Thế Giới Động
Trong Tranh Phấn
của Gary SimmonsNgu Yên
Mùa hè năm 1993, tôi gặp Gary ở Paris Review, 127. Họa phẩm Một Dãy Bảng Đen đã khiến tôi chú ý đến anh. Năm ấy, anh mới 29 tuổi. Một lứa tuổi đầy sinh điện. Đầy mơ mộng. Đầy màu sắc. Anh đã vẽ một dấu hỏi kinh ngạc bằng thể hiện tác họa qua tấm bảng đen học trò và phấn trắng.
Người xem tự hỏi, điều gì? Cơ duyên nào? Ám ảnh vì sao? Đen và trắng không phải là hai màu căn bản. Là hai màu được người bình thường xem là căn bản nhất của màu sắc. Là hai màu tượng trưng cho nhị nguyên của các triết gia. Là hai màu của bóng tối và ánh sáng.
Phấn. Ai đã từng là học trò mà chưa vẽ phấn lên bảng? Phấn trắng bảng đen là cái gì thương thuộc, gần nối với tuổi hoa niên. Gary dùng phương tiện hoa niên này để nói lên cái hoa muôn niên. Hãy xem:
- Cười lên cậu bé. Thi trợt thôi, có gì mà buồn dữ vậy.
- Cười lên anh bạn. Bồ bỏ thôi, có gì mà ghê gớm.
- Cười đi ông ơi. Mất mát là chuyện nhỏ, có chi mà bực bội.
- Cười thôi cụ ạ. Sinh lảo bệnh tử. Ai chẳng phải qua.
- Cười lên linh hồn. Một thoáng thôi ngươi sẽ biết có Thượng Đế hay không ?
- Cookies. Bánh đó em. Ăn đi.
- Khó lấy quá. Nó bay anh ơi.
- Cái gì mà chẳng bay. Cố lên.
- Dạ.
Chí ta, ta biết. Lòng ta, ta hay
Nam nhi sự nghiệp ư hồ thỉ
- Rán lên. Em sẽ thành nhân khi ăn hết
bánh vẽ
Mùa hè năm nay, 2006, tôi tình cờ gặp lại Gary trong họa phẩm : Ghoster, 1998
Là một người làm thơ. Tôi thưởng thức tranh vẽ bằng ngôn ngữ hội họa. Nếu nghệ thuật được ví như dòng sông, tranh như con thuyền chuyên chở những biểu tượng thị diễn. Khách thưởng ngoạn có leo lên chuyến đò hay không ? Phải xem hắn có duyên cảm nhận được những thị diễn qua sắc màu, đường nét, bố cục, nội dung và qua cả cái không có, vô diễn thị.
Họa sĩ diễn cái sáng lên cái thị. Rồi người xem nhận cái thị để diễn cái thưởng. Xem ra hai thế giới đặc thù, riêng tư của sáng và thưởng chỉ tiếp giáp qua cái thị rất đổi mong manh. Hội họa có ngôn ngữ riêng. Mỗi tác giả lại dùng mỗi loại ngôn ngữ cá biệt. Mỗi bức tranh có tiếng nói tự phát. Nghe được điều gì, nghe được phần nào của bức tranh là cái duyên không phải ai cũng giống nhau.
Cái Thấy và Cái Không Thấy Trong Tranh Gary Simmons
Gary Simmons là một trong vài họa sĩ người da đen đã mang hội họa ra khỏi những ràng buộc của màu da mà không làm cho người xem quên được nguồn gốc của ông. Giới phê bình đặt tên kiểu vẽ của ông là “Bôi Xóa”. Ông dùng tay vẽ phấn lên những tấm bảng đen lớn. Có tranh lớn như bức tường. Rồi bôi xóa cho nhòa những nét rõ. Tạo ra những ảo mờ và di động. Sự mờ ảo đã được thấy trong tranh của phái Ấn Tượng, của Matiss…nhưng sự mờ ảo của thế giới lúc ấy tỉnh lặng. Còn sự mờ ảo của Gary Simmons là sự mờ ảo di động. Thế giới trong tranh của ông sống và sinh hoạt.Kiểu vẽ di động của Pollock, lúc đi lúc chạy để nhỏ những dòng sơn xuống khung vải. Được lập lại trong một dạng vẽ khác của Gary. Xem ông tung tăng, ngã vật theo cảm súc, ý tưởng và đường nét trên những bức tranh to lớn, mới thấy người họa sĩ này không những vẽ mà vũ. Không những vũ mà võ. Bằng hai bàn tay, ông phết, xóa, bôi, trét, đở, gạt, đấm, móc, bắt….Thân hình vặn vẹo, trung bình tấn, đinh tấn, xà tấn, ngã bên phải, vói bên trái, nhảy lên, ngồi xuống…..Và bức họa thành hình.
