Hồ Đình Nghiêm
thư nọ là một nụ hoa xuân
tản mạn
Ban đầu tôi định dùng chữ Wow đặt tựa, nhưng sợ “lạc mất mùa Xuân”. Tôi cũng rục rịch thử tìm chữ hoạ theo câu đối cho vui cửa vui nhà như năm cũ nhưng lực bất tòng tâm, gạt lệ thua buồn. Thất bại, lại hăm he định mang tư liệu ra dẫn chứng, giải oan cho Heo, xin bỏ quá thành ngữ “ngu như lợn”; nhưng tìm lại nguồn tin cũ chẳng biết nó trốn phương nào? Nhớ là có đọc bản tin: Vào một đêm (không trăng sao) ở đâu đó trên bang Texas, có đôi vợ chồng người Mỹ (dĩ nhiên) đầu bạc răng long thương yêu mặn nồng tới độ ngủ say, nhà cháy cũng bận thiếp vùi giấc điệp. May thay (trời có mắt) họ nuôi một chú lợn bé như heo nhồi bông, lông trắng mũi hồng đuôi cong hình chữ O sau mông, sạch sẽ như lau ly được vợ tới chồng thay phiên ôm ấp hôn hít thường nhật thủ thỉ gọi Baby hoặc Honey. “Đứa con cầu tự” nọ đã bất chấp lửa cháy giàn trời, chạy vào phòng ngủ dùng miệng cật lực kéo tấm chăn đắp xuống giường, lại phóc lên cạ mõm ướt át nhột nhạt vào mặt “bố mẹ” gào tiếng ủn ỉn eng éc. Hậu sự là hai gương mặt ám đầy bồ hóng khoác thân bộ đồ ngủ lấm lem, nhe răng cười mặt rạng ngời trước bao ống kính đài truyền hình địa phương: Nếu không có chú heo thơm thịt kia, bọn tui đã bị thần hoả trổ tài làm món BBQ không khoan nhượng. Nghe đâu cả xóm đâm cảm tình với chú lợn “xinh đáo để” ấy. Này, hai bác tậu nó ở đâu vậy? Chỉ đường cho bọn tớ đi thỉnh về một chú đặng nuôi chơi, heo nái cũng ô-kê phòng khi tối lửa tắt đèn cháy nhà không ra mặt chuột. Nó khôn ra phết, nhỉ? Táo tợn thật!
Nghĩ lại tôi ngu như lợn, sao ngày đó mình chẳng thu cất tang chứng vật chứng hiếm lạ kia vào bộ nhớ nằm trong ổ cứng nhỉ? Hay là Hắc-cơ đã thâm nhập kiểm kê tài sản (cũng vào một đêm không trăng sao). Thật là “già không nên nết”! Tiếc uổng gì, đang tới Tết. Chỉ đôi ngày là hết.
Vì sao lại thích dùng chữ Wow làm nhan tựa? Vì tôi vẫn xem chữ cô đọng ấy nhốt đủ mọi cung bậc cảm xúc mà phải là trẻ em thốt ra mới tải tròn niềm vui nỗi sướng khi đối mặt cái bất ngờ. Wow của người lớn là đồ hàng nhái. Hồn nhiên đã đoạn lìa, xê ra đi, hổng thèm chơi với người lớn (thích ăn gian) đâu. Tôi nghĩ người Việt chưa có đủ nội lực, trong nhất thời thốt ra cửa miệng một chữ thần tình tựa Wow. Chẳng lãnh lót tiếng cười nhưng nghe thậm sảng khoái.
Một cô bé chỉ mới có 6 tuổi (cũng ở Huê Kỳ) viết trên giấy trắng mực đen (nắm viết chì, dùng tay trái, vở có kẽ hàng nhưng tuồng chữ không ngay) nguyên văn: “What Is Love? Love is when you’re missing some of your teeth but you’re not afraid to smile because you know your friends will still love you even though some of you is missing”.
Câu định nghĩa trên, được làm phóng ảnh, chuyển tải trên mạng với tốc độ “chóng mặt”. Nhận vô vàn “like”, vô khối bình luận, nổi bật một dòng chia sẻ (mượn ca từ một bản nhạc từng lên top): “Baby don’t hurt me! No more!”.
Nói qua thì phải nói lại. Một đấng nhi đồng 10 tuổi ở Sài Gòn khi đối mặt với câu cô hỏi: Em hãy giải thích thành ngữ “Anh em như thể tay chân”. Cậu học trò “trả bài”: Anh em như thể tay chân có nghĩa là khi chân đổ máu, tay băng bó cho chân. Ngược lại khi tay bị gãy, chân sẽ mang tay vào bệnh viện.”
