http://www.stevesbigtrip.co.uk/


REUBEN GARNER

Nước Pháp tại Đông Dương:
Một Số Cảm Nghĩ của Các Thanh Tra Thuộc Địa, 1867-1913 (1)

NGÔ BẮC dịch


 
Kinh nghiệm thuộc địa Pháp phải gánh chịu ít nhất hai mâu thuẫn nội tại.  Một mâu thuẫn là sự đụng độ giữa lý tưởng của chủ nghĩa thực dân, sứ mênh khai hóa: mission civilisatrice, với thực tế cụ thể khiến cho chủ nghĩa thực dân phải trả giá, mise en valeur: tức giá phải trả khi thực thi.  Một sự tranh chấp khác là giữa điều có thể gọi là Chủ Nghĩa Tocqueville, chủ trương điều hướng việc tập trung hóa mọi thẩm quyền về Paris, với các sự phán đoán trái nghịch của các nhân viên tại chỗ đối diện với các thực tế áp dụng.  Để hòa giải các sự tranh chấp này một công tác thanh tra thuộc địa được tổ chức rất quy củ thực hiện sự giám thị các nhà hành chánh tại các thuộc địa.  Họ đã cố gắng để xem xét rằng các lý tưởng của chính sách thực dân hóa của nước Pháp đã được tuân hành hay không, rằng các quyền lợi tài chánh và kinh tế của chính phủ có được xúc tiến hay không, và rằng các ước mong của các sở bộ trung ương (bureaux) có được thực hiện tại bất cứ nơi nào có thể làm được hay không.


http://www.geogr.uni-goettingen.de/kus/pics/vn7/

Các thanh tra thuộc địa được tuyển chọn cẩn thận và được huấn luyện kỹ càng.  Họ đã sống nhiều năm tại một thuộc đia, làm việc một mình hay trong các toán nhỏ, tự học hỏi một cách thấu đáo các tình huống ở mọi cấp trong chính quyền thuộc địa.  Các bản báo cáo có được của các thanh tra khi thi hành nhiệm vụ tại Đông Dương vì thế có tính cách thông tin thấu đáo.  Chúng phản ảnh cả những sự quan tâm của các viên chức tại Paris lẫn thái độ của các nhà hành chính tại thực địa.  Các bản báo cáo đó cho thấy mức độ của lý tưởng mâu thuẫn với sự lưu tâm về kinh tế, hay chính sách tập trung quyền hành đụng độ với các nhu cầu thực tiễn.

Người ta kỳ vọng rằng những bản báo cáo này cũng phơi bày bằng cứ của nhiều lý thuyết khác nhau của Pháp vốn được thảo luận nhiều về sự đồng hóa và liên kết.  Người ta có thể dự liêu một cách hợp lý rằng cũng sẽ có bằng cớ về các nỗ lực bởi các nhà cai hành chánh nhằm truyền thụ vào người dân Đông Dương nền văn hóa của Pháp.  Một khi sự đồng hóa đã bắt rễ, như các lý thuyết giả định, các báo cáo sau này sẽ phải biểu lộ một số sự tôn trọng được phát triển đối với nền văn hóa Việt Nam bản xứ.  Tuy nhiên, những kỳ vọng này đã không được nhận thấy trong các báo cáo.

Trong năm 1867, sự chinh phục Nam Kỳ (Cochinchina) đã hoàn tất và một chính quyền Pháp đã thay chỗ cho giới quan lại bỏ chạy.  Trong năm 1868, một văn thư đã được lưu hành trong các bộ sở (bureaux) ở Paris, cho hay rằng một văn phòng kiểm soát sẽ được thành lập tại Cochinchina.  Văn thư yêu cầu sự đóng góp ý kiến về các lãnh vực hữu ích nhất cần thanh tra (2).  Chánh Thanh Tra Liard đã đưa ra một số khuyến cáo.  Ngoài các thủ tục về lương bổng và sự sử dụng hợp thức các vật liệu, ông Liard còn cố vấn rằng các viên thanh tra mới cần xem xét rằng người dân An Nam có được đối xử một cách công bằng hay không. Đặc biệt, ông thúc dục rằng các nhà hành chánh Pháp mới phảI tránh việc lợi dụng các công nhân An Nam bởi họ không hay biết về Pháp ngữ (3).

Trong năm 1885, Thanh Tra Portier đã phản ảnh các vấn đề căn bản khi ông đả kích cả sự thiên vị lẫn sự quản trị không công bằng các ngân quỹ bởi Hội Đồng Thuộc Đia (4), là cơ cấu, theo lời ông, đã “quảng đại đến độ hoang phí” đối với các nhóm được biệt đãi nhưng lại chắt bóp keo kiệt với tất cả các người khác.  Thanh Tra Portier đã báo cáo rằng sự bủn xỉn trong việc cung cấp các cơ sở nhà tù đã đưa đến sự “hỗn độn.” Có nghĩa, những người bị tố cáo nhưng chưa được xét xử và những phạm nhân đã bị tuyên án bị giam chung với nhau và đôi khi còn chịu chung cả hình phạt về thể xác nữa.  Thanh Tra Portier đã phản đối sự “đồng cư ngụ” như thế, như ông đã mệnh danh tình trạng đó, lập luận rằng các ngân khoản xây các cơ sở thích đáng có thể dễ dàng được cung cấp nếu chúng đã không bị lạm chi ở những nơi khác một cách quá hoang phí (5).  Sự chỉ trích này tiêu biểu cho một kiểu thức thường thấy trong các bản báo cáo, trong đó các thanh tra nhìn thấy các sự lạm dụng phản ảnh các sự xâm phạm đến các lý tưởng của chế độ thực dân. Ông ta ám chỉ rằng chính quyền địa phương đã không điều hành một cách đứng đắn và cần có sự giám sát từ các thẩm quyền ở trung ương.  Một điều hiển nhiên khác là sự hay biết của viên thanh tra về khía cạnh kinh tế của vấn đề.

