THẠCH TRÂN

THE SWEETEST FRUITS

tiểu thuyết của monique trương

(kỳ 3, cuối)

(phê bình)

 (Kỳ 1)  (Kỳ 2)

 

   Phần trích dẫn quyển The Life and Letters of Lafcacio Hearn của Elizabeth Bisland đặt ở trước Chương 3 khá dài. Đó là một tóm lược về cuộc đời của Lafcacio trong những giai đoạn: 1874 Lafcacio Hearn làm cho tờ Enquirer, 1876 qua làm cho tờ Commercial kèm những chi tiết về tính cách và tài viết báo của Lafcacio Hearn, về việc anh ta rời Cincinnati đi New Orleans; 1881 may mắn được tờ Times-Democrate tuyển dụng. Trong thời gian này Lafcacio Hearn cũng dịch tác phẩm của các nhà văn Pháp như Théophile Gautier, Guy de Maupassant, và Pierre Loti nhưng những bản dịch này không được giới phê bình tán thưởng; 1885 Lafcacio Hearn cho xuất bản quyển Gombo Zhêbes ghi chép khoảng 350 câu tục ngữ Créole và sau đó là quyển Some Chinese Ghosts; 1887 nhà xuất bản Harper cử Lafcacio đi West Indies để viết phóng sự; 1889 Lafcacio Hearn trở lại New York chuẩn bị gom những bài phóng sự đó để xuất bản thành quyển Chita: A Story of Last Island. Túng thiếu, anh nỗ lực tìm cách kiếm tiền gấp nên chỉ trong vài tuần hoàn thành bản dịch quyển Le Crime de Sylvestre của Anatole France. Sau đó Lafcacio Hearn được ký hợp đồng với Harper & Brothers sang Nhật với tư cách đặc phái viên để viết về xứ Phù Tang. Lafcacio rời Mỹ đi Nhật năm 1890 nhưng không bao giờ trở lại nữa.

 

   Trong Chương 3 Monique Trương để nguyên một số từ Nhật chỉ những đồ dùng hay y phục như wagashi (mứt), haori (áo khoác), hakama (quần ống rộng), yukata (kimono bông), daimyō (lãnh chúa), tên-san (san dặt sau tên có nghĩa Ms, Mrs, Mr). sakura (anh đào Nhật) jinrikisha (phu xe). sensei (ông thày), maiko (geisha tập sự), tatami (chiếu), kotatsu (máy sưởi chân điện), zabuton (gối mỏng đặt trên sàn nhà), hibachi (lò nướng di động), tenugui (khăn tắm), shoji (mành cửa sổ bằng gỗ)…Việc để nguyên tiếng Nhật này trước hết là bắt buộc vì những từ này nếu dịch sang Anh ngữ sẽ không có nội dung đúng như từ Nhật, thứ nữa Monique Trương muốn đưa vào bản văn tiểu thuyết viết bằng tiếng Anh những ngoại ngữ như chỉ dấu của một nhà văn có nguồn gốc không phải Anh-Mỹ. Nếu ban đầu Lafcacio và Setsu nói chuyện với nhau phải dùng từ điển Anh-Nhật thì người đọc The Sweetest Fruits cũng phải tra từ điển để biết nghĩa những từ Nhật này Thông điệp thầm lặng: tiếng Anh không phải là ngôn ngữ toàn năng, bá chủ!

   Chương 3 được Monique Trương viết dưới dạng hồi ký ghi lời kể chuyện thứ ba về Lafcacio Hearn của người vợ Nhật Koizumi Setsu. Lời kể thứ nhất là những bản văn Setsu gửi cho Elizabeth Bisland để viết quyển The Life and Letters of Lafcacio Hearn và lời kể thứ nhì là quyển Reminiscences of Lafcacio Hearn của chính Koizumi Setsu. Nhưng dạng hồi ký này lại là những lời đối thoại thầm thì của Setsu với người chồng Lafcacio đã khuất: chuyện trò với một bóng ma yêu dấu. Cho nên đây cũng là độc thoại.

