Alejandro Gutman &
Beatriz Avanzati
https://www.languagesgulper.com/eng/Home.html
DÒNG NGÔN NGỮ AUSTROASIATIC
MỘT SỰ KHAO KHÁT VÔ ĐỘ
CÁC NGÔN NGỮ CỔ ĐẠI VÀ HIỆN ĐẠI
Ngô Bắc dịch
TỔNG QUAN
Các ngôn ngữ Austroasiatic (Úc-Á) bản địa của Đông Nam Á là một họ lớn và không thuần nhất. Trong thời tiền lịch sử, một số nhóm Úc-Á di cư đến vùng Nam Á tạo ra một sự phân chia quan trọng giữa các ngôn ngữ Munda của Ấn Độ và các ngôn ngữ Mon-Khmer còn ở lại quê hương của chúng. Mặc dù có chung một từ vựng, hai phân chi khác nhau rất nhiều trong cấu trúc của chúng, Mon-Khmer chủ yếu là đơn ngữ trong khi Munda thì biến cách (inflective).
Phần lớn ngôn ngữ Úc-Á được nói bởi các cộng đồng nhỏ bé rải rác tại các vùng núi đồi hẻo lánh và không có truyền thống được ghi chép, nhưng Mon-Khmer và Việt-ngữ (Vietnamese) có một lịch sử được ghi chép lâu dài và quan trọng nhất về mặt văn hóa.
SỰ PHÂN PHỐI
Các ngôn ngữ Úc-Á được tìm thấy tại vùng Đông Nam Á đại lục và tại vùng đông bắc và trung Ấn Độ. Tại Đông Nam Á, chúng trội bật tại Căm Bốt và Việt Nam nhưng tại Thái Lan, Lào, Miến Điện và bán đảo Mã Lai chúng thuộc nhóm thiểu số bị che lấp bởi các ngôn ngữ lớn hơn nhiều của nhánh Tai-Kadai, Tibeto-Burman, và họ Austronesian.
SỰ PHÂN LOẠI
Dòng Họ Úc-Á (Austroasiatic) trong truyền thống được phân chia thành phân họ Munda nhỏ và phân họ Mon-Khmer lớn hơn. Các ngôn ngữ Aslian của Mã Lai và Nicobarese của các đảo Nicobar (một phần của Ấn Độ) đã được ghép thử nghiệm vào nhóm Mon-Khmer nhưng sự phân loại của chúng bị tranh luận. Phân họ Mon-Khmer có hơn một trăm ngôn ngữ và một số chi mà mối quan hệ hỗ tương cũng bị tranh luận. Một số sự phân loại gần đây khiến cho dòng họ Austroasiatic và Mon-Khmer có ranh giới chung, xem Munda chỉ như một chi khác của họ. Tạm thời, chúng tôi giữ lại sự phân chia truyền thống dòng họ Austroasiatic thanh hai phân họ, mỗi phân họ bao gồm vài chi.
Bản Đồ Các Chi Ngôn Ngữ Dòng Họ Austroasiatic
1. Mon-Khmer
• Khmeric
• Bahnaric
• Monic
• Katuic
• Pearic
• Khmuic
• Palaung-Wa
• Khasic
• Vietic
• Aslian
• Nicobarese
2. Munda
Northern
· Kherwarian
· Korku
Southern
· Kharia-Juang
· Koraput
(Các ngôn ngữ Munda không được thể hiện trong bản đồ nơi đây nhưng ở trang mạng riêng của nó).
Khmeric bao gồm hai ngôn ngữ:
Khmer Trung Tâm hay Tiêu Chuẩn, ngôn ngữ quốc gia của Căm Bốt, và Khmer Miền Bắc, được nói tại vùng đông nam của Thái Lan. Ngôn ngữ đầu, với 15 triệu người nói, là ngôn ngữ Úc-Á lớn thứ nhì sau tiếng Việt Nam, và là một trong những ngôn ngữ được ghi nhận là cổ xưa nhất của Đông Nam Á. Ngôn ngữ thứ nhì chỉ được nói bởi 1.4 triệu người.
