THẠCH TRÂN

THE SWEETEST FRUITS

tiểu thuyết của monique trương

kỳ 2

(phê bình 3 kỳ)

 (Kỳ 1)

Trong bài Acknowlegments/Những Lời Cảm Tạ đặt ở cuối sách Monique Trương cho biết đã dành tám năm để hoàn thành The Sweetest Fruits (SF) /Những Trái Ngọt [Lịm] Nhất bắt đầu từ năm 2010 và kết thúc năm 2018. Quan niệm rằng tiếu thuyết [và viết tiểu thuyết] là một cuộc hành trình nên Monique Trương khi lấy nhân vật chính của SF một nhà văn Lafcadio Hearn kẻ lang bạt đây đó nhiều nơi trên địa cầu (globe-trotting writer) nên – với sự trợ giúp của nhiều cơ quan văn hóa và các đại học như Gala Foundation, Guggenheim Fellowship, PowderKeg New York, Agnes Scott College ở Georgia, Baruch College ở New York City…(Mỹ), Liguta Study Center Civiltella Ranieri Akrai Residency ở Sicilly (Ý)… Helsinki Collegium for Advanced Studies (Finland), U.S.-Japan Creative Artists Fellowchip ở Tokyo, khá đông bạn bè Nhật ở Tokyo nhất là giáo sư Kyoko Yoshida đã mời Monique Trương nói về văn chuơng ở đại học Ritsumeikan ở Kyoto…đã có cơ hội  đến những nơi Hearn đã cư ngụ, quan sát thực địa để viết The Sweetest Fruits vì Monique Trương quan niệm “Một nhà tiểu thuyết lịch sử phải dành thời gian để du hành và có những người đồng hành thực sự nhất là những sử gia và những nhân viên thư viện phụ trách mảng sưu tầm nghiên cứu (S.F. trang 293) đặc biệt nhất là Stephen Headley đã tìm ra ngày mất của Alethea Foley người vợ đầu tiên của Hearn mà không có tài liệu nào ghi lại, và Yoji Hasegawa tác giả quyển A Walk in Kumamoto: The Life and Times of Setsu Koizumi và cũng là dịch giả quyển hồi ký in năm 1918 của Setsu Reminiscences of Lafcadio Hearn. Monique Trương viết những giòng cuối cùng quyển The Sweetest Fruits vào tháng Năm, 2018 ở Santa Cruz, California. Tuy đã là một tác giả tên tuổi và cũng là một diễn giả được ngưỡng mộ nhưng Monique Trương đã viết những lời cảm tạ cuối củng thật khiêm tốn gửi tới những người bạn thân thiết đã bỏ thỉ giờ và công sức đọc những bản thảo đầu tiên quyển The Sweetest Fruits và đề nghị những sửa chữa, nhất là “những lỗi văn phạm” của một nhà văn viết văn Anh như một sinh ngữ thứ nhì (an English-as-a-second-language writer)!Tựa đề quyển The Sweetest Fruits là một ẩn dụ: “Những đứa con là những trái cây ngọt [lịm] nhất của một cái cây lai ghép/The children are the sweetest fruits of a grafted tree.”(S.F. trang 184).

 

   Nếu Chương 1 xoay quanh hai nguyên do gây ra sự mất mát là dị biệt tôn giáo và ngôn ngữ thì Chương 2 lý do của sự mất mát chính yếu là kỳ thị chủng tộc và dị biệt văn hóa nhất là văn hóa  ẩm thực.

   Trích đoạn quyển The Life and Letters of Lafkadio Hearn của Elizabeth Bisland đặt ở trước Chương 2: sau những dòng ngắn tóm tắt về cuộc tình giữa Charles và Rosa là trích đoạn bức thư của James Daniel Hearn, người em trai của Patricio [tức Lafkadio Hearn] – hai anh em không hề gặp mặt nhau – James ngợi ca mẹ Rosa đã ban cho các con những đức tính như yêu điều phải ghét điều trái, ngưỡng mộ cái đẹp và sự thật, niềm tin vào con người…Kế tiếp là những thông tin sơ lược về cuộc sống của Lafkadio khi ở với Bà Cô Brenane Em từ hồi mới hai tuổi: bảy tuổi dường như  được chuyển đến sống ở một căn nhà khác của Bà Cô Brenane Em ở Wales, thi thoảng mới về thăm Ireland, việc học hành ra sao không mấy rõ ràng, chỉ biết Lafkadio có học hai năm tại một đại học Ky tô ở miền Bắc nước Pháp nên thông thạo Pháp ngữ, sau đó theo học đại học Durham ở Ushaw cũng là một đại học ky tô giáo một thời gian và chính ở trường này xảy ra tai nạn khiến Lafkado bị mù mắt trái do trò chơi quất dây với bạn. Sau tai nạn này anh ta trở thành hoảng sợ mình sẽ đui hẳn. Trong The Sweetest Fruits theo lời kể của chính Lafkadio chi tiết này không phải như vậy. Quyển tiểu sử cũng cho biết khi mười sáu tuổi Lafkadio không còn được bà cô và họ hàng thân thích giầu có trợ cấp để tiếp tục học hành nữa, và anh đã nằm bệnh trong hai năm. Khi bà cô qua đời anh không được hưởng chút gia tài nào dù là người thừa kế…Quyển tiểu sử đột nhiên cho biết Lafkadio khi mười chín tuổi không một xu dính túi, mù dở, không bạn bè, được thấy ở New York và rồi sau đó lại lưu lạc tới Cincinnati, Ohio.

