huy chương Gió O trao tặng
đến nhà thơ nhà tranh đấu Nhân Quyền Thi Vũ Võ Văn Ái

 

diễn ngôn được trình bày tại buổi sinh hoạt

20 năm Gió-O nắn Net

Đại học UC Berkeley, California chiều Chủ Nhật 19/12/2021

 Lê Thị Huệ
Phát Biều Về Nhà Thơ Nhà Tranh Đấu Nhân Quyền

Thi Vũ Võ Văn Ái

 

(bài đọc ở đại học Berkeley “Ngày Nắn Net Gió O” 19.12.2021 đã được cắt ngắn vì thời gian quy định. Đây là nguyên bản, dài và đầy đủ hơn)

 

 

Nhà tranh đấu nhà thơ Võ Văn Ái  sinh năm 1938 trên dãy Hoàng Liên Sơn sát biên giới Việt Nam-Trung Hoa, trong một gia đình mà cha ông ban đầu làm việc cho nhà dây thép (bưu điện) Pháp.

 

 Từ năm 5 tuổi, gia đình ông dọn về Bến Ngự, Huế.  Chính ở đây ông chịu ảnh hưởng văn thơ của cụ Phan Bội Châu ngay từ thiếu thời.  Huế cũng là thủ đô của Phật giáo Việt Nam ít nhất trong 1,2 thế kỷ vừa qua.

 

Ông tham gia kháng chiến ở tuổi 13 và bị bắt giam.  Trong nhà tù ông đã chứng kiến cảnh tra tấn dã man các tù nhân chính trị, và đây hẳn là động lực cho sự tranh đấu chống mọi hình thức áp bức con người trong cuộc đời của ông sau này.  Chính cũng ở trong trại giam mà ông có dịp tìm hiểu và nghiền ngẫm kinh sách Phật Giáo mà cha ông gửi vào cho ông.  Khuynh hướng đi tìm sự giải thoát những khổ đau của kiếp nhân sinh theo lời Phật dạy nhiều phần đã nảy mầm trong ông từ giai đoạn này.

 

Năm 1955, ông sang Paris du học. Ban đầu ông học y học, nhưng sau đã đổi sang học về văn chương tại đại học Sorbonne, Paris.

 

Pháp và Âu Châu trong những năm sau Thế Chiến II là thời kỳ của những lo âu, bồn chồn, xao xuyến, bất định của một triết thuyết hiện sinh, loay hoay tìm kiếm tự do cá nhân đích thực và sự lựa chọn giữa thái độ dấn thân (engagé) và không dấn thân (non-engagé).  Cảm giác giao động, bất quyết này được nhận thấy qua những dòng thơ đứt đoạn, bất định, lãng đãng “Trời hôm nay, mưa nhiều hay rất nắng ….” hay “Trời hôm ấy mười lăm hay mười tám, tuổi của nàng tôi nhớ chỉ mười ba”, “Người về chiều mai hay đêm nay, Người sắp đi chưa hay đi rồi”. của Nguyên Sa, một nhà thơ Việt Nam đã theo học cùng Đại Học Sorbonne, Paris vài năm trước ông Thi Vũ.  

 

Ngay Dòng Tiếp Hiện [Order of Interbeing] của một phái Phật Giáo Vào Đời -- Engaged Buddhism), và Phép Quán Niệm sau này của Thích Nhất Hạnh cũng lấp lánh xâu chuỗi hiện sinh đến từng “sát na”, nói theo Phật ngữ, “sát na là đơn vị thời gian ngắn ngủi nhất”. 

 