Bahnaric là một nhóm lớn các ngôn ngữ, được nói bởi khoảng 1 triệu người tại miền nam trung phần Việt Nam, miền nam Lào, và miền đông Căm Bốt. Các ngôn ngữ chính là Bahnar với 160,000 người sử dụng, tiếng Sre (hay Koho) với 130,000 người, tiếng Mnong với 120,000 người và tiếng Sedang với 100,000 người.
Chi Monic chỉ có hai ngôn ngữ, Mon ở miền đông nam Miến Điện và miền trung Thái Lan, và tiếng Nyahkur của Thái Lan. Số người nói tiếng Mon được tường thuật biến đổi một cách hoang đường, từ 100,000 đến 1 triệu người. Tiếng Mon có một tài liệu viết lâu đời, được chứng nhận lần đầu tiên tại vương quốc Dvaravati. Khi vương quốc bị hủy diệt bởi người Khmer trong thế kỷ thứ 10, đa số người Mon di cư sang phần đất ngày nay là Miến Điện. Ít người nói tiếng Nyahkur còn lại là hậu duệ của các người Mon ở lại Thái Lan.
Các ngôn ngữ Katuic được nói chính yếu tai. miền nam Lào và các vùng kề cận của Việt Nam, cùng với các nhóm nhỏ tại Thái Lan và Căm Bốt. Tổng số các người nói tiếng Katu vào khoảng 1.5 triêu. Các ngôn ngữ chính là Eastern Bru (140,000) và Upper Ta’oih (60,000) tại Lào và Việt Nam, Kataang (110,000) tại Lào, Eastern Katu (60,000) tại Việt Nam, Sô (20,000) tại Lào và Thái Lan, Kuy (500,000) tại Thái Lan và Căm Bốt.
Các ngôn ngữ Pearic tại miền tây Căm Bốt và đồng nam Thái Lan được nói bởi một dân số rất nhỏ và đều có nguy cơ tuyệt chủng.
Chi Khmuic bao gồm khoảng một tá ngôn ngữ tọa lạc tại miền bắc Lào và các vùng lân cận của Thái Lan và Việt Nam. Tiếng Khmu với khoảng 600,000 người nói là nhóm lớn nhất.
Hai tá ngôn ngữ Palaung-Wa rải rác khắp Miến Điện, miền bắc Thái Lan, miền bắc Lào và tỉnh Vân Nam của Trung Quốc. Hai ngôn ngữ quan trọng nhất, Wa với 1.4 triệu người nói, và Palaung, với có lẽ khoảng 600,00 người, được phân bố tại Miến Điện và Vân Nam.
Các ngôn ngữ Khasic cấu thành một nhóm nhỏ được giới hạn gần như tại tỉnh Meghalaya, thuộc miền đông bắc Ấn Độ. Chúng bao gồm tiếng Khasi được nói bởi khoảng một triệu người, tiếng Pnar với 100,000 người, và nhỏ nhất là tiếng War Jainta được phân chia giữa Bangladesh và Meghalaya với khoảng 300,000 người nói.
Chi Vietic được nói tại Việt Nam với các dân tộc thiểu số tại Lào và Căm Bốt. Đứng hàng đầu là tiếng Việt, ngôn ngữ dòng Austroasiatic lớn nhất, với 79 triệu [hơn 90 triệu vào năm 2020, ND], theo sau là tiếng Mường với 1.3 triệu người nói, và vài ngôn ngữ nhỏ khác.
Hơn một tá ngôn ngữ Aslian, được nói bởi gần 100,000 người, được tìm thấy tại các rặng núi của bán đảo Mã Lai và tại các túi [ enclave:khoảnh đất nằm trọn trong một vùng đất bao quanh, ND] tại phía nam bán đảo Thái Lan. Hai ngôn ngữ được biết nhiều nhất là Semai và Temiar, lần lượt với 45,000 và 27,000 người nói.
