đọc trong mùa Tết
lê thị huệ
thư chủ biên
gặp gỡ Gió O ở Sài Gòn
tháng 9-2018
tại phòng khách của nhà thơ Nguyễn Thùy Song Thanh
từ trái sang phải,
Lê Thị Huệ, Nguyễn Thùy Song Thanh, Nguyễn Thị Hải và Chồng
Ở đầu câu chúc tết trên Gió O Xuân Lợn Lành 2019, tôi gửi lời chúc lành đến những bằng hữu và những “bất bằng hữu”. Một lời chúc lành tôi gửi đến những kẻ đã ám hại Gió O trong năm qua.
3 tháng cuối năm 2018, lợi dụng khi tôi ở xa những máy desktop, không vào được máy chủ để làm việc cho trang Gió O, bọn xấu đã tấn công Gió O lần thứ 2 . Chỉ cách một năm sau đợt tấn công tháng 10 năm 2017. Lần 2 cũng vào tháng 10 xám! Hắc cơ tấn công toàn bộ Gió O không chừa trang nào. Dù rút kinh nghiệm lần nhất, tôi đã xây thêm “vách an toàn và xây thêm tường nhà”, nhưng vẫn bị họ phá cho banh ta lông không chừa phông tường nhà nào của Gió O.
Chuyện đối phó với những kẻ phá hoại thì không biết đâu mà lường. Nhất là khi họ đã có mục tiêu là phá hoại. Mà tôi cứ đinh ninh trang Gió O chỉ là trang văn hóa không phải trang chính trị. Nên họ tấn công là chuyện của họ. Tôi kệ.
Chỉ không may là có nhiều trang tác giả tôi chưa kịp lưu trữ. Hoặc đã lưu trữ nay kiếm không ra. Hoặc tôi ỷ y đã làm rào chắn theo lời hướng dẫn của server, tưởng đã an toàn. Nên có những tác giả bị mất sạch bài.
Tôi chỉ hồi phục được trong khả năng của tôi. Thành thật cáo lỗi với các tác giả bị mất bài. Các tác giả nào muốn khôi phục bài, quý vị liên lạc về Gió O và gõ bài lại theo hướng dẫn của tôi, để bài có thể lên lại.
Gió O ít quan tâm đến chuyện hòa bình và chinh chiến của nền văn chương thế giới, nhưng năm qua tin Giải Nobel Văn Chương bị đình chỉ một năm là tin dzui dzui. Có cái ông lớn trong dòng họ ăn trên ngồi trốc chỉ huy giải Văn Chương Nobel tên Jean-Claude Arnault đã dê tới 18 phụ nữ trong 20 năm qua, và ông này cũng đưa tin lọt ra ngoài về giải này 7 lần trong quá khứ. Đó là khởi đầu câu chuyện. Báo New York Times đưa tin, vì chuyện dê xồm và băng đảng mà giải Văn Chương Nobel năm nay bị trớt quớt. Chủ đề của giải Văn Chương Nobel năm nay bị mất vì thiên hạ mất niềm tin vào giải này. Họ nghỉ một năm để tìm cách tẩy rửa sự gian dối kia. Hm, gian dối là băng đảng là bản tính của phần lớn nhân loại. Sao mà tẩy gột được. Tôi không tin. Còn ai yêu và tin giải Văn Chương Nobel là giải chí tốt - gương mẫu role model - cho văn chương Việt Nam, thì cứ việc.
Riêng nền Văn Chương Việt Hải Ngoại trong năm qua, có mấy đấng nhảy ra xuất kiếm khá ngoạn mục.