Simple and pure. Nếu tôi làm giáo viên, khi đó tôi chỉ biết gào lên, duy một chữ: Wow! Tôi già đầu hơn trò nhưng tôi làm sao có được thứ ý nghĩ “tinh ròng” như thế. Tôi sẽ bất lực, chẳng biết cho trò một thang điểm nào. Trò đứng ra ngoài những khuôn mẫu, những định kiến, những lề thói, những lối mòn, trò đã “chơi khó” tôi!
Mỗi đầu năm, không cứ là năm ngu như heo, người ở trong nước rắn mắt bình chọn ra 10 câu phát biểu ấn tượng của các vị lãnh đạo khắp ban ngành, hoặc “chân dài trí óc ngắn”. Phải đợi hoa mai nở cơ, họ đang chờ giờ hoàng đạo. Nhưng chưa gì, dù “ngăn sông cấm chợ” ở chốn này tôi đã “ngửi” ra ba câu, ba thứ vớ vẩn (cũng bởi tôi ngu quá lợn cho nên quân ấy mới làm quan). Một của ông bộ trưởng và hai, ba đều do thủ tướng vừa ngứa miệng (trong dõng dạc) đàn khảy tai trâu (?):
“Không làm tốt bóng đá là mang tội với tổ quốc!”
“Huế là một Kyoto của Việt Nam, phải tận dụng vẻ đẹp chẳng nơi nào có được”.
“Phải biến Việt Nam từ cô gái đẹp thành con hổ mới của châu Á”.
Chắc như đinh đóng cột, dụng ngôn tứ mã nan truy. Có gây ra tai nạn liên hoàn hoặc xẩy ra sự cố ùn tắc thì hạ hồi phân giải. Luật an ninh mạng chỉ dành cho bọn có tư tưởng phản động thôi, ta nói tốt cho nước nhà thì chúng phải like mạnh chứ lị?
Năm 1936, Vũ Đình Liên làm ra bài thơ được hậu bối lưu truyền:
Mỗi năm hoa đào nở
Lại thấy ông đồ già
Bày mực Tàu giấy đỏ
Bên phố đông người qua
…
Năm nay đào lại nở
Không thấy ông đồ xưa
…
Năm 2019, đồ xưa làm sao thấy? Định luật của thời gian. Nhưng năm nay không cần vin vào hoa đào, vẫn có “Bà Huệ” (cách gọi của nhà văn Nguyễn Quốc Trụ, tỵ nạn Cộng sản chung địa bàn với MC Nguyễn Ngọc Ngạn) vừa bày ra lá “Thư Chủ Biên” trên mạng đông người xem. Đây là một bài viết thu tóm những diễn biến có tính văn học trong năm qua, súc tích, chính xác, đầy đủ mà điểm son nổi trội: Sự thành thật. Một sự thật không ngại mất lòng. Điều này những chủ biên các trang mạng khác chưa chắc đã thủ đắc được. Chữ viết vòng vo, chẳng ngay hàng thẳng lối cho bằng thứ lời lẽ của người sáng lập ra Gió-O Lê Thị Huệ. Tôi tạm gọi lá thư nọ là một nụ hoa xuân.
Trình bày một vài chuyện trong năm qua, trong đó có vài thứ tôi từng “xía” vô, ví như nhà xuất bản VanHocPress của anh Trịnh Y Thư. Tôi có email hỏi thăm đường đi nước bước bởi thực bụng đang cấn thai, muốn đẻ, đang tức ăn khó ở những mong lâm bồn đơn côi đi biển. Ở Nam Cali nhà thơ, dịch giả Trịnh Y Thư niềm nở hồi âm: Tôi muốn in cho bạn lắm, cụ thể là bạn phải trả công cho người dàn trang, sửa lỗi chính tả, lo phần kỹ thuật ngần ấy tiền. Rồi tranh bìa, trả công cho người chăm sóc phần mỹ thuật chừng đó đô la, vị chi là blah blah… Tôi làm một phép toán cọng, xong cái làm phép mần thinh. Buồn như xuân về mà hoa chưa nở. Buồn năm phút xong cái buồn năm canh khi nghĩ quẩn: In ra cuốn sách để mần chi nhỉ? Dạ, em lượng sức mình không đủ ngân lượng để chơi xong canh bạc bầu cua cá tôm nai gà ấy được. Em biết em vừa bị sún răng, khi em mở miệng cười bạn bè em quay mặt ngó lơ chê trách mi thiếu hụt một vài. Ngày Xuân em thử đi uýnh lô tô, sứt mẻ chỉ năm đồng ba trự chớ bi nhiêu mà toan tính.
