THẠCH TRÂN
THE SWEETEST FRUITS
tiểu thuyết của monique trương
kỳ 1
(phê bình 3 kỳ)
Trong bài Acknowlegments/Những Lời Cảm Tạ đặt ở cuối sách Monique Trương cho biết đã dành tám năm để hoàn thành The Sweetest Fruits (SF) /Những Trái Ngọt [Lịm] Nhất bắt đầu từ năm 2010 và kết thúc năm 2018. Quan niệm rằng tiếu thuyết [và viết tiểu thuyết] là một cuộc hành trình nên Monique Trương khi lấy nhân vật chính của SF một nhà văn Lafcadio Hearn kẻ lang bạt đây đó nhiều nơi trên địa cầu (globe-trotting writer) nên – với sự trợ giúp của nhiều cơ quan văn hóa và các đại học như Gala Foundation, Guggenheim Fellowship, PowderKeg New York, Agnes Scott College ở Georgia, Baruch College ở New York City…(Mỹ), Liguta Study Center Civiltella Ranieri Akrai Residency ở Sicilly (Ý)… Helsinki Collegium for Advanced Studies (Finland), U.S.-Japan Creative Artists Fellowchip ở Tokyo, khá đông bạn bè Nhật ở Tokyo nhất là giáo sư Kyoko Yoshida đã mời Monique Trương nói về văn chuơng ở đại học Ritsumeikan ở Kyoto…đã có cơ hội đến những nơi Hearn đã cư ngụ, quan sát thực địa để viết The Sweetest Fruits vì Monique Trương quan niệm “Một nhà tiểu thuyết lịch sử phải dành thời gian để du hành và có những người đồng hành thực sự nhất là những sử gia và những nhân viên thư viện phụ trách mảng sưu tầm nghiên cứu (S.F. trang 293) đặc biệt nhất là Stephen Headley đã tìm ra ngày mất của Alethea Foley người vợ đầu tiên của Hearn mà không có tài liệu nào ghi lại, và Yoji Hasegawa tác giả quyển A Walk in Kumamoto: The Life and Times of Setsu Koizumi và cũng là dịch giả quyển hồi ký in năm 1918 của Setsu Reminiscences of Lafcadio Hearn. Monique Trương viết những giòng cuối cùng quyển The Sweetest Fruits vào tháng Năm, 2018 ở Santa Cruz, California. Tuy đã là một tác giả tên tuổi và cũng là một diễn giả được ngưỡng mộ nhưng Monique Trương đã viết những lời cảm tạ cuối củng thật khiêm tốn gửi tới những người bạn thân thiết đã bỏ thỉ giờ và công sức đọc những bản thảo đầu tiên quyển The Sweetest Fruits và đề nghị những sửa chữa, nhất là “những lỗi văn phạm” của một nhà văn viết văn Anh như một sinh ngữ thứ nhì (an English-as-a-second-language writer)!Tựa đề quyển The Sweetest Fruits là một ẩn dụ: “Những đứa con là những trái cây ngọt [lịm] nhất của một cái cây lai ghép/The children are the sweetest fruits of a grafted tree.”(S.F. trang 184).
Monique Trương dùng câu nói của Emily Dickinson “Tell al the truth but tell it slant…/Nói hết sự thực nhưng nói [xiên] theo cách nhìn riêng…’ làm đề từ cho The Sweetest Fruits. Chính vì thế cuộc đời của Lafcadio Hearn theo ba lời tự sự của ba phụ nữ là dịp tác gia nêu chủ điểm của quyển tiểu thuyết “ai là người phải kể chuyện và kể những chuyện gì.” Hơn nữa “Cuộc đời của các nhà văn thường được hiểu nhất qua con mắt của những người nuôi dưỡng họ và làm cho tác phẩm của họ khả hữu.”(Trích dẫn từ jacket/bìa bọc của The Sweetest Fruits .) Vì vậy Monique Trương đã làm sống lại cuộc đời của nhà văn Ái-Nhĩ-Lan thế kỷ 19 này bằng ba giọng điệu kể chuyện trong ba chương sách tuần tự của Rosa Antonia Cassimati (mẹ của Hearn), Alethea Foley (người vợ đầu da đen của Hearn), và Koizumi Setsu (người vợ Nhật của Hearn). Kèm theo những phần này là những trích đoạn từ quyển tiểu sử The Life and Letters of Lafcadio Hearn của Elizabeth Bisland (Lafcadio Hearn quen biết Elizabeth Bisland (nữ ký giả của tạp chí Cosmopolitan) ở New Orleans) – và khi nào Lafcadio Hearn chuyện trò với Setsu mà nhắc tới cái tên Elizabeth là Setsu thường “nói xiên/xéo” “Elizabeth của anh (your Elizabeth) đấy – đặt ở đầu mỗi chương. Làm vậy Monique Trương một mặt để giúp người đọc có một số thông tin tối thiểu để dễ đi vào truyện, mặt khác quan trọng hơn, là để nói lên sự khác biệt giữa sách nghiên cứu tiểu sử của nhà văn và tiểu thuyết lịch sử về nhà văn. Chẳng hạn trong khi Elizabeth Bisland viết “Lafcadio Hearn sinh ngày 27 tháng Sáu năm 1850” thì lời kể của Rosa (mẹ của Hearn) lại là “Patricio đói bụng khi chào đời”.
