TỰ DO CÙNG NGÔN NGỮ
50 Năm Văn Học Tiếng Việt Hải Ngoại 1975-2025


ký ảnh của Nguyễn Thảo

 

Phan Thị Trọng Tuyến

Tản Mạn 50 Năm ...  Văn Học Hải Ngoại

 

 

Phan Thị Trọng Tuyến sinh tại Bến Tre. Được học bổng của chính quyền Pháp sang du học ở Pháp vào năm 1969.   Theo học ngành Dược Sĩ Sinh Học (xét nghiệm y khoa).

Cùng với cô em ruột là nhà văn Nguyễn Thị Ngọc Nhung (Đêm Rồi Cũng Qua Đi, 1986), Phan Thị Trọng Tuyến là hai trong số dăm nhà văn nữ thời đầu của Văn Chương Tiếng Việt Hải Ngoại được những chủ bút uy tín như Võ Phiến (Văn Học Nghệ Thuật), Văn (Mai Thảo), Văn Học (Nguyễn Mộng Giác) săn đón và quý trọng.

Phan Thị Trọng Tuyến cọng tác với nhiều báo văn học ở Hải Ngoại khắp các đại lục, Mỹ Châu, Úc Châu, Âu Châu, Á Châu . Đã xuất bản các tập truyện:

Mùa Hè, Một Nơi Khác,1986.

Một Trang Đời, 1988.

Mùa Xuân Và Những Con Dã Tràng,1999

Hồng đăng tại Amsterdam, 2018

Trần Văn Thạch, 1904 -1945, cây viết chống bạo quyền áp bức. Viết với Trần Mỹ Châu , 2014

Tuyển Tập Những Mảng Rời, Lê Tài Điển Và Bạn Hữu. Viết với nhiều tác giả khác, 2017



 

1975 - 2025: đúng 50 năm, cột mốc nhiều chủ đề, trong đó có văn học và đời sống hải ngoại của người Việt xa xứ . Chủ đề này được nàng Gió O nhắc nhở tôi từ vài tháng trước, khi cuộc chiến xâm lăng của Nga vào Ukraine sắp bước vào năm thứ tư, nó khởi đầu cho một truyện ngắn và tôi không sao chấm dứt được bởi có quá nhiều đoạn kết (có hậu và không có hậu), theo tâm trạng tôi thăng trầm vào những thời điểm vô cùng bất ngờ, vì bị lôi cuốn theo tin tức từng ngày vốn thay đổi như mùa đông năm nay: sáng mưa giông, trưa bão tuyết và chiều nắng hanh khô đẹp như giữa hè.

 

 50 năm là cả một cuộc đời. Có khi dùng cả thời gian còn lại để nhớ cũng không kham vì “ trả nợ một đời chưa hết tình sâu (…) Trả nợ một đời không hết tình đâu ” như thần tượng tôi đã hát.

Và xin phép Lê Thị Huệ, tôi chỉ tản mạn về vài người đã  thành thiên cổ trong cuộc đời (văn chương hải ngoại của tôi).

 

Ngồi yên nhìn lại, quãng thời gian đã qua thật nhiều sáng đẹp viên mãn chấm phá vài chao đảo tối tăm. Mọi sự việc đã qua, chỉ một thoáng truy tìm quá khứ, soi rọi các manh mối, những khúc quành, nhưng vẫn bàng hoàng kinh khủng khi nhận thấy trí nhớ đầy lỗ hổng, tất cả là mộng huyễn.

 

Xin mở đầu bằng một người sống, hai anh em xa nhà đi học từ 1969, tôi vừa gặp lại anh trên Facebook

Anh nhắc quân bất kiến Hoàng Hà chi thuỷ Thiên thượng bôn lưu đáo hải bất phục hồi!
Lần cuối gặp nhau, ở Sài Gòn vừa sau sau trận tấn công Tết Mậu Thân đợt hai, tôi vừa thi tú tài 1 và anh vào đại học, tạm ở nhà tôi vài ngày. Tôi thất thần vì mất ông ngoại, anh chắc cũng bơ vơ vì lần đầu rời gia đình vào đại học. Không gian hãy còn nặng nề, tang tóc.

 

Bẵng đi mấy chục năm, cha mẹ chúng tôi đã qua đời. Má tôi là chị em bạn dì, ba má tôi thường nói về ba má anh với lời lẽ trân trong và quý mến.  

Tôi biết anh bị lao tù cải tạo (vì tốt nghiệp Quốc Gia Hành Chánh ) và rồi tha hương như tôi; anh em gặp lại nhau mừng tủi trên... Facebook.

Và không như Lý Bạch mời bạn trăm ly, anh nhắc :

 

Tóc đen nay đã bạc màu

Bơ vơ hồn mộng, trắng phau mái đầu

Quê xa nặng trĩu cơn sầu

Bụi tre khóm trúc còn đâu lối về

Bao giờ cho chín nồi kê

Mười phương ảo ảnh cũng quê hương mình

                                                             ( Võ Hoàng Ân)

 

Khâm phục và ngạc nhiêm khám phá hồn thơ anh và các bạn đồng cảnh ngộ với những đổi trao trác tuyệt (anh làm thơ Đường luật rất hay. Anh tự biện : thì thôi, thơ thẩn phiêu diêu với đời)  nhớ xưa anh tánh hiền lành nên khi thơ anh nhắc quê hương không còn, tôi đùa :

 

Gặp lại nhau xôn xao tim óc

Biết Bến Tre mất một cù lao.

Trải qua một giấc chiêm bao.

Giật mình còn thấy chiến hào trong mơ.

 

Tôi không được phiêu diêu như anh, nhiều ngổn ngang khi trở lại chốn xưa sau đôi lần giỗ mẹ.  

 

Midway city của tôi 50 năm sau đã đổi thay quá nhiều.

Không còn cha mẹ tôi và một số bà con bè bạn thân sơ khác. Và bạn văn, bạn thơ.

Không thể thơ thẩn qua những vuông sân cỏ xưa kia gần như  liên tục, thân cận nối tiếp từng căn nhà thấp, không thể có được cái nhìn thân thiện, ưu ái lướt nhẹ trên những chòm hoa, nhành trĩu nặng cam quít, muôn màu xanh trên thân kiểng, cành dừa nhánh cọ. Cọ, dừa xưa đã chết hay chỉ khuất bóng. Không để lại tăm tích, chỉ thoáng mơ hồ dễ chịu khi nhớ lại. Những căn nhà gần gũi thân cận xưa, bây giờ như những chiếc hộp. Những hộp nhà cao với tường xây kiên cố và kín mít. Chỉ có tiếng chó sủa dài theo bên trong những bức tường.

 

Cuộc dạo quanh các con đường trở nên khô khan nhạt nhẽo vì lối hẹp, bờ tường hung hãn chắn che mọi bề tầm mắt và kẻ trộm. Kẻ mong trộm chút hỷ lạc khi nhìn ngắm là tôi cũng bị vạ lây.

