấm lưng của anh là chỗ dựa cho tất cả mọi người. Anh cũng đã từ bỏ trò chơi đoán biết người qua việc cõng thử họ như hồi trai trẻ. Hoạ chăng giờ là anh biết những công việc thường ngày và tính tình của vợ con ra sao trên chiếc lưng của anh, đứa nào ốm, đứa nào gần đây sắp sửa muốn chạm chân xuống đất.

 

     Bốn đứa con anh, cứ đến mười tuối mới bắt đầu nhảy xuống đất tập đi. Bàn chân lớn, dài hệt bàn chân anh nhưng chúng cứ phải dọ từng bước một. Thằng con đầu vừa biết chạy thì cũng là lúc nó học đến lớp năm và những đứa sau lần lượt tập đi, tập nhảy. Anh cũng không cần lo lắng về sự không dịch chuyển của bọn chúng trước mười tuổi. Bọn chúng rất ngoan, luôn ngồi trên ghế, trong lớp học và đợi bố đến cõng về. Vợ cũng thế, có việc gì mà hai vợ chồng không thể đi chung thì sau khi cõng chị đến đó, anh thả xuống, đến giờ lại đến cõng về. Mọi sinh hoạt dường như sẽ trôi chảy nếu như thêm vài năm sau đó, chị bỗng dưng lú lẫn.

 

     Mới đầu, chị hay nói thầm và kể chuyện cho anh nghe. Những câu chuyện dài dòng, không đầu đuôi. Càng ngày chị nói càng nhỏ. Về sau anh mới biết thật ra chị thích nói chuyện một mình. Và người chị muốn lắng nghe không phải là anh mà là cái lưng. Có những cuộc độc thoại thật buồn cười nhưng cũng có cái thật dễ sợ. Cứ năm câu chuyện được kể ra thì qua câu chuyện thứ sáu chị mới kể lại đoạn kết của câu chuyện thứ nhất. Nghĩa là toàn bộ những câu chuyện chỉ có mở đầu và thật sự chúng chỉ có đoạn kết khi chị đã cạn hết chuyện để nói nên đành quay về và kể nốt những gì tiếp theo của câu chuyện. Thời gian này, chỉ còn mình chị với tấm lưng của chồng, còn những đứa con thì đã tuột xuống đất và nhanh chóng lẩn vào đất cát, hoà nhập, đi đứng như người bình thường. Chị quay về với thuở ban đầu khi chỉ có hai vợ chồng với nhau. Lâu lâu chị lộ vẻ hốt hoảng khi nhìn thấy quá nhiều khoảng trống trên lưng chồng, những khoảng hở dưới hai bên cánh tay, ngay bụng chị, nơi những đứa con lấp đầy trong mười mấy năm qua. Thường lúc đó anh vòng tay sau lưng để vỗ về, ôm chặt chị. Anh cảm nhận người chị bắt đầu có những làn sóng lạ như lúc đầu anh gặp, một triệu chứng hay hiện tượng gì đấy khiến anh không thể nào hình dung và xét đoán cho ra hồn. Còn chị thì như người mê ngủ, nói năng lảm nhảm, mồm bắt đầu chảy nước dão. Về sau, cơn bệnh kéo dài khiến chị không nói thầm được nữa mà cứ hét to bên tai anh. Nhưng, vẫn như lúc đầu, anh không hiểu chị lắm. Chị không còn khả năng ôm anh bằng hai cánh tay mạnh khoẻ nên anh đã buộc chị bằng sợi dây vải, giúp thân chị nép sát vào lưng. Anh bắt đầu thấy sự mệt mỏi trong cơ thể vì luôn phải căng lưng ra đoán những trạng thái gì đang diễn ra với vợ. Âm lượng phát ra từ tiếng hét của chị làm tai anh ù đi nhanh chóng. Dần dà, nhờ bệnh lãng tai mà anh lắp ghép được những mảnh rời trong câu chuyện của chị và làm chúng ngày càng hiện rõ. Thật ra câu chuyện của chị được hình thành như sau:

 

     “…Như đã nói về những tấm hình, sau khi rửa, chúng thực sự là châu lục đen. Màu xanh, nâu, vàng, đỏ, cam..(…)..Nói chung bọn nó đã mất dấu, trong bóng tối này, sự tưởng tượng về màu sắc càng rực lên dữ dội. Thế nhưng, khi tay tôi tạo ra nó thì nơi đây chỉ toàn những vệt đen đen, sần sùi chạy dài.(….) Nó mất ở đâu vậy, tôi phải đánh dấu và phân biệt nó bằng sự tưởng tượng thôi…

 