Hai cuộc Thế Chiến trên lục địa Âu Châu ở một khía cạnh nào đó cùng chứng minh cho sự đổ vỡ của dòng tư tưởng duy lý của thế giới Tây Phương, từ đó cá nhân mỗi người phải tự xác định lại vị trí và giá trị của mình.  Một triết thuyết hiện sinh tuyên bố rằng “trước tiên tôi phải hiện hữu, trước khi bàn đến bản thể” và “tôi bắt buộc phải có tự do cá nhân” cũng đã đẩy Jean Paul Sartre đến chỗ cô đơn cùng cực khi thốt ra câu nói nổi tiếng của ông “L’enfer, c’est les autres”   “Hell is the others” “Hỏa ngục, chính là tha nhân”.  Thật trái với sự tha thiết với đời sống  như một Hermann Hesse của Đức-Thụy Sĩ, “Dù phải chịu vô vàn đớn đau quằn quại, tôi vẫn tha thiết yêu đương thế gian điên dại này,” hay sự níu kéo vô vọng vào tình tự quê hương của một Nguyễn Đình Toàn Việt Nam trong thời hiện đại, “Tôi đã cố bám lấy đất nước tôi, bằng sức người vô hạn, bằng sức người đầu đội trăm tấn bom …”, cho dù sau Nguyễn Đình Toàn cũng phải sống đời lưu vong.

 

Pháp và Âu Châu vào thời điểm sau Thế Chiến II cũng rơi vào bầu không khí của cuộc chiến tranh lạnh  của tư bản chủ nghĩa và cộng sản chủ nghĩa.  Cả hai trường phái chỉ là hai mặt của một thứ duy vật chủ nghĩa trong dòng tư tưởng Tây Phương từ Plato đến Karl Marx.  Nên nhớ trong các thập niên 1960, 1970, các phong trào thiên tả ở Âu châu có những lúc vươn lên rất cao, có những thời điểm mà nước Pháp hay Tây Đức suýt trở thành các nước cộng sản. Nhiều sinh viên, trí thức gốc Việt đã chạy theo phong trào thiên tả này, nhất là từ khi có sự tham chiến của người Mỹ chống lại cộng sản tại Miền Nam Việt Nam.

 

Nhưng Pháp và Âu Châu cũng là nơi đã sản sinh ra các nhà tư tưởng vĩ đại với những ý tưởng và lý tưởng cao đẹp tạo hình cho thế giới hiện đại.  Một Montesquieu với luận thuyết về sự phân lập quyền lực để kiềm chế sự lạm quyền và chế độ độc tài được thực hành trong hầu hết hiến pháp các nước ngày nay, một Jean Jacques Rousseau ao ước kiến tạo một loại khế ước xã hội (Social Contract) dựa trên pháp trị vừa để bảo vệ tự do và bình đẳng của từng cá nhân trong cộng đồng; một Voltaire biện minh cho một xã hội tôn trọng tự do của cá nhân,, chống lại mọi hình thức bạo tàn, áp bức, và mọi quyền lực phải bị phục tùng trước lý trí (sự hợp lý)....

 

Chắc hẳn đây cũng là những điều mà nhà thơ Thi Vũ Võ Văn Ái đã thụ nhận được khi theo học tại ngay trên xứ sở của các nhà tư tưởng tự do dân chủ này.

 

Là một thiếu niên cảm nhận ngay từ những ngày trong tù ước muốn giải phóng sự áp bức dưới bất kỳ màu sắc ý thức hệ nào, nhà thơ Thi Vũ Võ Văn Ái đã dứt khoát đứng trên lập trường quốc gia dân tộc, phi cộng sản trong suốt cuộc đời của ông. 

 

Tại Paris, cuối thập niên 1975, khi mà khi mà làn sóng người Việt trốn tránh chế độ Cọng Sản Hà Nội rời Việt Nam ồ ạt ra khơi tiến về hướng các nước Thái Lan, Mã Lai, Indonesia, Hồng Không , nhà thơ nhà tranh đấu Nhân Quyền Thi Vũ Võ Văn Ái đã sáng lập ra hai  tổ chức “Ủy Ban Bảo vệ Quyền Làm Người Việt Nam”, và “Ủy ban Cứu Sống Người Vượt Biển” . Ủy Ban Cứu Sống Người Vượt biển đã đề xướng chiến dịch “Một Chiếc Tàu cho Việt Nam” tại Paris vào tháng 11 năm 1978, mà “Tàu Đảo Ánh Sáng” đã ra Biển Đông vớt thuyền nhân cùng săn sóc sức khỏe cho đồng bào tị nạn trên Đảo Pulao Bidong, dẫn đầu cho một loạt những con tàu khác ở Đức (Cap Anamur), Ý Đại Lợi, Na Uy… đi vớt Người Vượt biên. Ủy ban Bảo vệ Quyền Làm Người Việt Nam cũng mở cuộc họp báo quốc tế đầu tiên tại Paris tháng 5 năm 1978 tố cáo chế độ “Trại Tập Trung Cải Tạo” và đàn áp nhân quyền, tôn giáo của chế độ Cọng Sản Hà Nội. Võ Văn Ái và Ủy ban Bảo vệ Quyền Làm Người Việt Nam thường tường thuật đều đặn về các vấn đề nhân quyền và tự do tôn giáo ở Việt Nam cho Liên Hợp Quốc (từ năm 1985), Quốc hội Hoa Kỳ, Nghị viện châu Âu và tham gia các Hội nghị Nhân quyền, Dân chủ trên khắp năm châu.