Thư ngắt dòng nhắc qua Hợp Lưu Khánh Trường. Dạ, em hợp tác với tờ báo giấy ấy ngay từ số đầu, hồn nhiên đưa địa chỉ số điện thoại nhà đóng vai người đại diện chốn đây, in rành rành sau trang bìa chẳng thèm sai một dấu phết. Em mất đi một số bạn văn khinh khi ra mặt, thường đón nhận thư rơi thư nặc danh gửi đến thoá mạ. Thời gian đó, tay em gãy mà chân không chịu mang vô nhà thương. Trần Vũ từ Pháp viết thư (đánh máy vì bảo mình biên thư chữ xấu lắm): Ông ngon lành thật, mình sợ chú Nghĩa cô Nguyên Hương xát xà phòng lắm. Dạo ấy nở rộ phong trào viết về tính dục, tình dục; lớn tiếng rằng trong chữ Việt làm gì có Đ.M, làm gì có chữ L. chữ C. Sao quý vị không viết rõ ra nguyên con giùm cái? Khánh Trường sang Montreal có thuật lại một truyện ngắn (đăng ở tạp chí nào, tôi đã quên). Tác giả là nữ nhân, cho nhân vật xưng tôi vào ngâm thân nằm trong bồn tắm, dưới chân là một kệ sách nhỏ chất vài cuốn của mấy đấng nhà văn nam, lôi đầu vài tác giả để tưởng tượng và “tôi” thủ dâm. Chấm dứt chuyện kể bằng câu “trong đống hàng thần lơ láo ấy có cả chú Hồ Đình Nghiêm nhỏ bé”. (Eo ôi, ngu quá lợn, sao hồi đó mình không đi phô tôi cọp dê văn bản kia để tự hào nhỉ?) Có thể do nhiều điều kiện thuận lợi xúi Khánh Trường làm một cú cách mạng: Viết dâm thư? Điều mà chủ biên Lê Thị Huệ đụng tới quả cũng khiến lắm mạnh thường quân đâm xót xa lòng khi hồi tưởng lại. Tôi góp mặt với tờ Hợp Lưu cho tới hồi Trần Vũ lên làm chủ biên, trước sau vẫn giữ lòng mình đừng nổi sóng. Nói như St- Exupéry cài đặt vào miệng Hoàng tử Bé: “Mais j’etais trop jeune pour savoir l’aimer”. Em còn nhỏ bé, nào có biết gì tới yêu đương. Em hồn nhiên không toan tính. Cần nói thêm, Trần Vũ càng về sau càng đổi thay, bạn thích những kẻ nổi loạn, bạn chê trách về lòng chung thuỷ tôi mang. Chẳng còn là người bạn văn dễ mến hằng tháng vẫn siêng gửi đều đặn 4 lá thư cho tôi, điều đó có nghĩa là trong một tháng tôi đọc 4 cái chuyện ngắn cô đọng, rất đỗi ấm lòng, gửi Par Avion từ Pháp sang. Bạn tự vẽ ra một viễn cảnh: Thế nào thì vào tuổi 50 chúng ta phải có một lần ngồi nhìn mặt nhau, bất kỳ ở đâu… Đôi lúc phong thư xanh còn gấp trong đó ảnh vợ con Trần Vũ (giữ làm kỷ niệm), ảnh bạn ấy da rám nắng biển Vũng Tàu đứng bên cửa hàng đặc sản có vẽ hình con rắn hổ mang thấy chết khiếp “về đây mình uống bia không say, vì đổ vào người nó chóng tiết ra thành giọt mồ hôi, bay đi đâu mất”, ảnh bạn quàng vai Nguyễn Quang Lập chụp ở nhà Hoàng Phủ Ngọc Tường u ám mịt mờ của Huế đang giông. Bạn kể ra Hà Nội say mèm cùng Nguyễn Huy Thiệp (bạn từng thú nhận: Mình bị Nguyễn Huy Thiệp đóng dấu)… Chúng tôi đã có một thời nôn thốc tháo ra mật đắng.
