đọc sách vớiii
Đào Trung Đạo

Yasmina REZA

UNE DESOLATON

(Cách Ly) 


Trước khi cho nhà Albin Michel ở Paris xuất bản quyển Une désolation ( Cách Ly) năm 1999 Yasmina Reza đã nổi tiếng trong giới kịch nghệ thế giới. vở Art của Reza được trình diễn trên những sân khấu nổi tiếng trên thế giới và tác giả đựợc trao tặng những giải thưởng cao quí. Sách của Yasmina Reza được dịch ra nhiều ngôn ngữ và đuợc độc giả yêu thích. Sinh năm 1959, mẹ là người Hung và cha là người có hai gìong máu Nga-Iran, hiện nay Yasmina Reza sống ở Paris, mang quốc tịch Pháp và viết tác phẩm bằng Pháp văn. Là tác giả  6 vở kịch: Art, L’homme du hazard, Hammerklavier, và Trois versions de la vie, Une piece espagnol, và Conversations après un enterrement, Reza đồng thời cũng là diễn viên chính trong những vở kịch của mình. Qua bản dịch Anh văn của Steven Berkoff,  Yasimina Reza chuyển  sang Pháp văn tác phẩm Metamorphosis (Hóa Thân) của Kafka. Tháng 8 năm 2005 Yasmina Reza cho ra mắt quyển tiểu thuyết thứ nhì Dans la luge d’Arthur Schopenhauer.

Une désolation (Cách Ly) là một tiểu thuyết ngắn, bề dày không quá 150 trang. Như vậy không gian dành cho chữ viết và giòng tự sự của Cách Ly là một không gian tiểu thuyết được tác gia ép chặt tối đa. Trong khoảng không gian giới hạn đó nhân vật Samuel đối thọai với một kẻ vắng mặt và đôi khi nói với chính mình tuy miên man nhưng lại nêu ra những vấn đề siêu hình căn để về thực tại, về mối tương quan giữa con người và thời gian, về tình yêu và hạnh phúc…Samuel  nay đã ngoài thất thập – cái tuổi gần đất xa trời – là một người u mặc, có giọng điệu chua cay giễu cợt, nay đã nghỉ hưu sống ở Paris với người vợ kế ưa thời thượng, lời ăn tiếng nói nông cạn tên Nancy. Phong cách ngôn từ của Reza trong quyển này và việc đặt tên nhân vật chính gợi sự liên tưởng tới Samuel Beckett. Samuel hiện đang “tự cách ly” với thế giới. Ngay câu mở đầu quyển sách thật cô đọng, cụt ngủn “Khu vườn, hết thảy tôi” đã báo hiệu cho người đọc cần phải chú tâm theo dõi sát những gì Samuel phát biểu. Trong Cách Ly,  Samuel nói với anh con trai hiện đang du lịch để tận hưởng những lạc thú trên đời. Người con trai của Samuel, đại diện cho giới trẻ hôm nay, là kẻ sống chỉ để theo đuối hạnh phúc và điều này ngược với quan niệm sống của ông bố. Samuel chua chát “Tôi thà sinh ra một tên tội phạm hay một tên khủng bố còn hơn sinh ra một kẻ theo đảng hạnh phúc.” Vì theo ông những kẻ chạy theo hạnh phúc là những kẻ tự thỏa mãn với sự tầm thường bế ngòai nhàm chán, đã bị cho “uống nứớc đường” để quên đi thực tại. Ông nói “Tôi đánh giá một người an vui trăm lần cao hơn một người hạnh phúc.”  Samuel tuy chua cay giễu cợt người đời nhưng cũng không phải là người không tự biết mình cho nên nhiều khi cũng không ngần ngại nói ra những sự thực về đời ông. Chẳng hạn về thói xấu hay la lối nhăng xị của mình ông thản nhịên tuyên bố “nếu như một người đàn ông không có một chỗ nào để la hét thì đó không phải là một người đàn ông bình thường.” Than phiền về vợ ông, bà Nancy “chẳng hiểu biết chút gì về sự lão hóa của thân thể, cũng giống như việc bà ấy phủ nhận bất kỳ yếu tố bi thảm nào trong đời sống” hoặc “…từ lúc bà ấy ra khỏi cái giường thì bà ấy là một cơn ác mộng.” Samuel tâm sự với người đời và đôi khi chỉ là nói để chính mình nghe về khá nhiều điều xảy đến trong đời mình. Nói về những kẻ mình ghét bỏ khinh bỉ cũng như về những người mình yêu thương kính trọng. Những lời ông nói ra không phải là những lời càm ràm vơ vẩn nhưng là những lời khiến chúng ta phải suy nghĩ, xét lại bản thân. Kinh qua những sự việc, những kỷ niệm đời mình, Samuel thất thập cổ lai hy kẻ an vui trong cách ly vì không thể chịu đựng được sự “nhàm chán buồn nản” của cuộc sống. Có dịp thổ lộ hết, không phải ngần ngại lựa lời vì biết mình cũng chẳng còn sống ở đời này bao lâu nữa nên người nghe Samuel tuy nhiều khi khó chịu vì những điều chướng tai nhưng đó không phải là những lời có thể bỏ qua vì đó là lời lẽ của một kẻ chính trực, ngay thẳng, bộc lộ hết hỉ nộ ái ố sầu bi của cuộc đời này. Tuy ở nhiều chỗ Samuel nổi giận về vợ về con nhưng khi nói về cái chết mới xảy ra của người bạn tâm phục Leo Fench, tuy Leo là một mẫu người hòan tòan đối nghịch với Samuel. Leo biết “vui hưởng đời sống”, tuy là kẻ thành công trong việc xây dựng nên một sự nghiệp đồ sộ nhưng “ Leo không tin tưởng vào bất kỳ cái gì ông ấy tự tay mình tạo lập ra. Đây là một người đàn ông đã tiêu hết cuộc đời mình để chứng tỏ ông ta là một kẻ năng động và biết liều lĩnh, và ông ấy không tin tưởng vào công trình con người tạo nên hay sự thành công hoặc vào những hậu quả làm mình tin chắc sau khi đã thành công.” 

