HỒ THÀNH CUNG

Cảm Nhận Trên Tầng Thanh Khí

của họa sĩ

Rừng

Có thể nói tôi là người có cái “duyên” thưởng thức tranh của họa sĩ Rừng “ngộ” hơn những người khác rất nhiều. Tại Sàigòn vào những năm sau 75, vào một dịp tới chơi nhà ông, tôi đã được ông thâm trầm truyền tay cho xem những tác phẩm vẽ trên giấy họa báo của ông – lúc ấy sơn dầu rất hiếm - từng tấm, từng tấm một trên một căn gác nhỏ nóng bức, bụi bám nằm trên đường Trương Minh Giảng lúc tôi mới chỉ là một cậu bé mười sáu tuổi... Cho tới bây giờ tôi vẫn tự hỏi là tại sao ông lại có thể bình đẳng chia sẻ những tác phẩm thật “rừng” của ông với một cậu bé còn rất ngây thơ về đời sống như tôi vào lúc đó. Tôi chỉ nhớ rất rõ là ông đã bắt gặp tôi đang ngồi trên chiếc giường nhỏ duy nhất của gia đình ông, đang say sưa ngắm nhìn một tác phẩm mang tựa đề là “Cây nước mắt” của ông. Tấm tranh đó là một trong loạt tác phẩm mang đầy tính triết lý nhân sinh của ông vẽ vào giai đoạn đó... Khi vẽ xong ông đã phải dấu những tác phẩm đó cùng với những sách vở in trước “giải phóng” của ông dưới gầm giường để tránh bị những người công an vào nhà kiểm duyệt đột xuất như là những tác phẩm “đồi trụy” sau 75. Tôi chỉ tình cờ thấy được tấm tranh đó khi đang cố gắng bươi tìm vài cuốn sách cũ đễ đọc. Nhìn ngắm say sưa tấm tranh đó xong, tự nhiên tôi lại cảm thấy khao khát muốn coi tiếp những tấm tranh khác... Khi tôi đang lén tìm cách lôi ra thêm vài tấm tranh khác nữa đễ xem thì họa sĩ Rừng đã đến sau lưng tôi tự lúc nào, khẽ kéo tôi qua một bên để sau đó tự mình cúi xuống lôi toàn bộ tập tranh ra rồi cẩn thận trao từng tấm một cho tôi xem... Đó là lần thưởng ngoạn tranh họa sĩ Rừng đầu tiên của tôi, lần thưởng ngoạn hoàn toàn chỉ với sự rung cảm từ con tim của một cậu bé mới chập chững bước chân vào thế giới nghệ thuật.

 Hai mươi năm sau, tôi lại được dịp “tái ngộ” với những tác phẩm của họa sĩ Rừng trên đất Mỹ tại phòng tranh mới nhất của ông: “Trên Tầng Thanh Khí”. Cái tên của cuộc triển lãm cùng với những gì tôi nghe ông tâm sự trên một số báo Việt ngữ đã khiến tôi rất chú ý đến cuộc triển lãm này, nhất là lời nhắc nhở là hãy nên cảm tranh của ông hơn là cố gắng hiểu nó...

 Cuộc triển lãm này của họa sĩ Rừng đã có một cái tên làm chủ đề. Có những cái tên khi nghe xong thì người nghe rất khó có được một cảm giác, hình ảnh nào rõ ràng vì tính chất trừu tượng hóa một khái niệm khác cũng trừu tượng ví dụ như “Bóng Tối Thời Gian” chẳng hạn. Nhưng với cái tên “Trên Tầng Thanh Khí” thì mọi người đều ít nhiều có thể tưởng tượng và hình dung trước những cảm giác và hình ảnh mà mình có thể bắt gặp nơi đó.

