Hồ Đình Nghiêm

ĐI HẾT CHUYẾN TÀU TẾT

(Rồi Hẳn Chết)

chuyện ngắn

 

Sợ vỡ đầu do trẻ con ném đá, những ô cửa trên tàu đều có gắn lưới chắn kín bưng. (Bởi biết sợ nên mới sống còn). Người đàn ông đen đúa truyền đạt kinh nghiệm đường dài: “Lấy đôi dép kê dưới đít, kẻo có khi bất cẩn dép không cánh mà bay”. Đôi chân trần của ông hình như chưa biết mặt mũi đôi giày, những ngón to, khỏe ngầm bảo nhằm nhò gì chuyện lẻ tẻ tui đi bộ đeo ba-lô từ Trường sơn đông qua Trường sơn tây ba mươi giây.

Thiên nhiên bên ngoài đóng khung, mất tự do những đám mây dật dờ bị khói tàu nhuộm chất độc màu da đen. Chim ở núi bay về, đậu trên giây giăng chùng giữa những cột điện trông như nốt nhạc phơi thầm lặng trên năm dòng kẻ. Thành phố giờ này rất nhiều dây điện. Người đàn bà kể, mắc cửi, tựa đám màn nhện chực trói mỗi số phận con người, có cô gái dịu hiền xa nhà trọ học chiều về lội nước chật vật nghĩ tới một chén cơm lưng chờ đợi trong căn hộ tập thể; vì cớ làm sao chuyện thật hoang đường dây điện đứt sà xuống người em, con rắn đương đại quấn cổ cắn vào giấc mơ bình dị đột tử, từ đời thường xã hội chủ nghĩa em nhắm mắt bước vào vườn địa đàng mê muội muôn đời không có thật. Báo cáo ở bệnh viện Vì dân nghe cắc cớ: Sinh viên hưởng dương ở tuổi hai mươi không thân nhân họ hàng người nám đen như khúc củi ẩm để già lửa. Niềm đau bạn cùng lớp dành cho em ùn tắt những giọt lệ chẳng chịu rơi khỏi cằm tái tê. Thằng trưởng lớp kể lể hôm động quan: “Tớ thật bức xúc, cái Bĩm rất thông thoáng cởi mở, tớ đi xe tay ga chở em mấy bận về nhà trọ những hôm mưa giăng nhẹ hạt. Sự cố ấy làm em bày rõ nội y và số đo ba vòng phải nói là điện nước đầy đủ. Ôi, Bĩm đã chết! Uổng phí thật! Tớ chẳng rõ em có là một hồn oan trinh nữ!”

Tàu chòng chành người lắc lư. Tàu hú còi người khạc nhổ. Quang gánh đồ đoàn nghiêng ngã, chộn rộn. Một đứa cụt chân đi lòn lách mắt láo liên môi miệng chẳng liền da: “Bà Ba bán bánh bèo bị bác Bảy Búa bán bánh bò bề bướm, biết bụng bầu bác Bảy bèn bỏ bê. Bà Ba bị bắt bí, buồn bã ba bốn bữa…” Thằng con trai ngó sương gió phong trần, cây đàn ghi-ta chỉ có năm giây thùng gỗ bể dán miếng băng keo to đùng bằng miếng bông dùng khi có tháng. Khoảng mười một mười hai mà cà nhắc đi thong dong giữa dòng đời nhiều oan nghiệt hoành tráng. Hắn hát không bài bản lề luật, đa phần thể hiện do cảm xúc, ăn đứt nhạc Rap, da diết hơn kẻ thành tâm sám hối ê a gõ mõ tụng kinh. Ngoài vần B, mày còn biết chơi vần gì khác? Ai đó hỏi. “Lan là lan Liễu là liễu, lã lơi lắm lúc lại là Lọ lem. Lan Liễu Lọ lem lưu lạc luôn làm lụng lắc léo, làm lòi lông l…” Ủa mà sao nãy giờ chưa thấy cho tiền bo? Địt mẹ! Nghèo dớt mà bày đặt đòi hỏi! Hắn bỏ đi, mang giọng hát khản tiếng ma túy y trang Khánh Ly thời đi chân đất vắt ngang những toa tàu uốn lượn: “Nếu biết tôi mang kiếp cầm ca… Hỏi rằng em còn yêu tôi nữa chăng?” Có hai mẹ con, có vẻ thành phần nông dân, dõi mắt trông theo, mẹ chắc lưỡi: Không cứ là phận đàn bà, đàn ông con trai cũng khối đứa đèo bồng niềm đau nỗi khổ, chặt dao bén cũng chẳng đứt lìa. Tội nghiệp! Con lên tiếng, bày tỏ nỗi lòng: Má ơi đừng gả con xa, chim kêu vượn hú biết nhà má đâu?.. Mồ tổ mày lục bát với lại ca dao, ô-sin nghe xịn hơn là nghề nông. Ở làng chỉ có mình mày, tiên phong đi trước mở đường xuất dương. Đài-loan tuy gần mà xa tìm đâu ra dậu mồng tơi xanh rờn? Ra đi nhẹ gánh hành trang, điện thoại di động có tao xí phần.

