THƠ PHẢN THƠ hay TRẦN MẠNH HẢO PHẢN TRẦN MẠNH HẢO

TRẦN NGHI HOÀNG

Trần Mạnh Hảo là tác giả của truyện dài “Ly Thân”, do nhà Thời Văn ở Mỹ in năm 1990. Khi “Ly Thân” xuất hiện, Hảo tức thì được giới văn học hải ngoại tấn phong là cây bút  sáng giá nhất giữa hàng ngũ những người cầm bút trong nước “phản kháng” lại chế độ Cộng Sản. Nhưng chẳng bao lâu sau đó, trong khi “Ly Thân” vẫn còn đang được khắp nơi rầm rộ tung hô, thì Trần Mạnh Hảo đã “hối cải” và “quy thuận” lại “triều đình”. Hiện nay, Trần Mạnh Hảo là một đại thụ Công An của ngành Văn Học Nghệ Thuật trong nước. Trần Mạnh Hảo hiện cầm cây roi “chính trị” vung vẫy đi giữa nền văn nghệ quốc nội. Trần Mạnh Hảo vốn là một nhà thơ. Hảo là tác giả của rất nhiều thơ và đáng kể theo tôi biết, là ba trường ca xưng tụng chém giết, suy tôn chủ nghĩa Maxism và các lãnh tụ: “Ba Cặp Núi Và Một Hòn Núi Lẻ”, “Mặt Trời Trong Lòng Đất” và “Đất Nước Hình Tia Chớp”. Dăm bảy năm gần đây, để chứng tỏ sự tích cực trong nhiệm vụ “Công An Văn Nghệ” của mình, Trần Mạnh Hảo đã viết những cuốn “phê bình cầm chịch”, trong đó có “Thơ Phản Thơ”. 


Mở đầu cuốn “Thơ Phản Thơ”, với tiểu đề “Nghĩ Về Thơ và Thơ Hôm Nay”, Trần Mạnh Hảo viết:


“Trong đạo Thiên chúa giáo có quan niệm này mà người vô thần cách mấy cũng phải công nhận là thoáng, đó là mỗi người tin đạo đều có thể tìm cho mình một cách đến với Chúa, đến với thiên đường. Cũng có thể lấy ví dụ này để nói về thơ. Bởi vì, mỗi người làm thơ đều có thể tìm ra một cách thơ hay. Và có bao nhiêu người làm thơ thì cũng có bấy nhiêu cách định nghĩa về thơ vậy.”
(Trần Mạnh Hảo, Thơ Phản Thơ, phần Nghĩ Về Thơ Và Thơ Hôm Nay, Văn Học xb 1995, trang 5)


Không thấy Trần Mạnh Hảo chú giải cái quan niệm gọi là “thoáng” này của Thiên chúa giáo, Hảo đã thấy ở đâu trong kinh Thánh. Chỉ thấy sau đó Trần Mạnh Hảo khẳng định tức thì:
“Thơ chính là tuổi thơ của loài người còn sót lại”.
(Trần Mạnh Hảo, Thơ Phản Thơ, phần Nghĩ Về Thơ Và Thơ Hôm Nay,  Văn Học xb 1995, trang 5)


Như vậy, sau khi khẳng định với Đảng Trần Mạnh Hảo vẫn là người “vô thần”, Thiên Chúa giáo chỉ là cây cột để Trần Mạnh Hảo vịn vào đó mà đứng lên định nghĩa về thơ, thì câu định nghĩa trên vẫn hết sức vô duyên và vô lý! Tôi sẽ dẫn ra những điều vô duyên và vô lý ở phần sau. Xin đọc tiếp Trần Mạnh Hảo quãng diễn:
“Kinh thánh có câu: Nếu ai không hóa thành con trẻ thì nước Trời không thuộc về kẻ đó”. Người Trung Quốc quan niệm trời đất bao giờ cũng hồn nhiên như trẻ thơ nên mới có chữ hóa nhi. Người Việt Nam nói điều này một cách rất thật thà, cụ thể: “Đi hỏi già, về nhà hỏi trẻ”. Xem ra như thế những gì rốt ráo nhất, chân như và thiêng liêng nhất, đều có chung bản chất với trẻ con. Và như thế, chúng ta vui mừng phát hiện ra rằng, vẫn còn một đứa trẻ con lon ton chạy qua sa mạc, chạy qua bao nhiêu thiên niên kỷ của những trận đại hồng thủy đến với loài người chúng ta từ vườn Êden xưa, nơi tổ tông chúng ta bị đuổi khỏi địa đàng. Phải chăng, đứa-trẻ-con-muôn-thuở ấy chính là thơ ca?


