đọc trong mùa Tết
Max Boot
Council of Foreign Affairs
NGƯỜI MỸ ĐÃ TIÊN ĐOÁN
VỤ CÔNG KÍCH TẾT
Ngô Bắc dịch
Edward G. Lansdale, bên trái, đến Sàigòn trong Tháng Tám 1965, Credit Associated Press
Vụ Công Kích Tết, khởi sự vào ngày này 50 năm trước, và được ghi nhớ như một khúc ngoặt của Chiến Tranh Việt Nam, làm cho người Mỹ ngạc nhiên. Một trong số ít người đã trông thấy những gì sắp xảy ra là Edward Lansdale, một viên tướng không quân hồi hưu và một nhân viên đặc vụ bí mật huyền thoại, kẻ đã trợ lực vào việc tạo lập quốc gia tại Nam Việt Nam sau khi người Pháp rút lui. Ông đã quay lại Sàigòn trong năm 1965 với tư cách một viên chức tại Tòa Đại Sứ Mỹ, cố gắng sử dụng các quan hệ mật thiết của ông với người Nam Việt Nam để cứu vãn một điều gì đó khỏi một nỗ lực chiến tranh đang thất bại.
Vào một lúc khi mà nhiều nhà lãnh đạo Mỹ lạc quan một cách thận trọng về chiến tranh, ít nhất ở mặt công khai, Lansdale đã phóng lên các ngọn lửa cảnh báo. Vào cuối Tháng Mười 1967, ông có viết cho Ellsworth Bunker, đại sứ tại Sàigòn, “Tôi tin rằng Hà Nội đang đánh bạc với đỉnh điểm của cuộc chiến sẽ diễn ra trong năm 1968.” Ông đã dự liệu rằng các nhà lãnh đạo Bắc Việt Nam sẽ cố gắng lập lại sự thành công của họ khi chống người Pháp: “các kẻ lập chính sách và các sử gia Hà Nội đã nhìn sự thất trận của các lực lượng Pháp như đã vươn tới điểm quyết định xuyên qua cảm tính chống đối chiến tranh tại Mẫu Quốc Pháp chứ không phải trên bãi chiến trường tại Việt Nam; Điện Biên Phủ đã được chiến đấu bởi phe Việt Minh phần lớn để định hình công luận tại Paris, hơi có vẻ kịch tính chứ không phải chiến lược quân sự vững chắc. Nó có hiệu quả.” Ông cảnh cáo, giờ đây Hà Nội đang cố gắng thi hành một kế hoạch tương tự để “làm người Mỹ rỉ máu” và “để có công chúng Mỹ buộc phải có sự rút lui của Hoa Kỳ,” bởi “họ [Hà Nội] tin rằng công chúng Mỹ dễ bị xâm kích bởi sự vận động tâm lý trong năm 1968.”
Đó là một sự tiên đoán chính xác một cách kỳ lạ, nhưng giống như phần lớn những gì Lansdale đã phải nói, nó không được để ý đến bởi các thẩm quyền cần thiết. Ông đã cảnh cáo trong năm 1963 rằng thật là một lỗi lầm khi lật đổ người bạn và người do ông bảo trợ, Tổng thống Ngô Đình Diệm. Ông bị phớt lờ, và sau cái chết của ông Diệm trong một cuộc đảo chính quân sự, Nam Việt Nam bị tuột dốc không phanh, dẫn đến việc Tổng Thống Lyndon Johnson phải gửi các binh sĩ Mỹ sang chiến đấu để ngăn ngừa một sự chiến thắng của phe Cộng Sản. Sau đó Lansdale cảnh cáo rằng không có cách nào ra khỏi vũng lầy bằng hành động quân sự không thôi; ông nói, Hoa Kỳ phải nuôi dưỡng một chính quyền chính đáng tại Sàigòn có thể giành thắng sự ủng hộ của dân chúng. Ông đã bị phớt lờ một lần nữa khi Mỹ mở tung chiếc hộp Pandora [nghĩa bóng, nguồn cội dồi dào của các sự khó khăn, ND] lập các khu nổ súng tự do và các công tác lùng và diệt địch. Tướng Westmoreland tin rằng ông có thể hạ sát Việt Cộng nhanh hơn số họ có thể được thay thế.