    Chương 2 mới thực sự nói về nhà văn Lafkadio Hearn. Bắt đầu với lời kể của Alethea Foley người vợ da đen của anh khá đột ngột: “Pat wasn’t from here/Pat không phải dân xuất xứ ở đây. Ý nghĩ đầu tiên của tôi khi tôi nhìn thấy anh ấy ở nhà trọ của Bà Haslam.” Đây có nghĩa Cincinnati. Người đọc tất nhiên hụt hẫng sau khi đọc hết Chương 1 bước sang Chương 2, sẽ thắc mắc muốn biết về cuộc đời của Charles và của Rosa sẽ ra sao, cuộc sống của Patricio tức Lafkado với Bà Cô Brenane Em thế nào, tại sao lại lưu lạc tới New York rồi Cincinnati…Monique Trương đã sử dụng kỹ thuật “treo lửng, trì hoãn” tự sự để gợi sự tò mò, chống lại thị hiếu muốn sớm biết cốt truyện của người đọc. Như vậy cốt truyện không mấy quan trọng trong tiểu thuyết. Hơn nữa đây cũng là một cách thúc đẩy người đọc tích cực tham dự với người viết vào việc xây dựng cuốn tiểu thuyết, bỏ thói quen đọc tiểu thuyết một cách thụ động do cách viết truyện xưa nay. Những thắc mắc nêu trên của người đọc rồi ra dần dà sẽ có câu trả lời rải rác đây đó trong chương này.

   Lời kể của Alethea người nấu ăn của nhà trọ Haslam ở Cincinnati được Miss Caroline cũng là một người ở trọ ghi dùm vì cô mù chữ. Khi được Ông Bean một người ở trọ khác trong bữa ăn giới thiệu Pat với mọi người “Anh bạn trẻ này tên là Laf-ca-di-o Hearn” Alethea nghe cái tên thật lạ tai. Miss Caroline vốn lãng tai nên bảo Ông Bean lập lại cái tên này trong lúc Pat nhìn xuống đất. Khi dọn đồ ăn cô ta chú ý tới anh chàng Pat và thấy thích bộ mặt và da dẻ anh ta cũng màu đậm như mình. Sau đó Pat đứng lên tự giới thiệu tên mình và cho biết anh là người Ireland chứ không phải dân Cincinnati. Vì lời nói của anh ta nhẹ và nuốt âm cuối nên Miss Caroline bảo Pat nói to lên. Ông Bean cho biết hiện Pat là thư ký riêng của ông thư viện trưởng của thành phố và chẳng bao lâu nữa sẽ làm việc cho nhà in của ông. Pat được cảm tình của mọi người ở nhà trọ. Pat và Miss Caroline thân thiết vì cả hai thich đọc và trao đổi nhau hai tờ báo Cincinnati CommercialCincinnati Enquirer vào cuối ngày. Miss Caroline cũng lặng lẽ chỉ cho Alethea thấy những truyện Pat viết đăng trên tờ Enquirer nhưng không có tên anh ta. Chi tiết này cho người đọc biết Lafcadio khởi nghiệp văn bằng nghề ký giả. Alethea thân nhất với Charlotte người giặt đồ thuê cho khách trọ, coi Charlotte như chị em, thích nghe những câu chuyện Charlotte kể. Cả hai cùng xuất xứ Kentucky. Cũng như Charlotte, Alethea và phần đông phụ nữ da đen thời đó mù chữ và chỉ biết số từ một đến mười. Nếu họ muốn nói một người 21 tuổi họ sẽ nói “hai mười và một.” Để đánh dấu đồ giặt của người nào Charlotte vẽ một bức phác họa chân dung nhỏ người đó.

   Alethea sinh ra ở đồn điền Tabb nên mang họ Tabb. Mẹ của Alethea làm thuê ở đồn điền Foley trước khi sinh cô và bà đã bán cô cho Ông Foley từ khi cô còn bé nên Alethea không biết tên mẹ. Là nô lệ nên cô mang họ chủ Foley. Ít năm sau ông ta trao Alethea  cho cô con gái và người con rể như một tặng phẩm đám cưới. Con gái và con rể ông là chủ đồn điền Salee nằm giữa Dover và Augusta ở Kentucky. Khi đã thân nhau Alethea kể vì sao mình đến ở Salee cho Pat nghe, anh nháy liên hồi con mắt còn nhìn được và nói “như vậy thân phận của cô đầy buồn bã.”(S.F., 84). Alethea nói với Pat cô không còn nhớ mình buồn bã mà chỉ nhớ đã phải làm việc cực nhọc mà không được trả lương.

