Keith W. Taylor

Cornell University

 

 

CÁC BÀI THƠ CỦA

ĐOÀN VĂN KHÂM

 

 

Ngô Bắc dịch

 

 

Hầu hết các bài thơ tồn tại từ triều đại Lý hồi thế kỷ 11 và 12 của Việt Nam có thể được phân chia thành ba loại tổng quát.  Độ hai mươi bài thơ có thể được liên kết với thơ khổ ngắn kiểu phong dao nhà Hán, thường có các câu thơ gồm bốn, năm, sáu, hoặc bảy âm tiết, hay được trộn lẫn trong các kết hợp bất thường của các cặp đôi (hai) câu thơ liên tiếp dài bằng nhau (couplets).  Vào khoảng ba mươi bài thơ ngũ ngôn tứ tuyệt (pentasyllabic quatrains) tồn tại.  Tôi sẽ không quan tâm đến hai loại chính thức này trong bài tiểu luận này. Ở đây, tôi quan tâm đến ba mươi sáu bài tứ tuyệt (quatrain) và bát cú (octaves) được viết trong các câu thơ gồm bảy chữ còn sót lại và đặc biệt là khoảng hai mươi bài trong số đó tuân theo các quy ước của vần luật của Thể Cách Cận Đại (Recent Style) (1) Một sự thông hiểu niêm luật của Cách Làm Thơ Cận Đại sẽ thể hiện kỹ năng làm thơ của Đoàn Văn Khâm, một nhà thơ Việt Nam đã viết vào cuối thế kỷ 11.

 

Niêm luật của Cách Làm Thơ Cận Đại đã được các nhà thơ Trung Quốc nghĩ ra dưới ảnh hưởng của việc tụng kinh Phật Giáo bằng tiếng Phạn trong các thế kỷ 5 và 6, sau đó được phát triển trong triều đại Nhà Đường (T'ang) và được sửa đổi đôi chút trong triều đại Nhà Tống (Sung). (2) Giống như tiếng Trung Hoa, tiếng Việt là ngôn ngữ có âm điệu; Vần luật của Cách Làm Thơ Cận Đại chủ yếu dựa trên các quy tắc chi phối các khuôn mẫu âm điệu. Nhằm mục đích phân tích các khuôn mẫu vần luật, bốn âm điệu trong tiếng Trung Hoa hiện đại được xếp thành hai nhóm bao gồm một âm điệu ngang bằng, được gọi là "bằng" và ba âm khác, được gọi là "âm lệch: deflected". Ngôn ngữ tiếng Việt có sáu âm điệu: ngang (level) [(không dấu), trong nguyên bản ghi” dấu không, Ngô Bắc], falling: giảm xuống (dấu huyền), rising:  tăng lên (dấu sắc), broken rising : tăng lên nửa chừng (dấu ngã), low rising: tăng lên ở độ thấp (dấu hỏi), và thấp (dấu nặng).  Về mặt vần luật, các âm ngang và âm đi xuống tương ứng với âm ngang trong tiếng Trung Hoa và được phân loại là thanh "bằng" (flat); bốn âm tiếng Việt khác tương ứng với âm lệch trong tiếng Trung Hoa và được phân loại là thanh “trắc" (sharp).

 

Các quy ước của thơ theo Thể Cách Cận Đại như được tôn trọng bởi các nhà thơ Việt Nam từ thế kỷ 11 quy định một mô hình các âm điệu và vần điệu có thể được tóm tắt trong sáu quy tắc: [a*) xin xem phần Phụ Chú a*) về Luật, Vần, Đối, Niêm trong thơ Đường của người dịch Ngô Bắc ở cuối bài dịch]

 

1. Các âm tiết cuối cùng [vì tiếng Việt là tiếng độc âm, nên mọi cụm từ ‘âm tiết hay âm tiết cuối: last syllables’ trong nguyên bản của tác giả Taylor phải được hiểu để chỉ một từ (word), Ngô Bắc] của dòng số chẵn phải vần với nhau.

 

2. Các âm tiết cuối cùng gieo vần phải là thanh bằng; những từ không gieo vần phải là các thanh trắc.

 

3. Các âm tiết được đánh số chẵn [tức các từ 2, 4, 6 trong câu thơ 7 chữ, Ngô Bắc] liên tiếp trong một dòng phải đối nghịch nhau trong sự phân biệt bằng/trắc; ví dụ: trong một dòng có bảy âm tiết, hãy xem "a" và "b" đại diện cho các sự đối âm trong sự phân biệt bằng/trắc và "o" đại diện cho một âm tiết tùy ý lựa chọn, khi đó:

o-a-o-b-o-a-o

 

4. Các âm tiết được đánh số chẵn tương ứng trong các dòng của một cặp đôi (hai) câu thơ phải đối nghịch nhau trong sự phân biệt bằng trắc:

 

o-a-o-b-o-a-o

o-b-o-a-o-b-o

 

5. Trong một bài thơ tứ tuyệt (quatrain: bốn câu), mô hình âm điệu của cặp đôi thứ hai là một sự đảo ngược của cặp đôi thứ nhất:

o-a-o-b-o-a-o

o-b-o-a-o-b-o

o-b-o-a-o-b-o

o-a-o-b-o-a-o

6. Trong một bài thơ bát cú (octave: tám câu), mô hình âm điệu của bốn câu thứ nhì lập lại âm điệu của bốn câu thơ thứ nhất:

 

o-a-o-b-o-a-o

o-b-o-a-o-b-o

o-b-o-a-o-b-o

o-a-o-b-o-a-o

o-a-o-b-o-a-o

o-b-o-a-o-b-o

o-b-o-a-o-b-o

o-a-o-b-o-a-o

 

Hai nhận xét khác có thể được nêu ra:

 

1. Trái với các quy tắc cơ bản nêu trên, âm tiết [từ] cuối cùng của dòng đầu tiên của một bài thơ đặt ra vần điệu và có thanh bằng.

 

2. Để âm tiết [hay từ] cuối cùng của một dòng [tức từ thứ 7 của câu thơ, Ngô Bắc] sang một bên, có một ưu tiên (mặc dù không phải là một quy định) cho các âm tiết mang số lẻ [tức các từ số 1, 3, và 5, Ngô Bắc] đối âm theo luật bằng trắc với âm tiết [từ] trước nó, ngoại trừ âm tiết cuối cùng [tức từ] thứ ba khi các âm tiết cuối cùng [từ cuối cùng] và âm tiết cuối cùng [tức từ] thứ tư của câu thơ có các âm đối nghịch [trong thanh điệu bằng trắc].

 

Các quy tắc và các nhận xét này có thể được minh họa cho một bài thơ thất ngôn bát cú trong hai biến thể khả hữu của nó, tùy thuộc vào âm tiết mang số chẵn khởi đầu [tức từ thứ nhì của câu thờ đầu tiên sẽ ấn đính luật bằng trắc cho cả bài thơ, xem phần phụ chú của Ngô Bắc] của bài thơ là thanh bằng hay thanh trắc, như sau đây, với f (falling)= thanh bằng, s (sharp) = thanh trắc và ® = rhyme = vần;  (đối với một thơ tứ tuyệt (quatrain) chỉ cần lấy bốn dòng đầu tiên):

 

Biến thể A                                                                  Biến thể B

1. ffsssff (r)                                                                 1. ssffssf (r)

2. ssffssf (r)                                                                 2. ffsssff (r)

3. ssfffss                                                                      3. ffssffs

4. Ffsssff (r)                                                                4. ssffssf (r)

5. ffssff                                                                       5. ssfffss

6. ssffssf (r)                                                                 6. ffsssff (r)

7. ssfffss                                                                      7. ffssffs

8. ffsssff (r)                                                                 8. ssffssf ®

 

Rõ ràng là các nhà thơ triều đại nhà Lý đã nhận thức được các quy ước này và hoặc đã từ khước chúng (khoảng một phần ba trong số các bài thơ thất ngôn tứ tuyệt còn tồn tại cho thấy không có sự quan tâm đến các quy tắc này) hoặc cố gắng với các mức độ thành công khác nhau để tuân theo chúng. Đánh giá từ những gì còn lại, Đoàn Văn Khâm là nhà thơ triều đại nhà Lý tài giỏi nhất trong việc tuân theo các quy ước của vần luật trong Cách Làm Thơ Cận Đại với bảy âm tiết (từ); ngoài các quy ước được thảo luận ở trên, các bài thơ bát cú của ông còn tuân theo một quy tắc khác nữa theo đó tất cả các âm tiết [từ] cuối cùng không theo vần đều có âm điệu giống nhau.