     (…..)…con mụ đó, chỉ hát toàn những bài nham nhở (….) chỉ có trong một cái lồng nhốt gió, hình cái phễu, làm bằng vải(….) nằm trong đó, gió lồng lộn như con rắn đang quẫy muốn bể tung cái phễu. Nói đi! Nói đi!(….) là cái váy bông vá chằng vá đụp hay trơn nhùi nhũi như bàn tay không còn móng của ta (…). Mụ da đỏ! Ta phải rượt kịp theo hắn mới được! Ba con thằn lằn sống chung trong ngôi nhà đó, tôi nuôi nó hồi nào mà bỗng dưng chúng lớn quá, chúng bò ra khỏi nhà bằng tiếng chuông, chúng hút thuốc, chúng la lối, nhưng có một chúng thì không làm gì cả. Châu lục đen! Căn nhà đã chao đảo vì ra đi đột ngột của đứa con gái, mất tích thật lâu, dòng họ tủa ra để truy tìm nó. Bởi vì chỉ có nó mới có thể nhớ dai và kể vanh vách những gì đã xảy ra cho dòng họ này. Toàn một sự đen nhẫy phả ra từ tóc. Một ngày nào đó nhất định ta sẽ không đi trên sự nhớp nhúa này nữa, cái mặt phẳng này chẳng đem lợi ích gì cho sự tiếp giáp của ta (…..)…hắn chạy đi đâu rồi…Những lồng đèn sống trong một mùa duy nhất. Bị xếp xó và ám khói. Chúng giãy đành đạch khắp nơi trên con trăng. Cái bánh vàng vĩ đại hõm đi còn một nửa. Đứa con gái dơ cái mồm đầy năm mươi lăm cái răng và cắn phập vào miếng bánh đó. Loè nhoè những bóng sáng gẫy trên tường. Bỗng nhiên trong nhà ta toàn là xe hình chiếc hộp cùng con tê giác chạy hùng hục trên cái giường rộng bát ngát của ta (…..)..cứ lăn hoài, lăn hoài cho đến rớt xuống châu lục này. Những đốm lửa đầu tiên chạy vòng và kêu lên xoe xoé…..(…)…”

 

                                                * * *

 

      Công việc làm ăn của họ tiến triển tốt. Bốn chàng trai thay phiên nhau giao dịch và mở cửa hàng khắp nơi. Một trong bốn anh em luôn đoạt giải đi bộ nhanh nhất làng. Ba người còn lại đều biết bơi, ném cầu và vượt xà ngang. Tuy mãi đến năm mười tuổi họ mới chập chững đi nhưng bốn anh em đều thích nghi với mặt đất và chỉ sau thời gian ngắn chẳng ai bì kịp họ trong việc thi thố các môn thể thao phối hợp. Bà mẹ giờ đây được quấn trong một chiếc khăn choàng lớn và treo trên lưng bố. Kì lạ thay, cho đến giờ này, khi lưng cũng còng vì tuổi tác nhưng ông càng ngày càng muốn giữ chặt vơ trên người mình hơn. Hai vợ chồng quấn lấy nhau, thỉnh thoảng ông lại tha bà đi chơi, đi qua hết làng này làng nọ chỉ để nghe mọi người trò chuyện với nhau. Đôi lúc, ông bị xao nhãng chuyện người khác bằng câu chuyện của vợ. Bà kể hoài về châu lục đen, phàn nàn về sự khó ở của nó. Nhưng trong tình trạng đó thì ông luôn thấy vợ vẫn còn điều gì chưa chịu kết thúc, đoạn này lằng nhằng đoạn kia. Lâu lâu lại có sự xuất hiện của bốn đứa con và sự phản bội của chúng. Bà kết tội bốn đứa con ngay trên lưng ông, rằng đã bỏ rơi bà với tấm lưng vĩ đại này, khiến bà từ bao năm nay bỗng thấy cô đơn với chiếc lưng khủng khiếp. Vòng tay bà không ôm hết lưng ông, nó làm bà rét và cảm thấy gió có thể tấn công vào nách, thúc vào mặt bà bất cứ lúc nào. Chính vì vậy nên quấn thêm nhiều lần vải. Giờ đây, từ xa trông như ông đang vác một túi hàng to tướng, biết cục cựa và rên hừ hừ. Vài người trong làng bắt đầu thấy chướng mắt vì sự tiều tụy này nên khuyên bà hãy ở nhà để ông được thảnh thơi đôi chút. Suốt đời, từ bé đến lớn, chẳng lẽ cứ mang theo của nợ này mãi? Nhưng ông nóng tính lắm, lưng ông đã quen với hơi ấm của bà, vả lại, nó là điều duy nhất khiến cho ông thấy sống có ích và tiếp tục theo đuổi nó đến khi nào bà chán phải ngồi trên lưng ông nữa thì thôi. Mà, người ta đèo bồng nhau cho đến từng này đã có sao, chả có gì nặng nề hoặc khó nghĩ nữa. Nếu ông không cảm nhận sự khác lạ của bà biến đổi qua hàng ngày thì có lẽ giờ này ông còn lo ngồi đoán già đoán non xem người đời ngồi trên lưng ông thế nào, họ ra sao, kể cả những bí mật của họ nữa. Đủ, đủ lắm rồi, ông tưởng mình sẽ ngã nếu như không có bà níu trên lưng .