   Cũng như mở đầu Chương 2 Alethea gọi Lafcacio là Pat, mở đầu Chương 3 Setsu gọi tên chồng là Yakumo. Setsu tóm tắt những nơi hai người đã cư ngụ ở Nhật trong gần mười bốn năm chung sống: “Non một năm ở Matsue, ba năm ở Thành phố Kumamoto, gần hai năm ở Kōbe, tám năm ở Tokyo. Về những căn nhà khác nhau ở Nhật: Một căn có vườn rồi một căn nhà nấp dưới bóng Lâu Đài Matsue, ba căn ở Kōbe, hai căn ở Tokyo. Căn nhà duy nhất Lafcacio làm chủ là căn sau cùng ở Tokyo, và anh rời khỏi hai năm rưỡu sau khi đã bước vào cái cổng ngoài vườn. Được kiểm kê, những con số này gợi ra một cuộc sống ngắn ngủi,  du cư, trú ngụ dưới những mái nhà thuê, hẹp, rễ lỏng lẻo. Những con số là những người kễ chuyện tồi. Setsu tâm sự: “Mỗi thành phố và mỗi căn nhà (house) là một tổ ấm (home), Yakumo ạ, bời vì chúng mình là quê hương của nhau.” (S.F., 202)

  Sau khi Lafcacio từ trần hằng đêm Setsu và các con vẫn đứng trước di ảnh Lafcacio đặt trên bàn thờ để tưởng nhớ. Setsu mở đầu cuộc chuyện trò bằng cách báo cho chồng biết hai ngày một tuần vẫn mua bánh mì ở một tiệm bánh ở Nhà ga Shimbashi cho ba đứa con trai: Kazuo nay đã mười lăm tuổi, Iwao mười hai, và Kiyoshi lên chín. Còn cô út Suzuko sáu tuổi sinh thời Bố Lafcacio thường gọi con gái yêu là “Aba” không thích ăn sáng bánh mì trứng. Đêm nay, Setsu đứng trước bàn thờ chồng khấn thầm xin Lafcacio hiểu cho lý do mấy đêm qua không mặt-đối-mặt (tête-à-tête) được với anh vì phải viết cho xong những trang về việc tại sao Lafcacio Hearn lại trở thành Koizumi Yakumo để gửi gấp cho Elizabeth. Setsu cho rằng những trang viết này không đầy đủ vì viết vội bởi Elizabeth hối thúc dữ quá.

    Setsu tự giới thiệu: sinh ngày 6 thàng Hai, 1868 bắt đầu triều đại Minh Trị, dỏng giõi samurai nhưng giai cấp samurai khi đó bắt đầu suy tàn và nước Nhật đi vào thời đại canh tân, Âu hóa. Setsu chào đời vào buổi giao thời giữa hai triều đại Keiō và Meiji (Minh Trị). Cha mẹ Setsu (gia đình Koizumi) khi đó đã có hai con trai và một con gái nên khi Setsu ra đời cha mẹ đem gửi cô cho gia đình Inagaki có họ hàng xa vì gia đình Koizumi chuộng nam hơn nữ. Do đó ngoài cha mẹ đẻ Setsu còn có Mẹ nuôi, Cha nuôi, Ông Bà Nội nuôi. Năm 1879 là năm Minh Trị thứ 12 Setsu mười một tuổi học xong lớp bảy. Tuy là học sinh xuất sắc nhưng Cha Mẹ Nuôi không đủ tiền để cho cô học tiếp nên Setsu phải vào làm trong xưởng dệt của cha. Cha cô từ trần năm năm trước đó và xưởng dệt của ông vị các chủ nợ xiết nên cô phải làm công việc hầu gái cho nhà nghỉ Tomitaya ở Matsue khi Setsu hai mươi hai tuổi.

