Võ Đình, tự khắc mộc bản

 

số đặc biệt giỗ đầu Võ Đình tháng 5 - 2010

lê th hu

ba người đàn bà

và Võ Đình

 

Tôi chắc là ông có quan hệ với hơn con số Ba người đàn bà.  Và tán tỉnh trăng hoa tuyết nguyệt này nọ thì có lẽ là vô số kể. Tôi nhớ thuở ấy gặp Mai Thảo, ông đã kể cho tôi nghe chuyện đến thăm nhà Võ Đình ở Thạch Lũng thuộc miền Đông Hoa Kỳ. Căn nhà của họa sĩ Võ Đình lúc đó khá huyền thọai với chúng tôi. Nghe đồn nhà dựa vách núi thơ mộng tuyết băng. Trong nhà giữ những câu chuyện dàn dựng bởi một nhà nghệ thuật đặc biệt. Là nơi chốn ghé thăm của đôi uyên ương lẫy lừng kiếm phật  Nhất Hạnh và Cao Thị Ngọc Phượng.  Và nhất là chủ nhân của ngôi nhà một họa sĩ sống cực kỳ ẩn dật với người đàn bà tóc vàng mắt xanh. Người đàn bà tóc vàng mắt xanh ấy, theo lời kể của ông Mai Thảo, rất đặc biệt.  Là ăn mặc như một người đàn bà Việt Nam, áo bà ba lụa tím quần sa teng cho Võ Đình ngắm. Và ông Mai Thảo còn chứng kiến cảnh người người đàn bà tóc vàng mắt xanh ấy bưng một thau nước ấm và một cái khăn tay đưa cho người họa sĩ lau mặt.

Tôi nghe là thấy … hơi rùng rợn. Càng tò mò hơn. Lúc đó tôi hơi đinh ninh là họa sĩ hình như cũng tán tỉnh tôi chút xíu. Hàng tuần ông gửi cho tôi những bức ký họa và những giòng chữ này nọ. Tôi còn xinh gồ ba bó tân thời và vừa xuất bản quyển Bụi Hồng, ông chụp ngay, viết một bài giới thiệu về tác phẩm của tôi trên tờ Văn Học của Võ Phiến. Hình như đây là bài viết thứ nhất và là bài duy nhất của ông giới thiệu về một cây bút nữ trẻ ở hải ngọai.   Sau khi nghe Mai Thảo kể chuyện là tôi đề cao cảnh giác ngay lập tức. Vì kinh nghiệm chiến trường với đàn ông hơi bị nhiều nên tôi kiếm exit dzọt ra cho lẹ. Sau này tôi đi lang thang nghe nhiều bà nhà văn bà họa sĩ bà thi sĩ kể lại nên càng rõ. Ồ thì té ra ổng tán tỉnh nhiều người, ai ổng cũng gửi thư khoe chữ ký thiệt là đẹp, ai ổng cũng tặng tranh này nọ… Từ đàn bà cho đến đàn ông. Từ người thân cho đến kẻ lạ. Hai bà nhà văn Túy Hồng và LaiHồng bạn thân nhau, lúc đó rủ tôi ra tờ Phụ Nữ Ngày Nay ở Seattle. Khi nghe tin Võ Đình lấy vợ Hồ Trường An bên Pháp gửi thư sang hỏi Võ Đình lấy Hồng nào vậy, Túy Hồng hay Lai Hồng.  Túy Hồng tâm sự, đáng lẽ Túy Hồng thay vào chỗ LaiHồng rồi đấy. Đám táng Võ Đình. Nguyễn Thị Hoàng Bắc bay từ DC xuống Florida, là người đàn bà lạ duy nhất có mặt bên cạnh vợ con ông.  LaiHồng tả cảnh Hoàng Bắc khóc như mưa như gió khi đưa tiễn chàng xuống huyệt mộ.  Còn LaiHồng lúc đó không rị mọ ra nổi một giọt trên hay giọt dưới nào. Chắc là Hoàng Bắc khóc hộ LaiHồng mất rồi.

Võ Đình là một người rất đáng yêu … trên giấy. Hồ Đình Nghiêm khen Võ Đình ký chữ đẹp nhất trong đám văn thơ hải ngoại chúng tôi. Tôi đồng ý. Và tôi phải thêm một điểm thuyết phục này,  là tất cả những người được Võ Đình tặng cho một chữ ký rồi đều … mến ổng tất. Thế mới biết nét họa nét chữ có sức thu hút đến đâu, quyến rũ đến đâu, làm mê hoặc lòng người đến đâu. Tựa như tiếng hát Trương Chi, tôi tin là Võ Đình đã dùng nét chữ, nét họa làm mê đắm những người đàn bà và những người đàn ông đến với ông. Bây giờ thời đại net, những người viết chữ đẹp, vẽ đẹp, không có chỗ để dụng võ nữa. Thiệt là uổng!