Trong khi Thanh Tra Portier trong năm 1885 đã tìm thấy các sự lạm dụng có lẽ phản ảnh thái độ thờ ơ của chính quyền về sự lãnh đạm đối với người dân An Nam.  Các Thanh Tra Phérivong và Lévy đã khám phá thấy sau này, trong năm 1913, rằng các tầng lớp cao cấp của chính quyền Pháp tại Đông Dương đã tích cực trong việc bới móc và ngăn chặn sự hà lạm của các thuộc viên của họ.  Các thanh tra đã điều tra và đã  đồng ý, thí dụ, về sự khiển trách một nhân viên hành chánh cấp thấp là kẻ đã tìm cách dọa nạt một người điều khiển chiếc phà bướng bỉnh bằng cách bắt giữ người đó một cách trái phép (6).  Họ cũng xác nhận sự bãi chức ông Ly Trần Can [?], là kẻ đã mưu toan đòi tiền hối lộ từ một nhóm công nhân được chỉ định cho ông ta (7).  Trong cả hai thí dụ này, nội vụ đã được đem trình cho sự xem xét của các thanh tra bởi chính các viên chức thuộc quyền phạm tôi.  Họ có vẻ đã nhìn các thanh tra như là sự phán quyết chung thẩm cho phán quyết của thượng cấp trực tiếp của họ.  Sự xác nhận bởi các thanh tra về các quyết định của tầng lớp cao cấp ít nhất cho thấy một số nỗ lực về phía chính quyền Đông Dương muốn tự điều hành với sự liêm chính. 




http://www.indochine-restaurant.com/

Sự phân phát công lý tại Đông Dương cũng đặt ra một số vấn đề khúc mắc cho các Thanh Tra Phérivong và Lévy.  Một mặt, các cuộc điều tra của họ đã phát hiện các sự phân cách rõ rệt trong các tư tưởng của Việt Nam và nước Pháp.  Các tòa án Pháp, theo Phérivong, tuyên phán các chế tài tinh thần và chúng có dự trù sự phục hồi [cho can phạm].  Mặt khác, các luật gia Việt nam, ông ta lý luận, có ít khái niệm về lương tâm cá nhân.  Sự quan tâm của họ nhằm vào việc cân nhắc sự tổn hại mà xã hội phải gánh chịu như là hậu quả của một sự vi phạm cá biệt và vào việc giáng ra một hình phạt (8).

Các Thanh Tra Phérivong và Lévy đã đối diện với một tình trạng nghịch lý ở đây.  Một bên gắn liền với nguyên lý của sứ mệnh khai hóa (mission civilisatrice), vốn bao hàm các khái niệm của luật pháp nước Pháp.  Bên kia là nghĩa vụ tôn trọng quyền tự trị tư pháp của người An Nam như được quy định trong Hiệp Ước Bảo Hộ năm 1884 (9).  Sự thiết lập tại Đông Dương vào năm 1905 Phòng Thứ Tư, Tòa Thượng Thẩm đã vi phạm Hiệp Ước Bảo Hộ nhưng đã chấm dứt nhiều sự hỗn loạn.  Công lý Việt Nam được ban phát tại các tòa án cấp thấp, trong khi luật của Pháp được áp dụng tại tòa phúc thẩm. Điều này mang lại một cảm tưởng rằng tất cả mọi việc mà một phạm nhân phải làm để tránh khỏi sự trừng phạt là kháng cáo vụ kiện của mình.  Những đề nghị thực sự của Phérivong cố gắng để dung hòa các vấn đề mâu thuẫn.   Các thẩm phán Pháp cần phải được huấn luyện giỏi hơn về luật lệ An Nam.  Các quan lại, ông ta nói một cách nghịch thuyết, cần phải được dành cho nhiều sự độc lập hơn, nhưng sự giám thị họ phải được duy trì (10).  Khi đối phó với những vấn đề tư pháp, các Thanh Tra Phérivong và Lévy vì thế nhận ra rằng sự cố gắng để mở rộng văn hóa Pháp đối nghịch với tập tục lâu đời.  Họ có vẻ thất vọng bởi các trở ngại sẽ phải đối đầu trong việc bành trướng hệ thống tòa án Pháp tập trung hóa đến mọi cấp.

Khuynh hương của chính quyền thực dân Pháp muốn tập trung mọi thẩm quyền ở Paris xem ra đã phủ quyết các sự cứu xét khác.   Các phương thức mới đã được phát triển theo thời gian để xiết chặt sự tập trung hóa.  Trong năm 1873, thí dụ, các công việc kiểm soát (hay thanh tra) thuộc địa tại nhiều thuộc địa khác nhau đã bị nhận chìm, và một hệ thống thanh tra lưu động, phát sinh từ Paris, đã thế chỗ của chúng (11).  Trong năm 1879 hệ thống này đã được củng cố với Nha Thanh Tra Các Công Việc Hành Chính thuộc Bộ Hải Quân.  Sau đó, các thanh tra thường trú tại các thuộc địa đã được bổ nhiệm bởi các viên chức tại Paris, và các thanh tra do Paris bổ nhiệm khác đã được chỉ định kế đó để giám sát các công tác thuộc địa (12).  Vì không nhận thức được quyết tâm của các thẩm quyền ở Paris trong việc duy trì sự kiểm soát mới này trên các nhân viên thanh tra của họ khiến cho Le Myre de Vilers đã bị triệu hồi vào năm 1882, sau nhiều năm phục vụ đắc lực trong vai trò Thống Đốc Nam Kỳ.  Một nhân viên cũ, bị mô tả bởi Le Myre như một kẻ hay kiếm chuyện và phá rối, đã quay lại Sàigòn với tư cách thanh tra.  Le Myre đã tức thời trả người đó về lại Paris, kèm theo bởi một lá thư giải thích các lý do của ông (13).  Câu trả lời của thượng cấp của Le Myre tại Paris là tái chỉ định viên thanh tra đi lại nhiều lần quay trở về Sàigòn và triệu hồi Le Myre về nước (14).     

