photo: https://foursquare.com
Lê Thị Huệ
Phố Mùa
chuyện ngắn
Phố Mùa không phải là tên gọi của nó. Cái tên này do tôi chọn đặt và thường lẩm nhẩm lơ mơ một mình. Con đường trước cổng cẳng một đại học thòng xuống từ những ngọn đồi. Con đường long cong có cây không cao hơn những cửa tiệm lô nhô hai bên đường. Những vòm cây không lạc lõng, nhưng để xem..., có lẽ người dạo bộ không dư mắt để ngước nhìn những túm lá cũ kỹ đan tàn che phiến lấp mất bầu trời. Con đường khi nào cũng như trẩy hội tuổi trẻ. Sinh viên. Ma cô. Bụi đời. Hippies. Yuppies. Giáo sư. Người thường. Con nít. Người già.... Khi nào bước qua con phố này, nhìn những khuôn mặt lượn qua chốn đây, tôi cứ ngỡ như khuôn mặt mọi người thoáng lên tuổi trẻ tươi tắn bừng hồng. Tôi thấy mặt ai cũng lấp lánh... lấp lánh...
Cái gì nữa. Sách. Con phố tràn những tiệm sách. Những tiệm sách ngập đống từng dưới lên đến từng trên. Riêng cái cửa hiệu tôi thường ghé có tên gọi rất gần gũi với âm Mùa, Moe. Cửa hiệu bán sách cũ giảm giá lẫn sách mới toanh loại khó tìm ở những tiệm sách khác. Tha hồ lục. Ở lầu ba kéo ghế ngồi lục ngồi đọc mà chủ nhân đứng ở quầy tính tiền lầu một cóc có để ý ai đang làm gì. Tôi thường vào đây để lục lọi sách mới. Vô tiệm sách là mắt tôi hau háu ở những quyển sách mới trước hết
Nằm xen kẽ giữa những hàng sách, trên con phố này, mọc lên la đà những hàng nước, hàng bánh ngọt, hàng cà phê, hàng pizza... Sách với cà phê, có bánh ngọt. Thú vị thiệt. Kéo ghế ngồi nhìn đàn ông đi qua đàn bà đi lại... Hm... Hm...
Có lần hứng chí tôi gọi đường xa kể lể về con phố này cho một con bạn nghe. Con bạn từ thuở xa xưa lắm ở Sài Gòn. Bây giờ đã có chồng những bốn con ba trai một gái. Dọn đi theo chồng sang North Carolina mở tiệm ăn Tàu. Làm quần quật ngày mười hai tiếng. Con gửi học trường đạo. Chuyển từ đạo Phật sang đạo Christian cho thức thời và đúng châm ngôn "Nhập gia tùy tục". Con này yêu chồng và sợ chồng như sợ cọp. Tôi đã chọn một ngày chúa nghỉ để tả cho nó nghe qua điện thoại. Một chiều chủ nhật tôi đang rơi xuống đìu hiu trơ trụi của cái mùi trọ độc thân lâu ngày chưa thay đổi chỗ ở. Tôi buồn và muốn nói dóc lang bang qua điện thoại. Lựa một cái lúc không có chồng nó bên cạnh để tâm sự. Vậy mà nó nghe xong thì phang ngay một câu: "Chỉ có mày ngoài ba mươi. Chưa chồng chưa con. Đi làm một tuần mười lăm tiếng mới dư cả đống giờ vớ vẩn vậy. Chứ ở cái xứ Mỹ này ai đâu ở không mà lang thang sầu đời như mày"
