NGU YÊN
Nhìn Cái Thấy Đã Nhìn
tản mạn
Thử nghĩ xem, nếu con người chỉ có một mắt, một tai, hai mũi, hai miệng, một vú và hai thiên thai, có lẽ mọi chuyện trên đời đã đổi thay. Mọi giá trị tốt, xấu, đúng, sai…v…v…nhất là thẩm mỹ, chắc sẽ khác biệt. Thử bịt một mắt đi ra đời sống xem sao? Sau một ngày dạo phố, thăm người, có lẽ sẽ tự hỏi: Ta đã thấy gì bấy lâu nay?!
Hai con mắt là để cân bằng từ người nhìn. Điều chỉnh cái thấy. Cung cấp hình ảnh cho trí óc. Kiểm soát sự sai biệt của suy luận từ sự kiện thu nhận của hai mắt.. Từ Mắt có NHÌN và THẤY. Người ta nói có mắt không tròng là nhìn mà không thấy. Nhưng muốn thấy là phải nhìn nên không có câu có tròng không mắt.
Bởi vậy, chụp ảnh, trước hết là phải nhìn. Nghệ thuật chụp ảnh thuộc về mắt thấy. Yếu tính của nhìn trong nghệ thuật là thấy bằng thị giác và thấy bằng tâm linh. Nghệ thuật chụp ảnh còn thuộc về tai nghe. Hãy để một dịp khác, sẽ bàn chuyện tai nghe và hình ảnh.
Thấy bằng thị giác là bẩm sinh. Muốn thấy cho có trình độ, phải luyện tập và sử dụng kỹ thuật. Thấy dễ tưởng như là bất chợt nhưng thường thường là kết quả của nhìn tìm tòi, nhìn theo dõi, nhìn chờ đợi khá lâu. Khi nghệ thuật đã luân lưu tự nhiên trong một người, tự dưng người ấy sẽ đủ trình độ để nhìn thấy một số sự kiện, chi tiết, hình ảnh mà người khác không thấy dù cùng nhìn. Từ góc cạnh của thấy bằng thị giác, người ta đã phân biệt được ai có mắt nghệ thuật, ai không có. Từ cái thấy giản dị mà người này khác với người kia ở chỗ chụp một tấm ảnh đẹp và một tấm ảnh xấu. Những bậc thầy người Việt trong ngành nhiếp ảnh rất rành rẽ về phương diện: THẤY.
Đa số những tấm ảnh đẹp ở tầng lớp này là kết quả của cái thấy nghệ thuật với kỹ thuật cao và trực giác thẩm mỹ. Khi quyết định bấm nút, một tích tắc rất nhanh, hình ảnh đã thu nhận. Dù chụp nhiều tấm để chọn lựa vẫn là những tích tắc liên tiếp. Chỉ có trực giác thẩm mỹ mới đủ nhạy, nhanh, bén và ngẫu nhiên để ngón tay bấm lia lịa.
Thấy bằng thị giác không chưa đủ chiều sâu cho hay và đẹp. Chính cái thấy bằng tâm linh mới sáng tạo hình ảnh sống. Gần giống như hình hai chiều và hình ba chiều (3D). Tâm linh cho phép cái thấy đi sâu, đi xuyên qua sự kiện để thấy được thực chất, nội tạng, bề trái…..Tâm linh cho phép cái thấy hư cấu sự-vật-truyện để diễn tả tâm cảnh, rung cảm của cá thể…. Diễn đạt những khác thường, dị thường, bất thường trong cái bình thường và tầm thường.
Thấy bằng tâm linh: Trước khi nhìn ra phải nhìn vào. Hãy chụp lấy cái tôi hàng trăm, hàng ngàn tấm ảnh để thấy được cái Ta. Bắt được cái ta rồi tự dưng sẽ thấy những gì ở xung quanh một cách rất Ta, không thể nhầm lẫn với đôi mắt của kẻ khác.
Cái Ta nào ra sao thì cái Ta thấy sẽ như vậy. Kẻ cẩn trọng, hình chi tiết. Người lãng mạn, hình bay bướm. Trí tuệ, hình tư duy. Độ lượng, hình nhàn nhã…. Một tấm hình hay đẹp có thể lãnh huy chương nhưng không thể trường tồn nếu nhìn qua tấm hình không thấy được tác giả.
Để mời quí vị xem trong sưu tập nhiếp ảnh Siêu Thực của Pilar Albajar và Antonio Altarriba: Với những kỷ thuật digital ngày nay, Pilar và Antonio đã tạo hình theo cách nhìn riêng. Sự vật mà chúng ta thấy là sự vật có ý nghĩa phổ thông, có giá trị cộng đồng. Được con người qui định để thông tin với nhau. Nhưng khi chỉ một mình ta đối diện với sự vật đó, nhìn ngắm, suy tư…. sự vật đó bỗng dưng bật ra một ý nghĩa, giá trị khác. Chính cái giá trị của riêng ta mới tạo ra nghệ thuật của ta. Cái giá trị của người khác mà ta sử dụng sẽ tạo ra nghệ thuật chung hoặc nghệ thuật đã có. Mặt trời tự mọc rồi tự lặn mỗi ngày. Có ai cài mặt trời lên không?