Chương I là giọng kể của Rosa Antonia Cassimati (hay Rosa Cerigo): Rosa gốc Hy Lạp, sinh ra ở Cerigo vùng quần đảo Santa Maura, thuộc gia đình quyền quí gốc Hy Lạp nhưng mù chữ vì người cha nghiêm khắc, luôn tự hào về gốc gác quí tộc của mình, luôn nhắc nhở hai đứa con trai phải nói tiếng Ý của dân Venice (Venetian) nhưng không được pha tiếng Romaic là thứ tiếng Hy Lạp bình dân, quê mùa: “Chúng ta nói thứ ngôn ngữ của tổ tiên chúng ta”, (S.F. 21) trọng nam khinh nữ, và “cấm cung” cô con gái Rosa. Khi Rosa 23 tuổi ông mới cho phép cô tự mình đi lễ mà không có người đi kèm, không cho con gái đi học như hai đứa con trai, không cho Rosa tiếp xúc với bọn bạn trai của hai anh khi họ đến nhà. Rosa tuy ở trong nhà mình nhưng cảm thấy như bị ở tù. Thế nên khi nhìn qua cử sổ thấy những con chim đến vườn nhà ăn những trái sung chín mọng đã đời rồi vỗ cánh bay đi Rosa mười tàm tuổi ngu ngơ mơ ước và khóc thầm. ước ao phải chi mình cũng như chim có cánh để thoát cũi xổ lồng (S.F., 19): Một cách mộng tưởng Rosa góp nhặt lông chim của những con chim đến ăn sung chin mong khi có đủ sẽ đính vào quần áo không pahi3 để bay đi mà để chết đi: “Tôi chỉ muốn mặc quần áo đính lông chim và nằm xuống chết đi, như một con chim đã thua cuộc trong cuộc giành nhau những trái cây ngọt nhất” (S.F., 19). Không được cha cho đi học nên “Khi tôi mở miệng, tôi có thể chọn lựa giữa hai ngôn ngữ, tiếng Ý hoặc tiếng Hy Lạp, nhưng tôi không thể đọc nó trên giấy.” (S.F. 9). Rosa thích thứ tiếng Hy Lạp gốc gác của mình nên khi có con nhất quyết gọi tên con trai mình là Patricio thay vì Patrick. Vì không thể viết xuông lời kể của mình nên tự sự của Rosa là do một bạn đồng hành tên Elesa người đi cùng trên chuyến tầu chở Rosa trở lại Santa Maura sau khi đem con sang Dublin giao cho một trong hai bà cô của chồng. Trong chương này lời kể của Rosa như những mảnh vụn vì Monique Trương sử dụng kỹ thuật tiểu thuyết cắt dán (collage) giống như họa pháp cac họa sĩ thường dùng. Thủ pháp này ban đầu khiến người đọc rối rắm nhưng lại có tác dụng tạo sự tò mò thúc đẩy người đọc đọc tiếp. Chính vì vậy chúng ta thấy lời kể của Rosa không theo tuyến thời gian trước sau, lộn xộn. Rosa có ba đứa con trai với Charles Bush Hearn, đứa đầu Giorgo chết khi mới sáu tháng khi Rosa đang mang thai Patricio đứa con trai thứ hai được năm tháng. Nhà thờ Chính thống giáo (Orthodox Church) đã từ chối làm lễ ban phước chào đời cũng như làm tang lễ cho Giorgio vì Rosa là tín đồ Ky tô còn Charles lại là tín đồ Tin Lành. Tuy nhớ ngày Giorgo chết là 17 tháng Tám. 1850 nhưng theo Rosa “Chữ và con số chẳng bao giờ có thể nào cùng làm được một việc giống nhau,” (S.F., 11). Vì thế sau khi chôn cất Giorgo người mẹ trẻ Rosa cảm nhận được khoảng cách giữa thân xác đứa con và thân xác người mẹ đã thành vĩnh viễn. Ngay ở Chương I này Monique Trương đã nêu lên hai vấn đề kỳ thị phụ nữ và kỳ thị tôn giáo.