Tôi nghe nó nói xong. Kiếm chuyện cúp điện thoại cái rụp. Sau đó tha hồ hỉ mũi và quệt mắt. Nó biết đời tôi lận đận đàn ông chớ. Con này ngày còn con gái ở Sài Gòn có một tủ sách nhiều hơn tủ sách của tôi. Những ngày ở Đà Lạt nó một cây bát phố Hòa Bình trong chiều mưa. Và còn ưa sưu tầm tiền tươi ép thẳng trong ví để rủ bồ rủ bạn đi uống cà phê. Nghe nói chồng khoá sổ vợ không cho vợ đi học và đọc sách và thường mắng tôi qua miệng vợ "Con bạn của em có đời sống không giống ai. Không chồng không con. Vớ vẩn mất thời giờ" Tôi nghe vậy dù quệt mắt và hỉ mũi đỏ hoe, xong, tôi vẫn xì nẹc lại nó: "Hm. Nói với thằng chả. Tao sống với cha Lu gần mười năm. Còn lâu hơn con Hà đám cưới bốn năm bây giờ cũng ly dị đó. Thấy không. Tao chưa có con thì mặc tao. Trứng còn nguyên chùm trong bụng khi nào đẻ lại không được. Thà nghĩ vậy đi cho đỡ đau lòng. Chứ mày thấy con Thanh Tâm bạn mình ở Việt Nam ngồi xưởng may qúa sẩy thai lên sẩy thai xuống ba bốn lần bây giờ thư từ Việt Nam viết sang nói cha Bá bỏ nó đi kiếm con khác đặng đẻ cho chả một đứa con" Tôi không ngờ lần điện thoại ấy chồng con bạn tôi nghe lén. Cả một năm sau tôi không tâm sự được với bạn. Lý do là chồng nó nói: "Thứ đàn bà con gái không chồng không con đó mở miệng ra là thằng chả thằng chả là ở ế suốt đời"
Trước khi chia tay ở ngã tư trước nha băng Bank Of America, hai đứa mở ví. Tôi dành phần tiền nhiều hơn và nói: "Để em giữ cho. Chút tối qua cầu San Fran ăn cơm Tàu" Hai đứa chia tay và hẹn gặp lại nhau lúc sáu giờ chiều. Chàng khoái sách cũ. Mê mẩn lục sách cũ cho cái tủ sách sưu tầm chính trị ba nước Việt Miên Lèo. Còn tôi tuy yêu sách mới nhưng yêu rất nhiều mà mua thì chả bao nhiêu. Nên nơi chúng tôi chung chỗ ở với nhau vẫn hâm hẩm một mùi cũ kỹ thân mến của những kệ sách nghều nghệu của chàng. Mà một đôi khi nằm kềnh chân giữa chúng, tôi tự hỏi đâu là bóng hình của tôi trong mảnh đời chia đôi này.
Tôi lẩn thẩn đi dọc theo con phố. Trời vừa sang thu vàng. Đáng lẽ Phố Mùa còn vương vãi rất nhiều nắng hè. Gió lộng từ vịnh biển kéo về vất những chùm sương lạnh chướng mùa vào da thịt. Tôi không tiên đóan được thời tiết nên chỉ mặc phong phanh áo ngắn tay và váy mành mành. Vừa đi vừa phải giữ ngực giữ tóc giữ váy cho khỏi tung lên trời. Ngắm người và ngắm những cụm bông tai bày trên những phiến gỗ của những tay tay nghệ sĩ bán hàng dạo dọc đường. Nội mấy cái món trang điểm đàn bà con gái, tôi thích nhất bông tai. Cái hòm bông tai của tôi toàn đồ dổm. Không có đôi bông tai nào vàng ròng hai mươi bốn cà rá. Không kim cương. Tôi không bao giờ hảo kim cương. Tôi ngụy biện vì nó đồng nghĩa với Văn Minh Thời Đồng Đá. Đàn bà ngây thơ hoa mắt bị dụ khị còn đàn ông "cùng trí" chỉ nghĩ đến được rằng trên cõi đời này hòn đá vốn qúy nhất. Có lần nhìn cả trăm đôi bông tai lổn ngổn trên mặt bàn son phấn, tôi buồn cười thầm hãnh diện ngầm là liệu những đôi bông tai xinh đẹp này có phải là vuông lụa ngà tôn trang cái giác quan khoẻ khoắn hơn người của tôi: thính giác. Tôi vẫn thường kiêu hãnh là tai tôi có thể nghe những âm thanh xa lạ nhất. Nghe được cả những tiếng động tinh vi nhất trong lúc thức lẫn khi ngủ.
Mua một đôi bông tai có cái mỏ con chim phượng hoàng màu đá vàng và màu xanh đại dương xong. Tôi chui vào tiệm sách gần đấy. Đi xem sách báo chùa trước đã.
