Trần Nghi Hoàng

TRẦN MẠNH HẢO VS NGUYỄN HUY THIỆP:

KHAI TỪ

Văn học Việt Nam sau gần ba thập niên phân ranh quốc nội và lưu vong, hiện đang ở trong một tình trạng thập phần can qua căng thẳng mà giữa hai lằn ranh "quốc nội", "lưu vong" lại sản sinh ra không ít những lằn ranh tế nhị khác. Những lằn ranh giữa văn học "quốc nội" với "quốc nội". Những lằn ranh giữa "lưu vong" và "lưu vong".

Cách đây vài hôm, tôi tình cờ nhận được hai bài viết từ trong nước:

Một: của Nguyễn Huy Thiệp với tựa: Trò Chuyện Với Hoa Thủy Tiên Và Những Nhầm Lẫn Của Nhà Văn (Gồm 3 bài được gom thành 1).

Hai: Bài của Trần Mạnh Hảo đáp lễ Nguyễn Huy Thiệp, được đặt một cái tựa dài ngoằng: Có Thật Đa Số Các Nhà Văn Việt Nam Đều Vô Học, Các Nhà Thơ Đều Lưu Manh - Hay Là ‘Hội Chứng Chửi Có Thưởng’ Thời Nay. (Cả hai bài sẽ lần lượt được đăng lại trên tuần báo Lẽ Phải tuần này, số 247 ngày 2 tháng 4, 2004 và 248 ngày 9 tháng 9, 2004. Xin mời đọc để tham khảo và để tiện bề thông tỏ hơn khi đọc những bài Văn Học Việt Nam Thời "Nhầm Lẫn" Và Trò Chơi Chữ Nghĩa này của tôi trong mục Bên Tách Cà Phê Buổi Sáng báo Văn Nghệ.)

Hai bài viết của hai cây bút đương đại tên tuổi nhất nhì trong nước có vẻ như rất tận tình phản bác đối đầu nhau. Nhưng sự thật nội tình là như thế nào mà ra nông nỗi? Nguyễn Huy Thiệp đúng hay Trần Mạnh Hảo hợp lý hơn? Tôi sẽ làm những công việc như sau:

BÀI MỘT: Phân tích bài Trò Chuyện Với Hoa Thủy Tiên Và Những Nhầm Lẫn Của Nhà Văn của Nguyễn Huy Thiệp.

BÀI HAI: Phân tích bài đáp lễ Nguyễn Huy Thiệp của Trần Mạnh Hảo: Có Thật Đa Số Các Nhà Văn Việt Nam Đều Vô Học, Và Các Nhà Thơ Đều Lưu Manh - Hay Là "Hội Chứng Chửi Có Thưởng" Thời Nay.

BÀI BA: Tổng luận về hiện tình Văn Học Quốc Nội.

VĂN HỌC VIỆT NAM THỜI "NHẦM LẪN" VÀ TRÒ CHƠI CHỮ NGHĨA

Mở đầu với tiểu đề :"Cái Khó Của Nghề Văn Thời Nay", Nguyễn Huy Thiệp (NHT) bằng giọng văn nghe qua rất là tích cực như sau:

"Trong khoảng hơn một thập kỷ đổi mới, xã hội Việt Nam đã tiến những bước nhảy vọt. Về nhiều mặt, VN đã hòa nhập được với nhiều nước ở trong khu vực và trên thế giới. Quá trình toàn cầu hóa đang diễn ra trên nhiều lĩnh vực như chính trị, kinh tế và tri thức bất chấp những tư tưởng cục bộ và "sô vanh" bất hợp tác. Về văn học, những cố gắng trong và ngoài nước đã làm cho nhiều nhà văn "thức thời" ở ta nhận ra được con đường gian khó nhưng cũng nhiều triển vọng ở trong nghề nghiệp của mình. Khi xã hội phát triển, nhu cầu hưởng thụ và làm ra những sản phẩm văn học nghệ thuật có phần nào tưởng như dễ dàng nhưng lại khó vô cùng. Tôi rất ngạc nhiên và không thích thái độ kỳ thị và xem thường việc xây dựng nên những công nghệ ở trong lĩnh vực giải trí, trình diễn như ca nhạc, tạp kỹ v.v.. Việc đào tạo, đánh bóng nhằm tạo ra những ngôi sao ca múa nhạc tạp kỹ hoặc thể dục thể thao v.v.. là cần thiết. Ngay trong lĩnh vực văn học, đáng lẽ cần phải khuếch trương, xây dựng thành một công nghệ đào tạo nhà văn mới thì vài năm trở lại đây lại có ý kiến bỏ đi trường Viết văn Nguyễn Du. Bỏ thì dễ nhưng xây thì khó."

Chẳng biết NHT khi viết là "VN đã tiến những bước nhảy vọt. Về nhiều mặt, VN đã hòa nhập được với nhiều nước v.v...", ông đã vì thói quen "rào dậu" để "phân ưu" hay do chỉ tiếp cận được với những thông tin sai lạc từ Nhà Nước của ông? NHT lại không phân biệt được sự khác nhau (một cách rất trầm trọng) giữa "những công nghệ ở trong lĩnh vực giải trí, trình diễn như ca nhạc, tạp kỹ v.v..", (nằm trong lãnh vực Văn Hóa) và Văn Học (nên hiểu là văn chương thi ca nghiên cứu...). Tôi cũng không thể hiểu NHT muốn biểu hiện hai chữ "công nghệ" trên ý nghĩa như thế nào? Những hình thái nghệ thuật như "ca múa nhạc tạp kỹ hoặc thể dục thể thao" tôi chưa từng bao giờ nghĩ đó là thuộc về "công nghệ".

"Ca múa nhạc tạp kỹ thể dục thể thao" rất cần những trường ốc chuyên môn để đào tạo những tài năng hay chuyên viên, tôi đồng ý với NHT về điều này. Nhưng về cái trường viết văn Nguyễn Du thì theo tôi nên bỏ đi là phải!

Lý do? Tôi xin nêu những lý do từ những suy nghĩ của tôi: "Ai là những thầy dạy, những giảng viên của cái trường viết văn Nguyễn Du? Những nhà văn hay những cán bộ văn hóa nào? Mục đích của trường là dạy cho học viên Viết Văn hay chỉ dạy cho học viên cái Đường Lối để viết văn như thế nào cho vừa lòng Nhà Nước và hợp với chủ trương của Đảng?" Và trên tất cả, Viết Văn không phải là một hình thái "công nghệ", có thể đào tạo hàng loạt những tay chuyên môn chuyên viên ưu tú theo kiểu đào tạo kỹ sư cầu cống kỹ sư chế tạo vũ khí hay thợ tiện thợ hàn!

Ở phần tiếp sau đó, NHT bất ngờ đưa ra một thực trạng về cái lực lượng chủ đạo nồng cốt của nền "văn học" Việt Nam hiện đại:

"Nhìn vào danh sách hơn 1000 hội viên Hội Nhà Văn VN người ta đều thấy đa số đều chỉ là những người già nua không có khả năng sáng tạo và hầu hết đều... "vô học", tự phát mà thành danh. Trong số này có hơn 80% là nhà thơ tức là những người chỉ dựa vào "cảm hứng" để tùy tiện viết ra những lời lẽ du dương phù phiếm vô nghĩa nhìn chung là lăng nhăng, trừ có dăm ba thi sĩ tài năng thực sự (số này đếm trên đầu ngón tay) là còn ghi được dấu ấn ở trong trí nhớ người đời còn toàn bộ có thể nói là vứt đi cả. Giai thoại có một nhà thơ nói về tình cảnh thơ ở trong bài thơ sau đây (tôi đã đưa truyện này vào trong tiểu thuyết của tôi vì nó quá hay) khá tiêu biểu cho thực tế đó: "Vợ tôi nửa tỉnh nửa mơ / Hôm qua nó bảo: Dí thơ vào lồ.../ Vợ tôi nửa dại nửa khôn / Hôm nay lại bảo: Dí lồ... vào thơ!" Mặc dù đã có "Ngày Thơ VN", tôi cũng không phủ nhận cảm tình của nhân dân đối với thơ nhưng quả thực ở trên thực tế cái danh nhà thơ là một thứ nhìn chung chỉ là nhăng nhít, hữu danh vô thực, chẳng ai muốn dây vào nó: nhà thơ đồng nghĩa với sự chập cheng, hâm hấp, quá khích, vớ vẩn, thậm chí còn lưu manh nữa."

NHT có thể đã nhìn ra từ lâu hiện trạng bi đát và khôi hài của Hội Nhà Văn, của "bè nhóm đại diện" cho nền văn học đương thời dưới sự chỉ đạo của Nhà Nước mà ông đang sống, trong một xã hội băng rã và tan nát từ trong ra ngoài. Nhưng vấn đề là nguyên do nào xui khiến NHT đã cho nổ trái bom sự thật ngay giây phút này mà không trước không sau đó.

