Hồ Đình Nghiêm

 

LÂU LÂU MỘT LẦN

 

tản mạn

 

 

Lâu lâu một lần là tựa dùng đặt cho mục thư tín. Hiểu ra, năm khi mười hoạ người ta mới viết thư hỏi han nhau. Lời lẽ gay cấn thì đưa ra cùng chia sẻ. Vụ này chắc khác với lời đàm thoại xởi lởi “lông thai nô xi”, nhỉ?

 

Cơm nước xong, xem hết vở hài kịch trên TV, chồng nói khuya rồi vào ngủ em. Vợ nghe lời, lên giường sửa gối chăn xong liền chép miệng: Hay là mình… lâu lâu một lần…

 

Trong mọi tình huống, lâu lâu một lần vẫn chứa đủ cái khác thường, bởi nếu đều đặn, chuyên cần vận hành suông sẻ thì đã không “than thở” tới vấn nạn thời gian. Lâu đến nỗi chẳng thèm nhớ tới lần cuối chúng mình gặp nhau là tháng mấy, năm nào?

 

Tuy vậy, lâu lâu một lần cũng tựa như lô an ủi, có còn hơn không. Đừng quay mặt bỏ đi biền biệt chẳng ư hử, hãy nhớ lâu lâu nên tạt về nhìn lại mặt nhau chuyện trò, dẫu bâng quơ. Hàn Mặc Tử từng có thơ:

 

Sao anh không về chơi thôn Vĩ?

Nhìn nắng hàng cau nắng mới lên…

 

Chẳng trách móc nhắc nhở: Lâu quá rồi, bộ tính bỏ Huế mà đi luôn hay răng? Lâu lâu một lần tôi ghé thăm người ấy, theo gió San Jose về lần khân bên thềm. Tôi luôn bị xem là thằng nhà quê, thúc thủ nỗi dại chưa đi một ngày đàng. Đôi khi Gió O là thôn Vĩ của tôi (tưởng tượng dù trong tưởng tượng) ở đó từng hiện mọc từng đọt nắng mới, dòng sông, hoa bắp lay, hoặc một chuyến đò chở kịp trăng về tối nay. Những quý vị nữ lưu văn hay chữ tốt đi kèm với dung mạo xinh tươi mà năm tháng lâu-lâu-một-lần không khiến họ phải già cỗi. Thơ văn mà, làm sao định được tuổi tác? Từ nắng hàng cau đến nắng rám quả cam, chín hồng trái bưởi, họ già dặn trong cõi viết và mộng thắm cùng văn chương. Nhưng…

 

Mùa này đang diễn ra cuộc so giày sôi nổi, đầy kịch tính lẫn oan nghiệt của các mỹ nhân khắp năm châu bốn bể quần tụ trên sân cỏ, vận hội được mang tên “FIFA Women’s World Cup 2019” tại France. Đã women, đã là bóng hồng thì cuộc chơi cũng vấp phải ít nhiều trở ngại. Xa chồng thương con nhỏ ở lại nhà thì chẳng nói làm gì, vì tối lên giường ở khách sạn có thể mở máy ra, bắt sóng tỉ tê tâm sự suốt năm canh. Đằng này áo xống hẳn hoi, mang vớ xỏ giày rồi nhưng nhăn nhó mặt hoa da phấn rỉ tai coach: Kẹt ghê nơi, em chơi hổng đặng đâu nha, bị em đang có tháng.

 

Có tháng là chi? Thanh niên thật thà như đếm cần được “giáo dục” tại chỗ: Mày khờ quá nha, tiền đạo ấy bị kinh nguyệt hành sợ dẫn banh đi phá lưới không được đâu à nhen. Ác vừa vừa thôi, cho con người ta ngồi ở ghế dự bị suốt hai hiệp cho êm, hạ hồi phân giải.