   Monique Trương cho thấy kiểu tự sự dẫn truyện thường bắt đầu bằng một câu hỏi giống như kiểu của nhà văn Lafkadio Hearn khi cho Alethea đột nhiên hỏi Miss Caroline người ghi chép: “Có phải tôi chưa nói cho cô biết tôi và Pat đã quen nhau như thế nào phải không?” (S.F.,84) tuy ở phần trên Alethea đã có nhắc sơ đến việc này. Pat và Alethea quen biết nhau khi cô hai mươi mốt và Pat hai mươi hai theo lời Ông Anderson y sĩ chữa mắt cho Pat và cũng là người sau này đã cho Pat và Alethea ở trong căn nhà nhỏ hai phòng phía sau căn nhà chính của ông ta mà không lấy tiền thuê nhà. Ở nhà trọ Pat là người cô đơn lặng lẽ, không ăn chung với những khách trọ khác, thường sau khi ăn bữa chiều xong anh ra phía sau nhà bếp ngồi hút ống điếu (pipe). Vào mùa hè Alethea thường để cửa nhà bếp ờ sân sau mở toang cho mát và Pat hay ngó vào bếp đầu gật gật. Theo Alethea thì Pat gật đầu có nghĩa muốn nói “Chào cô, cô Alethea, đêm nay thật tuyệt, và những ngôi sao đang bắt đầu tỏa sáng. Sao cô không ra ngoài này và ngồi với tôi chốc lát?”(S.F.,87) Một tuần sau đó Pat đến sau lưng Alethea khi đó đang rửa chén tự giới thiệu tên mình nhưng cô nói đã biết tên anh rồi và gọi Pat là “Mr. Hearn” khi nói chuyện nhưng Pat không thích cách gọi tên này và chỉ đồng ý Alethea gọi mình là “Mr. Patrick.”. Bà Haslam chủ nhà trọ bắt buộc nhân viên phải không được gọi tên người trống không mà phải có chữ “Miss”, “Mr” hay “Mrs” nếu không sẽ bị đuổi việc. Pat đặt tên Alethea là “Mattie” vì theo anh đó là tên thu ngắn của “Mattie de Maysville” với từ de nói lên tính chất quí phái. Maysville là nơi cô đến trước tiên sau Nội Chiến giải phóng nộ lệ. Alethea được bà Haslam thuê làm phụ bếp cho bếp chính Molly ở nhà trọ của bà. Trước đó Alethea ở đồn điền Salee khoảng năm năm rồi khi mười hay mười một tuối cô nói với nữ chủ nhân đồn điền Salee mình sẽ ra đi. Giữ Alethea lại không được cô chủ nói rằng đồ đạc của Alethea vẫn là tài sản của chồng mình, kể cả quần áo và đôi ủng trên người cô. Biết rằng không thể lấy lại được quần áo và đôi ủng Alethea đang mang nên cô chủ nói trẹo đi rằng  đó là những tặng phẩm. Rời nhà chủ Aleathea  đi theo những người biết đường đến Maysville. Họ lũ lượt đi theo con đường dọc bờ sông Ohio về hướng Đông. Sông Ohio thời đó vẫn thuộc lãnh thổ Kentucky và những di dân này coi con sông như một thách thức và họ quyết vượt qua “We could cross you now/Bây giờ bọn tôi có thể băng ngang ngươi” (S.F., 89). Họ vừa nói câu này vừa cười với con sông. Alethea nói với Pat rằng chính do tiếng cười của họ làm cô cảm thấy sự tự do. Pat cho rằng Maysville chính là nơi Alethea đã tái sinh như một con người tự do. Vì Maysville kế cận đồn điền Tabb nên Alethea đến đó tìm mẹ nhưng không thấy bà và những người già nua còn ở đó cũng không biết mẹ cô ở đâu. Ở nán lại Maysville với hy vọng tìm được mẹ Alethea phải đứng ngoài đường xưng mình lả một người nấu ăn để kiếm việc làm. Sau vài ngày vẫn không có kết quả may sao cô gặp được một bà già, Alethea gọi tên bà là “Bà Cô Sweetie”, nhận cho làm phụ bếp của bà. Alethea nghĩ việc mình nhận làm phụ bếp để có chỗ ăn chỗ ở nhưng Pat sau này lại cho rằng như vậy cuộc đời của cô nào có khác gì ở Salee. Alethea bảo Pat không phải như vậy vì nay cô có thể ở lại hay bỏ đi nơi khác tùy ý. Alethea sau đó đến làm bếp cho hai gia đình ở Maysville rồi lại bỏ công việc đi Cincinnati khi mười bốn tuổi. Alethea làm bêp cho gia đình Ông Anderson, y sĩ mắt, sinh ra ở Cincinnati sau Nội Chiến, tuy màu da ông không đậm nhưng là người da đen, hiện cũng làm chủ một nhà in và một căn nhà ở lớn nên cho Pat và Alethea đến trú ngụ sau khi hai người lấy nhau mà không phải trả tiền thuê nhà. Alethea không thích Pat đặt tên mình là “Mattie” và hỏi từ này nghĩa là gì thì được Miss Caroline cho biết từ này do sự lập lại âm đầu (Alliterative) của từ Alethea.