Vụ công kích Tết, mở ra hôm 30 rạng 31 Tháng Một 1968, đã bộc lộ các sự đoan chắc hân hoan của Westmoreland, cho đến cuối mùa thu 1967, rằng ông đã nhìn thấy “ánh sáng ở cuối đường hầm” không gì nhiều hơn một ước mơ muốn biến thành sự thực. Tám mươi nghìn binh sĩ Việt Công. đã tấn công 36 trong 44 tỉnh lỵ, 64 trong số 242 quận lỵ, năm trong sáu thành phố tự trị và vô số các thôn ấp và làng xã. Một trận đánh giành quyền kiểm soát Huế, cố đô triều đình xưa, diễn ra ác liệt trong hơn một tháng. Ngay bức tường bao quanh của tòa đại sứ tại Sàigòn cũng bị xâm nhập bởi một toán đặc công Việt Cộng.
Lansdale đã đến thăm tòa đại sứ không lâu sau khi quân tấn công Việt Cộng bị giết hay bị bắt. Ông lái xe trên các đường phố hoang vắng, ngang qua các chiếc xe lỗ chỗ vết đạn – “một trong các chiếc xe, một xe du lịch với các cánh cửa khép hờ, có thân thể một người đang bò từ ghế ngồi xuống vệ đường“, ông ghi nhận. “Một người Mỹ trong y phục dân sự, đã chết.” Trong chính tòa đại sứ, ông nhận thấy “các cửa kính bị vỡ và các mảnh tường xây vỡ vụn dưới bước chân. Cùng với các lỗ hổng tại bức tường và tòa dại sứ quán mới bởi hỏa tiễn và túi chất nổ của Việt Cộng”, các chiếc xe bên ngoài “có cửa kính bị vỡ nát, bánh xe bị xẹp, và các lỗ đạn.”
Trong khi chiến sự tiếp diễn, biệt thự của Lansdale tại số 194 đường Công Lý, theo lời của chính ông, “mang vẻ một trạm lữ hành”. Hầu hết các nhân viên giúp việc nhà người Việt Nam không ở cạnh bởi dịp nghỉ lề Tết, do đó Lansdale và hai người phụ tá đã phải đi “xoáy” thực phẩm và nấu ăn lấy. Một trong các phụ tá của ông đã “giải phóng” một số lượng bánh mì từ Brinks Hotels, nơi đang được sử dụng làm chỗ ở của các sĩ quan độc thân. Lansdale và các phụ tá của ông viếng thăm các bè bạn Việt Nam, bị mắc kẹt trong các ngôi nhà của họ, đã mang đến cho họ bánh mì “quốc cấm”.
Đại Sứ Bunker, có biệt danh Ông Già Tủ Lạnh đặt bởi người Việt Nam vì vẻ lạnh lùng của ông, đã đến nhà Lansdale cùng với toán bảo vệ an ninh của ông, để ngủ một đêm bởi cư sở của chính đại sứ bị xem là không an toàn. Lansdale ghi nhận rằng ông đại sứ, sau một cơn chợp mắt, “đã trở nên quen thuộc với chai rượu cognac F.O.V. của chúng tôi từ Hồng Kông lần đầu tiên.” Lansdale cũng nhận cho tá túc vài người tỵ nạn Việt Nam trở nên vô gia cư vì chiến sự -- một bà nấu bếp trước đây và đứa con gái và cháu gái của bà ta. Để cử hành ngày sinh nhật 60 tuổi của Lansdale vào ngày 6 Tháng Hai, các bạn hữu và gia đình đã gửi thức ăn làm quà tặng, từ xúc xích đến bia San Miguel. “Do đó,” Lansdale viết, “một vài cuộc gặp mặt tại nhà trên đường Công Lý không có tinh thần Việt Nam thông thường của màn đại bi kịch, mà trông giống các buổi picnic cổ điển nhiều hơn.”