   Matsue là nơi Lafcacio lần đầu tiên đặt chân trên đất Nhật. Lúc đầu anh tạm trú ở nhà nghỉ Tomitaya sau đó chuyển đến một căn nhà nhỏ hai tầng nằm trong thảo trang Orihara mà anh gọi là “cái chuồng chim”. Tuy chuyển đến chỗ ở khác nhưng anh vẫn giữ nguyên việc dàn xếp với quản lý Tomitaya là Tsune hàng ngày cho hai hầu gái đem bữa ăn, cung cấp nước sôi và dọn dẹp phòng. Sau đó Lafcacio đề nghị Tsune tìm cho mình một người hầu gái ngoài hai mươi, biết đọc và viết tiếng Nhật, chịu ở luôn trong nhà anh. Đó là dịp Setsu lần đầu gặp Lafcacio. Trước khi gặp anh cô đã đọc thấy trên báo San’in Shimbun loan tin Lafcacio đến Matsue và được chính quyền ở đây tuyển dụng làm thày giáo Anh ngữ cho trung học nam sinh với tiền lương rất cao. Báo chí cũng còn cho biết Lafcacio đến Nhật bằng con tầu Abyssinia cập cảng Yokohama vào ngày 4 tháng Tư, 1890 tức năm Minh Trị thứ 23, rồi từ đó đi Tokyo để gặp gỡ những giáo sư người Âu nổi danh ở Đại học Hoàng gia. Lafcacio đến Nhật vào mùa hoa đào nở rộ. Sakura/Đào nở đánh dấu việc Lafcacio Hearn bốn mươi tuổi đến Nhật và mười bốn năm sau khi Sakura tàn hoa điềm báo Lafcacio Hearn năm mươi tư tuổi từ trần, vĩnh biệt nước Nhật.

   Thời gian đầu Lafcacio và Setsu đàm thoại bằng cuốn từ điển Anh-Nhật: Lafcacio tra một từ tiếng Anh muốn nói với Setsu và chỉ vào từ tiếng Nhật cho cô hiểu. Chẳng hạn Lafcacio đọc lớn từ “agree” sau đó Setsu đọc từ này bằng tiếng Nhật cho Lafcacio nghe. Kế đó là các từ “begin” và “today” kèm theo bằng các cử chỉ gật hay lắc đầu. Lafcacio chăm chú lập một bảng những từ cần thiết cho việc đàm thoại trong khi Setsu bắt đầu ngay công việc như lên lầu thu dọn quần áo dơ đem đi giặt, gom hai tấm nệm ở tầng dưới đem lên lầu làm chỗ ngủ nhưng phải nhờ Lafcacio một tay nên dùng danh sách Nhật-Anh do cô lập chỉ vào từ “carry” hay “Help” cho Lafcacio biết ý. Về những đàm thoại quan trọng khác hai người đã có [Nishida Senyarō] Nishida-san một đồng nghiệp Nhật thân thiết của Lafcacio làm thông dịch khi nào anh này ghé nhà. “Đó là khởi đầu của câu chuyện, Yakumo. Nó không phải là câu chuyện em đã gửi cho Elizabeth của anh để chị ấy viết quyển sách của chị ấy.”(S,F.,210-211) Lafcacio không học tiếng Nhật hẳn hoi nhưng lại lập ra một thứ tiếng Nhật kỳ khôi Setsu gọi là ngôn ngữ của Ông Hearn “Herun-san” có nghĩa riêng do Lafcacio chế ra người ngoải không thể hiểu, chỉ những người trong gia đình bố dùng. Chẳng hạn từ “Tani-no-oto” nghĩa là “đứng dạng chân” vì nhân Lefcacio đi xem thi đô vật (sumo) có tay đô vật vô địch tên Tani-no-moto có thế đứng này trong khi thi đấu. “Yakumo, hẳn anh sẽ hài lòng khi biết mấy đứa con trai con dạy con bé Suzuko nghĩa của từ “Tani-no-oto”, là từ đầu tiên của ngôn ngữ Herun-san. Giờ con bé dùng từ này bất kỳ khi nào nó thấy con mèo mập ú nhà hàng xóm lách mình qua khóm tre.”(S.F., 214) Một thí dụ khác: “đói” (hungry) trong ngôn ngữ Herun-san có nghĩa “chưa đủ” (not enogh). Setsu không mấy hài long về việc Lafcacio dùng ngôn ngữ “Herun-san”. “Anh chẳng bao giờ nói thứ ngôn ngữ này trước mặt những ông thày giáo đồng nghiệp của anh hay sinh viên của anh cả  –  Tại sao anh lại vứt bỏ tiếng Anh khi mà anh là người sử dụng nó giỏi nhất? –nhưng anh lại cứ ném bỏ nó đi trước những người bán hàng, phu xe, người đồng hành trên tầu, dân chài, nông dân, và bất kỳ ai đi ngang qua anh. Anh rất hãnh diện về cái ngôn ngữ của ông Hearn cũng giống như Ông Nuôi hãnh diện về ngôn ngữ Izumo của ông ấy.”(S.F., 213)