 

Ở lãnh vực văn chương, từ đầu thập niên 80 xuất hiện một đội ngũ quý cô quý bà đánh đấm ra trò, thơ văn hay dàng trời, lẫy lừng muốn qua mặt đám mày râu không thèm bóp còi (và bóp cái khác). Nhưng dần dà, lần hồi hết chị này đến chị khác… “bị có tháng”. Chồng khuyên: Thôi em đừng hành xác chơi trò vô bổ nữa, con đang mè nheo kìa, vén áo cho nó bú chút chít đặng êm ấm cửa nhà, yên bề gia thất. Lại có đại trượng phu khác ngôn: Anh hăm thik diệc em mần thơ đâu á. Chít mẹ rùi, sao lóng rày có nhìu thằng tán tỉnh em wá. Túm lợi là hỏng mún đâu nha. Nôm na: Vợ bỏ bê trách nhiệm, hết đảm đang. Người tình ra mắt sách, có khối thằng đàn ông xúm lại bu như sam. Ghen. Sợ một mai con sáo sổ lồng sáo bay. Sợ tiếc sợi dây dài lỡ cột vào chiếc gàu bên thành giếng cạn.

 

Thêm vô vàn chuyện “nghĩ không ra” tác động vào và như vậy, những bóng hồng, những cau, cam, bưởi đã âm thầm như trái sầu riêng lặng lẽ rụng xuống vườn khuya, thôi lâu lâu một lần mang hương mùi cũ về xông lại bên đám cỏ sầu héo mọc hàng giậu thưa, tương tư.

 

Sau đàng chị, lớp đàn em cỡi voi ra trận tiền. Con cháu hai bà nổi lên một mỹ nhân chung quê Gò Công với Nam Phương Hoàng Hậu: Trangđài Glassey-Trầnguyễn. Nàng xuống tấn, thi triển bao đường quyền huê dạng rồi đùng một cái, nàng nghỉ chơi. Nàng “xếp áo xống, buông gương lược để dành hơi”? Nàng còn ngụ ở khu “Bonsai” California hay nàng giỏi chân xuôi đổ xứ lắm cây xanh thơ mộng quê quán chàng? Tôi chờ tôi đợi viễn ảnh “em về điểm phấn tô son lại, ngạo với nhân gian một nụ cười” nhưng mô có thấy. Răng lạ rứa? Chớ bi chừ em ở nơi đâu? “Cỏ trên mình mẩy em sầu ra sao?” (BG).

 

Tôi định viết thư lâu lâu một lần để hỏi thăm nhà thơ Lê Thị Huệ về những khoảng trống đáng phàn nàn, về sự vắng mặt chẳng đáng có; nhưng nghĩ lại cái thét mét ấy hơi bị vô duyên. Mọi sự diễn ra, đến rồi đi, cứ nên xem đó chỉ là một cơn gió tình cờ thổi qua. Gió nâng những cánh diều bay lên, bay cao. Gió cũng mang theo mưa tạt, đầm đìa bao cánh hoa vừa hé nụ, rời rã. Gió va vào thái dương gây ra bệnh nhức đầu ớn lạnh, kêu bằng trúng gió. Đau răng mà chết? Dạ, khi không mà trúng gió, nằm thẳng cù đèo, ngủm củ tỏi, chết nhăn răng, bất đắc kỳ tử.

 

Gió, do vậy, tự thân đã mang đủ cái vô thường. Đàn ông lắm khi cũng nhác chơi, có tháng. Trăng là nguyệt, trăng rằm hoặc nguyệt khuyết. Mấy thằng người sói khi “có tháng” thì tự nhiên lông mọc tràn đầy,  ngước mặt trông trăng mà rú lên. Không vô thường thì còn gì nữa? Lâu lâu một lần, quởn tôi xem báo điện tử trong nước, đọc phải bao điều thất thường, hơn cả vô thường, bà con cô bác ở biển ngoài có vị chắc chưa tường, lai rai thuật lại:

 

Bệnh nhân ở Cà Mau bị tai nạn lao động, chẩn đoán gãy đột sống ngực số 8. Đưa về bệnh viện Chợ Rẫy ở TPHCM điều trị, bị khoan nhầm cẳng chân. Chuyện (có vẻ đùa) sau đó được kể lại: Bác sĩ chuẩn bị đưa máy khoan vào chân bệnh nhân, tôi nghe anh ấy hét to: “Khoan…” Thế thì tôi phải khoan thôi! (Ông bác sĩ này thuộc dạng “phải gió”, ra đường em gặp thằng phải gió nó đè em ra, nó chơi!)