Lúc kết thúc, cuộc công kích Tết đã không thành công trong việc khởi động một cuộc tổng nổi dậy, như các lãnh đạo Cộng Sản hy vọng. Các thống kế chính thức của Mỹ cho thấy 58,373 địch bị chết trong khoảng từ 29 Tháng Một đến 1 Tháng Ba 1968, so với số 3,895 quân chiến đấu Mỹ bị chết, 4,954 binh sĩ Nam Việt Nam và 14,300 thường dân Nam Việt Nam. Các tướng lĩnh Mỹ tuyên bố đây là một sự thất trận quyết định đối với Việt Cộng. Lansdale, một cách tự nhiên, đã nhìn các sự việc một cách khác.
Ông thừa nhận rằng địch “đã bị nghiền nát về mặt quân sự,” nhưng ông đã cảnh cáo hôm 27 Tháng Ba 1968, rằng cuộc công kích có tiềm năng đạt được hai mục tiêu của Hà Nội: nó có thể đánh “sự lo sợ vào tâm tưởng của dân thành phố bằng việc phơi bày sự vô khả năng của chính phủ trong việc cung cấp an ninh thích đáng”, và nó có thể làm gia tăng “áp lực tại nội địa Hoa Kỳ và hải ngoại đòi hỏi sự triệt thoái, bằng cách chứng minh sự vô vọng của chiến thắng và sự vô luân trong chính nghĩa của chúng ta (thí dụ, hình ảnh hỏa lực Hoa Kỳ hủy diệt các thành phố Việt Nam thân hữu).” “Yếu tố xúc cảm trong Chiến Tranh Việt Nam đã tăng trưởng đến kích thước rộng lớn kể từ cơn chấn động của cuộc công kích Tết,”, ông Lansdale cảnh cáo. Trong những tháng sắp tới, “nó hứa hẹn trở thành yếu tố xoay trục thực sụ”.
Một lần nữa, Lansdale sáng suốt hơn phần lớn các đối thủ của ông tại Sàigòn và Hoa Thịnh Đốn, các kẻ đã gạt bỏ ông như một người mơ mộng và lỗi thời. Cơn chấn động của vụ công kích Tết đã thuyết phục Tổng Thống Johnson từ khước lời thỉnh cầu của Westmoreland xin tăng thêm 200,000 binh sĩ nữa và đã gọi Westmoreland về nước làm Tham Mưu trưởng Lục Quân. Sau đó, trong một bài diễn văn gây xúc động mạnh trên Truyền Hình, ông Johnson loan báo rằng thay vì tìm kiếm việc tái ứng cử, ông sẽ dành mọi năng lực của mình để mang chiến tranh đến chỗ kết thúc.
Sự tìm kiếm việc chiến thắng của Mỹ tại Việt Nam thôi không còn nữa; câu hỏi duy nhất giờ đây là nhịp độ của sự giải kết. Nhưng vẫn còn đầy các sự giao chiến – nhiều người Mỹ sẽ chết sau Tết nhiều hơn trước đó – và Lansdale đã chứng kiến phần nào sự kiện đó trong suốt những tháng sau cùng của sự cử nhiệm ông.
Vào ngày 4 Tháng Năm 1968, Việt Cộng một lần nữa đã tấn công khắp Miền Nam trong điều được gọi là Công Kích Tết Cỡ Nhỏ (Mini Tết). “Như trong suốt các cuộc tấn công dịp Tết,” ông Lansdale viết, “mọi cây và bụi hoa vẫn nở rộ. Cách nào đó, vẻ đẹp của chúng chỉ khiến cho phần còn lại trở nên xấu xí hơn bao giờ hết.” Cuộc tấn công này, cũng vậy, đã bị đẩy lui với các sự tổn thất nặng nề. Nhưng Lansdale kinh hoàng bởi mức độ tàn phá gây ra từ sự phản công của Mỹ.
