photo: Hoàng Huy Mạnh
Hồ Đình Nghiêm
TẢ NGẠN
chuyện ngắn
Tôi đến thăm người chiều cuối năm. Người không vui người nói điều chao lòng. Tôi cũng mang bao nỗi phiền muộn nhưng hứa thầm hãy nén chặt chút riêng tây. Trời chóng tối người chẳng thiết thắp đèn, lửa trong tôi sáng không đủ cuộc tình xa. Tôi ngước nhìn cảnh sắc bất minh, nhớ ngày cũ lung linh những ngọn nến. Tóc ai phai hay chân tôi lạc bước, đi ngày đàng vẫn học lấy dại khờ. Hương quá vãng đã trôi cùng gió. Và gió ngoài kia, người ạ thổi vô phương. Ngồi xuống ghế với mặt bàn nhiều vết xước, ly nước trà chẳng thấm ướt bờ môi. Đáy năm, cuốn sách đời lật vội. Những tờ rời tôi cúi nhặt số trang.
Tôi theo người đạp xe lên hướng núi, sương xuống nhiều xoa dịu bớt lao lung. Xin mãi được ngắm nhìn trong mờ tỏ, để tin rằng có cơn mộng trốn quanh đây. Hãy che dấu bao đổi thay lộ liễu và quên đi gã Từ Thức năm nào. Cỏ cây ướt không ai đi hái lộc, đường lặng lẽ với tóc người mãi bay. Hương bồ kết đóng đinh một kỷ niệm, ai tước đoạt ai nhổ rời ai trao tay giấy thế vì khai sinh lần thứ hai? Không ai tắm hai lần trên cùng một dòng sông. Tôi lên đồi đột qụy một tai biến, mộ bia ung thư lấm lem hàng chữ lạ lùng. Người thợ hồ nào đã quên chính tả, đồng nhập “ngàn năm bia miệng vẫn còn trơ trơ”: Nguyển thị Liểu… hưỡng dương 54 tuỗi… con cháu đồng phụng lắp…
Người đứng yên bên mồ không nói, tôi đốt hương và tôi nhổ cỏ loanh quanh. Nằm dưới đất là người tôi bất hạnh, đã chẳng thể gọi một lần: Má vợ ơi! Má ơi con dìa đây má ơi! Nghe gì không thông bên đồi đứng hú, gió cau có mây nhăn nhó và lệ người tuôn. “Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ” là câu tầm bậy. Cớ sự nằm ở chỗ nguyên ủy gì cảnh ngó tang thương? Cảnh ủ dột vì người đan tâm bức hại, người lột truồng người chơi tập thể người bề hội đồng nông trường thủy lợi lao động sắn khoai. Mộ phần người cũng mang ra đào xới, người quy hoạch làm tụ điểm ăn chơi. Người khoe hàng người chân dài siêu mẫu, dài miên man cho tới tận Đài loan hoặc xứ Hàn. Cảnh tang thương cảnh không thốt nên lời, và từ điển có tên gọi ấy là bể dâu.
Người dắt tôi đi trong thành phố quen thân, đất máu thịt giờ phải có thổ địa. Hãy nói tôi là đứa phản bội, mếu máo đi cúi mặt bước bởi danh xưng Việt kiều. Đường Lê Lợi có ngôi trường người từng học, nay dửng dưng tên gọi chẳng nức lòng. Nói tới Huế phải nhớ ngay Đồng Khánh, sao giết đi một danh xưng chẳng tầm thường? Sài Gòn còn thay tên sá gì Đồng Khánh là “thằng” vua phản động? Ai từng học ở ngôi trường cũ có dậy chút cảm hoài? Ngôi trường ấy chỉ thu nhận toàn con gái, những phận Thuý Kiều sau cuộc đổi đời nghĩ không ra.“Tấm lòng trinh bạch từ nay xin chừa”. Tôi mất trinh từ năm bẩy nhăm và người bảo tôi cớ sao lại đâm ăn quàng nói xiên. Cầm tay người nhỏ nhẹ tôi thưa rằng cuộc đời có bạc ác với chúng ta? Giá nên duyên vợ chồng, không chừng em mang năm chục đứa trấn dưới biển, sớt nửa gia tài anh đầy ải chúng học tập rừng sâu. Ôi tiền nhân, điều gì ám muội khiến ôn mệ sớm học thói bội bạc chia lìa ngăn sông cách núi? Từ ly dị thì người ta mới sáng tạo ra, chia của cải gia tài trách nhiệm thì phải đứng trước quan tòa nghe phán giấy trắng mực đen rạch ròi. Ôn mệ chơi kiểu đó là coi thường luật pháp mà đời thường gọi là luật rừng. Tôi xa người hay người bỏ tôi, nhớ giùm cho mình đã theo vết lăn bánh xe lịch sử!