 

     “ Mụ ấy đi xuyên qua người tôi, sao nó biết tôi ở đấy mà đến nhỉ..?”. Tiếng bà lại cất lên. (….) mà nó ghê lắm cơ, tổ chức những ba lễ hội liên tiếp để dụ lão già ấy vào tròng. Rốt cuộc sống riêng với nhau ở căn hộ của tôi…(…)..hắn chảy máu quá chừng…(..)..hoá ra bọn chúng không thể giải quyết được chuyện ấy nên cuối cùng mụ ta biến đi nơi khác,(….)..thằng con mình, phóc một cái chui qua nách tôi, lẻn ra đường, hôm đó lưng ông có mùi lạ lắm, như cái lần đầu tiên tôi vừa ngồi lên thử….chẳng bao giờ nghe được nó nữa, vì tôi đã đè bẹp nó đi còn đâu. Tôi còn biết ông mất đi khả năng đoán người từ khi có tôi..(…)…chẳng biết đếch gì đúng không, cứ tưởng mình có vợ rồi thôi trò đoán người khác…(…)..nó ngứa thật đấy, nó làm quên sạch mọi thứ mà, nó đâu có biết chuyện gì đã xảy ra…”

 

    “Việc gì ? Cái gì?”. Lần đầu tiên ông xen ngang khi bà kể chuyện. “Ôi dào, nó cứ lục đục mãi, tôi bảo là nhớ mà nó không chịu, đứa sau cùng cõng trên lưng(…)..thật ra là con gái mà nó chẳng biết, cứ đòi đứng trên lưng ông và đái xuống, nhưng phải đái thành hình cầu vồng cơ, đái xa và nước vẫn còn vướng đầu cây đấy..(…)…bây giờ ở đâu, ai mà biết được, sự việc vẫn chưa kết thúc, ngay tại cửa hàng nhà mình”. Cuối cùng, ông đành chịu thua bà. Tất cả rối loạn và nhão như đoạn băng bị hư. Ông cứ để bà tha hồ nói, bà vẫn tiếp tục nói cho đến khi ông tháo bà xuống và đặt nằm trên giường. Hai chân không biết từ bao giờ đã teo và thu nhỏ lại như chân em bé, lưng bà cũng cong theo hình cái lưng ông và người ta cố công kéo thẳng bà để nhét vào hộp nhưng vẫn không sao giãn ra được. Cái miệng bà há to, ông tưởng như bà vẫn còn đang kể về câu chuyện không đầu không đuôi của mình. Khi bốn người con tháo nốt miếng vải từng quấn bà dính chặt với ông thì lúc ấy, sự nhẹ hẫng và làn hơi kì lạ khiến ông bừng tỉnh. Ông bước vào phòng tắm một cách cẩn thận, lách người qua khung cửa hẹp và chú ý đến khoảng cách trên đầu, nó sẽ không còn dịp đụng đầu vợ ông nữa, cả mười sáu năm sau này.

 

  …(…). Thật sự, tôi không ngạc nhiên khi nghe mọi người đồn thổi việc này. Tất cả dường như cố tình phủ lên đời sống lão già một cách nhìn kì quái..(…tiếng máy chạy xành xạch..)…Cho đến khi tối hôm qua, lão đến nhà và đưa tôi miếng vải này, bảo may thành một chiếc áo vừa cho hai người ..(.. tiếng máy đột ngột ngưng..) Trước khi lão về còn dặn tôi, “ nhớ nhé, để tôi nhớ vợ tôi ấy mà, hẳn bà ấy cũng muốn mặc một cái áo chung…”. Vâng, tôi đã nhớ chính xác từng chữ một mà lão đã dặn tôi tối qua. Người già luôn có chung một sự bịa đặt từ cái đầu lẩm cẩm của họ những điều tương tự. Lão là người duy nhất sống độc thân trong làng tôi mà không cần gì cả, kể cả việc lang chạ với một ai đó.

 

Nguyễn Thuý Hằng

 

Tặng chiếc ly 45 cents vừa mua

T6/Oct/9/04

 

 

Nguyễn Thúy Hằng sinh năm 1978. Tốt nghiệp Đại Học Mỹ Thuật, Sài Gòn. Hiện đang du học tại Hoa Kỳ. Là một trong số ít những khuôn mặt tiêu biểu cho lực lượng sáng tác nữ trẻ lớn lên ở Miền Nam sau chiến tranh, cố thoát ra khỏi những gò bó khuôn mẫu từ lòng một Việt Nam