 

Chúng ta không biết gì về gia đình Đoàn Văn Khâm [b*, xem phụ chú b*) của Ngô Bắc], nơi sinh của ông, hoặc ngày sinh và ngày mất của ông; tất cả những gì chúng ta biết là ông không phải là một nhà sư, một điều khác thường đối với một nhà thơ triều đại nhà Lý, mà là một quan chức tương đối cao tại triều đình. Ông được xác định là "Thượng Thư Bộ Công". Ba bài thơ của ông tồn tại [c*,  còn có bài thơ thứ tư được xem là của Đoàn Văn Khâm, xem phụ chú của Ngô Bắc]. Cả ba đều là những bài thơ của bảy chữ (thất ngôn): một bài tứ tuyệt và hai bài bát cú.

 

Các bài thơ bát cú của ông đặc biệt đáng chú ý, bởi vì chỉ có một bài thất ngôn bát cú khác tôn trọng hoàn toàn các quy ước vần luật của Cách Làm Thơ Cận Đại còn tồn tại từ triều đại Lý; thơ thất ngôn bát cú sau này sẽ phát triển mạnh mẽ như một thể thơ được ưa thích của các nhà thơ triều đại nhà Trần trong thế kỷ 13 và 14. Tôi sẽ trình bày ba bài thơ của ông và sau đó nêu ý kiến rằng sự kết hợp giữa hình thức và nội dung trong chúng có thể không phải là ngẫu nhiên.

 

Bài thơ tứ tuyệt của Đoàn Văn Khâm nói về một nhà sư Việt Nam được biết đến với cái tên Quảng Trí, (d*xem phụ chú của Ngô Bắc) người được ghi nhận là đã chết trong khoảng thời gian 1085-1091. Dưới đây là bài thơ như chúng ta tưởng tượng chính Đoàn Văn Khâm đã viết ra nó. (3)

 

 

 

 

Dưới đây là bài thơ được phiên âm trong hệ thống chữ viết tiếng Việt hiện đại, tiếp theo là sơ đồ âm điệu của nó:

 

Trụ tích nguy phong bãi lục trần,   [ssffssf]

Mặc cư huyễn mộng vấn phù vân.  [sfsssff]

Ân cần vô kế tham Trừng, Thập,    [fffsffs]

Sách bạn trâm anh tại lộ quần.        [ssffssf]

 

Dưới đây là bản dịch bài thơ của tôi sang tiếng Anh. Tôi đã cố gắng hướng tới một bản dịch với bề mặt đơn giản mà không cần nỗ lực để thể hiện ý nghĩa được giả định là sâu xa hơn:

1. Leaning upon monk’s staff on lofty mountain peak shaking off the six senses.

2. Silently dwelling in meditation consulting drifting clouds.

3. Attentive without plans to visit Trừng and Thâp.

4. Roped and fettered with hairpin and hatband in the egret flock.

1. Nhà sư chống gậy trên đỉnh núi cao ngất rũ bỏ sáu tục niệm..

2. Lặng thinh trước sự huyễn mộng chỉ nói chuyện với đám mây trôi trên trời..

3. Lòng có quan tâm nhưng không có cách gì đến thăm Trừng và Thập

4. Bị trói và xích bởi mũ và đai trong “đàn cò” [chỉ trăm quan đội mũ, ND].

 

Hai dòng đầu tiên mô tả nhà sư. Trong dòng thứ ba, nhà thơ tự mô tả mình là người nghĩ về nhà sư nhưng không thể đến thăm ông ấy; Trừng là fo-t'u Teng [Phật-đồ-trừng, mất năm 349) và Thập là Kumarajiva [Cưu-ma-la-thập, vào khoảng 350-413], hai vị đáng trọng trong kinh sách về các cao tăng Phật Giáo, được dùng làm ẩn dụ chỉ nhà sư Quảng Trí. Trong dòng cuối cùng, nhà thơ mô tả mình như bị trói buộc trong giới quan chức. Kẹp tóc và dải băng gắn ở chóp mũ là những vật dụng được sử dụng bởi các quan chức trong triều để giữ chắc cho chiếc mũ (mão) đội đầu của họ và là các ẩn dụ chỉ phẩm trật cao cấp và trách nhiệm việc công; đàn cò là một phép ẩn dụ chỉ các quan chức tại triều đình.

 

Bài thơ này đặt nhà sư trên một "đỉnh núi cao" nơi ông đang "rũ bỏ" bụi bặm của các ràng buộc trần tục, được biểu thị bằng sáu tục niệm, và thiền định trong sự im lặng sâu thẳm về những đám mây trôi nổi. Nhà thơ đang ở trong triều đình, "bị trói buộc và xiềng xích", bị giam hãm bởi cấp bậc và danh dự, chân thành nhưng thất vọng; nhà thơ chăm chú hoài vọng đến thiền sư, người đang đứng trên một mặt bằng cao hơn của sự hiện hữu.  Sự thể hiện mong ước và sự thất vọng cá nhân trong bài thơ này là điều không bình thường đối với thời đại nhà Lý.

 

Hầu hết các bài thơ của triều đại nhà Lý đều đến từ các nhà sư và là những bài tu tập giống như kinh điển, có nghĩa được học thuộc lòng như một sự trợ giúp cho sự thiền định; chúng xem xét đến các khái niệm trừu tượng từ học thuyết Phật giáo.  Ngược lại với điều này, Đoàn Văn Khâm chỉ đơn giản là vẽ ra hai bức chân dung.  Một, của Quảng Trí, chỉ là một bản phác thảo, nhìn từ xa: một nhà sư trên một đỉnh núi rời bỏ thế tục và mất hút trong trong thiền định; chân dung khác, của chính nhà thơ, thì tức thời và bị áp đảo: hai trong bốn dòng của bài thơ được đóng gói với sự tự trách móc, nỗi thất vọng và các hình ảnh của sự giam hãm.

 

Bài thơ cho thấy sự bồn chồn, một sự thiếu bình thản.  Vấn đề của nhà thơ là gì? Có vẻ với tôi rằng việc so sánh hai bài thơ bát cú của ông mang lại một sự trả lời cho câu hỏi này.  Mỗi một trong số hai bài bát cú được viết để ca tụng một tu sĩ vào thời điểm người đó qua đời. Một trong hai nhà sư là Quảng Trí, như chúng ta đã ghi nhận, chết vào khoảng giữa năm 1085 và 1091; nhà sư kia là Chân Không, người đã chết vào năm 1100. Chúng ta hãy xem những bài thơ này theo thứ tự chúng được viết ra.  Đầu tiên, là bài thơ viết lúc có sự từ trần của Quảng Trí. (4)

 

Phiên âm trong tiếng Việt hiện đại và sơ đồ thanh điệu:

 

Vấn Quảng Trí Thiền Sư

 

 

Lâm loan bạch thủ độn kinh thành,                        [ffsssff]

Phât tụ cao sơn viễn cánh hinh.                               [ssffssf]

Kỷ nguyện tịnh cân xu trượng tịch                         [sssffss]

Hốt văn di lý yểm thiền quỳnh,                                [sffssff]

Trai đình u điển không đề nguyệt                           [fffsffs]

Mộ tháp thùy nhân vị tác minh                               [ssffssf]

Đạo lữ bất tu thương vĩnh biệt,                               [sssffss]

Viện tiền sơn thủy thị chân hình.                             [sffssff]

 

Chúng ta có thể đánh giá cao kỹ năng của nhà thơ khi chúng ta nhận thấy rằng sơ đồ thanh điệu cho các dòng thứ hai, thứ ba và thứ tư giống hệt với dòng thứ sáu, thứ bảy và thứ tám. Chúng ta cũng có thể nhận thấy rằng mô hình thanh điệu của dòng thứ hai và thứ sáu giống như dòng đầu tiên và dòng cuối cùng của thơ tứ tuyệt; nó cũng sẽ xuất hiện trong dòng thứ hai và thứ sáu của bài thơ về Chân Không thiền sư. Bản dịch nghĩa của tôi như sau:

 

1. In the forested mountain peaks, his white head found refuge from the royal court.

2. Upon a high mountain, he shook his sleeves in disapproval of worldly ways; the more distant he went, the more fragrant was his reputation.

