Hồ Đình Nghiêm

 

BÁO MẠNG

 

tản mạn

 

 

Báo mạng. Ai đặt chữ này nghe dường mông lung. Mạng sống của con người bị quả báo? (Ăn cháo cũng gãy răng).

 

Cha dắt con vào công viên đùa nghịch, tự dưng có kẻ lớn tiếng hô hoán: Mẹ mìn, bà con ơi, nó mang âm mưu bắt cóc con nít. Ngoài đường có đứa nổi máu làm hiệp sĩ, không nói không rằng nhào vào lụi mẹ mìn một nhát dao. Người cha gục xuống với vũng máu, không nhắm mắt, bỏ lại con thơ đứng ngơ ngác chẳng kịp gào (tiếng đầu đời và sau chót): Bố ơi! (theo vnexpress, chuyện xảy ra ở Long An hôm 21/2 vừa qua).

 

Cái chết nặng tựa ngàn cân, hay nhẹ tợ lông hồng?

 

Nặng, nhẹ thảy đều nằm chung dưới mẫu số: Như không, vô thường.

 

Đọc báo trên mạng có khi cũng gãy đổ một bộ phận khác (gãy răng mà nhằm nhò gì)? Mục văn hoá của báo giaoducnet vn chạy tít: “Thơ phú bây giờ gây dị ứng thần kinh cho công chúng”. Sao anh nặng lời nhường ấy? Nếu thế, anh sẽ dùng từ gì để lên án hành động giết người kể trên? Vô cảm chăng? Để trị chứng lãnh cảm, anh chế ra hai dòng:

 

“Đêm ôm vợ thấy lòng giật thót

Thương con thuyền đầu bãi đứng chơ vơ”.

 

Anh lấy làm tâm đắc, anh trao cho người ta “trói” câu thơ nọ vào bong bóng thả bay lên cao xanh ở lễ hội nguyên tiêu. Tự nhiên như người Hà Nội (nổi tiếng) thấy thế có giật thót? Họ biết ôm ai để khỏi chơ vơ? Ghé quán cơm chửi dằn bụng, hay chọn sang hàng phở quát cắm cúi nhai? Bún chả thằng Obama từng đặt đít giờ này mài lưỡi dao bén ngót chặt khách không khoan nhượng, cho em xin, cho em nhờ tí, em chả dại vào ghé mông đâu!

 

Thấy thương miền Nam có ông Bùi Giáng (chơ vơ) thiệt dễ thương dị đó:

 

“Khi xưa tôi đã có lần

Và bây giờ đã đôi phần tôi quên”.

 

Sống mà quên được, cái sống nọ quả đáng trân trọng. Một trong muôn ngàn cách tìm quên: Xa lánh báo mạng? Khổ nỗi, không liếc qua nó e mình thành đứa không thức thời, ít ra vin nhờ vào đó, lắm lúc được “báo mạng” cho tiếp thị bằng lời khuyên nhủ:

 

đêm thu khắc lậu canh tàn

gió cây trút lá trăng ngàn ngậm gương

đêm khuya khoắc lạnh lạ nhường

khuyên nhau hãy liệu về giường ngủ thôi”.

(trích trong tiểu thuyết võ hiệp kỳ tình giả tưởng Kim Kiếm Điêu Linh của Ngoạ Long Sinh do Bùi Giáng phỏng dịch).

 

Ngủ không đặng, nhớ Hồ Dzếnh có làm ra hai câu thần sầu:

 

“Cho tôi thoáng cảm mùi nhang

Hình dung xa vắng cung đàn rồi thôi”.

 

Có những báo mạng độ rày phai nhạt, xa vắng dần những người viết một thời gây “đình đám”. Họ đi đâu? Họ vui “duyên mới” cõi nào? Họ có mang thứ tâm trạng y như Bùi Giáng?

 

Cõi đời con én đưa thoi

Buồn rầu tôi định ra ngoài trăm năm

Bỏ vui gượng bỏ đau ngầm

Bỏ tình yêu bỏ điệu vần ngữ ngôn

Tuy nhiên tận đáy linh hồn

Tưởng chừng chẳng bỏ bồn chồn được tim”.