Người đàn ông bạc tóc đứng hút thuốc cuối toa lầu bầu: “Tôi van bạn chớ làm thơ, ngoại trừ trường hợp thiếu nó, bạn sẽ chết”* Ông trải rộng tờ nhật báo: “Trương thị Kim Hoàn, đăng ký hộ khẩu tại phường Cô Giang Q.1 Thành phố Hồ Chí Minh tù oan 4 năm được đền bù 143 triệu”. Mẹ kiếp, 143 triệu mà làm cái đếch gì?! Tôi van bạn chớ nhận số tiền ấy, ngoại trừ trường hợp thiếu nó, bạn sẽ chết. Mắt ông đảo qua mục khác: Fidel Cu-ba, Bác Hồ cu con, con thức ba ngủ, con ngủ cu ngổng ba hổng ưa… Khôi hài nhỉ? Lại chuyện cười: “Anh Sáu đọc báo, thấy báo nói hút thuốc hại cho sức khỏe, liền bỏ hút thuốc. Thấy báo nói uống rượu có hại cho sức khỏe, liền bỏ bia rượu. Thấy báo nói mê đắm sắc dục có hại cho sức khỏe, liền bỏ đọc báo”. Người tóc bạc vày vò tờ báo ném xuống đường rầy. Có tiếng thét:

- Sao lại thế?

- Chuyện gì cơ ạ!

- Con mẹ bán xôi thằng cha bán lạc rang thảy đều cần đến nó. Mà ngay cả tôi, nói điều không phải thầy bỏ qua cho: Đến buồn đi ỉa phải cậy nhờ đến báo bổ lau đít hộ cho.

- Đồ dở hơi, sao không nói sớm? Cơ khổ! chùi thứ ấy thì có nước… Gì nhẩy? Cho đít đen thêm. Dân ngu khu đen.

Tàu chui vô hầm, hầm đục xuyên núi. Núi to thì hầm dài, đi rõ lâu giời mới tỏ. Núi bé thì thoắt cái, tàu đã thấy ánh sáng cuối đường hầm. To hoặc nhỏ, nhớn hay bé thì đều chịu chung một hoàn cảnh: Tối thui. Đêm hôm nhà gianh cũng như nhà ngói, bóng tối luôn đồng lõa với tội ác. Cô gái sắp đi Đài-loan đổi đời làm kẻ hầu người hạ cho người nước lạ la toáng như gặp phải ma. Má cô hỏi: Chuyện gì mẩy? Bị không có mặt tiá, có ổng đố mày dám. Con này, tao hỏi chuyện gì mà loạn xị dớn dác? Có đứa nào mới bóp vú con đó má. Mặc xú-chen dày như áo giáp mà cũng hơi bị đau. Tàu rùng mình trước khi chui ra khỏi bức màn tối dày. Ánh dương quan chẳng có gì lạ ngoại trừ bày rõ sự trơ trẽn của những thứ xấu xa. Quanh chỗ hai má con nạn nhân ngồi tịnh không nhìn ra mặt một đứa tiểu nhân mang hội chứng ngứa tay. Ai cũng kẹp tay vô nách như bị trói, mắt lim dim như thiền giả đối mặt với công án chẳng bận tâm thế sự ô trược đang vận chuyển từng sát na. Nhìn rốt ráo chỉ ngó ra hai đứa trung niên là có khoảng cách gần với hiện trường, (nhất cự ly nhì cường độ) và chỉ có hạng đàn ông mới thích bóp vú thiếu nữ (rờ mềm mềm bóp êm êm- có bài đồng dao đã hát thế). Nhưng nói tội trời, hai kẻ râu ria lún phún ấy in tuồng bị khuyết tật, họ như chưa hề dòm rõ cuộc đời. Một người làm tài khôn: Ủa, mới đó mà tàu chạy ngang Phan Thiết rồi sao? Bỏ đi tám, mù mà ưa làm trạng. Sao trong không gian độ chừng như mặn nồng mùi nước mắm nhĩ vậy cà? Thằng chột cười ré lên, nước mắt đọng vũng trong hố sâu độc nhãn: Chẳng qua là anh ngồi cuối hướng gió, gần cửa thì có con mẹ mặc quần rách đáy đang lộ hàng đó thôi. Bả bày hàng hơi bị vô tư chứ Phan Thiết đâu giờ này cha nội! (Trong thế giới những kẻ mù, thằng chột làm vua). Ông vua anh minh này bận bịu với quần thần đui mù, ai hơi đâu rảnh rang để bóp vú. Sướng sung gì? Ích lợi gì? No cơm ấm áo không? Vắn tắc: Ăn được cái giải gì cho phí sức, nhọc công? Chưa nói tới chữ dơ dáy. Ông mù hay xuống sáu câu vọng cổ, có lời độc đáo hình như do vua Duy Tân (?) phát ngôn (nhà nước quên kiểm duyệt): “Tay dơ thì lấy nước mà rửa, nước dơ thì lấy gì mà kì cọ đây?!” Chao ôi, hoàng thượng anh minh thứ thiệt, hậu duệ đời sau muôn đời không sánh kịp.