3. Many times I wanted to take a simple towel and hasten to his mat.

4. Suddenly I hear that he has abandoned his shoe, and the doorbar of his meditation hall is closed.

5. In his courtyard, a solitary bird cries mournfully in the moonlight.

6. Who will inscribe the tower at his grave?

7. Companions of the Buddhist way, we must not grieve as if he is eternally separated from us.

8. Before his courtyard, the mountains and rivers are his true visage.

 

 

1. Giữa những đỉnh núi rừng, mái đầu trắng của người tìm thấy nơi ẩn trốn khỏi triều đình,

2. Trên một ngọn núi cao, người rũ tay áo không tán thành những cách thế trần tục; càng đi xa, danh tiếng của người càng thơm lừng.

3. Nhiều lần tôi đã muốn đội chiếc mũ thanh tĩnh [của nhà chùa] và bước vội đến bên chiếu của người.

4. Đột nhiên tôi nghe nói rằng người đã bỏ lại một chiếc giày của mình, và thanh cửa của thiền đường bị đóng lại

5. Trong sân của người, một con chim đơn độc than khóc thật thê lương dưới ánh trăng.

6. Ai là kẻ sẽ khắc bài minh trên tòa tháp tại ngôi mộ của người?

7. Các bạn đồng tu Phật giáo, chúng ta không được đau buồn như thể người đã vĩnh viễn xa cách chúng ta,

8. Trước sân chùa, núi sông là hình ảnh chân thực của người.

 

Ở đây, như trong bài thơ đầu tiên, nhà sư đang ở trên một đỉnh núi xa xôi rũ bỏ thế giới trần tục, với ý nghĩ bổ túc rằng việc ông ở đó là một "cuộc trốn thoát" khỏi kinh đô hoàng gia. Một lần nữa, như trong bài thơ đầu tiên, nhà thơ bày tỏ mong muốn được đi tu, với sự thất vọng hơn nữa khi nghe tin tức rằng bây giờ thì đã quá muộn.

 

Dòng thứ ba và thứ tư sử dụng hình ảnh đơn giản để chỉ nhà thơ và nhà sư. Từ trong dòng ba mà tôi đã dịch là "đơn giản" cũng có thể được dịch là "thuần túy" hoặc "không được tô điểm (đơn sơ)"; từ mà tôi dịch là "khăn", nghiêm ngặt hơn có nghĩa là một số loại vật liệu có thể được đội như một chiếc khăn xếp của người nô lệ hoặc người hầu hoặc được sử dụng để phục dịch chủ nhân. Cụm từ tôi đã dịch là "vội vã đến bên chiếu: hasten to mat" theo nghĩa đen là "chạy đến bên chiếu của người đáng kính". Cụm từ biểu thị cái chết của nhà sư, "bỏ lại chiếc giày của ông", ám chỉ câu chuyện về Bồ Đề Đạt Ma  (Bodhidharma) để lại một chiếc giày phía sau để được chôn cất cùng với cơ thể của ông và lấy một chiếc giày đi theo con người thật của ông khi ông "trở về tây phương". "Để lại một chiếc giày phía sau" đã trở thành một uyển ngữ chỉ cái chết của một nhà sư; nhưng nó cũng gợi ý rằng "cái chết" này thực tế là một sự biển thể thành một dạng hiện hữu mới. Cánh cửa của thiền đường được biểu hiệu đơn giản bằng "thanh cửa".

 

Những hình ảnh đơn giản này về "khăn", "chiếu", "chiếc giày" và "thanh cửa" được đặt liền nhau trong cặp đôi câu thơ đối ứng để tạo hiệu ứng cho cảm xúc của nhà thơ. "Sự bất ngờ" của "việc lắng nghe " của nhà thơ về cái chết của nhà sư ở dòng bốn được ghép cạnh  "nhiều lần" của "mong muốn" đi gặp nhà sư ở dòng ba. Trong dòng bốn, "chiếc giày bị bỏ lại" của nhà sư, một dấu hiệu của việc di chuyển sang những điều cao hơn, được ghép cạnh trong dòng thứ ba với "chiếc khăn đơn giản" của nhà thơ [sic, hay của nhà chùa, Ngô Bắc], một biểu hiệu của sự khao khát chưa được thực hiện của nhà thơ muốn giống như nhà sư. Việc "đóng cửa" của "thanh cửa" ở dòng bốn được ghép cạnh dự kiến của nhà thơ về việc "chạy" đến bên “chiếu" của nhà sư ở dòng ba.

 

Dòng năm và sáu cũng chứa đựng sự đối ứng đáng kể. Trong dòng sáu, tòa tháp hoặc bảo tháp thường được dựng bên trên ngôi mộ của một nhà sư được ghép cạnh sân vườn của nơi tĩnh tâm của nhà sư ở dòng thứ năm. "Con chim đơn độc" của dòng năm được ghép canh với "ai đó?" không hiện hữu của dòng thứ sáu; và tiếng kêu của con chim dưới ánh trăng được ghép cạnh với dự tưởng vô tích sự về một người nào đó sẽ khắc một bài minh trên bia mộ của nhà sư.

 

Hai dòng cuối cùng quay trở lại từ ngôi mộ đến sân trong để khẳng định rằng nhà sư không cần phải thương tiếc vì ông vẫn có thể được tìm thấy tại địa điểm của thiền đường. Nhà thơ đã vượt qua nỗi đau buồn của mình với nhận thức rằng những gì quan trọng nhất về nhà sư này vẫn còn đó trên đỉnh núi. Nhà sư đã để lại chiếc giày của mình phía sau, nhưng đỉnh núi cao của người vẫn vẫy gọi.

 

Bây giờ tôi muốn chuyển sang bài thơ cuối cùng, được viết khoảng mười năm sau về cái chết của nhà sư Chân Không (e*, xem phụ chú của người dịch Ngô Bắc).  Chân Không là một nhà sư nổi bật tại triều đình, được bảo trợ bởi nhà vua, người mẹ nhiều ảnh hưởng của nhà vua và các hoàng tử, các công chúa, các quan chức triều đình, và các nhà lãnh đạo quân sự quyền lực của vương quốc. Cái chết của ông được tưởng niệm bằng một bữa tiệc hai ngày, một đám tang chu đáo, việc dựng lên một bảo tháp, hoặc tháp, tại ngôi mộ của ông, được khắc bài minh bởi một học giả nổi tiếng theo lệnh của nhà vua. Đoàn Văn Khâm đã viết một bài thơ dường như để khai triển ý nghĩa của nó với sự tham chiếu đến bài thơ viết trước đó về cái chết của Quảng Trí. Dưới đây là bài thơ: (5)

 

 

Bản ký âm hiện đại với sơ đồ thanh điệu như sau:

 

Hạnh cao triều dã chấn thanh phong                                  [sffssff]

Tích trụ như vân mộ tập long                                              [ssffssf]

Nhân vũ hốt kinh băng tuệ [huệ] đống                               [fssffss]

Đạo lâm trường thán yến trình tùng                                   [sffssff]

Phần oanh bích thảo thiêm tân tháp                                   [ffssffs]

Thủy trám thanh sơn nhận cựu dung                                 [ssffssf]

Tịch tịch thiền quan thùy cánh khấu                                  [ssfffss]

Kinh qua sầu thính mộ thiên chung                                    [fffssff]

 

Như chúng ta đã lưu ý trước đây, khuôn mẫu thanh điệu trong dòng thứ hai và thứ sáu giống hệt với khuôn mẫu được tuân theo trong dòng thứ hai và thứ sáu của bài bát cú về Quảng Trí vừa thảo luận và trong các dòng thứ nhất và thứ tư của bài tứ tuyệt. Chúng ta cũng có thể nhận thấy rằng khuôn mẫu thanh điệu trong dòng thứ nhất và thứ bốn của bài thơ này giống hệt các dòng thứ bốn và thứ tám của bài bát cú về Quảng Trí trước đây. Vần điệu và sơ đồ thanh điệu trong bài thơ này không được trau chuốt như trong bài bát cú về Quảng Trí, nhưng nó vẫn là một bài thơ có kỹ năng đáng chú ý trong bối cảnh của những gì còn sót lại từ triều đại nhà Lý. Bản dịch của tôi như sau:

 

1. His high virtue stirred a fame and influence for purity from the royal court to the wilderness.

2. His disciples were as clouds at sunset assembling before a dragon.

3. There is sudden alarm as the ridgepole of wisdom in the canopy of benevolence collapses.

4. There is a long lament in the grove of Buddhism as the pure pine falls.

5. Green grass flourishes over his grave, embellishing his new tower.

6. In water touched by the reflection of blue mountains we see his old visage.

7. Who will again knock at the gate of his vacant meditation hall?

8. Those passing by grieve when they hear heavenly bells at sunset.

 

1. Đức hạnh cao cả của người đã khuấy động một danh tiếng và ảnh hưởng về sự thuần khiết từ triều đình đến chốn hoang dã.

