Gió O hân hạnh giới thiệu số đặc biệt về truyện cực ngắn của nhà văn Võ Đình, và hai tác giả trẻ đã khởi đi từ thế giới net, Hoàng Long, và Tưởng Bình Minh.
Truyện/chuyện cực ngắn trở thành một lối sáng tác phổ thông kể từ khi Net mở đầu một kỷ nguyên mới. Với những khoảng không gian, tâm lý, và đời sống do Net mang lại, thơ và truyện/chuyện cực ngắn là hai loại hình sáng tác dường như thông dụng hơn, so với những thể loại khác, vì tính chất ngắn tính chất nhanh tính chất ngay lập tức của thế giới Net.
Một tài năng hội hoạ bậc thầy ở hải ngoại, qua lĩnh vực văn chương, hoạ sĩ nhà văn Võ Đình là tác giả có kỹ thuật viết truyện ngắn cứng vững hạng đầu đàn. Ông tự phát triển một nghệ thuật viết truyện vừa và đủ, sáng chói nhà văn Việt Nam viết truyện ngắn không thua gì Hemingway, Gabriel García Márquez ... hay bất cứ nhà văn chuyên trị truyện ngắn quốc tế nào khác.
Ngoài nhà văn Võ Đình, Gió O chỉ mời hai tác giả trẻ Hoàng Long và Tưởng Bình Minh đóng góp sáng tác cho số đặc biệt truyện cực ngắn này.
Theo dõi thể loại truyện cực ngắn trên Net, tôi vẫn thường chú ý đến Hoàng Long với các truyện cực ngắn của anh. Tôi thấy ở sáng tác của Hoàng Long những chiêm nghiệm nghiêm chỉnh và một nỗ lực bày biện cho các sáng tác của mình một thế giá lấp lánh riêng. Khi gửi những truyện cực ngắn đến cho gio-o, Hoàng Long hiện đang giảng dạy Nhật Ngữ ở một đại học Sài Gòn cho biết, anh rất thích thú định sẽ dành đam mê của mình đặc biệt cho con đường sáng tác truyện cực ngắn.
Tác giả trẻ Tưởng Bình Minh chỉ mới cho xuất hiện một số ít truyện cực ngắn trên gio-o. Tôi rất vui khi Tưởng Bình Minh nhận lời mời gửi bài cho gio-o số đặc biệt này. Đây là một tác giả mà người đọc "có thể đọc và tin" được. Để nhận được niềm tin từ độc giả, một tác giả thường cần vài điều căn bản như, trình độ hiểu biết vấn đề mà tác giả đang viết, tài năng văn chuơng hiển hiện, thêm được chút suy tư triết lý đằng sau những bản văn nữa thì ngon lành. Cùng với Nguyễn Thế Hoàng Linh, Hoàng Long và Tưởng Bình Minh, là những tác giả trẻ xuất hiện thuần trên Net, chứng tỏ có sự nghiêm túc suy tưởng, có khả năng văn chương để xê dịch những ngọn núi văn chương Tiếng Việt trước mặt, nếu họ sẽ tiếp tục chọn con đường sáng tác nghệ thuật.
Độc giả với chủ bút gần đây cùng khám phá ra hai nhà thơ mới trên gio-o. Hai tên tuổi rất mới, Trần Thiên Thị và Ngô Nhân Đước. Tuy mới xuất thơ lần đầu trên gio-o nhưng đọc thơ của Ngô Nhân Đước và Trần Thiên Thị thì đã thấy cả hai sanh ra đời để viết nên những câu thơ, rất thơ. Điều gì khiến chúng ta đọc những câu thơ và biết ngay đấy là một thi sĩ. Định mệnh của những nhà thơ nằm trong những con chữ. Những con chữ của họ thảy xuống đời, thành thơ ngay. Trễ hay sớm, cám ơn Trần Thiên Thị và Ngô Nhân Đước đã tung vào Net những bài thơ và chúng ta, độc giả, hạnh phúc chụp bắt được những nát sa thơ, rồi tận hưởng. Rất vui chào đón hai thi sĩ hiện sinh sống tại Đà Nẵng cùng gió mùa một đợt trên gio-o đầu năm 2007 này.
Cũng đặc biệt trong số này còn có bài phỏng vấn nhà văn Văn Quang dành cho gio-o.