   Setsu kể lại khá chi tiết về những chăm lo săn sóc dành cho đời sống của Lafcacio và các con, nhất là về thực phẩm Âu anh ưa thích từ những ngày ở Matsue và chỉ vắn tắt về cuộc tình của mình với Ông thày dạy Anh ngữ người ngoại quốc. Khi Lafcacio và Nishida đi Kitzuki để tránh khí hậu Matsue nóng nực vào mùa hè trước hết là để đi thăm ngôi Đền Izumo nổi tiếng ở Kitzuki và sau đó hưởng thú tắm biển. Trong khi Setsu sửa soạn hành lý cho Lafcacio tình cờ anh nói về cha mẹ mình. Thích tắm biển Lafcacio khoe mình bơi giỏi, “nửa người nửa cá.” Nghe vậy Setsu thơ ngây hỏi “Vậy anh con nhà dân đánh cá hả?” và Lafcacio trả lời “Không, nhà binh và thầy thuốc.” Khi Setsu hỏi “Mẹ anh là người chữa bệnh sao?” Lafcacio trả lời “Không, cha tôi ở trong quân đội và là một y sĩ. Mẹ tôi là một thứ ‘Chie’” Trong ngôn ngữ của Herun-san thì “Chie” có nghĩa một phụ nữ gốc thượng lưu, đẹp, và can đảm. Chỉ mới một ngày sau khi đến Kitzuki Lafcacio đã nhờ Nishida-san viết cho Setsu một bức thư đòi cô đi ngay Kitzuki, tìm đến chỗ anh hiện đang ở theo địa chỉ trong bức thư. Bức thư này không do Lafcacio viết mà là chữ viết run tay của Nishuda, bắt đầu bằng câu “Một ngày không có em và một ngày sao quá dài.” (S.F., 230) Nhận được thư Setsu lập tức đi Kitzuki và khi Lafcacio bốn mươi mốt tuổi tóc tai ướt nhẹp nước biển nhìn thấy cô liền nhào tới  ôm choàng Setsu và nhấc bổng cô lên. Setsu kể: “Tuần lễ sau đó chúng tôi trở thành vợ chồng ở Đền Izumo. Ȭkuninushi vị thần hôn nhân, là người làm chứng. Nishida-san cũng là một người chứng khác. Nhiều tháng trước đó chúng tôi đã là chồng vợ rồi.” (S.F., 231). Setsu thật tế nhị khi nói với Lafcacio (di ảnh trên bàn thờ) – cũng có nghĩa nói với người đọc – rằng mình đã thay đổi trật tự trước sau những diễn biến kể trên trong bản viết gửi cho Elizabeth Bisland. Như lời kể của Setsu chúng ta thấy phụ nữ Nhật từ thưở xa xưa khá “nóng bỏng” trong tình yêu. Monique Trương đã phá bỏ một huyền thoại về phụ nữ Nhật nói riêng và phụ nữ Á đông nói chung.