Tờ báo tôi mở ra đầu tiên là một tờ báo lá cải đàn bà. Thấy cái câu mở đầu một bài báo: "Khi Người Đàn Bà Bước Vào Tuổi Bốn Mươi: Người đàn bà bước vào tuổi bốn mươi mạnh mẽ như một con bò mộng..." Khiếp! Con mụ này tuyên bố câu đầu nghe ê cả răng.
Tôi gập tờ báo lại. Để đi xem mấy quyển tranh chút chơi. Lâu qúa rồi chưa xem tranh. Chiều hôm qua, trong buổi họp đồng nghiệp, một người bạn vừa khoe nhỏ vào tai tôi. Biết không. Mùa hè năm nay tôi làm một việc rất thích thú. Cái gì vậy, tôi tò mò hỏi. Bà này gốc người Brazil, đã ngoài năm mươi. Có một cái condo đầu cầu Lake Tahoe Cali để trượt tuyết đông và một căn nhà nhỏ cuối bãi San Diego để phơi nắng hè. Mà lại là một giáo sư hội họa. Cũng thuộc trường phải chủ trương làm việc part time như tôi. Tôi phục bà ta là tay chịu chơi nên hay hỏi chuyện và bà ta cũng khoái kể cho tôi nghe những chuyện hấp dẫn. Biết không, thần tượng của tôi nói, tôi đã làm một chuyến đi Chicago xem triễn lãm tranh của Georgia OKeffe. Geogria Okeffe! Có cái ông họa sĩ Võ Đình đã đặt một cái tên gọi bất hủ: hoàng thái hậu của hội họa Hoa Kỳ.
Tôi bổ ngửa người ra sau ghế. Trố mắt nhìn ba ta và kêu lên những tiếng kêu bái phục. Tranh. Tranh. Ôi những bức tranh ướt đẫm tuổi thanh xuân của tôi. Người tôi yêu hồi đó là một họa sĩ nghèo. Ngày đó chàng vẽ tôi ngấu nghiến. Vẽ tôi ngộp thở. Vẽ tồi chồng một đống ngồn ngộn từ sàn nhà lên đến trần nhà trọ.
Mãi sau này khi xa chàng đã nhiều năm tôi mới thấm thía mấy chữ "Người Yêu Tôi" và "Người Tôi Yêu". Nhưng ngày đó tôi đã làm những gì cho chàng biết tôi yêu chàng? Không làm gì cả. Cả đến một cây cọ bút lông. Còn nhớ ngày đầu tiên nghe chàng mớm vào trong đầu những cánh cửa hội họa. Tôi lang thang ra phố. Đứng tần ngần suốt buổi chiều ở một cửa hiệu tạp hóa bán đồ dụng cụ sách báo vẽ vời. Yêu chàng lắm. Muốn mua cho chàng một hộp than mầu xanh đỏ tím vàng hết sức. Nhưng mà thôi! Con gái khôngnên tỏ tình. Nên ngoan ngoãn để cho con trai tấn công trước. Suốt một mùa yêu đương quấn quýt bên nhau tôi chưa bao giờ nói em thương anh em nhớ anh. Vì nghĩ phải giấu kín trong lòng phải để kín kín hở hở vậy mới bí mật đời con gái.
Sau này khi đã vĩnh viễn mất nhau rồi tôi mới đau đớn nhận ra rằng ngày đó tôi xa chàng chỉ vì mấy cái miệng thổi gió của đám bạn bè bị đầu độc bởi thành kiến. Thằng chả là con yêu râu xanh. Mày mê thằng chả chứ thằng chả đã kề vai một hai mối tình với những người con gái xinh đẹp đàn chị mày ai cũng biết. Tôi đá chàng một cái bưng và đi kiếm bồ mới. Vì tự ái không bao giờ chịu làm kẻ đến sau. Chỉ muốn đóng vai thần tượng làm tình đầu muôn thuở khó quên như truyền tụng.