 Những gì trên một tầng thanh khí mà mọi người có thể hình dung, cảm được một cách chung nhất là sự tĩnh lặng hoặc dao động của gió, sự gay gắt nóng bỏng của ánh nắng mặt trời vào ban ngày hoặc sự dịu dàng, tỏa mát của trăng, của sao vào đêm. Sự thay đổi không ngừng của ánh sáng từ lúc bình minh cho tới chiều tà được ghi khắc trên những đám mây. Những đám mây có the,å một lúc nào đó dừng lại để suy tư, hoặc đang được bồng bế, nâng niu, dìu đi trong một cơn luân vũ nào đó của gió.

 Cảm giác của riêng tôi sau khi coi xong cuộc triển lãm đó là thật sự ông đã không tạo được một sự diễn đạt hài hòa, đồng bộ trong những tác phẩm của ông. Tôi đã không có được một ranh giới ngắm nhìn rõ ràng giữa cái cảm và cái hiểu dựa trên cái tên mà ông đã đặt cho cuộc triển lãm. Sự diễn đạt quá tương phản có khi trở nên mâu thuẩn trong những tác phẩm của ông đã khiến cho tôi nhiều khi không còn nắm bắt được ý tưởng trên tầng thanh khí bằng cái cảm tự nhiên mà ông muốn đánh thức nơi người xem. Tôi đã phải dùng cái hiểu của mình nhiều hơn để thưởng thức những tác phẩm của ông trong cuộc triển lãm lần này.

 Trong vài tác phẩm của ông, người xem đều có thể thấy những khoảng không gian sâu lắng với ánh sáng và màu sắc êm dịu đi sâu về phía sau, nhưng đồng thời cũng thấy những vật thể sáng chói mang những màu sắc thật tương phản bùng nổ ngay phía trước... Có những tấm tranh, khi xem, tôi cảm thấy mình đang thả hồn với những mảng màu sắc lung linh đầy ánh sáng bay bổng, uốn lượn xung quanh những góc tranh, nhưng rồi cảm giác của tôi lại trở nên nặng nề với những khối hình thể cuốn tròn lại như bị một bàn tay vô hình nào đo nắm bóp lại ngay giữa tranh. Ánh sáng vẫn còn lung linh trong những hình thể đó nhưng không còn thấy bay bổng nữa mà tựa như bị đóng nhốt lại trong một ngọn đèn lồng.

 Với tấm tranh mang tựa đề “Hòa âm điền dã” bố cục và sắc màu đã cho tôi một cảm giác như đang nghe một âm thanh nhẹ nhàng, êm dịu nào đó len lõi qua những ngóc ngách rất hư ảo, huyền bí. Nhưng sự đẻo gọt hình thể quá sắc bén và sự chọn lựa texture quá nhân tạo đã khiến cho tranh mang một không khí có tính chất công nghiệp, trang trí hơn là điền dã.. Một ví von vui để tôi diễn tả cảm giác riêng của mình khi đứng trước những tác phẩm đó là tôi hình dung mình đang ở một lúc rất gần, có những tầng mây để làm trung gian hình thểghi dấu lại những cảm giác nội tâm đứng giữa vũ trụ của ông trên mỗi tác phẩm tuy rằng đã mang tính chất hoàn toàn trừu tượng. Nói đúng hơn là ông vẫn là một nghệ sĩ tạc tượng trên mây từ nội tâm “Rừng” hơn là một nội tâm “Gió”...

 Cái hay và cái đẹp của một tác phẩm nghệ thuật thật sự là hai khái niệm rất riêng biệt. Có những tác phẩm nghệ thuật chỉ đẹp nhưng không hay và ngược lại rất hay nhưng lại không đẹp. Thưởng thức một cái gì đẹp qua ngôn từ chẳng khác gì cố gắng chèo một con thuyền để đi ngắm đại dương, vì đó chỉ là một lối liên tưởng so sánh giữa những hình ảnh từ một cái kho ký ức nào đó đã được ghi dấu, cảm nhận và đặt tên là “đẹp”, nhưng rồi liệu có ai có thể ví một bông hoa là đẹp như cái gì khác hơn chính nó được nữa không? Cuối cùng của sự thưởng thức cái đẹp theo tôi là việc của tình cảm... Còn thưởng thức về cái hay thì đòi hỏi người thưởng ngoạn ít ra phải có một kiến thức nhất định liên hệ đến tác phẩm và cũng cần phải tự hỏi mình là quan điểm trình bày của người nghệ sĩ qua tác phẩm đó là gì...