Tuy nhiên, những điều NHT vừa tiết lộ bên trên không phải là những bí mật quốc phòng hay thâm cung bí sử chi của chế độ Cộng Sản VN, vì dường như ngoài NHT, có rất nhiều những người khác cũng đã nhìn ra "vấn đề" từ lâu lắm. Nhưng mọi người hầu như không hẹn mà cùng nhau chọn cái thái độ "ngậm tăm" mũ ni che tai cho phải đạo. Nhắm mắt làm ngơ trước một nền "văn học phải đạo" thì hẳn nhiên là vô cùng phải dạo!!!

"Tôi biết sẽ có nhiều phản ứng lại điều tôi nói "trắng phớ" ra như thế nhưng ở đây nó là thực tế. Tôi chỉ nói ra một thực tế "tàn nhẫn" mà mọi người vẫn tránh né hoặc "không nỡ" nói ra mà thôi. Đã đến lúc người ta phải nhìn vào thực tế để thúc đẩy văn học cũng như thúc đẩy xã hội phát triển."

Mọi người vẫn tránh né hoặc không nỡ nói ra vì sao? Điều này tưởng không cần thiết phải lý giải gì thêm, người ta chỉ cần hồi ức lại vụ án Nhân Văn & Giai Phẩm như là một thí dụ vừa ghê gớm vừa ghê tởm.

Hội Nhà Văn của một quốc gia, của một cái Đảng chủ nghĩa với hơn 1000 hội viên mà hầu hết đều... "vô học"!!! Với hơn 80% là bọn nhà thơ, tức là cái lũ "đồng nghĩa với sự chập cheng, hâm hấp, quá khích, vớ vẩn, thậm chí còn lưu manh nữa"...

NHT, người mà trong một cuộc phỏng vấn ở hải ngoại đã tự nhận là mình "khôn ngoan" hơn Dương Thu Hương, nhưng "ít can đảm" hơn Dương Thu Hương, và ông còn nổi tiếng là một nhà văn "cẩn trọng", chỉ hay dùng "ẩn dụ xa gần" lại đi nghiêm túc hạ bút viết xuống, lật ra cái "lá bài tẩy" bất khả tư nghị kia thì quả là một cái gì kinh khủng!!! Nhưng nguyên do hà căn vì đâu mà ra cớ sự thì tôi vẫn chưa có một dữ kiện chứng cớ nào để lý luận.

Từ bao lâu nay tôi vẫn thấy có sự "ngu dốt", "một chiều" hoặc "nhai lại thuộc bài" của đa số những cây bút trong nước. Nhưng tôi vẫn cho đó là bởi do sự chỉ đạo, gò ép của Đảng và Nhà Nước. Bây giơ,ø qua NHT tôi vừa biết ra căn bản là do sự "vô học" của các nhà văn nhà viết này!

Ngoài nguyện vọng muốn bảo tồn trường viết văn Nguyễn Du, NHT tỏ ra hết sức lưu tâm đến ngành viết lách của đất nước Việt Nam, ông xem viết văn và đào tạo nhà văn giống như làm ruộng hay chăn nuôi lợn bò, một thứ "công nghệ" sản xuất dựa trên những trường sở hay những công xưởng... đào tạo:

"Trên kia tôi đã nói đến việc xây dựng một công nghệ đào tạo nhà văn, tôi ủng hộ ý kiến nên xây dựng một vài khoa viết văn ở các trường Đại Học ở ta. Viết văn phải trở thành một nghề nghiệp, một nghề nghiệp chuyên nghiệp chứ không thể nghiệp dư, tùy hứng được. Những nhà văn dược đào tạo trong nền công nghệ đó phải có những tiêu chuẩn và trình độ chuyên môn nhất định..."

Tôi không biết NHT muốn "đào tạo sản xuất" công nghệ nhà văn theo những tiêu chuẩn "hàn lâm" kiểu như thế nào? Nhưng kế hoạch của NHT làm tôi lo sợ nếu nó thành sự thật sẽ là một thứ công thức văn phiệt robot Đức quốc xã thập phần nguy hiểm và rất đáng lưu tâm...

Tuy nhiên, những quan ngại của NHT cho một nền giáo dục về văn học của VN chẳng hải là hoàn toàn vô nghĩa lý:

"Trong xã hội phát triển, văn học rất thường nhưng để vượt lên, trở thành một cái gì đó ngoại hạng là rất khó. Hình mẫu thiên tài văn học ngày nay khác trước rất nhiều. Trong SGK (sách giáo khoa?) văn học người ta thấy rõ văn học đã bị đông cứng lại, cũ kỹ và "phản động", nó cứ ê a mãi những "song viết" (?) và "song kiết", học sinh chỉ nghiên cứu và học tập "những thây ma cũ" hoàn toàn không được "tiếp máu" bởi những sinh lực văn học cường tráng và lành mạnh.

Nếu như khoảng 20 năm đến 30 năm nữa danh sách Hội Nhà Văn ở ta có tới hơn 80% nhà văn (chứ không phải nhà thơ) ở khoảng độ tuổi từ 25 đến 50 tuổi thì đấy mới là việc hợp quy luật. Ở ta vẫn có câu: "Ốm tha, già thải". Văn học, đối tượng của nó là những người trẻ tuổi. Nó không phải là sân chơi của "đám giặc già lăng nhăng thơ phú". Trước Tết Nguyên Đán tôi có ngồi dự một bữa tiệc tất niên ở nhà kỹ sư Đào Phan Long với nhiều tên tuổi văn nghệ sĩ khá lừng danh trên đất kinh kỳ. Nhà thơ Trần Ninh Hồ đọc một bài thơ phóng dật trong đó có câu: "Ông lão lục tuần đi trong sương gió / Sương gió không biết ông lão lục tuần". Hay thì hay thật nhưng tôi cũng hơi sờ sợ những ông lão lục tuần... gân quá!"

Tôi từng viết bài có nêu lên vấn nạn là theo một luật tắc tự nhiên và hợp lý, thì giới viết lách đúng ra càng lớn tuổi, càng về già thì phải viết càng hay hơn. Ba Kim của Trung Quốc 93 tuổi viết Tùy Tưởng Lục, Alberto Movaria của Ý hơn 80 vẫn viết khỏe và sâu sắc... Rất nhiều những nhà văn nhà thơ trên thế giới ngoại trừ Việt Nam, càng về sau tác phẩm đầu tiên, càng có những sáng tác giá trị và những nhận thức về đời sống, về con người tinh tế thâm trầm hơn nhờ kinh nghiệm sống, sự cẩn trọng gạn lọc và sự nhuần nhuyển của bút pháp chữ nghĩa...

Chỉ đặc biệt văn học Việt Nam chẳng những ở trong nước, mà ngay cả ở cộng đồng Việt lưu vong hải ngoại, hầu như và hầu hết các người cầm bút càng lớn tuổi, càng về già thì lại càng cùn mằn mòn hao và chỉ "đẻ’ ra những đứa con, những tác phẩm èo uột, ngắc ngoải thiếu chất sống và đúng là .... "thiếu máu" (theo NHT).

Với nhiều quốc gia trên thế giới, lục tuần chưa thể gọi là ông lão! Nhưng với Việt Nam, chỉ ngũ tuần là người ta đã biến thành một bô lão khả kính và khả nghi để có thể tham dự những Hội Nghị Diên Hồng!!!

NHT bước qua tiểu đề "Trên Con Đường Văn Học" với ít nhiều bi quan, mặc dù ông vốn là người khá thành công và dường như có vài thành tựu trên con đường đó:

"Thực ra, trên con đường văn học thì có rất nhiều lối đi khác nhau "mọi con đường đều dẫn đến thành Roma", có người đến trước, người đến sau, người đứt gánh giữa đường, người đến đích hăm hở, người đến đích thân tàn ma dại, có người đến đích vinh quanh, có người đến đích với cả bầu đoàn thê tử v.v… Tạo hóa tuyệt vời và rộng lượng sẵn lòng mở ra cơ hội cho tất cả mọi người không trừ ai cả. Những cảnh giới văn học ở mỗi hạng cũng khác nhau và sự phong phú có vẻ như vừa dân chủ vừa mất dân chủ ấy đã làm nên sự hấp dẫn chết người của văn học. Tôi không hề coi những ý kiến của tôi là chân lý, tôi chỉ nêu ra những suy nghĩ "nhầm lẫn" để mọi người trong giới văn hoc5 xem xét mà thôi. Văn học tác động đến xã hội bằng con đường ngầm, "phi chính phủ" và rất trực tiếp. Khi một nhà văn "phát sóng", những độc giả có cùng tần cố "bắt sóng" ấy, tiềm năng trong họ được đánh thức và giời mới biết họ làm gì."