Nicobarese bao gồm nửa tá ngôn ngữ có nguy cơ tuyệt chủng được nói bởi khoảng 25,000 người trên quần đảo Nocobar, tọa lạc tại phía đông Ấn Độ Dương và thuộc Ấn Độ.
Các ngôn ngữ Munda của vùng đông bắc và miền trung Ấn Độ được chia thành nhóm miền bắc và nhóm miền nam. Các ngôn ngữ Miền Bắc Munda có nhiều người nói nhất và bảo thủ hơn. Chúng bao gồm tiếng Santali với 7.5 triệu người nói, Mundari và Ho với 1.5 triệu và 1.2 triệu, và Bhumij với nửa triệu người nói; tiếng Korku của miền trung Ấn Độ cũng với nửa triệu người nói tự thân cấu thành một phân nhóm (sub-group) cách biêt. Các ngôn ngữ Miền Nam Munda có sự phân kỳ nội bộ lớn nhật Chúng được phân chia thành các phân nhóm Kharia-Juang và Koraput trong đó các ngôn ngữ quan trọng hơn lần lượt là Kharia và Sora với khoảng 300,000 người nói mỗi nhóm.
SỐ NGƯỜI NÓI VÀ CÁC NGÔN NGỮ CHÍNH
Vào khoảng 117 triệu người nói tiếng thuộc dòng Austroasiatic. Các ngôn ngữ lớn nhất gồm (tính theo hàng triệu):
Ngôn Ngữ Số người nói Chi Khu vực
Vietnamese 79.0 Vietic Việt Nam
Central Khmer 15.0 Khmeric Căm Bốt, Nam Việt Nam
Santali 7.5 Munda Đông Bắc Ấn Độ
Mundari 1.5 Munda Đông Bắc Ấn Độ
Northern Khmer 1.4 Khmeric Đông Nam Thái Lan
Wa 1.4 Palaung-Wa Miến Điện, Vân Nam (China)
Mường 1.3 Vietic Bắc Việt Nam
Ho 1.2 Munda Đông Bắc Ấn Độ
Khasi 1.0 Khasic Meghalaya, Đông Bắc Ấn Độ
Mon 1 0.9 Monic Miến Điện, Thái Lan
Khmu 0.6 Khmuic Lào, Việt Nam, Thái Lan
Palaung 0.6 Palaung-Wa Miến Điện, Vân Nam (China)
Bhumij 0.5 Munda Đông Bắc Ấn Độ
Korku 0.5 Munda Trung Ấn Độ
Kuy 0.5 Katuic Thái Lan
--------------------------------------------------------------------------------------------------------------------
1. Một số học giả đưa ra một con số các người nói tiếng Mon thấp hơn nhiều.
VỊ THẾ
Tiếng Khmer và tiếng Việt là các ngôn ngữ quốc gia của Căm Bốt và Việt Nam. Nhiều ngôn ngữ dòng Austroasiatic được nói bởi các dân tộc it người nhỏ bé có khuynh hướng cư trú tại các vùng tương đối khó tiếp cận, nơi họ tìm chỗ ẩn náu khỏi các văn hóa thắng thế. Một số đông trong chúng có nguy cơ hay trên bờ tuyệt chủng.
CÁC ĐẶC TÍNH CHUNG
ÂM VI HỌC (Phonology)
Cấu trúc từ trong dòng Austroasiatic thường bao gồm một âm tiết (syllable) chính, đôi khi được đặt đứng trước bởi một hay nhiều “bán âm tiết” (half-syllables) không nhấn giọng. Chuỗi các phụ âm và nguyên âm của các âm tiết phụ (minor syllable) bị hạn chế một cách nghiêm ngặt.
Các sự kiểm kê nguyên âm lớn từ 20 đến 25 nguyên âm thường thấy với bốn hay ngay cả năm mức độ của chiều cao nguyên âm. Nhiều ngôn ngữ lập ra một bản đăng ký hay phân biệt loại phát âm giữa giọng nghe rõ hơi thở (breathy), nghe cót két (creaky) hay nghe rõ. Thí dụ, tiếng Mon nêu bật sự tương phản giữa các nguyên âm nghe rõ và nguyên âm có hơi thở.