Một phương cách khác mà các nhà hành chánh tại Paris đã biểu lộ khuynh hương muốn tập trung thẩm quyền bất kỳ nơi đâu có thể được là qua sự giám sát định kỳ các khoản ước lượng của ngân sách.  Vào năm 1900, Paul Doumer [Toàn Quyền Đông Dương lúc bấy giờ, chú của người dịch] đã cân bằng ngân sách của tất cả năm xứ ở Đông Dương một cách thành công và vững chắc (15), vì thế chỉ để lại ít lý do cho sự can thiệp vào các vấn đề đó từ Paris.  Nhưng một công cụ mới rơi vào tay các bộ sở: bureaux.  Nha Thanh Tra Thuộc Địa mới được thiết lập trong năm 1886 như một cơ quan tách biệt khỏi Nha Thanh Tra Bộ Hải Quân (16) có trách nhiệm báo cáo kể từ sau năm 1894 với Bộ Thuộc Địa thuộc phía dân sự.  Trong năm 1901, cơ quan sau này được trao thẩm quyền rành mạch để thanh tra các công việc dân sự lẫn các công tác quân sự tại thuộc địa (17). Được trang bị với thẩm quyền mới này, Thanh Tra Rheinhart đã phân tích Ngân Sách Tổng Quát của Đông Dương trong năm 1904 theo một cung cách không khác gì một cuộc xâm nhập vào lãnh địa tự trị của giới quân sự. Ông đã phản bác việc dùng chữ “các hứa phiếu: mandats” để chứng minh cho các sự thay đổi trong các bậc thang lương bổng đã được ấn định. Ông cũng chất vấn các khoản trả cho các nhân viên dân sự được tuyển dụng bởi các cơ quan quân sự. Ông đã khám phá ra việc không cung cấp được các khoản tiền trong ngân sách để trả cho các thư ký được tuyển dụng bởi Văn Phòng Quân Sự (Military Bureau).  Ông đã nêu câu hỏi tại sao viên Quyền Chỉ Huy Trưởng Hiến Binh lại được lãnh phụ cấp cho sự “trình diện: representation”. Ông đã đả kích các cách thức tắc trách khác trong việc bút toán các chi phí. Ông chất vấn rằng tại sao các vật liệu xây cất như ngói, gạch, xi măng -- hiển nhiên là dùng cho sự xây dựng trên đất liền -- lại được tính tiền cho một con tàu và tại sao có đến 98 người được lưu dụng trên một chiếc thuyền vũ trang có cấp số quân là 35 người. Ông còn tra hỏi cả quyền hạn quân sự cổ truyền của Đại Úy Pháo Binh Gros về việc nuôi một con ngựa bằng chi phí của chính phủ (18).  Các sự giải thích thỏa đáng sau hết đã được đưa ra trong mọi trường hợp.  Có vẻ là đã không có các sự lạm dụng tài chính lan tràn về phía quân sự, mặc dù các thể thức hành chánh của họ trong thực tế đã trở nên rối beng.  Các hoạt động của họ trước đây được che dấu trước chính quyền tại Hà Nội nhờ đặc miễn của quân đội. Đã có một đạo luật đặc biệt được ban hành để gỡ bỏ rào cản này cho kiểm soát nhiều hơn bởi chính các giới chức thẩm quyền tại Paris.


http://layered.typepad.com/photos/hanoi/

Các sự cứu xét kinh tế đôi khi quan hệ đến lý tưởng của sứ mệnh khai hóa.  Trong những trường hợp khác giá phải trả khi thực thi: mise en valeur đối lập với các sự cứu xét nhân đạo.  Cũng có những dịp khi mà các nhà hành chính tại Đông Dương có vẻ như đã hành động theo quyền lợi riêng của họ, hiển nhiên theo các lời yêu cầu của hoặc người An Nam hay của cộng đồng thực dân Pháp.

Cùng với sự chỉ trích về các nhà tù, Thanh Tra Portier trong năm 1885 đã đả kích các phương pháp đánh thuế không công bằng tại Nam Kỳ. Ông cảm thấy rằng các phương pháp này phát sinh từ sự bất lực trong việc tuyển mộ các nhân viên có khả năng. Để tìm được các nhà quản trị thuế khóa có khả năng quá đỗi cần thiết tại Nam Kỳ, ông đã thỉnh cầu rằng họ sẽ được tuyển mộ tại Pháp cũng như tại Nam Kỳ, trái với đề nghị của Hội Đồng Thuộc Địa.  Portier nhìn nhận rằng gánh nặng thuế má trên người dân Đông Dương thì nặng nề, và ông bày tỏ nhiều sự quan ngại trên “ngân sách bí mật” mà người An Nam đã thu cho chính họ, bên trên các số hành thu của Pháp.  Sự quan tâm của ông ta không chỉ hoàn toàn dựa trên tình cảm. Ông cũng lo sợ rằng các sắc thuế quá lạm và các dịch vụ không đầy đủ rất có thể làm cạn kiệt sự nhẫn nại của người dân An Nam và bắt buộc phải áp dụng các sự đàn áp tốn kém và khó chịu (19).  Sự lượng định của Portier về vấn đề thuế khóa tại Đông Dương làm nổi bật một cán cân hay ho giữa sự quan tâm muốn chấm dứt sự bóc lột người An nam, nỗi lo lắng nắm giữ sự kiểm soát trong tay người Pháp, với một sự lượng định thực tế đối với các nhu cầu của chính phủ Pháp tại Đông Dương về việc hành thu ngân quỹ.