Người thứ nhất là ông Trịnh Y Thư, ông kỹ sư du học và giàu chất ngất mấy chục năm qua. Nay về hưu, ông ra mở nhà xuất bản sách giấy, rồi ông in sách quá trời sách trong thời gian qua . Chúc mừng ông Trịnh Y Thư. In sách giấy thời buổi này là chuyện nằm mộng. Nhưng tôi thấy nhiều người vẫn thích in sách giấy, thích cầm quyển giấy đọc. Có khi nào vì sự thích cầm quyển sách quá mà chuyện in sách giấy vẫn tiếp tục xảy ra dài dài không nhỉ ? Phải công nhận, sách không chỉ là để đọc, mà sách là một nghệ thuật in ấn giấy mực. Mà nghệ thuật thì sẽ có tình cảm, cảm xúc đưa đường lôi kéo vào hồn. Khi nó thành một thứ đam mê, thì nó có cơ để hiện hữu mạnh mẽ. Điều này chắc phải chờ vài thế hệ trẻ em không dùng sách giấy để học, để đọc, mà dùng máy com và internet để học để đọc, đã kinh nghiệm và trưởng thành từ chế độ vắng bóng sách giấy; xem họ chuộng sách giấy đến cỡ nào, may ra mới có được một cái nhìn chính xác hơn.
Người thứ hai là ông chủ Hợp Lưu cũ Khánh Trường tái xuất giang hồ trên Facebook kêu gọi làm nhà xuất bản sách giấy và sẽ ra báo giấy lấy tên Mở Nguồn. Tờ Hợp Lưu cũ hiện còn sống đã hoàn toàn qua tay Đặng Hiền và đang sinh hoạt online. Trên Facebook ông Khánh Trường tiết lộ là ông từng viết dâm thư để nuôi báo giấy Hợp Lưu. Chuyện viết dâm thư của Khánh Trường nghe rất hầm hố. Và cũng thấy hơi bẽ lòng cho nhiều người, theo tôi biết, đã đóng góp tài chánh và sáng tác cho Hợp Lưu cật lực, khiến tờ báo này nổi đình nổi đám mười mấy năm ở Hải Ngoại.
Trong tinh thần của những người mê mết sách giấy không dứt, vài tác giả trên Gió O cũng liên tục cho xuất bản sách giấy khá thường xuyên trong thời gian qua. Năm 2018 nhà văn Đặng Phùng Quân với công cuộc tiếp tục phổ biến triết Tây đã xuất bản quyển Husserl & Chủ Nghĩa L(ý) Tưởng Trong Thế Giới Hiện Đại. Nhà thơ Nguyễn Thị Khánh Minh liên tục xuất bản và được đón nhận khá nồng nhiệt từ giới tác giả lẫn độc giả. Trong năm qua chị cho ra tập Tản Văn Thi, do nhà xuất bản VanHocPress của nhà thơ Trịnh Y Thư in ấn. Nhà văn dạo sau này viết rất sung, là Hồ Đình Nghiêm trong năm qua cũng cho xuất bản một tập chuyện ngắn Ngoại Vực trên Amazon. Hình như từ thập niên 1960 đến nay, Huế nổi tiếng với những cây bút nữ là Túy Hồng, Nhã Ca, Nguyễn Thị Hoàng, nhưng với các cây viết Nam gốc Huế có lẽ chưa ai viết có “mùi hương Huế thân thiện và tinh nghịch” qua được Hồ Đình Nghiêm, phải không? Hai người trẻ in thơ như say thơ là Như Quỳnh de Prelle và Nguyễn Thị Hải. Năm qua Như Quỳnh de Prelle cho in tập Buổi Sáng Phủ Định. Như Quỳnh De Prelle là người rất năng nổ kết bạn rộng rãi trên mạng từ trong nước ra đến ngoài nước, nên sách của cô có một mạng lưới bằng hữu phổ biến giúp, rất hiệu quả. Nguyễn Thị Hải với tập thơ Một Giòng Tiểu Sử Của Bạn Tôi do nhà Domino Books của Bùi Chát xuất bản. Trong lần gặp gỡ với hai vợ chồng cô ở quán cà phê do cô mở cửa rất lãng đãng, quán cà phê-trà Nhạc Lòng Năm Cũ thuộc khu Thảo Điền quận 2, vào tháng 9 vừa qua, nhà thơ nói với tôi thơ bày bán ngoài phố Hà Nội và Sài Gòn và họ gọi lại để lấy thêm sách. Điều đó có nghĩa là thơ cô bán cũng được.