Năm 2007 đến viếng thăm Võ Đình và LaiHồng, sống với họ một tuần lễ ở căn nhà Royal Beach, bang Florida, tôi mới nghiệm ra là Võ Đình rất thành công trong mối giao tiếp quần chúng. Tuy luôn luôn chọn lối sống ẩn và tránh xa những giao thiệp cùng đám đông, nhưng liên hệ qua giấy mực của ông thành công vượt bực. Tôi khám phá ra mối liên lạc rất phồn thịnh của ông với nhiều nhà văn nhà thơ hải ngọai. Ông sống với mọi người qua nét chữ tờ thư. Ông không bao giờ dùng điện thọai. Mọi người liên hệ với ông đều đựợc ông nâng niu trìu mến trên nét bút một cách đặc biệt. Ai cũng mến ông qua những nét chữ nét họa ấy. Mối tương quan với tha nhân của ông rất sung mãn nhờ những nét họa và nét chữ của ông. Ông chẳng hề thiếu thốn điều gì, kể cả quê hương. Vì ông biết tạo ra niềm hạnh phúc, tạo ra quê hương qua tài năng nghệ thuật của ông. Đây là một đường đi khá độc đáo khi phải nói về đời sống của họa sĩ nhà văn Võ Đình.  

Tôi biết về mối liên hệ giữa hai ngườiVõ Đình và LaiHồng theo lời kể của LaiHồng. Chị LaiHồng thì hơi mạnh bạo, nên khi chị ly dị ông chồng ở Seattle, nghe chị kể là Võ Đình cũng li dị vợ. Hai người định tái hồi Kim Trọng, thì tôi ngăn cản.  Chị kể là hai người có tò te tí ngọ lúc Lai Hồng 13 tuổi và Võ Đình 15 tuổi, trước khi Võ Đình sang Paris du học. Tôi nói hai ông bà già bây giờ đều sáu bó thôi bồ bịch nhau cho vui. Chị ở một mình cho phẻ. Khi nào thích gặp nhau thì hai người hẹn hò đi chơi cho sướng. Ngủ với nhau một đêm còn sướng hơn nữa. Dọn về làm chi hầu hạ ổng mệt lắm chị ơi. LaiHồng nào có coi lời tôi nói là kí gì. Chị bán ngôi nhà thơ mộng trên đồi Seattle, dọn về Thạch Lũng Lũng Thạch với Võ Đình để chiến thắng một người đàn bà tuyệt đẹp sexy sỗ sàng khét tiếng ở vùng DC lúc bấy giờ tên Mai đã ly dị chồng về sống với Võ Đình một thời gian. Người đẹp Mai đành phải phải ra đi nhường chỗ cho LaiHồng dọn vào. Nói tóm lại là LaiHồng rất sung sướng chiến thắng những người đàn bà đẹp hơn LaiHồng, những người đàn bà cùng mê Võ Đình như LaiHồng, để dọn vào căn nhà Thạch Lũng có trái tim của Võ Đình treo lủng lẳng ngòai cửa.

Bây giờ, hơn hai mươi năm trôi qua,  nhìn lại, tôi thấy thiệt là tôi đã tào lao góp ý cho chuyện Võ Đình với LaiHồng. Nhìn lại tôi thấy LaiHồng yêu Võ Đình chết mê chết mệt. Nhìn lại tôi thấy họ sống với nhau trọn gói như bát nước đầy. Họ biết sống và họ sống cho chính họ từng phút giây. Chúng tôi, Ngọc Phụng và Lệ-Liễu đến thăm ngôi nhà của Võ Đình và LaiHồng ở Florida hai năm trước khi ông mất, mới thấy họ sống với nhau như đôi tình nhân già. LaiHồng cũng mặc quần sateng và áo hàng vải nội hóa cho Võ Đình ngắm. Bưng tô cá bống kho Huế dâng lên tận miệng chồng. Yêu lắm.  Tôi thấy LaiHồng yêu Võ Đình và hạnh phúc khi làm việc ấy. Và Võ Đình thì đi quanh trong nhà khi nào cũng … Hồng ơi, Hồng ơi như một nốt nhạc cung fa sol ngân sâu bất tử. Trần Thị LaiHồng sống theo tiếng gọi Hồng ơi, và chết theo nét họa Chim Hồng của họa sĩ Võ Đình.

LaiHồng là vợ thứ ba của Võ Đình

Trước LaiHồng, Võ Đình đã cưới hai chị em nhà Webb.

Cưới chị trước cưới em sau.

Alice Webb/Loan, chị. Võ Đình gặp người thiếu nữ gốc Ái Nhĩ Lan – Mỹ lúc Võ Đình ở Paris. Lúc đó Võ Đình tên Thiếu Dũng, nên đặt tên Việt cho Alice là Loan.  Dũng và Loan trong Đọan Tuyệt của Nhất Linh. Hai người có với nhau một con gái đặt tên Phượng Nam.

Alice Loan và Thiếu Dũng thiên di từ Paris Pháp Quốc về sống ở thành phố Hippy San Francisco Mỹ quốc năm 1960.

Một ngày đẹp trời Loan Webb bỏ Dũng Tự Lực Văn Đòan,  bỏ San Francisco đi sang xứ Ấn Độ tu Chùa.