Một thoáng ngậm ngùi dù được giải thích về những luật lệ mới của thành phố, sửa đổi để đối phó với khô hạn, nắng gió, cháy rừng, và tất nhiên với kẻ trộm.

Em tôi kể cảnh sát chỉ đến điều tra khi nào vật bị trộm lấy đi có giá trị trên 2000 USD (?), những cây kiểng bonsai đẹp đẽ do  vợ chồng em nâng niu trồng tỉa đã mấy phen bị trộm khuân đi giữa đêm hay đôi khi cả ban ngày, được camera ghi lại.

 

Nơi đây những sôi nổi thăng trầm của thế hệ di dân đầu tiên vào thời kỳ sinh trưởng đã qua, tất cả  đã chững và trụ lại, đã yên ắng, thoả mãn. Ba má tôi đã gầy dựng lại sự nghiệp trên một khúc đường Bolsa, grand opening của Butterfly signs 40 năm về trước. Và ba má đã lần lượt ra đi vĩnh viễn không kịp thấy lằn mức 50 năm đột ngột, sồng sộc đến.

 

Chỉ còn một chút xôn xao thổn thức cho tôi, khi năm, rồi mười và mười lăm năm về  sau, mỗi khi qua thăm ba má, tôi còn dịp trên xe lướt ngang căn shop cũ, nhìn thấy những người lạ và mường tượng má ngồi may các đường viền của tấm banderolle nhựa và ba huơi cây viết chì hoặc cọ lông thoăn thoắt trên những tấm vải hay mica làm bảng hiệu, các hộp đèn quảng cáo sinh hoạt hàng quán cơ sở buôn bán.

Không biển dâu hay vân cẩu mà như một khoảnh khắc động đất chúng tôi từng nếm qua sau trong hơn nửa thế kỷ tôi làm quen với đất nước này.

 

Cũng chỗ shop ấy, một lần cả nhà bị một tên cướp Mỹ (đen hay trắng) dùng súng uy hiếp, nhốt trong restroom rồi tẩu thoát sau khi lục lọi lấy tiền bạc nữ trang. Má tôi luôn lạc quan sau mỗi lần mất mát, thất bại. Những lần má khóc trước mặt con cái (tôi chẳng hạn) rất hiếm hoi, còn khi má khóc một mình, tôi chỉ đoán già đoán non. Tôi nhớ hoài một lần về thăm nhà, má hỏi tin về một bạn quen vừa mất của tôi, tôi kể xong, nhìn lại, má khóc lặng lẽ thật lâu làm tôi ân hận.

 

Cách shop vài căn, cũng trên đường Bolsa, ít lâu sau, đến lượt tiệm uốn tóc cũng chung số phận, mà ngay chiều hôm ấy má tôi thay vì đi thẳng về nhà, lại quyết định đi nhuộm và uốn tóc. Má tôi khi ấy còn trẻ đẹp - ba má khởi nghiệp mới khi chưa đầy 60 tuổi- và má rất diện (năm 65 tuổi, chính tôi còn đi nhuộm tóc nữa là) có lẽ ngồi hàng trong cùng của tiệm, lại ôm bóp tiền, giữ chặt dưới tấm áo choàng, đầu tóc còn các ống cuốn uốn nhuộm trong nồi hấp khi kẻ cướp xông vào...vung súng gọi các bà móc tiền, gỡ nhẫn hay bông tay dây chuyền đưa ra rồi nhanh chóng đánh bài tẩu thoát. Cũng may, bà chưa kịp sợ hoặc có khi không sợ. Nên khi nghe chuyện, lũ chúng tôi thêm dịp nhao nhao bàn ra tán vào, cười cợt vui nhộn, ồn ào khen má vô bưng kháng chiến theo Việt Minh bị Tây thuộc địa rượt đuổi, thời trẻ lại trốn Việt Minh ra thành, bị Việt cộng rượt tiếp phải rời bỏ mồ mả ông bà lập nghiệp nơi vùng đất mới để rồi đến lúc về hưu bị Mỹ đế quốc cướp. Má chống chế : Ối thôi vài chục (trăm?) bạc có bao nhiêu! Và (lại) bắt đầu nhắc những câu chuyện riêng : cuộc tình thời kháng chiến, khởi nghiệp ở Sài gòn, lập nghiệp Gia định, thời chiến tranh Quốc – Cộng, thời hoà bình, những kiểu chết, những kiểu mất mát, phản bội, thảm kịch của người này, kẻ kia... 

 

Đó là bối cảnh và nguyên nhân bắt đầu cho cái “duyên nghiệp” văn chương của tôi. 

Không truy tìm thì làm sao biết nó đã sinh thành ra sao? Từ cái tham (vọng) sân và si không muốn quên những đau thương, không muốn chỉ nhìn về tương lai.

Bây giờ nghiệm lại, có khi nhờ tấm gương nhẫn nại và lạc quan của cha mẹ, nên chúng tôi nói chung vui sướng an lạc, các tai nạn khác coi như tai bay vạ gió không để lại dấu ấn tổn thương?. Nói cho cùng, có khi vì tuổi già dễ quên, tim óc cạn kiệt, thêm bản năng (/ lẽ) sinh tồn, tôi chỉ giữ được những thứ khiến mình không bị tổn thương.

Có lẽ nhờ vậy các khoảnh khắc êm đềm trái khoáy trong những chuỗi ngày thời đại dịch, giữa hai chuyến đi về Midway, cho tôi thấy rõ sự trống vắng quái lạ đầy cưỡng ép, cảm nhận được những lo sợ và xôn xao xung quanh mà lòng dạ mình vẫn nghe...êm đến mức lạnh lùng và tàn nhẫn.

 

Đó là những ngày cuối của má tôi trong bệnh viện, tôi đi về giữa ngôi nhà ấm cúng của các em và bệnh viện với mùi tử khí sạch sẽ vô hình nhưng hiển hiện.

Mạng lưới nhân duyên của tôi được tao nên từ những mắc xích thật đẹp, bởi những con người văn chương ấy, của các vẻ đẹp làm nên một mặt đời sống, những khoảnh khắc có thể gọi là hạnh phúc dù người đọc có rơi nước mắt, quặn thắt ruột gan. Người viết văn, làm thơ, vẽ tranh, làm nhạc. Mỗi khi đọc họ - hoặc xem tranh, nghe nhạc- là một chuyến đi, một khám phá những gì sâu lắng, tốt đẹp, riêng tư, lạ lẫm đến kinh ngạc nhưng rõ ràng nghe thấy một thứ đồng cảm nào đó, một thứ mẫu số chung nào đó. Khiến tôi yêu tất cả (trừ một vài trường hợp không hiểu vì sao, tôi không dám đến gần có lẽ do định kiến từ một kiếp nạn xa xưa?)

