Lê Văn Duyệt
trên đồng tiền của Miền Nam Việt Nam Cọng Hòa (1954-1975)

NGUYỄN THẾ ANH

VÀI NHẬN XÉT
VỀ NGOẠI GIAO ĐÔNG DƯƠNG
HỒI ĐẦU THẾ KỶ THỨ 19

NGÔ BẮC dịch

Ông Nguyễn Thế Anh là cựu Giáo Sư Sử Ký tại Đại Học Sàigòn và Viện Trưởng Viện Đại Học Huế. Ông là tác giả hàng đầu về lịch sử kinh tế của Việt Nam thế kỷ thứ mười chín (viết bằng tiếng Việt) và quyển sách tham khảo tiêu chuẩn nhan đề  Thư Tịch Phê Bình Về Các Quan Hệ giữa Việt Nam và Tây Phương (Bibliographie critique sur les relations entre le Viet-nam et l’Occident).

***

Vào lúc khởi đầu thế kỷ thứ mười chín, bản đồ chính trị của bán đảo Đông Dương có vẻ được xác định một cách rõ ràng, với sự xuất hiện của ba quốc gia hùng mạnh, Việt Nam ở phía đông, Xiêm La ở thung lũng sông Menam, và Miến Điện – nước mà các người Âu Châu quen gọi vào lúc đó là vương quốc Ava -- ở phía Tây.  Tuy nhiên, một cán cân quyền lực giữa các quốc gia này vẫn chưa được thiết lập.  Trong thực tế, các vị chúa tể của chúng, tất cả đều là các kẻ sáng lập các triều đại mới, đã gắng sức để chống đỡ thẩm quyền của họ bằng sự chinh phục đất đai, như một sự chuyển hướng sự tranh dành các phe nhóm đe dọa đến sự ổn định nội bộ của họ.  Các giao hảo bề ngoài giữa hoàng đế Việt Nam Gia Long (1802-1820) và các quốc vương Xiêm La Rama I (1782-1809) và Rama II (1809-1824) không thể nào che dấu sự cạnh tranh của họ nhằm thống trị Căm Bốt.  TạI phía Tây của bán đảo, chính sách gây hấn của quốc vương Miến Điện, Bodawpaya (1782-1829), dẫn dắt ông tiến vào nhiều sự tranh chấp với Xiêm la, nước mà ông đã tấn công lần đầu tiên vào năm 1786; sự hưu chiến được ký kết giữa Xiêm La và Miến Điện năm 1793, dành cho Miến Điện vùng bờ biển Tenasserim, mang lại hòa bình giữa hai nước chỉ trong một thời gian rất ngắn.  Hơn nữa, do hậu quả của sự chinh phục của ông vùng Arakan năm 1784, Bodawpaya cũng đã trở thành một mối đe dọa đối với Công Ty Đông Ấn của Anh, vốn đã sẵn trở thành bà chủ một phần đất lớn hơn của Ấn Độ.  Sự đe dọa này đã được cụ thể hóa vào năm 1817, khi quân đội Miến Điện xâm lăng Assam, và đặc biệt trong năm 1822, khi mà các đôi quân của viên tướng lãnh Miến Điện Maha Bandula thực hiện các sự chuẩn bị để tiến vào vùng Bengal.  Cùng lúc, các sự phát triển tại bán đảo Mã Lai, nơi mà Anh Quốc đã thiết lập một nhà máy tại Pénang, mang lại thêm một nguyên cớ gây lo ngại cho Công Ty Đông Ấn; trong năm 1821, quân đội Xiêm La, dưới sự chỉ huy của vị lãnh chúa vùng Ligore (Rajah of Ligore), chiếm cứ đất đai ở Kedah, vùng có vị Lãnh Chúa hai năm trước đây đã tự nguyện đứng về phía Miến Điện; sự chiếm đóng này được xem là gây phương hại cho sự tiếp tục của vùng Penang như là phần sở hữu của Công Ty Đông Ấn.

