tranh: lê Nghĩa Quang Tuấn



Lê Nghĩa Quang Tuấn

Sài Gòn của 1982


...

luồn theo dãy thông hào, hai đứa tôi chạy một mạch ra tới xa lộ. rồi H. lấy xe quay ngay trở lại Phước Tĩnh, không kịp cho tôi biết lý do. còn tôi đón xe đò theo xa lộ một mình lên Sài Gòn.

chuyến xe đò chật ứ người. ngang cái ổ gà đầu tiên, xe bị dộng mạnh, hất tôi té chúi nhũi vào bình than khí đốt bên cạnh. làm cháy cả cánh tay.


1.

Sài Gòn, thành phố có cái tên tới hai chữ vô nghĩa. còn tệ hơn cả Huế.

thành phố có cái tên cũng không biết giữ.

xe đưa tôi lại nhà chị L. ngôi nhà nằm trong cái hẻm nhỏ bên Thị Nghè. nhỏ như cái lổ mũi. khó khăn mỗi khi leo lên leo xuống căn gác. chị L. đêm đêm đem đàn ra hát cho tôi nghe. một ngày có hai thằng công an phường xã đi ngang, dừng lại. dòm dòm. chị L. hát nhỏ lại dần. rồi dẹp luôn. xách đàn đi vô. cả gia đình chị không nói, nhưng được một tuần sau thì tôi tự động mò sang bên Ngã Ba Ông Tạ. trời chạng vạng, đêm sắp rơi, con đường tôi đạp từ nhà thờ Đức Bà thẳng về Thị Nghè đen thui, không một ánh đèn, chỉ thỉnh thoảng hai bên hiên nhà người ta đốt lên những chiếc đèn dầu con con, leo lét cháy như đón mời ma quỷ. Sài Gòn bị cắt điện. thủ đô thật sự đã bị giết chết.

khi tôi nói tôi sẽ đi, chị L. cho tôi mượn chiếc xe đạp, nói khi nào mọi chuyện bình an em đem xe lại trả cho chị cũng được. tôi cúi đầu cảm ơn, rồi mình không dắc chiếc xe ra ngõ.

tôi chưa bao giờ có dịp quay lại Thị Nghè, trả chiếc xe lại cho chị. biết giờ chị đã qua định cư bên Canada, nhưng vẫn thấy bức rức, chưa liên lạc lại vì không biết trả ơn chị làm sao.

tôi ngồi im phía bên góc đường, ngồi nhìn mấy bà bán hàng chợ đen trong một con đường nhỏ nằm bên rìa chợ Bến Thành. họ giành nhau la ó còn dữ hơn mấy bà ở vựa cá Phước Tĩnh. ai đó la lên, một thằng công an áo xanh đi tới, cả nhóm tản ra, tản như tờ-an-tan-hỏi-tản, mọi người giả bộ như không có chuyện chi xảy ra. thằng công an vừa đi, người ta lại nhóm tụm trở lại. ồn ào náo nhiệt hẳn lên. Sài Gòn, quá sức dữ tợn và quá hấp dẫn.

có người nhắn tin P. tìm đường lên thăm. hai đứa hẹn nhau đi coi phim. cả cái rạp chỉ có hai đứa tôi, vừa coi vừa thút thít khóc. tựa đề cuốn phim là "Người Đàn Bà Bên Kia Vĩ Tuyến". chuyện phim về một chị bộ đội cái bỏ miền bắc vượt sông Bến Hải vô miền nam để đánh Mỹ, bỏ lại người yêu bên kia vĩ tuyến. nhảm nhí và đầy mùi vị tuyên truyền cho chế độ, có lẽ vì vậy nên cả Sài Gòn tẩy chay, chả ai thèm đi coi. chỉ có hai thằng ngố từ dưới biển chui lên như hai thằng tôi mới chui vào. vậy mà còn cảm động đến chảy cả nước mắt. nhưng đúng là tại người nữ diễn viên chính đóng quá xuất sắc, đóng phim ăn đứt luôn cả ba cô Thẩm Thúy Hằng, Kiều Chinh và Thanh Nga cọng lại. coi phim xong hai đứa cúi gầm mặt đi ra. hình như nó cũng thấy một chút gì xấu hổ như tôi. bên ngoài, Sài Gòn nắng thiệt là chói.