Nghe đâu giờ này Khánh Trường (lại) thực hiện một tờ (báo giấy) mang tên Mở, hay thế lòng tôi dậy hồ nghi. Khánh Trường vừa in lại bộ sách “20 năm Văn học VN hải ngoại”, đã cảm khái: Xem lại phát ngấy, nản, chán, nhàm… Vậy thì tờ “Mở” sắp trình làng sẽ đăng tải thơ văn của những ai để tránh đi vào lối mòn cũ nhàm chán xưa nọ? Kiếm đâu ra một đội ngũ người viết mới?
Một bọn có dũng khí hơn cha chú chúng, quá khứ từng rụt vai câm như thóc trong vụ “động đất ở Montréal”. Trần Vũ viết thư cho tôi: “Tội cho Võ Đình quá!”. Chấm hết.
Nhảy sang địa hạt hát hò nhảy múa diễu dở của Paris By Night và ông Nguyễn Ngọc Ngạn môi hở răng lạnh, nhận xét của “Bà Huệ” cũng chẳng sai chạy một mảy may. Những gì tôi xem được thường cực lòng theo dõi khi ngồi ở các hàng quán, tiệm phở trong khi chờ nhá xong bữa. Ông điều khiển chương trình có dạo liệt vào hạng mục “nhà văn chống cộng”, nay cầm tiền của đại gia trong nước ra mần ăn ở biển ngoài thế cho đố vui có thưởng đã trao tay kẻ đứng lên đoán đúng tên bài hát: Này, cầm lấy mà về mua sữa cho con. Này, sẵn 500 đô đây tội gì không chạy sang sòng bài, biết đâu… Ê, anh kia, sao vào ngồi trong rạp hát mà cứ phải đội mũ thế kia. Ông sẵn lòng gọi bá tánh là cháu, xưng chú hơi bị vô tư (chưa đủ già để làm bác?). Cũng bởi khán giả thấp như lợn cho nên quân ấy mới đóng vai hề.
Thư chủ biên chơi một màn thăm thú Nhật, “tranh thủ” một phùa về thăm Sài Gòn. Tỏ tường, chuyện nào ra chuyện nấy, sao nơi nầy coi Gió-O được nơi kia bị chận? Hoá ra còn đó nạn thập nhị sứ quân? (Chuyện nhỏ, trước sau chúng vẫn thế). Có điểm qua hai người trẻ in thơ như “say thơ” là Như Quỳnh de Prell và Nguyễn Thị Hải. Chữ “say thơ” xúi tôi nhớ lại bài thơ của Nguyễn Thanh Văn, bạn học ấu thời trung học Hàm Nghi Huế, hiện là giảng viên Anh Văn ở Sài Gòn, người chỉ trích không tiếc lời về tầm hiểu biết hạn hẹp, nông cạn của Võ Công Liêm, đi luôn hai ba kỳ ở Văn Việt, đầy thuyết phục, biện chứng. Về bài thơ “Chuyện trong quán rượu” sau đây, tôi ghi lại mà không đưa thêm một phân bua nào khác:
“trong quán rượu hai nhà thơ cãi lộn
rớt ví tiền và vãi cả thơ
có cô nàng say thơ như điếu đổ
lật đật nhặt tiền dẫm cả lên thơ”.
Đôi nét chấm phá về một tình huống, một thực trạng chẳng hề hiếm thấy. May cho chúng ta, quanh đây vẫn còn đó những nhân ảnh mãi đứng trên cao, tách biệt; dùng thơ để trao gửi, xô tới những lượng sóng vỗ về, an ủi.
Được xem cọp ảnh nhà thơ trẻ dung mạo thông minh coi mòi Nôm thông Hán rộng mà bấy chầy tôi nể nang: Nguyễn Thị Hải. “Đản sầu hoa hữu ngữ, bất vị lão nhân khai”. Chạnh buồn hoa biết nói, đâu nở cho ông già.
Tôi già, hoa đã bỏ mặc tôi! Nói theo Nguyễn Huy Thiệp: “Tuổi nầy là tuổi bỏ đi. Bây giờ tôi chỉ còn biết ở nhà trông coi mấy đứa cháu!”. Luống những ngậm ngùi. Cơ khổ, tôi nào đã có mống cháu nào! Trông sao sao lặn, ngóng trăng trăng mờ. Đành bày giấy viết mà vui riêng với chương hồi cuối, tự đày đoạ cuốn chuyện dài thuyền nhân tự vệ. “Tứ thập niên tiền du lãm xứ, mộng lệ vân dương bất nhãn kham”. Ấy là cải biên lời Phan Huy Ích mà than thân: 40 năm trước đã tới đây, Montreal chiều lặng không muốn nhìn.