Giọng điệu kể chuyện ở những trang đầu của The Sweetest Fruits buồn bã, phẫn hận. Mẹ chết sớm nên Rosa không biết mặt mẹ, chỉ loáng thoáng nghe hai người anh nói về mẹ nhưng hai anh lại coi mẹ là của riêng họ, cố tình loại Rosa ra ngoải lề. Nhưng qua lời của hai người anh Rosa cũng loáng thoáng biết được rằng mẹ mình “tóc dài, xinh đẹp, buồn bã.” tuy Rosa cho rằng có thể đó là những lời khoác lác, dối trá của hai người anh nhưng những điều này làm Rosa gợi nhớ mẹ. Qua tưởng tượng Rosa khao khát được ngửi tóc mẹ thoảng mùi oải hương (lavender), phải chăng cặp mắt nâu viền xanh lá mạ của mẹ cũng giống như màu mắt mình, và mương tượng như nghe được tiếng mẹ nói tiếng mẹ thở (S.F, 22). Lời kể chuyện thầm thì của Rosa như thể để nói với Patricio nay đã chia xa nên thắc mắc không biết Patricio có nhớ tới Rosa như Rosa đã nhớ tới mẹ không.
Giọng điệu kể chuyện của Rosa trở nên linh hoạt thân yêu hơn khi nói về chuyện tình của mình với Charles. Rosa nhắc lại việc Charles nói tên những quần đảo năm gần xa Santa Maura cho Rosa nghe và Rosa bảo Elesa người ghi chép : “Những quần đảo này không hiện hữu đối với tôi cho đến khi Charles làm chúng hiện hữu bằng hơi thở của anh ta.” (S.F.,29) Tuy khi đã hai mươi lăm tuổi mới biết mặt Charles lần đầu khi họ cùng đi nhà thờ nhưng Rosa thú nhận: “Tôi chắc chắn rằng Thượng đế đã ban cho tôi anh ấy, nên ngay khi mới nhìn thấy anh ta tôi đã yêu anh ấy rồi.” Khi Rosa lần đầu nhìn thấy gương mặt Charles cùng dự lễ trong trong nhà thờ Fortezza và vì chưa biết tên người đàn ông này nên Rosa tạm đặt tên anh ta là Đỏ vì Charles mặc cái áo choàng màu đỏ. Khi Đỏ rời nhà thờ giữa khóa lễ lập tức Rosa chạy theo – tuy chưa bao giờ Rosa làm vậy – và vì chạy vội theo Charles nên ngã quị xuống lúc vừa qua khỏi Villa Cassimati nhà mình. Nghe thấy tiếng kêu của Rosa khi ngã – Rosa lúc đó thấy mình thốt tiếng kêu do ngạc nhiên chứ không phải vì đau – Charles vội vàng đến bên Rosa, quì xuống hỏi han, rồi dang hai cánh tay nâng Rosa lên, bế Rosa trên tay định đưa Rosa trở lại nhà thờ nhưng Rosa sợ nhiều người sẽ nhìn thấy nên bảo Charles đưa mình theo con đường hẹp chạy dài phía sau Villa Cassimati. Con đường nhỏ này mở ra một khu đất hẹp phía trước bãi biển Ionian và ở đó lại có sẵn một cái ghế dài nên Charles ngồi xuống ghế trong tay vẫn còn ôm Rosa (S.F., 34). Cất giọng thầm thì “Em đau”, giọng khẽ khàng vì Rosa e hơi thở của Charles sẽ rời xa gò má mình. Họ trao đổi những lời đối đáp ngắn. Như khi Charles hỏi Rosa “có đau lắm không” Rosa lại “đáp lại bằng tên mình”, khi Charles hỏi mắt cá chân có trật không Rosa lại ‘nói cho Charles biết họ mình”, khi Charles nói anh có thể vén vạt áo em lên khỏi giầy không cô lại “nói tuổi mình,” khi Charles cho cô biết rằng anh ta là y sĩ giải phẫu cốt làm cô yên tâm Rosa lại bảo anh ta “Em chưa có