http:ian.goldby.net/borneo2003
nhà sàn dài ở đảo Borneo

 

TỔ CHỨC XÃ HỘI VÀ NHÀ DÀI

TẠI ĐÔNG NAM Á VÀ MICRONESIA*

 

EDWIN M. LOEB

Berkeley, California

 

 

NGÔ BẮC dịch


Bấm vào đây để xem bản đồ các đảo vùng Nam Thái Bình Dương
có cùng kiểu nhà sàn dài của người Thượng, Việt Nam


 

Lời người dịch:

Bài viết này nêu ra một ý kiến đáng được nghiên cứu sâu xa hơn nữa: ngôi nhà sàn dài (nhà rông, nhà làng) của người Chàm và người Thượng miền Cao Nguyên Trung Phần Việt Nam, cùng với chế độ mẫu hệ, theo bước các di dân, đã du nhập vào Nam Dương, và từ Nam Dương sang nhóm đảo Micronesia cùng các nhóm đảo Melanesia và Polynesia, trải dài khắp miền nam Thái Bình Dương sang đến Đại Dương Châu (Úc châu).  Hy vọng một ngày nào đó chúng ta sẽ có được một cuộc nghiên cứu tường tận từ các nhà nhân chủng học Việt Nam về đề tài lý thú này.

 

***

 

Năm 1931 tác giả Malinowski đã viết, “Mặc dù có rất nhiều điều đã được hay biết về kỹ thuật xây dựng nhà cửa và ngay cả về cấu trúc của các ngôi nhà trong nhiều văn hóa khác nhau và mặc dù khá nhiều điều cũng đã được hay biết về sự cấu tạo của gia đình, chỉ có ít bài nói về sự quan hệ giữa hình thức của cư sở với hình thức một mặt về các sự sắp xếp nhà cửa và mặt khác, sự tổ chức gia đình, và ngay về một sự quan hệ như thế.”(1)  Malinowski sau đó đã tiếp tục giải thích rằng ngôi nhà nối dài là một cơ năng của một gia đình đông người, hay một gia đình mở rộng; trong khi hội quán (club house: câu lạc bộ, nhà giải trí), hay ngôi nhà của các ông, là một cơ năng cho việc nhóm họp theo tuổi tác, của các hội kín, hay cho sự kiềm chế hay phóng túng về tình dục.

 

Malinowski không nói gì hơn ngoài các nhận xét tuy ngắn ngủi nhưng xác đáng này.  Phương pháp của riêng ông để xác định các cơ năng cho một thời gian cá biệt và cho một không gian cá biệt đã hạn chế ông.  Song chủ đề cũng xưa như khoa học về nhân chúng có tố chức và đã được nêu ra đầu tiên bởi tác giả Lewis H. Morgan trong mối quan hệ của điều được gọi là “chế độ mẫu hệ của người Da Đỏ Bắc Mỹ Châu thuộc ngữ hệ Iroquois” với “các ngôi nhà kéo dài” trong đó các hậu duệ bên mẹ thuộc ngữ hệ Iroquois sinh sống (2)

 

Điều được giả định là các tác giả theo trường phái khuếch tán của Đức Quốc, Anh Quốc hay Hoa Kỳ sẽ tiếp tục đi theo con đường từ điểm mà Morgan để dấu lại, và dõi tìm sự khuếch tán các loại nhà của đám hậu duệ, nếu không phải ở Tân Thế Giới [tức Bắc Mỹ châu, chú của người dịch], thì ít nhất ở vùng Đông Nam Á, nơi mà sự tương liên hiện ra rõ nét hơn.  Nhưng đúng là các nhà theo phái khuếch tán này đã phần nào lơ là với thuyết cơ năng (functionalism).  Mục đích của họ là hậu thuẫn cho sự khuếch tán bằng việc chỉ cho thấy các đặc điểm không liên hệ được truyền từ sắc dân này sang sắc dân khác, và ngay cả đến khắp nơi trên thế giới, tất cả đều xác đáng; nhưng điều cần thiết hơn là nên có một khảo hướng được phối hợp nhiều hơn cho các vấn đề văn hóa như thế, qua một sự hợp tác chặt chẽ hơn giữa các phương pháp tổ chức cơ năng và các phương pháp lịch sử.  Chẳng hạn, điều khá hiển nhiên là cả ngôi nhà dài ở Minangkabau và ngôi nhà dài hãy còn được tìm thấy trong phần lớn sắc dân Dyaks thuộc đảo Borneo đều tác động tốt trong nền văn hóa liên hệ của chúng.  Các cuộc điều tra cơ năng kỹ càng hơn sẽ cho thấy chúng tác động tốt hơn cả những gì được ức đoán lúc ban đầu.  Song, nếu không có sự nghiên cứu bản đồ và lịch sử một cách có hệ thống, điều sẽ không bao giờ được giả định là nhà dài ở Borneo lại có liên hệ với nhà dài tại Minangkabau, hay có thể bản chất liên hệ của nền văn hóa Borneo nói chung sẽ không bao giờ được làm sáng tỏ.