Bỏ thì dễ nhưng quên thì không dễ. Vừa xa chàng chưa được bao nhiêu thì tháng tư 1975 xảy đến. Tôi xô tôi dạt sang đến Hoa Kỳ. Những ngày tháng đầu tiên trên phố San Francisco lồng lộng gió tôi lẩn thẩn trong những tiệm tranh. Tôi ứa nước mắt khi nhìn ngắm những tấm tranh in lại to lớn của những tác giả mà chàng yêu mến. Một lần nhìn thấy tận mắt những bức tranh vĩ đại trong bảo tàng viện Nữu Ước tâm hồn tôi bật lên vì nhớ chàng. Tôi đứng giữa những tam cấp trước Metropolitan Museum mà lòng tả tơi như những tà hoa hồng héo rơi rụng trước gió. Tôi ước gì có thể chạy bay ra bưu điện đánh cho chàng một điện tín: "Ôi anh! Em cần sự có mặt của anh trong đời sống em biết là dường nào"
Khi vừa bước lên lầu hai của tiệm sách mắt tôi chớp chớp mấy vòng. "Người đâu gặp gỡ làm chi". Khuôn mặt này tôi đã gặp rồi. Làm sao mà quên được cơ chứ. Người đâu mà giống qúa đi thôi. Mặt ngựa gẫy. Chảy chảy. Mắt một mí sập. Tôi vẫn thường thích nhìn những người đàn ông mắt một mí sập kể từ ngày biết yêu chàng. Cái miệng khép kín. Lúc cười thì cả khuôn mặt rạng rỡ nhưng lúc nghiêm trang thì hơi nghiêm trang qúa. Còn hàng ria mép non phơn phớt. Giống hồi đó qúa. Áo quần cũng lơ phơ cũ kỹ nhưng có vẻ trau chuốt diện ngầm. Cái giáng cũng giống. Đến mái tóc thì giống như tạc làm tôi cũng ngạc nhiên. Tóc đó là phải biết. Tự mình chỉ kiểu cho người ta cắt chứ không phải lật sách ra chỉ và lại càng không phải kiểu nào cũng được đâu. Chẳng có gì đặc biệt nhưng trông rất hợp với khuôn mặt mà lại mang vẻ biết sáng tạo ngay cả trên mái tóc nữa|.
Tôi đang nói về tên con trai đang đứng ở quầy hàng kia kìa. Gặp gỡ cứ như tiểu thuyết giả tưởng. Gặp chàng tuổi trẻ này lần đầu tiên trong văn phòng tôi. Sinh viên vào gặp giáo sư nhờ giúp ý kiến chọn lớp học. Người Campuchea. Mười tám tuổi. Vừa trung học lên. Mười tám với hăm hai râu mép râu măng ở miệng trông cũng vậy thôi. Chàng tuổi trẻ ngập ngừng nghiêm chỉnh nhưng hỏi câu nào ra câu đó.
Lần thứ hai tìm gặp tôi hỏi vài điều lệ về thủ tục xin tiền trợ cấp dành cho sinh viên nghèo. Tôi hỏi ít vì mãi ngắm. Cái dáng dấp gợi đầy nhớ nhung chàng họa sĩ của tôi. Mười năm đã xa cách. Chiến cuộc đẩy chúng tôi mỗi người một ngả. Tôi ham lên tàu đi tránh Cọng Sản. Chàng ở lại cùng xứ sở xa xôi. Mỹ Việt cọng sản và khôngcọng sản cấm liên lạc giao thông ngăn trở nghìn trùng xa cách. Biết bao giờ tôi mới gặp lại chàng để bày tỏ lời yêu ngày nào tôi đã không nói
Một hai lần sau đó tôi có gặp lại chàng tuổi trẻ này
Một buổi chiều mùa đông tôi từ trường dạy đi ra bãi đậu xe. Thấy dưới tàn cây cạnh cái hồ thả vịt sạch sẽ mơ mộng trong trường có hai anh chị đang đứng mùi mẫn nhìn trời nhìn đất. Té ra cái anh chàng tuổi trẻ này tán được con bé học trò xinh như mơ ấy ư? Con bé Việt Nam cũng vừa trung học lên. Có khuôn mặt trái xoan. Nụ cười tươi rói. Cặp mắt trong sáng thông minh và ướt mi. Ăn nói duyên dáng. Thỉnh thoảng vào gặp tôi mà tôi cũng phải thầm ngắm con bé có nhan sắc bắt mắt ấy.