Trước đây NHT từng có viết một tiểu luận với tựa là "Nhà Văn Và Bốn Trùm Mafia’ đưa ra hình ảnh nhà văn luôn bị bao vây bởi những kẻ tử thủ và tử thù chung quanh. Tôi không còn nhớ rõ Bốn Trùm Mafia của nhà văn theo NHT là những ai. Nhưng với riêng tôi, những kẻ tử thủ hay những tay bảo thủ sẽ xét nét rình rập nhà văn xem có giữ đúng khuôn sáo "trung, nghĩa, lễ, trí, tín" hay những gia huấn ca của cửa Khổng sân Trình. Còn những kẻ tử thù là những bạn đồng nghiệp luôn lấm lét so đo tài năng danh tiếng với nhau, và rất ít khi những tay này bận tâm về những thành quả sáng tạo của nhau.

Sự "hấp dẫn chết người" của văn học chính là cánh của "tử sinh" của những người cầm bút. NHT đã nhìn ra và đưa ra được sự "hấp dẫn tử sinh" này, nhưng lại nông cạn hay sao đó khi muốn dựng ra cái mà ông gọi là "công nghiệp" để đào tạo hàng loạt những nhà văn, những người cầm bút (đồng dạng và đồng phục?) cho tương lai văn học Việt Nam.

Những lý lẽ tham luận mà NHT tự gọi là những suy nghĩ "nhầm lẫn" quả tình có những điểm hết sức "nhầm lẫn". Cái nhầm lẫn cũng "chết người" chẳng kém chi sức "hấp dẫn chết người" của văn học mà NHT đã ngộ ra.

Tôi hoàn toàn đồng ý với NHT con đường văn học chân chính tất nhiên là "phi chính phủ". Như vậy NHT nghĩ sao về "con đường văn học" của Xã Hội Chủ Nghĩa Cộng Sản trong hơn ba phần tư thế kỷ qua? Đó là một nền văn học (nếu miễn cưỡng gọi "cương" như vậy!) mà ai cũng thấy là tùy thuộc lệ thuộc và phục vụ cho "Nhà Nước và Đảng Cộng Sản Việt Nam" và chẳng bao giờ trực tiếp đến được với độc giả. Tất cả những sản phẩm văn học dưới chế độ Cộng Sản Việt Nam đều đã qua những quá trình kiểm soát và kiểm duyệt cũng như chỉ đạo của Nhà Nước và Đảng Việt Cộng!

Những "phát sóng" của nhà văn trong chủ nghĩa Việt Cộng đương nhiên mang mễnh nhiệm vụ "phát sóng" cho Nhà Nước và Chủ Nghĩa Đảng. Độc giả cũng có nhiệm vụ tiếp nhận và tiếp cận những "phát sóng" với một tần số mà Nhà Nước và Đảng đã đề ra cho hợp với khẩu vị của Chính Trị Bộ. Như thế, còn trách cứ gì đôi vai còm cõi của một nền văn học thiếu "dưỡng khí", thiếu "dinh dưỡng" thì hệ luận tất nhiên phải là… "thiếu máu"!

NHT lại than vãn:

"Trong Hội Nghị Lý Luận Văn Học ở Tam Đảo năm 2003, chẳng thấy có một tham luận nào dành cho văn học thực sự. Không còn ai cứu trẻ con nữa. Tất cả những người "hành nghề văn học" ở ta đều muốn "dĩ hòa di quý", đều muốn có những cuộc chơi đèm đẹp, chơi có thưởng, không ai muốn "hy sinh" nữa. Trong chuyến đi về nước năm ngoái, nhà văn Phạm Thị Hoài nhận xét: "Ở trong nước, những người viết văn hiện nay sống sướng quá, nhà nước, xã hội yêu chiều, cưng chiều họ quá. Ở nước ngoài khó khăn khổ sở hơn nhiều." Tôi nhận ra sự ngậm ngùi trong nhận xét của Phạm Thị Hoài. Nhận xét đó không hẳn đã đúng nhưng cũng là một ý kiến đáng để cho những nhà văn có long tâm ở ta xem lại."

NHT phải chăng đã xem lại và rốt ráo ông đành hạ bút "lật lá bài tẩy" mà thực ra chẳng lấy gì làm bí mật tôn nghiêm cho lắm của nền văn học "nô lệ" Nhà Nước và Đảng Việt Cộng bấy lâu nay! Rồi cuối cùng, NHT lại gỡ gạc bằng chiêu thức rất Việt Nam Việt Cộng:

"Trong truyền thống, văn học đồng nghĩa với sự thanh đạm."

Xin hiểu nghĩa hai chữ "thanh đạm" ở đây là "nghèo khổ"! Cái truyền thống của "năm nghìn năm văn hiến văn hóa" nô lệ và tan nát từ trong phế phủ mà xem ra chưa có món thần dược nào khả dĩ có thể "cứu tử hoàn sinh". NHT lại quãng diễn tiếp:

"Văn điêu, văn ma, phò nịnh, "nên thơ" .v.v.. là thứ rất dễ ngộ nhận. Có nhiều tác phẩm, người ta vẫn phải đọc, vẫn phải chấp nhận mặc dầu ai nấy đều cũng có "cảm giác" là nó thối tha, song - như tôi đã nói, thời đương đại bao giờ cũng có "không khí" suy đồi, cần phải có một thời gian rất dài thì những cái xác suy đồi mục nát ấy mới mất hết đi cái mùi ô uế của nó.

Biết làm sao được?"

Biết làm sao được? Cái xác nặng mùi ô uế nhất, tiêu biểu nhất đang nằm ở quãng trường Ba Đình trong tình huống bất khả lay chuyển cho đến chẳng biết bao giờ!

Ngày Tết, NHT đi mua giò hoa thủy tiên và về ngã ngửa ra rằng tất cả giống hoa thủy tiên đều được nhập từ Trung Quốc. Ông chua chát viết:

"Trong văn học, không còn cần những cuộc thí nghiệm giống như chuyện làm ra máy bay trực thăng. Để biết văn học đổi mới, chỉ cần dịch sách Trung Hoa xem là đủ. Nó cũng giống như gò hoa thủy tiên kia, nhập vào với giá rẻ như bèo chẳng phức tạp gì, thả sức chơi "te tua" trong thời gian Tết.

Này hoa thủy tiên, ước chi đây là giống hoa của người VN trồng ra trên đất VN. Vệ Tuệ, Miên Miên, Cửu Đan… ước gì đấy sẽ là những tên tuổi của các nhà văn VN?

Xã hội VN đang ngày càng phát triển phong phú và đa dạng. Luôn có những cơ hội dành cho tuổi trẻ (và cả những người tuổi không còn trẻ nữa. TNH). Trong lĩnh vực văn học cũng vậy. Vấn đề là phải có tình yêu với nó. Không có tình yêu thì chẳng làm gì được cả.

-Và với "một mẩu bánh mì con con" nữa chứ?

-Tất nhiên rồi!"

NHT đang làm công việc "gọt" một giò hoa thủy tiên VN theo tuyệt kỹ của riêng của VN chăng? Chẳng biết giò hoa thủy tiên VN ấy tìm thấy ở đầu ghềnh cuối bãi VN nào và cách gọt tuyệt kỹ đã lưu truyền qua "truyền thống" của nền văn hóa nào của Lạc Việt?…

LẠI LỤC SÚC TRANH CÔNG hay là "HỘI CHỨNG CHỬI CÓ THƯỞNG

Cuộc "trò chuyện với hoa thủy tiên" của Nguyễn Huy Thiệp (NHT), thật sự có làm không ít những người đọc và viết ở hải ngoại giật mình. Gịật mình không phải vì những điều NHT tiết lộ hay nhận định trong ba bài viết! Vì hầu như những tiết lộ hay nhận định của NHT chẳng có gì là lạ lùng bí mật đáng ngạc nhiên. Rất nhiều những người ở hải ngoại đã "biết" và cũng đã có những nhận dịnh ít nhiều tương đồng với NHT qua các lăng kính và ngôn ngữ tất nhiên khác với NHT.

Người ta ngạc nhiên là vì những tiết lộ và nhận định "nổi loạn, gây hấn", mà cách dùng chữ ngắn gọn của chế độ Việt Cộng gọi là "phản động" như thế kia, lại từ NHT, nhà văn tên tuổi cả trong lãnh vực viết văn lẫn sự e dè cẩn trọng trong đời sống và hành xử văn chương hằng ngày.

Cuộc "trò chuyện với hoa thủy tiên" của NHT là một cú lật bài "vô tiền khoáng hậu" phe ta "hại" phe mình, chắc chắn đang đặt HNVVN trong tình thế "dầu sôi lửa bỏng". Và người lên tiếng tiên phong tất nhiên phải là Trần Mạnh Hảo (TMH).

