Hà Cẩm Tâm

rúng động về tản mạn “Chợ Mouffetard” của

nhà văn thi sĩ Thi Vũ

 

tâm cảm

 

 

 

Bịnh cúm hành tôi suốt tuần. Nằm vùi li bì xích xác. Chẳng màn ăn uống thuốc men chi. Bỗng nhiên vào nửa đêm, lồm cồm bò dậy mở website gio-o.com bắt gặp ngay bài tản mạn “Chợ Mouffetard” của nhà văn thi sĩ Thi Vũ, cạnh bức tranh “Rue Mouffetard-Paris” của họa sĩ Dorothy Sprangler. Lung linh tông gam chập chùn hương vị của hoa quả rau lá mượt mà miền Provence.

 

Tôi chạm trán “Con lừa đứng áng giữa đường chợ... Đôi mắt ngây thơ rộng tới vô biên... Một ngọn đèn thắp mãi trong đêm... Cái nhìn suy tưởng hồn nhiên bám víu vào dòng sống, như mùi thơm trong thoáng gió...” Tôi tự nhiên được cuốn hút vào dòng văn thơ của Thi Vũ như cô bé Alice lạc vào cõi kỳ hoa dị thảo, mê mẩn tâm thần.

Ngấu nghiến đọc không kịp thở cho đến 3 câu chót của đoạn chót: “Phải chăng mỗi chúng ta nên hát ru cho biển ngủ, và quay chân trở về cùng ngọn núi tâm tư? Hiểm trở tới đâu, vẫn không có đỉnh núi nào cao quá đầu gối người trèo. Rồi Núi sẽ vỗ yên những bước chân trần lụy cứ đòi đi xa mãi tâm người, xa mãi thảnh thơi, xa mất Quê chung.

 

Âm vang tiếng dội trong lòng tôi thân quen như hơi hườm của người bạn tâm giao ngồi bên cạnh hàn huyên sau một thời gian dài xa vắng. Niềm vui phơi phới. Đứng lên hít một hơi thở thật sâu. Chụp lấy chai nước, nốc cạn một hơi ngon lành như chết khát từ lâu. Tâm hồn sảng khoái lạ lùng. Đầu óc trong veo. Nhịp tim rào rạt. Hơi thở thơm tho. Tôi rõ ràng đã hoàn toàn bình phục. Thong dong đọc lại tản mạn “Chợ Mouffetard”. Nâng niu trân quý từng con chữ mới tinh. Hưng phấn từng lời. Ngẩn ngơ từng đoạn. Thở dài mấy phen. Xúc động cầm canh và chẳng nói nên lời...

 

Dòng âm-lưu ngôn-ngữ thần-kỳ + văn-phong-bút-lực-phi-thường rửa sạch mọi phiền lụy, chữa lành mọi vết thương trong tôi như một phép lạ. Tôi chợt hiểu tại sao Việt Nam thuở trước tên là Văn Lang.

 

Nhắm mắt lắng nghe âm thanh hùng vĩ hồn thiêng sông núi, ánh sáng rạng ngời “Quê hương trong lòng mình, Tình yêu trong lòng mình, Tự do trong lòng mình”. Cái bóng hạnh phúc hư ảo bỗng hiện ra nguyên hình một hạnh phúc tuyệt vời. Từ “Nhạn quá trường không” của Hương Hải, thi sĩ Việt Nam, thế kỷ 17 đến “Les Mouches” của Sartre thế kỷ 20, từ người bán oải hương thảo và lá rau cũng như con lừa bị xa lạ giữa phố chợ Mouffetard đến một dòng thơ của người em gái Việt Nam quê mùa đứng ngơ ngác giữa trại tỵ nạn Mã Lai. Từ 2 chữ “nhởn nhơ” rất bình dân bình thường mà ta thường nói chuyện, đến 2 chữ “Tự do” của các bậc “học thiệt” yêu nước thương nòi thường dùng, các tên đểu giả đểu thiệt hay nổ, 2 chữ “Tình yêu” kẻ hòng ra khỏi, người mong bước vào, 2 chữ “Quê hương” mà biết bao người bỏ mình vì nó... cho đến 4 chữ “Thảnh thơi tung vỡ giới hạn” như chuyện phong thần, đã được thi sĩ Thi Vũ đơn sơ hóa, bình thường hóa, hồn nhiên hóa. Tiếng nói của một tấm lòng. Một thần lực rung rinh vũ trụ.

 

Chỉ trong một áng văn ngắn gọn, đơn sơ trên vài ba trang giấy mong manh. Cũng bao nhiêu ý, bấy nhiêu tình bao nhiêu chữ với 5 dấu sắc huyền hỏi ngã nặng, dấu phẩy, dấu chấm, chữ thường chữ hoa... Mỗi lần đọc lại như tôi được bước vào một thế giới mới, cùng người bạn thân “theo những tầng thơm lục soạn lại bao mẩu đời đã biệt tích nơi vùng xa ký ức” hay “cười ngâm, như cùng khám phá một nỗi diệu kỳ nào của đời sống...” (1) Không hiểu sao tôi cứ dọc đi đọc lại hoài “Chợ Mouffetard” và lòng mãi rạt rào sinh thú. Tôi thực sự thảnh thơi trở về mái nhà xưa đầy tình thân của Quê chung yêu dấu. Tấm lòng Thi Vũ nở những đóa chữ thần tình. Vi vút trời cao, vang rền lòng đất, rúng động lòng người, tươi thắm cỏ hoa. Chẳng còn biết nói chi ngoài 2 chữ cám ơn. Cám ơn trời đất vô vàn. Cám ơn cuộc đời vô tận. Cảm tạ ngôn ngữ vô biên.

 





HÀ CẨM TÂM

đóa chữ thần tình
đọc
"Chợ Mouffetard " của Thi Vũ

(tốc họa của họa sĩ Hà Cẩm Tâm)































Hà Cẩm Tâm

San Jose. Xuân 2007

--------------------------------------------------------------------------------

(1)  Những chữ trong dấu ngoặc kép là lời của nhà văn thi sĩ Thi Vũ.