Vậy mà đâu đây, trên hành tinh chúng ta, có ai đó trong văn học đã lạnh lùng tuyên bố: Thưa quý vị, thơ ca đã hết đường tồn tại.”
(Trần Mạnh Hảo, Thơ Phản Thơ, phần Nghĩ Về Thơ Và Thơ Hôm Nay, Văn Học xb 1995, trang 5 & 6).


Muốn phát biểu về thơ ca, Trần Mạnh Hảo phải xin lỗi Đảng mà vịn vào Thiên Chúa Giáo. Muốn định nghĩa thơ ca, Trần Mạnh Hảo phải đưa ra một “ai đó” đòi khai tử thơ ca để tiện bề lý luận!


Cái câu “Nếu ai không hóa thành trẻ con thì nước Trời không thuộc về kẻ đó”, chỉ là câu răn đe dành riêng cho những con chiên Thiên Chúa giáo. Những người có tôn giáo khác hay vô thần, thì nước Trời hay thiên đường của Thiên Chúa giáo không phải là nước Trời hay thiên đường mà họ muốn đến. Vậy thì sao? Như Trần Mạnh Hảo đã viết: “Và có bao nhiêu người làm thơ thì cũng có bấy nhiêu định nghĩa về thơ”. Thế thì, cái định nghĩa: “Thơ chính là tuổi thơ của loài người còn sót lại” của Trần Mạnh Hảo có còn giá trị gì không cho bất cứ ai khác ngoài nhà thơ Trần Mạnh Hảo??? Định nghĩa này quả tình vô duyên và vô lý!


Vả lại, tôi nhận thấy Trần Mạnh Hảo đã rất khiêng cưỡng với những vũ khí mà Hảo đưa ra để dàn trận lý luận về thơ của ông. Người Trung Quốc gọi Tạo Hóa, Ông Trời là Hóa Nhi vì những oái oăm trớ trêu của cuộc đời, mà họ tin tưởng đã do chính cái ông Tạo Hóa, Ông Trời đã dàn xếp nên. Đáng nhẽ xuôi thì bỗng dưng sự việc trở thành ngược, chuyện thấy đã tốt đẹp bỗng chốc nát bét tan hoang... Ông Trời, Tạo Hoa đã tinh quái, nghịch ngợm, trớ trêu cứ như thằng con nít... nên mới có hai chữ Hóa Nhi. Hóa Nhi hay Trẻ Tạo trong trường hợp này chẳng có tí gì liên can tới tính hồn nhiên. Bởi thế người ta mới nói: “trẻ tạo trêu người” hay “con tạo trớ trêu”.  Cũng như hai câu: “Đi hỏi già, về nhà hỏi trẻ” nó mang một hàm ý khác, chứ không phải như cái hàm ý mà Trần Mạnh Hảo đã nài ép nó... phải chịu.


Còn tuyên ngôn: “... vườn Êden xưa, nơi tổ tông chúng ta bị đuổi ra khỏi địa đàng.” là cái vườn xưa của và tổ tông của con chiên Thiên Chúa giáo! Cũng như Lạc Long Quân và Âu Cơ là tổ tiên của người Việt Nam; loài khỉ là tổ tiên của những người theo Maxism.v.v... Những điều trên không có chút gì liên hệ đến thơ ca, bởi thơ ca tự thân đã là một cái Đạo, một cõi Thiên Đàng Riêng của mỗi thi sĩ như Trần Mạnh Hảo đã ấp úng cố gắng muốn đưa ra. Nhưng vì Trần Mạnh Hảo không thực sự sống với những quan niệm mình muốn vươn tới, nên ông đã quãng diễn khái niệm về cái Đạo của Thơ không đến nỗi gì được suông sẽ lắm. Do đó: “thơ chính là tuổi thơ của loài người còn sót lại” cũng chỉ là quan niệm trong thế giới thơ của riêng Trần Mạnh Hảo, đương nhiên không phải của những người làm thơ khác.
Tuy thế, ngay cả trong quan niệm và định nghĩa này về Thơ: “Thơ chính là tuổi thơ của loài người còn sót lại”,  Trần Mạnh Hảo cũng đã tự mâu thuẫn với chính ông. Xin đọc:

“Trăng mới hé sau vầng mây sét rỉ
Trăng liềm như vệt máu còn hoen
Đêm lặng lẽ đến tưởng chừng phi lý
Đêm hoang vu sau súng trận sôi rền
Chúng ta bò lăn theo từng hòn đá
Căng mắt soi từng hốc tối quanh đồi
Cuộc hò hẹn đôi tình nhân kỳ lạ
Phải chăng đây là một cách dạo chơi
Anh hồi hộp vì em hay vì nghề trinh sát
Em đấy mà đâu dám sóng thành đôi...
(Trần Mạnh Hảo, Ba Cặp Núi Và Một Hòn Núi Lẻ, trích từ Văn Học - Phê Bình, Nhận Diện phần phụ lục, XB 1999, trang 469)

Trần Mạnh Hảo hãy chỉ cho tôi một chút gì “rốt ráo, chân như, thiêng liêng” mà ông đã khẳng quyết về thơ, trong đoạn thơ trên của Trần Mạnh Hảo. Tôi thấy có máu, có chém giết nhào lăn, có nghề trinh sát.... Dường như, thơ của các “thi sĩ” Việt Cộng bắt buộc phải có máu me mới thành thơ chăng? Xin đọc một bài khác cũng của Trần Mạnh Hảo:

“...Cô vẫn bắn mặc cho máu chảy
Mắt cô sững sờ tìm người yêu
Cô không sợ nỗi đau, không thương vồng ngực mình mất mát....”
(Trần Mạnh Hảo, Đất Nước Hình Tia Chớp, trích từ Văn Học - Phê Bình, Nhận Diện phần phụ lục, xb Văn Học 1999, trang 472)

Những đoạn thơ vừa dẫn cho thấy cái định nghĩa về thơ của Trần Mạnh Hảo quả hết sức vô duyên và vô lý khi đối trọng với thơ Trần Mạnh Hảo!
“Đứa trẻ thơ của loài người còn sót lại” của Trần Mạnh Hảo không bình thường! Nó thích bắn giết và máu me. Nó hay nhân danh này nhân danh nọ để nói những điều mà nó không đủ tự tin để nói lên tiếng nói của con tim, của tấm lòng nó! Trần Mạnh Hảo viết:

“Từ kinh Vệ Đà của Ấn Độ cổ đại đến thi thiên trong Kinh Thánh, từ Hôme đến Khuất Nguyên, từ Rimbô, Vẹclen đến Apôline hay Tago... hầu như mọi hình thức diễn đạt của thơ cho đến nay không thể có gì xuất hiện được gọi là mới nữa... Hãy làm cho trái tim con người rung động thêm một lần nữa đi vì đó là sự sáng tạo, sự mới mẻ đó nhà thơ ạ.”
. . . . . . . . . . . . .
Muốn nền thơ phát triển, dĩ nhiên mỗi nhà thơ cần phải tự biến đổi, tự cách tân bằng những thể nghiệm thơ cầm chắc sự thất bại hơn là thành công. Hiện đại hóa thơ để thơ vẫn cứ còn là thơ mới là điều hết sức khó khắn. Nhìn chung, thơ chúng ta còn thực quá, phải hư đi một tí nữa, phải siêu lên một chút nữa. Nhưng nếu chúng ta đi quá giới hạn của cái hư thơ sẽ hỏng đấy. Thơ muốn siêu, trước hết nó phải thực đã, đi tới tận cùng của cái thực, thơ sẽ đạt được cái siêu. Từ một con chim bay đến cái phi cơ hoặc tàu vũ trụ con thoi kia cũng phải tuân thủ quy luật đó huống hồ là thi ca.”
(Trần Mạnh Hảo, Thơ Phản Thơ, phần Nghĩ Về Thơ Và Thơ Hôm Nay, Văn Học xb 1995, trang 10 & 11).