gặp gỡ Gió O ở Sài Gòn
tháng 9-2018 tại quán cà phê trà Nhạc Lòng Năm Cũ, Lê Thị Huệ, Nguyễn Thị
Hải
Một cây viết có tác phẩm xuất bản trong năm qua đáng chú ý ở Hải Ngoại là nhà văn Lê Lạc Giao với truyện dài chiến tranh Có Một Thời Nhân Chứng. Lê Lạc Giao, và vài cây bút khác trên Gió O, như Nguyễn-Hòa-Trước, Nguyễn thị Hải Hà, Trang Đài Glassey Trầnguyễn là những tác giả viết có “thần công lực” xây dựng tác phẩm. Họ viết với ý thức về kỹ thuật viết truyện/chuyện . Họ không viết hoàn toàn theo cảm hứng mà viết với một trang bị về kỹ thuật để dựng tác phẩm fiction tiểu thuyết. Các tác giả này đều có trình độ ngoại ngữ giỏi và tiêu thụ khá nhiều sách vở English, nên có thể thấy sự tiêu hóa kiến thức và đời sống Hải Ngoại của họ trôi chảy vào giòng văn chương tiếng Việt trong các tác phẩm của họ. Nói ra điều này không có nghĩa là tất cả mọi tác giả sống ở hải ngoại và biết ngoại ngữ đều trang bị cho mình kiến thức và sự tiêu hóa kỹ thuật dựng tác phẩm như các tác giả trên, mà tôi có dịp quan sát từ góc độ chủ biên Gió O .
Một tác giả vừa quờn trở lại xuất hiện trên Gió O trong thời gian gần đây, là nhà văn Phan Tấn Uẩn. Ông là tác giả từng thành danh trên tờ báo văn nghệ do nhóm Miền Huế chủ trương trong thập niên cuối 1960 và đầu 1970, đó là tờ Ý Thức. Dạo đó tôi còn học trung học và được tặng báo này đọc triền miên. Tôi đã chú ý đến vài cây viết trên tờ báo này, một trong những tác giả ấy là Phan Tấn Uẩn với các truyện/chuyện của ông. Các sáng tác của Phan Tấn Uẩn xuất hiện trên tờ Ý Thức thời đó có một giọng văn rất riêng mình, dùng chữ rất bắt văn. Các câu truyện của ông hiện thực và đầy tính sáng tạo. Đấy là một tài năng văn chương đáng chú ý. Tuy nhiên sau đó thấy ông biến mất. Không thấy tác phẩm xuất bản. Nay tình cờ ông lục lại bài cũ gửi đến Gió O. Tôi rất vui giới thiệu lại các tác phẩm đặc sắc của nhà văn Phan Tấn Uẩn lên Gió O.
Những người Việt sống ở ngoại quốc mấy chục năm mà vẫn sáng tác tiếng Việt, họ thiệt bảnh và thiệt đáng yêu. Sống ở nơi nào viết tiếng nước đó là chuyện dễ hiểu, sống ở Mỹ viết tiếng Mỹ thì không có gì dáng ngạc nhiên. Nhưng sống ở Mỹ mà đâm đầu sáng tác bằng tiếng Việt, há không kỳ thú, đáng yêu, đáng trân trọng sao.
Trong năm qua khi đi thiền thân ở Nhật ba tháng, tôi có tọt về Việt Nam 2 lần để thám thính …. Tôi chi ghé tất cả 5 tỉnh. Tôi vô cùng thất vọng khi khám phá ra không thể vào đọc Gió O ở các tỉnh Quảng Nam và Khánh Hòa. Ở các nơi này tôi đều ở khách sạn cao cấp dành cho khách ngoại quốc. Riêng tại tỉnh Khánh Hòa tôi đã về một vùng quê nơi vẫn nối mạng được. Các cổng tỉnh này đã khóa chặt không cho ai vào xem Gió O cùng một số các trang khác, như Da Màu, nhật báo Người Việt, VanViet blog … Họ chọn lọc cấm một số trang web trên Wordpress và Blogspot, không cấm hết. Trong khi họ vẫn mở toang các cổng Facebook và Youtube.