Chẳng phải TMH từ bấy nay và vẫn hiện đang giữ "nhiệm vụ" một tay cầm còi, một tay cầm sổ phạt - chuyên kiểm soát và viết ticket cho những tên khách lữ hành trên con đường văn học nghệ thuật của Xã Hội Chủ Nghĩa VN sao? Xem chừng TMH hết sức hằn học và nổi giận, nên sau cái tựa "Có Thật Đa Số Các Nhà Văn VN Đều Vô Học, Các Nhà Thơ Đều Lưu Manh - Hay Là Hội Chứng Chửi Có Thuỏng Thời Nay?" TMH đã tức thì nhập đề như sau:

"Những đặc tính có vẻ kém hay kia được gán cho hầu hết các nhà văn, nhà thơ thuộc HNVVN và gán cho những nhà thơ VN kể từ thời Nguyễn Trãi, Nguyễn Du trở xuống... không phải của người viết bài này, mà chính là lời của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp (cũng là một hội viên của HNVVN) trong bài "Trò Chuyện Với Hoa Thủy Tiên Và Nhữnh Nhầm Lẫn Của Nhà Văn" in liên tục trên ba số báo Ngày Nay (cơ quan ngôn luận của Hiệp hội UNESCO Việt Nam) gồm các số: số 4 ngày 15/2/2004, số 5 ngày 1/3/2004 và số 6 ngày 15/3/2004. Chúng tôi sẽ lần lượt trích dẫn cụ thể những lời nói ngang ngược của nhà văn NHT, sau khi trình bày vài cảm nghĩ của mình về nhà văn nay."

Vốn là tay "bạc bịp" chuyên nghiệp, mới vào cuộc TMH đã ra tay... ăn gian tức thì! Đọc toàn bộ ba bài viết của NHT, tôi chỉ thấy NHT bình luận, thẩm định về cái gọi là HNVVN và đặc biệt là những nhà thơ trong HNVVN này. NHT chẳng hề đả động đến những Nguyễn Trãi, Nguyễn Du... Cách "động thủ" ra chiêu này của TMH, tôi suy nghĩ và thấy rằng có ba cách để lý giải như sau:

1-Thoạt đầu, dường như TMH được biết đến như là một Nhà Thơ nhiều hơn là một Nhà Văn hay một Nhà Lý Luận... TMH đã từng viết hai, ba cái trường thi ca ngợi lãnh tụ, ca ngợi chiến tranh và dĩ nhiên, ca ngợi "chủ nghĩa" thánh thần Cộng Sản! NHT miệt thị những "nhà thơ của HNVVN", làm chạm nọc TMH!

2-TMH dùng "gậy ông đập lưng ông", giả vờ "nhầm lẫn", kiểu nhầm lẫm "chết người" là gán cho NHT cái "tội tày đình" ... dám "đội lên đầu" những nhà thơ VN kể từ Nguyễn Trãi, Nguyễn Du trở xuống, tức là bao gồm cả "thi sĩ" Hồ Chí Minh - những "điều kém hay"... là chập cheng, hâm hấp, quá khích, vớ vẩn, và đặc biệt lưu manh.

3-TMH "mượn dao... giết người", mượn cớ NHT miệt thị HNVVN rồi mập mờ đánh lận, viết bài như để "tranh luận" công khai và công bình với NHT để bênh vực HNVVN. Nhưng thực chất là TMH đã cố tình "bóp méo" những câu nhận định của NHT để chửi Đảng và Nhà Nước một cách đậm đà và tích cực. TMH mượn lời NHT rồi vung tán càn ra chửi. TMH chửi, nhưng "kẻ chịu tội" sẽ là NHT. Cái cách "vừa ăn cướp, vừa la làng" của TMH tuy rất gian và chẳng khó khăn gì để nhận ra được, nhưng lại cũng hết sức hiệu quả với tình huống văn học trong nước hiện nay.

Sau khi "nhập đề" một cách khơi khơi nhưng đã tuyệt chiêu gài tội NHT một cách tận tình, TMH bắt đầu từ tốn tiếp tục đâm trên, chém dưới lý giải về hiện tượng NHT:

"Bản thân người viết bài này vốn từng rất quý trọng văn tài của nhà văn NHT. Nhà văn này đã góp cho nền văn học nước nhà ngót 10 cái truyện ngắn thật hay. Văn của anh Thiệp tuy là lối văn cũ nhất thế giới kiểu truyện Tàu xưa, nhưng cái quý là ở chỗ anh biết dồn nén dung lượng đời sống vào nhân vật, vào ngôn ngữ như nén thuốc lào, lại theo một góc nhìn lật mặt trái tấm huân chương... nên phần nào có thể làm mới được lối văn rất cũ này. Trước NHT, nhiều nhà văn VN đã viết theo lối văn xưa của Tàu, mà người thành công nhất là ông Vũ Hạnh. Hãy đọc lại truyện ngắn "Bút Máu", một tuyệt tác của Vũ Hạnh viết trước NHT gần 30 năm, ta sẽ thấy những "Kiếm Sắc’, "Vàng Lửa", Phẩm Tiết"... của anh Thiệp có vẻ như là mô phỏng lối viết, lối nhình, lối suy nghĩ, lối dùng ngôn từ cộc, gằn, chát, đắng, đau... với vẻ lạnh lùng khá tàn nhẫn mà Vũ Hạnh đã dùng trong "Bút Máu", in năm 1958 thời Ngô Đình Diệm...

Những nhận xét về văn NHT của TMH chẳng phải không căn cứ. Tôi vẫn nói TMH có ít nhiều khả năng văn học nhưng chỉ phải cái tội "sớm đầu tối đánh", thay đổi "màu da" quan điểm chính trị văn học như loài tắc kè, rất gần gũi với một nhân vật của Kim Dung: "Du Tẩm Nê Thu, Hoạt Bất Lưu Thủ"… Tuy nhiên, TMH không phải là người đầu tiên trong nước có những nhận xét "đi ngược" quần chúng đám đông về văn tài NHT. Trước TMH, Nguyễn Hoàng Đức đã có lên tiếng về NHT. (Xin đọc: Góp Ý Với Nguyễn Hoàng Đức Về Thực Chất Văn Phẩm Của NHT, cũng trên mục Bên Tách Cà Phê Buổi Sáng, trong một số báo Văn Nghệ trước đây). Và cá nhân tôi cũng đã từng dẫn ra là văn NHT chẳng có gì khác với "Lĩnh Nam Chích Quái" hay "Nam Hải Dị Nhân"… với lối dùng ngôn từ mà TMH gọi là: cộc, gằn, chát, đắng, đau.…

Khám phá của TMH về trường hợp văn Vũ Hạnh và văn NHT là một thích thú! Cái ý kiến ngộ nghĩnh gọi văn NHT là "văn học gãi ngứa vết thương chiến tranh đang ăn da non" là một thích thú khác! Tuy nhiên, sau khi khen: "Anh Thiệp đã xuất hiện đúng lúc để gãi ngứa cho giai đoạn ăn da non của vết thương chiến tranh thời hậu chiến", TMH lại đưa ra một nhận xét tinh tế khác (tôi đã từng bảo là TMH có ít nhiều văn tài và nội lực!):

"Khi bạn đọc trong nước đã cảm thấy có phần bội thực văn NHT, thì một loạt các đài báo, các NXB của người Việt ở nước ngoài bắt đầu biểu diễn hội chứng đói Thiệp đến mức nhá hết cả thượng vàng lẫn hạ cám của nhà văn này, mà vẫn thsấy kiến còn bò trong bụng.

Khi đời sống xã hội trong nước đã khá lên nhờ cơ chế thị trường, các loại vết thương chiến tranh thời hậu chiến đã qua giai đoạn ăn da non, không còn cần công nghệ gãi ngứa vật chất và gãi ngứa tinh thần nữa. Nhưng NHT không nhận ra điều đó. Anh vẫn tiếp tục sản xuất văn chương gãi ngứa vết thương. Nhà văn này chừng như cố tình không nghe lời ta thán của độc giả: rằng cái ông này đùa dai, người ta đã hết ngứa từ lâu, mà sao cứ nhìn thấy vết sẹo nào lộ thiên là ông lại lao vào gãi mãi thế? Những vết sẹo không cón ngứa nữa thì mình gãi làm gì, chỉ tổ cào rách miệng vết thương xưa thôi! Hay là ông nhà văn này bị bệnh đói các vết thương? Đây chính là bi kịch của văn tài NHT: khi cái thiên tài gãi ngứa của mình không còn hợp thời nữa, không còn đắc dụng nữa, anh bèn sinh ra nghề lập thuyết, viết lý luận dạy đời và chơi cả tiểu thuyết trên mạng internet…"

Cái mà TMH gọi là "hội chứng đói Thiệp" của hải ngoại, tôi đã từng gọi là "hội chứng thời thượng của trí thức miền Nam". Hội chứng này một số khá đông các nhà "trí thức" của miền Nam trước 1975 đã thiết lập và tận tình mang mễnh lưu vong sang tận các chân trời ở hải ngoại. Họ, một số trí thức hải ngoại đang phát triển hội chứng này, bây giờ chẳng những "đói Thiệp", mà còn "đói Lê Đạt", "đói… bất cứ món văn chương" nào từ trong nước "xuất khẩu ra", để họ có dịp thắp hương chiêm bái và cùng nhau hát đồng ca suy tôn cật lực không mệt mỏi! Họ suy tôn những "văn tài" trong nước, để chứng tỏ mình là người "trí thức thời thượng", thông hiểu văn hóa không phân biệt ranh giới và gì gì đó! Nhưng điều đáng ngại và đáng trách là họ luôn cố tình "vờ" đi những văn tài đang cùng sống ở hải ngoại, thậm chí lắm nhà "trí thức thời thượng" còn tỏ ra "tị hiềm" với một số những cây viết ở hải ngoại ra mặt.