Nhóm Mon-Khmer cho phép các cụm phụ âm ở vị trí khởi đầu, đặc biệt một âm xát (stop) theo sau bởi một âm vang (sonorant) (một phụ âm lướt (glide), một phụ âm nước (liquid) hay một phụ âm mũi (nasal consonant) hay một âm xát theo sau bởi mẫu tự h. Tuy nhiên, bị ảnh hưởng bởi tiếng Trung Hoa, tiếng Việt không cho phép các cụm phụ âm khởi đầu một từ. Các ngôn ngữ Munda có âm vị học khác biệt đáng kể với dòng chính của Austroasiatic cũng không cho phép như thế. Trong tất cả các thành viên của ngữ tộc, các cụm phụ âm không được phép ở vị trí sau cùng.
Nhiều ngôn ngữ Mon-Khmer đáng chú ý với việc có các từ chấm dứt bằng các phụ âm vòm miệng (palatal). Một số ngôn ngữ có các phụ âm khép (implosive) ở lúc khởi đầu của các âm tiết chính (major syllable).
Trái với các ngữ tộc khác của Đông Nam Á (Tai-Kadai, Hmong-Mien, Tibeto-Burman), phần lớn ngôn ngữ dòng Austroasiatic không có dấu nhấn giọng hay âm sắc (tones). Một ngoại lệ chính yếu là tiếng Việt phát triển các âm sắc do có sự tiếp xúc kéo dài với tiếng Trung Hoa.
HÌNH THÁI VĂN TỰ HỌC (MORPHOLOGY)
Phần lớn các ngôn ngữ Mon-Khmer sử dụng các phụ tố hay tiếp ngữ (affixes) (chính yếu là các tiền tố (hay tiếp đầu ngữ: prefixes) hay trung tố (hay tiếp trung ngữ: inflixes) được áp vào các danh từ và động từ để tạo thành một vài biến loại hình thái văn tự. Ngược lại, tiếng Nicobarese cũng có sử dụng các tiếp tố (hay tiếp vĩ ngữ: suffixes). Các từ vẫn còn ít bởi chỉ có một, hay nhiều nhất là hai, phụ tố được cho phép.
Các ngôn ngữ Việt Nam và Munda hoàn toàn khác biệt. Tiếng Việt Nam thực sự không có hình thái văn tự học trong khi các ngôn ngữ Munda lại có một hình thái ngữ học phức tạp hơn ngôn ngữ bình thường của dòng Austroasiatic, được chứng thực một cách đặc biệt trong hệ thống văn nói, sự sử dụng cách láy âm (reduplication), tiền tố, trung tố và tiếp tố.
CÚ PHÁP (SYNTAX)
Các ngôn ngữ Mon-Khmer có thứ tự cấu thành gồm Chủ Từ-Động Từ-Túc Từ (Subject-Verb-Object: SVO). Các tĩnh từ (adjectives), chỉ định từ (demonstratives) hay đại từ sở hữu (possessives) theo sau các danh từ mà chúng bổ nghĩa. Các giới từ (prepositions) và thứ tự của từ cho thấy các quan hệ cú pháp. Cú pháp của Munda thì khác biệt, chỉ có một thứ tự từ SOV căn bản.
Các kết cấu gián cách (ergative)* không phải là bất thường xuyên.
Các kết cấu động từ hàng loạt (hai hay nhiều động tự kề cận có chung chủ từ) có thể diễn đạt một tiến trình thời gian hay chiều hướng, mục tiêu, cách thức, phương tiện hay kết quả của một hành động.
TỪ VỰNG (LEXICON)
Các ngôn ngữ Mon-Khmer vay mượn nhiều từ các ngôn ngữ Indic (Ấn Độ), Sanskrit (tiếng Phạn) và Pali, trong khi tiếng Việt vay mượn từ tiếng Trung Hoa. Các ngôn ngữ núi rừng biệt lập nhất của Đông Nam Á đã bảo tồn nhiều hơn phần lõi cốt của ngữ vựng dòng Austroasiatic, mặc dù thường bị xuyên tạc bởi các điều kiêng kỵ cấm đoán một số tên gọi súc vật nào đó, hay tên riêng của người đã chết.