 

Công trình nghiên cứu về bản chất này đã sẵn được khởi sự.  Một bài viết bởi tác giả bài này cùng với tác giả Jan O. M. Broek nhan đề “Sự tổ chức xã hội và ngôi nhà dài tại Đông Nam Á” hiện đang được in trong tập san American Anthropologist (3).  Trong bài viết này điều được nêu ra là nhà dài kiểu Iroquois liên kết với các thị tộc phụ hệ trên lục địa Đông Nam Á có nguồn gốc từ vùng nam xứ Vân Nam cổ xưa.  Mặt khác, cùng loại nhà dài kiểu Iroquois cũng có liên hệ với các thị tộc theo mẫu hệ của giống người Chàm và người Mọi miền nam Đông Dương thuộc Pháp.  Tại Nam Dương (Indonesia) ở bất cứ nơi đâu có các thị tộc theo mẫu hệ ở đó đều có các nhà dài; tại đây sự tương liên hoàn toàn đến 100 phần trăm.  Các thị tộc theo mẫu hệ này có mặt tại Minangkabau, tại một phần của vùng Flores, tại tây bắc vùng Sumba, trong số sắc dân nam Beloe vùng đông Timor (thuộc Bồ đào Nha) [lúc bấy giờ, khoảng Thế Chiến II, chú của người dịch], và trong sắc dân Wemale vùng Trung Tây Ceram.  Sự tương liên đồng bộ này cũng ngự trị ở các đảo ít được biết đến vùng Nam Moluccas, kể cả Leti và Lakor, Luang và Sermata, và Babar.  Các đảo Borneo và Célebes có một vị thế đặc biệt.  Trong khi sự cư trú theo bên mẹ, ngoại trừ dân Klamantan, là nguyên tắc của các hòn đảo này, nhưng các thị tộc theo mẫu hệ chỉ được tìm thấy nơi sắc dân Maajan-Sioeng Dyaks vùng Đông Nam đảo Borneo.  Nhà dài, tuy nhiên, hiện nay chỉ được thấy có trong sắc dân Poso Toradja thuộc đảo Celebes; mặc dù nhà rông công cộng kéo dài là đường nét đặc sắc ngoạn mục nhất của dân nội địa vùng đảo Borneo.  Vì thế, có vẻ là cách thức cư trú này đã được du nhập từ vùng lục địa gắn liền với một hình thức cá biệt của ngôi nhà, nhà dài của làng bản.  Khi xác nhận sự ức đoán này có thể bổ túc sự kiện là sắc dân Atjenese vùng Bắc đảo Sumatra, có theo quy luật về sự cư trú theo bên họ mẹ, có lẽ đã từng có kiểu nhà dài nay hãy còn tìm thấy tại đảo Jave trong sắc dân Tenggresse cư trú theo bên mẹ phía đông hòn đảo này.  Các thị tộc Gajo và Alas vùng Bắc Sumatra, cũng như sắc dân tại vùng Tanimbar, là những ngoại lệ của quy luật tổng quát tại Nam Dương.  Các dân này có các ngôi nhà dài đi liền với các thị tộc theo mẫu hệ và cư trú theo nơi ở bên cha.  Do đó điều được chứng kiến là sự tương liên của chế độ mẫu hệ với ngôi nhà dài có thể là do sự khuếch tán, chỉ đúng có một chiều.


http://www.geocities.com/ufloor/images/penom_longhouse.jpg

 

Về mặt lịch sử, điều trở nên hiển nhiên rằng có ít nhất một đợt di dân của người Nam Dương đến từ miền nam Đông Dương mang theo với họ chế độ mẫu hệ và ngôi nhà dài sang vùng [có ảnh hưởng] Ấn Độ.  Người Chàm và người Mọi phía nam [Đông Dương] không chỉ giống người Nam Dương về mặt ngôn ngữ và trong dáng người cụ thể mà cũng còn có cả hai đặc điểm liên hệ này.  Hơn nữa người Chàm có một tín ngưỡng thờ lúa gạo tỉ mỉ liên hệ với lối canh tác lúa nước đã được truyền sang cho người dân nước Nam Dương vốn cũng trồng lúa nước.  Sau cùng, có sự gần cận về mặt địa lý giữa miền Nam Đông Dương và Nam Dương.