   Khi Pat tán tỉnh Alethea cô thích nghe những chuyện anh ta kể dù nhiều khi không hiểu gì nên đôi khi muốn đặt câu hỏi. Alethea thấy “những câu chuyện của Pat đầy những lỗ hổng.”(S.F., 92) Những lỗ hổng này thường ở chỗ những nơi anh ta đã ở trước đây. Khi kể chuyện cho Alethea nghe Pat thường cúi đầu khi bắt đầu vì nếu cô nhìn anh ta Pat sẽ đỏ mặt và ấp úng. Ngày đám cưới thấy Alethea mang đôi ủng cao gót Pat ngạc nhiên, không hài long, và đến đêm đem dấu đôi ủng này vào trong chiếc va li của anh ta, nhét vào một trong hai chiếc ủng một bức vẽ con chim bồ câu bay phía trên một con quạ mắt trái nhỏ lệ. Pat cũng kể cho Alethea nghe về nơi anh chào đời là một hòn đảo ở biển Ionian nhưng anh không có chút ký ức nào về hòn đảo này. Nghe Pat nói tên hòn đảo Alethea hỏi “Vậy có phải người ta đặt tên hòn đảo theo tên anh?”. Pat cười mỉm, ngẩng đầu và nói tên anh ta được đặt theo tên hòn đảo. Nghe vậy Alethea nói “Như thế thì hòn đảo của anh đâu có di chuyển. Anh mang hòn đảo theo anh.”(S.F.,94) Nhưng Pat vẫn cho rằng hòn đảo này có di chuyển: chuyển từ tay Vương quốc Anh sang tay Hy Lạp, và khi anh mười bốn tuổi tên đảo cũng thay đổi cho nên theo anh hòn đảo nơi anh sinh ra đã biến mất trên bản đồ. Anh rời đảo cùng mẹ khi mới hai tuổi. Anh thầm thì hỏi đôi giầy của anh như cất lời truy điệu: “Vậy làm sao giờ đây có thể trở lại?”. Muốn hỏi Pat về mẹ anh nhưng thấy mắt anh đỏ hoe Alethea thôi không hỏi. Thay vào đó cô muốn Pat nói về biển vì cả đời cô mới chỉ nhìn thấy sông. Đây là một đoạn văn đẹp: “Pat bảo tôi nhắm mắt lại và nghĩ về tiếng gió thổi như khi gió quét qua một ruộng bắp vào mùa hè. Tôi làm. Anh ta bảo tôi xoay xoay vai bên phải bên trái, như thể tôi đang ca hát. Tôi làm. Giờ thì Mattie hãy tưởng tượng về bầu trời xanh, nhưng bầu trời này vừa ở phía trên em vừa ở phía dưới em. Tôi làm. Với cặp mắt vẫn nhắm nghiền, tôi bảo anh ta nói cho tôi biết mùi của biển. Anh trả lời: mùi sò sống.” (S.F., 95)

   Để dành dụm tiền cho đám cưới Pat dọn đến một nhà trọ khác rẻ tiền hơn. Và anh cũng hứa đám cưới xong sẽ mướn một căn nhà để Alethea có cái bếp của riêng mình. Phần đông những người bạn của Alethea tin lời hứa của Pat chỉ riêng Charlotte vẫn còn tỏ ra nghi ngờ. Căn nhà đầu tiên hai người ở với nhau như vợ chồng ở Phố Longworth, sau dọn sang căn khác ở góc hai phố Chesnut và John. Pat cho Alethea biết cha anh mất khi anh mười sáu tuổi, cũng là năm anh bị tai nạn đui một con mắt. Khi Alethea hỏi về mẹ anh Pat chỉ nói bà đã trở lại hòn đảo của bà. Pat kể lại: một buổi sáng nọ khi thức giấc anh không còn ngửi thấy mùi oải hương và sau đó anh được đặt dưới sự săn sóc của “Bà Già” là tên anh đặt cho Bà Cô Brenane Em sực nức mùi long não và mặt lạnh như căn trang viên của bà. Trước đám cưới Alethea cũng hỏi Pat về cha của anh nhưng anh chỉ vắn tắt cho biết cha anh là một sĩ quan và một nhà giải phẫu, có lẽ ông rất thù ghét Ireland nên thích đi xa, và ông từ trần trước khi năm mươi tuổi vì mắc bệnh sốt rét ở Ấn Độ. Khi Alethea hỏi cha Pat có lấy vợ kế nữa không Pat cho biết cha mình có tái giá và có ba người con gái. Nghe vậy Alethea bảo Pat “Vậy anh có cô độc đâu” vì Pat thường than phiền mình cô độc khi uống rượu. Trước đây Pat không hề kể chuyện về cha anh, nay anh lại nói mình có ba người em gái cùng cha khác mẹ và một người em trai  nên Alethea la anh đã dấu chuyện, và cho rằng anh là một người kể chuyện tồi. Pat ngó lên, mắt phải ngời sáng và nói “Trái lại anh là một người kể chuyện giỏi vì rõ ràng là người nghe muốn biết thêm, và đó là mục đích của việc kể chuyện.” Gián tiếp qua lời Pat chúng ta không những biết them những chi tiết về Charles và Rosa không có ở Chương 1 mà còn nhận ra  cách viết tiểu thuyết của Monique Trương.