Các báo cáo của Thanh Tra Hoarau-Desruisseaux trong năm 1889 và Thanh Tra Espeut trong năm 1894 đã không chứa đựng hỗn hợp của lòng vị tha và tính thực tiễn như thế.  Thanh Tra Hoarau-Desruisseaux ghi nhận rằng các quyền hạn để bán thuốc phiện đã được mua lại từ Nhà Vua An Nam, nhưng phàn nàn rằng vụ đặc nhương thương quyền (franchise) mới đã không mang lại lơi nhuận tức thời.  Vì thế ông lấy làm bất bình.  Tại sao giới thư lại của Pháp lại đi mua bán thuốc phiện để bị lỗ trong khi họ có thể cho tái sang nhượng các thương quyền của họ lấy một số lợi nhuận cố định?  Tại sao số bán bị sụt giảm?  Làm sao mà người Pháp bén nhậy lại để mình bị đánh lừa bởi một nhà vua đông phương? Điều tra sâu xa hơn, Hoarau – Desruisseaux khám phá ra rằng phía Pháp thực sự đã tái sang nhượng các thương quyền của họ nhưng doanh nghiệp tái sang nhượng đã không thể duy trì một số bán thỏa đáng như các nhà hành chánh Pháp đã làm.  Trong thực tế, số lỗ đã có bởi vì số thu nhập từ số thương vụ thấp đã buộc doanh nghiệp tái sang nhương phải dẹp tiệm.  Các cơ sở tái sang nhương khác có khả năng đảm trách về tài chính không thể tìm thấy, và như thế việc bán lẻ thuốc phiện sau cùng lại được giao về cho nhà cầm quyền Pháp.  Số bán sụt giảm bởi vì có sự canh tranh gia tăng từ các kẻ buôn lậu (20).  Khi mô tả các thương vụ bán thuốc phiện như một nguồn thu nhập, Thanh Tra Hoarau – Desruisseaux đã buộc phải đệ trình một bản báo cáo thực sự gây kinh hoàng cho Paris.

Năm năm sau đó vào năm 1894, Thanh Tra Espeut đã có thể viết với nhiều sự hăng hái hơn về nguồn thu nhập ngoại lai này.  Vào lúc đó, thị trường độc quyền về nha phiến được thịnh phát.  Các kẻ buôn lậu đã bị dẹp tan, do việc phân chia An Nam (Trung Việt) và  Đông Kinh (Bắc Việt) thành các khu vực giá cả đồng tâm (concentric).  Các giá cả thấp tại các khu vực biên giới đã triệt tiêu các lợi nhuận của giới buôn lậu và chấm dứt sự cạnh tranh của họ (21). Đặc nhượng thương quyền về thuốc phiện sau hết đã là một vụ mua bán khôn ngoan.

Cả hai bản báo cáo này đều không nói bất kỳ điều gì về các hậu quả làm suy nhược của việc nhồi nhét thuốc phiện vào một xã hội.  Không có chứng cớ là đã có bất kỳ ai đã xem việc mua lại đặc nhượng thương quyền này như một cơ hội để cải cách hơn là vì lợi tức.  Có vẻ là sự thắng thế của lòng tham lam đã che mắt người Pháp khỏi nhìn thấy các mục đích của sứ mệnh khai hóa.  Nước Pháp đã không đếm xỉa đến một cơ may thực sự để thúc đẩy lý tưởng thực dân mà lại chọn mối lợi chỉ đáng vài đồng bạc.

Một trong những thành quả được thừa nhận của kinh nghiệm thực dân chính là cơ hội mà nó đã mang lai cho chính các viên chức để sinh sống một cách huy hoàng hơn họ có thể sống tại nước Pháp và làm gia tăng sự giàu có về của cải của họ (22).  Phần lớn trong báo cáo của Thanh Tra Démaret về Ngân Sách Tổng Quát cho năm 1905 đã là một sự chỉ trích những sự chi phí vô lý mà các nhà hành chính đã cấp phát hào phóng cho nhau.  Thí dụ, trong cùng một lúc, ba viên chức đã nhận lãnh tiền trả cho một chức vụ duy nhất thuộc Văn Phòng Toàn Quyền.  Một người đã về hưu với một khoản tiền hưu rộng rãi.  Một người khác đang nghỉ phép.  Viên chức khi đó đương nhiệm được hưởng một khoản tăng lương đến 80% chỉ trong vòng một năm.  Thể thức mà các viên chức hành chính và quân sự nhận lãnh tiền trợ cấp thay cho chỗ ở rồi lại trú ngụ miễn phí tại các nhà cửa do chính phủ sở hữu thì thịnh hành.  Các viên chức cao cấp ở Hà Nội đã duy trì một cách không cần thiết các ngôi nhà thứ nhì tốn kém tại Sàigòn cho các cuộc thăm viếng đột nhiên của họ (23).  Một chiếc xe hơi đã được mua cho ông Tướng Pennequin bằng một nghị định (arreté) không được công bố (24). (Tuy nhiên lời yêu cầu của ông ta xin ngân khoản bảo trì nó đã bị bác khước).