 

 Nên lợi dụng lý do tất cả đều đã khuất bóng, xin mạo muội gọi họ là bạn, cầu mong ở thiên đàng hay một nơi chốn yên lành nào đó, tất cả tha thứ cho tôi tội dám bắt quàng làm bạn này. Và tự do ngôn ngữ là ở đây.

 

Bạn văn ở bên này hải ngoại

 

Đó cũng là những ngày cuối cùng ở Garden Grove hay Westminster, tôi gặp anh Vũ Huy Quang. Hai anh em ngồi uống cà phê, nói chuyện chẳng đầu đuôi, xen kẽ những câu anh mắng nhiếc “chúng nó”. Anh chỉ chiếc xe anh mới mua, xì port, rất độc thân, anh lái đi về đây từ chỗ anh ở Pacifica, dẫn chúng tôi về nhà khoe tượng Phật thời cổ. Anh nói anh đang bệnh nặng được chăm sóc có cô bạn chăm lo sức khoẻ thuốc men. Không dám hỏi tới nhưng tôi nghĩ là mình ý thức được căn bệnh ấy, dù tôi không nhìn thấy nó, anh vẫn cười nói rất có duyên, kể chuyện vui của “chúng nó”

Và tôi liên tưởng từ căn bệnh này đến lần đứng tim trước, khi ghé nhà anh ở Pacifica, và nhìn thấy bầu rượu to tướng có mang chữ vodka, chai 5 l đã vơi một chút dưới chân bàn ăn trong gian phòng nhỏ của anh  Anh nói anh không sợ bệnh nhưng rất sợ đau, Tuyến biết không? Tôi không biết bệnh anh đến giai đoạn nào để khiến anh nói như vậy. Tôi nhớ đến những bức thư và tài liệu ngày xưa anh gửi để dạy tôi cách viết đối thoại, vì Tuyến viết phần này chưa tới lắm!

 

 Tôi rất thích trò chuyện với anh vì những câu mắng yêu mắng thương rất có duyên của anh về bạn anh mà tôi nghĩ nếu họ có mặt họ cũng sẽ đáp trả mà không có chuyện lôi thôi : chúng nó chán lăm, anh chả muốn chơi với thằng nào nữa.

Lần trước khi anh về Việt Nam trở qua, anh mím môi, trừng mắt kể: Tưởng tượng xem, về Hà Nội, chúng nó chở anh đi tìm gái, tưởng tìm gì. Đi tìm gái!

 

Dĩ nhiên tôi nhớ anh Khánh Trường có kể chuyện các anh/ ông từng viết sách khêu dâm để có tiền in báo in sách và dĩ nhiên tôi cũng từng đọc chúng. Tôi ngẫm nghĩ (sức mấy dám nói ra!) rằng lần về đó ý nguyện của anh rất ...chính trị, nhưng ai biểu, tại anh chứ, có gan viết Nhục Bồ Đoàn  thì ráng chịu khi người ta chỉ thấy cây thịt sờ sờ che lấp rừng nệm cỏ.

Cũng thật buồn cười khi đọc lại những đối đáp văn thơ dí dỏm của Vũ Huy Quangnhà thơ di cư nhức đầu[1] và các truyện ngắn tuyệt hay của anh[2]. Bạn bè thân nhau đến thế mà không có gì để nói mà thôi thì là thôi! Một bạn thân nói tính anh “hay dỗi”!

 

Thấy anh thật dễ mến, dễ thương, khi nhìn anh đối đáp với mẹ hay người yêu.  Có lẽ khi nổi giận, anh biết cách gây chấn động và tổn thương lâu dài?

Ngày xưa khi anh viết email cho tôi thường rất là serious, hỏi thăm các cụ Đệ Tứ ở Paris, về sách vở báo chí, tài liệu các cụ viết mà thật sự tôi khi đó cũng như anh, đang tò mò muốn hiểu về lịch sử, đời sống các cụ, biết rồi thì thương cảm, vui mừng khi tận mắt tận tai nghe thấy và đọc những nhân chứng sống của những trang sử gió bão định đoạt một phần số mệnh Việt của thời kỳ thuộc Pháp.Tài liệu chứng nhân quý hiếm một thời.

 

Anh sang Pháp nhiều lần, đối thoại và hỏi han các cụ. Và thỉnh thoảng gửi tôi những chứng từ của ...trotskystes...Mỹ hiện đại để khoe rằng Mỹ cũng có trốt kít, chớ xem thường.

Khi liên lạc qua email, anh thường thẩy cho vài câu nhại chế ca dao thời chiến và tôi cũng lập tức phản bác. Cho đến khi máy tính của tôi bị hư hại, không cách nào cứu vãn những dòng thơ đối đáp.

Anh mất một năm sau lần gặp đó, tôi thương tiếc, nhớ đến anh như một người thân quý trọng trong gia đình. 

                                                                                                                     

Cung bậc thân quý có với các bậc đàn anh khác như Nguyễn Xuân Hoàng và anh Nguyễn Mộng Giác, khi đến nhà anh chị Nguyễn Mộng Giác – Diệu Chi, chỉ cần nhìn thấy nét vui nơi bạn bè tụ hội đông đầy như tiếng cười, nhất là của chị Diệu Chi.

 

Nhờ Nguyễn Mộng Giác tôi bồi hồi đọc những số Văn Học Nghệ Thuật đầu tiên cũ mới cho đến Văn Học, chưa kể đến các báo (chợ) anh làm thời đó, với lòng khâm phục sức làm việc và sáng tạo của anh. Cảm xúc vì những tấm lòng văn chương, sau bao nhiêu hiểm nguy lo âu, mất mát, vừa đặt chân nơi đảo lạ, trại tạm cư, đã giúp nhau tạo một không gian quê hương, từ một chút nhà thờ, một chút chùa, báo tường, báo tay, làm văn làm thơ.

 

Anh Nguyễn Mộng Giác với bộ trường thiên Mùa biển động đã dựng lại dòng sử còn tươi nước mắt, bận bịu với sinh kế, với trăn trở và thôi thúc ghi lại lịch sử bằng vai trò nhà văn mà anh còn nghĩ đến và khuyến khích, thúc đẩy tôi tiếp tục viết như đối với một đứa em, một học trò và hơn thế nữa. Khi anh mất rồi, tôi ngồi lục lọi chồng thư cũ, ngẩn ngơ khi đọc một dòng thư quý giá. Anh khen ...coup d’essai, coup de maitre (về truyện bóng đêm cuối cùng). Có lẽ thời ấy nó đã như câu chú vừng ơi mở cửa khiến tôi lấy hết can đảm trút bỏ sự nhút nhát của mình. 

 

Bác Mai Thảo và bác Võ Phiến cũng có những ưu ái thật đáng yêu như vậy đối với kẻ hậu sinh và mầm non điếc không sợ súng là tôi[3]. Mở đầu cho những tình bạn (văn chương) tôi rất trân quý.