   Setsu coi trọng sự tin cậy (trust) hơn sự yêu mến (affection). Khi Setsu đồng ý với Lafcacio để cô Yao người hầu ở trong nhà Setsu cho rằng sự đồng ý này được Lafcacio coi là một cử chỉ yêu mến. Nhưng với Setsu sự đồng ý này lại là bắt đầu của tin cậy. “Tin cậy và yêu mến có trọng lượng không bằng nhau, và em thích sự tin cậy hơn, vì tin cậy phải do công khó mới có. Sự yêu mến rất có thể là lòng thương hại hay một sự hối hận trá hình của người mua.” (S.F., 218). Trở lại việc Lafcacio cho rằng mẹ anh là một thứ ‘Chie’: Shiomi Chie là tên mẹ của Setsu. Theo lời cô kể với Lafcacio thì bà có hai đời chồng. “Mới mười ba tuổi bà được đem gả cho người con trai đầu của một gia đình samurai. Khi người chồng của bà không xuất hiện trong phòng ngủ của hai người vào đêm động phòng, bà thiếp đi trong lúc đợi người chồng. Tỉnh giấc khi nghe thấy những tiếng thở hổn hển của người chồng mới của mình và của một người hầu trẻ tuổi, người hầu này chỉ mấy giờ trước đó đã quét sạch cái sân nơi hiện hai người đang nằm, công khai tuyên bố tình yêu của họ. Máu còn tươi và đỏ thắm, tràn ra từ cổ cô ta và từ bụng người chồng. Shiomi Chie cúi nhìn mặt người chồng của bà rồi đến mặt người hầu gái. Bà nghĩ, đó là tình yêu. Rồi bà báo cho những người lính canh cổng trước rằng họ đã ngủ quên không biết có một vụ giết người-tự sát, và bà quay trở lại phòng ngủ chờ đợi số phận của một góa phụ. Chẳng mấy chốc căn nhà của vị samurai tràn ngập nước mắt, phần lớn do những người hầu gái đổ ra, họ từ lâu đã biết cuộc tình vụng trộm giữa Ông Chủ và Yuki. Shiomi Chie không nhỏ một giọt nước mắt. Bà đã tỏ ra khiêm nhường và tôn trọng gia đình người chồng quá cố, từ đó trở đi cẩn thận chẳng khi nào còn nhắc tới tên anh ta hay những gì anh ta đã làm. Tên người hầu gái đã bị xóa khỏi câu chuyện trước khi thi thể cô ta lạnh ngắt. Sáng hôm sau, tin tức về cái chết của cặp tình nhân lan truyền khắp Matsue, và Shiomi Chie được ngợi ca ở khắp các ngôi nhà kế cận Lâu Đài Matsue như một nữ lưu xứng danh dòng họ Shiomi. Giữa đám những người hầu của những gia đình này Shiomi Chie được biết như “Cô Dâu Nước Đá”. Còn với đám người hầu trong gia đình người chồng quá cố của bà, bà được coi như một “Cô Dâu Máu.”(S.F.,227-228). Nghe Setsu kể chuyện này Lafcacio đòi cô kể lại một lần nữa. Nghe xong anh hỏi liệu tất tật mọi thứ có thực sự như vậy không? Khi Setsu trả lời “Không” Lafcacio khoái trá vỗ đầu gối tuyên bố “A, như thế lại tốt hơn!” Thật ra câu trả lời “Không” của Setsu không phải là phủ nhận sự thực của câu chuyện – nếu câu chuyện không thực sao còn kể lại – nhưng là cách giảm thiểu tối đa sự kinh hoàng để Lafcacio bớt lo ngại. “Tell all the truth, but tell it slant…” đúng như Emily Dickinson đã nói.

   Việc thay đổi tên từ Lafcacio Hearn thành Koizumi Yakumo được Setsu kể lại như sau: Lafcacio biết rằng cha mình qua đời khi bốn mươi tám tuổi  nên khi đứa con trai đầu lòng Kazuo được hai tuổi Lafcacio nghĩ rằng mình phải lo xong vấn đề quốc tịch bằng không cuộc hôn nhân với Setsu không phù hợp với luật pháp cả Anh lẫn Nhật, căn nhà anh hiện làm chủ sau này sẽ được trao cho gia đình anh ở Ireland và gia đình Koizumi sẽ chẳng được thừa hưởng gì khi anh qua đời. Theo Setsu, chính sự chào đời của Kazuo đã thúc đẩy Lafcacio trở thành một người hợp pháp của nước Nhật. Setsu tâm sự như nói với con trai Kazuo: “Hành vi này giúp cho con, con cháu sau này của con, và Mẹ tránh khỏi những sự nhục nhã đã chối bỏ quốc tịch của chúng ta.” Việc xin thay đổi quốc tịch ở Nhật vào thời đó khá hiếm họa. Cho nên “mãi tới ngày 14 tháng Hai, 1896 tức là năm Minh Trị thứ 29 mới hoàn tất, khi con đã hai tuổi, và Lafcacio Hearn bốn mươi lăm được tái sinh thành “Koizumi Yakumo.” Tên mới của này của anh, do việc bắt buộc phải đổi, được thêm vào sổ hộ tịch gia đình Koizumi. Cha con đã đi theo con đường duy nhất mở ra cho ông. Ông đã trở thành người con trai nuôi của một gia đình Nhật để trở thành một người con nuôi của nước Nhật.”(S.F., 269) Việc chọn một cái tên cũng không đơn giản. Lafcacio không quyết định dứt khoát được về việc chọn tên mới. Sau cùng anh chọn cái tên của Ông Nội “Yakumo” đặt cho mình và tỏ ra rất thích thú nói “Yakumo chính tự nó là một bài thơ.” Rồi anh bế lấy đứa con trai từ tay vợ đi quanh khắp các phòng trong nhà khi đó ở Kōbe, ca hát bằng ngôn ngữ Herun-san và sau đó bằng tiếng Anh “Koizumi Kazuo Leopoldo gặp Koizumi Yakumo! Koizumi Kazuo Leopoldo gặp Koizumi Yakumo!” (S.F.,260)

