PIERRE PASQUIER
Toàn Quyền Đông Dương

BIỆN HỘ CHO SỨ MỆNH KHAI HÓA
TẠI ĐÔNG DƯƠNG

NGÔ BẮC dịch

 

Lời người dịch:

Dưới đây là bài dịch đầu tiên trong một loạt các bài viết về chủ đề Sứ Mệnh Khai Hóa của chính quyền Pháp thời thực dân, sẽ lần lượt được đăng tải trên gio-o:

1. Biện Hộ Cho Sứ Mệnh Khai Hóa tại Đông Dương, của Pierre Pasquier
2. Người Pháp tại Đông Dương: Một Vài Cảm Nghĩ của Các Thanh Tra Thuộc Địa, 1867-1913, của Reuben Garner
3. Phản Ứng Của Thực Dân Đối Với Dân Bản Xứ, của Virginia Thompson
4. Huyền Thoại Đồng Hóa: Lý Thuyết về Chủ Nghĩa Đế Quốc của Pháp tại Việt Nam trước năm 1914, của Clarke W. Garrett

___


Tài liệu này bao gồm các đoạn giới thiệu và kết luận của một bài diễn văn dài lượng định tình hình thuộc địa của Pierre Pasquier, Toàn Quyền Đông Dương thuộc Pháp, đọc ngày 15 tháng Mười năm 1930.  Trong tháng Hai của năm đó, cuộc khởi nghĩa Yên Báy đã nổ ra tại Bắc Việt, được thúc đẩy bởi Việt Nam Quốc Dân Đảng (Vietnamese Nationalist Party), bị chính quyền thuộc địa đàn áp cực kỳ hà khắc.  Pasquier, kẻ đã rất thấu hiểu Việt Nam, đã viết một quyển sách có giá trị về An Nam cổ xưa, là một trong những phát ngôn viên hùng hồn nhất của nền thống trị thực dân Pháp trước Thế Chiến II.

 

Thưa Quý Liệt Vị,

Kể từ phiên họp cuối của Đại Hội Đồng, Đông Dương đã trải qua các biến cố nghiêm trọng.  Trước cơ quan đại diện tối cao của thuộc địa, tôi xin nghiêng mình kính chào, với sự xúc động vẫn chưa mờ nhạt, trước các công dân nước Pháp và dân bản xứ đã là nạn nhân của các biến cố này.

Thưa quý liệt vị, khoảng gần hai năm trước đây, khi đảm nhận chức vụ,, tôi đã nêu ra ước vọng của mình là hoàn tất công việc của các người tiền nhiệm của tôi, vận dụng hết khả năng của mình để thực hiện khoản vay mượn, cho sự thành lập tổ chức nghiệp vụ ngân hàng của thuộc địa, mang lại cho Đông Dương một hệ thống tiền tệ xác định; cùng lúc tôi đã trình bày chi tiết dự định của tôi nhằm theo đuổi một cuộc điều tra sâu rộng, là điều trở nên cần thiết, về chính ngay giá trị của Đông Dương cũng như về khả năng và các khả tính trong tương lai của nó, mà không làm gián đoạn nhịp sống [của thuộc địa].  Sự thực hiện dự án khiêm tốn này đã không tùy thuộc riêng vào ý chí của riêng tôi, [và] các sự trì hoãn cho đến nay đã ngăn trở sự hoàn tất của nó, tuy nhiên theo các sự bảo đảm được đưa ra cho chúng ta, sẽ là một sự việc được chu toàn trong một tương lai rất gần.

Bất kể đến các tình tiết ngoạn mục, bất kể đến cuộc khủng hoảng thế giới mà ảnh hưởng cũng được cảm thấy ở nơi đây, Đông Dương dù thế vẫn tiến triển một cách vững chắc trong vòng hai năm này.  Không công việc của một ai bị trì chậm lại bao giờ.  Các nỗ lực của người đến định cư, của nhà hành chánh, và của dân bản xứ đã bảo đảm cho tình trang quân bằng trong tình hình hiện tại, không có cách nào chứng minh được rằng sự khủng hoảng niềm tin đã phát sinh ra từ một số thành phần nào đó.

Tại đây, nơi mà mọi người đang tham gia vào công việc hiện có, chúng ta có thể lương giá sự khó khăn của các công tác sẽ được chu toàn, chúng ta có thể cân nhắc các kết quả thu lượm được, tại đây, nơi dưới sự phê bình thẳng thừng các tư tưởng của chúng ta, mọi người dù thế đều thừa nhận sự vĩ đại của cơ cấu được dựng lên bởi nước Pháp trong một nỗ lực tập thể và liên kết, điều đễ dàng làm chúng ta nóng giận trước các ý kiến được hình thành từ nơi cách xa chúng ta chống lại sự tiến bộ trong cuộc tiến hóa của chúng ta.