 Trở lại với cuộc triển lãm của họa sì Rừng, với riêng cá nhân, tôi muốn viết bài viết này không với tính cách phê bình, mà để chia sẽ cảm giác rất thực và chân thành nhất của một người trẻ làm nghệ thuật, với ông, sau hai lần hội ngộ rất đặc biệt. Lần đầu tiên tôi là một cậu bé mới chập chững bước vào con đường nghệ thuật, đã ngắm nhìn những tác phẩm “nhập thế” mang đầy tính nội tâm của ông, và lần mới đây tôi là người trưởng thành “nhập thế” ngắm nhìn những tác phẩm “thoát tục” của ông. Thật là buồn cười là lúc tranh ông cần hiểu thì tôi lại cảm và ngược lại lúc tranh ông cần cảm thì tôi lại phải dùøng sự hiểu biết – lý trí- để xem tranh của ông... Và khi nhìn lại quãng đời làm nghệ thuật của ông, trong thâm tâm tôi đã hoàn toàn kính trọng họa sĩ Rừng như một người nghệ sĩ mang đầy tính năng sáng tạo rất mạnh mẽ.

 Mới đây khi đọc xong bài viết của họa sĩ Etcetera về cuộc triển lãm tranh của họa sĩ Rừng đăng trong Việt Weekly ngày 3 tháng 2-2005, tôi thật sự cảm thấy rất ngạc nhiên với nhan đề “thất bại” mà một số người trong nghề -họa sĩ- như họa sĩ Quang Trường –Etcetera- Dương Ngọc Sum, Vũ Hoàng Lân, hoặc chí ít cũng liên quan đến lãnh vực hội họa như nhà phê bình hội họa Huỳnh Hữu Uûy- đã gắn cho cuộc triển lãm của ông.  Định nghĩa sự “thất bại” hay “thành công” của một phòng tranh, cũng như tranh đẹp, xấu chỉ thuần túy dựa trên phương diện tài chánh –bán được hay không- cùng với cảm xúc của vài cá nhân, những họa sĩ, phê bình gia trên đã làm tôi cảm thấy chua xót. Nếu bình phẩm như vậy thì trước giờ đã có mấy cuộc triển lãm nào để gọi là thành công của các họa sĩ Vietnam hải ngoại? Trước đây tôi cũng đã từng đi xem một cuộc triển lãm hỗn hợp của giới trẻ Viet nam hải ngoại tại Mỹ cũng tại tòa soạn báo Người Việt trước đây với chủ đề là FOB. Với những gì mà tôi đọc từ bài báo viết hôm nay của Việt Weekly thì có lẽ cuộc triển lãm FOB vừa qua cũng có thể ví như là một cuộc triển lãm hoàn toàn thất bại với những tác phẩm đó. Và đã có được tác phẩm nào bán được sau cuộc triển lãm đó đâu? Quang Trường và Lân là người đã đóng góp cho cuộc triển lãm có coi đó như là một thất bại chua cay của chính mình hay không nếu chỉ đánh giá theo tiêu chuẩn thương mại và favor, “dính hay không dính gì đến giới thưởng ngoan Việt nam như hai họa sĩ trên đã nhận xét?”