2. Các môn đệ của người như những đám mây lúc hoàng hôn tập hợp trước một con rồng.

3. Báo động đột ngột vang lên khi cột trụ của trí tuệ trong chiếc tán của lòng nhân từ [sic] sụp đổ.

4. Có một lời than thở dài trong khu rừng của Phật giáo khi cây thông thuần khiết ngã xuống.

5. Cỏ xanh mọc lên trên mộ người, tôn tạo tòa tháp mới của người,

6. Làn nước bị lay động bởi sự phản chiếu của những ngọn núi xanh, chúng ta nhìn thấy khuôn mặt cũ của người.

7. Ai sẽ lại gõ cửa thiền đường bỏ trống của người?

8. Những người đi qua đau buồn khi họ nghe thấy tiếng chuông trời vào lúc hoàng hôn.

 

Các bài bát cú về Quảng Trí và về Chân Không tạo ra một so sánh thú vị bởi vì nhà thơ miêu tả hai nhà sư theo cách xuất hiện để thể hiện những quan điểm khác nhau của Phật giáo. Nhìn bề ngoài, hai bài thơ theo một chuỗi suy tư tương tự nhau. Cặp đôi câu thơ đầu tiên trong mỗi bài là một bức chân dung của các nhà sư khi còn sống. Cặp đôi thứ hai trong mỗi bài thơ phản ứng trước tin tức về cái chết của họ. Cặp đôi thứ ba trong mỗi bài thơ tập trung vào sự chôn cất của các nhà sư. Các cặp đôi cuối cùng giải quyết vấn đề đau buồn. Tuy nhiên, mỗi bài thơ đề cập đến những chủ đề này theo những cách khác nhau.

 

Trong dòng đầu tiên của bài thơ về Chân Không, nhà sư được miêu tả là đang thụ hưởng một danh tiếng vươn đến cả triều đình lẫn các khu vực xa xôi, quê mùa. Hiểu sát nghĩa, nhà thơ nói rằng "đức hạnh cao" của người ấy đã khuấy động "cơn gió tinh khiết"; "gió" có thể được hiểu là "ảnh hưởng", là "danh tiếng", hoặc thậm chí là " các thói quen" hoặc "phương thức hành xử". Đây là một người có vai trò tích cực trong xã hội. Dòng thứ hai miêu tả các môn đệ của ông vây quanh ông như những đám mây tụ tập quanh mặt trời lặn, phản chiếu sự rực rỡ của nó. Mặt trời lặn được hình dung như một con rồng, một biểu tượng của quý tộc và của uy quyền hoàng gia và cũng, đặc biệt cùng với những đám mây, của những cơn mưa nuôi dưỡng mang lại mùa màng tươi tốt và bảo đảm cho sự sung túc của người dân; Đặt hai chuỗi suy nghĩ này lại với nhau, chúng ta tìm thấy một hình ảnh của một chính phủ tốt, của những người thuộc tầng lớp thống trị biết cách chăm sóc phúc lợi của người dân. Vai trò của nhà sư trong xã hội được nhấn mạnh trong những dòng thơ này.

 

Hai dòng đầu tiên của bài thơ về Quảng Trí vẽ ra một loại chân dung rất khác biệt. Ở đây, nhà sư không nhũng "trốn thoát" khỏi triều đình, nhưng ông đứng trên một đỉnh núi xa xôi rũ tay áo không chấp thuận xã hội quy ước. Danh tiếng của ông, được thể hiện như "hương thơm", càng mạnh mẽ hơn khi ông đã bỏ đi càng xa triều đình hoàng gia; ông không liên quan gì đến chính quyền dưới bất kỳ hình thức nào và trở thành một nhân vật mẫu mực hơn khi ông tự gỡ bỏ nhiều hơn những vướng mắc của các nghĩa vụ xã hội.

 

Các hình ảnh trong cặp đôi thứ hai của bài thơ về Chân Không củng cố một quan điểm về nhà sư như được gắn bó một cách toàn diện trong trật tự xã hội. Dòng thứ ba miêu tả vai trò của ông trong xã hội như là một rường cột "thông thái" trong mái nhà của chính phủ tốt lành ("tán (lọng) của lòng nhân từ"); hình ảnh là một cây cột hoặc một đà ngang của mái nhà là một tham chiếu tiêu chuẩn chỉ một người phục vụ như một thượng thư hay viên chức cao cấp tại triều đình. Từ ngữ được sử dụng để chỉ sự sụp đổ của mái nhà cũng giống như từ ngữ thông thường được sử dụng để chỉ cái chết của một vị hoàng đế. Cái chết của ông gây ra  sự "báo động đột ngột" bởi vì vai trò của ông trong các sự việc công cộng thì rất quan trọng. Dòng thứ tư miêu tả vai trò của ông trong thân phận tu hành như một cây thông "thuần khiết" trong một lùm cây. Sự ra đi của ông sẽ làm gián đoạn cuộc sống bình thường của lùm cây với một "lời than thở dài". Sự đối ứng của hai dòng này nhấn mạnh mối liên hệ giữa vai trò của ông tại triều đình và vai trò của ông trong thân phận tu hành. "Tán của lòng nhân từ" và "lùm cây của Phật giáo" được ghép cạnh nhau; "sự sụp đổ" và "sự ngã xuống" được đặt cạnh nhau ; "sự thông thái" và "sự tinh khiết" được ghép cạnh nhau; và "chiếc cột cái”" và "cây thông" được ghép cạnh nhau.

 

Những dòng này khác xa với cặp đôi thứ nhì của bài thơ về Quảng Trí, nơi những hình ảnh đơn giản của "chiếc khăn" và "chiếc giày", "chiếc chiếu" và "thanh cửa" lấp đầy một thị kiến của nỗi khao khát và thất vọng cá nhân, thể hiện trong sự "vội vàng" của nhà thơ và "đóng lại" cánh cửa. Cái chết của Quảng Trí là một khoảnh khắc suy tư cá nhân cho nhà nhà thơ.  Cái chết của Chân Không là một sự kiện làm rung chuyển cả vương quốc.

 

Cặp đôi thứ ba của bài thơ về Chân Không sử dụng phép đối ứng để liên kết ngôi mộ được chăm sóc cẩn thận của nhà sư với thao tác tưởng nhớ ông. "Cỏ xanh" mọc lên trên mộ và tôn tạo "tòa tháp mới" được ghép cạnh "những ngọn núi xanh" phản chiếu trên làn nước để gợi nhớ đến "khuôn mặt cũ" của nhà sư. Ngược lại, mộ của Quảng Trí dường như không được chăm sóc; không có ai để khắc bài minh cho một tòa tháp, và người chịu tang duy nhất là một con chim sống về đêm đang khóc trong sân của thiền đường.