 

Trong bài viết này tôi [tác giả] muốn nới rộng lý thuyết nói trên để bao gồm cả Micronesia vào khu vực theo chế độ mẫu hệ do ở những ảnh hưởng từ miền nam Đông Dương.

 

Theo sự khảo sát thực hiện trong thời kỳ chiến tranh [thế chiến II, chú của người dịch], tất cả các hòn đảo thuộc vùng được ủy nhiệm Micronesia đều theo chế độ mẫu hệ ngoại trừ các đảo Sonsorol, Pul, Merir và Tobi trong miền nam của vùng phía tây Carolines.  Những đảo này có các thị tộc theo chế độ phụ hệ.  Một ngoại lệ cũng phải được nêu ra đối với Kapingama-rangi và Nukoro trong vùng phía đông Carolines nơi có một sắc dân Polynesian mà không có các thị tộc [nào được thành hình]. (4) Song tổng kết trên toàn thể vùng ủy nhiệm thì chỉ có một nhóm đảo duy nhất vừa theo chế độ mẫu hệ và có nhà sàn dài của các hậu duệ bên mẹ. Đây là nhóm Palau.  Chính vì thế nó là bằng chứng rằng ảnh hưởng Nam Dương thời cổ (không phải ảnh hưởng hồi gần đây của Phi Luật Tân đối với vùng Marianas) đã thâm nhập nhiều nhất vào nhóm Palau. Việc này cũng là điều tự nhiên, bởi các đảo nhóm Palau gần sát Nam Dương nhất.

 

Có một mối liên hệ trong các từ ngữ để chỉ “ngôi nhà: house” tại Micronesia, Indonesia, và Polynesia.  Tại Palau, từ ngữ blai không chỉ có nghĩa nhà làng dài của Palau mà còn chỉ nơi mà hậu duệ bên mẹ sinh sống; tại Nam Dương, từ ngữ là bale, và tại Polynesiafale.  Tại Yap, ảnh hưởng của Nam Dương vốn đã bắt đầu mờ nhạt dần.  Ngôi nhà gia đình không còn theo loại nhà làng kéo dài nữa, mà trở thành nhà làng [câu lạc bộ hay hội quán?, chú của người dịch] của người đàn ông, được gọi là failu tại vùng duyên hải , và pabai tại vùng đất liền.(5)

 

Nhóm đảo Palau đặc biệt đáng quan tâm bởi có sự tương đồng gần gũi trong nền văn hóa của họ với nền văn hóa của Minangkabau, có lẽ gần cận hơn cả so với phần còn lại của Micronesia.  Giống như Minangkabau, nhóm đảo Palau có một khuynh hướng theo chế độ trọng lão [gerontacracy: chính quyền trong tay các người lớn tuổi, chú của người dịch] với các phụ nữ nắm giữ vai trò lớn trong sự cai trị.  Tương tự, tất cả của cải đều được đặt dưới sự kiểm soát tối hậu của người đàn bà và được thừa kế xuyên qua mẫu hê.(6)  Ngoài ra, chế độ nô lệ không có tại Palau.  Hệ thống hai phân nửa nổi bật ở Palau, với hai phần phân nửa tác động hỗ tương.   Cũng có những đặc điểm tương tự với các khu vực sơ khai hơn của Nam Dương trong thời, thí dụ, văn hóa đá tảng nguyên sơ nổi bật, và đã có từ thủa xưa một vài nghi lễ săn người.  Palau, Yap, và vùng Marianas trước đây cũng đã cùng chia sẻ [nét tương đồng] trong sự sử dụng đồ gốm và trong sự sử dụng các thiếu nữ tại các hội quán của đàn ông.(7)  Một hình thức khả hữu của việc viết bằng hình vẽ có vẻ là nét độc đáo của nhóm Palau.  Sau hết, cả vùng Yap và Palau đều canh tác khoai sọ nước, và lúa gạo được trồng như một xa xỉ phẩm tại đảo Guam [một đảo thuộc nhóm đảo Marianas, chú của người dịch] thời cổ.  Khoai sọ được trồng trọt hoàn toàn bởi các phụ nữ, có thể đã bắt chước theo lối canh tác lúa nước.  Ngược lại, Palau, Yap, và các đảo Marianas cùng chia sẻ với vùng Melanesia sự sử dụng một loại hình tỉ mỉ của tiền tệ bản địa. (8)

 

Tóm lại, có vẻ là sự tổ chức xã hội tại Micronesia đã bị ảnh hưởng từ lục địa xuyên qua ngả Nam Dương.  Ngoài ra, có thể nói rằng Micronesia [nhất thiết] phải có một ảnh hưởng sâu xa trên cả vùng Melanesia lẫn Polynesia.