Trong sự hỗ trợ các cuộc mạo hiểm quân sự, nhiều cường lực loay hoay tìm kiếm các đồng minh.  Trong bối cảnh đó chúng ta thấy phù hợp cho cả phái bộ ngoại giao của John Crawfurd, được gửi đi bởi toàn quyền Ấn Độ đến Xiêm La và Việt Nam trong các năm 1821-1822 (1), lẫn sứ đoàn được phái bởi quốc vương Miến Điện Bagyidaw (1819-38) sang Việt Nam năm 1823 (2).

Sứ đoàn Miến Điện sang Việt Nam hiển nhiên không phải là một hành vi được thức đẩy riêng bởi sự cảnh giác của quốc vương Miến Điện về việc liên kết với nhau của các nước thù nghịch chống lại ông: sáng kiến trực tiếp đến từ vị tổng trấn Gia Định (Nam Kỳ: Cochinchina), Lê Văn Duyêt.  Các tài liệu của triều đình nhà Nguyễn chứa đựng các sự giải thích mâu thuẫn về việc làm sao mà Tả Quân Lê Văn Duyệt đã đi đến việc thiết lập các quan hệ với Miến Điện.  Một mặt, các nhà biên soạn tại Quốc Sử Quán (Bureau of the Annals) ghi nhận rằng sứ đoàn Miến Điện phát sinh từ một biến cố ngẫu nhiên, có nghĩa là một sứ giả của Lê Văn Duyệt, ông Nguyễn Văn Đô [?],đã được phái sang các cơ xưởng của người Anh để mua vũ khí, nhưng bị lôi theo các luồng gió ngược chiều để trôi giạt đến bờ biển Miến Điện, từ đó ông được dẫn về Ava; chính nhân dịp hộ tống vị sứ giả này trở lại Việt Nam mà quốc vương Miến Điện đã phái đi sứ đoàn của chính ông (3).  Mặt khác, vào năm 1835, khi liệt kê các tội được cáo buộc cho Lê văn Duyệt, các quan chức thuộc ban bí thư hoàng gia, Hà Tôn Quyền, Nguyễn Tri Phương và Hoàng Quýnh, đã báo cáo lên hoàng đế Minh Mạng rằng ông Lê văn Duyệt đã đự định phản bội vào năm 1823, dưới lớp vỏ thám thính, ông đã phái một đặc sứ, ông Phan Hồng Dat [Đạt hay Dật?, chú của người dịch], mang một mật thư sang Miến Điện.

May mắn, điều thực sự dẫn đến sự bổ nhiệm sứ đoàn Miến Điện đã được kể lại trong quốc thư được mang sang Việt Nam bởi vị đại sứ; một bản phiên dịch sang tiếng Pháp được lưu trữ ở Văn Phòng Đặc Trách Ấn Độ (India Office) tại Luân Đôn (4). Theo bằng chứng này từ phía Miến Điện, hai sứ giả Việt Nam, Ong doi Lam [ông đội Lâm?, chú của người dịch] và Thu hap Vinh [?], đã đến Penang và gặp gỡ một “chủ nhân gốc Trung Hoa (có lẽ là người được lãnh trưng) các hòn đảo và vùng núi sản xuất salanganes (tổ yến để nấu canh) ” tại Miến Điện”.  Được thông báo về sứ mệnh của họ, viên Kapitan (Đôi Trưởng ?) Trung Hoa đã chuyển họ lên kinh đô Miến Điện, nơi họ đã trình lên quốc vương các tặng phẩm gồm vũ khí và đồ lụa là.  Họ cũng tuyên bố rằng, trong quá khứ, hoàng đế Gia Long đã có ý định gửi các đại sứ sang Miến Điện, nhưng sự băng hà của Ngài đã làm hỏng ý định này, [nay] chỉ được hoàn thành sau khi vua Minh Mạng lên ngôi.  Ông đội Lâm [?] nói thêm rằng phía Việt Nam gặp nhiều khó khăn với Xiêm La về vấn đề Căm Bốt, và rằng nếu Việt Nam và Miến Điện thành lập một liên minh, sẽ không có gì khó khăn để đánh bại Xiêm La và thiết lập các sự thông tin dễ dàng hơn giữa hai nước.  Về phía Việt Nam, bộ Đại Nam Thực Lục Chính Biên (Veridical Records) cho rằng chính Miến Điện luôn luôn mong muốn đưa ra các đề nghị giao thương với Việt Nam và, dưới thời Gia Long, đã gửi hai sứ đoàn sang, nhưng họ đã không thể đến được Việt Nam: vào dịp kế ngôi của vua Minh Mạng, quốc vương Miến Điện đã muốn gửi lời chúc mừng và đề nghị Việt Nam cắt đứt các quan hệ với Xiêm La.  Cách nào đi nữa, đề nghị rõ rệt là nhằm chia cắt bán đảo Đông Dương thành hai khu vực ảnh hưởng.