 

Bài thơ về Chân Không kết thúc, trong cặp đôi câu thơ cuối cùng, ở cổng thiền đường của nhà sư, nơi không có ai gõ cửa và người qua đường cảm thấy đau buồn. Câu hỏi được đặt ra ở dòng thứ bảy ("Ai sẽ lại gõ cổng thiền đường trống của nhà sư?") phải được so sánh với câu hỏi được đặt trong dòng thứ sáu của bài thơ về Quảng Trí ("Ai sẽ khắc bài minh lên tháp tại mộ của ông ấy? "). Mỗi câu hỏi này đều là những lời tu từ và biểu thị rằng không có ai để thực hiện các hành động được mô tả, bởi vì trên thực tế, nhà sư không ở đó. Nhưng trong khi câu hỏi được đặt ra về ngôi mộ của Quảng Trí, thì nó được đặt tại thiền đường của Chân Không; ý nghĩa thì rõ ràng: Quảng Trí không được tìm thấy tại mộ của ông và Chân Không không được tìm thấy tại thiền đường của ông. Quảng Trí và Chân Không ở đâu?

 

Câu trả lời được đưa ra trong sự kết hợp của núi và nước được tìm thấy trong dòng cuối cùng của bài thơ về Quảng Trí và dòng thứ sáu của bài thơ về Chân Không. Những ngọn núi và dòng sông trước thiền đường của Quảng Trị "là" hình ảnh “chân thực” của ông; hình ảnh "cũ" của Chân Không có thể được nhìn thấy trong "sự phản chiếu" của những ngọn núi trên làn nước tại ngôi mộ của ông. Theo như nhà thơ, Quảng Trí vẫn đang ở trong thiền đường và Chân Không có thể được tìm thấy tại ngôi mộ của ông ấy. Thật thú vị khi nhận thấy rằng những ngọn núi "là" bản ngã "chân thực” của Quảng Trị, trong khi" sự phản chiếu "của những ngọn núi khắc họa bản ngã “cũ” của Chân Không. Chân Không nằm ở trong mộ của ông, nơi xã hội có thể hình dung sự mất mát của nó và cứu chuộc nỗi đau buồn, tưởng nhớ về bản ngã "cũ" hay "trước đây" của ông ấy. Bản ngã "chân thực" của Quảng Trí vẫn có thể được tìm thấy tại thiền đường của ông trên đỉnh núi, một địa điểm tự bản thân đưa ra một quan điểm phê phán về loại tang chế xã hội hóa đòi hỏi phải có một ngôi mộ để làm tiêu điểm [cho sự tập chú].

 

Cả hai bài thơ về Quảng Trí và về Chân Không đều được định hướng tham chiếu đến ba nơi: triều đình hoàng gia, thiền đường của các nhà sư và các ngôi mộ của các nhà sư. Quảng Trí không tán thành xã hội hoàng gia và bỏ đi càng xa càng tốt khỏi triều đình; Chân Không là một nhân vật nổi bật trong xã hội hoàng gia. Thiền đường Quảng Trí tiếp tục tiết lộ những gì quan trọng nhất về nhà sư này; không có gì được tìm thấy tại thiền đường của Chân Không. Ngôi mộ của Quảng Trí là không được chăm sóc, có thể không được biết đến, thậm chí không hiện hữu; ngôi mộ của Chân Không là địa điểm hành hương cho những ai muốn tưởng nhớ nhà sư.  Quảng Trí đã thực sự đạt được sự giải thoát, ngay cả trong cái chết. Chân Không phải tiếp tục gánh vác nghĩa vụ xã hội trong cái chết như ông đã có trong cuộc sống; ông đang làm điều này bằng cách thực sự chết đi và bị giam cầm trong ngôi mộ nơi người sống có thể tìm thấy ông.

 

Cả hai bài thơ đều nhắm đến một đối tượng. Khối khán thính giả trong bài thơ Chân Không được khuyến khích thương tiếc; trong dòng cuối cùng, những người khóc than thậm chí còn được khuyến khích để đón nhận tiếng chuông như một dấu hiệu để bày tỏ sự đau buồn; Chân Không thực sự đã chết. Khối độc giả của bài thơ về Quảng Trí được khuyên rằng họ "không được đau buồn" bởi vì, trong thực tế, Quảng Trí tiếp tục tồn tại ở dạng có thể tiếp cận được đối với những người tìm kiếm ông; Quảng Trí thì vĩnh cửu.

 

Những bài thơ này phát hiện hai quan điểm của Phật giáo. Trong bài thơ về Chân Không, Phật giáo giữ vững trật tự xã hội; đó là một cách để cứu rỗi xã hội. Trong bài thơ về Quảng Trí, Phật giáo là cách giải thoát cá nhân ra khỏi những ràng buộc xã hội; đó là một cách để cứu rỗi cá nhân  Vấn đề hòa giải hoặc chứa đựng trong bản ngã của một người hai con đường Phật giáo này là vấn đề nằm sau nỗi băn khoăn của nhà thơ trong bài thơ tứ tuyệt mà với nó chúng ta bắt đầu cuộc thảo luận.

 

Điều chúng ta chỉ có thể nhận thức rằng đây là một vấn đề cơ bản trong lịch sử trí thức Việt Nam không đơn giản chỉ là vấn đề Phật giáo. Vấn đề tương tự trong khuôn khổ Nho giáo xuất hiện nhiều lần trong các thế kỷ sau. Những bài thơ của hai trong số những nhà thơ vĩ đại nhất của Việt Nam, Nguyễn Trãi trong thế kỷ 15 và Nguyễn Bỉnh Khiêm ở thế kỷ 16, tìm được phần lớn cảm hứng của họ từ vấn đề này.  Đây là một vấn đề tiếp tục rèn luyện trí thức Việt Nam cho đến ngày nay, câu hỏi về mối quan hệ của một người với chính quyền trong xã hội, nên phục vụ nó hay rút ra khỏi nó  Những bài thơ của Đoàn Văn Khâm là cách diễn đạt đầu tiên của Việt Nam về vấn đề này.

 

Sự quan tâm đến thái độ của một trí thức đối với vấn đề nan giải về trách nhiệm xã hội và sự cứu rỗi cá nhân tất nhiên không phải là chỉ riêng với Việt Nam; nó hiện hữu, cho đến mức tôi  hay biết, trong hầu hết các nền văn hóa. Điều có thể đặc biệt về truyền thống trí thức Việt Nam là phương cách đặc biệt mà vấn đề nan giải này vang dội với các đặc điểm của kinh nghiệm Việt Nam. Không có gì đặc biệt đáng chú ý về vấn đề nan giải này như một vấn đề của con người, nhưng cách các bài thơ của Đoàn Văn Khâm, và các văn bản tiếng Việt sau này, tạo dựng tình huống khó xử cho thấy một ví dụ cụ thể về cách nó được công bố khi nó trở nên quá bực bội để phớt lờ.

 

Người Việt thường đối phản các từ ngữ xuất thếnhập thế [tiếng Việt trong nguyên bản, ND]. Xuất thế có nghĩa là "thoát ra ngoài thế giới", "cự tuyệt các quy ước xã hội", để "rút khỏi loài người" và được áp dụng theo quy ước để chỉ Phật giáo. Nhập thế có nghĩa là "đi vào thế giới", "tham gia vào xã hội", "phục vụ loài người" và được áp dụng theo quy ước để chỉ Khổng (Nho) học. Trên thực tế, xuất thếnhập thế giới đã là những khái niệm nổi bật trong suy nghĩ của cả Phật tử và người theo Khổng học ở Việt Nam. Ở Việt Nam, những người xuất thế không chỉ là tu sĩ Phật giáo mà còn cả học giả Khổng học và các trí thức hiện đại; những người nhập thế không chỉ là những học giả Nho giáo và những nhà cách mạng theo mácxít mà còn cả  những tu sĩ Phật giáo. Vấn đề nan giải lớn hơn bất kỳ tôn giáo hoặc ý thức hệ cụ thể nào. Có điều gì đó về kinh nghiệm lịch sử Việt Nam sẽ làm sáng tỏ lý do tại sao vấn đề này lại rất thú vị  đối với người Việt Nam từ thế hệ này đến thế hệ kia? Trong thực chất, vấn đề nan giải là vấn đề xác định và đáp ứng với "chính quyền tốt".