 

Lắm khi tôi như ông bố khờ khạo dắt con đi thơ thẩn vào công viên, đang “vui gượng đó mà” không dưng cái bị thằng cha căn chú kiết nào đường đột bổ nhào tới lụi một dao chí mạng. Tôi vất con thơ dại giữa đời mà chẳng biết nói năng chi. Lại phải vay mượn đến thơ Bùi Giáng:

 

“ai người ai kẻ giúp tôi

lúc tôi té giữa khung đời dở dang

ai đăm chiêu kể chuyện vàng

ai hôn chốn cũ cho dàn mộng xinh”.

 

Mộng xinh tuyệt chẳng “lộ hàng” trên báo mạng. Cho tôi thử quấy rầy tới bạn một phen, gọi là thày lay đọc báo giùm bạn:

 

Ngày 18 tháng 2 vừa qua diễn ra cảnh 4, 5 sư chùa cầm ghế nhựa và tô cơm lao vào đánh nhau cật lực giữa sân thiền viện ở tỉnh Đồng Nai trước sự chứng kiến của nhiều người đi dâng hương thắp nhang (mạt pháp).

 

Qua hôm sau lại có người “rách việc” đưa lên mạng đoạn video quây cảnh một tín hữu vui chân bước lên tam cấp trước chùa bị hai “chú” mặc sắc phục an ninh dang tay chận giữ lại, bị chẳng qua “vị khách không mời” kia diện trên người chiếc áo thun in hình phản đối đường lưỡi bò. Chiếu tới đoạn “thằng vô phép” nọ cởi áo trần như nhộng thì bị “đứt phim”.

 

Khách đi, áo mỏng mặc vào

Liệu chừng chớ thế mà hao tổn mình

Mây bay rối rắm rập rình

Mang về gió tuyết biên đình lạnh ghê.

(B.G)

 

Lại chôm trên mạng câu này (không rõ ai là tác giả):

 

Người Việt Nam sống cam chịu như những con hến. Họ chỉ chịu mở mồm khi bị luộc quá nóng. Nhưng đâu biết rằng khi chịu mở mồm ra thì đã trở thành mồi nhậu… con mẹ nó rồi!”.

 

Vậy đó, báo mạng y như viên thuốc đắng, khó ngậm tan. Nghe người ta nói về trái bồ hòn, tôi thực bụng cũng muốn tìm cho rõ mặt, thử xem cớ gì lại bảo “ngậm bồ hòn làm ngọt”. Tôi không dại đi kiếm lá diêu bông đâu. Tôi vẫn yêu những vị làm thơ chất đầy thơ mộng, không tưởng. Là phương thuốc quý làm dịu tâm hồn, bôi xoá phần nào cái quả báo ngốn nhằm thực phẩm có hoá chất mà báo mạng làm ô nhiễm triền miên. Nhưng tôi cũng từng rờ lui sau ót, bạn đơm ước mơ, bạn xa lánh cuộc đời thường này, người ta có trách cứ bạn: Chẳng chia sẻ niềm đau của những kẻ bất hạnh? Thành phần ấy thì có vô số, những người bị mang ra khỏi nhà, ngủ vật vạ bên đường, nước mắt lấm bụi ngó về căn nhà ông bà cha mẹ để lại đang từ tốn biến thành đống gạch vụn. Ca ngợi tình yêu lứa đôi thì ích gì cho buổi đó? Thiên đường vốn là sản phẩm của tưởng tượng. E rằng Chúa, Phật cũng vậy thôi!

 

“Hãy mang tôi tới lộn đàng

Giết tôi chết giữa cuộc quàng xiên mơ”.

(B.G)

 

* Tất cả thơ của Bùi Giáng được trích từ cuốn Đười Ươi Chân Kinh, thơ văn tinh tuyển do nxb Hội Nhà Văn cùng công ty Nhã Nam phát hành, năm 2011.

 

Hồ Đình Nghiêm

2019