   Setsu kể lại việc Lafcacio dạy cô tiếng Anh: Trước khi sinh Kazuo Setsu khẩn khoản xin chồng dạy mình tiếng Anh nhưng Lafcacio nói “Tiếng Anh xấu xa khi thoát ra từ miệng một người Nhật.” Setsu tưởng rằng chồng có ý nói miệng một phụ nữ Nhật. Nghe chồng nói thế Setsu lặng thinh nhưng lúc đầu Lafcacio không biết Setsu giận vì câu nói đó. Nhưng bốn ngày sau Lafcacio hiểu ra và nói với Setsu: “Vợ yêu, ngày mai chúng ta bắt đầu.” Setsu: “Bắt đầu gì?” Lafcacio: “Bắt đầu tiếng Anh. Vợ yêu không thể là xấu xa.” Những tháng sau đó buổi tối vợ chồng ngồi đối diện nhau và Lafcacio đọc lớn giọng rồi lập lại những từ tiếng Anh trong khi Setsu ghi xuống sổ tay bằng mẫu tự kantakana hay hiragana để khi đọc lên gần có âm tương tự từ tiếng Anh và nghĩa của chúng bằng tiếng Nhật. Với những người Nhật khác bảng ghi này vô nghĩa ngoại trừ với chính Setsu nên Lafcacio gọi đó là ngôn ngữ của Setsu. Trước khi kết thúc buổi học Setsu đọc lại những từ tiếng Anh cho chồng nghe. Việc học tiếng Anh bắt đầu bằng những từ chỉ đồ ăn đặt trên bàn như “onion”, “potato”, “mushroom”, “bread”, “salt”, “sugar” sau đó đến tên những đồ vật như: book, paper, hat, dish, saucer, soap, shoe. Sau đó là những câu nói thường nhật như: “Are you hungry? I have your hat. Have you the paper? I have your sugar. No, I have not. Yes, I have it.” Khi Setsu hỏi chồng sao không dạy mình mẫu tự tiếng Anh Lafcano giải thích: trước tiên phải học cách tạo những âm thanh của ngôn ngữ bằng lưỡi và miệng đã trước khi học đọc và viết, sau chót mới đến văn phạm. Nhưng sau này khi Lafcacio dạy Kazuo tiếng Anh cách thực hành lại khác. Từ đó gia đình nói ba thứ tiếng: Nhật, Anh, và Herun-san. Về việc học sinh ngữ Lafcacio cho rằng tốt nhất là cùng lúc học đọc và viết tiếng Anh và tiếng Nhật để ngôn ngữ này không trùng lấp ngôn ngữ kia hay tạo ra sự lẫn lộn bởi sau này sẽ cần cả hai. Lafcacio tuyên bố: “Tiếng Nhật là ngôn ngữ thực dụng và tiếng Anh là linh hồn của Kazuo.” Nhưng Setsu cho rằng Lafcacio đã lầm vì sau này anh đã thay đổi quan niệm khi cho rằng linh hồn của Lafcacio và Kazuo đều là tiếng Nhật.