Để trả lời sự tiếp xúc với các sứ giả của tổng trấn Gia Định, quốc vương Bagyidaw đã ủy nhiệm sứ đoàn của ông rời Miến Điện vào đầu năm 1823 với các tặng phẩm gửI biếu hoàng đế Việt Nam và có toàn quyền để thảo luận về các điều kiện của liên minh giữa hai quốc gia.  Theo Đại Nam Thực Lục Chính Biên, bốn mươi bẩy người đã được gồm trong sứ đoàn này, cầm đầu bởi “Nhi-miêu Ty-chi Tu-gia No-tha Hop-than”.  Theo lá thư của quốc vương Bagyidaw gửi vua Minh Mạng, chúng ta biết được rằng hàng chữ Hán khó hiểu này tượng trưng cho tước hiệu Miến Điện là  “Nemio Sri Sura Noratha”, được tiếp theo sau bởi tên một cá nhân là “Gibson”.  George Gibson, như xuất hiện trong các văn thư của Công Ty [Đông Ấn], là con trai của người cha gốc Anh Quốc và người mẹ gốc Nam Ấn Độ, sinh ra ở Madras nhưng cư trú lâu dài tại Miến Điện, nơi ông ta giữ nhiều chức vụ; ông ta nói lưu loát tiếng Miến Điện và hoàn toàn thông hiểu các phong tục của Miến Điện; ông cũng từng có lần đến Nam Kỳ trước đây, vào năm 1798, trên một chiếc tàu của Đan Mạch.

Phái đoàn Miến Điện rời Ngưỡng Quang (Rangoon) trong tháng Giêng năm 1793 và đến Penang vào ngày 26 tháng Hai, sau khi dã ngừng lại tại Tavoy trong ít ngày.  Trong khi đang chuẩn bị lái thuyền sang Việt Nam, chiếc thuyền của phái đoàn, có tên Futteh Moobaruk, bị luồn quanh bởi một ngọn lửa phát cháy do tai nạn. Đai diện của Công Ty Đông Ấn tạI Penang đã cho George Gibson vay một món tiền là $4,000 dô la và sắp xếp để thành viên phái đoàn đáp lên một chiếc thuyền Bồ Đào Nha trên đưòng đi đến Ma Cao.  Đổi lại sự trợ giúp này, Gibson hứa sẽ ghi chép trong một quyển nhật ký tất cả những gì sẽ xảy ra trong hành trình của phái bộ ông ta.  Tài liệu do ở việc ông giữ lời hứa sau này được ấn hành, dướI dạng bản tóm lược, bởi ông John Crawfurd thuộc Công Ty [Đông Ấn] như một phụ lục trong tập sách của chính Crawfurd nhan đề Journal of an Embassy to the Courts of Siam and Cochin China (1828) ; nó cung cấp các chi tiết đầy đủ về các hoạt động của phái đoàn Miến Điện trong suốt thời gian lưu ngụ tại Cochinchina (Nam Kỳ).