P. trở lại nhà người thầy dạy vĩ cầm cũ của nó. tôi đưa nó lại, nhưng tới trước nhà thì tôi không vào. nó hỏi tại sao. tôi chỉ nói là tôi đang trốn, gặp người ta không tiện. nhưng thực lòng thì tôi không muốn gặp cái lão già dạy dương cầm vĩ cầm kiêu ngạo phách lối đấy. lão già cha L. rước về Phước Tĩnh để dạy cho lũ dân quê học làm sang, lão già mị dân mị chúa.

lão dụ thằng P., vì thấy nó mê đàn hát, làm bố mẹ thằng nhỏ dốc hết bao nhiêu là tiền bạc vào họng lão, gởi luôn thằng con lên Sài Gòn ở trọ nhà lão để học tiếp. chỉ vì bố mẹ của P. giàu nhất xã. Sài Gòn chắc cũng còn có lắm ông già như lão giáo sư dương cầm đó. tôi nhìn P. khom người chui vô nhà lão mà thấy áy náy. nó hiền, đẹp trai, lại dễ chảy nước mắt. không biết Sài Gòn có ai coi chừng nó dùm tôi. cái lão cà chớn!


2.

Sài Gòn có Thảo Cầm Viên!

tôi lái xe đạp lại, đứng trước chổ mua vé có chừng cả buổi chiều, chỉ để học coi người ta mua vé là sao. phải ngày hôm sau, tôi mới dám quay trở lại. tôi là người đứng xếp hàng sớm nhất. mất hai ngày chỉ vì muốn đi coi thú vật.

đi lang thang cả ngày trong sở thú của thành phố chắc có nhiều quái vật nhất Việt Nam, tôi không thấy cái chi hấp dẫn, chỉ nhớ nhất là một người đàn bà mặt mày nát như tương, thịt da chảy che cái dung nhan đã bị tàn phá tan nát. bà đeo một tấm giấy bằng cạc tông trước ngực, viết mấy chữ : "Tôi là ca sĩ Cẩm Nhung, bị tạt át xít vì tình yêu năm nào." người ta vừa xúm lại vừa chỉ chỏ vào bà, vừa rỉ vào tai nhau, thích thú còn hơn lúc coi mấy con thú trong chuồng. tôi ái ngại, không dám đứng nhìn lâu. sau đó thì tôi chỉ đi vòng vòng, và chỉ dám nhìn lên trên mấy tàn cây thật cao thật rậm và thật mát khắp khu vườn.

rồi tôi lại quay lại khu chợ đen. Sài Gòn không có gì hấp dẫn bằng mấy chỗ chợ đen. mà sao lại gọi là chợ đen? trong khi buôn lậu ngay giữa ban ngày, lại chọn những chỗ đông đảo ồn áo nhất. đúng là Sài Gòn không biết sợ.