Nhưng ở Hà Nội và Sài Gòn thì độc giả có thể vào Gió O đọc thoải mái. Như vậy có nghĩa là Việt Cọng cai trị nước theo kiểu rất sứ quân. Mỗi tỉnh có bộ sậu điều hành riêng. Những gì xảy ra ở Hà Nội không bảo đảm xảy ra ở Hội An. Và trong cách họ kiểm soát hệ thống internet, họ áp dụng chiến thuật du kích. Nghĩa là có trang mạng bị cấm vào ở Khánh Hòa nhưng lại vào xem thoải mái ở Qui Nhơn … vv…
nữ dân biểu trẻ Alexandria Ocasio-Cortez (ở giữa)
photo: Newyork Magazine
Chuyện phụ nữ tham dự quyền lực cai quản thế giới là niềm hy vọng tươi vui cho tôi. Có điều tôi vẫn chưa nhìn ra được viễn ảnh giai cấp quyền lực phụ nữ sẽ đương đầu như thế nào với lòng tàn ác và tính phá hoại của các đấng phụ nam. Đối với tôi, khả năng ác độc và khả năng phá hoại của đàn ông thì không thể lường được và thiệt là kinh khiếp. Ớn lạnh hơn nữa đây chính là nguồn sống của nhân loại từ trước đến nay. Các phụ nữ đang lao vào con đường chinh phục thế giới bằng khả năng yêu đời và khả năng xây dựng đời của mình thật đáng ngưỡng mộ và đáng theo dõi, là làm thế nào để những người đàn bà quyền lực đương đầu với các thủ đoạn sâu kín vô nhân nhất của cánh phụ nam khi họ vào cơn hung hãn sẵn sàng làm điều ác trên tập thể nhân loại.
Văn Hóa Việt Nam Hải Ngoại trong năm qua có biến cố đáng chú ý là Thúy Nga Paris By Night ăn mừng chiến thắng sinh hoạt 35 năm thành công.
Thúy Nga tự nhận mình làm văn hóa nghệ thuật cho người Việt Hải Ngoại. Đáng nói hơn khi trên trang Facebook của cô Marie Tô có một câu tiếng Anh - chứ cũng không được tiếng Việt - không buồn cho biết ai là tác giả của câu nói này): "Art, freedom and creativity will change society faster than politics". Câu này nghe ngon bảnh thật. Dịch nôm: “Nghệ thuật, tự do, và sáng tạo sẽ thay đổi xã hội nhanh hơn chính trị”
Nếu bà Marie Tô nói đang làm việc “change society - thay đổi xã hội”, thì đây là vài nhận xét gọi là “change society - thay đổi xã hội” mà Thúy Nga Paris By Night đã thực tập ở Hải Ngoại trong 35 năm qua.
Thúy Nga chuyên tổ chức văn nghệ ở các sòng bài sộp khắp nước Mỹ, nhiều nhất là ở Las Vegas. Điều này khuyến khích dân Việt cờ bạc. Mấy chục năm sinh hoạt ca nhạc, thử hỏi Thúy Nga Paris By Night có tung ra được một nền sáng tác nhạc nào mới, hay cứ xào đi nấu lại nhạc cũ của Miền Nam Việt Nam trước năm 1975. Thuy Nga Paris By Night có “đẻ” ra được những nhạc sĩ nào lừng danh như Phạm Duy, Trịnh Công Sơn trước đây. Ít ra các nhạc sĩ cọng tác với trung tâm ca nhạc Asia của Trúc Hồ và Thy Vân còn xuất được luồng nhạc đấu tranh của Việt Dzũng, Trầm Tử Thiêng, Trúc Hồ. Sau 1975 các trung tâm ca nhạc Hải Ngoại đã khởi xướng phong trào hát là phải có nhảy múa đi kèm. Ngay cả sự thành công của các vũ đoàn nhảy múa trên sân khấu Thúy Nga Paris by Night mấy chục năm qua cũng không có chút sáng tạo nào, nếu không muốn nói là toàn hàng bắt chước ngoại quốc. Sáng tạo là ví như Thúy Nga Paris By Night, với sức mạnh phổ quát của mình, đã tung ra được một điệu múa cho trẻ em Việt chơi vào dịp Tết Trung Thu. Hay Thúy Nga Paris By Night tung ra được điệu Rồng Việt thay điệu Lân Tàu múa vào dịp Tết Nguyên Đán. Và đừng nói các hàng xa xôi ấy, ngay cả trên sân khấu Thúy Nga Paris By Night, được điệu nhảy hiện đại modern dance nào gọi là hàng sáng tạo gây chú ý, phát xuất từ sân khấu Thúy Nga Paris By Night? Câu trả lời là zero. Dù họ ca diễn trên các sân khấu vĩ đại lừng danh ở Las Vegas trong 35 năm.