Là một người làm nhạc, tôi thường lưu ý về nhịp điệu trong tranh. Cân xứng và bất thường của đường nét và màu sắc tạo ra nhịp điệu. Sự hòa hợp tạo nên sự êm đềm hay tranh chấp, hòa tấu hay độc diễn, cổ điển hay hiện đại. Người nghệ sĩ lớn nào cũng thể hiện được cái nhịp điệu thời đại của họ vào tác phẩm
Simmons mang vào hội họa một thế giới mập mờ, đôi khi ma quái. Sự việc không còn đơn giản như thời thấy cảnh vẽ cảnh, thấy chân dung vẽ chân dung. Vẽ sao cho giống thế là tài hoa. Sau thời Picasso, thấy thế giới không theo hình dạng vật lý, mà theo tâm lý, vô thức nên sự việc méo mó dị dạng. Càng ngày thế giới càng phức tạp. Con người càng khoa học hóa, càng triết lý hóa, càng trần trụi hóa đời sống, càng nhìn thấy sự và việc dường như đã quá hiểu mà chưa hiểu, đã thấy rõ mà mù mờ. Cứ tự hỏi mình về một sự việc nào am tường nhất, cứ hỏi cho rốt ráo, thử xem có trả lời được hay không? Cuối cùng phải chăng là nghi ngờ và chấp nhận.Ngày trước phái Ấn Tượng cũng thế nhưng sự việc được nhìn trong nhãn giới đẹp và lãng mạn. Những mờ ảo sắc màu và hình thể của tranh Ấn Tượng cho người xem cảm giác yên ổn hoặc thoải mái, thường khi rất lặng lẽ. Trong khi bản chất mờ ảo của Gary làm chúng ta khó chịu. Chính cái đẹp, lãng mạn, ước mơ…vv…luôn cả thiêng liêng cũng đang bị chất vấn, nghi hoặc. Rồi chấp nhận nhưng không hạnh phúc. Chấp nhận luôn cái không hạnh phúc, cái bất hạnh, cái bể khổ của Phật, cái tội Tông truyền của Chúa, chỉ còn thở thôi.
Sự mờ ảo trong Gary Simmons không phải là mờ ảo của tỉnh sự việc. Xem tranh, it thấy tranh cử động, bởi tranh tự bản chất là chết, hoặc chết non hoặc chết bất tử. Tranh của Gary lúc nào cũng di động. Không hai chiều thì ba chiều. Thế giới đang sống là thế giới biến động. Đời sống hôm nay là xoay động, điên đảo. Không đủ thời giờ. Không đủ tiền bạc. Không đủ ái tình. Không đủ tuổi để sống. Không đủ chết để sợ……Động chính là bản chất dặc thù của cuộc sống này.
Gary Simmons ra đời năm 1964 tại New York. Là một người da đen với tất cả hệ lụy của màu da. Ông bắt đầu sự nghiệp bằng những bức tranh mang nội dung chính trị và xã hội: Kỳ thị, bình đẳng, ma túy, tội phạm…vv… Vào khoảng năm 1995, ông bắt đầu thay đổi, hành trình vượt qua những trọng tâm thời sự để tiến vào sâu thẳm của đam mê. Khai phá những vùng lãng quên của trí nhớ đã bị nỗi buồn đậm đặc cố hữu của con người xóa bỏ. Ông tạo ra một thế giới riêng tư bằng cách sắp đặt lại lên tranh những mãnh đời, những hình ảnh theo một sinh động mới. Ý nghĩa của ông xuống hai bàn tay xương thịt vẽ lên rồi lại bôi xóa đi. Tạo ra rồi chối bỏ nhưng chối bỏ theo cách chấp nhận cái còn sót lại của cái mất. Hai hành động sáng tạo và sáng tạo xóa bỏ nghịch ngược nhau, mang đến kết quả lờ mờ nhân thế di động. Điều này tạo nên cảm nhận sự việc nhìn thấy đều có ý nghĩa không chính xác.
Cái đẹp cái hay không phải là cái thấy mà là cái không thấy hoặc chưa thấy. Như lột một củ hành tây. Lột cho hết vỏ, lột chảy nước mắt, sau cùng vẫn không thấy gì. Nghệ thuật là diễn trình không phải là sản phẩm hay kết quả. Chính những dấu vết gây ra trong lúc đi tìm là tác phẩm. Còn tác phẩm tuyệt tận kia sẽ không bao giờ có. Chưa có nghệ sĩ chân chính nào tìm ra tác phẩm hoàn hảo. Chỉ có nghệ sĩ chân phụ tìm thấy vinh quang. Chim sẻ bay đậu đọt cây du, tưởng rằng đã đụng trời. Chim Bàng bay đến vòng khí quyển vẫn chưa biết trời ở đâu.
Cái không thấy là sống. Cái thấy rồi là chết. Điều không thấy trong tranh Gary Simmons là mọi sự vật việc chuyển động này đi về đâu ? Hãy xem Gary sắp đặt một biểu tượng :
O O O
O O O O O O O
O O O O O O O
O O O O O O O
O O O O O O O- Lá cờ Mỹ không có ngôi sao. Lá cờ lúc ban đầu chưa xảy ra việc tương tranh nô lệ. ?
- Hoặc ngày từng ngày nhàm chán nối đuôi nhau trôi qua. 31 ngày .... ?
- Hoặc một trò chơi khó hiểu.... ?
Hiểu hay không, không quan trọng. Cảm giác về sự hiểu mới cần thiết cho đời sống. Những điều không thấy, làm sao hiểu ? Người ta có thể hiểu rằng, Gary vẽ bằng đôi bàn tay dùng phấn và bảng đen như một ‘đứa trẻ ‘. Thế giới nhìn người da đen như ‘đứa trẻ’ chưa trưởng thành. Sự suy đoán chắc gì đã đúng. Nhưng cái cảm giác khi đứng trước những bức tranh của ông : Bùi ngùi và sâu sắc. Kinh ngạc và phù phiếm.
Houston, 8 tháng 5 năm 2006.
Ngu Yên
Gary Simmons
1964: Ra đời tại New York
1988: Ra trường Mỹ Thuật: School of Visual Art
tại NY, BFA.1990: Tốt nghiệp Institute of Art, Valencia, CA.
© 2006 gio-o