Vậy là hắn ta cũng biết lượm con gái ngon đấy chứ nhỉ. Tôi không ngăn được tò mò về đôi tình nhân ấy. Lần sau tôi đã thấy hai anh chị nắm tay nhau dung dăng dung dẻ trên sân cỏ ngang bãi đậu xe. Tôi đi phía sau họ và ngắm theo đôi tình nhân lòng chợt ngân lên những điệu sầu tình nào đó. Tôi đã cáo bệnh và lái xe lang thang trong thành phố rồi sáng tác một bài thơ
Lãng đãng trong tôi cặp tình nhân ấy. Thật là khó quên. Và bỗng nhiên hôm nay tôi chạm mặt người tình ở đây
Tôi đến bên cạnh dở quyển tranh Nhật Bản ra xem
Chàng tuổi trẻ quay sang nhìn tôi. Một giây ngượng ngập và rồi chào tôi. Tôi làm ra vẻ ngỡ ngàng và chào lại. Cô là giáo sư trường Valley phải không. Ừ. Tôi nhớ có gặp em rồi. Vâng hồi đó tôi có vào gặp cô mấy lần. À à vậy hả. Bây giờ em đang làm gì. Cười cười. Đang đi học. Học gì. Học kiến trúc. À há. Tôi mỉm cười và thầm nghĩ. Đóan có sai đâu. Người thế này tránh sao không dính đến Art được. Tôi nhìn quyển tranh hắn đang dở xem. Em thích tranh của ông không. Thích chứ. Tôi cũng thích lắm. Tôi nói.
Nghĩ thầm trong bụng. Chết cha! Sao lại có sự đụng độ thế này nữa đây. Tôi mê tranh của cha này lắm. Mê vì những lý do riêng tư chứ chả phải sành điệu gì về hội hoạ. Những tấm hình con gái ôm sách đọc sau khi tắm xong. Chỉ chiếc khăn choàng qua cổ, duỗi người dài ra. Sao giống tôi thế. Những giấc ngủ trưa mùa hè một mình. Thức dậy đi t¡m một cái rồi có nguyên cả một buổi chiều đọc sách và hong nắng tấm thân hình hơi con nít của mình mà không bị ai nhìn thấy. Đời thoải mái vô cùng
Tôi nhìn sang những tấm hình của Balthus mà hắn tiếp tục mở tới. Cô giống một người bạn cũ của tôi. Vậy hả. Chàng tuổi trẻ bắt đầu nhìn qua tôi và nói nhiều hơn là ngó trong trang sách. Hắn có vẻ mạnh mồm gợi đủ thứ chuyện. Bạn hay bồ. Tôi buột miệng hỏi. Nụ cười hơi nóng bỏng toả ra trên khuôn mặt hơi cuống quýt. Trời ơi sao giống qúa đi thôi
Một người bạn và là một người con gái. Hắn nói nhanh. Họ gọi là girlfriend. Tôi giữ nụ cười xã giao đã khổ sở luyện tập để xử dụng những khi cần thiết. Tiếng Anh tiện ghê nhỉ. Tôi nói. Tôi có mấy tấm tranh vẽ về cô ta. Chàng tuổi trẻ nói. Nếu cô trông thấy cô sẽ thấy rất giống cô. Nhất là khuôn mặt và mái tóc.
Tiếp theo đó là những mẫu đối thoại xảy ra giữa những quyển tranh. Cô thích tranh này không. Có. Không. Không có. Ừ bức này cổ điển. Họa sĩ này macho man qúa. Tôi nói về một ông họa sĩ lừng danh của trường phái lập thể. Tiêu thụ nhiều đàn bà qúa là tôi không ưa. Cười nhìn tôi tinh nghịch và nói. Ông ta là đàn ông gốc Spanish. Thì sao. Tôi nhìn qua và nói
Kết qủa:
- Cô có giờ rảnh đi qua cái quán cà phê bên kia không
Bạo ghê há. Tôi ngập ngừng hơi đỏ mặt nhìn xuống. Chưa tìm được câu trả lời
- Cô lập gia đình chưa
- Có thể nói có. Có thể nói chưa
- Tôi không hiểu
- Không cần hiểu
Khi cùng bước xuống cầu thang. Tôi cắp theo quyển tranh của Balthus. Cô sẽ mua quyển này à. Yup. Tôi kênh mặt mỉm cười và trả lời