chồng,” khi Charles cởi dây giầy của cô Rosa đưa tay che mặt vì không muốn anh ta thấy mình mỉm cười, khi Charles ấn ngón tay quanh mắt cá chân thì cô lại dấu tiếng thở dài trong lòng bàn tay, khi Charles đặt cô ngồi xuống bên anh và bảo cô buông tay khỏi mặt tuy Rosa làm theo nhưng lại ấn bàn tay mình trên cánh tay áo Charles khiến anh ta cười nhẹ và nói “Sióreta, Sióreta …” Hai người ngồi với nhau cho đến khi chuông nhà thờ bắt đầu rung báo tan lễ. Lúc chia tay Charles hỏi Rosa rằng liệu ngày mai có lại gặp nhau được không cô trả lời “Mai, ở đây, chín giờ.” Nghe vậy Charles cười nhẹ và tuy chỉ biết nhắc lại câu “Sióreta, Sióreta …” (S.F., 34-5) nhưng lại hôn lên hai bàn tay Rosa bàn tay phải rồi bàn tay trái trước khi cô bước đi. Rosa cảm thấy những nụ hôn trên mát cá chân mình như thể môi Charles chạm trên cơ thể mình. (S.F., 35) Charles vẫn gọi tên cô là ‘Sióreta Cassimati” cho mãi tới khi anh ta hôn môi cô. Không muốn che dấu chuyện này nhưng Rosa nói với Elesa “Ý tôi muốn nói là cho đến ngày tôi cho phép anh ta hôn lên môi tôi,” (S.F.,35) để Elesa biết rằng mình không phải là người dễ dãi. Sau đó Rosa cảnh báo Elesa: “Elesa, rồi mai mốt cô sẽ nghe chữ “hôn” mà không khốn khổ về sự hổ thẹn trên mặt cô. Chính tất cả những hành vi tiếp sau một cái hôn mới là thứ cô phải cẩn trọng cho tới khi thành vợ thành chồng.” Dường như người đọc cũng cảm nhận được trong giọng kể của Rosa có chút tiếc nuối báo hiệu sự mất mát sẽ xảy ra. Khúc mở đầu truyện tình này Monique Trương dùng giọng văn tự sự ngắn gọn, hàm ý, nhẹ nhàng.
Cuộc tình giữa Rosa Antonia Csssimati và Thiếu á Y sĩ Giải phẫu Charles Bush Hearn khởi đầu đầy lãng mạn nhưng không ít sóng gió và kết thúc trong đau buồn mất mát. Đứa con trai đầu lòng Giorgio ra đời được sáu tháng thì chết trong khi Rosa đang mang thai đứa con trai thứ nhì. Ngay từ khi mới quen biết nhau Charles đã có thái độ sùng bái nước Anh, tiếng Anh, chủ nghĩa thuộc địa trong câu nói với Rosa “Cô, Sióreta, cô là dân đảo Ionian đặt dưới sự bảo hộ thân hữu của Vương quốc Anh.”(S.F.,28) Charles sau đó nói tên những đảo ngoài Cerigo ra như Corfu, Paxos, Cephalonia, Zanté, Ithaca, Santa Maura cho Rosa biết. Rosa tâm sự “Những đảo này với tôi không hiện hữu cho đến khi đó, khi anh ta đem chúng vào hiện hữu với hơi thở của anh ta.” Viết đoạn này Monique Trương có chủ ý nêu sự quan trọng của văn tự, của việc đặt tên sự vật. Thế nhưng đặt tên sự vật bẳng ngôn ngữ nào cũng quan trọng không kém. Rosa quyết gọi tên con bằng tiếng Hy Lạp thay vì tiếng Anh: Giorgio chứ không George, Patricio chứ không Patrick. Ngoài ra trong đoạn này Monique Trương cũng nói đến sự phân biệt giầu nghèo qua của miệng những phụ nữ đến Villa Cassimati nhà bố Rosa lau chùi sàn nhà : theo họ người giầu không có trái tim và bủn xỉn, Rosa có cha giàu có nhưng cô ta lại nghèo.