   Về chuyện thừa kế Pat kể trong bức thư “Bà Già” bắt đầu bắng câu Charles chẳng để lại cho cháu cái gì hết. Pat nhận được thư này khi ở Cincinnati. Pat nói khi “Bà Già” từ trần bà chẳng còn đồng xu nào cho nên  những thứ Pat thừa kế chỉ là “mùi long não là mùi của cái chết đang chờ đợi, đạo Ky tô, và ngôi trường ký túc đã dạy anh tiếng Pháp và sự bạo động.”(S.F., 111). Pat tỏ ra rất phẫn hận bà cô. Pat nói: “một ngôn ngữ chỉ đòi hỏi em hiểu nó và, trong trường hợp của bạo động, em tuân theo nó.” Pat hỏi Alethea: Giữa cái roi và tiếng nói cái nào dễ hiểu hơn? Cô trả lời “Cái đó tùy người.” Pat đáp: chính xác, nhưng cái roi là cái roi, dùng nó nghĩa là gây thương tích. Sự đau đớn là mục đích duy nhất của nó. Khi Alethea hỏi “Tại sao anh biết vậy?” có nghĩa là ai là người quất anh, Pat trả lời “Bà Già”, tuy bà không có sức mạnh hành hạ thể xác nhưng bà đã gửi anh tới một cái trường ở đó những ông thầy giáo và mấy thằng học trò làm thay bà, tất cả đều nhân danh Thượng đế của bà, nhân danh sự tuân phục Người.” (S.F.,111). Pat kể lại tai nạn xảy ra ở trường St. Cuthert khi anh mười sáu tuổi: một buổi sáng nọ trước giờ đọc kinh anh nghe thấy một tiếng gọi thân tình từ phía sau nhà thờ của trường, anh liền đi về hướng tiếng gọi đó. Tiếng gọi đấm vào mặt làm anh tối tăm mày mặt, ngã ngửa trên bãi cỏ và anh nghe thấy có tiếng cười trong bóng tối. Khi mở mắt ra thì chỉ có mắt phải là nhìn được.

   Pat kể khi đến Cincinnati anh chỉ có cái tên và địa chỉ của một người nhưng người này không phải thân nhân. Tìm đến địa chỉ này anh được một người đàn ông ra gặp, ông này nhìn sơ mặt anh, đọc cái thư giới thiệu anh trao cho ông ta, rồi ông ta nhìn anh thêm một lần nữa trước khi đuổi cổ anh. Pat tay cầm cái mũ, không biết sẽ về nơi đâu hay sẽ làm gì. Trong hành lý của anh chỉ có sách, không có quần áo sạch, và trong túi chỉ có một đồng xu. Thấy bộ tịch Pat lúc đó trông thật đáng thương  người vợ ông chủ nhà lén chồng mở cửa trước và đưa cho anh hai tờ giấy bạc nhầu nát. Pat nói cử chỉ thương người của bà ta làm anh tỉnh táo và cũng làm anh hiểu được rằng mình chỉ là một tên ăn xin. Đêm đó và những đêm sau anh ngủ trên cái ghế dài ở một công viên. Những ngày trở lạnh Pat đổi một ngày công lấy một đêm ngủ trong chuồng ngựa. Và nếu những người coi chuồng ngựa là dân Ireland có thể họ sẽ chia cho anh mẩu bánh, miếng cheese, trái táo. Khi không kiếm được việc làm như xúc than, phân ngựa, muối, cát, Pat phải tay xách va li hành lý cuốc bộ phố phường ra vẻ như người mới tới đây.