http://www.cartoonstock.com/

Các câu trả lời cho các chỉ trích này khiến ta nghĩ đến truyền thống tự buông thả đã có từ chuỗi ngày đầu tiên của sự chiếm đóng của Pháp.  Tổng Thư Ký Broni đã trả lời một trong những câu hỏi của Thanh Tra Démaret vào năm 1905 bằng việc lập luận rằng “Ông Bertet đã nhận được phúc lợi, như nhiều người khác đã nhận được như thế, từ những truyền thống của sự tặng thưởng, mà Đông Dương đã thừa hưởng từ xứ Nam Kỳ “ (25).  Các câu hỏi về khoản tiền sửa chữa chiếc đàn dương cầm tại Văn Phòng Kiểm Soát Tài Chánh đã được trả lời với luận cứ rằng ngày nay (năm 1905) một chiếc dương cầm đã trở thành một phần của các trang thiết bị của mọi ngôi nhà trưởng giả.  Nó đã là một đồ vật thiết yếu trong Văn Phòng Kiểm Soát Tài Chánh cho “các trách vụ tiếp tân.”  Có vẻ là Thanh Tra Démaret đôi khi đã quá hăng hái trong sự đả kích của ông trước các chi tiêu phí lý.  Phúc đáp các sự dò hỏi của ông về các chi phí cho một cuộc tiếp tân của chính phủ, Broni cho thấy sự đánh giá thấp của ông thanh tra về phẩm chất của các đồ giải khát. Ông đã cau có bảo đảm với Thanh Tra Démaret rằng, nếu có mặt ở bữa tiếp tân đó, Démaret sẽ không bao giờ thắc mắc về các sự cáo buộc này nữa (26).  Các thí dụ này về các khoản chi tiêu phi lý đều được rút ra từ một báo cáo duy nhất, nhưng nguồn tài liệu này cho thấy, như đã được ghi nhận, rằng các thể thức bị chất vấn không chỉ có tính chất riêng biệt cho tài khóa trong báo cáo.  Đúng hơn, chúng xem ra để mô tả các thói quen đã bắt rễ trong thời kỳ chinh phục Nam Kỳ và đã phát triển với sự chiếm đóng của người Pháp.

Tác phong như thế khó làm ta liên tưởng đến một sự quan tâm tối thiểu về sự hòa hợp hay cộng đồng với người Việt Nam.  Trong thực tế, cảm tưởng tổng quát mà người ta có được từ việc đọc các báo cáo của các thanh tra là chính quyền hoàn toàn không đếm xỉa đến người dân Đông Dương.  Cho tới mức độ mà chính các thanh tra có liên hệ đến, chỉ có ít điều trong các sắc lệnh phác họa nhiệm vụ của họ bắt buộc ho phải để tâm cứu xét đến các quyền lợi của cư dân bản địa.  Khi đó không có mấy sự ngạc nhiên để thấy chúng [tức các quyền lợi của dân bản xứ, chú của người dịch] đã không được đề cập đến trong các bản báo cáo của các năm 1869 và 1870, trong đó khoe khoang về sự thịnh vượng đang phát triển tại vùng đất Nam Kỳ vừa được chiếm đóng.  Hoạt động vận tải hàng hải gia tăng, kết số ngân quỹ nhiều hơn, và các sự khan hiếm các thư ký trở nên trầm trọng đến nỗi các nhân viên quân sự đã phải bị trưng dụng (27), nhưng ta không hề đọc thấy điều gì nói về tất cả sự việc này đã ảnh hưởng như thế nào trên dân chúng An Nam.  Các sự liên quan của Portier với người dân Đông Dương không có giá trị gì, mà chỉ vì có liên quan đến các trách vụ của ông ta như đã có ghi trong các sắc lệnh thời đó.  Phần lớn trong bản báo cáo dầy năm mươi trang của ông thực ra  đối phó với các vấn đề của các viên chức bất lương, sự tổ chức không hợp thức, và sự tuyển mộ không hiệu quả cho chính quyền.

Ngay trong phần của báo cáo của Thanh Tra Portier thảo luận về chính sách giáo dục của Pháp tại Việt Nam tiết lộ rằng mục đích chính của nỗ lực của Pháp để mở rộng giáo dục cho người An Nam nhằm giúp tạo thuận tiện về mặt hành chánh. Ý kiến khá mù mờ của ông ta về các giáo viên “là các người còn có nhiều điều cần bổ khuyết, đặc biệt khi nhìn từ quan điểm đạo đức “ (28) không gì khác hơn là một sự chỉ trích về việc nhấn mạnh tại các trường học của Pháp về việc giảng dạy chữ quốc ngữ  (Thứ chữ này dùng mẫu tự La Tinh để ký âm phiên dịch Việt ngữ).  Sự tập trung vào việc giảng dạy thứ ngữ thuật này sẽ khiến chỉ còn ít thời giờ, theo tác giả Milton Osborne, để truyền thụ hoặc đạo đức tây phương hay Khổng học hay để giảng dạy văn hóa Pháp hay văn hóa Việt Nam (29).  Một chương trình giáo dục như thế sẽ không tạo thành một bước tiến trong sự truyền bá văn hóa.