Khi Rosa mang thai đứa con trai đầu long hai người anh nổi điên đến căn nhà Charles và Rosa vẫn hò hẹn đập phá om sòm nên Rosa phải bỏ trốn quanh quẩn ở cái ghế ngoài bãi biển đến nỗi Kanella người quản gia phải đem đồ ăn nước uống ra cho Rosa. Kanelle cũng trao cho Rosa cái khan quàng của mẹ Rosa, dăn cô chớ trở về nhà và Charles ngày mai sẽ tới gặp vì hai người anh dọa sẽ giết chết Charles. Gặp nhau Cherles không hề hấn gì, tỉnh rụi và còn báo cho Rosa biết “Thật may, việc sắp xếp cho chuyến đ của anh đã được chuẩn bị từ mấy tháng nay,” khiến Rosa nổi giận hỏi “Thật may” nghĩa là gì. Charles có hứa sẽ thu xếp để hai người đoàn tụ và tạm thời để Rosa ở nhà Sióra Gazi người tình của vị thuyền trưởng cấp trên của Charles. Sióra Gazi là người từng trải nói cả hai thứ tiếng Venetian và tiếng Anh khá hay, đã “dạy bảo” Rosa rất nhiều. “Đàn ông không quan tâm đến lời nói của chúng ta, họ chỉ quan tâm tới cái thân thể Thượng đế đã ban phát cho chúng ta thôi,Rosa ơi. Em có thể thông thạo với thân thể của em và điều này cũng sẽ giúp em rất nhiều.” (S.F.,43) Sau đó Sióra Gazi bày cho Rosa những cử chỉ làm bất kỳ người đàn ông nào phải mê mệt. Khinh thường đàn ông Sióra Gazi nói: “Thân thể của một phụ nữ do Thượng đế sáng tạo. Đàn ông cố bôi xấu em bằng sự tích Eve và nói với em là con gái của Eve nên có tội. Đó là những lời của đàn ông họ sợ hãi hay họ thèm thuồng cái họ không sở hữu. Thế mà cũng có những mụ đản bà nói những lời như thế với em đấy, và họ làm vậy vì những lý do tương tự Rosa ạ.”
Khi Charles và Rosa chuyển đến tỉnh lỵ Lefkada ở Santa Maura hai người thuê căn gác phía trên một tiệm bán thịt. Người chồng chủ tiệm nói được cả tiếng Venetian lẫn Romaic nhưng rất khó nghe. Người vợ năc mùi hoa héo chỉ nói được tiếng Romaic giao bữa ăn ngày hai lần cho Rosa. Còn anh chồng và hai đứa con đẫm mùi phân ngựa, sữa hâm, lòng cá, củi gỗ ô liu cháy và lá phong hôi nồng nặc. Rosa thính mũi và thích mùi nước hoa oải hương. Thế nên “Trong sự ngậm ngùi và mất mát, tôi thấy rằng mắt nhìn không đủ. Mắt có thể nhìn thấy quần áo. Nhìn thấy da. Nhưng mắt không thể đem một thân thể trở lại theo cái cách chỉ có mùi hương là có thể.” (S,F.,45) Sống ở căn gác trên tiệm thịt Rosa phải đóng chặt các cửa sổ và đeo một cái khan tẩm nước hoa oải hương quanh cổ. Sau khi sinh đứa con đầu lòng thân thể Rosa thành xổ xề. Bữa ăn vợ anh hàng thịt cung cấp quá tệ, bữa nào cũng y hệt bữa nấy. Biết Rosa không hài lòng và hẳn chị ta có phàn nàn với chồng nên chỉ một tuần sau Charles thuê nhà khác và đem cả Già Iota là người nấu bếp trước đây của gia đỉnh Rosa đến chung sống.
Lời kể của Rosa để Elesa chi chép sau khi từ Dublin về lại Santa Maura không theo một thứ nào, nhớ gì kể đó, một thứ hồi ức không tự ý gần giống tự sự trong Đi tìm Thời gian đã mất của Proust. Nhưng khác Proust qua những mảnh tự sự của ký ức không tự ý trong The Sweetest Fruits Monique Trương cho biết những vấn đề ngày nay còn bàn cãi như khác biệt ngôn ngữ, giới tính, thân thể phụ nữ…đã cò từ hơn một thế kỷ trước tuy trong tổng thể cả The Sweetest Fruits và Recherche du Temps perdu đều nhắm tới việc trình bày sự hình thành của quyển tiểu thuyết cũng như nhà văn.