Điều cần lưu ý ở đây, những nhà văn "nhà trí thức hải ngoại" suy tôn khấn vái những "văn tài" trong nước ì sèo ra đó thì chẳng sao. Cùng lắm và lần đầu tiên mới bị một nhà văn trong nước là TMH mắng là "đói Thiệp". Nhưng cứ thử tưởng tượng bất kỳ một nhà văn nhà thơ nào ở hải ngoại được giới "trí thức" trong nước suy tôn khấn vái thì sự thể sẽ ra sao? Trước hết là đối với cộng đồng văn học và không văn học ở hải ngoại. Sau đó là những phản ứng của giới văn học và giới cầm quyền tại VN. Sự thể sẽ chẳng đơn giản tí nào nếu không nói là vô cùng phức tạp khó lường!

Vết thương chiến tranh VN đã ăn da non và đang trên đà lành lặn? Tôi nhận ra vết thương này vẫn còn mưng mủ nhức nhối không phải do người ở hải ngoại vẫn nuôi dưỡng sự căm thù thua mất sau biến cố 1975! Vết thương vẫn mưng mủ nhức nhối vì nhan nhãn trên các báo của Đảng và Nhà Nước Việt Cộng vẫn đầy dẫy những truyện ngắn, những bài viết nhắc nhở đến "cuộc chiến thắng đánh Mỹ đuổi Ngụy" với những bà "mẹ chiến sĩ đói nghèo" và những "liệt sĩ thân tàn ma dại".

Người Cộng Sản VN chưa thể quên cuộc chiến tranh, vì cái mà họ gọi là "chiến thắng" dường như không có thực! Người Cộng Sản VN sau khi "chiếm được đất", họ đã "không dành được dân" miền Nam. Mà sự thể ngày càng rõ ra là tập đoàn Cộng Sản VN luôn loay hoay biến chất và họ đánh mất dần dà một con số lớn rất đáng ngại những đảng viên và nhất là người dân miền Bắc. Những người dân đã từng nuôi dưỡng Đảng Cộng Sản và Quân Đội Bắc Việt trong suốt thời kỳ máu lửa.

Tôi thấy khi NHT mắng "nguyên cả một cái HNVVN" có 80% vô học là NHT đã cố tình nhân nhượng! Một chế độ mà lãnh tụ chóp bu từng có tay vô học kiểu như Đỗ Mười .v.v… thì những nhà văn, nhà thơ cung đình có được đi học mới là điều không hợp lý!

Những kẻ nắm quyền lực mà vô học, chẳng thể nào sử dụng những tay chân có học một cách bình thường! Tận cùng trong đáy lòng những kẻ quyền lực vô học, sự khiếp sợ kiến thức học vấn là điều tất nhiên. Những người có học dưới tay những kẻ quyền lực vô học, chỉ là những công cụ nhất thời cần thiết không thể tồn tại lâu dài!

Bi kịch văn tài NHT cũng là bi kịch văn tài của hầu hết những nhà văn có chút "tài" khác của VN. Tôi đã rất nhiều lần viết về điều này: Các nhà văn trên thế giới, thường theo một định luật hợp lý là càng viết nhiều, càng có tuổi thì càng viết hay hơn, sâu sắc hơn, dễ có tác phẩm lớn hơn… Nhờ viết nhiều nên ngòi bút càng nhuần nhuyễn, nhờ sống nhiều nên càng phong phú chất liệu và kinh nghiệm… Nhưng định luật này hầu như là một nghịch lý với đa số nhà văn Việt Nam! Đa số các nhà văn VN chỉ xuất hiện đình đám với một hai tác phẩm đầu, rồi sau đó là bế tắt, là chìm… xuồng và chỉ còn tự tồn tại qua các loại sinh hoạt văn chương nghệ thuật kiểu "quan, hôn, tang, tế".

Qua tiểu đề "2. Văn Hóa Không Dung Nạp Thói Vô Ơn Và Trò Chơi ‘Chửi Có Thưởng’ ", TMH sau khi màu mè lý luận, vẫn không bào chữa hóa giải được gì hết cái sự: "… người ta đều thấy đa số chỉ là những người già nua không có khả năng sáng tạo và hầu hết đều… "vô học", tự phát mà thành danh" của NHT đã đưa ra về HNVVN. Cái định nghĩa mà TMH trích dẫn từ trang 1826, Đại Tự Điển Tiếng Việt do Bộ GD & ĐT - Trung Tâm Ngôn Ngữ & Văn Hóa VN xuất bản 1998 không cần thiết! Vì ai nấy, những người VN từ già đến trẻ, từ có học đến… vô học đều hiểu hai chữ "vô học" có nghĩa như thế nào. Chữ "vô học" có bỏ trong ngoặc kép (mà TMH và các cây bút trong nước gọi là ‘nháy nháy’) hay chỉ viết khơi khơi, ý nghĩa của nó chẳng có chi thay đổi!

TMH sau khi "rao" đoạn nói lối (như trong cải lương, trước khi xuống câu mùi để phựt đèn màu!) nào là: "Anh Thiệp nỡ lòng nào mắng cả HNVVN là đồ vô giáo dục, mắng các nhà thơ là phù phiếm, vô nghĩa, lăng nhăng, lưu manh, vứt đi cả…", bèn dở ngón "tố tụng ăn gian":

"NHT tiếp tục nâng cấp "bài ca" trên lên hàng thượng thừa, dám "dí" cả con chuột vi tính vào các thần linh thơ, kể từ Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, HỒ Xuân Hương trở xuống, như sau: "Giai thoại có một nhà thơ nói về tình cảnh thơ trong bài thơ sau đây (tôi đã đưa truyện này vào trong tiểu thuyết của tôi vì nó quá hay) khá tiêu biểu cho thực tế đó: "Vợ tôi nửa tỉnh nửa mơ / Hôm qua nó bảo: Dí thơ vào lồ… / Vợ tôi nửa dại nửa khôn / Hôm nay lại bảo: Dí lồ… vào thơ!"… Mặc dầu đã có "Ngày Thơ VN", tôi cũng không phủ nhận cảm tình của nhân dân đối với thơ nhưng quả thực ở trên thực tế CÁI DANH NHÀ THƠ….

. . . . . .

VN là một dân tộc, một đất nước Thơ. Dân tộc ta vốn có hai truyền thống chính để tự hào: Một là đaĐÁNH GIẶC, hai là LÀM THƠ. Nếu ta chỉ có những Bạch Đằng, Chi Lăng, Đống Đa mà thiếu Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương thì coi như dân tộc chỉ biết cơ bắp, biết có thanh gươm mà thiếu tâm hồn, thiếu vẻ đẹp tinh thần, thiếu lãng main, thiếu thẩm mỹ. Những lời thóa mạ, nguyền rũa THƠ CA một cách vô tiền khoáng hậu trên của NHT dành cho không chỉ các nhà thơ thời nay, mà còn cho cả cac1 nhà thơ trong quá khứ. . . . . Hồn Thơ của ca dao, của thơ Lý Trần, Nguyễn Trãi,… Tản Đà,… Chế Lan Viên, Xuân Diệu, Huy Cận, Nguyễn Bính… kia có thể ví như BÀ MẸ TINH THẦN CỦA DÂN TỘC. Việc làm trên của một người tự nhận là nhà văn, một nhà văn hóa, một nhà nghiên cứu như NHT, có thể ví như hành vi của đứa con dám hắt nước vào chính mặt mẹ mình (!)…."

Ngón ruột của TMH và cũng của "đại đa số" người Việt Nam Cộng Sản và Không Cộng Sản đã được giở ra: VN là một đất nước Thơ!!!! Rồi lại Truyền Thống: Truyền Thống Đánh Giặc và Truyền Thống Làm Thơ!!! Một dân tộc mà chỉ biết có Đánh Giặc với Làm Thơ và chẳng biết gì khác cả, thử hỏi tương lai dân tộc đó sẽ đi về đâu chả cần phải suy nghĩ đắn đo nhiều chúng ta đã biết: Tụt Hậu, Chậm Tiến, Ngu Dốt, U Mê v.v.. TMH đã cố tránh né không chỉ danh nhà thơ Hồ Chí Minh ra là có mục đích: Cái mục đích rất thâm độc đánh xoáy vào "Điều Cấm Duy Nhất", "Điều Bất Khả Xâm Phạm" của Đảng và Nhà Nước Việt Cộng: Thần Tượng Huyền Thoại Hồ Chí Minh. TMH không kê khai tới tên "NGƯỜI", nhưng ai ai cũng biết Hồ Chí Minh từng được suy tôn là một nhà thơ Lớn của dân tộc? Ngón đòn này của TMH giáng xuống NHT quả nhiên kỳ tuyệt!