   Giọng điệu kể chuyện ở những trang cuối The Sweetest Fruits chậm lại, trầm lắng, buồn bã: Niềm im lặng của sự mất mát. Khi Yakumo giảng dạy bài cuối cùng ớ Đại học Hoàng gia Tokyo. Setsu nhận thấy anh đã thành rất lơ đễnh, tâm trí đâu đâu bất thường. Rồi biến cố quan trọng xảy ra khi Đại học Hoàng gia Tokyo chấm dứt chức vụ giáo sư của Yakumo để mời Söseki Natsume thay thế dù ông này đòi tiền lương cao bằng không sẽ bỏ đi. Năm mươi ba tuổi, không ghế giảng dạy, Yakumo sống ẩn lánh trong phòng văn của mình. Lòng kiêu hãnh tinh thần bị tổn thương lìa rời thân xác, thân xác thành nhẹ tênh. Lưng Yakumo bắt đầu còng, tóc chớm bạc, bước đi chậm chạp, mắt co giật, má hõm xuống, miệng ứa máu. Bệnh tim củaYakumo trở thành nặng hơn như Bác sĩ Kizawa cho Setsu biết. Setsu hồi tưởng: “[…] vào ngày 26 tháng 9, 1904, năm Minh Trị thứ 37 anh thức giấc vào lúc sáu rưỡu sáng, sớm hơn thường lệ, với tiếng chim hót vọng lên từ rặng tre. Em giúp anh mặc áo choàng và đi vớ và anh ăn bữa sáng của anh trong phòng văn. Khi hớp bát nước dùng, anh nói với em rằng đêm qua anh mơ thấy một nơi xa xăm. Nơi đó không phải một xứ sở anh ở trước đây, nhưng với anh lại quen thuộc. Ở đó có chim quạ, bầu trời lốm đốm chim quạ, như thể chúng đang tụ họp. Có lẽ anh đã đi theo chúng đến nơi đó hay chúng theo anh. Anh đang ở sườn núi, xanh rì những cây thấp. mặt dưới những chiếc lá của những cây này long lanh ánh bạc, hoa dại màu ánh sáng ban mai, gần đó là biển khuất tầm nhìn. Anh nói rằng gió nhẹ ở đó mang theo mùi bơ, mùi cỏ xạ hương, và mùi mật ong. Anh nhắm mắt lại và thở hít thật sâu, như thể những mùi đó ở đây trong khu Ökubo này. Em cũng hít thở. Em chỉ ngửi thấy mùi bánh mì nướng.” Khi Kazuo vào chào anh để đến trường anh chúc con có những giấc mơ đẹp, và anh hôn lên hai má Kazuo, như thể nó là Suzuko hay em. […] Anh ở trong phòng văn của anh cả ngày hôm đó, nhìn mênh ra ngoài vườn. Hoa anh đào đêm qua đã rụng, biến con đường nhỏ khu Ökubo thành một thế giới ánh bạc. Anh đòi em đi với anh tới West Indies. Em trả lời “Để ngày mai, chồng yêu của em.” Anh đồng ý “Ừ, mai nhe. Hôm nay quá lạnh, vợ yêu của anh.” Thật ra bữa đó trời không lạnh nhưng Setsu vẫn rùng mính. Tối hôm đó Yakumo ăn bữa tối cùng vợ con, cười vui như con nít, sau đó muốn được một mình trong phòng văn. Khi Setsu trở lại xem anh ra sao thì thấy Yakumo đầu gục trên bàn viết, tờ giấy trước mặt trắng toát không một chữ. Tỉnh giấc Yakumo thì thầm với vợ “Bệnh quay trở lại” nét mặt như thể cáo lỗi. Nhưng rồi trái tim anh đã ngừng đập.

 