Trước khi lên đường viễn mộng theo chàng trai to lớn gồ ghề tên là Phật ở xứ nhe răng, nàng Alice đã để lại cho cô em gái Helen một bức thư và biểu em hãy lấy chàng trai xứ Việt nghèo khổ đi.

Thúy Kiều Alice Mỹ Quốc đã diễn vở Đọan Trường Tân Thanh của Nguyễn Du với em Thúy Vân Helen nhà họ Webb ở thành phố Pennsylvania tân thời:

“Cậy em, em có chịu lời

Ngồi lên cho chị lạy, rồi sẽ thưa

Giữa đường đứt gánh tương tư

Keo loan chấp mối tơ thừa mặc em "

(trích đọan ngày xa xưa trong sách Nguyễn Du, Thúy Kiều đi làm đĩ bán mình chuộc Cha ở Trung Quốc, bèn kêu cô em Thúy Vân lấy Kim Trọng dùm)

Thế là cô em sập bẫy của người lớn.

Chàng gà trống nuôi con. "Người em làm theo lời thư chị khuyên hãy đến với chàng vì gia đình đều thương mến một người tài hoa"(theo LaiHồng).

Võ Đình cưới em Helen Web năm 1965, đặt tên là Huệ Liên.

Họ rời miền Tây dọn về miền Đông nước Mỹ từ đó. Họ có với nhau một con đặt tên Linh Giang. Helen nuôi luôn con bé mọn Phượng Nam của chị Alice bao nhiêu năm, nên sau này Helen vẫn gọi mình là có 2 con: Phượng Nam và Linh Giang.

Năm 1985 Võ Đình ly dị Helen.

Trần Thị LaiHồng kết hôn với Võ Đình năm 1994.

Giữa thời gian mười năm ấy một dạo Võ Đình sống chung với bà Mai đẹp bỏ chồng. Võ Đình khá bị mang tiếng với bạn bè ở DC về vụ này. Ông Mai Thảo là bạn cũ với hai vợ chồng người đàn bà kia, lên án Võ Đình kịch liệt. Lê Thiệp thì bênh bạn bảo tôi đừng gặp Võ Đình. Tôi gặp người đàn ông tên Duyệt chồng cũ của bà Mai ở nhà họa sĩ Ngọc Dũng và tự hỏi eo ơi ông Duyệt được qúa, sao lại bỏ ông này đi. Ôi  chuyện đàn ông đàn bà muôn thuở ai mà biết được kẻ nào mới là tác nhân gieo ra mầm mống thành tình huống kia.

Trước năm 1975, LaiHồng đã lập gia đình với nhà phê bình văn học Lê Huy Oanh ở Việt Nam, sanh được một con trai. Sau LaiHồng lấy một ông nọ ở Seattle. Cuối cùng mới về với Võ Đình.

 


Helen Huệ Liên, tranh sơn dầu Võ Đình, 1965

 

Khi được tin Anh Mai (1) qua đời, Huệ Liên Helen Webb gửi thiệp chia buồn,  nội dung như sau:

 

 

……….

Tôi cũng muốn nói là lâu nay tôi luôn hân hoan mừng Anh đã cưới bà và có nhiều năm chung sống cùng bà.  Mấy năm nay tôi vẫn sung sướng nghĩ rằng Anh đã tìm được một người phụ nữ có đầu óc nghệ sĩ, như Anh, lại là người bạn từ thuở thơ ấu, cùng chung ngôn ngữ chung văn hóa mà trước đây Anh luôn rất khao khát thiếu vắng.  Tiếc là Anh đã phải chờ đợi quá lâu để tìm lại được bà.

……..

Tôi quyết định nhớ đến Anh Mai trong cung cách  thuở tôi mới gặp, đầy nhiệt tình với cuộc sống, đầy năng lực sáng tạo hội họa.  Mới 24, Anh đã là một khuôn mặt đầy nhiệt tâm quyến rũ thu hút và gây chấn động lớn trong gia đình chúng tôi. Anh đã dạy tôi nhiều điều và cho tôi hai đứa con giống Anh trong cách khác nhau.

Xin hãy biết là chúng tôi luôn nghĩ đến bà hàng ngày.

Thân mến,

 

 


Alice và Võ Đình, Paris 1958

 


LaiHồng và Võ Đình, 1997


Chim Hồng, tranh Võ Đình

 


Nhất Hạnh, Linh Giang (cưỡi ngựa, con gái thứ của Võ Đình),
Cao Ngọc Phượng, Helen Huệ Liên, Phượng Nam (con gái đầu của Võ Đình) sau nhà Võ Đình, Brunswick 1986

 

lê thị huệ

 

(1)  Anh Mai, là cách Helen Huệ Liên gọi Võ Đình Mai, trong khi Loan/Alice gọi là Thiếu Dũng vì thời hai người gặp nhau bên Pháp, chàng mang tên Ngô Dình Thiếu Dũng cho đến năm 1959, cả gia đình lấy lại họ nguyên thủy Võ Đình, và passport qua Mỹ có tên Võ Đình Mai. (theo LaiHồng)

 

© gio-o.com 2010