Bày giấy viết là cả một sự thật. Mỗi ngày tôi bỏ hai tiếng để cào lưỡi trên mặt giấy. Thấy năm ngón tay ấm lên thì hãy dừng, tập vận động cho tay khỏi cứng lạnh, chỉ có vậy. Anh Võ Đình thời xa xưa có khen qua: Nét hoa bướm chú mi đẹp hơn chữ bác sĩ là điều bắt buộc, nhưng coi chừng, bác sĩ kê toa không sai trật chớ văn mi trải có khi mà gây sự ngộ nhận cho kẻ xem. Dạ, em ráng giữ mình chẳng nói điêu. Tôi thích giấy viết, do vậy chứng nào tật đó, tôi thích ôm vào lòng một cuốn sách. Điện toán vi tính net e-book các thứ, nói chung là máy móc thì tôi chưa thể xem là bạn đồng minh được. Nó làm sao ấy, chưa quen tay, chưa nhuyễn nhừ, khó thích hợp. Thủ cựu, lạc hậu hết biết! Ngay cả khi đi lạc vào thế giới facebook cũng gây cho tôi lắm hoang mang. Không phải vô cớ mà một vị quan chức, có học vị cao ở trong nước từng lên tiếng: “Thơ trên facebook toàn cả thơ rác!”. Vơ đũa cả nắm? Lộng ngôn? Ăn nói bổ bả? Nhưng tôi tin phải có lửa mới sinh ra khói. Người mình mãi mang tính tuỳ tiện, bầy hầy, tiện đâu xâu đấy; lại thích mang cái ta ra, vạch áo cho người xem lưng, không quỡn soi mặt vào gương, chưa quen đưa tay rờ lui sau ót. (Ngu như heo, lại vơ đũa cả nắm?).
Ở bên xứ sở Phù tang, xứ hoa anh đào, nơi quen đi lề trái, trẻ em được dạy bài học vỡ lòng về cách ăn ở, tiếp xúc với nhân quần với cộng đồng vây quanh. Trong gia cư, mỗi nhà đều có bốn thùng rác riêng để phân loại thứ lớp từng vật thải. Bạn có tin không? Nhật vừa phát minh ra một loại giấy tái sinh, vừa thử nghiệm qua hình thức in thành tờ quảng cáo, xem xong bạn vò nó thảy vào một cái chén đất, châm cho nó chút nước lạnh, đôi ba hôm sau bạn nhìn vào phát hiện một nụ mầm vừa ra lá. Ôi, giá mà tôi in được một tập truyện bằng thứ giấy “mặn nồng tựa tri kỷ” ấy. Nếu quá dở, đọc mỏi mắt, xin bạn vui lòng dụt nó vào một cái chậu sành mốc meo kẻo phí của giời. Trời ơi! Một sớm mai nào nó sẽ ra hoa. Nó tạo dáng. Nó câm lặng nhoẽn một nụ cười. Bước vào vòng luân hồi kiểu đó có nằm mộng cũng chẳng ngờ! Chết, chưa chắc đã hết chuyện. Mãn nguyện. Không thành văn cũng thành hoa!
Thư chủ biên là một thứ tựa như sàng lọc rác thải trong năm. Tôi rất “tâm tư”. Nếu quen chung đụng với bao giả dối giăng bủa, bạn cần tìm tới một giọng nói riêng còn lưu trữ đôi phần thành tâm. Tôi xin được bắt chước cái “air”, chút gió xa xăm ấy. Lê Thị Huệ dùng mở đầu lá thư mà tôi mượn để kết thúc: Chúc lành bằng hữu và những “bất bằng hữu” trong năm con heo được hoạnh tài, thính mũi và sa vào được những chậu cám thơm ngon. Nhà ai cháy thì nhớ ra tín hiệu cấp cứu. Góp tay xoá sổ câu bẩn như Heo, ngu như Heo, trả lại sự công bằng mà bấy lâu chỉ có Trâu Bò là sở hữu lấy.
Năm
mới, có gì chướng tai, xin hãy mang lòng tinh khôi ra đối đãi với nhau lần cuối.
Đừng quất ai dù chỉ một cành hoa (đản sầu hoa hữu ngữ). Thơm thảo một lần rồi
mãi mãi chìm trôi theo dáng heo khuất.
Hồ Đình Nghiêm
2.2019
http://www.gio-o.com/HoDinhNghiem.html
©gio-o.com 2019