Tàu lại hú còi, án chừng sắp dừng ở một nhà ga, người lên kẻ xuống. Moa và toa, về quê choa, đi hái hoa, rồi được thoa, cho tiền boa, ôi xuýt xoa…Việt kiều hay Tây ba-lô? Đừng điêu ngoa, ưa bù lu bù loa, đợi tàu dừng, moa leo lên đầu toa moa ỉa. Ba người khách mới lên ăn vận cũng xuềnh xoàng. Ngoại trừ đứa có bộ tịch lăng xăng của thổ công làm hướng dẫn viên, hai gã nọ da dẻ chưa rám nắng, để lộ phong thái của kẻ “xa quê hương nhớ mẹ hiền”. Khúc ruột ngàn dặm trẻ trung dồi dào chất dinh dưỡng tướng tá thuộc loại ngon cơm. Tết năm nay đất nước mình thay đổi nhiều. Một đứa nhận xét. Ừ, moa nhớ năm kia moa về chơi em người mẫu chân dài bao trọn gói chỉ ba trăm đô. Bây chừ giá chót phải mất ngoẻn năm trăm. Chắc lưỡi: Đất nước khấm khá thời buổi kinh tế thị trường trông thấy. Thằng hướng dẫn nói: Vào tới thành phố là tui hết nhiệm vụ, đúng không? Tui còn phải trở ra kẻo ông bà già chửi: Ba ngày Tết chẳng chịu về thắp cho ôn mệ ba cây hương. Cũng được, bọn moa sẽ hợp đồng với mấy cô làm dịch vụ tình nhân hờ. Tui nói điều mất vui thì anh bỏ lỗi chứ vợ anh đi mô mà anh bạo gan kiểu nớ? Vợ moa đi thẩm mỹ viện. Cả tuần phải nằm một chỗ đợi da dẻ lành lặn, kiêng cử bụi bặm gió máy nắng mưa. Họ bảo sửa sắc đẹp ở quê nhà giá rất linh động thông thoáng, rẻ như bèo mà hậu sự cũng không đến nỗi, về lại bển chó nuôi ở nhà phải sủa vang rân, nhận không ra. Gái Việt-nam hơn gái Tây tà hay sao mà ghiền dữ rứa? Để moa nói cho nghe, ăn lê táo nho dâu lâu ngày phải ngán, tự dưng được cắn ngập răng vào trái khế ngọt bảo sao không phấn khích? Chưa kể nó nói tiếng Diệt: Chơi em đi anh, đừng sợ, em không mang mầm bệnh nào hết chơn hết chọi, đứa nào nói láo cho xe cán.

Mẹ con nhà nông được tập đoàn môi giới lấy chồng nước ngoại cử nhân viên ra đón ở sân ga, mừng mừng tủi tủi nhận tiền theo hợp đồng và chia tiền cò. “Sao mầy giẫm lúa nhà ông hở cò!” Đồ ác đức bất nhơn! Ngồi không ăn bát vàng! Chia tay, bịn rịn, nói chẳng nên lời. Có đi, mày đi như kiểu Kinh Kha nghe con, chứ dăm ba bữa trốn về tan hoa nát ngọc thì tao có nước gầm đầu trước mặt bà con lối xóm.