Một vài tuyển chọn trong bộ hình của Pilar và Antonio sẽ dẫn người xem đi vào dòng hình siêu thực với kỹ thuật hiện nay. Sẽ mang lại những câu hỏi thao thức về nhân sinh. Nhân sinh tử cõi thùy vô tử. Lưu thủ đan để làm gì cho mệt.
Chụp hình hoặc chụp ảnh, tự cụm từ này đã mang ý nghĩa đặc hữu của nó. Chụp là bắt, là giữ. Hình và ảnh tự đã là ảnh thực và ảnh ảo, hình thật và hình giả. Hình ảnh như hình ảnh hoặc hình ảnh theo sáng tạo. Có người chụp hình như viết ký. Chụp nhật ký, chụp hồi ký, chụp ký sự, chụp bút ký … Có người chụp theo phong cách viết truyện: Kể truyện hoặc dựng truyện. Mỗi tấm ảnh có thể tạo nên một câu truyện. Có lối chụp hình dãy. Một loạt hình để “kể” lại một câu truyện … Có người chụp hinh như dựng kịch.. và có người chụp hình như viết một bài thơ. Viết thơ đẹp trong hình là sở trường của nhiếp ảnh Việt Nam.
Bài thơ siêu thực được Pilar và Antonio chụp như sau:
Cánh tay cán chổi
Lau tay
Bàn tay con cá
Bơi ngày lao lung
Bàn tay bơi giữa lưng chừng
Làm sao biết được cá ngừng nơi đâu?
Pilar Albajar sinh ở Huesca, Tây Ban Nha. Bà ra trường tiến sĩ tâm lý. Chọn ngành nhiếp ảnh làm cách sống.Antonio Altarriba sinh trưởng ở Zaragoza, Tây Ban Nha. Dạy Pháp văn trong Đại học Basque Country. Là một nghệ sĩ đa tài. Ngoài ngành nhiếp ảnh, ông viết khá nhiều tác phẩm. Đặc biệt ông đã mang đến nhiều luận pháp về sự tương quan giữa hình ảnh và đời sống.
Hai người bắt đầu làm việc chung từ năm 1988. Hình ảnh của họ được chưng bày khắp nơi từ Âu châu qua Mỷ châu. Giải thưởng và huy chương nhiều hơn bài viết này. Các phê bình gia trong ngành nhiếp ảnh đã bình chọn Pilar và Antonio là những nhiếp ảnh gia thế giới của thời đại.
Người ta thường cho rằng nhiếp ảnh đến từ thị giác. Quên rằng nhiếp ảnh được thành hình từ bàn tay. Thấy ảnh thấy hình là một chuyện. Chụp là một chuyện khác. Cái tương quan này đơn giản mà phức tạp vô kể. Nó có từ bẩm sinh và thành sự bởi luyện tập. Nhưng không chỉ như vậy thôi, đôi tay còn làm nên những hình ảnh khác mà mắt không thấy. Quá trình sáng tác là đẩy con bò vào đầu bên này, đầu bên kia sẽ lòi ra súc sích. Việc này không do mắt mà do tay.
Bàn tay là một cơ phận đặc biệt. Không có một cơ phận nào trong cơ thể cho chúng ta thực hiện được giấc mơ và nỗi đam mê như đôi tay. Bàn tay làm rất nhiều việc đến nỗi có người nói rằng: Hễ sờ được thì điều đó hiện hữu. Nhưng tay không chỉ để sờ. Nó làm sự vật biến dạng, thay đổi. Nó điều chế, sáng tác…. Chính nó đã mang cảm xúc đến con tim. Chính bàn tay biến thế giới thành đa dạng và màu mỡ.
Không phải lúc nào con người cũng điều khiển đôi tay. Trong tiến trình làm việc, đôi tay đánh thức con người. Không phải đôi tay chỉ thực hiện những gì mắt thấy tai nghe mà chính đôi tay đã làm những điều mắt thấy tai nghe phong phú thêm hoặc biến dạng thành một tác phẩm khác.
Nghệ thuật nhiếp ảnh bắt đầu từ đôi mắt. Đi qua trí óc, con tim, ước mơ.....Kết thúc bằng đôi tay. Trong một khía cạnh hi-tech, chính đôi tay này đã sử dụng kỷ thuật computer, đóng góp một phần lớn tạo dựng hình ảnh theo dạng đặc thù của tác giả. Một lần khác sẽ bàn về nghệ thuật trong và trên Photoshop.Trong ngành nhiếp ảnh hiện đại, bàn tay không đóng vai trò phụ diễn mà đóng vai kép độc. Nếu sân khấu chỉ có đào thương, kép mùi, hề diễu thì vở tuồng chưa đủ bi kịch nhân sinh. Do đó: Bàn tay bơi giữa lưng chừng. Làm sao biết được cá ngừng nơi đâu?
Pilar Albajar
Antonio Altarriba
.Ngu Yên
Houston
26 tháng 6 năm 2006© 2006 gio-o