NHT mà qua những dòng viết, tôi chỉ thấy là nhắm vào cái HNVVN và thực tại văn học VN: "… Trong số này có tới hơn 80% là nhà thơ tức là những người chỉ dựa vào những "cảm hứng" để tùy tiện viết ra những lời lẽ du dương phù phiếm vô nghĩa nhìn chung là lăng nhăng, trừ có dăm ba thi sĩ tài năng thực sự (số này đếm trên đầu ngón tay) là còn ghi được dấu ấn ở trong trí nhớ người đời còn toàn bộ có thể nói là vứt đi cả…" thì có mắc mớ gì đến những Nguyễn Trãi, Nguyễn Du hay nền Thi Ca của Dân Tộc? NHT đã minh xác là trong hầu hết những "nhà thơ" lăng nhăng chuyên viết những lời du dương phù phiếm, có "trừ ra dăm ba thi sĩ có tài năng thực sự (số này ghi trên đầu ngón tay) là còn ghi được dấu ấn ở trong trí nhớ người đời…". Như vậy, NHT đâu có phủ nhận Thơ Ca, phủ nhận những "tài năng thực sự"… và rốt ráo là NHT chỉ đang nói, đang viết về cái HNVVN, và rộng hơn một chút là tình hình văn học VN hiện đại. TMH đã chơi ăn gian, vo tròn bóp méo, thay mận đổi đào ý nghĩa câu văn của NHT. TMH viết:

"NHT đặc biệt khinh rẻ các nhà văn, nhà thơ cao tuổi, gọi "các cụ" là "đám giặc già" như sau: ‘Văn học, đối tượng của nó là những người trẻ tuổi. Nó không phải là sân chơi của đám giặc già lăng nhăng thơ phú’. Đạo Thiên Chúa Giáo coi khả năng phạm tội của con người nằm trong ba trạng thái: tư tưởng, lời nói và việc làm. Vô cớ nguyền rũa đồng loại, vu oan giá họa cho đồng loại là một trọng tội có thể bị sa địa ngục đấy!. . . .

Đọc xong bài báo này của anh Thiệp một nhà văn tôi từng yêu mean, kính trọng mà bàng hoàng suốt mấy ngaỳ liền, hỏi tại sao anh Thiệp lại hành xử với đồng nghiệp như vậy? Hay là anh bị hội chứng Freud? Hay do anh lao tâm khổ tứ sáng tạo, tìm cách leo lên đỉnh "Linh Sơn" của Cao Hành Kiện, đặng hi vọng chinh phục cánh cửa sau của Hoàng Gia Thụy Điển mà bị stress chăng?. . . . Suy đi ngẫm lại, chúng tôi thấy xuất hiện bài báo trên của anh Thiệp là không hề bất bình thường, mà rất hợp với tình cách và những bước đi có tính toán của anh. Chúng tôi từng theo dõi hầu như tất cả các buổi trả lời phỏng vấn các đài nước ngoài phát tiếng Việt của NHT, ít nhất trong vòng 15 năm qua, thì mới thấy "HỘI CHỨNG CHỬI" của anh là có hệ thống, có cân nhắc tính toán hẳn hoi, chứ không phải là việc "nổi điên" do rượu chè quá chén, hay bốc đồng văng mạng. . . . khi đề cặp đến các vấn đề trong nước, thường thấy anh lập đi lập lại những chữ sau: "đểu cáng", "vô học", lưu manh", "cứt", "phù phiếm", "khốn nạn", "điếm", "chó má", "nôn mửa", "ngu như lợn".v.v.v…Chúng tôi thấy một hiện tượng được lập đi lập lại nhiều lần thành quy luật: là mỗi lần NHT mở một "chiến dịch chửi" ở đâu đó xong, thế nào một thời gian sau anh cũng được trọng thưởng: nhận được vài ba lời mời đi du lịch nước ngoài không phải mất tiền, dưới danh nghĩa trao đổi văn hóa, giao lưu văn học…"

Tôi lại thấy NHT chẳng những cố tình mắng các anh lãnh tụ văn hóa già nua của chế độ Việt Cộng, mà cái chính là NHT hàm ý tới "đám giặc già" trong Chính Trị Bộ, trong guồng máy của Nhà Nước Việt Nam hiện nay! Còn việc nếu NHT có lao tâm khổ trí để muốn trèo lên đỉnh "Linh Sơn" tức là đoạt cái giải Nobel hòa bình, thì âu đó cũng là điều tốt lành chẳng có chi đáng chê trách của một nhà văn! Cho dù những "trận" chửi của NHT là có mưu đồ để được đi du lịch, để được "có thưởng" đi chăng nữa, vậy thì những trận "chửi Đông chửi Tây" để đội đít Đảng và Nhà Nước của TMH, thì sau đó TMH đã được những ân sũng gì? Tôi chắc chắn là phải có gì gì đó!

Tôi lại thấy là ngôn ngữ mà NHT dùng để "mô tả" những "đặc thù" dân tộc dưới chế độ chủ nghĩa Cộng Sản Việt Nam, chẳng có gì là quá đáng, mà nó thật chính xác và bất khả thay thế: … "ngu như lợn", "thê thảm", "tiểu nhân", "ngụy quân tử", "phàm phu tục tử", "suy đồi", "vô học", đểu cáng" v.v…

Vì đó là thực thể của một nước Việt Nam hiện nay!

VĂN HỌC NHẦM LẪN: CON ĐƯỜNG VÒNG QUANH CHIẾC CỐI XAY!!!

Bài "Trò Chuyện Với Hoa Thủy Tiên và Những Nhầm Lẫn Của Nhà Văn" của NHT quả nhiên đã gây ra những chấn động lớn cho tình hình văn học trong nước! Trần Mạnh Hảo đã lên tiếng đầu tiên (dĩ nhiên!). Trên báo Công An Nhân Dân số 41 (1824) thứ Bảy ngày 3 tháng 4 năm 2004, một giáo sư tên Hoàng Trinh (HT), được giới thiệu là "nhà nghiên cứu, lý luận phê bình văn hoc5 lâu năm" cũng đã lên tiếng. (Xem bài này đăng lại trên tuần báo Lẽ Phải số 249, 15 tháng 5 năm 2004). Những tên tuổi được liệt kê "đã lên tiếng", trong nước, dĩ nhiên là theo những hiểu biết về tình hình văn học rất giới hạn của tôi, người viết bài này).

Theo giáo sư HT thì: "Tôi chắc rằng NHT không có ý đó. Vì nếu có thì thật đau buồn vì một nhà văn có tiếng tăm như anh Thiệp lại phải bán rẻ tất cả để lấy một chuyến đi nước ngoài".

Điều này thật khó nói, vì trong những truyện ngắn của Dương Thu Hương (dường như trong tập Chuyện Tình Kể Lúc Rạng Đông), nhân vật "tôi" có một ông chú vì ước vọng "đi nước ngoài", đã đành tâm từ bỏ mối tình với người con gái mà anh ta yêu, vì cô này thuộc thành phần "lý lịch phản động, không được Đảng chấp nhận". Ông chú của nhân vật "tôi" phải về quê cưới một cô vợ già xấu dốt nát, thuộc thành phần nông dân bần cố để được "credit" của Đảng…

Một mối tình, mà theo trong truyện của Dương Thu Hương, đã đeo đẵng ông chú của nhân vật "tôi" đến già và có tín hiệu là sẽ mãi mãi, còn bị từ bỏ dù với nhiều đau đớn! Thì những thứ khác xem ra… chẳng có gì mà chẳng bỏ được!

Những danh thủ cao thủ và cửu lưu tam giáo theo đóm ăn tàn trong và ngoài nuóc cũng sẽ lên tiếng về sự vụ "Trò Chuyện Với Hoa Thủy Tiên" của NHT. Xem ra, sự vụ lần này của NHT chưa biết là "kiếp nạn" hay là "hội long vân" cho con cá chép NHT vượt Vũ Môn?

Tháng Năm, 1988, Trần Dần (TD) vô chơi Huế. Đây là lần thứ hai TD đến Huế. Lần đầu nào năm 1946, TD 21 tuổi và đó là chuyến "tìm" Huế cho tình yêu.

Tôi muốn trích ở đây một đoạn có tựa "Gặp Gỡ Trần Dần - Đối Thoại Mất Ngủ" do Hoàng Phủ Ngọc Tường thực hiện, in trong tuyển tập Trăm Hoa Vẫn Nở Trên Quê Hương do nhà xuất bản Lê Trần ấn hành năm 1990, tại California:

"Vừa đến Huế trong một tuần lễ, TD đã tiếp xúc với công chúng hai lần, ở Hội Văn Học Nghệ Thuật Bình Trị Thiên và ở Nhà Văn Hóa Thanh Niên Thành Đoàn Huế. "Ở cả hai nơi đó, TD thú nhận - lúc đầu tôi cảm thấy rét vì phải đối diện với đám đông, sau đó lại quá xúc động vì tính chất thẳng thắn của những câu hỏi đặt ra cho tôi. Cả hai cuộc đối thoại sau đó đều làm tôi mất ngủ". Tôi (HPNT) để ý thấy trong lúc nói chuyện, TD thường dừng lại đột ngột và gõ "cộp... cộp" vào micro, dù nó vẫn hoạt động tốt; hóa ra là từ ba chục năm nay anh không hề biết tới cái micro, và bây giờ thỉnh thoảng anh chợt thấy im bặt, không nghe được tiếng nói của mình."