Chúng ta thấy khó khăn để hiểu được sự quan tâm đột ngột đến Đông Dương, hình ảnh xa xăm xuất hiện trước xứ sở đô hôi [tức nước Pháp] trong ánh sáng bất chợt của những biến cố vụt sáng mà trong khoảnh khắc chứa đựng sự lưu ý không ngừng thay đổi trong công luận.  Rồi thì chúng ta nhìn thấy làm cách nào, ngoài một sự điều tra vô tư nhưng trung thực, các giải pháp cho các vấn đề của Đông Dương đã được đạt tới, [kể cả] những chiến dịch đầy thù hận và xảo trá cố tình tảng lờ các sự kiện, chỉ là các trò nhại chơi đối với các thực tế, nhằm đại điện cho lớp dân bản địa như đang bị đè đầu dưới ách của điều, mà tôi không hề biết đến, của luật lệ hà khắc và tàn nhẫn của nền thống trị ngạo mạn, xuyên tạc hành động quảng đại, công chính và khoan thứ mà Chính Quyền đã không ngừng áp dụng, và hãy còn đang thi hành, trong mọi khía cạnh tinh thần và vật chất, cho sự phát triển và hùng mạnh của Liên Hiệp Đông Dương. 

Các sự cáo buộc ghê tởm này, sự công bố xảo quyệt hay cay độc này giải thích các hành động ít được quan tâm nhất của chúng ta để xuyên tạc chúng [các hành đông, chú của người dịch], tất cả điều này không có ý nghĩa gì cả mà chỉ là một mánh lới của một chương trình to lớn được phác họa một cách có phương pháp và được thực hiện một cách chính xác, nhất thiết phải dẫn đến sự nổi loạn, nhằm phá hủy các nỗ lực khai hóa của chúng ta. 

Tôi không muốn ai hiểu lầm tôi; tại đây tôi không phản đối chống lại các trào lưu ý kiến cao cả và quảng đại đã thu nhận được sức mạnh của chúng từ các cảm tính vị tha và thuần khiết nhất trong tâm hồn người Pháp.  Các trào lưu công luận này bắt buộc chúng ta ở những thời điểm nào đó thẩm xét lương tâm chúng ta và nhờ đó tăng cường hơn nữa các lý do của chúng ta để giữ  vững sự kiên trì trong những chính sách mà những nhân vật như Paul Bert đã phác họa cho mọi thời đại.  Nhưng chúng cũng truyền lệnh cho chúng ta một nhiệm vụ khẩn cấp để giải thích các kiến giải của chính sách này, để lưu tâm đến các khuyếm khuyết của nó, đến chiều hướng trong các xu thế của nó; để đặt trước lương tri nước Pháp bức tranh toàn diện thành quả của chúngb ta, hầu để nước Pháp biết về nó rõ hơn, trên hết, để giúp nước Pháp am hiểu về nó hơn …

… Tôi đã cố gắng để đưa ra một bức tranh hỗn hợp về các chính sách của chúng ta tại Đông Dương, một loại chương trình các mục đích sẽ đựợc đạt tới.  Chương trình này không chứa đựng ý thức hệ dưới bất kỳ hình thức nào, nó có tính cách khả dĩ ứng dụng, xã hội, thực tế, mang dấu ấn hoàn toàn của khái niệm nhân đạo của mọi sự việc vốn là biểu hiện của mọi điều mà nước Pháp đang thi hành.

Tất cả mọi người ở Đông Dương ngày nay hay biết về các phương cách mà chúng ta đã sử dụng để giải quyết những vấn đề tự chúng xuất hiện ra trước chúng ta.

Chúng ta đã yêu cầu giới tinh hoa bản xứ, giới luôn luôn bày tỏ ý muốn thực hiện một sự liên kết chừng mực, hợp lý, nhiều thành công với chúng ta, hãy phát biểu sự tán đồng của họ đối với các chính sách mà chúng ta vừa xác định.  Chúng ta sửa soạn để theo đuổi sự thực hiện các chính sách này với sự cộng tác của họ.

Nhưng hãy để chúng ta nói cho rõ ràng.  Nếu chúng ta nhiệt tình mong ước sự hợp tác này --  hãy nhìn nhận, như đã được phát biểu một cách quảng đại trên diễn đàn của Phòng Họp này, rằng không có chủ nghĩa đế quốc nào khác hơn chủ nghĩa đế quốc của trái tim; rằng không có một sự ưu tiên nào khác hơn sự ưu tiên của tinh thần – như thế chúng ta hãy yêu cầu điều đó mà không có sự ngần ngại hay úp mở gì cả.  Sự hợp tác này phải được thực hiện, nếu không phải trên cùng một bình diện, khi đó ít nhất trên những bình diện ở cùng một mức độ, không xác quyết một tình trạng lệ thuộc nào của sự biết ơn, nhưng đòi hỏi một sự ủng hộ cụ thể và chân xác từ cả hai phía.  Chúng ta muốn hành sử một cách quả quyết, như vị Trưởng Cơ Quan đã phát biểu, “các quyền hạn mà chúng ta xác nhận là phát sinh từ một loại quyền lực nguyên thủy tư cách chính thống vốn không bị quy định thời tiêu.”