 

Giáo sư O.W. Wolters tin rằng văn hóa Việt Nam cho thấy một sự phân cách nhất định giữa hai tiểu văn hóa (subculture) của triều đình và làng xã, và ông ức đoán rằng khoảng cách đặc biệt trải nghiệm bởi người dân cố gắng sống trong cả hai nền tiểu văn hóa này có thể được quy kết bằng kinh nghiệm lâu dài của Việt Nam về chính quyền của các viên chức đế quốc Trung Hoa trong mười thế kỷ đầu tiên của thời đại này. (6)

 

Các thói quen của những người thuộc tầng lớp thống trị ở Việt Nam được hình thành từ nhiều thế kỷ tham gia vào chính quyền đế quốc Trung Hoa. Các tiểu văn hóa của chính quyền và làng xã đã phát triển trong một bối cảnh nơi mà quyền lực tối thượng được chính thức hóa tại chính quyền trung ương theo định nghĩa không chỉ "từ trên" mà còn "từ bên ngoài". Ngay cả sau khi thời đại lịch sử này kết thúc và các vị vua Việt Nam xuất hiện, các thói quen của những người thuộc tầng lớp thống trị và các nhận thức phổ biến về họ vẫn tiếp tục  được rút ra từ hố phân chia giả định được tích lũy bởi kinh nghiệm của các thế hệ trước. Hơn nữa, những hạn chế mà các nhà cai trị Việt Nam gặp phải do mối quan hệ Trung-Việt, cần duy trì mối quan hệ triều cống và đóng giả làm chư hầu kiểu Trung Hoa, đã tiếp tục củng cố các thói quen và các nhận thức cũ. Như vậy, ít nhất, đây có thể là một giả thuyết hữu ích.

 

Có lẽ hình dạng đặc biệt của vấn đề nan giải xuất thế/nhập thế  trong lịch sử văn học và trí thức Việt Nam là một di sản của mối quan hệ Trung-Việt này, Đối với các thế hệ người Việt Nam, bao gồm cả thế hệ hiện tại, chuyển từ làng "sang phục vụ chính phủ" liên quan đến một sự biến đổi từ một cách thức hành xử này sang một cách thức khác, từ một hệ thống giá trị này sang một hệ thống khác, từ thế giới này sang thế giới khác. Cái giá của sự biến đổi này, được phán đoán từ các thế hệ các nhà thơ giỏi (tốt), là một sự nhạy cảm sống động cho vấn đề nan giải xuất thế so với  nhập thế.

 

Việc các nhà thơ Việt Nam được truyền cảm hứng để viết loại thơ mà chúng ta đang thảo luận là một dấu hiệu cho thấy sự giao thoa giữa hai tiểu văn hóa triều đình và làng xã là một điều quan trọng trong suy nghĩ của những người có học, và hơn nữa, nó cho thấy rằng họ theo bản năng đang tìm cách để giữ hai tiểu văn hóa lại với nhau. Những gì xuất hiện với chúng ta như một vấn đề hoặc một tình trạng nan giải có thể được hiểu một cách thích hợp hơn khi phát quang không gian thơ mộng nơi các sự tuyên xác của triều đình và làng mạc có thể được xếp lại thành một quan điểm đạo đức cố định. Là người Việt Nam đầu tiên, đến mức mà chúng ta có thể nói hôm nay, để di chuyển vào không gian thơ mộng này, Đoàn Văn Khâm đáng chú ý vì cam kết kép của mình đối với sự cứu rỗi cá nhân và trách nhiệm xã hội, một cam kết cũng được đón nhận bởi nhiều nhà thơ theo bước ông, kể cả Nguyễn Trãi và Nguyễn Bỉnh Khiêm.  Có lý do nào khiến Đoàn Văn Khâm có thể thụ mẫn một cách đặc biệt trước tình trạng lưỡng nan của việc phục vụ chính quyền đối với việc rút lui khỏi cuộc sống công cộng?

 

Đoàn Văn Khâm rõ ràng đã hoạt động trong những thập niên 1080 và 1090. Trong thời gian này, vị vua Lý thứ tư dần dần thoát khỏi vị thế là một trẻ vị thành niên bước tới tuổi trưởng thành dưới ảnh hưởng của người mẹ sinh ra từ môi trường làng mạc. Bà Thái Hậu này đã tạo một ảnh hưởng thống trị đối với nhà vua cho đến khi bà qua đời vào năm 1117. Bà đã khởi sự vai trò thăng tiến vào đầu những năm 1070 với một hành động tàn ác dường như đã ám ảnh bà suốt đời; bà đã ra lệnh chôn sống những đối thủ của mình tại triều đình.  Một cuộc chiến tuyệt vọng với Nhà Tống Trung Hoa vào những năm giữa thập niên 1070, chiến đấu với một đứa trẻ trên ngai vàng, đã làm nổi bật một nhóm quan chức được ghi nhận về sự kiên cường, tham vọng và niềm tự hào của họ. Nhân vật chính trong nhóm này, Lê Văn Thịnh, cuối cùng đã bị nhà vua đày ải vào những năm 1090. Tất cả những điều này xuất hiện sau hơn sáu mươi năm, từ năm 1009 đến năm 1072, với sự lãnh đạo đáng chú ý dưới ba vị vua trưởng thành, tất cả đều là những người thông minh và mạnh mẽ.  Đoàn Văn Khâm rõ ràng đã sống ở một thời đại mà, sau khi động lực của  quyền năng triều đại đã tiêu hao, những người Việt Nam thuộc tầng lớp thống trị đang dò dẫm tìm cách duy trì thành quả của ba vị vua đầu tiên. Đối với triều đại, tất cả đã xuống dốc từ đây.

 

Có lẽ có một điều gì đó về một thời chiến tranh Trung Hoa - Việt Nam, một thời của cuộc xung đột phe phái trong chính quyền, sự trỗi dậy của một Thái Hậu sinh ra từ giai cấp thấp và một vị vua trẻ con đã trở thành và trưởng thành nhưng không bao giờ tự khẳng định mình như các tiên vương đã làm, một vị vua không bao giờ sinh ra một người thừa kế - có lẽ có một điều gì đó về một khoảng thời gian như vậy, đã tạm dừng lại để suy ngẫm về công đức và niềm vui tương đối của việc phục vụ công cộng và tu luyện cá nhân. Vẻ hào nhoáng của sự phấn khích dường như bao quanh các hoạt động của ba vị vua nhà Lý đầu tiên đã phai nhạt, và triều đình đã trở thành đấu trường của những tham vọng nhỏ nhặt, nơi những người đàn ông đức hạnh bắt đầu cảm thấy bị giam hãm và bắt đầu khao khát trốn lên những đỉnh núi.

.

Đoàn Văn Khâm đáng chú ý không chỉ, ít nhất là trong suy nghĩ của tôi, là nhà thơ hay nhất của triều đại Lý mà còn là người đầu tiên nêu ra một chủ đề sẽ rèn luyện tâm trí tốt nhất của người Việt trong các thế hệ đến sau. Điều kích thích tôi tò mò là ý nghĩ rằng hai tính chất này kết nối một cách không thể né tránh và rằng sự kết nối này cho chúng ta biết một điều gì đó có ý nghĩa về lịch sử trí thức Việt Nam, đó là việc một số người thuộc tầng lớp thống trị đã sử dụng thi ca để suy ngẫm về những sự tuyên xác mâu thuẫn mà họ cảm thấy đè nặng trên họ bởi xã hội triều đình và xã hội làng xã, và trong hành vi thiền định về tình trạng lưỡng nan của họ, họ thực sự đã làm việc để giải quyết nó bằng cách mở ra một không gian trung gian có thể được trú náu bởi các sự nhạy cảm phát sinh trong sự đồng cảm với cả hai nền tiểu văn hóa. / -

 

-----

CHÚ THÍCH

 

1. Sự hiểu biết của tôi về thi ca triều đại nhà Lý đến từ công trình thu thập bởi các nhà biên soạn quyển Thơ Văn Lý-Trần, Tập I (Nhà Xuất Bản Khoa Học Xã Hội, 1977)

2. Xem Tsu-Lin Mei and Victor Mair, “The Sanskrit Origins of Recent Style Prosody,” Harvard Journal of Asiatic Studies 51:2 (1991).

3. Thơ Văn Lý-Trần, tập I (1977), 335.  Chúng tôi cám ơn Sun Laichen cung cấp cho chúng tôi  các bản Hán tự viết tay các bài thơ trong bài viết này.