Không có nhà thờ nào ở Santa Maura chịu làm lễ cưới cho Charles và Rosa. Để làm vợ yên long Charles hứa khi nào dọn nhà sang Dublin sẽ thu xếp để Giorgio được làm phép rử tội. Nhưng Rosa biết rằng Nhà Thờ Ireland không phải nhà thờ Ky tô giáo là tôn giáo của mình. Cho đến khi Giorgio sáu tháng và Rosa mang thai đứa thứ nhì năm tháng lời hứa trên của Charles cũng không được thực hiện. Việc đặt tên cho đứa con trai thứ hai cũng có bất đồng: Charles muốn đặt tên nó là Patrick trong khi Rosa lại muốn tên nó là Patricio. Trước khi theo đơn vị đi xa Charles gửi một món tiền cho một anh hàng thịt giữ và anh này sẽ phụ trách trả tiền nhà, tiền tiêu pha cho vợ con, tiền lương Già Iota, và tiền túi cho Rosa. Lý do việc làm này: vì Rosa mù chữ. Anh hàng thịt này biết đọc biết viết nên sẽ là người liên lạc thư từ với Charles. Rosa rất cay đắng. Rosa khinh bỉ anh hàng thịt vì thấn thể anh tròn trùng trục, núng nính và nồng nặc đủ thứ mùi khó ngửi khiến Rosa rất tởm anh ta. Vì Charles ở xa và bủn xỉn với vợ nên anh ta tìm cách mua chuộc chiều chuộng Rosa vì “ham muốn” Rosa. Sióra Gazi bảo Rosa: những anh hàng thịt thì cũng chỉ là những sinh vật đơn giản thôi. Quà cáp của họ lả dấu hiệu của sự ham muốn của họ. Và còn dạy Rosa những cử chỉ lẳng lơ để làm cho anh hàng thịt mê mẩn. Rosa thực hiện lời chỉ bảo của Sióra Gazi: cầm tay anh ta đặt quanh eo mình, nhẩy cẫng lên như thể thẹn thùng, quay mặt đi nói “giờ thì” anh đi về đi. Rosa thực hiện những cử chỉ này với anh hàng thịt vài lần. Để tránh hiểu lầm Rosa dặn dò Elesa người ghi chép lời kể chuyện: “Tất cả chỉ có vậy thôi.”
Cho đến khi Rosa ba mươi tuổi cuộc tình với Charles coi như đã chấm dứt. Càng ngảy Charles càng tỏ ra lơ là Rosa, bủn xỉn về tiền bạc. Charles quyết định đưa Rosa và Patricio sang ở Dublin vì anh ta đồn trú ở xa không mấy khi ở với vợ con. Đến Dublin mẹ của Charles ra đón hai mẹ con Rosa ở bến tầu, tỏ ra lạnh nhạt khắt khe, khi thấy Patricio đeo đôi khuyên tai bà bắt tháo bỏ và bắt buộc Rosa chỉ được nói tiếng Anh. Rosa nhắn nhủ Patricio qua lời kể “Bà nội của con lấy đi những chiếc khuyên tai của con và bà ấy cũng lấy luôn đi cả ngôn ngữ của chúng ta.” (S.F.,60) Charles có hai người cô, Bà Brenane Chị và Ba Brenane Em. Bà Brenane Em lấy chồng Ireland giầu có theo Ky tô giáo nên bà theo đạo chồng khiến Bà Brenane Chị thù ghét tuyệt giao. Rosa và con đến ở với Bà Brenane Em. Sở dĩ bà cô này chứa chấp mẹ con Rosa trước hết để trả thù Bà Brenane Chị, sau nữa là vì bà muốn Patricio theo đạo Ky tô và là người thừa kế. Bà ta thuê mẹ của Elesa biết tiếng Venetian và Romaic làm người làm trong nhà và làm thông dịch. Rosa và bà mẹ của Elesa rất thương nhau. Lần đầu gặp bà Rosa rất xúc động khi ngửi thấy mùi oải hương trên tóc bà nhắc nhớ tới mẹ mình.. Mẹ con Rosa ở Dublin khoảng hai năm rồi sau đó Bà Brenane Chị mua vé tàu thủy hạng nhất cho Rosa và Elesa trở lại Lefkada, Santa Maura sau khi Charles chuyển đi Crimea. Rosa nghĩ rằng khi biết tin này chắc anh ta sẽ rất vui vì coi như đã thoát được một gánh năng.
(còn tiếp)
thạch trân