   Monique Trương sau khi kết thúc The Sweetest Fruits đã đính kèm thêm một trích đoạn từ quyển  The Life and Letters of Lafcacio Hearn của Elizabeth Bisland để cung cấp thêm một số thông tin tóm gọn về Lafcacio và cũng để chỉ ra sự khác nhau giữa sách tiểu sử với tiểu thuyết lịch sử: Đám cưới Lafcacio Hearn-Setsu Koizumi diễn ra vào tháng Giêng 1891; Sentarō Nishida giáo viên trưởng khoa Anh ngữ trường  Jinjō-chūgakkō ở Matsue người thân của gia đình Koizumi chính là ông mối cuộc hôn nhân Lafcacio-Setsu; thời đó ở Nhật một phụ nữ giòng dõi lấy chồng ngoại quốc là một điều không bình thường nhưng Setsu hai mươi hai tuổi lại có tình cảm đam mê thầm kín người chồng ngoại quốc và cuộc hôn nhân này hạnh phúc cho đến kết thúc; luật pháp Anh theo hiệp ước ký kết với Nhật lúc bấy giờ sẽ truất quyền công dân Nhật của Sentsu và không cho phép họ ở đất liền nên buộc lòng Lafcacio phải bỏ quốc tịch Anh để nhập quốc tịch Nhật và làm con nuôi một gia đình Nhật để vợ con không gặp chuyện phức tạp; tên Yakumo có nghĩa “nơi phát xuất mây” và cũng là từ đầu của một bài thơ Nhật cổ xưa; ban đầu hai ngưởi cư ngụ trong căn nhà của một cựu samurai tiền thuê chỉ bốn Mỹ kim trong khi tiền lương dạy học và tiền nhuận bút của Lafcacio khá nhiều khiến anh lần đầu trong đời không túng thiếu; cuộc sống hạnh phúc của hai vợ chồng bị thu ngắn vì sức khỏe yếu kém không chịu được khí hậu lạnh của Lafcacio vốn quen sinh sống ở những nơi khí hậu ấp áp trong khi ở Nhật thời bấy giờ thiếu sưởi ấm ảnh hưởng nhiều tới con mắt bị thương của anh nên Lafcacio phải di chuyển về dạy ở một đại học công ở Kumamoto; anh ở đó ba năm rồi bỏ dạy học  và có lúc quay về nghề ký giả; đời sống ở Kumamoto quá đắt đỏ, cộng thêm anh ác cảm với bầu không khí quan quyền và xã hội nên Lafcacio quay lại nếp sống cô độc trước đây; chính ở Kumamoto lần đầu Lafcacio nhận ra tính cách hung hãn và nghiêm khắc của người Nhật tuy anh kính trọng và thấu hiểu nhưng lại đối nghịch với bản chất anh nên sự liên hệ của anh với các giáo chức đồng nghiệp chỉ hình thức; việc nha trường luôn thay đổi nhân viên giảng huấn thêm vào đó nhiều phiền toái anh gặp phải khiến Lafcacio quyết định sau khi hết hạn ký kết ba năm anh rời đi Kōbe và làm chủ biên cho và tờ Kōbe Chronicle; thời đó Kōbe là một thành phố cảng người ngoại quốc có thể cư ngụ mà không cần được chính quyền cấp phép; vì công việc viết văn và làm báo không đủ chu cấp cho gia đình Koizumi nhiều miệng ăn Lafcacio trở lại dạy học trường công; Nhờ sự giúp đỡ của giáo sư Chamberlain giới thiệu với Đại Học Hoàng Gia Tokyo Lafcacio được nhận làm giáo sư Anh văn và được trả lương khá cao; đời sống bên ngoải nhà trường của Lafcacio bị nhiều người coi như chuyện cồ tích ví anh quá quả giao, chỉ thân thiết duy nhất với Mitchel McDonald là người đại diện tác quyền sách của Lafcacio; 1902 vì công việc dạy học cực nhọc làm thị lực của Lafcacio không chịu đựng nổi nên anh viết thư cho những người bạn ở Mỹ nhờ kiếm công việc ở bên đó; Được Đại Học Hoàng Gia Tokyo định cho phép nghỉ dạy một năm được trả lương (sabbatical) và nhân Lafcacio được bạn bè ở Mỹ thu xếp cho anh làm gióa sư thỉnh giảng ở Cornell với số tiền lương $2500 Lafcacio lập tức bắt tay vào việc soạn giáo trình nhưng khi nộp đơn xin phép Đại Học Hoàng Gia Tokyo xin sabbatical anh bị từ chối nên anh xin từ chức. Cùng lúc đó bất ngờ Cornell thu hồi hợp đồng lấy cớ ở Ithaca đang bùng phát dịch thương hàn. Các bạn anh ở Mỹ liền tìm cho anh công việc khác nhưng không mấy thành công; Dù có thành công những nỗ lức này cũng vô ích vì Lafcacio thình lình ngã bệnh khá nặng, phổi xuất huyết; khi đã tạm lành bệnh Lafcacio gom những bài giảng dự tính dạy ở Cornell thành một cuốn sách để xuất bản; không lâu sau anh nhận được lời mời dạy Anh văn ở Đại Học Waseda trong khi đó Đại học London và Oxford cũng muốn thương lượng với anh sang làm một loạt thuyết trình khiến Lafcacio thấy thỏa mãn vì tài năng được nhìn nhận; tiếc thay sức lực của anh đã hoàn toàn kiệt quệ; vào ngày 26 tháng Chín, 1904 ngay sau khi vừa viết xong lá thư cuối cùng và khi anh đang đi bộ trên hè đường lúc chạng vạng tối Lafcacio đột nhiên gục ngã và từ trần.

 

thạch trân

California  09/2019