4. Thơ Văn Lý-Trần, tập I (1977), 336.

5. Thơ Văn Lý-Trần, tập I (1977), 337-338

6. Xem “Lời Nói Đầu'' trong sách của O.W. Wolters, Two Essays on Đại Việt in the Fourteenth Century (New Haven: Council on Southeast Asian Studies, Yale Center for International and Area Studies, 1988).

 

____

Nguồn: Keith W. Taylor, The Poems of Đoàn Văn Khâm, Crossroads, An Interdisciplinary Journal of Southeast Asian Studies, Vietnamese Poetry and History, Volume 7, Number 2, 1992, các trang 39-54.

 

*****

 

Phụ Chú Của Người Dịch Ngô Bắc:

 

a*: Luật, vần, đối, niêm trong thơ Đường luật

 

Để minh họa, bài thơ quen thuộc Qua Đèo Ngang của Bà Huyện Thanh Quan sẽ được dùng làm ví dụ:

 

Bước tới Đèo Ngang, bóng xế ,

Cỏ cây chen đá, lá chen hoa.

Lom khom dưới núi, tiều vài chú,

Lác đác bên sông, rợ mấy nhà.

Nhớ nước đau lòng con quốc quốc,

Thương nhà mỏi miệng cái gia gia.

Dừng chân đứng lại trời, non, nước,

Một mảnh tình riêng ta với ta.

 

Luật: chữ thứ 2 của câu đầu tiên ấn định Luật của bài thơ: nếu chữ thứ 2 là thanh bằng, bài thơ có Luật Bằng, nếu chữ thứ 2 là thanh trắc, bài thơ có Luật Trắc.  Trong bài Qua Đèo Ngang, chữ thứ 2 của câu đầu tiên là tới (thanh trắc), bài thơ có Luật Trắc.

 

Trong câu thơ, chữ thứ 2 và thứ 6 phải có cùng thanh điệu, chữ thứ 4 phải có thanh điệu ngược lại. Trong câu Bước tới Đèo Ngang, bóng xế tà, các chữ thứ 2: tới và chữ thứ 6: xế có thanh trắc, nên chữ thứ tư: Ngang phải có thanh bằng.  Nếu hai chữ thứ 2 và thứ 6 có thanh bằng, thì chữ thứ 4 phải có thanh trắc.  Quy luật Bằng Trắc: Nhị Tứ Lục (chữ thứ 2, 4, 6) phân minh này phải được tuân thủ một cách nghiêm ngặt.  Còn các chữ 1, 3, 5 tùy nghi sử dụng, không bị bắt buộc theo quy luật bằng trắc nào: Nhất, Tam, Ngũ bất luận.

 

Vần: chữ thứ 7 cuối cùng của câu 1, 2, 4, 6, và 8 phải hiệp vận  Trong bài Qua Đèo Ngang, các chữ cuối của các câu thơ 1, 2, 4, 6, 8 là tà, hoa, nhà, gia, ta hiệp vần và có thanh bằng nên bài thơ có Vần Bằng. 

 

Đối Ý:  Ý nghĩa của hai cặp đôi: câu 3 và 4, cùng câu 5 và 6, phái đối nhau về ý nghĩa.  Trong bài thơ Qua Đèo Ngang, chúng ta thấy có sự đối nghĩa rõ ràng:

           

Lom khom dưới núi, tiều vài chú,

Lác đác bên sông, rợ mấy nhà.

Nhớ nước đau lòng con quốc quốc,

Thương nhà mỏi miệng cái gia gia.

 

Niêm: chữ thứ 2 của các câu 1 và 8, 2 và 3, 4 và 5, 6 và 7 phải có cùng thanh điệu, hoặc cùng là bằng hay cùng là trắc.  Trong bài Qua Đèo Ngang, chúng ta thấy các niêm câu 1 và câu 8 là tới & mảnh (trắc),  câu 2 và câu 3: cây & khom (bằng), niêm câu 4 và câu 5: đác & nước (bằng), niêm câu 6 và câu 7: nhà & chân (bằng).

 

b*: Về tiểu sử Đoàn Văn Khâm, theo https://vi.wikipedia.org/wiki/Đoàn_Văn_Khâm

 

Đoàn Văn Khâm (chữ Hán: 段文欽 1020 - 1134) đỗ Thái học sinh thời nhà Lý, là nhà thơ, danh thần, Thượng thư Bộ Công đời vua Lý Nhân Tông (1072-1128).

Gia thế và dòng tộc

Đoàn Văn Khâm quê gốc ở Tô Xuyên (nay là An Mỹ, Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình). Là con của Đoàn Văn Liễn (tướng nhà Đinh Tiền Lê), cháu của Đoàn Văn Lan (thuộc tướng của sứ quân Trần Lãm và khai quốc công thần nhà Đinh), chắt của Đoàn Huy Lượng (tướng nhà Ngô) và chít của Đoàn Liêm Duy (thuộc tướng của Khúc Thừa Dụ). Họ Đoàn của ông quê gốc ở Sơn Vi, Phú Thọ sau lại di cư sang khu vực quận Từ Liêm, Hà Nội. Sau khi Lê Đại Hành đánh thắng giặc Tống đã tặng cho Đoàn Văn Liễn, người có công trạng lớn trong việc dẹp giặc, câu đối:

    "Bình Tống huân danh tại

       Phù Lê sử sách thùy"

Dịch nghĩa:

Dẹp giặc Tống, danh tiếng còn đây

Phò tá nhà Lê, sách sử còn truyền

Khi Lý Thái Tổ lên ngôi hoàng đế, Đoàn Văn Liễn được cấp đất ở Tô Xuyên làm thái ấp do có công ủng hộ và đưa Lý Công Uẩn lên ngai vàng. Năm 1020, phu nhân Lý thị hạ sinh Đoàn Văn Khâm tại thái ấp. Đoàn Văn Khâm còn có một người em trai là Đoàn Duy Hải, sau kế tập cha lãnh thái ấp Tô Xuyên.

Quan nghiệp

Đoàn Văn Khâm đỗ Thái học sinh (tương đương Tiến sĩ) trong khoa thi Nho học đầu tiên của Việt Nam - khoa Minh kinh bác học năm Ất Mão 1075 đời vua Lý Nhân Tông. Tháng 2 năm Ất Mão (1075), vua Lý Nhân Tông cho mở khoa thi Minh kinh bác học và thi Nho học tam trường ở Văn Miếu-Quốc Tử Giám, năm đó Lê Văn Thịnh đỗ đầu - tương đương Trạng nguyên). Đoàn Văn Khâm đỗ thứ 2 (tương đương Bảng nhãn). Ngay sau khi đỗ đại khoa, ông được vua Lý Nhân Tông bổ nhiệm luôn vào chức Công Bộ Thượng thư năm 1075.

Tại Việt Nam, chức Thượng thư được đặt ra lần đầu tiên vào triều nhà Lý. Đời vua Lý Nhân Tông, có các vị thượng thư: Đoàn Văn Khâm, Mạc Hiển Tích

Tác phẩm

Tuy làm đến Thượng thư nhưng ông vẫn luôn có ý muốn từ quan. Ông là một cư sĩ mộ đạo Phật, thường quấn khăn vải, mặc áo nâu và hay giao du với khách thiền lâm. Ông thường làm thơ, được người đương thời khen tặng nhưng nay đã thất lạc gần hết (do lịch sử). Đến nay ghi nhận còn lại được 4 bài thơ viết bằng chữ Hán.

Trong đó có 3 bài được chép trong Hoàng Việt thi tuyển do Bùi Huy Bích sưu tập, đó là:

Bài 1. Tặng Quảng Trí Thiền sư (Tặng Thiền sư Quảng Trí).

Bài 2. Vãn Quảng Trí Thiền sư (Viếng Thiền sư Quảng Trí).

Bài 3. Truy điệu Thiền sư Chân Không.