Đến Vũng Tàu (Cap St-Jacques) ngày 1 tháng Sáu năm 1823, phái đoàn đã tiến vào cửa Cần Giờ hôm 3 tháng Sáu, từ đó được chuyển đến Sàigòn (Chợ Lớn) bằng bốn chiếc thuyền buồm được phái đến bởi tổng trấn Gia Định.  George Gibson và các tùy tùng của ông nhất định đã phải khách của ông Lê Văn Duyệt trong mười tháng, bởi họ đã không rời khỏi Sàigòn mãi cho đến ngày 14 tháng Ba năm 1824.  Lá thư được mang bởi sứ đoàn đã phải được dịch đi, dịch lại nhiều lần trước khi nó có thể được xem là có văn phong thích hợp để chuyển về Huế và chờ quyết định của hoàng đế; sau đó, sự thiếu vắng tiền lệ hướng dẫn các quan hệ giữa Việt Nam và Miến Điện đã dẫn đến sự cứu xét kéo dài bởi triều đình Việt Nam và, sau hết, sự quy định các nghi thức phức tạp trước khi vua Minh Mạng sẵn sàng để phúc đáp vị đại sứ Miến Điện.  Trong khi sự việc này tiếp diễn, một chỉ dụ của vương triều đã được gửi đến tổng trấn Gia Định, tuyên bố rằng “người Miến Điện đã đến từ một quãng đường xa xôi xuyên qua đại dương, và vì thế không có gì phải vội vã để khuyến dẫn họ ra về sớm|.”  Nhưng trong suốt thời gian lưu ngụ tại Gia Định, phái đoàn Miến Điện đã được đối đãi rất tử tế; họ được cấp nơi ăn chốn ở, và được chu cấp, theo chỉ dụ của chính quyền trung ương, 172 bao tương (ligatures) và 47 hộc (measures?) gạo loại thượng hạng mỗi tháng, bắt đầu từ tháng Tám năm 1823.  Các cuộc giải tri cũng được tổ chức để khoản đãi phái đoàn.

Nhiều cuộc nói chuyện mà Gibson đã có với tổng trấn Lê Văn Duyệt và các quan lại dưới quyền ông cho Gibson thây các người mà ông ta đang thương thảo có một sự hiểu biết toàn hảo về tình hình quốc tế -- điều đó là chắc chắn bởi tỉnh Gia Định là điểm tiếp xúc trên một quy mô rộng lớn cho toàn thể Việt Nam với thế giới.  Một câu hỏi đã được nêu lên nhiều lần về tính chất thực hành của một liên minh giữa Việt Nam và Miến Điện, đặc biệt vì hai nước quá xa cách nhau và sẽ không thể phối hợp hành động, ngay cả trong các tình huống khi mà một cuộc tấn công vào Xiêm La được xem là thuận lợi; các sự nghi ngờ cũng đuợc biểu tỏ về sức mạnh thực sự của quân đội Miến Điện, vốn đã nhiều lần mở các cuộc tấn công vào Xiêm La nhưng chưa bao giờ có vẻ có khả năng khuất phục được đối phương.  Lê Văn Duyệt cho thấy ông theo dõi sát sự tiến triển của tình hình tại bán đảo Mã Lai: ông đã phát biểu ý kiến rằng chiến tranh có thể bùng nổ lần nữa giữa Anh Quốc và Xiêm La trên quyền kiểm soát vùng Kedah, bất kể đến sự giải quyết hai năm trước đây, và rằng Anh Quốc sẽ mưu toan sáp nhập vùng Junk-Ceylon, đảo Lada, vùng Kedah và Rerak, bởI vì những lãnh thổ này không thể thiếu được một khi Penang trở thành một trung tâm thương mại to lớn.