Khi Trần Mạnh Hảo từng giây phút bị ám ảnh bởi những kinh Vệ Đà của Ấn Độ cổ đại, thi thiên trong Kinh Thánh, rồi Homère, Khuất Nguyên, Rimbaud, Verlaine,  Appolinaire, Tagore...(Tôi xin viết lại cho đúng tên những nhân vật lịch sử văn học thế giới này, vì không muốn sử dụng cái lối phiên âm vừa ngu xuẩn, vừa chậm tiến quê mùa của một số người cầm viết trong nước! TNH) thì thử hỏi cái đầu và con tim Trần Mạnh Hảo làm sao còn có những phút tinh khôi nguyên vẹn cho chính Thơ Trần Mạnh Hảo....?


Thơ có phát triển, có khai phá hay không là từ nỗ lực cô đơn của riêng mỗi người làm thơ. Hành trình của thi sĩ là hành trình của hình với bóng của chính mình vào nơi chốn vô cùng. Là hành trình của kẻ bị khổ sai trong hoan lạc! Hiện đại hóa thơ hay là thơ học đòi? Cần phải biết phân biệt sự sáng tạo và sự bắt chước và hồn ve xác bướm! Vẫn là những lập lại của các thứ thơ tạp hóa với đủ loại tên gọi thượng vàng hạ cám: bình phương, thơ cầu may, thơ cái dù, thơ khai căn, thơ lập phương, thơ dada, thơ vô chiều, thơ thoát xác...và cả thơ cắt dán....  Thơ “hư” là sao? Thơ “siêu” là sao”? Thơ “thực” rồi “siêu thực” là sao”? Và “hư”, “siêu”, “thực” rồi “siêu thực” là kỹ thuật hay nội dung? Chẳng thấy Trần Mạnh Hảo hé lộ chút bí mật gì của những từ này khi áp dụng vào thơ! Hay chỉ là những mỹ từ theo kiểu con nít nó đòi bố mẹ phải mua quần áo có brand name? Nhiều nhà thơ Việt Nam nói chung, trong nước cũng như ở hải ngoại, đã viết lý luận về thơ, đã kêu gào đổi mới thơ.... Nhưng hầu như không một ai thoát khỏi những Khuất Nguyên Ly Tao, thi thiên Kinh Thánh, Tagore, Homère, Mallarmé, Rimbaud, Verlaine, Appolinaire .v.v...


Vậy thì làm sao sáng tạo được ra Thơ, chưa nói đến đổi mới Thơ???

Ở một đoạn khác, chính Trần Mạnh hảo đã thú nhận:

“Nhưng ở nước ta mấy chục năm vừa qua, người ta đã đồng hóa thơ với các khẩu hiệu tuyên truyền. Người ta đã chất lên cái lưng vốn không lấy gì làm mạnh mẽ của thi ca đến tám mươi phần trăm nhiệm vụ của một nền văn nghệ phục vụ chính trị. Mỗi năm có bao nhiêu ngày lễ lạy, giỗ chạp là có bấy nhiêu lần các tòa báo đến gõ cửa nhà thơ để xin một thức thơ mì ăn liền.”
(Trần Mạnh Hảo, Thơ Phản Thơ, phần Nghĩ Về Thơ Và Thơ Hôm Nay, Văn Học xb 1995, trang 8)

Vừa mới “thành thật khai báo”, Trần Mạnh Hảo đã giật mình biện hộ:
“Nói như vậy, không có nghĩa là thơ chính trị thời sự không có bài hay, hoặc không thể làm hay...”
(Trần Mạnh Hảo, Thơ Phản Thơ, phần Nghĩ Về Thơ Và Thơ Hôm Nay, Văn Học xb 1995, trang 8)

Thái độ vừa “lỡ miệng” nói thật về những cái thối tha của chế độ Cộng Sản, lại phải hốt hoảng giật mình chống chế biện giải tức thì này vốn là bản chất Trần Mạnh Hảo! Viết “Ly Thân” xong, “Ly Thân” đang được mọi người trầm trồ vì thái độ “dám dứt khoát” với quá khứ... Thì Trần Mạnh Hảo trở cờ liền một khi... với những bài chuộc tội để “Tái Kết Hôn” với Đảng. Cổ nhân nói: Văn Là Người. Trong văn chương, Trần Mạnh Hảo đầu đuôi bất nhất. Trần Mạnh Hảo phản Trần Mạnh Hảo trong từng câu chữ. Thơ không bao giờ phản thơ. Chỉ có Thơ và những thứ mà vài kẻ mặt dày trâng tráo gọi nói là thơ.
Để kết luận “Nghĩ Về Thơ Và Thơ Hôm Nay”, Trần Mạnh Hảo viết:

“Có một thời, người ta phong cho nhà thơ bao nhiêu hàm, bao nhiêu tước như nhà thơ là tiếng loa của giai cấp, là lưỡi kiếm của nhân dân, là tiếng sấm của thời đại... đến nỗi những vinh dự quá lớn lao này khiến nhà thơ sung sướng đến phát ngơ ngẩn. Từ một nền thơ hướng ngoại, thơ chúng ta hôm nay đã trưởng thành vì nó đã tìm ra con đường hướng nội vốn dĩ của mình. Thơ vẫn cứ tiếp tục làm sấm sét thời đại nếu nó muốn. Nhưng đồng thời thơ đã biết cất lên một tiếng dế, một tiếng ve sầu và tiếng chim cuốc, chim từ quy. Thơ chúng ta đã, đang và sẽ có nhiều thành tựu. Con gấu ăn một thứ ngọt nhất đời là mật ong để sinh ra một thứ đắng nhất đời là mật gấu. Hành trình của nhà thơ, của thi ca khó khăn thay lại ngược lại với quy trình mật của con gấu.”
(Trần Mạnh Hảo, Thơ Phản Thơ, phần Nghĩ Về Thơ Và Thơ Hôm Nay, Văn Học xb 1995, trang 13)

Có phải cái thời mà nhà thơ được “người ta” phong cho bao nhiêu hàm, bao nhiêu tước đó là thời của những trường ca Trần Mạnh Hảo: “Ba Cặp Núi Và Một Hòn Núi Lẻ”, “Mặt Trời Trong Lòng Đất” và “Đất Nước Hình Tia Chớp”? Nếu như thế, như  Trần Mạnh Hảo cho biết là “cái thời đó nó qua rồi, thời của thi ca “mì ăn liền”, của thi ca “hướng ngoại”... Vậy “con đường hướng nội” là con đường nó ra làm sao? Tại sao “con đường hướng nội” lại chỉ biết “cất lên một tiếng dế”, “một tiếng ve sầu”, “tiếng chim cuốc”, “tiếng chim từ quy”... Cất lên mấy thứ tiếng... côn trùng chim chóc này thì có ích lợi gì cho thơ ca? Và chứng tỏ được gì trong sự nghiệp đổi mới thơ ca? Đâu phải hướng nội là phải con trâu cày ruộng, cánh đồng lúa cây đa!!! Đất nước Việt Nam luôn cần sự tiến bộ, về tất cả mọi mặt. Những thứ tiếng dế, tiếng chim, tiếng ve sầu cứ để yên đó. Chúng ta rất cần tiếng máy bay phản lực, tiếng động cơ nhà máy sản xuất.... Và thi ca. Thi ca Việt Nam cũng cần những đổi mới thực sự, chứ không phải những đổi mới bằng cách bắt chước, chấp đầu vá đuôi từ những thứ vất đi của những nền văn hóa khác trên thế giới. 
Tuy nhiên, trong nguyên cả bài viết, tôi lại thấy câu kết của Trần Mạnh Hảo thật thâm thúy:

“Con gấu ăn một thứ ngọt nhất đời là mật ong để sinh ra một thứ đắng nhất đời là mật gấu. Hành trình của nhà thơ, của thi ca khó khăn thay lại ngược lại với quy trình mật của gấu.”

Có phải chăng Trần Mạnh Hảo muốn nhắn gửi với mọi người là: Làm “thi sĩ” dưới chế độ và chủ nghĩa Việt Cộng, thì chẳng khác nào phải vừa ăn một thứ đắng như mật, mà lại phải đẻ ra liền, sản xuất ra tức thì một thứ gì đó ngòn ngọt để trả lễ cho chế độ và chủ nghĩa được thiên thu vạn tải???

Trần Nghi Hoàng
Virginia Oct 26 - 2003