(THVNTQH, Lê Giang xb, bài HPNT trang 446)

Số phận TD dường như chẳng khấm khá gì hơn số phận Nguyễn Hữu Loan (NHL) sau vụ Nhân Văn Giai Phẩm (NVGP). Trong một chế độ mà nhà văn - người cầm bút sáng tạo, hay những trí thức -người dấn thân cho tình yêu đất nước - đã phải bị đọa đày như TD, NHL, Nguyễn Hữu Đang (NHĐ) ... trong nhiều thập niên qua, thì đó quả xứng danh là một Nền Văn Học Nhầm Lẫn!

Trong Historial Materialism, trang 411 chương nói về Socialism and Religion, Marx đã viết rằng "tôn giáo là ma túy, thuốc phiện làm hại con người."

Nhưng chính chủ thuyết Cộng Sản lại là rập khuôn của một thứ tôn giáo cuồng tín với những giáo điều bịt mắt che tai tẩy não nhồi sọ môn đồ!

NHĐ sau 37 năm tù, vì đã có công tận lực quyên góp tiền của nhân dân cho Đảng, dựng kỳ đài cho Hồ Chí Minh đăng đàn tuyên bố "độc lập cướp chính quyền" v.v.. Khi được ra tù, NHĐ sống lây lất đói khổ nơi bờ tre bụi trúc, vẫn cho là do ơn mưa móc của Đảng. NHĐ không lo đến bữa ăn chốn ở của chính ông. NHĐ lại mày mò toan dịch toàn bộ các sách của Lenin hay Marx gì đó…

TD từ 30 năm đã không biết đến cái micro! Câu văn này của HPNT còn cho tôi một thông tin khác (đương nhiên là không ở hậu ý của HPNT) là TD đã 30 năm qua không còn có tiếng nói, đã không khi nào được nghe mình được nói!

Và HPNT ghi tả lại cuộc trò chuyện với TD ở lần gặp gở thứ ba trong tuần. Lần gặp gỡ "chỉ có đám anh em văn chương với nhau":

"Lần thứ ba trong tuần, chúng tôi gặp lại TD trong một cuộc rượu bảy tám anh em văn chương ở nhà Ngô Minh nơi dốc Bến Ngự, gần khu vườn cũ của Phan Bội Châu. Chúng tôi quyết định cuộc đối thoại với thi sĩ, trên những vấn đề gợi mở từ hai cuộc gặp gỡ trước…

HPNT: (mở đầu) Thưa anh, con người sống ai cũng cần có nhân cách, nhà văn lại càng phải có nhân cách. Theo anh, nhân cách nhà văn quan trọng nhất ở chỗ nào?

TD: Nhân cách nhà văn chính là văn cách của anh ta. Tôi không thấy mô-đen nào cho văn cách cả. Văn cách không chung cho ai. Văn là mình, không thằng nào giống thằng nào. Nó phải tự khẳng định cái tôi của nó, và không lùi một ly…

Nguyễn Quang Lập (NQL): Xin hỏi thật anh: Qua thời Nhân Văn, anh tự thấy anh được cái gì nhiều nhất?

TD: Được cái hoạn nạn. (Thi sĩ chợt im lặng, và tất cả chúng tôi cùng im lặng trong nỗi xúc động. Rồi anh tiếp): Do được hoạn nạn nên được không dưới ba chục tác phẩm trong ba mười năm….

NQL: (tiếp) Có dư luận cho rằng các anh làm dự báo tốt. Nhưng văn cách thì các anh chưa thành công, theo tôi. Vì bạn đọc chưa hâm mộ như trường hợp "Bác sĩ Jivagô".

TD: (một chân bị liệt cơ lại phải ngồi trên đòn, đứng dậy vịn ghế cho đỡ mỏi). Ngay độc giả của mình cũng chưa biết mình (đọc giả - chú thích của TNH) muốn cái gì. HoÏ nói thế, nhưng họ xác định bằng cái gì? Tiền chiến chỉ quan trọng khi họ chưa biết chúng tôi là ai. Tôi chưa có độc giả. Tác phẩm của chúng tôi sẽ đảm bảo công chúng tôi.".

(sđd THVNTQH. Trang 447).

TD đã khẳng định cái mà ông được nhiều nhất sau vụ Nhân Văn là "cái hoạn nạn"! Và nhờ cái hoạn nạn mà ông có được 30 tác phẩm trong 30 năm qua. Vấn đề rốt ráo ở đây là 30 tác phẩm đó của TD là những gì? Lê Đạt (LĐ) sau vụ Nhân Văn im hơi lặng tiếng một thời. Xuất hiện lại với Trường Ca Bác Hồ và loại thơ mà theo Thụy Khuê là thơ Tạo Sinh. NHĐ toan dịch lại toàn bộ những tác phẩm của chủ nghĩa Cộng Sản, và điều tất nhiên là NHĐ chưa biết rằng chủ nghĩa này đã sụp đổ tàn tệ ở ngay tại cái nôi Mạc Tư Khoa của nó, rồi Đông Đức, Ba Lan, Tiệp Khắc v.v… TD để lại Ghi và những vần thơ… tôi chưa được đọc hết. Tuy nhiên, ở TD tôi vẫn còn rất nhiều những ký vọng. TD là người muốn xóa bỏ cái cũ thật sự.

Nhưng chẳng biết TD có quyết tâm xóa bỏ ngay cả cái văn học "nhầm lẫn" mà biết đâu ông đã có lúc bị lạc vào, do sự thiếu thông tin thế giới và do những "hoạn nạn" mà ông đã từng gặp phải…

Tôi đi

Không thấy phố hấy nhà

Chỉ thấy mưa sa

Trên màu cờ đỏ

………

(Trần dần, Tôi Đi Giữa Phố Sinh Từ)

Muốn xóa bỏ một quá khứ văn học nhầm lẫn, phải xóa bỏ trước tiên là cái màu cờ Đỏ khát máu đã đưa TD, NHL, Phúng Quán, Lê Đạt. . v.v… và cả một đất nước đi vào chẳng những một nền "văn học nhầm lẫn", mà là cả một "xã hội nhầm lẫn" tang thương!

Trên tạp chí Sông Hương, trả lời một cuộc phỏng vấn, Hoàng Cầm (HC) vẫn bản tính "bảo toàn" nhưng lại đưa ra được một thông tin đáng biết:

"PV: Tình hình văn nghệ hiện nay theo anh như thế nào?

HC: Vẫn còn đang ngổn ngang cái mới cái cũ. Tôi mong mỏi những anh em đang còn vướng torng neap tư duy cũ sớm suy nghĩ lại, để nhanh chóng hòa nhập vào công cuộc đổi mới. Mới như Maiakovski: "Tranh nhau vinh dự làm gì!"

(sđd, THVNTQH in lại. Trang 456)

Vinh dự có thể không cần thiết để tranh nhau. Nhưng quyền lợi và sự tin cậy của Đảng và Nhà Nước thì lại là một "vấn đề" khác!

Khi NHT tung ra cuộc "Trò Chuyện Với Hoa Thủy Tiên…", biết đâu ông đang muốn thực sự làm một cuộc "cách mạng toàn diện" cho mặt mũi lẫn xương da máu thịt của nền văn nghệ văn hóa Việt Nam?

Viên thuốc đắng xem chừng không dã tật. Mà cái tật biết đâu đó sẽ đè bẹp viên thuốc đắng. Và như vậy, cơn bệnh sẽ trở thành nan y và sẽ đâu lại vào đấy! Nền "văn học truyền kỳ" gò ép che mắt làm ngu dân tiếp tục con đường "nhầm lẫn" của nó!

Với TMH và những HT. Sẽ còn nhiều TMH em út và HT em út khác. Người ta sẽ lý luận thế nào về một NHT hội viên HNVVN dám công bố là 80% những hội viên HNVVN là "vô học", và đa số là những nhà thơ?

Hóa ra Thơ dễ làm và chỉ đặc biệt dành cho những kẻ "vô học"? Tôi không nghĩ NHT có ý này! Mà tôi cho rằng NHT đã tận lực tung một cú thôi sơn vào sự vụ "Việt Nam là đất nước Thơ. Dân tộc Việt Nam là một dân tộc của Thi Ca".

Lối tự hào tự an ủi kiểu "Ả Q" của Lỗ Tấn, sau khi đã thua cuộc đời hằng trăm những vố cay đắng là: "Chúng mày chửi tao thì cũng như chửi bố chúng mày. Chúng mày đánh tao thì cũng như đánh bố chúng mày. Đó là cách cư xử của chúng mày, cư xử của con cái với bố đẻ… Đó là văn hóa truyền kỳ và truyền nhiễm v.v.v…"

TMH đứng đầu cuộc tự hào "Ả Q" sau khi đã thử lửa làm cuộc "Ly Thân" xem ra không ổn và đã "Tái Hôn" với Đảng và Nhà Nước!