 

Một thí dụ của ảnh hưởng của Palau trên vùng Melanesia được tìm thấy trong tập quán của Palau về điều mà tại đảo Fiji được gọi là hệ thống vasu; có nghĩa, quyền của cháu trai trên tài sản của người anh (hay em) của người mẹ.  Kubary viết: “Gia Trưởng (Obokúl: house-hold head) có thể đòi hỏi tài sản của bất kỳ người cháu trai nào, và ngược lại người cháu trai có quyền bước vào nhà của người bác (hay cậu), và nếu người bác (hay cậu) vắng mặt (bất kể có sự hiện diện của người vợ người gia trưởng (Obokúl) có quyền lấy đi bất kỳ vật gì; trong thực tế, người cháu còn có thể hỏi lấy tiền từ người vợ của người bác (hay cậu) gia trưởng.  Những gì mà người Bác (hay Cậu) Gia Trưởng (Obokúl) có thể làm khi về nhà là nổi giận và quở mắng người cháu trai.” (9)

 

Trong nhóm đảo Palau theo mẫu hệ hệ thống vasu có một sự giải thích về mặt cơ năng.  Người cháu trai chỉ lấy những tài sản sẽ là của anh ta sau khi có sự từ trần của người bác (hay cậu).  Nhưng tại các đảo Fiji và Tonga theo phụ hệ, các xứ sở mà tập quán này được chứng minh là đã được khuếch tán đến, hệ thống vasu không có mang ý nghĩa cơ năng.  Trong khi sự thực rõ rệt là đối với người Tonga, Fiji và dân vùng Ba Thonga ở Phi Châu (tất cả họ đều có hệ thống vasu) người anh (hay em) của mẹ đóng vai người mẹ phái nam, và người chị (hay em) của người cha đóng vai người cha phía nữ, điều này không xảy ra tại Micronesia.  Ngược lại, người cháu ở đảo Palau thường hạ sát một người Bác (hay Cậu) gia trưởng (Obokúl) nếu anh ta trở nên mệt mỏi trong việc chờ đợi để kế nhiệm và thừa hưởng gia tài.(10)  Vì thế, trong khi Radcliffe-Brown đã chính xác khi phát biểu rằng hệ thống vasu không cho thấy một sự thay đổi từ văn hóa mẫu hệ sang văn hóa phụ hệ trong trạng thái nguyên thủy (in situ, tiếng la tinh trong nguyên bản, chú của người dịch], (11)  sự giải thích tâm lý của ông về hệ thống vasu không xuất hiện như là nguyên nhân mà có lẽ đúng hơn là một hậu quả của phong tục mẫu hệ bị xáo động. 

 

Để kết luận, có thể khẳng định rằng không hề có trường phái tư tưởng phong tục học nào thế chỗ được cho sự cần thiết để tìm kiếm và phác họa sự phân phối các đặc điểm văn hóa.  Thí dụ, trong khi tất cả các ngôi nhà dài ở Đông Nam Á có thể có các sự khác biệt lẫn nhau, và điều này cũng đúng ngay chỉ trong vùng đảo Borneo, hay sau rốt cho một sự phân chia bộ lạc riêng biệt tại đảo Borneo, song chúng cũng có những nét tương đồng, và đích xác là các điểm tương đồng này đem lại một manh mối về một cơ năng cốt lõi của ngôi nhà dài như thế -- nơi cư trú của hậu duệ bên cha hay bên mẹ.  Chừng nào chúng ta vẫn còn chưa hay biết nhiều về nền văn hóa của Indonesia và Micronesia, chừng đó chúng ta vẫn tiếp tục giải nghĩa sai lạc các cứ liệu văn hóa quen thuộc tại những vùng khác của Đại Dương Châu [tức Úc châu, chú của người dịch]. 


http://ns.gov.gu/icons/lattesit.jpg

 