Cũng theo Hoàng Việt thi tuyển của Bùi Huy Bích thì Thiền sư Quảng Trí họ Nhan, năm thứ nhất niên hiệu Chương Thánh Gia Khánh (1059) sư từ bỏ thế tục đến tham vấn Thiền Lão ở Tiên Du. Nhờ một câu nói của Thầy, sư nhận được yếu chỉ, từ đó dốc sức vào thiền học. Về sau sư trụ trì chùa Quán Đỉnh núi Không Lộ, kết bạn với tăng Minh Huệ, người đời cho là Hàn Sơn, Thập Đắc tái thế. Công Bộ Thượng thư Đoàn Văn Khâm làm bài thơ trên thương tiếc khi sư quy tịch (khoảng niên hiệu Quảng Hựu 1085-1091).

Và bài thứ 4 là Gửi Tĩnh-giới Thiền sư ở núi Bí-linh thuộc Nghệ-an được chép trong sách Kiến văn tiểu lục của Bảng nhãn Lê Quý Đôn.

Qua mấy bài thơ còn lại, có thể thấy Đoàn Văn Khâm là người đức hạnh cao, rất hâm mộ đạo Phật và cũng là nhà thơ xuất sắc đời bấy giờ.

c*: Về bài thơ thứ tư của Đoàn Văn Khâm:

            Theo  https://vi.wikipedia.org/wiki/Đoàn_Văn_Khâm,

            ….

            Trong sách Kiến văn tiểu lục của Lê Quý Đôn có chép một bài thơ nữa của cụ Đoàn Văn Khâm, Gửi Tĩnh-giới Thiền sư (ở núi Bí-linh thuộc Nghệ-an)

:

Thu lai lương khí sảng hung khâm,

Bát đẩu(*) tài cao đối nguyệt ngâm.

Kham tiếu thiền gia si độn khách,

Vị tương hà ngữ dĩ truyền tâm?

Tạm dịch:

Thu về thoảng mát lòng ai,

Trông trăng ngâm vịnh trổ tài thiên nhiên.

Dám cười si độn khách thiền,

Lấy gì tâm ấn để truyền cho nhau?

- Chú thích:

(*) Bát đẩu nghĩa là tám đấu: Tạ Linh Vận nói: Tất cả tài hoa trong thiên hạ có một thạch (mười đấu) mà riêng Tào Tử-kiến (tức Tào Thực, con Tào Tháo) chiếm được tám đấu. Sau thi gia thường dùng danh từ "bát đẩu" để nói về người tài hoa.

d*: Về nhà sư Quảng Trí:

Quảng Trí thiền sư: Một vị thiền sư trong đời [Lý] Nhân-tôn, họ Nhan, anh ruột bà Chương-phụng hoàng phi, quê ở Thăng-long, tu tại chùa Quán-đính trên núi Không lộ (?), đạo hạnh rất cao, các quan trong triều đều phải kính phục. (Văn Học Đời Lý, 1941, của Ngô Tất Tố, trang 60)

e*: Về nhà sư Chân Không:

Chân Không thiền sư (khoảng cuối thế kỷ XI): Ông người làng Phù-đổng, huyện Tiên-du, họ Vương, tên tục là Hải-thiềm, vốn là con nhà sang trọng.  Thuở nhỏ, chỉ thích cần khổ đọc sách, không muốn mó tay vào những việc vặt.  Khi mười lăm tuổi, học thông các sử sách.  Ngoài hai mươi tuổi mới đi chơi các chùa chiền để kiếm bè bạn.

Sau khi được tâm ấn của thiền sư ở núi Đông-cứu, ông liền vào tu ở Từ-sơn.  Hơn hai chục năm không hề xuống núi, danh tiếng lừng lẫy xa gần.  Vua Nhân-tôn đã mời ông vào đại nội giảng kinh Pháp-hoa, kẻ nghe giảng ai cũng kính phục.

            Mất năm Hội-phong thứ chín. (Văn Học Đời Lý, Ngô Tất Tố, trang 57)

f*: Các bản dịch ba bài thơ của Đoàn Văn Khâm từ Ngô Tất Tố

            Dưới đây là bản dịch ba bài thơ của Đoàn Văn Khâm sang tiếng Việt và lời giải thích của tác giả Ngô Tất Tố, trích trong quyển Văn Học Đời Lý, (1941?), các trang 59-63.

 

Bài thứ nhất:

Tặng Quảng Trí Thiền Sư

 

Chống gậy non cao rũ bụi đời,

Nằm trong huyễn mộng ngắm mây trôi.

Ân cần khôn cách theo Trừng Thập,

Trót vướng bày cò lớp mũ đai.

 

Bài này có ý tán dương Quảng Trí thiền sư, đại khái nói rằng: Quảng Trí thiền sư chống gậy tầm xích tu hành ở trên núi cao, im lặng ở trong cuộc đời là cuộc huyễn mộng mà hỏi chuyện với những đám mây lơ lững [sic, lửng] trên trời.  Thật là một người chân tu đắc đạo, chẳng kém gì Phật-đồ-trừng và Cưu-mô la-thập.  Mình vẫn ân cần muốn theo thiền sư, mà không có cách nào theo được.  Vì đã trót vướng vào trong đám mũ đai, như bị sợi giây [sic, dây?] buộc lại, không thể dứt ra.  Đáng tiếc biết chừng nào.

***

Bài thứ nhì:

 

Viếng Quảng Trí Thiền Sư

 

Lánh chợ, vào rừng, tóc bạc phơ,

Non cao rũ áo ngát hương thừa,

Chùm khăn những muốn hầu bên chiếu,

Treo giép [sic, dép?] đà nghe phép của chùa,

Trăng dọi [sic, rọi?] sân trai chim khắc khoải,

Tháp không bia chữ, mộ thờ ơ,

Bạn thiền thôi cũng đừng thương xót!

Non nước ngoài am đó dáng xưa.

Giải nghĩa:

 

Bài này ý nói Quảng Trí thiền sư trốn xứ đô thị phồn hoa, vào ở rừng núi từ thủa trẻ đến khi bạc đầu.  Vì rằng đạo hạnh rất cao, cho nên dù đã rũ áo lên ở trên núi cao, mà càng xa càng thấy tiếng thơm.  Mình đương mong được đội một chiếc thanh tình của nhà chùa, làm người học trò lui tới bên chiếu, bỗng đâu thiền sư đã vội qua đời, chiếc dép vân du của người còn bỏ lại đó mà cửa chùa đã khép lại rồi.  Bây giờ ở sân nhà trai, chỉ còn tiếng chim vắng vẻ kêu dưới bóng trăng.  Cái tháp ở bên mộ người, cũng không có ai đề cho bài minh đáng cảm khái biết chừng nào! Nhưng mà thôi, các bạn tu hành cũng đừng nên thương xót về cuộc vĩnh biệt ấy, người tuy mất rồi, nhưng tinh thần của người còn gửi ở sông núi, nước non trước chùa tức là chân hình của người đó.

***

 

Bài thứ ba:

 

Truy Điệu Chân Không Thiền Sư

 

Trào, quê nô nức, thói cao bay,

Gậy chống như rồng quấn bóng mây.

Phút chốc cửa từ cây cột đổ,

Bùi ngùi rừng đạo gốc thông lay.

Mô quanh cỏ biếc thêm từng tháp,

Nước chiếu non xanh nhận nét mày.

Quanh quẹ [sịc quạnh quẽ?] âm mây, ai gõ cửa?

Chuông chiều xa lắng dạ khôn khuây.

 

Giải nghĩa:

            Bài này khen Chân Không thiền sư là bậc đạo hạnh cao siêu, thói cao nết cả của người khiến cho trên triều đình và dưới thôn quê đều phải nô nức kính mến.  Học trò đến học rất đông, họ theo quanh gậy tầm xích của người giống như mây đi theo rồng.  Bây giờ người mất, cửa phật như bị gẫy [sic, gãy] chiếc cột cái, rừng thiền sư bị đổ trồi thông già.  Kìa đám cỏ xanh rối rít quanh cây tháp mờ đó là phần mộ của người.  Kìa ngọn núi biếc ánh xuống dưới làn nước trong, đó là hình dung của người.  Phần mộ ở đấy, hình dung còn đấy, nhưng ngôi chùa của người trụ trì ngày xưa, nay đã thành nơi quạnh quẽ im lặng, không ai gõ cửa.  Mỗi khi đi qua, nghe tiếng chuông chiều rền-dĩ [sic, rĩ?] càng như khêu gợi mối sầu./-

 

Ngô Bắc dịch và phụ chú

10 - 2022