Phụ tá của ông, Charlie Sweet, đi thăm viếng một khu dân lao động của Sàigòn được gọi là Quận Tám và lấy làm sững sờ bởi “sự giận dữ sâu xa chống lại mọi người Mỹ” vì hỏa lực dữ dội mà các lực lượng Mỹ đang sử dụng chống lại khoảng 200 du kích quân Việt Cộng đang xâm nhập vào khu lân cận. “Một người dân đã phàn nàn, “Hai trăm ngôi nhà bị tàn phá cho mỗi một mạng Việt Cộng bị hạ sát. Sự giao tranh tại Quận Tám hủy diệt hơn 5,000 ngôi nhà, giết chết mất hơn 200 thường dân, làm bị thương hơn 2000 người và tạo ra 40,000 dân tỵ nan. “Tôi hy vọng chúng ta sẽ không bao giờ sử dụng các chiến thuật này trong các vụ hỗn loạn tại Hoa Kỳ, “ Lansdale đã viết, “hay chúng ta sẽ mất hết tất cả các thành phố của mình”
Bản văn của Sweet về Quận Tám “có tiếng vang”, Bộ Trưởng Quốc Phòng Clark Clifford sau này có viết, và đã khiến người kế nhiệm Westmoreland, Tướng Creighton Abrams, cắtgiảm sự sử dụng các cuộc không kích và pháo kích. Đây là phần trong nỗ lực của Abrams để phát đông điều mà một sử gia gọi là một “cuộc chiến tranh tốt hơn”, nhưng đã quá trễ. Công luận Mỹ đã sẵn đổi hướng chống lại chiến tranh.
Vào giữa Tháng Sáu 1968, khi Lansdale đến hạn phải rời Việt Nam lần cuối cùng, Sàigòn vẫn còn là một thành phố bị vây hãm. Ông đã ghi nhận, “Hàng đống dây kẽm gai, giờ đã rỉ sét dưới các trận mưa của Tháng Năm, đang ngăn chặn các đường xá đây đó trong thành phố. Rác rưởi chất đống trên vệ đường, bởi các dịch vụ công cộng chậm lại.” Các hỏa tiễn của Việt Cộng phóng vào thủ đô, làm chết và bị thương hàng trăm người. “Tính thất thường mù quáng của các xạ thủ của địch”, ông nói thêm, “ “làm cho mỗi cư dân cảm thấy rằng mình có thể là mục tiêu kế tiếp.”
Khi ông rời khỏi Phi Trường Tân Sân Nhứt hôm 16 Tháng Sáu 1968, Lansdale đã cố gắng khoác một vẻ mặt can đảm, nhưng ông biết rằng cuộc chiến tranh đang bị thua. Nhiều năm sau này, ông đã biểu lộ “một cảm giác sâu thẩm của sự buồn khổ về sự thất bại không chu toàn của tôi trong nhiệm kỳ công tác 1956-1968 tại Việt Nam, để trợ giúp người dân ở đó tránh khỏi bi kịch sau rốt đã đè bẹp họ”.
Lansdale còn sống cho đến 1987, và ông tin tưởng cho đến ngày chết rằng chỉ khi khuyến cáo của ông – đặt tiêu điểm vào chính trị nhiều hơn và vào hỏa lực ít hơn – được nghe theo, nước Mỹ mới có thể đã tránh được một vũng lầy. Không có cách nào để biết rằng liệu ông có đúng hay không, và một cách chắc chắn, Bắc Việt sẽ là một địch thủ đáng sợ dưới bất kỳ tình huống nào, với ý chí để chiến thắng lớn hơn Hoa Kỳ. Nhưng thật khó tưởng tượng rằng con đường mà nước Mỹ đã chọn – một sự thất trận liên can đến 58,000 người Mỹ đã chết và hàng triệu người Việt Nam đã chết – là một chọn lựa ưu việt./-
----
Max Boot là thành viên cao cấp của Council of Foreign Affairs. Bài viết này được rút ra từ quyển sách mới của ông, nhan đề “The Road Not Taken: Edward Lansdale and the American Tragedy in Vietnam”.
Nguồn: https://www.nytimes.com/column/vietnam-67
Ngô Bắc dịch và phụ chú
10.02.2018
http://www.gio-o.com/NgoBac.html
© gio-o.com 2018