Nhưng chúng ta mong muốn hành sử các quyền hạn này trong một quan điểm về một cơ cấu được dựng lên để mọi người dân bản xứ hợp nhất sao cho nó có thể trở thành một cơ cấu chung, phát sinh từ những nỗ lực phối hợp của chúng ta, của sự liên kết các nền văn hóa của chúng ta, của sự hòa hợp các đức tính của hai chủng tộc chúng ta, của sự hòa giải các quyền lợi hỗ tương của chúng ta.  Nếu sự hợp lực này làm chúng ta thất vọng, điều mà tôi không thể tin là có, bởi người dân bản xứ có đem đến cho chúng ta tràn đầy bằng chứng của sự chấp thuận sáng suốt của họ, nếu những kẻ cầu khẩn sự bảo vệ của chúng ta lại phải gạt bỏ các đậc ân của chúng ta, xem chúng là vô ích cho hạnh phúc của họ và là vô năng lực để làm phát sinh các bổn phận đối với chúng ta, xin đừng lầm lẫn (trong việc tin tưởng] rằng nước Pháp sẽ không theo đưổi bất kỳ điều gì ít hơn, bằng sức của chính mình, sứ mệnh cao cả phù hợp với thiên tư của nó.  Không gì có thể làm gián đoạn hành động nhân từ một cách quảng đại của nó.  Tôi phát biểu thẳng thắn, không gay gắt, nhưng tôi không muốn để lại trong đầu óc của quý vi các sự mơ hồ, các sự tưởng tượng điên khùng và nguy hiểm nào.

Sự quảng đại của chúng ta, hay một cách đơn giản sự thành đạt sứ mệnh của chúng ta, không nên được chấp nhận như các dự phiếu hứa hẹn (promises), như các lệnh phiếu (bills of exchange) mà chúng ta rút tiền từ ngườI dân bản xứ hay ngườI dân bản xứ sẽ  rút tiền từ chúng ta.

Chúng ta sẽ không được cho phép các kẻ gièm pha công việc của chúng ta tiếp tục thêu dệt mạng lưới ngụy biện che dấu diện mạo chân thực của Đông Dương khỏi [tầm nhìn của] tất cả các người đang sinh sống tại nơi đây cũng như những người tại Pháp.

Chúng ta phải làm việc để đạt các mục đích sẽ thỏa mãn tấm lòng vị tha của chính chúng ta và các quyền lợi chính đáng của chúng ta và những mục đích, một cách chính xác bởi các lý do này, sẽ có thể tạo ra một tương lai sinh sống tốt đẹp hơn, có tự do nhiều hơn trong khuôn khổ nền văn minh của chúng ta, cho những người dân sống dưới sự bảo vệ của các thành trì vững chắc của quyền năng tinh thần và vật chất của chúng ta; trong niềm tin chắc chắn là ở một thờI điểm nào đó, xuyên qua sự phát triển của cảm nghĩ hỗ tương về sự kính trọng và tình thân thiện thuận lý, nước Pháp sẽ nhìn thấy trên mảnh đất Á Châu này sự đâm chồi nảy lộc của một trong những cành cây xinh đẹp nhất mọc ra từ tinh thần của nó [tức nước Pháp, chú của người dịch] và những mục đích mà trong sự hòa hợp và thống nhất mọi con dân của nó sẽ chứng thực cho tính chất bền bỉ của sự hiên diện của nó …

---

Nguồn: Đại Hội Đồng Kinh Tế và Lý Tài Đông Dương, khóa họp thường lệ năm 1930, Diễn Văn đọc ngày 15 tháng Mười năm 1930 bởi ông Pierre Pasquier, Toàn Quyền Đông Dương (Grand Conseil des Interêts Économiques et Financiers de l’Indochine, session ordinaire de 1930, Discours prononcé le 15 Octobre 1930 par M. Pierre Pasquier, Gouverneur général de l’Indochine), Hanoi-Haiphong: Imprimerie d’Extrême-Orient, 1930, các trang 3-5, 117-119, bản dịch sang Anh ngữ bởi Margaret W. Brockhuysen.

 

Ngô Bắc dịch và chú giải

© 2007 gio-o

đọc các bản dịch khác của Ngô Bắc