 

            Rõ ràng rằng ông Võ Văn Ái đã đóng một vai trò then chốt trong việc lôi kéo sự chú ý của công luận thế giới về các sự vi phạm nhân quyền tại Việt Nam, với sự công bố bản đồ đầu tiên hệ thống hàng trăm trại tù mệnh danh là “Trại Cải Tạo”, để giam giữ hàng trăm nghìn quân cán chính miền Nam ngay sau biến cố Tháng Tư, 1975.  

 

            Một thành quả vang dội khác là một Ủy Ban “Con Tàu Cho Việt Nam” thành lập hồi Tháng 11, 1978 đã có sự tham gia của nhiều nhân vật lừng danh thế giới như Yves Montand, Brigitte Bardot, Simone Signoret, Raymond Aron, Jean-Paul Sartre, Simone de Beauvoir,... đã tác động đến quyết định thu nhận các thuyền nhân tỵ nạn Việt Nam tại nhiều quốc gia trên thế giới.

 

Về hoạt động tôn giáo, có thể xác quyết rằng ông Võ Văn Ái là một trí thức Phật tử gắng sức duy trì tiếng nói của Phật Giáo Việt Nam thuần túy từ thập niên 1960 cho đến nay tại hải ngoại, và là người tranh đấu bền bỉ cho tự do tôn giáo nói chung tại Việt Nam.

 

Từ 1963 đến 1970, ông đại diện cho Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất ở nước ngoài, một tổ chức phật giáo mà sau 1981 không được chính thức công nhận.  Sau khi Hòa thượng Thích Quảng Độ trong vị thế Viện trưởng Viện Hóa Đạo, vào ngày 27.8.1999 đã cử ông Võ Văn Ái làm người Phát ngôn nhân của Viện Hóa Đạo, Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, và Phòng Thông tin Phật giáo Quốc tế.

 

Cơ sở Quê Mẹ của ông Võ Văn Ái đã đóng góp cho học thuật Việt Nam hai tác phẩm giá trị: Bộ Phật Quang Đại Từ Điển của Thích Quảng Độ dịch gần 8,000 trang, và tập thơ độc đáo, độc nhất vô nhị, Thơ Tù cũng của Thích Quảng Độ.

 

Trong lĩnh vực tư tưởng, triết học và tôn giáo, đã có sự sản sinh ra từ ông Võ Văn Ái một ký giả theo dõi và tường thuật về các vấn đề thời sự nóng bỏng và một nhà luận thuyết về các vấn đề chính trị, lịch sử, triết học, tôn giáo.  Chính vì thế chúng ta có được hai tác phẩm luận thuyết  vừa có tính chất biên khảo, vừa có tính chất bút chiến: Nguyễn Trãi: Sinh Thức và Hành ĐộngLuận Chiến Nước Ngoài của nhà thơ Thi Vũ Võ Văn Ái

 