Người đến thăm tôi ngày mồng Ba. Tết năm nay tôi ngó hoa mai trên một bức hình, tấm ảnh xấu in ở trang đầu cuốn lịch, lịch chết cứng ghim không cục cựa vào tường vôi. Vách nhà thương có nhiều vệt máu, bệnh nhân đông chật khiến phải huy động thêm giường nằm. Làm Việt kiều đôi khi tìm được điều an ủi, chỗ tôi dưỡng thương ngó bảnh hơn dân bần cùng. Người ái ngại ghé mông xuống tấm chiếu, nhìn thằng bồ cũ như trông con cá ươn có ở chợ chiều. Tôi đã gửi tin nhắn trên cái di động chưa đui què mẻ sứt, iphone 4 nằm túi quần cày đường sâu dưới mặt lộ chẳng có hố tử thần. Người từng dặn như lời Mẹ dọa con thơ: Ra đường ngó trước trông sau chớ bất cẩn. Tôi thành kính vâng lời đi tuốt trong bờ lề nhàn tản làm kẻ bách bộ ham tham quan. Vậy thì chuyện gì đã xẩy tới? Người hỏi chẳng giấu chút nóng ruột. Tôi ngó tay chân bó bột cứng tựa khúc củi treo tòn teng, khi khổng khi không có một cha nội đi xe máy leo lề rồ ga và đâm thốc vào người tôi. Chạy trời không khỏi nắng. Hắn tông, hắn đạp rồi hắn chạy một lèo, hơn cả quất ngựa truy phong! Rứa đó, nghĩ không ra! Gì mà phải lấn cấn. Ai biểu làm kẻ lạ quây lưng với cố hương, ai biểu viết lách linh tinh, ai biểu… nói mãi mà chẳng chịu nghe! Đáng đời! Ừ, thiệt là đích đáng. Ai đó nói “mong chết trên quê nhà” là điều xằng bậy, chết vật vạ chết tủi hổ chết không nhắm mắt chết vô căn cớ, đang sống chuyển qua từ trần vì không có tiền bôi trơn… Người ơi cái chết nhẹ tợ lông hồng là nằm ở tình huống khác, và nói nào ngay đôi khi nó chỉ là sản phẩm của tưởng tượng! Tưởng tượng chốn này không có mặt người thì tôi có là điên mới chảnh tới độ mấy sông cũng lội mấy đèo cũng qua.
Đầu năm tôi dự trù lì xì mừng tuổi người 500 đô cùng một nụ hôn nhưng giờ bất khả. Nửa thân cứng đơ hay nửa hồn thương đau thì cũng tợ nghĩa nhau, đá nát ngọc tan vàng phai lửa tắt. Bệnh viện moi của tôi gần sạch đồng bạc cuối. Ai biểu làm Việt kiều người mãi trách cứ. Nếu tôi không dông, ở lại bên người thì người thực thi được cảnh sống “một túp lều tranh hai quả tim vàng”? Chỉ cần nhìn nhau cho dù mãi uống nước lạnh, câu cải lương ấy giờ này chỉ dành cho ai từng té giếng.. Tôi chưa mát dây, chỉ bị xe điên đụng thôi mà. Tình cảnh khiến chẳng khóc chẳng cười, nhưng buộc tôi nhăn nhó, bác sĩ chỉnh hình dọa, đầu năm không chịu kiêng cử dị đoan: Coi bộ cậu sẽ phải chống nạng một thời gian. Nhưng tin tôi đi, về lại chốn vật chất bơ sữa cơm thừa canh cặn ấy, chúng nó sẽ chữa lành cho cậu bằng máy móc hiện đại siêu khủng hơn nước nhà.
Người lì xì cho tôi một hàng chữ viết vào cánh tay bó bột lên đồi xuống dốc, nhớ không lầm đấy là thơ Haiku của Matsuo Basho:
Trên con đường này
giữa chiều thu ấy
đi về không ai.
Biết tác giả nhưng hiểu hậu ý của người vừa viết xong thì bù trất. Người nhắn gửi điều gì: Không trông mong một lần gặp gỡ khác? Quạnh hiu. Hắn hành hương và đi lạc vào vùng gió cát tơi bời giữa sa mạc. Nóng, khát. Rét run những ngộ nhận, để cuối đường dứt khoát phải mang thương tật. Thương trong tim và tật ngoài thịt da. Nhớ Quốc văn giáo khoa thư ngày còn bé tí mũi giải lòng thòng mà giật cả mình: “Không có nơi nào đẹp cho bằng quê ta!”