 

Lại chuyện nhức đầu khác: Ngày 20 tháng 6 vừa qua, toà án nhân dân huyện Quế Sơn, Quảng Nam đã tuyên phạt bị cáo Nguyễn Văn Phước, sinh năm 1973, 3 năm tù vì tội trộm cắp tài sản. Đứng trước vành móng ngựa, bị can thành thật khai báo: Thưa quý toà, số tiền đó tôi đánh cắp trong tủ mẹ ruột để mang cho bà mẹ vợ, vì hoàn cảnh bả đáng thương hơn!

 

Tôi không học luật, chẳng hiểu mô tê gì cả, nhưng cá nhân tôi dù không bị trúng gió cũng lấy làm cắn rức lương tâm khi nghe tội phạm nhận bản án là 3 năm tù. Anh ta tuy bất hiếu với mẹ này lại có hiếu với mẹ khác. Lý ra bị cáo ấy nên tự bào chữa: Quý toà chưa nghe câu “nhất vợ nhì trời” hay sao? Huống hồ người nhận tiền là mẹ vợ (đẻ ra bà trời). Bà Nguyễn Thị Kim Ngân có trên 300 bộ áo dài, một bộ giá không dưới 100 triệu. Chẳng hiểu bà ấy có được mấy thằng con rể ngon lành như tôi?

 

300 bộ áo dài (vì sao báo đưa tin lại dùng thêm chữ bộ, ý nói là áo dài với quần dài là một cặp đồng nhất?). Nếu trong tủ bạn sở hữu tới chừng đó áo dài, một ngày kia bạn đứng săm soi, chảnh với gương soi, chắc bạn sẽ nói: Lâu lâu một lần ta mới đụng tới chiếc áo ni. Ui thui, dạo này vòng số hai sao bành trướng chết khiếp, mặc hổng vô rồi. Chuyện nhỏ! Bụng to cũng có nét xếch-xi của bụng to vậy. Không ấy, tìm lựa chiếc áo khác, rộng rãi thông thoáng một tẹo mà thử cài khuy xem sao.

 

Tôi cũng xin “cài khuy” bài tản mạn dấm dớ này lại để thưa: Các nhà văn nữ thân mến, hãy vui chân trở lại vườn xưa. Cho dù hình hài bạn thay đổi đến cỡ nào đi chẳng nữa, tôi vẫn thuỷ chung ôm giữ một định kiến: Biu-ti-fùn. Lâu (vơ) ly. Tôi rất lấy làm hân hoan khi đọc phải tâm tình bạn dàn trải ra. Bởi xin bạn hiểu cho, dù sao chúng ta cũng có một thời là kẻ đồng hành, tuy chẳng nắm tay nhưng vẫn sát vai đi cày xới những luống đất lạ, nơi treo tấm bảng ngoài vùng đặc khu: “Văn chương hải ngoại”. Lâu lâu một lần, nhé. (Nhìn mặt nhau hoài thì cũng bất tiện?)

 

Chẳng rõ người chủ biên trang Gió- O có đồng thuận để đăng bài tâm sự vu vơ của kẻ hèn này lên không? Thì cũng lâu lâu một lần vậy mà. Bận sau sẽ tiếp tục nán lại lâu lâu.

 

 

Hồ Đình Nghiêm

 

http://www.gio-o.com/HoDinhNghiem.html

 

 

© gio-o.com 2019