Ông Võ Văn Ái có lẽ đã xem Nguyễn Trãi như một mẫu người trí thức dấn thân vì đại nghĩa, là bộ não đề ra chiến lược, đường lối ...trong cuộc kháng chiến chống quân Minh giành lại độc lập cho Việt Nam.  Nguyễn Trãi đã thể hiện một sự lựa chọn sáng suốt, tuy là cháu ngoại của Trần Nguyên Đán, người giữ chức chưởng như Thủ Tướng dưới vua nhà Trần, nhưng vì Đại Nghĩa đã đi phù tá Lê Lợi cho đến lúc thành công.  Chiến thắng oai hùng này đã giúp Nguyễn Trãi viết ra một bản Tuyên Ngôn Độc Lập bất hủ của Việt Nam, được lưu truyền mãi mãi cùng dân tộc Việt: bản Bình Ngô Đại Cáo.  Hành động của Nguyễn Trãi biểu hiệu cho cuộc sống của một kẻ sĩ theo đúng nghĩa trong tư tưởng Việt Nam, kẻ vì đại nghĩa, tận dụng khả năng và tri thức của mình, để gánh vác việc chung, nhăm mưu cầu hạnh phúc cho người dân và thúc đẩy xã hội thăng tiến. 

 

Quyển Luận Chiến Nước Ngoài, Đi tới tận cùng sự Hòa Giải dân tộc ngoài việc giúp  người đọc có được các chi tiết về các hoạt động cụ thể, còn chiếu rọi các khía cạnh khác trong tư tưởng của nhà cách mạng Võ Văn Ái, với những suy tư để đi tìm lối thoát và thăng tiến dân tộc Việt Nam.  Các câu hỏi, các ưu tư của ông Ái hầu như vẫn còn nguyên: Chúng ta chỉ có thể đi đến sự hòa giải dân tộc với những người có cùng ý nghĩ đặt quyền lợi dân tộc lên trên hết.  Thực hiện được ước mơ đó vẫn còn là khát vọng của mọi con người Việt Nam yêu nước, trong nước cũng như ở hải ngoại cho đến giờ phút này.

 

Võ Văn Ái sống ở ngoại quốc lâu năm. Là một trí thức đọc nhiều, xông pha với người ngoại quốc ở các đấu trường chính trị quốc tế, các đấu trường cao cấp như Liên Hiệp Quốc, Quốc Hội các nước Mỹ Pháp, Hòa Lan vv.. nhưng nhà thơ nhà tranh đấu Nhân Quyền Thi Vũ Võ Văn Ái vẫn giữ được tâm thức trí thức của một con người trí thức Việt độc lập.

 

Là một trí thức hải ngoại thông suốt tiếng Anh tiếng Pháp duy nhất đứng được trên các diễn đàn quốc tế , để tranh đấu cho nhân quyền tại Việt Nam, cho tôn giáo tại Việt Nam. Nhà thơ nhà tranh đấu Nhân Quyền Thi Vũ Võ Văn Ái đã làm được việc này bền bỉ trong gần 50 năm qua. Ông là một trí thức Việt duy nhất duy trì được tên tuổi tranh đấu cho quyền làm người của Người Việt trên các diễn đàn quốc tế. Không có một trí thức Việt Hải Ngoại thứ hai nào làm được như ông.

 

Trong lãnh vực văn học, Thi Vũ là một nhà thơ, nhà văn, một người thiết kế báo chí tài năng khó ai sánh bằng.

 

Thơ của Thi Vũ  cô đọng, súc tích, sâu thẳm, đã phản ảnh sự một sự tìm tòi trong việc sử dụng từng con chữ.  Ông dụng chữ cầu kỳ . Nhưng là cái cầu kỳ của người trí thức . Cái cầu kỳ cần thiết dành cho cái đẹp của chữ nghĩa từ một nhà trí thức đọc quốc tế, sống giàu, và có thiên khiếu về văn chương và nghệ thuật hơn người. 

   

Quyển tạp ghi  “Gọi Thầm giữa Paris” của nhà thơ Thi Vũ với những lời văn như thơ chứa chất đầy những cảm nghĩ của một con người Việt Nam thở hơi thở của một kinh đô Âu Châu . Đấy là một quyển tản văn rất Văn Chương Hải Ngoại thứ nhất .

 

Với tôi, tạp chí Quê Mẹ là lãnh tụ thứ nhất mở đường cho Văn Chương Hải Ngoại.  