Còn biết bao kỷ niệm không kể xiết với nhiều người đã qua đời khác, có người thân, người sơ, gặp nhiều lần hay chưa hề gặp, gần xa, nhờ những năm văn chương này đã mang lại cho tôi.

 

Bác Mai Thảo gửi báo tặng rất đều, tôi thích giữ những tờ thư  riêng ngắn, như Đặng Mai Lan, có khi giữ cả bao thư, giấy vàng nét chữ quen thuộc của ông.

Chỉ vì tôi viết trong thư trước cháu thấy thơ bác buồn quá.

Nên trên một tờ giấy khổ nhỏ, Mai Thảo chép tặng tôi sáu bài tứ tuyệt  Cuối năm, Đường Hương, Đầu năm, Trừ tịch, Sáu chụcTiểu phiến[4] và thêm : có thấy thơ tôi làm chơi có cái đùa nghịch về chính mình ở trong không? Thấy thì thấy nó đâu buồn quá!

Ở trang sau, bác viết thêm dưới bài thơ Sáu chục : tôi rất thích 2 câu thơ  Nguyễn Bỉnh Khiêm

Sáu mươi hai tuổi xuân đà muộn
Xuân ấy không còn xuân khác còn

 

Hình Mai Thảo ngồi ghế đá (như ) chờ xe bus, nét cô đơn nhiếp ảnh gia Nguyễn Bá Khanh ghi lại, rất khó ai quên, như trong tôi, một lần xe chạy bên kia đường phố Bolsa, gần khu nhà bác ở, tôi bắt gặp bác đứng chờ đèn xanh, chai rượu trong bao giấy, chiếc áo blouson màu vàng nhạt tứ thời và nét thầm lặng cô đơn muôn thuở. Khác một chút với khi ngồi trong bàn ăn, bác không ăn hay ăn rất ít, ngà ngà lớn tiếng ngâm thơ.

 Lần cuối anh Khánh Trường dẫn tôi vào thăm Mai Thảo trong bệnh viện, bác ốm nhom nhưng trầm tĩnh hỏi han. Ra vào bệnh viện, tuy là một cách cho ta quen với ...tương lai nhưng tôi vẫn không thích và càng không thích thì càng phải đi đến. Ôi đời người ai cũng phải thấy biết bao bệnh viện, ngay khi mới chào đời!

 

Suốt thời kỳ bệnh anh Khánh Trường, tôi chỉ theo dõi trên Facebook, Thấy anh cũng bi quan khi đau đớn, muốn tung hê viết cọ, khi quyết sống và viết vẽ hăng say, sau cùng kiệt lực, anh cũng buông tay, trước bao thương tiếc của bạn bè thi văn hoạ hữu. Tôi rất thích tranh vẽ và những  tập Hợp Lưu cả bìa ruột đều đẹp tuyệt anh đã làm. Một dòng sông đến từ những con lạch muôn phương, ồn ào gấu ó hay thầm lặng thương yêu, đố kỵ hung hãn...đa dạng, đa nguyên, cũng là thâm tình một thời.

 

 Khi anh Nguyễn Xuân Hoàng lâm bệnh, tôi chỉ thăm được anh trên mạng lưới Internet, anh như một người anh đáng quý khác, mỗi lần anh sang Pháp, hễ không phải bận đi làm là tôi chạy lên thăm anh, tác giả Người đi trên mây, căn nhà ngói đỏ...Tôi đọc và thích truyện của anh từ ngày còn ở VN, được hội kiến anh bên này hay bên kia đại dương thật khó tưởng tượng được, khi anh làm tờ Văn thế bác Mai Thảo anh hay sang Pháp và Cổ Ngư hay réo bạn bè chạy tới gặp.

 

Có một vài lần tôi liên lạc với anh Nguyễn Mạnh Trinh, đọc anh :                         

                                         …      Gửi cho ai, nỗi chán chường

                                                  Ca dao vài khúc văn chương cõi ngoài

                     (...)     Chuyện gì, sách vở, văn chương

                                Kể cơm áo những lọc lường bủa vây

                                                    (Thơ Nguyễn Mạnh Trinh 1985 Người Việt)                                                 

Những hệ luỵ chung cho mọi người, tính luôn cho thi sĩ Ở một chỗ ai cũng hèn như cỏ Thân sâu đo đếm mãi lối chông gai (NMT)

 

 Lời cay đắng hơn một lần anh Khánh Trường nói với tôi, mạnh hơn, về chốn văn chương :  đây là nơi gió tanh mưa máu!

 

Cùng tuổi với Nguyễn Mạnh Trinh, có Phương Sinh ( Chân Phương)  người thơ và nhạc sĩ khắc khoải, nhà giáo bác học và  cực kỳ nghệ sĩ, bạn tôi :

                                    bia bọt uống không say

                                    boston sương mù dày

                                    …

                                    công viên rồi đại học

                                    quán sách lại nhà thờ

                                    rơi mất tấm bản đồ

                                    chán chẳng thiết làm thơ

                                      (Bổ túc lý lịch cho loài di dân)

 

  Chân Phương  làm thơ, sáng tác nhạc; đời sống dạy học có vẻ nhàn nhã và chốn sống nên thơ, giữa các chuyến đi xa và gặp gỡ bạn bè, anh là chúa đảo chung quanh là biển nước mây ngàn, bên trong nhà  trùng trùng sách vở, trên kệ, quanh bàn ghế, quanh giường, trên các bậc cầu thang, tràn ngập lời ca tiếng nhạc cổ điển,  Trịnh Công Sơn... Anh có trí nhớ khủng khiếp, yêu bạn bè, thương em út ít, nhưng đọc anh, tôi cũng nghe thấy và tưởng mình thẩm thấu một nỗi bất bình và những đau đớn không tên[5]. Lần trước đến thăm chúng tôi, anh đàn và hát cho nghe một bài anh rất ưng ý cầu Mirabeau. Khi đó anh vui và khoẻ.

Lần cuối gặp anh ở Boston, và ốm tong teo, buồn lặng lẽ.

 

 Hai thi nhân qua đời đột ngột khác là Cung Trầm Tưởng, Viên Linh; tôi gặp ở Virginia với rất nhiều cảm xúc bồi hồi nhưng chưa kịp bày tỏ. Anh Viên Linh với những tờ Khởi Hành ở hải ngoại do anh gởi đến. Dù đã đọc anh sau này, nhưng tôi thuở trước 1975, nhớ đến anh vì rất thích những tựa sách ( đa số tôi không được đọc) Cánh cửa đêm thâu, Cuối trời hôn mê, Hạ đỏ có chàng tới hỏi, Thị trấn miền đông, Lòng gương ý lược...