Đạo luật năm 1901 có quy định rằng sự thanh tra phải bao gồm trong các sự quan tâm của nó “các quyền của con người” cũng như các quyền lợi của ngân khố” (30).  Chỉ có ít điều trong hai bản phân tích ngân sách được phổ biến làm liên tưởng đến sự chấp hành.  Chính yếu, các thanh tra đã soi mói đến các sự thâm lạm công quỹ rõ rệt và sự chuyển chi sai lạc các ngân khoản trong một ngành hay giữa các ban ngành của chính quyền.  Song, bất kể sự thiếu sót của một sự yêu cầu pháp định trước năm 1901 và vẻ vô tình của các thanh tra, người ta có thể dõi tìm được một chủ điểm nhỏ, nhất quán, quan tâm đến sự thẳng thắn.  Không có sự biến đổi từ một thái độ của sự đồng hóa sang một thái độ của sự liên kết có thể tìm thấy được khi đọc từ những khuyến cáo của Thanh Tra Liard năm 1867 đến báo cáo của Portier năm 1885, hay đến các báo cáo của các Thanh Tra Phérivong và Lévy năm 1913, là các thanh tra mà các hoạt động hiển nhiên đã được quy định trong đạo luật năm 1901.  Phần mô tả sự thiết lập độc quyền thuốc phiện giữa các năm 1889 và 1894 chắc chắn không làm liên tưởng đến một sự quan tâm về một chính sách đồng hóa với quyền lợi của nước Pháp trong khi phát triển như một cộng đồng liên kết được.  Nó chỉ phơi bày con đường một chiều trên đó người Pháp đã bóc lột người dân Đông Dương.



Các khuyến cáo của Phérivong và Lévy rằng nhiều sự tự trị hơn phải được ban cho các tòa án của các quan lại [Việt Nam] và rằng nhiều sự hiểu biết hơn về luật lệ An Nam bị bắt buộc phải có về phía các thẩm phán người Pháp là nhằm để củng cố chính quyền một cách có trật tự hơn là nhằm hỗ trợ cho một mối quan hệ thông cảm nằm trong một khuôn khổ đa nguyên về văn hóa.  Nếu người Pháp thực sự quan tâm đến một mối quan hệ như thế, nếu họ thực sự có ý định để phát triển một chính sách liên kết như thế, tại sao họ lại áp đặt hệ thống Tòa Thượng Thẩm vào năm 1905? Bản báo cáo của Phérivong năm 1913 đã mô tả sự vụng về của người Pháp trong nỗ lực của họ để tập trung hóa thẩm quyền tư pháp.  Có điều chắc chắn là các bản báo cáo của họ bày tỏ ít sự tôn trọng nền văn hóa bản xứ vốn được giả định sẽ là một dấu hiệu đặc sắc của tân chính sách về sự liên kết.

Dựa trên các bản báo cáo được khảo sát, người ta phải kết luận rằng các chính sách thực dân thay đổi lẫn nhau của Pháp về sự đồng hóa và sự liên kết không gì khác hơn là các lý thuyết vô vị.  Không có bằng cớ nào cho thấy họ đã theo đuổi một chính sách đồng hóa: các báo cáo hành chính không đưa ra một sự đề cập nào đến việc phát triển và chuẩn bị cho người Việt Nam trở thành các công dân Pháp.  Cảm tưởng nhất quán rằng các báo cáo này đã mang lại đúng ra một sự không đếm xỉa hay sử dụng người An Nam và mở rộng sự huấn luyện chỉ đến mức độ phù hợp với các mục đích của Pháp. Điều tiếp theo là đã thực sự không có thời biểu nào khi các báo cáo này khiến ta suy tưởng đến một sự chuyển đổi chính sách sang một chính sách liên kết, trong đó các nguồn gốc bản xứ đuợc tôn trọng và người Pháp sẽ bày tỏ các dấu hiệu chuẩn bị sống hòa hợp với các thần dân đông phương của họ.  Không có sự đề cập nào, thí dụ, về sự hoạt động đút đoạn của Đại Học Hà Nội.  Cho đến mức độ liên can đến các báo cáo này của các thanh tra, các lý thuyết về sự đồng hóa và liên kết đơn giản là không có hiện hữu.  Người ta có thể lý luận rằng vai trò của sự thanh tra không phải là để xem xét rằng chính sách có được thi hành hay không, mà chỉ để trông chừng sự vận hành hợp thức của chính quyền.  Nếu tổ chức thuộc địa thực sự thấm nhuần các chính sách này, sự tham chiếu về chúng được ước định là sẽ xuất hiện trong các văn thư trao đổi giữa các bộ sở trung ương, chính quyền cấp miền và địa phương, và với các thanh tra.  Không có một sự tham khảo nào như thế được tìm thấy, một cách công khai hay kín đáo.

Một cách đáng ngạc nhiên, bất kể đến sự quan tâm hiển nhiên của Pháp về các vấn đề kinh tế, các bản báo cáo này cũng không biểu lộ sự quan tâm nào cả đến các quyền lợi của thương nhân, dù là người Pháp hay người An Nam.  Nơi duy nhất mà hoạt động thương mại được đề cập đến là trong các báo cáo của Hoarau – Desruisseaux liên quan đến các sự tranh dành ban đầu để thiết lập độc quyền thuốc phiện, và ỏ đó nước Pháp đã để cho việc tái sang nhượng thuốc phiện của họ xô đẩy một doanh nghiệp đến chỗ phải đóng cửa.  Các nguồn tài liệu khác cho thấy nhiều hoạt động về phía các doanh nhân Pháp (31), nhưng người ta không có một cảm tưởng nào từ các bản báo cáo được cung cấp của các thanh tra rằng chính quyền đã thi hành sự khích lệ, giám sát, hay ngay cả có sự quan tâm đến cơ sở kinh tế tại Việt Nam.