Phong trào đổi mới, cởi trói của Việt Nam Cộng Sản từ năm 1986, cho đến năm 1989 đã đẻ ra nhiều những văn thư nghị định và tiêu chí này nọ. Rốt ráo vào ngày 14 tháng 2 nắm 1989, một bản "kết luận của bộ chính trị về mấy vấn đề trước mắt trong công tác tư tưởng" đã được trịnh trọng đăng trên Sài Gòn Giải Phóng, rất dài, nhưng tôi tin rằng chỉ cần trích đoạn sau đây cũng đủ nói lên tinh thần của toàn bộ văn bản "kết luật":

"Giữ được bí mật cho cách mạng. Ngăn ngừa và uốn nắn những biểu hiện lợi dụng dân chủ, công khai để xuyên tạc sự thật, để phủ định thành quả cách mạng, đả kích vào sự lãnh đạo của Đảng và quản lý của nhà nước, vì những động cơ cá nhân không tốt. Phải cảnh giác không để kẻ thù lợi dụng khoét sâu vào những sơ hở, sai sót của cách mạng để phá hoại sự nghiệp đổi mới, chống chủ nghĩa xã hội.

Để đảm bảo mở rộng tính dân chủ, tính công khai, cần xây dựng luật báo chí, luật xuất bản, luật cho các hoạt động văn hóa, văn nghệ, các quy chế mới về mở rộng dân chủ trong sinh hoạt của quốc hội và hội đồng nhân dân các cấp, trong sinh hoạt đảng và sinh hoạt các doàn thể cách mạng."

(sđd, THVNTQH in lại. Trang 459).

Cách mạng, ý nghĩa đầu tiên của nó là một công cuộc đổi mới, mang phúc lợi cho tất cả mọi người. Vậy thì, cách mạng có gì bí mật mà phải "ngăn ngừa uốn nắn những biểu hiện lợi dụng dân chủ"? Nếu một thể chế "dân chủ" mà vẫn còn nằm trong sự "ngăn ngừa và uốn nắn" của Đảng và Nhà Nước", thì chúng ta nên gọi là nền dân chủ loại gì?

Phải nói là khi một "sự thật" bị "công khai", Đảng và Nhà Nước bèn "xuyên tạc". Bởi vì mục đích của "sự thất" đó nhằm "để phủ định thành quả cách mạng, đả kích vào sự lãnh đạo của Đảng và quản lý của nhà nước", thì "sự thật" đó phải bị "ngăn ngừa và uốn nắn"!!!

Còn những "sơ hở và sai sót" của cách mạng (Đảng và Nhà Nước Việt Cộng) thì trùng điệp ra đó, là nguyên do của những "phá hoại sự nghiệp đổi mới".

Đổi mới làm sao được? Làm sao được đổi mới khi mà Đảng và Nhà Nước luôn kềm kẹp, triệt tiêu "Tính Công Khai". Không có "Tính Công Khai", không bao giờ thực hiện được "đổi mới" và "dân chủ".

Dân chủ là gì? Nếu Dân Chủ không là người dân trong nước phải được biết cái Đảng, cái Nhà Nước đang nắm quyền sẽ đưa sinh mệnh người dân về đâu?

Và hơn hết, một nền dân chủ sơ khai còn chưa có tín hiệu, thì làm thế nào có sự việc "đảm bảo mở rộng tính dân chủ, tính công khai…"

Chưa dám đương đầu với "tính công khái", thì chẳng thể nào già mồm nói đến hai chữ "dân chủ".

Xây dựng các luật báo chí, luật xuất bản, luật cho các hoạt động văn hóa, văn nghệ… Là xây dựng như thế nào? Ra làm sao? Hay "xây dựng" những thứ luật trên chỉ là để hoàn thành cái việc "bình mới, rượu cũ" cho tiện bề gian lận!

Gian lận bởi vì tất cả những thứ luật pháp trên dù có được thành văn bản, thì ở mỗi địa phương trong đất nước Việt Nam sẽ sử dụng cái "văn bản luật pháp" đó theo tính "ông thần, cây đa" và "phép vua thua lệ làng" của từng ngài "phó vương" đã được sự thông qua và che dù cũng như đỡ lưng của "chính trị bộ".

Trừ phi Đảng và Nhà nước Việt Cộng dám xuất bản, hay công khai công bố cho người Việt ở hải ngoại về Việt Nam xuất bản một tờ báo, đảm bảo đăng tất cả các bài của tất cả các khuynh hướng chính trị khác với chủ nghĩa Cộng Sản Việt Nam, và không làm công việc chỉ đạo hay kiểm duyệt… Thì lúc đó hãy nói tới "tính dân chủ" và "tính công khai".

"Tính công khai" là Tính Đầu Tiên dẫn tới "Dân Chủ".

80% những hội viên trong HNVVN không cần "tính công khai" cũng như "tính dân chủ"!

Nói theo NHT, họ, "đa số là những người già nua không có khả năng sáng tạo và hầu hết đều… "vô học"! Và rốt ráo, "họ" đa số là những "nhà thơ"…

Và chỉ vì cái loại thơ do những tay "già nua không có khả năng sáng tạo và hầu hết đều… vô học" này, mà NHT lại đem bài thơ dưới đây để chứng nghiệm, thì quả tính là NHT chẳng biết tôn trọng cái "lồ…", NHT đã sỉ nhục cái "lồ…" một cách vô tội vạ:

Vợ tôi nửa tỉnh nửa mơ

Hôm qua nó bảo: Dí thơ vào lồ…

Vợ tôi nửa dại nửa khôn

Hôm nay lại bảo: Dí lồ… vào thơ

Và, hãy nghe Nguyễn Đình Thi (NĐT), một trong những cây đại thụ của nền văn học "dí lồ… vào thơ" thể hiện "Tính Công Khai":

PV: Người ta nói đến chế độ bao cấp không những trong kinh tế mà cả trong văn nghệ. Ý kiến anh như thế nào?

NĐT: Trước đây HNVVN được xếp vào loại cơ quan sự nghiệp hành chính bao cấp. Các nhà văn, nói chung, làm việc trong các cơ quan, hoặc chuyên sáng tác, đều lĩnh long Nhà nước, theo tháng long hành chính. Tác phẩm của nhà văn được coi là phục vụ công tác tư tưởng, nên không tính đến kinh doanh. Tôi đã từng trả lời phỏng vấn, rằng giá một quyển tiểu thuyết dày đại thể bằng một bát phở. Tiền nhuận bút chỉ coi là thu nhập phụ…"

(sđd, THVNTQH in lại, trang 480)

"Tiền nhuận bút" của Nhà Văn chỉ là "thu nhập phụ". Và "thu nhập" chính của nhà văn là "đồng lương công chức hành chính". Công việc "văn chương sáng tác", cũng là "một công việc" nằm trong "những công việc" của Đảng và Nhà Nước" giao phó. Như thế, tất nhiên những sáng tác của các "nhà văn công chức hành chính", phải đúng theo tiêu chí tiêu chuẩn và đề cương đề luận mà Đảng và Nhà Nước đã đưa ra là điều chẳng thể luận bàn!

Thơ, trong trường hợp này, nếu không là những khẩu hiệu cắc bùm tuyên truyền "gãi ngứa" (mượn chữ của TMH) Đảng và Nhà Nước, thì cũng chỉ là những câu kệ ê a ca ngợi liệt sĩ mẹ chiến sĩ v.v.. của thời kỳ chiến tranh. Hay cùng lắm về sau này là những vần điệu ngu ngơ cố làm ra vẻ đổi mới để "Tạo Sinh" một cách vô hại vô tội vạ của Lê Đạt; hoặc bí hiểm cầu kỳ vô duyên vô nghĩa kiểu Hoàng Hưng…

Các nhà văn nhà thơ Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng và Nhà Nước, đang làm công việc của đoàn người tay cầm bút cắm vào chiếc cối xay, và chân thì cứ bước đều kẻ trước người sau cùng một tốc độ không chậm không nhanh cố sản sinh ra những thứ chữ nghĩa đã bị nghiền nát giống nhau từ màu sắc đến độ nhuyển nhừ.

Tóm lại, nền văn học của chủ nghĩa Cộng Sản Việt Nam sau hơn nửa thế kỷ rốt ráo chỉ là một nền văn học nhầm lẫn! Đây không là những Nhầm Lẫn của Nhà Văn theo như NHT. Mà theo tôi toàn bộ sự Nhầm Lẫn này là của một chủ nghĩa không có kết luận - giao hợp cùng cái Tính Tự Hào Dân Tộc bị bóp méo vo tròn một cách tàn bạo không thương tiếc của "bản sắc Việt Nam".

TNH

Virginia, Apr 12/2004