tôi nhớ ai đó đã nói muốn mua sách cũ thời Ngụy thì phải qua đường Trần Hưng Đạo. tôi lái xe mất hai ba ngày, lạc tùm lum cuối cùng thì tìm ra. sách vất từng đống. tôi ngồi bới lên như bới cá. chỉ tìm nhưng không mua; vì túi không tiền. nhưng cứ như say vì cái mùi giấy cũ cũ và những cái bìa gợi nhớ một cái gì quá thân thương đã mất. tôi muốn tìm lại Mơ Thành Người Quang Trung, Thằng Côn, Bồn Lừa. tìm những cuốn sách Tuổi Hoa Đỏ. tìm Thủy Hử, tìm Tam Quốc Chí. tìm Khung Cửa Hẹp... và tôi thấy lại hầu như tất cả. người bán sách ngồi tựa người vào gốc cây, thanh thản nhìn tôi. mặt gã lạnh lùng, không biểu lộ một chút cảm xúc nào; nhưng tôi cũng chẳng quan tâm. và khi đứng dậy, tôi bỗng thấy Sài Gòn chợt đẹp lên. tôi lái xe lại cái bùng binh mà khi xưa người ta gọi là Quách Thị Trang, nghe nói là cô này hình như đã tự thiêu hay bị bắn chết tại đây vì biểu tình chống chiến tranh. tôi ngồi ngó thiên hạ, náo động ồn ào như cứ như có một chuyện chi thật trọng đại đang xảy ra, quá trọng đại nên tôi thấy rất an tâm để ngồi yên chiêm ngưỡng thành phố, biết không ai thèm để ý tới chuyện mới có thêm một thằng làm cư dân bất hợp pháp trong thành phố này.


3.

rồi tôi tìm sang xin ở thêm bên nhà mẹ anh TH.

mẹ anh TH., người đàn bà cao to vĩ đại. nữ tướng Sài Gòn. vợ trung tá sĩ quan chế độ cũ bị đày và chết ngoài bắc, con gái lớn tự tử khi Cọng Sản tràn vô, mấy đứa sau trước toàn là học sinh xuất sắc của thành phố, giờ không biết có được chút tương lai. nhưng mấy ngày ở trong nhà của bà tôi có cảm giác như bà một mình sẽ vực cả thành phố này dậy, sẽ bảo vệ cái cần thiết, và sẽ húc mạnh để cả thành phố vươn lên khi lấy lại được cơ hội. Sài Gòn và tôi trong tay bà như tới được một vụng vịnh an toàn nhất, hiếm và quý hơn cả Cam Ranh.

nhưng chỉ được một thời gian thì mọi người cho biết tôi phải lên Long Khánh, để làm rẫy với mấy đứa cháu con anh T.. và để tiếp tục trốn.


4.

lúc ngồi đợi ở bến xe đò, tôi nhìn người ta chạy quanh la ó ồn ào, chụp giựt chưởi la nhau túi bụi. tôi thấy Sài Gòn cũng vẫn cứ hấp dẫn như lần đầu tiên tôi ghé qua lúc mười hai mười ba tuổi. cảm giác bị choáng ngợp khi gặp phải một cái gì to lớn. rồi bị hấp dẫn với cái vượt bực. rồi bị lôi cuốn đi bởi những đôi mắt lấp lánh pha chút quỷ quyệt giả tạo từ những ánh đèn.

nhưng rồi đâu đó từ phía bên kia mấy cái quán ăn, mùi đồ ăn thơm nồng bay qua, làm cơn đói bụng lại nổi lên. và tôi chợt nhớ tới những khuôn mặt của mấy đứa bé ăn xin bám trụ khắp cả thành phố. những khuôn mặt vừa hãi sợ vừa gờm gờm, vừa xin vừa chụp giật. những khuôn mặt đầy chứng tính của những trận đói, cũng giống như tôi. nhưng ở Phước Tĩnh, tôi chưa bao giờ đến độ phải chìa tay xin ăn. rồi tôi lại nhớ tới khuôn mặt bị tàn phá vì ai đó của ca sĩ Cẩm Nhung, tôi lại thấy vừa sợ vừa thương xót cho Sài Gòn.

cái cùng cực của một thằng con trai mười tám tuổi so với cái cùng cực của cả một thành phố, không thể nào so sánh được.

...

chuyến xe đưa tôi ra khỏi thành phố cũng đầy ổ gà, cũng bị dộng mạnh, nhưng lần này thì tôi đã khôn ra, không còn để bị cháy tay.

Lê Nghĩa Quang Tuấn

© 2006 gio-o

đọc các sáng tác khác của Lê Nghĩa Quang Tuấn