 

Những năm đầu sau biến cố mất Sài Gòn tháng 4 năm 1975,  người Việt Hải Ngoại thành hình ở Mỹ Quốc, tờ Quê Mẹ từ Paris của Thi Vũ Võ Văn Ái như một ngọn đuốc thắp sáng sinh lực cho Quê Hương Tiếng Việt.





bìa báo Quê Mẹ

 

Tôi đọc tờ Quê Mẹ và theo dõi các sinh hoạt của ông Thi Vũ Võ Văn Ái ở Hải Ngoại từ đó. Các bài viết và các tiếng nói của ông trên các sàn quốc tế sáng rực một lĩnh tụ trí thức Việt độc lập, cô đơn, can đảm, rất hiếm hoi. Ông tranh đấu cho nhân quyền người Việt Nam trên chính trường quốc tế mấy chục niên. Ông giống tôi là cùng tin tưởng vào sức sống của Quê Hương mình vạch ra,  là Ngôn Ngữ Việt. Tiếng Việt là quê hương bất biến không ai cướp giựt được của chúng tôi. Và thế là một nền Văn Chương Hải Ngoại viết bằng tiếng Việt do chúng tôi phất phới tạo lập nên.  Bị cướp “Quê Hương Địa Lý” Miền Nam Việt Nam 30.4.1975 chúng tôi đã thiết lập ngay một “Quê Hương Ngôn Ngữ” qua những tờ báo như Quê Mẹ để đục vào đấy mà sống.  Và khi thế giới vô tận của internet mở ra từ thập niên 1990, “Quê Hương Tiếng Việt” của chúng tôi đã hiển vinh xuất hiện, phục sinh, tồn tại trong thế giới Net.  Tiếng Việt trở thành ngọn cờ chiến thắng trong thế giới Net.  Và vì thế www.gio-o.com   đã chào đời được 20 năm trong thế giới từ các ký hiệu sống sinh sôi trên internet (“Về Diệu Tưởng @ Lượng Chữ” http://www.gio-o.com/Lê Thị Huệ  (lê thị huệ) . Thế nên mới có buổi kỷ niệm sinh nhật ngày hôm nay, được gọi là “Gió O 20 Năm Nắn Net”,  trong tinh thần vinh danh “Quê Hương Tiếng Việt” của chúng tôi.

 

Tờ Quê Mẹ ở Paris của nhà thơ Thi Vũ Võ Văn Ái  là địa chỉ đáng hãnh diện văn chương trí thức  của Hải Ngoại. Là một tạp chí được trình bày và ấn loát đẹp nhất trong các tờ báo của giới trí thức người Việt hải ngoại.  Đấy là một tạp chí văn chương Việt xuất phát từ Paris mang dấu ấn trí thức, đốt lửa cách mạng, tranh đấu nhân quyền cho Việt Nam độc sáng trong bầu trời Văn Chương Trí Thức Hải Ngoại  cả một giai đoạn từ 1975 cho đến thập niên 2010

 

 Với hình thức trang trí mà cách xử dụng màu sắc, font chữ, tranh ảnh, mang được tính nghệ thuật của một tạp chí sang trọng quốc tế. Bài vở của tờ Quê Mẹ đã được chọn lọc rất trí thức, tạo được uy tín với giới trí thức, giới chính trị, giới đọc sách quốc tế. Một tính cách mà chỉ tờ Quê Mẹ ở Paris của Thi Vũ Võ Văn Ái mới tạo ra được. Ngay cả các tờ báo nổi tiếng với cộng đồng văn chương Việt Hải Ngoại như Văn (Mai Thảo), Văn Học (Võ Phiến, Nguyễn Mộng Giác), cũng không bao giờ tạo dựng được uy tín tầm vóc quốc tế như tờ Quê Mẹ. Trên tờ Quê Mẹ ngoài nhà thơ Thi Vũ còn có sự xuất hiện của một nhà thơ rất đặc biệt, đó là Nh. Tay Ngàn. Thơ của Nh Tay Ngàn rất hư vô, triết lý, tâm thần . Với tôi nhà thơ nhà văn Thi Vũ và nhà thơ Nh. Tay Ngàn là hai người mở đầu nền văn chương Việt Hải Ngoại . Họ là hai người đi tiên phong tâm thức trí thức Việt Hải Ngoại . Một người văn chương sáng sủa suy nghĩ rạch ròi của một bậc trí thức dấn thân là Thi Vũ . Một người thông minh chữ nghĩa, trí thức tới bến, phiêu lưu tâm thần u tối là Nh. Tay Ngàn . Cả hai người xuất hiện trên tờ báo Quê Mẹ ở Paris đặt một cánh cửa mở đường cho tâm thức Việt Hải Ngoại. 