 

 Thật khó kể cảm tưởng khi đứng cạnh tác giả của Một hành trình thơ 1948- 2009 hình ảnh ga Lyon đèn vàng, người em mắt nâu, tóc vàng sợi nhỏ ...điệu nhạc Phạm Duy và tiếng hát Thái Thanh. Tiễn emTương phản (Chưa bao giờ buồn thế, Bên ni bên nớ ). Thơ nhạc ấy là tiếng quê hương

Cung Trầm Tưởng đọc rất kỹ và những nhận xét chính xác và phê bình phong phú về quyển Trần Văn Thạch, cây bút chống cường quyền áp bức thời thuộc địa ở miền nam trong đó tôi góp phần dịch sang chữ Việt những bài báo viết bằng tiếng Pháp của Trần Văn Thạch[6].  Ông còn phê bình hai quyển sách tôi đã đọc và thích nên mua tặng ông. Ông mất năm 2022, tôi thương tiếc quý trọng, trách mình không nghĩ đến việc thu giữ những lần ông gọi trò chuyện bàn luận về văn thơ, chính trị.

         

Một trong những bạn văn quen rất lâu ở Pháp, anh Hồ Trường An cũng thư từ và điện thoại thường xuyên trong thời gian đầu. Về sau anh nổi tiếng và viết liên miên, chúng tôi cũng bận bịu và dọn nhà đôi lần nên thất lạc nhau. Anh viết những truyện ngắn đầu tiên và vài ký sự thật hay. Những truyên dài có nhiều chi tiết thú vị nhưng đôi khi anh ...tỉ mẩn...như Proust (!), thêm sự huyên thuyên và sắc sảo của một bà già trầu lắm chuyện, khác hẳn những bà già trầu miệt quê tôi, khiến nhiều khi tôi không đủ can đảm đọc tiếp sau vài trang đầu. Không cò thì giờ để đi Paris gặp gỡ những bạn văn khác, như cố thi sĩ Huỳnh Mạnh Tiên. Tin anh mất đến với chúng tôi thật bất ngờ. Người nha sĩ làm thơ yêu vợ, thơ dễ mến như con người của anh.

 

Có những tin bất ngờ, khi kẻ ra đi hãy còn trẻ, bạn bè và người hâm mộ như tôi đều ngậm ngùi thương tiếc, nhưng càng nghe mất mát khi có thật nhiều kỷ niệm với những người lớn tuổi như  các bác Đệ Tứ Đặng Văn Long, Nguyễn Văn Liên, Hoàng Đôn Trí, Hoàng Khoa Khôi, Nguyễn Khánh Hội và càng nghe hụt hẫng, bởi các bác, người viết sách, kẻ làm báo, đã dạy tôi vể lịch sử về tình bạn[7] là những chứng nhân cuối cùng của thế hệ thanh niên làm công binh, lính thợ, thông ngôn bị bứt rời khỏi quê hương làm nô lệ. Tôi nâng niu giữ gìn sách vở, bút tích của họ, những cuộc đời sóng gió, không phút nào ngưng hướng về quê mẹ.       

                   

Hay bạn ở bên kia

 

Sau khi gặp Nguyễn Huy Thiệp tại Pháp ở nhà chị Thuỵ Khuê, ít lâu sau tôi về Hà Nội thăm anh và hiền thê  Trang, anh chị đưa về nhà đãi cơm, cho ăn những quả ổi ruột hồng rất ngon và xem tượng Phật anh thực hiện đặt sau khu vườn nhỏ. Khó ai thời ấy có thể quên tác giả “Tướng về hưu” gầy gò, khắc khổ, viết những câu chuyện kinh hoàng và lời văn ngắn sắc lạnh.

 

Và kỷ niệm tôi không thể quên với quý anh Lê Bầu, Vũ Huy Cương, và đặc biệt Nguyễn Quang Thân, mỗi người đã cho tôi những bài học về lòng yêu văn chương nghệ thuật trong hoàn cảnh ngặt nghèo khó khăn, để hiểu cụ thể thế nào là quyền tự do sáng tạo.

Lần ghé thăm Kiều Duy Vĩnh rất đáng nhớ.

Anh ái ngại khi thấy sự bàng hoàng của tôi: lần đó tôi đến thăm anh theo địa chỉ anh Vũ Thư Hiên cho,  khi anh đưa tôi ra khỏi ngõ nhà anh, thì một đứa bé độ mươi mười hai tuổi, từ phía sau, vượt bước ngang ra, nhổ toẹt trước mặt chúng tôi một bãi nước bọt. Anh kéo tay tôi, an ủi : “trẻ con Hà Nôi bây giờ mất dạy thế đấy, em đừng chú ý”

 

 Thật ra tôi xốn xang vì lòng căm thù khinh khi biểu lộ ở đứa bé này. Hẳn là anh Vĩnh đang bị canh giữ, theo dõi từ ngày bị kết án “xét lại”. Nếu là công an chuyên nghề canh cửa phản động xét lại thì nói gì, nghiệp vụ của họ thôi, nhưng đây là một đứa bé, con cái nhà hàng xóm, và thời bấy giờ, 1997, đất nước thanh bình và thống nhất, hoà giải và hoà hợp. Hoá ra anh vẫn bị bị trù dập, quản thúc theo dõi từ những năm cuối 1960, anh thuộc nhóm phản động, xét lại, những người khi đó chưa hẳn thuộc về muôn năm cũ, giỏi tiếng Pháp, tiếng Nga, tiếng Tàu, như Lê Bầu, Vũ Huy Cương...như nhóm Nhân Văn giai phẩm trước họ, những con người bị truy cùng quét tận với những bản án chung thân khổ sai không thành văn.

 

Anh Vũ Huy Cương đưa tôi qua nhà thi sĩ Trần Dần, gặp phu nhân tác giả Cổng Tỉnh, nhìn thái độ ân cần thân thiện của bà đối với anh, tôi hiểu vì sao anh như vài tội đồ khác  trong nhóm NVGP, tuy lây lất, vô gia đình, vô sinh kế, không nơi trú ẩn, nhưng còn sống được nhờ tình thương và quý trọng của bạn bè thân cận[8].

Khó quên được khoảnh khắc quặn thắt khi anh Nguyễn Quang Thân gọi điện cho tôi báo tin anh Cương qua đời vì bao tử chảy máu mà không ai đưa anh đi cấp cứu kịp lúc.

 

Như khi biết Hữu Loan, cùng với  màu tím hoa sim đi vào nơi miên viễn- ông gủi tặng tôi bản viết tay bài thơ danh tiếng trên xấp giấy kết dính lại bằng những sợi dây nhựa màu hồng.

