Lê Thị Huệ
Thơ Cao Đông Khánh,
Điều Sảng Khóai Của Vô Nghĩa Chữ
Tập thơ của Cao Đông Khánh, Lửa Đốt Ngoài Giới Hạn, có thể được tề thiên ra là Tế Chữ Ngoài Giới Hạn.
Một cõi thơ ngoài giới hạn Việt Nam. Thơ Cao Đông Khánh xuất phát từ những địa danh Houston, Santa Anna. Thơ nói về Frisco, Orange County, El Paso, Paris, Newyork, Dallas, Mã Lai, Kwantan... Nói theo ngôn từ của Mai Thảo, "bàn viết lữ thứ" của Cao Đông Khánh là bàn viết ở ngoài quốc gia Việt Nam. Trọn gói thơ Cao Đông Khánh cao điểm là bài Di Tản America gồm 60 phân khúc
Thơ ngồn ngộn Nam Kỳ di tản. Thơ tiếng Nam. Hơi hướm Nam Kỳ hào sảng là -dặc điểm của thơ Cao Đông Khánh. Có một dạo, Cao Đông Khánh rất ngưỡng mộ một tên tuổi thi sĩ Miền Nam, đó là Tô Thùy Yên. Nhưng khác với Tô Thùy Yên, người Nam làm thơ âm Bắc; Cao Đông Khánh là thi sĩ Sài Gòn ôm lấy hơi thở và tiếng nói Sài Gòn Chợ Lớn để thổ huyết ra rặt một giọng thơ Nam Kỳ Lục Tỉnh vui sống.
Một bàn thờ chữ bay lượn tế múa ngào ngạt trước nàng thơ. Cái bắt đầu là say men thơ. Cái ở giữa là muốn làm thơ. Và cái sau cùng là tìm chữ thơ. Đó là những bậc tam cấp thường tình để một tác giả có thể hoàn tất một bài thơ. Với Cao Đông Khánh thì hình như cả ba chụm lại thành hòn núi thơ. Cao Đông Khánh là người say men thơ, làm thơ được, mà lại là người rất trù phú chữ Miền Nam.
Nhưng trù phú chữ chưa hẳn đã kèm theo sự cần thiết nghĩa. Thơ Cao Đông Khánh có tính thặng dư chữ, nhiều chữ qúa. Mà nghĩa thì chả bao nhiêu. Chữ tràn ra ào ào như chen vai thích cánh tìm chỗ đứng trong những nghĩa thơ đôi khi nghiêm chỉnh đôi khi không nghiêm chỉnh. Đọc thơ Cao Đông Khánh có một thú vui ngắm chữ lên đồng. Cứ như thấy ông thầy tế Cao Đồng Khánh thò tay vào giỏ bốc từng nắm chữ vất lên không trung, xoè thành những quân bài ba lá hấp dẫn người đọc chơi. Chữ đẹp, chữ hay, chữ thơ, chữ thừa, chữ dư, chữ màu, chữ lung tung, chữ vô nghĩa, chữ có nghĩa. Thế giới chữ của Cao Đông Khánh mà chỉ một mình Cao Đông Khánh có được. Và cái mà Cao Đông Khánh có được chính là cái tài làm cho người đọc vui xem ngụm chữ mà nhà thơ nhồi nhét vào thơ để làm cảnh cho thơ hơn là chính thơ cần những chữ ấy. Có thể nói là chữ nổi bật trong thơ Cao Đồng Khánh là chữ vô nghĩa. Và cái hay của thơ Cao Đồng Khánh là ở phần thặng dư những chữ vô nghĩa ấy.
Mà thật sự nghĩa có cần thiết trong trường hợp thơ Cao Đông Khánh chăng? Hay toàn bộ thơ Cao Đông Khánh chính là cái thú vị mà sự vô nghĩa của chữ mang đến. Một thứ sảng khoái ở phần vô nghĩa mà ngôn ngữ cất tiếng đệm bè, pha thêm màu đậm nhạt, bỏ thêm mùi mặn ngọt, hoa lá cành sến siếc cho nhừng ý nghĩa mà thơ khởi sự muốn truyền đạt .
Sàigòn
Phú Nhuận nhớ không nổi
có ngả nào qua khám Chí Hoà
hỏi thăm quên mất tên thằng bạn
như lá trên rừng đang chuyển mưa
trận mây đồng phục nặng như thép
ửng chút đời xưa rạng chỗ ngồi
Ba câu thơ cuối vô nghĩa nhưng chúng làm cho nguyên cả đoạn thơ trên thành rừng lá chữ bốc men thơ. Khiến người đọc đọc lên thì thấy phì nhiêu nỗi thống khoái của ngôn ngữ . Vậy thôi.
Cao Đông Khánh còn có khả năng truyền đạt cái kinh khoái của phát âm thơ đến một số ít người may mắn được nghe Cao Đông Khánh đọc thơ anh . Bộ môn thơ là bộ môn cần giọng nói bổ túc nhất. Người ta chỉ cần đọc bằng con mắt một truyện ngắn để thưởng thức tác phẩm đó . Nhưng một bài thơ hay có thể được chấp cánh bởi sự phổ tiếng hoặc phổ nhạc . Cao Đông Khánh là một trong số ít người đọc thơ anh rất tuyệt . Phải nghe Cao Đông Khánh đọc thơ anh mới thấy được cái hào sảng của giọng Nam thoát ra từ cái cuống họng trù phú vọng cổ Nam Kỳ .
Ở cái phương diện kia. Nghĩa lý trong thơ Cao Đông Khánh lại là thứ nghĩa lý cực kỳ tầm vóc và nghiêm nghị .
Thơ Cao Đông Khánh ghi nhận lại lịch sử của đám người Việt tại sao có mặt ngoài thế giới 1975. Cao Đông Khánh nói tiếng nói rất to về đám người lưu vong Việt Nam hải ngoại với cái mốc Miền Nam di tản 1975 . Cái ước muốn nghiêm chỉnh của thơ Cao Đông Khánh tuy bị lấn át bởi cái vô nghĩa của chữ Cao Đông Khánh, nhưng không vì thế mà cái ước muốn đó không được hiển thị . Xét về điểm này không thôi, thơ Cao Đông Khánh mang theo được một giá trị lịch sử của người Việt tỵ nạn ra ngoài thế giới năm 1975. Một thành tích của Cao Đông Khánh: anh là nhà thơ Việt Nam sáng tác về đề tài tỵ nạn, di tản, lưu vong. . . đồ sộ nhất. Không chỉ một bài đọc được, mà là dăm bảy bài đọc được.
Nhưng anh là thi sĩ vụng dại như các chân thi sĩ khác. Anh đã không băng đảng lôi kéo dụ khị độc giả như những tác giả ma nớp khác, nên thơ anh đã hầu như bị những người đọc Việt Nam đồng thời bỏ rơi . Hi vọng rồi ra, những người biết đọc thơ Cao Đông Khánh sẽ khám phá và thú vị với những giá trị mà thơ của anh đã đạt đạo thơ: thơ là một nỗ lực nghiêm chỉnh trong khi chơi chữ.
Cao
Đông Khánh sanh năm 1941 tại Gia Định, Việt Nam .
Qua đời tại Houston, Hoa Kỳ 2000 .
Tác phẩm đã xuất bản: Lịch Sử Tình Yêu, Thơ, Nhân Chứng 1981 , Lửa
Đốt Ngoài Giới Hạn, Thơ, tác giả xuất bản, 1996
Lê
Thị Huệ ©
gio-o.com