Tết nhất, người chẳng dư thời gian ngồi nán cùng tôi. Người vất tôi nằm cùng với những thân phận, những ngôi sao xấu đứng ngồi thẫn thờ như những linh hồn lạc lối. Người ra về bỏ lại quanh tôi những tiếng thở dài, những vai run thổn thức chẳng còn nước mắt đào thoát khỏi bờ mi. Đồng bệnh tương lân tôi ngó những “đồng chí” mặt cắt không ra giọt máu ăn cái Tết trong nhà thương cạn kiệt tương thân nhân ái. Họ nguyền rủa trời cao họ ca cẩm số mạng và thảy những triết gia bó gối kia tự đặt công án: Đời là gì? Đời có nên cô lại bằng hai mẫu tự: ĐM.
Vì tai nạn tự tôi khuynh đảo chương trình dự liệu. Không cứ là cảnh vật ngay cả người cũng chẳng biểu lộ một ân cần. Người làm cho đường đi của tôi mãi dài ra, dài hơn cả năm châu bốn bể muôn đời khắc nghiệt chữ anh em. Người đã vô sản và tôi đang sảng. Chưa bình phục tôi vẫn muốn lê thân rời bỏ chốn cắt rốn chôn nhau. Cật ruột thân thích là thứ tôi trắng tay, một khung thành bỏ trống. Banh không lăn, cỏ rậm, người trọng tài đánh mất một tiếng còi. Sân chơi vắng lặng bóng cầu thủ, hậu vệ là người đã cởi áo phơi khô. Rũ bỏ, giải nghệ, cởi giày. Dường như nghe oải đường chuyền bóng lăn. Việt vị tôi đã đặt chân, tỉ số không mở quay lưng thua buồn!
Nghĩ tình xưa người tiễn đưa, phi trường bữa nọ chia tay diễn tuồng. Tôi xa xứ biết bao lần, mà ngày hôm ấy mưa dầm xót xa. Đối đáp đi đường bình an. Cho mình địa chỉ email. Không có, người nói, máy cháy ổ cứng hay vi trùng thâm nhập, mang đi sửa nghe lời mỉa mai: Cô quẳng nó đi đừng tiếc thương, sắm một cái mới cho le lói kẻo chúng bạn cười. Tôi cực lòng quá đỗi khi biết mình muôn đời chẳng phải khúc ruột ngàn dặm. Việt kiều kiểu gì kỳ khôi vậy cha nội! Đi đường dài mà chẳng có xu nhớt lận lưng. “Tôi xin người cứ gian dối, cho tôi tưởng người cũng yêu tôi…”. Không, nghe thề này, nói láo cho bà vật, mình sẽ về thăm lại hồi nào đi đứng thật bình thường, sẽ giắt một cục tiền sau đít, tha hồ cho bạn đi lựa chọn mua sắm những máy vi tính hàng hiệu. Và rồi mình lên sửa sang ngôi mộ mẹ hiền, thay tấm bia viết đúng chính tả cho khỏi mất mặt bốn ngàn năm văn hiến.
Tôi về thăm người như dự định qua nhiều thăng trầm toan tính, chuyện nhỏ. Lạ, sao lần này trong bụng mãi đánh lô tô. Sài Gòn chưa đòi lại tên nằm chòng chành chao đảo dưới chân thấy ngứa. Khét rẹt bánh xe cao su cắn đường băng phi đạo bàng hoàng. Người từ Huế vào Sài Gòn hôm qua để rộng lòng tở mở đón đứa hữu duyên thiên lý năng tương ngộ. Tui mặc áo màu xanh hệt như phong thư tình ngày cũ, người dặn, cho bồ dễ thấy.
Chưa thấy màu áo em thì ngó ra màu vàng ám nơi thân xác hai trự an ninh cửa khẩu. Họ dòm ảnh chụp trong passport, họ đánh vần tên họ, đối chiếu vào tờ giấy cầm tay xong rà trong màn hình điện toán. Cuối mọi công đoạn, hắng giọng trầm: Đất nước nầy không hoan nghênh anh đặt chân ghé thăm. Gia hạn cho anh trong vòng 24 giờ, xem như một ngày quá cảnh, anh nên tìm đường thiên di quy gốc đến. Nửa tiếng nữa có chuyến bay sang Sing đấy, chốn đó đất sạch người đẹp nhưng không văn minh như ta.
Tôi về không thấy mặt người, mình là dân Việt đâm lười nghĩ suy. Vĩnh biệt người đang kề tuy, nhiên cách biệt hơn biên thuỳ khốn nan.
Hồ Đình Nghiêm
http://www.gio-o.com/HoDinhNghiem.html
© gio-o.com 2018