Nhiều ngôn ngữ dòng Austroasiatic có một loại từ đặc biệt, khác với các danh từ và động từ, được gọi là các từ biểu cảm (expressives) hay âm diễn đạt ý tưởng (ideophone), trong đó âm thanh và ý nghĩa đan kết một cách chặt chẽ. Chúng diễn tả, thường trùng lấp lên nhau, các sự nhận thức của giác quan, các cảm xúc và các cảm giác thuộc cơ thể, và được phân biệt không chỉ bởi một số đặc tính hình thái ngữ học nào đó (láy âm, trung tố) mà còn bởi các đặc điểm độc đáo về cú pháp.
CÁC HỆ THỐNG CHỮ VIẾT
Các dân tộc Mon và Khmer đã phát triển, một cách sớm sủa, các mẫu tự (alphabets) bắt nguồn từ các ngôn ngữ Miền Nam Ấn Độ và một cách cơ bản từ tiếng Brahmi. Người Mon đã thiết lập vương quốc Ấn Độ hóa Dvaravati tọa lạc tại vùng đất giờ đây là miền nam Thái Lan, và chế ra một loại chữ viết (được chứng thực từ thế kỷ thứ 6) mà sau này, được tiếp nhận bởi người Miến Điện để viết thành ngôn ngữ riêng của họ. Tương tự, vương quốc Khmer của Angkor đã bị ảnh hưởng về mặt văn hóa bởi Ấn Độ và chữ viết của nó được sử dụng cho các văn bia, được chạm khắc bằng tiếng Sanskrit cũng như tiếng Khmer, khởi sự trong thế kỷ thứ 7 (ngôn ngữ kể trước [Mon] có bản chất tuyên truyền, tôn giáo hay cho văn vần [thơ], ngôn ngữ kể sau cho văn xuôi và chính yếu trong việc hành chính.
Bởi Việt Nam nằm dưới sự cai trị của Trung Hoa trong một nghìn năm, khởi thủy mọi chữ viết đều là tiếng Trung Hoa. Sau khi giành được độc lập trong thế kỷ thứ 10, Việt Nam đã phát triển một “chữ viết miền nam” [tức chữ nôm, ND] sử dụng các chữ viết của Trung Hoa được phát âm theo phương ngữ để viết thành ngôn ngữ của họ. Ngôn ngữ này đã bị thay thế bởi một hệ thống chữ viết la mã hóa được tạo ra bởi các giáo sĩ Dòng Tên hồi thế kỷ thứ 17, song vẫn được sử dụng ngày nay sau khi có một số các sự sửa đổi./-
-----
· Ergative trong nguyên bản, tạm dịch là gián cách, chỉ chủ từ của ngoại đông từ (subject of a transitive verb), khác biệt với chủ từ của nội đông từ: subject of an intransitive verb, chú của ND ).
Tài Liệu Đọc Thêm
1. 'Austroasiatic Languages'. G. Diffloth. In Encyclopedia Britannica Ultimate Reference Suite (2011).
2. 'Mon-Khmer Languages'. G. D. S. Anderson. In Concise Encyclopedia of Languages of the World, 724-730. K. Brown & S. Ogilvie (eds). Elsevier (2009).
3. Linguistic Comparison in South-east Asia and the Pacific. H. L. Shorto (ed). School of Oriental & African Studies, London (1963).
4. A Guide to Austroasiatic Speakers and their Languages. R. Parkin. University of Hawaii Press (1991).
5. Studies in Comparative Austroasiatic Linguistics. N. Zide (ed). Mouton (1966).
-----
Nguồn: http://www.languagesgulper.com/eng/Austroasiatic.html © 2013 Alejandro Gutman và Beatriz Avanza
Ngô Bắc dịch và phụ chú
1.09.2020
http://www.gio-o.com/NgoBac.html
© gio-o.com 2020