   Pat khởi nghiệp ký giả từ khi còn ở nhà trọ của bà Haslam. Anh quen thân với những nhân viên cứu hỏa và cảnh sát – Pat gọi họ là “tai mắt” của anh – và những câu chuyện họ trao đổi với anh là kho tài liệu sống cho những bài phóng sự anh viết đăng trên tờ Enquirer về những sinh hoạt trong bóng tối ít tai biết nên rất được độc giả ưa chuộng. Khi đi đây đó Pat luôn mang theo một cuốn sổ tay để ghi chép. Pat thường chia sẻ những chuyện này với vợ trước khi cho đăng báo Tuy Alethea không thích những câu chuyện bẩn thỉu này nhưng vẫn giúp Pat viết sao để nói lên được điểm quan trọng của bài phóng sự. Khi những bài phóng sự đã được đăng báo Pat đọc cho Alethea nghe và cô riễu anh ta là Pat thích nghe chính giọng đọc của mình. Alethea không thích những bài viết của anh như các độc giả của Enquirer vì Pat dùng chữ quá nhịp nhàng bóng bẩy trong khi cô lại thích lối văn mộc mạc như kể chuyện. Nổi tiếng, kiếm nhiều tiền hơn khiến con người Pat thay đổi và sự thay đổi này ban đầu tạo khoảng cách giữa Pat và Alethea sau đó trở thành những mâu thuẫn. Pat trở thành khó tính trong việc ăn uống hơn chứ không xuề xòa như hồi ở nhà trọ. Tuy không nói ra nhưng Pat muốn vợ phải nấu ăn theo kiểu Âu, nhất là anh chuộng thịt bò hơn thịt heo. Tuy chẳng hề có kinh nghiệm nấu nướng nhưng Pat lại hay chỉ bảo vợ phải nấu ăn thế nào cho ngon. Aletheai đến Charlotte để hỏi ý kiến về việc này. Charlotte cho rằng những nhận định về nấu ăn của Pat không phải là lời cố vấn bởi “bạn không thể cố vấn về một kỹ năng mà bạn không có.” (S.F., 130) Ở đây chúng ta thấy Monique Trương có ý riễu Lafcacio Hearn vì nhà văn này đã xuất bản một quyển sách dạy nấu ăn. Và có lẽ khi viết đoạn này Monique Trương nhớ đến – và cũng muốn nhắc người đọc nhớ tới – anh đầu bếp tên Bình trong quyển The Book of Salt và cũng để nêu lên chủ đề sự quan trọng của khác biệt văn hóa ẩm thực.

   Sau gần một năm chung sống Alethea dần dần mất kiên nhẫn, bất cần việc Pat ăn ở nhà hay đi ăn tiệm. Biến cố lớn xảy ra khi Pat hai mươi lăm và Alethea hai mươi mốt tuổi: Một buổi tối mùa hè Pat say khướt đến nỗi không bước nổi vào trong nhà mà ngủ gục ngoài cổng đến nỗi Alethea phải vực anh xuống và đặt anh nằm ngủ ngay ở lối vào nhà. Khi Pat đã tỉnh táo Alethea hỏi cớ sự Pat kể lại sự việc: Enquirer quyết định sa thải anh vì anh lấy một người vợ da màu. Trong cuộc họp ở tòa soạn có khá đông ký giả làm việc cho Enquirer khi vị chủ nhiệm đi tới bàn làm việc của anh bảo anh rời soạn ngay lập tức. Pat hỏi lý do ông ta tuyên bố “Chúng tôi không thể có một nhân viên với những thói quen đạo đức đáng trách (deplorable moral habits) làm việc ở đây.” (S.F., 132). Ông ta nói thế vì  tòa báo được biết Pat đang chung sống với một phụ nữ da màu. Nghe vậy Pat cười lớn, tưởng rằng đó chỉ là câu nói đùa, nhưng khi nhìn điệu bộ của những người đứng quanh anh biết đó không phải chuyện đùa. Pat lập tức thu dọn đồ đạc của mình rồi ra khỏi tòa soạn không nói năng gì hết. Không về nhà, Pat mang theo tất cả đồ đạc đi thẳng tới tiệm rượu. Tuy Pat thường nói với Alethea “Rượu làm anh nổi giận” nhưng hôm đó Pat đã uống cho đến khi sự tức giận tan biến vì anh đã không nổi giận ở tòa soạn Enquirer. Không thấy chồng đem đồ đạc của anh về nhà Alethea nói với anh hôm sau sẽ đến tiệm rượu nhận lại đồ đạc và trả tiếu rượu. Alethea cũng đưa cho anh tất cả tiền chợ một tuần để tiêu pha. Khi Alethea đến tiệm rượu người chủ da đen cho biết Pat còn thiếu khá nhiều tiền rượu. Tuy bán tín bán nghi nhưng Alethea cũng trả hết tiền nợ. Những tuần sau đó Pat nằm lỳ trong nhà.