Tuy  nhiên dù Lê văn Duyệt có chủ định nhiều về một liên minh giữa Việt Nam và Miến Điện, ông không thể đi xa hơn những gì mà triều đình đã đồng ý.  Vốn đã có nhiều dấu hiệu cho thấy vua Minh Mạng và một sô quan trong triều nghi ngờ rằng tổng trấn Gia Định đã theo đuổi một chính sách riêng của chính mình: vào đầu tháng Bẩy năm 1823, sau khi Gibson đến nơi, Lê Văn Duyệt có nhận được một lá thư từ viên thống đốc người Anh tại Penang nhưng không dám mở thư, và đã phải chuyển trình lá thư lên triều đình, vì lo sợ rằng vua Minh Mạng sẽ buộc tội ông giữ sự liên lạc bí mật với người Anh.  Tất cả những gì mà Lê Văn Duyệt có thể làm được lúc đưong thời là tái bảo đảm với Gibson rằng ông sẽ cố gắng tối đa để giúp đỡ  vị sứ giả Miến Điện hoàn thành sứ mệnh.


Lê Văn Duyệt được triệu hồi bởi vua Minh Mạng về Huế trong tháng Tám năm 1823, nhưng đã không khởi sự chuyến du hành về kinh đô mãi cho đến ngày 19 tháng Mười Một.  Tuy nhiên, Gibson đã phải chờ đợi cho đến đầu năm 1824 trước khi ông ta được thông báo về kết quả các sự thảo luận tại triều đình về liên minh giữa Việt Nam và Miến Điện.  Lê Văn Duyệt đã gắng sức tại Huế để bênh vực cho duyên cớ của vị sứ giả Miến Điện; ông vạch ra rằng, với sự giúp đỡ của Miến Điện, Việt Nam có thể hy vọng mở rộng sự kiểm soát của nó trên toàn lãnh thổ Căm Bốt và sau đó thiết lâ-p các quan hệ thương mại sinh lợi với đồng minh mới của mình.  Nhưng triều đình bị phân chia thành hai phe: nếu một phái xác nhận rằng nước Xiêm La sẽ chẳng đặc biệt biết ơn Việt Nam về việc bác bỏ đề nghị của Miến Điện, phái kia lại miễn cưỡng từ bỏ chính sách đối ngoạI truyền thống của Việt Nam, chính sách duy trì các sự giao hảo với Xiêm La.  Từ các triều đại trước đây, các đại sứ đã được trao đổi một cách thường xuyên giữa Việt Nam và Xiêm La, và trong năm 1820 các sứ giả Việt Nam đã được phái sang Xiêm La để thông báo sự băng hà của vua Gia Long, trong khi quốc vương Xiêm La đã ủy nhiệm một sứ đoàn mang biếu tặng phẩm nhân dịp đăng quang của vua Minh Mạng; trong năm 1822, có một cuộc trao đổi đại sứ khác.

Vua Minh Mạng đã kết thúc cuộc tranh luận bằng việc quyết định rằng không có ích lợi gì trong việc đánh đổi sự thông cảm hiện có với nước láng giềng Xiêm La để lấy một liên minh gây nhiều rắc rối với Miến Điện, một nước chưa được quen biết bao nhiêu; nhà vua nhìn nhận rằng, như một quyền lực thân hữu, nước Xiêm La chưa từng bao giờ giúp đỡ lớn lao gì cho Việt Nam, dù thế, [Việt Nam] cũng không thu lượm được mấy lợi lộc trong việc liều lĩnh gây chiến công khai với họ.

Kết quả, Gibson được thông báo rằng đề nghị của Miến Điện về một liên minh đã bị bác bỏ bởi hoàng đế Việt Nam.  Các lời tường thuật của Việt Nam và Miến Điện phù hợp với nhau về việc toàn thể tặng phẩm mang sang bởi sứ đoàn Miến Điện đã được hoàn trả, ngoại trừ một chiếc nhẫn gắn hồng ngọc; các quà tặng được cấp cho thành viên của sứ đoàn, cùng với 516 bao tượng và 141 giạ gạo để đền bù cho các phí tổn của cuộc du hành trở về Miến Điện.  Một đơn vị biệt phái nhỏ gồm 70 binh sĩ dưới sự chỉ huy của ba vị quan chức đi hộ tống các đại biểu Miến Điện để bảo vệ họ (5).  Nhưng cùng một lúc, vua Minh Mạng có cử một đặc sứ sang Xiêm La, và thông báo cho quốc vương Xiêm La về sự từ khước của Việt Nam không tham gia một liên minh với Miến Điện.