 Và riêng cá nhân tôi, tôi thấy câu nói “tranh đẹp là biết ngay tranh xấu nhìn là biết ngay. Đẹp thì mua và xấu thì không mua” của nhà phê bình Huỳnh Hữu Uûy, (trích dẫn từ Việt Weekly) thật ra đã không còn thích hợp chút nào với khuynh hướng sáng tác hiện đại nhiều thì không muốn nhắm đến cái đẹp nữa mà chỉ muốn nhắm đến cái hay của tư tưởng. Một trong những ví dụ tôi muốn nêu ra đây là tác phẩm lá cờ Mỹ của một họa sĩ Mỹ hiện đại Jasper John ( trườnng phái Pop Art). Lá cờ Mỹ được ông sơn màu lên làm cho nó biến đổi đi, nhưng vẫn còn để cho mọi người thấy đó là lá cờ Mỹ với những ngôi sao lờ mờ, những sọc ngang tượng trưng trên lá cờ đó. Qua tác phẩm đó, ông muốn đưa ra cái hay của tư tưởng là lá cờ đó còn có giá trị là lá cờ Mỹ và có tính chất nghệ thuật hay không? Khi còn nhận thấy đó là lá cờ Mỹ thì nó vẫn luôn có ý nghĩa là một lá cờ Mỹ trong tâm trí mọi người. Và sự biến đổi về màu sắc của ông đã làm cho lá cờ Mỹ đó không còn là một lá cờ Mỹ tầm thường nữa mà là một lá cờ Mỹ mang tính chất nghệ thuật. Vậy có ai khi mới nhìn tác phẩm đó mà chưa hiểu được nội dung lý luận của nó thì chắc chắn sẽ cho tác phẩm đó là một tác phẩm “xấu” và dĩ nhiên là sẽ chẳng muốn mua. Nhưng bây giờ đó là một trong những tác phẩm tiêu biểu cho nền nghệ thuật hiện đại Mỹ.

 Thật sự có cái rung cảm nào giá trị hơn cái rung cảm nào trong sự thưởng thức nghệ thuật đâu? Có ai  đi lấy sự rung cảm thưởng thức nhạc giao hưởng để tự rung đùi thưởng thức nhạc Rock? Nhưng rõ ràng là nhạc giao hưởng và nhạc rock đều là những di sản âm nhạc đặc sắc của loài người. Theo tôi, một người biết thưởng thức nghệ thuật phải là người biết tự chỉnh cái riêng của mình cho đúng tần số để có thể giao hòa hoàn toàn với những cái riêng đặc sắc khác nhau trong nghệ thuật. Người đó có thể chọn cho mình những tần số mình cảm thấy thích dựa theo cái cảm và hiểu của riêng mình, nhưng đừng nên dựa theo cái ý thích chủ quan của mình để làm tiêu chuẩn đo lường và áp đặt lên  sự thưởng thức của những người khác.

 Một cái quần lót của một nghệ sĩ lừng danh trên thế giới cũng có thể được mang đi bán dấu giá chỉ vì nó dính đến cái tên của người nghệ sĩ đó... Và cũng đã có rất nhiều người bỏ ra cả bạc triệu để mua lại những tác phẩm của những họa sĩ lừng danh trên thế giới chỉ vì cái tên chứ hoàn toàn không phải từ điều rung cảm thật sự với những tác phẩm đó. Vậy thì điều rung cảm của một số đông lạc nhịp và vấn đề thương mãi đặt ra dựa theo những rung động cảm tính - chủ quan – đó có phải là một tiêu chuẩn thích đáng  để đánh giá sự thành công nghệ thuật của một người nghệ sĩ không?

 Bất cứ ai muốn tới xem một cuộc triển lãm nghệ thuật nào đó thì đầu tiên cái muốn đó đã là một ý muốn hoàn toàn tự nguyện. Và dĩ nhiên là một cuộc triễn lãm nghệ thuật tạo hình sẽ chẳng bao giờ được xem như là một cuộc mua vui giải trí cả. Giữa người nghệ sĩ trình bày những tác phẩm của mình trong một cuộc triển lãm với người đến xem thưởng ngoạn lúc nào cũng có một cái chung căn bản nhất để gặp nhau là CÁI HAY và CÁI ĐẸP. Còn vấn đề thương mãi  không có chỗ ở đây. Và nếu đã đến với nhau để chia sẻ nghệ thuật thì theo tôi cũng nên có một sự tôn trọng nhau tối thiểu dựa trên tiêu chuẩn “hay đẹp”. Đó là điều chính yếu.

HỒ THÀNH CUNG
3/2005

© 2006 gio-o

Xem tranh của Rừng