Nhà văn Văn Quang một trong những nhà văn quân đội nổi tiếng của Miền Nam 1954-1975. Sau khi Miền Nam bị Miền Bắc Cọng Sản chiếm đoạt, ông bị đi tù một thời gian dài. Không như số đông các bạn của ông đã rời Việt Nam sang Mỹ theo diện Nhân Đạo Humanitarian Order (HO), Văn Quang chọn ở lại Sài Gòn, thủ đô cũ của Miền Nam. Những năm cuối đời, ông dọn về Lộc Ninh, một địa danh nhỏ lặng ở Long Khánh. Cũng từ đấy Văn Quang cầm bút và viết báo làm văn trở lại một cách rất vạm vỡ. Các bài viết của ông xuất hiện hàng tuần trên làng báo chí Hải Ngoại từ Hoa Kỳ, Úc Châu cho đến Bắc Âu. Trên Net, loạt bài "Lẩm Cẩm Sài Gòn Thiên Hạ Sự "của nhà văn Văn Quang xuất hiện thường xuyên trên vài diễn đàn trong đó có gio-o ở trang Ảo Ngôn.
Tính cách đặc biệt trên đã khiến ông trở thành một trong những nhân vật mà tôi nao nức muốn một cuộc phỏng vấn dày. Rất tiếc, nhà văn Văn Quang không muốn trả lời nhiều. Nên có những vấn đề tôi muốn hỏi cho đến tận cùng mà không được phép hỏi tiếp. Dù sao thì phần trả lời của nhà văn Văn Quang ở đây cũng đã là một tài liệu qúi báu cho những ai muốn tìm hiểu về đời sống của những ngòi bút Miền Nam cũ ở lại trong nước và tiếp tục cầm bút trong một tư thế phải nói là .... rất đẹp.
Đã hơn 30 năm qua, mà những mùa tháng tư về, khối người Việt Hải Ngoại vẫn còn u ám bàng hoàng về biến cố 30 tháng Tư 1975. Tháng tư năm nay, gio-o mở một trang viết cũ của nhà thơ Thi Vũ. Tôi rất hân hạnh và sung sướng gõ lại một bài viết của nhà thơ Thi Vũ. Tôi muốn gọi anh là nhà thơ Thi Vũ trước. Có một ngày nào đó tôi sẽ chào nhà đấu tranh nhân quyền Võ Văn Ái. Nhưng với tôi, những ngày Thi Vũ trông nom tờ Quê Mẹ thập niên 1980 là những tháng năm thơ mộng thơ ca tản văn tuyệt vời của Thi Vũ nhất. Nhớ ngày ấy, mỗi lúc thấy tờ Quê Mẹ là tôi ngấu nghiến mở ra trước đọc bài, sau là xem nghệ thuật trình bày chữ và tranh của Quê Mẹ. Tôi đã từng lẩm nhẩm: ông Thi Vũ này đáng lẽ nên đi làm nghệ thuật thôi thì hay quá. Ông ta là một tài năng nghệ thuật. Đúng là đời người Việt Nam đã đẩy đưa ông ta đi tranh đấu thành Võ Văn Ái. Nhưng hãy đọc đi. Một bài viết về ngôi chợ ở Paris của Thi Vũ sẽ rất sảng khoái chất trí thức quốc tế Việt Nam. Đọc sẽ thấy đời cao hơn, cao lên, và cô đơn cô độc của một trí thức Việt đến thế thì thôi. Ông Võ Văn Ái giờ này đang hệ lụy theo Nhân Quyền Quê Mẹ xất bất xang bang khắp các diễn đàn chính trị từ Âu sang Mỹ sang Á. Tôi đọc lại bài viết của ông nhân dịp Tháng Tư của Người Việt Hải Ngoại đang về. Mấy chục năm qua, nước chảy qua cầu, bao nhiêu người trẻ cũng đành đã trôi theo thời của một đời tranh đấu. Chỉ còn lại những người bạn nào đó, cùng những Thi Vũ Võ Văn Ái, vẫn bền bỉ giương cao ánh lửa riêng, một riêng 30 tháng Tư 1975. Những Tháng Tư vẫn chưa chịu nằm yên trong mộ sâu lịch sử.
lê thị huệ
chủ biên
gio-o
2007