Rời Sàigòn ngày 14 tháng Ba năm 1824, phái đoàn Miến Điện lái thuyền ra khỏi Vũng Tàu hôm 30 tháng Ba.  Tàu của nó thả neo tại Singapore hôm 9 tháng Tư; vào lúc này, chiến tranh đã bùng nổ giữa Anh Quốc và Miến Điện, và sứ đoàn đã phiI nhận một sự hộ tống quân sự Anh Quốc lên tàu trên hải trình đi từ Penang về Tavoy.  Vào lúc đó, là tháng Năm 1824 và người Anh đã xâm lăng miền nam Miến Điện, vì thế các viên chức Miến Điện bị xem là tù binh, mặc dù các sứ giả của vua Minh Mạng được trả tự do và được phép quay về Việt Nam.  George Gibson tình nguyện phục vụ như một thông dịch viên cho bộ chỉ huy Anh Quốc, nhưng bị chết bi bệnh dịch tả không lâu sau đó, trong khi quân Anh đang tiến tới Prome.

Các biến cố tại Miến Điện năm 1824 có vẻ trước tiên chứng thực cho [sự hữu lý của] vua Minh Mạng về việc nhà vua không chấp thuận để liên hệ với quốc gia đó.  Nhưng trong trường kỳ, Lê Văn Duyệt cho thấy đã nhìn xa hơn, trong chính sách của ông nhằm tìm kiếm một liên hiệp hùng mạnh hầu chống lại Xiêm La: trong những năm sau này Xiêm La đã gây ngày càng nhiều khó khăn cho Việt Nam, đặc biệt sau năm 1833, khi nước này khởi sự một sự xâm lăng công khai chống lại Việt Nam.

Sứ đoàn Miến Điện sang Việt Nam năm 1823 cũng có các hậu quả sâu xa và bất ngờ đối với cá nhân ông Lê Văn Duyệt: thái độ của ông trong vấn đề này khiến cho vua Minh Mạng tin rằng ông có khuynh hướng theo đuổi một sự. độc lập chính trị không thể chấp nhận được đối với triều đình.  Từ đó, sau cuộc nổi loạn tại Gia Định vào khoảng giữa thập niên 1830 cầm đầu bởi Lê Văn Khôi, con nuôi tổng trấn Lê Văn Duyệt, dù khi đó đã từ trần, ông Duyệt vẫn bị truy tố, và sự biện hộ trong quá khứ của ông cho liên minh với Miến Điện đã được dùng làm bằng chứng không chỉ cho sự ngoan cố theo đuổi một đường hướng hoạt động sai lạc, mà còn cho tội phản bộI lại vị chúa tể và xứ sở của ông./-

-----


Tham Chiếu:

1. Xem John Crawfurd, Journal of an Embassy to the Courts of Siam and Cochin China, London, 1828.
2. Về các nguyên do quân sự và chính trị của sứ đoàn này, tham khảo: Sri Krishna Saxena, bài nhan đề:
Causes leading to the deputation of a Burmese political mission to the court of Cochin China, Bulletin de l’École Francaise d’Extrême-Orient, bộ XLV (1951), các trang 573-9.
3. Đại Nam Thực Lục Chính Biên (Veridical Records of Đai Nam), phần chính, Kỷ thứ Nhì, chương 24.
4. Home Miscellaneous Records, Tập 663, các trang 309-18.
5. Châu bản (Tài liệu Văn Khố nhà Nguyễn), thời Minh Mạng, Tập XI, hồ sơ 150.

-----

Nguồn: Some Remarks On Indochinese Diplomacy In the Early 19th Century, Journal of Asian Affairs, London, United Kingdom, Oct.1976, Vol.7, issue 3, các trang 312-316. 

 Ngô Bắc dịch và chú giải

© 2007 gio-o

đọc các bản dịch khác của Ngô Bắc