Tiến Sĩ Laura Thompson nêu ý kiến rằng các địa điểm có cột đá latte [trong nguyên văn in chữ nghiêng, latte là từ ngữ của dân Chamorro, để chỉ các cột bằng đá có bệ trên cùng cũng bằng đá, xếp thành hai hàng song song, được nói là để chống đỡ cho các ngôi nhà sàn cổ xưa tại vùng quần đảo Marianas, chú của người dịch] tại quần đảo Marianas một phần được dùng để hỗ trợ cho các ngôi nhà dài.  Các cột đá latte này là các phế tích trong hàng trăm các địa điểm xây dựng thẳng đứng.  Các ngôi nhà gia đình cá nhân tại đây không phải là các ngôi nhà dài, nhưng các nhà chứa xuồng dài (canoe) và các h ộ ội quán của đàn ông thì dài.  Các câu lạc bộ giải trí của đàn ông đã biến mất ở quần đảo Marianas với sự du nhập Thiên Chúa Giáo bởi các giáo sĩ Dòng Tên đã không chấp thuận việc giao hợp tiền hôn thú của hai phái vốn đã được định chế hóa trong người dân ở đó.  Các xuồng lớn cũng như các nhà kho chứa xuồng dài của nhóm đảo này đã biến mất với ngăn chặn chiến tranh và sự lan tràn của ảnh hưởng tây phương. (12)

 

Sau đó tình trạng đã diễn tiến như sau: Tại quần đảo Palau, cả các ngôi nhà gia đình (blai) lẫn các câu lạc bộ của đàn ông (bai) đều là các ngôi nhà dài.  Từ ngữ blai ở đây là thuộc cách (sở hữu cách) của từ ngữ bai, với chữ l được chèn vào giữa thường có của ngôn ngữ Palau.  Tại vùng Yap chỉ có các câu lạc bộ của đàn ông là ngôi nhà dài, và điều này cũng đúng tại quần đảo Marianas.  Đặc điểm của quần đảo Indonesia này hiển nhiên rõ nét nhất tại khu các đảo thuộc nhóm Palau và yếu dần khi tiến lên phía bắc đến nhóm đảo Marianas.

 

Sau hết có thể ghi nhận rằng ngôi nhà dài có thể xuất hiện tại Indonesia như là hội quán của đàn ông cùng với ngôi nhà cư trú của một gia đình độc nhất. Điều này cũng đúng với các người dân đảo Mentawei không tố chức theo thị tộc, ngoài khơi phía tây đảo Sumatra./-

 

Nguồn: The Far Eastern Quarterly, Vol. VI, February 1947, No. 2

 

 

CHÚ THÍCH:

 

·         Bài viết này được trình bày tại phiên họp thường niên lần thứ 45 của Hội Nhân Chủng Học Hoa Kỳ (American Anthropological Association), ngày 27 tháng Mười Hai, năm 1946.

1.       B. Malinowski, “Culture,” Encyclopedia of the social sciences.

2.       L.H. Morgan, “Houses and house-life of the American aborigines,” Contributions to North American ethnology (Wash. D.C., 1881), các trang 64-65.

3.       Bài viết này gồm chứa tài liệu tham khảo về Đông Nam Á như là một [khu vực địa dư trên] bản đồ, vì thế các thông tin như thế sẽ bị bỏ qua ở nơi đây.

4.       Các cẩm nang về các hoạt động dân sự vụ: The West Caroline islands; The east Caroline islands; The Mandated Marianas islands; The Marshall islands (Washington, 1943-1944).

5.       W.H. Furness, Uap, The island of stone money (London, 1910), trang 36.

6.       J. Useem, “The changing structure of a Micronesian society,” American anthropologist, 47 (October-December, 1945), [trang] 570.

7.       W.E. Safford, The useful plants of the island of Guam (Washington: Smithsonian Institution, các phần đóng góp từ The United Staes National Herbarium, tập 9, 1905), trang 105; L. Thompson, The native culture of the Marianas islands (Honolulu: Bernice P. Bishop Museum, tập san 185, 1945), trang 39.

8.       T. Yanaihara, The Pacific islands under Japanese mandate (New York and London, 1940), các trang 1-209; A. Kramer, “Palau,” trong tác phẩm Ergebnisse der Sudsee-expedition 1908-1910 (Hamburg, 1906), II B., vol. 3, các trang 266-358; J. Kubary, Die socialen einrichtungen der Pelauer (Berlin, 1885), các trang 33-150.

9.       Kubary, nơi dẫn trên, trang 45.

10.   Kubary, nơi dẫn trên, trang 43.

11.   A. R. Radcliffe-Brown, “The mother’s brother in South Africa,” South African journal of science, 21, (1924), các trang 542-55.

12.   L. Thompson, “The function of latte in the Marianas”, Journal of Polynesian society, 49-50 (1940-1941), các trang 447-65./-

Ngô Bắc dịch

© 2006 gio-o

đọc các bản dịch khác của Ngô Bắc