   Rồi một hôm Pat quần áo chỉnh tề mặt mày nhẵn nhụi đòi ăn sáng sớm hơn, đọc lướt qua mấy tờ báo và những quyển sổ tay của anh, rồi rời nhà không nói cho vợ biết mình đi đâu. Đến chiều tối trong bữa ăn Pat cho Alethea biết anh về làm cho tờ Commercial. Pat được trọng vọng, được ứng trước cả một tuần lương. Khi Pat trao tiền cho vợ Alethea thấy món tiền lớn hơn trước đây nhiều. Nhưng từ đó giờ giấc làm việc của Pat thay đổi, anh đáo về nhà ăn bữa tối xong là quay lại tòa soạn khiến giờ giấc của Alethea cũng phải thay đổi theo. Và cơ thể Pat cũng thay đổi: cảm thấy đói nhưng không biết mình muốn ăn gì, ngồi vào bàn ăn chầm chầm nhìn món ăn trong đĩa của mình trước khi khó nhọc cầm muỗng nĩa lên như thể chúng nặng chĩu. Alethea thấy vậy rất lo lắng, tự hỏi phải chăng đồ ăn mình nấu không hợp khẩu Pat. Alethea đến Charlotte hỏi xem có những cách nấu thịt bò nào khác không, Charlotte riễu vì biết Pat không thích thịt heo “Thêm chút thịt heo vào.” Charlotte gọi người bạn thân Lucy đang ở trong bếp ra – Lucy là người ở Indiana – hỏi xem bên đó người ta nấu bò có khác ở đây không. Lucy cho biết chẳng có gì khác. Không còn kiệm lời như trước, Pat thường chê bai đồ ăn Alethea nấu, nào là không cho đủ hành vào thịt bò, nào là phải nấu bò với rượu vang kiểu Pháp. Nghe vậy Alethea liền đặt mua rượu vang để nấu bò nhưng khi chỉ mới cắn thử miếng thịt bò Pat liền đem đĩa đồ ăn đổ vào thùng rác, và rời nhà không hé răng nói một lời. Rất nhiều đêm sau đó Pat không về nhà. Đau đớn, nghi ngờ, và bị tổn thương Alethea lấy xe lửa – tiền vé do Charlotte cho vay và chồng Charlotte tặng cô món tiền tiêu vặt khá lớn –  đi Indianapolis, đến tá túc nhà một người có họ hàng với Lucy. Cả hai vợ chồng Charlotte đều mong Alethea sớm quay trở lại Cincinnati. Alethea đã không nói cho ai biết tại sao cô phải bỏ đi. Alethea sau đó quay trở lại Cincinnati còn Pat trong khi vợ bỏ đi cũng rời nhà đi đâu biệt tích từ đó. Khi ở Indianapolis Alethea vẫn nuôi hy vọng Pat sẽ viết thư cho mình. Kèm theo thư sẽ có bức tranh con bồ câu và con quạ quay đầu vào nhau. Hoặc mua vé xe lửa đến tìm mính vì cô tin Pat vẫn là chồng mình và cô vẫn là vợ của Pat. Nhưng mọi sự đã không xảy ra như Alethea nghĩ.

   Trở về nhà Alethea thấy căn nhà không có gì thay đổi ngoại trừ tất cả những quyển sách của Pat không còn trên kệ. Alethea nhớ lại những vật dụng riêng của Pat: sách, cái kính hiển vi, lược, dao cạo râu, hai đôi vớ thủng lỗ, đồ lót…và khi nhìn tấm hình Pat cô nghĩ “Tất cả đồ vật của anh ta giờ đây chỉ còn là những bóng ma.”(S.F.,147) Vào bếp thấy mọi thứ không thay đổi nhưng không thấy cái đĩa gỗ đựng đồ ăn. Alethea cho rằng cái đĩa này đã vỡ nên Pat đã liệng đi rồi vì anh ta chẳng thể nhét nó vào hành lý. Pat có để lại một mẩu giấy cho Alethea vẽ một con quạ nghiêng đầu đậu trên một bia mộ mắt ngẩng nhìn vầng trăng tròn. Vì trên mộ bia chỉ có hai chữ “M de M” nên Alethea nghĩ “Ít ra, Pat đã lịch sự không dùng tên thật của tôi khi anh ta chôn tôi.” Lời kể của Alethea được ghi lại nhiều năm sau khi Pat bỏ đi cho nên Alethea biết cả chuyện Pat đã lấy vợ Nhật và có ba con trai một con gái. Alethea nói mình chẳng thấy oán hận người vợ Nhật của Pat vì cô biết khi ở Cincinnatti và New Orleans Pat cũng đã có nhiều bạn gái rồi. Khoảng nửa năm sau khi Pat bỏ đi anh ta nhờ  một người đản ông tên Henry Watkins cô chưa từng gặp đến nhà Alethea cho cô biết địa chỉ hiện tại của anh ta để tìm gặp. Lạ một điều là địa chỉ của Pat không do Pat viết mà là chữ Henry Watkins. Ông ta cũng lại cho Alethea biết mới nhận được thư của Pat cho hay anh ta đang nằm trong bệnh viện và ông ta rất tiếc không kiếm được người coi tiệm nên không đi thăm Pat được. Henry Watkins cũng cho Alethea biết hiện Pat rất túng thiếu, phải cầm cố hết đồ đạc cho nên nếu Pat còn để lại quần áo ông ta sẵn sàng đem đi New Orleans cho Pat. Trước khi chia tay ông ta đột nhiên xin lỗi Alethea vì đã không làm người chứng khi Pat và Alethea lập hôn thú. Henry Watkins cũng chính là ông chủ nhà in người đã cho Pat việc làm thực sự đầu tiên và giới thiệu Pat làm thư ký riêng cho vị thủ thư của thành phố khi anh mới đến Cincinnati như sau này ông ta đã kể lại với Alethea.  Trước khi bỏ đi Pat đã trả một năm tiền nhà. Miss Caroline nay sức khỏe đã kém nhiều nên chuẩn bị về Boston. Bà và Miss Beryl em bà đã mua sẵn hai ngôi mộ nằm bên nhau và Miss Beryl đã nằm trong một ngôi từ hơn mười năm nay. Miss Caroline cũng theo dõi tờ Enquirer và biết Pat với bút danh Lafcadio Hearn hiện là đặc phái viên Miền Nam của Enquirer. Trên tờ báo này có cả bài viết về Alethea và về Mr. Bean nữa. Hơn hai năm sau khi đã thân thiết hơn Henry Watkin đến gõ cửa bếp nhà trọ Haslam khi Alethea còn đang dọn dẹp sau bữa ăn sáng và báo tin Lafcadio đã mất ở Baton Rouge. Đêm đó Alethea cầu nguyện cho Pat và xin Chúa thứ tội cho anh kẻ không tin Chúa và chấp nhận anh vào Thiên đường. Nhưng thật ra Henry Watskin đã báo tin giả và Alethea không hiểu tại sao ông ta làm vậy. Alethea đồ chừng rất có thể ông ta cũng không biết đó là một lời nói dối hay cũng rất có thể Pat đã nhờ ông nói thế để trong những ngày còn lại của anh Pat không còn phải nghĩ ngợi gì về Alethea nữa, và anh cũng mong sao Alethea cũng được như vậy.