Ông đen đúa sẽ lội bộ về Đồng Tháp nhằm nhò gì ba cái lẻ tẻ để liên hoan cùng hội những người kháng chiến cũ. Ông rất hồ hởi lòng như ngọn cờ căng gió bởi ông biết chắc buổi liên hoan nào cũng có rượu. Nam vô tửu như kỳ vô phong. Từ Lúa Mới cho tới rượu Vốt-ka của Nga. Từ rượu trắng của Trung quốc môi hở răng lạnh cho tới rốt ráo rượu Uých-ky của thằng Mỹ phản động. Ông xơi ráo và ông lập ngôn cùng những người đồng chí cũ: Dô, uống đi, không say không về. Khi đã ngà ngà, ông sẽ nhân danh, sẽ thay mặt những đồng đội cũ để đọc bản cáo trạng lên án thành phần bóc lột, đồ vắt chanh bỏ vỏ, đồ lợi dụng xương máu của anh em. Giờ này chúng ngồi chóp cao quyền lực trong khi chúng ta cơm không có mà ăn, bụng réo sôi mắt mờ mãi ngắm ba cái huy chương bằng ban khen chẳng cầm cố đánh đổi được một xu hào.

Đi sau lưng ông là thằng thanh niên bất cẩn không chêm đôi dép dưới đít. Sỏi sạn trên lối đi khiến hắn nhăn mặt. Thế nào quanh đây cũng có quầy bán giày dép cũ. Tin tao đi. Giống như con đường lởm chởm cả đinh thì cuối đường thế nào cũng có thằng đinh tặc ngồi vá lốp xe. Ông đen đúa lại thêm một lần truyền đạt kinh nghiệm. Chú em đi đâu? Về nhà ăn Tết hả? Dạ không, vào thăm Má. Bệnh viện ngoài kia thiếu thốn dụng cụ y khoa nên họ chuyển bả vào tận trong này. Má nói má ưa chết cho rảnh nợ tại vì tiền nằm viện quá tốn kém, mấy cha con bây làm lụng suốt đời cũng không trả nổi. Chao, năm hết tết tới mà nói chi lời buồn bã. Như tao đây thì thiệt đơn giản, muốn chết cứ biểu mấy thằng bạn cũ, mày sẵn K-54 dắt lưng quần không? Ak-47 cũng được, ra ngoài sân lia cho tao vài viên. Mẹ, cuộc đời này đầy cả bội bạc!

Sân ga nhốn nháo bởi ba bốn ông công an xô dạt đám đông cản trở nhân viên thi hành nhiệm vụ bảo vệ trị an. Bắt nó. Địt mẹ, chúng ông theo mày lâu rồi. Chớ để nó thoát lần này. Cây đàn guitar nổ khi bị đập vỡ nghe như tiếng pháo chuột đốt lẻ loi. Thằng cụt chân bị đè lưng bằng bốn năm bàn chân mang giày dép đường bệ. Đám đông bu lại thành một vòng tròn khép kín, hiếu kỳ. Chuyện gì vậy? Sao không dưng lại ức hiếp kẻ tàn tật? Bà con cô bác không biết đó thôi. Thằng này chúa phản động, nó biên tập một bài hát toàn vần H nhằm bôi xấu hình ảnh bác Hồ thân thương. Có người đứng dấu mặt trong đám đông lên tiếng: Không tin, biểu nó hát nghe coi. Không dám đâu, như vậy những đồng chí của tôi lại bảo tôi thông đồng xúi dục khuyến khích tội phạm. “Nếu biết tôi mang kiếp cầm ca…” Mếu máo, giọng run, nước mắt chảy, thằng cụt chân bị lôi đi. Chẳng được cẩn trọng cho lắm, tệ hơn người ta lôi con chó đi trấn nước, về làm thịt ở quán Hương Đồng Quê. Ngay tình, con chó có giá hơn thằng người tàn tật ấy. Ông bạc tóc bình phẩm. Ông đốt thuốc ba số nhìn dòng người xô bồ qua lại. Nhà ga chưa chuẩn bị đón Tết, tường vôi có nhiều chỗ bị bôi bẩn. Câu khẩu hiệu Không có gì qúy hơn độc lập tự do đang mờ nhạt bởi nắng mưa, cũ kỹ, chẳng mới. Những người ở ven đô đang lật đật gánh hoa về thành phố tranh thủ bán kẻo héo hon xuân thì. Hoa chỉ đẹp khi còn hiện hữu nguyên trạng với thân cành, bức lìa nó, dồn đống nó, bó chung nó, nhan sắc nó tơi tả ít nhiều. Người đàn ông nhìn trời, nát nhàu những sợi dây điện cắt đường ngang nét dọc vụn vằn một góc phố. Ông đọc thầm, chùng vụng mấy câu của Nguyễn Đức Sơn:

“Đù mẹ cây bông

Mầy không lao động

Tao nhổ mày đi

Máu trào thiên cổ”.

 

Hồ Đình Nghiêm

Tết con cọp 2010

http://www.gio-o.com/HoDinhNghiem.html

 

©gio-o.com 2010