 

Tuy vậy, tờ báo trí thức đẳng cấp nhất ở hải ngoại có tên “Quê Mẹ” của Thi Vũ Võ Văn Ái trong gần 50 năm phất cờ từ kinh thành ánh sáng Paris ấy, luôn bị giới văn chương văn nghệ ở thủ đô tỵ nạn Bolsa Nam Cali tẩy chay và không bao giờ được nhắc đến trong mục điểm các sinh hoạt Văn Chương Hải Ngoại hàng năm. Các sáng tác và thành tựu của nhà thơ nhà tranh đấu Nhân Quyền của Thi Vũ Võ Văn Ái ít khi được các nhà văn nhà phê bình hải ngoại ghi nhận và lưu dấu trên các báo Văn, Văn Học, Thế Kỷ 21, Người Việt, Khởi Hành, Hợp Lưu, Làng Văn, hay các mạng văn chương hải ngoại sau này như Tiền Vệ, Da Màu, Talawas vv…vv.   

 

            Chúng ta chưa thể kết luận được về nhà thơ nhà tranh đấu nhân quyền Thi Vũ Võ Văn Ái nếu chưa nhắc đến một bóng hình bên cạnh ông Ái, bà Ỷ Lan Penepole Faulkner.  Chị là người Anh xứ bí hiểm London, nhưng đã dấn thân tranh đấu cho Nhân Quyền Việt Nam cạnh nhà thơ Thi Vũ Võ Văn Ái trong mấy mươi năm qua

 

            Mới đây nhất tháng 11 năm 2021 bà Ỷ Lan P. Faulkner đại diện cho tổ chức “Uỷ ban Bảo vệ Quyền Làm Người Việt Nam đã phỏng vấn bà Jude Kirton-Darling, Chủ tịch DAG Liên Âu. để đặt vấn đề để tranh đấu cho quyền lợi của người công nhân tại Việt Nam. Gần giống như việc nhà tranh đấu Lech Wałesa đặt vấn đề tranh đấu đòi quyền lợi cho nhân công ở chống lại chế độ Cọng Sản ở Ba Lan trong thập niên 1980.

 

       Tính chất anh hùng dấn thân cho lý tưởng Nhân Quyền trên thế giới của người nữ này khiến  cho bao nhiêu người phải ngưỡng mộ bà Ỷ Lan P. Faulkner. Đặc biệt là đối với người Việt . Lòng ngưỡng mộ còn kèm theo lòng yêu mến thích thú khi chị Ỷ Lan nói tiếng Việt Huế hay ho và rành rẽ như người Huế thứ thiệt . Cá nhân tôi ngưỡng mộ và quý mến chị vô cùng.

 

Chúng tôi xin trân trọng chào đón và giới thiệu bà Ỷ Lan, một bóng hồng ngát hương sen, đã sát cánh cùng nhà thơ nhà tranh đấu nhân quyền Thi Vũ Võ Văn Ái, lên phát  biểu vài cảm nghĩ về nhà thơ nhà tranh đấu Nhân Quyền Thi Vũ Võ Văn Ái .

 

Lê Thị Huệ

Berkeley 12.2021

 

(1) Ghi chú: bấm vào đây để đọc phụ bản cuộc phỏng vấn của ký giả Phạm Điền - Ngô Vương Toại đài Á Châu Tự Do Washington DC,

về quyển “Luận Chiến Nước Ngoài” của Thi Vũ - Võ Văn Ái

 

 


 

 


chủ biên Gió O Lê Thị Huệ (giữa) trao tặng huy chương vinh danh
nhà thơ nhà tranh đấu nhân quyền Thi Vũ Võ Văn Ái (trái)
tiến sĩ Nguyễn Vũ Khuyên (phải) người tổ chức và điều hành chương trình kỷ niệm
"Gió O 20 Năm Nắn Net" được tổ chức tại đại học
University of California Berkeley Chủ Nhật 19.12.2021

 

 

 

photo: Andy Nguyen