 

Từ thuở Trăm hoa đua nở ấy với những đoá hoa lạ : Hoàng Cầm, Lê Đạt tôi đều được diện kiến, hân hạnh sung sướng như hồi đi học được lãnh phần thưởng cuối năm. Thi sĩ Hoàng Cầm Về Kinh Bắc lần gặp ngắn ngủi, tôi không nhớ phần nội dung và ngày giờ nhưng chắc ông có ghi lại vì như những người bị dính dáng đến Nhân Văn Giai Phẩm nhà ông có người rình rập và theo dõi. Cho nên khi gặp và trò chuyện với thi sĩ Lê Đạt, được tặng tập thơ mới của ông tại nhà hoạ sĩ Phan Nguyên khi hoạ sĩ chưa về Việt Nam sinh sống, tôi ngạc nhiên thích thú vì nghĩ thời đoạ đày của các trăm hoa ...đã qua. Càng thêm vui khi nghe các ông Nguyễn Mạnh Tường, Trần Đức Thảo được xổ lồng và sang Pháp

 

Từ những lúc đọc Triết lý đi về đâu và bài viết bác Hoàng Khoa Khôi công kích triết gia và phê bình kịch liệt bác sĩ Nguyễn Khắc Viện, tôi biết về các ông như những huyền thoại.

Đi nghe Trần Đức Thảo tại Paris khi ông trình bày công trình nghiên cứu về hiện tượng học và ngẩn ngơ bàng hoàng khi ông qua đời vài ngày sau đó.

 

Nhờ anh Đặng Tiến giới thiệu, cho địa chỉ, tôi gặp được thi sĩ Hoàng Cầm tại Hà Nội và Trịnh Công Sơn vài lần ở Sài Gòn. Trịnh Công Sơn là thần tượng của tôi, thấy anh xa xa một lần ở Huế năm 1973 và sau đó tới nhà anh, ăn cơm cùng gia đình, ngồi nói chuyện và hỏi anh về những bài hát đã ru hồn tôi trong những năm đầu xa nhà, còn hạnh phúc nào bằng.

Anh Đặng Tiến “ bắt ” tôi và nhạc sĩ  mỗi người ngồi viết một trang giấy với đề tài “mùa hè một nơi khác”, một kỷ niệm khó quên.

 

Sau này đọc những người chưa hề gặp như Bùi Ngọc Tấn, Trần Đĩnh, nhất là người sau, tôi ít khi tìm thấy lại niềm vui  nhẹ nhàng của thú đọc sách từ thời ấu thơ, đọc mê say nhưng nghe đau đớn ngậm ngùi.

Khi cầm cây nhang trước bàn thờ Trần Dần ( “Tôi không bao giờ hú với chó sói, chỉ một tôi này họ chẳng thể tha tôi”), tôi như gặp được ông lần đó và sau này đọc thêm tài liệu Thuỵ Khuê, Phạm Thị Hoài và nhất là đọc di cảo ghi lại do hoạ sĩ Trần Trọng Vũ, con ông, tôi càng thêm thấm thía.

 

Tự do cùng ngôn ngữ là đây, Lê Thị Huệ ơi!

 

Tất cả chúng tôi ở nơi này đã có những trò chơi văn chương, đa số rất tự do cùng ngôn ngữ, kết bè bạn tự do, tuy ít nhiều lăm khi cũng bị lôi kéo ảnh hưởng. Chúng tôi là những sinh vật mềm yếu vì quá dư thừa cảm xúc và cả cảm tính.

Tôi nhớ có một dạo, đề tài tính dục, ca tụng thân xác hay tả chân nhục cảm nhục dục đã bùng lên sôi nổi, vài người nằng nặc bảo tôi phải viết bạo lên đi chứ, viết gì mà hiền khô vậy.

Ai thích bị áp đặt, nhất là ở xứ sở tự do này?

 

Trời đất, hơn nữa, thời đó tôi đang hành nghề xét nghiệm y khoa, suốt ngày lấy máu me làm test sida, giang mai, sốt rét., nhìn và chạm vào đủ thứ “sexe” đực cái và “lục lọi, soi mói” để lấy mẫu cho nhân viên tìm vi trùng định bệnh và lắm khi “đích thân”xem và đếm lũ tinh trùng như nòng nọc lội ngang lội dọc dưới kính hiển vi trong những lần xét nghiệm để phán quyết về khả năng của chúng trong các thể thức định bệnh vô sinh thời bấy giờ.

 

Yêu nhau với cảm xúc, giao phó và giao cảm với nhục cảm, khoái cảm ...các tần số rung động vô biên và vô phương ...tả chân sau một ngày dài xử lý tinh dịch, phân và nước tiểu...Nhất là thời kỳ đỉnh điểm của aids (sida) và  nhất là đầy vẻ định hướng đối với tôi. Erotissimo và porno tuy một vần nhưng cung điệu và cảm nhận không thể đi chung trong tuổi mới lớn và tuổi chín mùi cho trọn vẹn theo nhu cầu thân xác. Romantisme và voyeurisme là hai khung trời chẳng thể dung túng nhau. Có khi tôi cảm nhận -chủ quan- một thứ tò mò ấu trĩ lộ liễu không có mỹ quan, thiếu cái tinh tế văn chương.

Khó khăn càng thêm khi thuở ấy các vụ hải tặc Thái Lan hãm hiếp thuyền nhân đang đến thời tố tụng trước toà án quốc tế. Nhiệm vụ của một nhà văn, theo anh Phan Huy Đường là gọi con mèo là con mèo, anh khuyên hãy Vẫy tay gọi làm ngườitư duy tự do  ( + penser librement )

 

Hãm hiếp, loạn luân là những vết nhơ, là cái nhục cho người đàn ông khi phạm tội, tôi nhớ đại khái Võ Phiến đã viết như vậy. Sao không nói tới những tổn thương của kẻ bị cưỡng bức, hãm hiếp. Không cần phải là những phụ nữ mới nói lên được cái đau đớn chấn thương ấy. Nhà văn Nhật Tiến đã tố cáo, đã lên tiếng, tôi kính trọng nỗi đau và khâm phục vợ chồng nhà văn Nhật Tiến.

Khó khăn như khi tôi giải thích cho khách bệnh nhân cách lấy tinh dịch và cho hết vào cái hộp nhỏ này nhe ( nhớ hứng trọn vì tôi cần có dung tích để tính toán nghe ông !), hay khuyên họ bình tĩnh chịu đau khi tôi đưa que ngoáy vào mỏ chim phạm tội lấy mẫu nuôi vi trùng bệnh lậu. Bây giờ khoa học tiến bộ, chắc là phương tiện, thể thức định bệnh bớt dã man hơn chăng và những bà già về hưu (như tôi, như Marguerite Duras) sẽ viết dễ dàng và say sưa-không cần ai khích tướng và xúi biẻu- về dục tình, dục tính khi tràn nghập nostalgie và hết méo mó nghề nghiệp ?!

 

Và bạn văn đi về bên này & bên kia

 

Trang tưởng niệm sau cùng này để nói về bạn tôi, Mai Ninh, họ Trần hay Nguyễn, theo cách MN, ký trên giấy tờ, trên công trình khoa học… hay xưng hô Mai hay Ninh.