Vậy mà cũng còn rán đứng xớ rớ chờ ở quầy tính tiền. Tôi vét sạch sành sanh luôn cả tiền ăn cơm Tàu bên cầu San Fran ra trả quyển tranh
Khi ra bên ngoài cửa tiệm. Tôi bước gấp vài bước trước. Rồi dừng lại. Đứng nghiêng người tựa vào mặt kiếng cửa sổ. Gió về chiều khoẻ mạnh thổi tốc cả váy và tóc tôi rối tơi bời. Lấn cấn mở quyển tranh đầy những đường màu mà tôi yêu mến. Ký một cái tên to tổ bố. Rồi bỏ trở lại vào bao ni lông của tiệm sách
Tôi trao cho chàng tuổi trẻ và nói:
- You can have this
Mỉm cười nhìn tôi. Và cuối cùng nói:
- Thanh you
Tôi vẫy tay về phía trước và nói:
- Thôi đi đi. Tôi muốn trở vào tiệm sách một mình
Tôi vào lại tiệm sách. Khuôn mặt nóng ran ran như thể đang lên cơn sốt đầu mùa cúm hạ. Tôi mượn cái chìa khóa phòng vệ sinh ở quầy. Cái phòng vệ sinh nam nữ xài chung. Có riêng cái bồn làm chuyện tê của đàn ông. Việc rất ít khi xảy ra ở xứ Mỹ nơi mà đàn ông và đàn bà thường đi vào hai phòng khác nhau
Tôi nhìn khuôn mặt mình trong mảnh kiếng nhỏ treo trên tường. Mẹ cha! Thằng nhỏ làm mình chới với
Tôi ngồi xuống cái bệ cầu. Duỗi chân thoải mái dưỡng đôi giầy cao gót. Bỗng dưng nước mắt tôi ứ ra vài giọt. Rồi chúng lắp thành giòng. Lòng se sắt nhớ đến một cảm giác năm mười tám tuổi.
Trí nhớ kỳ dị. Nhớ nhung một hình bóng cũ có thể làm cho tâm hồn như nốt nhạc trầm trùng cung điệu phút giây. Nhưng một cảm giác cũ bất chợt dựng cổ ngóc đầu dậy từ một xó xỉnh nào đó của tâm hồn thì đúng là y tràn lan lụt lội lục phủ ngũ tạng trong chớp mắt. Nỗi buồn bã chiều nào cạnh chàng họa sĩ như cơn ợ tê buốt dâng ngập hồ lệ đã giấu kín theo năm tháng. Còn nhớ một buổi chiều chàng họa sĩ đón tôi ở phi trường sau ba tháng hè hội ngộ. Chàng hỏi tôi: Em có nhớ anh không. Tôi lóc ngóc đầu sau vai chàng: Không. Tôi đáp thành thật. Nghỉ hè đi chơi biển vui qúa. Đâu còn thời giờ nhớ ai
Gío bay và chiếc xe gắn máy của chàng bỗng rú ga nhanh hơn cũng như muốn bay vù qua đèo Liên Khàng. Tôi mất hồn túm chặt eo áo chàng. Sau đó đi dạo bộ ngoài khu Hòa Bình khuôn mặt mỗi đứa lạnh như một pho tượng. Khi ngồi cạnh nhau trong qúan cà phê quen thuộc chàng nhấp một ngụm cà phê và hỏi tôi: Em có bao giờ "say" chưa. Tôi vô tư trả lời: Chưa
Phải gần đến mười mấy năm sau. Đứa con gái nay đã trở thành người đàn bà nghề nghiệp ba mươi mấy tuổi. Có nguyên cả một Women Lib của nước Mỹ theo sau lưng hộ tống. Mới đủ can đảm giãi bày một cơn "say" tình cảm nhẹ. Ôi những men say tình ái thoáng hiện trong tâm hồn nào dễ gì đến dễ gì đi. Hạnh phúc biết bao khi ta chụp ngay được và có thể phô diễn ra trọn vẹn cảm giác ấy, trong giây phút đó, dù chỉ là một thoáng khắc.
Ước gì tôi có thể nói được với chàng họa sĩ một câu: Em nhớ anh nhiều lắm
Nhưng tôi không thể nói được một điều gì nữa. Bởi vì chàng họa sĩ đã chết rồi. Tự tử chết ở Đà Lạt sau cuộc chiến thắng 30 tháng 4 năm 1975 của Đảng Cọng Sản Việt Nam Vinh Quang. Độ hai năm.
Lê Thị Huệ
1988