   Nhưng nhiều năm sau Pat đã viết thư cho Alethea gửi về địa chỉ của bà Haslam. Anh biết Alethea với đồng lương hiện nay không trả nổi tiền nhà. Thực vậy, dù vẫn được Mr. Cleneay chồng Charlotte giúp đỡ nhưng nay ông cũng còn phải chu cấp gia đình ngày càng đông miệng ăn nên Alethea đã phải đem bán hay cầm cố đồ đạc trong nhà. Bà Haslam ngó bì thư và nói Mr. Hearn gửi thư cho cô từ ngoại quốc, nơi gửi theo bà có vẻ là chữ Pháp. Alethea giả bộ tỉnh bơ không nói gì khi bà Haslam hỏi sao chẳng nói gì về bức thư cả Alethea chỉ lắc đầu. Đem thư về nhà Alethea thấy địa chỉ gửi từ Martinique một hòn đảo ở West Indies. Nhận thấy lời lẽ Pat trong thư xa lạ như viết bằng tiếng ngoại quốc Alethea ném bức thư vào hỏa lò. Đốt bỏ lá thư của Pat vì Alethea cho rằng Pat đã viết bức thư này khi đang say và cô đơn vì trong thư có những đoạn tả cảnh dài dòng về hòn đảo nơi anh đang ở với những cây cối và hoa, và anh ta cũng nói anh ta hối hận. Pat cũng khoe khoang đã xuất bản năm đầu sách và sắp in cuốn tiếp. Một trong những quyển sách đó là quyển dạy nấu ăn tên sách tiếng Pháp là “Cuisine.” Khi Pat gửi tiếp bức thư thứ nhì Alethea cũng đem vứt vào lò sưởi. Bà Haslam cho biết Pat không còn ở Pháp nữa mà nay đang ở Cuba. Alethea cho Miss Caroline biết lý do đốt thư của Pat: “Những bức thư này là chứng cớ rằng tôi đã lấy làm chồng một người đàn ông hãy còn sống và khỏe mạnh. Khi những trang thư này tới tay tôi, tôi, nay hai lần mười và sáu, cũng đã là vợ của một người đàn ông khác rồi.” (S,F., 164) Alethea cho biết người chồng của cô tên là John Kleitank là một người da đen. Nhưng vì Alethea và Pat không làm giấy ly dị như vậy Pat vẫn còn là người chồng hợp pháp nên cô không thể tái giá với Mr. Kleintank. Alethea muốn độc giả tờ Enquirer biết rằng mình đã bỏ Mr. Kleintank. Alethea nói: “Không phải vì tôi sợ luật pháp mà vì tôi sợ Đấng Tối Cao. Tôi không lả kẻ có tội. Tôi không thể là người có tội.” Alethea muốn khi chết đi được lên Thiên đường. Mấy năm sau Alethea cũng nhận được một bức thư từ nhà xuất bàn sách của Pat ghi người nhận là Mrs. Lafcadio Hearn. Thư cho biết Pat đã qua đời. Nhà xuất bản sách của Pat còn gửi cho Alethea một điện tín cho biết Mr. Hearn có một vợ và bốn con ở Nhật và họ mới chính thức là những người thừa kế, và nhà xuất bản không nợ Alethea bất cứ thứ tiền bản quyền hay tiền lưu chuyển nào. Và việc xin phép Alethea không còn cần thiết vì tên Alethea sẽ không xuất hiện trên quyển sách của Lafcacio Hearn sắp được xuất bản.

   Trong cả hai chương truyện Monique Trương đã cho độc giả thấy những chân dung phụ nữ có cá tính mạnh mẽ, tuy tình cảm nhưng cũng quyết đoán, bao dung nhưng không chấp nhận phân biệt đối xử giới tính, khác biệt tôn giáo ngôn ngữ chủng tộc và cũng không khoan nhượng trước cách cư xử tộc trưởng của nam giới dù phải chịu đựng mất mát.

(còn tiếp)

thạch trân