Mai Ninh đã ra đi ngày thứ bảy 22 tháng 3 vừa qua tại Thủ Đức.

 

Mai Ninh được học bổng Pháp, đi chuyến 1968 từ Sài Gòn cùng với một đám nam nữ tú tài toàn phần đa số ra từ lò trung học Việt như Hoàng Yến, Nhàn Phạm, Lê Văn Tân, Đặng Thế Kiệt, Nguyễn Quang Trọng, Trần Quan...vào thời điểm ông Tổng Trưởng giáo dục Việt Nam Cộng Hoà Lê Minh Trí bị ám sát, và tôi cũng ra như Mai Ninh vào niên khoá 1969 tháng 10  với khoảng 40 đứa khác, nửa trường Việt nửa kia từ Marie Curie Jean Jacques Rousseau...Nguyễn Minh Châu ( Silicon Band), Võ Thị Kim Nga, Tăng Lệ Dung, Đặng Vũ Trường, Trần Nguyệt Châu, Trần Kính Lan Anh…Nhờ  chúng tôi còn giữ các giấy tờ như nghị định bộ giáo dục nên có danh sách từng người. Biết nhau từ 56, 57 năm sống trên đất Pháp.

 

 Khi mới đến, chúng tôi (bị) phân chia tứ tán về vùng Bắc vùng Đông nước Pháp từ Normandie cho đến vùng Lorraine, Poitiers, Limoges.. Còn liên lạc chặt chẽ và nuôi giữ được tình bạn cho đến bây giờ. Thì mất nhau là mất cả một trời thương nhớ đã trao cho nhau.

 

Mai Ninh học và tốt nghiệp rồi lập gia đình, làm việc ở Caen thuộc (Basse) Normandie cho đến khi về Việt Nam nghỉ hưu còn tôi cũng vậy ở vùng Lorraine gần 30 năm sau mới bò về (Haute) Normandie.

Chúng tôi đã tổ chức gặp lại nhau cùng các bạn khác sau 30 năm, 40 và 50 năm. Còn nhóm nhỏ chúng tôi hơn mươi người may mắn gặp nhau thường hơn.

Bạn tôi Mai Ninh một lần mắc bệnh nặng nhiều năm trước, đã hồi phục và bây giờ lại bệnh thật nặng từ hè năm ngoái 2024 khi quay về bên kia sửa soạn để trở lại hẳn bên này. Hoá ra dường như  chúng tôi gặp gỡ rất ít mà từ giã nhau rất nhiều lần. 

 

  Mai Ninh đã từ giã chúng tôi ngay khi về hưu, về Việt Nam sống, rất quyết liệt : bán nhà, thanh toán của cải (sách vở).

 Từ đó bọn tôi như một đám Ngưu Lang chờ Chức Nữ Mai Ninh theo mưa hạ leo lên cầu vồng quay về Pháp, mỗi lần cũng chẳng bao nhiêu thì giờ cho nhau, chật vật lắm mới tìm ra một khe hở, đi chơi với nhau một tuần thôi, rồi sau đó mạnh ai nấy đi chơi riêng.

 

4 cặp chúng tôi với Mai Ninh và một cô độc thân (Kim Hải) bên Mỹ, thường có các chuyến du thuyền đi Bắc Âu ( Na Uy Thuỵ Điển..) hay Á châu (Thái lan, Singapore, Mã Lai, Nam Dương) nên chỉ đủ nói cười giỡn hớt như một lũ trẻ con. Hè cuối 2024, ôm nhau từ giã, tôi chẳng đặng đừng xót xa hét lên với Mai Ninh trời ơi  sao nhỏ này mày chỉ có xương với da thôi vậy. Thật ra bao giờ thấy nó có thịt mỡ đâu. Nhưng những lần trước, tôi “tế nhị” hơn chỉ hỏi có ăn uống đàng hoàng không, vận động thân thể ra sao. Mai Ninh thiệt thà khai tao ăn nhiều mi ơi, tập tành 20 phút mỗi sáng, chẳng giao thiệp với ai, đi xe đạp loanh quanh nơi ở. Hỏi vậy thôi chứ biết khi đi chơi chung, Mai Ninh ăn uống đúng giờ và cẩn thận. Đời sống tinh thần bên kia hay bên này cũng trọn vẹn vì bạn bè bốn phương không ngớt ghé thăm và việc làm từ thiện. Khi về Pháp, Mai Ninh cho biết cũng thường du lịch với các nhóm bạn khác. nhưng tôi nghĩ Mai Ninh vẫn cô đơn. Càng nhiều bạn càng đi chơi thì nguồn cảm hứng văn chương càng phong phú đa dạng nhưng ngược lại có lẽ nỗi cô đơn dằng dặc đeo đẳng vẫn còn đó và lớn phồng thêm ra khi bạn rời xa trở về nơi bạn ở.

 

Một lần đi chơi xa, có lẽ là lần duy nhất chỉ có hai đứa tôi ngồi cạnh nhau suốt chuyến bay, không ngủ, tỉ tê tâm sự, tôi ngồi nghe nhiều hơn nói, xúc động mềm lòng trước người bạn mong manh, rắc rối, đa sầu đa cảm nhưng can cường, tinh tế, lúc nào cũng nhường nhịn và thương bạn.

 

Khó lòng tưởng tượng được nỗi cô đơn có được nơi cô gái nhỏ thông minh, tài ba, con một, nhà giàu, học giỏi được nuông chiều… văn chương sáng đẹp, làm việc khoa học cực kỳ chỉn chu, lịch sự, duyên dáng tinh tế khiến có lúc tôi đến phát ghen lên, nghe mình mộc mạc, đơn điệu, nóng nảy, cục mịch đến thô lỗ, sỗ sàng.

Sao mày nấu ăn ngon quá hả nhỏ, nhà cửa đẹp đẽ như ngôn ngữ trong sách mi viết, Tết nhất cúng giỗ ông bà tươm tất, chiều đãi bạn bè như khách thượng hạng.

 

Chỉ chuyện đi về quê hương này sang quê hương kia, nhìn Mai Ninh lủi thủi và tất tả luôn vội vàng như rượt theo thời gian thì thấy thương và thán phục, văn cừ khôi mà toán cũng cừ khôi. Tôi kêu ca bảo chậm lại thì Mai nói không vội nhiều đâu, tao quen làm thật nhanh vì còn bao nhiêu chuyện phải làm, từ dạy con học đến nấu ăn, cả khai thuế, việc ngoài vừa xong là lo việc trong.

Người nhẹ như cánh bướm mà tính tình cương quyết, cứng cỏi. Vai gầy nhom mà gánh bao nhiêu việc. Làm sao mà không mỏng manh, tất tả.