Điều mà các báo cáo phơi bày, là chính quyền thuộc địa Pháp đã không thể hay không muốn thi hành các chính sách đã hứa hẹn của nó.  Các sự tường thuật về sự bóc lột, sự hoang phí, và sự lạm thu được tìm thấy trong các báo cáo của Portier, Démaret, và Phérivong cho thấy rằng ý tưởng về thẩm quyền tập trung hóa tại Paris có thể không gì khác hơn một lời tán đồng cho một lý tưởng.  Chúng cho thấy khả tính rằng các tầng lớp cao cấp tại Đông Dương đã không có thể kiểm soát các thuộc viên của chính họ.  Có lẽ, như tác giả Stephen Roberts đã tin tưởng, vấn đề là nước Pháp đã không thể huấn luyện một cách đứng dắn các nhà hành chính của họ (32).  Một lý do có thể đã có là các nỗ lực tập trung hóa có thể bị nhắm sai hướng.

Sự hăng hái mà với nó các thẩm quyền ở Paris đã vồ bắt Thống Đốc Le Myre de Vilers là một trường hợp tiêu biểu – và có nhiều trường hợp khác - khiến cho ta nghĩ rằng ngay các năng lực phát ra bởi các bộ sở tại Paris đã không đánh trúng các mục đích của chúng.  Các viên chức cao cấp có vẻ đã lo lắng việc chống đỡ tình cảm chính đáng (amour propre) của họ nhiều hơn việc chu toàn các trách vụ của mình như là các người điều khiển một chính quyền thuộc địa.  Một sự chuyển hướng tương tự tách khỏi các mục đích của sứ mệnh khai hóa có thể đã diễn ra trong số các nhà hành chánh làm việc tại hiện trường ở Đông Dương.  Họ cũng có vẻ đã lãng quên các bổn phận chính danh của họ trong khi áp đặt thẩm quyền và bòn rút lợi nhuận từ thuộc địa.  Dựa trên các báo cáo của các thanh tra, người ta phải kết luận rằng sư, hiện diện của Pháp tại Đông Dương, từ năm 1867 đến 1913, tượng trưng cho một sự thất bại của sứ mệnh khai hóa và gặp khó khăn với giá phải trả khi thực thi (mise en valeur).  Các nỗ lực để áp đặt một chính sách tập trung hóa thẩm quyền theo học thuyết của Tocqueville có vẻ như đã đặt chính quyền vào một tình trạng khó xử.  Sự tập trung hóa được áp đặt thành công càng xa, sự xa cách của thẩm quyền làm tổn hại hiệu quả càng nhiều.  Ở nơi mà tầm hữu hiệu của thẩm quyền không được áp dụng, các sự lạm dụng sẽ lan tràn.  Nha Thanh Tra đã không được thiết kế cũng như không có khả năng để kiểu chính các sai lầm mà nó đã phát hiện và báo cáo./-

___

CHÚ THÍCH:

1. Ghi chú về các nguồn tài liệu: tài liệu cho bài viết này hầu như hoàn toàn được rút ra từ các hồ sơ công khai tại Văn Khố Quốc Gia, Phần Hải Ngoại (Archives Nationales, Section Outre-Mer), 27 rue Oudinot, Quân VII, Paris.  Các hồ sơ của chính Nha Thanh Tra (tại cùng địa chỉ trên) không được mở cho công chúng tham khảo.  Chánh Quản Thủ Văn Khố Larouche có trình bày với tôi (trong thư đề ngày 14 tháng Ba, 1967) như sau về tài liệu được cung ứng liên quan đến Nha Thanh Tra: “Các báo cáo thanh tra, gửi lên Giám Đốc Chính Trị Sự Vụ, đã được ký thác tại các văn khố cùng lúc khi chúng được xếp vào hồ sơ của Nha Thanh Tra.”  Mặc dù tài liệu sử dụng vì thế bị hạn chế và chỉ tiêu biểu cho một phần nhỏ của toàn bộ, tôi tin tưởng nơi sự hiện hữu của tài liệu mà tôi đã trích dẫn và tự chúng hậu thuẫn cho các lập luận mà tôi đã đưa ra, bất kể là tài liệu khác có thể hiện hữu trong các hồ sơ không thể tiếp cận  được.
2. MS, “Note pour toutes les Divisions,” January 20, 1868, Archives Nationales, Section Outre-Mer (tư giờ trở đi gọI tắt là ANSOM), Carton 143: Indochina H 10(1).
3. MS, “Note pour la Direction des Colonies,” No. 98, Paris, January 30, 1868, Archives Nationales, Section Outre-Mer (từ giờ trở đi gọI tắt là ANSOM), Indochina H 10 (1).
4. Hội Đồng Thuộc Địa được thành lập năm 1880 bởi Thống Đốc Le Myre de Vilers “với các ý định tốt đẹp nhất,” (Joseph Buttinger, Vietnam: A Dragon Embattled, New York, 1967, trang 19).  Nó gồm 16 hội viên.  Sáu người được chọn bởi các nhân sĩ An Nam, sáu người được bàu cử bằng “phổ thông đầu phiếu” bởi các “công dân” nhập tịch Pháp, hai người được lựa chọn bởi Phòng Thương Mại Sàigòn, và hai người là hội viên của Cơ Mật Viện (Privy Council) (Edouard Petit, Organisation des colonies francaises et des pays de protectorate, Paris, 1894, trang 280).
5. MS, “Rapport sur la situation générales des divers services en Cochinchina,” Paris, May 7, 1885, ANSOM, Indochina H 11 (2) (Từ giờ trở đi gọI là Báo Cáo Portier Report).
6. MS, “Affairs Létang – Plainte de Nguyen Van Tyong [?], ancien fermier des bacs à Thái Bình.  Rapport fait par M. Gaston Lévy, Inspector Adjoint des Colonies, concernant cette affaire à Thai Bình, à l’époque du 26 fevrier 1903 et explications fourniés par M. Létang sur les résultats de sa vérifications.” Và các tài liệu liên hệ, ANSOM, Indochina H 12 (23).
7. MS, “Rapport fait par M. Gaston Lévy, Inspector Adjoint des Colonies, sur la plainte du nommé Ly Tran Can, “ Phủ Lý, February 11, 1913, và các tài liệu liên hệ, ANSOM, Indochina H 12 (23).
8. MS, “L’Inspecteur Général des Colonies Phérivong, en mission en Indochine, à Monsieur le Ministre des Colonies, Hanoi, May 7, 1913, ANSOM, Indochina H 12 (23) (Từ giờ trở đi gọi tắt là Báo Cáo Phérivong Report).
9. Marcel Dubois và Auguste Terrier, Les Colonies francaises: un siècle d’expansion colonial (Paris, 1902), trang 873.
10. Báo Cáo Phérivong, đã dẫn trên.
11. Décret portant création d’une inspection mobile des services administratifs et financiers des colonies du 15 avril 1873, Bulletin officiel de la marine, L (1st semester, 1873), các trang 459-62.
12. Décret institutant une inspection des services administratifs et financiers de la Marine et des Colonies du 23 Juillet 1879, Journal officiel de la République francaise, July 25, 1879, trang 7369.
13. MS thư, Le Myre de Vilers gửi Bộ Trưởng Bộ Hải Quân và Thuộc Địa, Saigon, August 28. 1882, ANSOM, Indochina 116 (1056).
14. MSS các thư đề ngày September 23, October 10, November 20, 1882, thư tín đăng ký, văn khố Nha Thanh Tra.  Các thư này được đọc cho tôi nghe bởi Tổng Thanh Tra Jacques Ponchelet ngày 19 tháng Tư, 1968 tại văn phòng của ông, số 27 đường Oudinot, Paris VII.
15. Buttinger, sách đã dẫn trên.
16. Décret constituant une Inspection des Services administratifs et financiers et un contrôle central des Colonies, distincts de ceux de la Marine, à partir du 1er janvier 1887, du 12 november 1886, Bulletin officiel de la Marine, LXXVIII (2nd semester, 1886), các trang 769-71.
17. Điều 54, Luật tài chính, Article 54, Loi de finances du 25 février 1901, Les Fonctionnaires coloniaux, Tome III, (Paris, 1910), các trang 281-285.
18. MS, Rapport fait par M. Rheinhart, Inspector de 1ère classe des Colonies, concernant la vérification du Budget Général de l’Indo-chine (exercise 1904), à Hanoi à l’époque du 14 Février 1905 et explications fourniés par M. l’ Ordonnateur de ce budget sur les résultats de sa vérification,” ANSOM, Indochina H 12 (21).
19. Báo Cáo Portier, đã dẫn trên.
20. MS, “Inspection Mobile, Service de la Régie d’Opium en Annam,” Hanoi, December 1890, và các t ài liệu liên hệ, ANSOM, Indochina H 12 (2).
21. MS, “L’Inspecteur général Espeut à Monsieur le Sous-Sécrétaire d’État aux Colonies, Paris”, Hanoi, February 17, 1894, ANSOM, Indochina H 12 (3).
22. Henri Brunschwig, French Colonialism, 1871-1914 (New York, 1966), các trang 158-166.
23. MS, “Rapport fait par M. Démaret, Inspecteur de 3e classe des Colonies, concernant la vérification du service de M. Broni, Secrétaire Général de L’Indochine à Hanoi, à l’époque du 1er Mai 1905,” ANSOM, Indochina H 12 (21).
24. No. 1295/474, Hanoi, April 25, 1905 đính kèm theo báo cáo của Thanh Tra Démaret.
25. Báo Cáo Démaret, đã dẫn trên.
26. Cùng nơi dẫn trên.
27. MSS, “Compte raisonné sur le Service de Contrôle et les verifications qu’il a opérées,” Saigon, October 15, 1868; “Compte annuel raisonnés des differéntes parties du service du Contrôle …” Saigon, August 16, 1869; “Rapport du Contrôleur Colonial sur les differéntes Services de la Colonie,” Saigon, September 28, 1870, ANSOM, Indochina H 10 (1) và H 20 (1).
28. Báo Cáo Portier, đã dẫn trên.
29. Milton E. Osborne, The French Presence in Cochinchina and Cambodia (Ithaca, New York, 1969), các trang 102, 122-123, 156-159.
30. Điều 2, Article 2.
31. Khía cạnh này sẽ bao gồm một thư tịch dài.  Tôi lấy làm hài lòng để chỉ lưu ý đến bài viết  của John Laffey, nhan đề “Les racines de l’imperialisme francais en Extrême-Orient,” Revue D’histoire modern et contemporaine, XVI (April-June 1969), các trang 282-99.
32. Stephen H. Roberts, The History of French Colonial Policy: 1870-1925 (Hamden, Conn., 1963), các trang 144-148.

___
Reuben Garner là giáo sư cố vấn tạI Empire State College, Buffalo, New York.

_______
Nguồn: Reuben Garner, The French in Indochina: Some Impressions of The Colonial Inspectors, 1867-1913, Southeast Asia, An International Quarterly, Vol. III, No. 3, Spring 1974, Center for Vietnamese Studies, Southern Illinois University at Carbondale, các trang 831-842.
           


http://cpa.marseille.free.fr/

Ngô Bắc dịch và chú giải

© 2007 gio-o

đọc các bản dịch khác của Ngô Bắc