Điều đáng buồn, với tôi, là tuy Thúy Nga Paris mời một ông được gọi là “nhà văn nổi tiếng” Nguyễn Ngọc Ngạn làm MC và viết kịch bản hài cho Thúy Nga Paris mấy chục năm qua, nhưng ông Nguyễn Ngọc Ngạn và bà Marie Tô không bao giờ “promote - khích lệ” nền sáng tác kịch, thơ trình diễn, của nhà văn nhà thơ nhà viết kịch Việt Nam nào khác ngoài Nguyễn Ngọc Ngạn. Trong 127 cuốn Thúy Nga Paris toàn là hài bình dân do Nguyễn Ngọc Ngạn viết. Thì cũng OK đi, vì đó là mối kiếm tiền chính của họ. Nhưng phải chi trong 127 video phục vụ khán giả làm neo-nail và đánh bạc ở Las Vegas, Thúy Nga dựng cho một kịch bản của Vũ Khắc Khoan dù chỉ một lần, hay cho trình diễn thơ Ngu Yên dù chỉ một lần, để gọi là cổ xúy cho những nỗ lực sáng tạo khai phá nghiêm chỉnh từ đủ thành phần tác giả Việt Nam Hải Ngoại khác. Như thế Thuy Nga Paris By Night mới gọi là phục vụ giá trị Văn Hóa Nghệ Thuật Việt Nam đúng nghĩa. Một tổ chức to lớn, giàu mạnh, như Thúy Nga Paris có phương tiện và tài chánh để phục vụ mọi tầng lớp một cách thuận tiện, dễ dàng, kích thước hơn. Nhưng Thuy Nga đã không có được tầm nhìn và kỳ vọng cao đẹp vĩ đại ấy. Họ chỉ phục vụ khán giả bình dân, một cách hoành tráng. Quá ư hoành tráng. Mà đáng lẽ họ có thể chêm vào đấy để phát triển và nâng cấp nền ca nhạc kịch nghệ sân khấu Việt Nam vẫn được.
Mà nói cho cùng, nếu muốn phục vụ Văn Hóa Việt Nam Hải Ngoại một cách tầm cỡ, thì Thuy Nga Paris By Night nên đổi một cái tên nào mang cốt cách sang trọng Văn Hóa Việt Nam Hải Ngoại hơn là cái đuôi lạc lõng “Paris By Night”.
Điểm đáng khen cho các trung tâm nhạc Việt Hải Ngoại là các video Asia, Thuy Nga Paris By Night giúp con trẻ Việt Nam ở Hải Ngoại tìm đến tiếng Việt. Nhờ xem phim của trung tâm Thuy Nga, của trung tâm Asia vv… , mà nhiều trẻ em sinh ra và và lớn lên ở Hải Ngoại nghe và nói giỏi tiếng Việt hơn. Tạo tiền lệ cho các em bắt chước điệu hát điệu múa trên ấy mang về trình diễn lại ở các sinh hoạt tại tiểu học, trung học, đại học … khi những nơi này tổ chức những buổi văn nghệ mang tính đa văn hóa (multicultural activities) ở Canada, Mỹ, Úc ...
Lê Thị Huệ, chủ biên, www.gio-o.com
2019