Bạn bè nhiều, với ai, nhỏ ta cũng được quý mến trân trọng mà sao tôi luôn có cảm tưởng bạn mình cô đơn thiếu thốn, truy tìm tình yêu, tình thương, có phải vì thiếu sự đồng cảm chân thành hoặc vì dấn thân vào cõi văn chương bằng cửa chánh cửa cái nên càng yếu đuối, thất vọng, buồn bã khi gặp cơn gió tanh mưa máu như ai kia đã nói ? 

 

  Quỳnh Dao và nhất là tôi, bài vở y học còn chút ít nên quá bàng hoàng khi Mai Ninh cho tin bệnh bất ngờ như lời xin tha thứ vì lỗi hẹn.  Rồi hỏi nhau thầm trách bạn mình sao không nghe thấy sớm hơn dấu hiệu báo bệnh nơi thân thể, cứ mãi lo sắp xếp chuyện đi hay ở, chuyện gia đình, học hành của con cháu...

Ngay năm trước, lôi được bạn đi chơi chung, cả bọn chúng tôi đã lo âu bàn tán khi thấy Mai Ninh cứ bồn chồn, lính quính, đi tìm điện thoại cầm tay, tìm giấy tờ và cứ hỏi đi hỏi lại về một đia điểm hẹn hò nào đó mà Miêng đã dặn dò bao lần. Xót xa và bất lực. Một tuần ở Bretagne qua như ánh chớp, cho nên chúng tôi sợ làm sao Mai Ninh chịu đựng được căn bệnh quái ác này.

 

 Và rồi  tất cả đành sốt ruột chờ tin nhắn nhỏ giọt của những người bạn về Việt Nam hoặc các dòng e mail của  con gái Mai Ninh.

Quỳnh Dao và tôi nhắn bạn khi thì xin thêm độ giảm đau khi thì xót thương quá, đành lòng nhắn bạn hãy ra đi đừng nuối tiếc hay níu kéo cho cái đau hành hạ mình. Từ đó đến khi Mai Ninh mất đã 8 tháng dài, chị Miêng về gặp kể cho chúng tôi, rồi tôi về ôm bạn giùm các bạn, thấy bạn còn đi đứng ăn uống tạm được nên lại ước mong dữ dội hồi hướng cho bạn từng ngày mong phép lạ. Nhưng rồi tháng 11, 12 Noel rồi Tết, tuy mong một chút trợ lực đến từ con cháu bạn bè ngày ngày bên cạnh, chúng tôi bắt đầu tuyệt vọng. Rồi tháng 2 tháng ba nghe bạn không còn ngồi dậy nữa, lại viết thư cầu xin bạn hãy buông bỏ. Xin bạn hãy đi, bổn phận với gia đình, bạn bè quê hương đã tròn vẹn, bỏ xa rất nhiều người chúng tôi. Đôi lúc thầm trách những xôn xao tiếc thương của bạn bè có khi khiến Mai Ninh khó dứt áo ra đi, đôi lúc nghĩ có lẽ bạn tôi còn chờ thấy lại một người bạn thương mến hay con cháu trong nhà chưa kịp qua.

 

Rồi lại toát mồ hôi khi mình gửi lời giã biệt. Mong muốn bạn đi sớm, mong chi mà kỳ cục khi mạng sống, hy vọng  biết đâu mong muốn sống còn le lói?.

Cho nên cũng không biết phải thăm hỏi thế nào. Trông tin  nhưng có tin rồi thì không biết nói năng làm sao. Tự do có, ngôn ngữ có mà vẫn không thốt/viết ra được.

 

Rồi một buổi chiều Việt Nam ngày 22 tháng 3, thật sự nhẹ nhõm khi hay tin bạn mãi mãi ra đi, rũ hết lo âu đau đớn, và khi nhìn bằng hữu tới tấp chia buồn, rõ ràng không ít bạn bè đã cũng như tôi, từng mong bạn mau ra đi thoát đau thoát khổ.

Và thấu hiểu được cái trống vắng nơi người sống và thấu hiểu nỗi niềm của người về bóng nhỏ trên đường lớn sau mười năm tù tội : 

 

Sao vẫn nghe đau mềm phế phủ?

                                    (Ta Về- Tô Thuỳ Yên)

Cái đau mềm mại dịu dàng thăm thẳm. Phèo phổi, gan ruột, lục phủ ngũ tạng rã rời một nỗi niềm sâu lắng.

Phải quay về an ủi và tự an ủi, bạn Nhỏ yêu thương ơi yên nghỉ. Có thương có vương thì hẹn gặp kiếp nào đó, điều tự nhiên không phải lo âu sắp xếp.

 

23/03/2025

Phan Thị Trọng Tuyến



[1]     Nguyễn Bá Trạc = Văn Lang thi sĩ 

 

[2]     9 chuyện ngắn -Tân Liêu trai Vũ Huy Quang

 

[3]     Qua nhưng lần đi ăn ( tiệm và ở nhà  rất thân thiết và lịch sự- Dĩ nhiên có lần bác cũng lớn tiếng mắng tôi giữa bàn tiệc đông người, mà đến bây giờ, tôi vẫn chưa hiểu lý do).Tác giả của Ta thấy hình ta những miếu đền luôn nhắc nhở đến Bụi Hồng Lê Thị Huệ, Vũ điệu của loài công Trần Diệu Hằng….Hằng ở California và có một vài bạn chung nên chúng tôi đã quen nhau rất sớm. Còn Huệ, bây giờ mới quen.

 

[4]     Hôm nào đợi Huân Cung muốn gây quỹ cho các thi sĩ nghèo, tôi sẽ bán đấu giá thủ bút này.

 

[5] Chân Phương đi về Mỹ Pháp hàng năm nên chúng tôi gặp nhau thường ở Pháp hơn, nhờ anh, tôi gặp được mẹ anh, một nữ sinh trường Áo Tím Gia Long- bác xuất khẩu thành thơ, mỗi bức thư hay carte postale cho tôi, bác đều kèm tặng một đôi bài lục bát) các em yêu quý dễ thương Dung, Huệ, Phúc, Hùng; những người bạn trân quý của anh Nguyễn Trọng Khôi, Trần Doãn Nho...

 

[6]     https://tiengquehuong.wordpress.com/2018/04/10/tinh-ban-man-dao

 

[7]    Đăng Văn Long : Người Việt ở Pháp 1939-1950, Lịch sử công binh. Hoàng Khoa Khôi với Tờ báo Nghiên Cứu Chroniques vietnamniennes các Hồ sơ I, II và III Đệ Tứ quốc tế ở Pháp. Nguyễn Khánh Hội : bản dịch bài báo cáo tội ác Staline của Khroutchchev, Hoàng Đôn Trí, Nguyễn Văn Liên

 

[8] Khoảng thời gian này đọc lại NVGP ( tôi đã xem một phần nhờ các tài liệu của bác Hoàng Khoa Khôi trước đó và nhờ những công trình viết và nói trên radio của chị Thuỵ Khuê



gio-o.com 2025