Samuel có những lời lẽ thật đáng yêu. Tương tự khi ông kể lại mối tình tuyệt vời ông giữ mãi trong tim với Marisa ở thành phố Rouen tuy mối tình ấy không vương chút ham muốn, dục vọng nào. Về thực tại ngọai giới Samuel nhắn nhủ người con trai của ông “Thế giới sống bên trong chúng ta… nhận thức duy nhất của con người vế thế giới đến từ chính bên trong ta và hắn chẳng thể nào bước ra khỏi làn da của chính mình được.” Về Thượng Đế, tuy Samuel là một người Do thái nhưng ông khẳng định “Thượng Đế không hiện hữu nhưng chúng ta tạo ra một khỏang không gian dành cho ông ta, chúng ta lui lại một chút để ông ta bước xuống thế giới của chúng ta, không phải một lần mà nhiều lần mỗi ngày và cho suốt đời mình nữa. Cái thực tại duy nhất là ý chí Thượng Đế dành cho thế giới, cái thế giới được tạo nên bởi những ham muốn xôi sục của chúng ta.” Và còn khá nhiều vấn đề siêu hình khác được phát biểu một cách cụ thể qua cửa miệng Samuel của Yasmina Reza trong Une Désolation người đọc có thể thích hoặc không thích nhưng không thể từ chối lắng nghe.

Là người quan niệm ngôn từ của kịch là “sự im lặng” ngược hẳn  với ngôn từ của tiểu thuyết là tiếng động, Yasmina Reza khi viết tiểu thuyết không có ý định “làm văn chương” nhưng để tìm được cái lạc thú chắp cánh bản thân qua thao tác viết. Từ thời niên thiếu cô bé Yasmina đã bị cha me coi là “già trước tuổi, lại sống trong một hòan cảnh tuy gia đình cao sang nhưng  có cuộc sống tứ phương nên Yasmina Reza là một kẻ vô xứ tiêu biểu. Ttrong bài phỏng vấn do Catherine Argand thực hiện năm 1999 đăng trên tạp chí Lire, Yasmina Reza đã phát biểu nhiều điều khá lý thú về thế giới, vế bản than, về con người. Đáng chú ý hơn cả là quan niệm của bà vế nhân vật tiểu thuyết. Yasmina Reza nói: “Nhân vật trong văn chương không phải là kẻ bằng xương bằng thịt, bạn không thể nhìn thấy hắn sờ sớ trước mắt, nhân vật trong văn chương không thể được cân xứng hay vẽ vời bởi diễn viên đóng vai nhân vật, diễn viên sẽ làm cho chữ nghĩa thành mơ hồ. Trong một quyển tiểu thuyết chữ nghĩa trần trụi, không kèm theo một diễn giải nào cả cho nên tôi xin miễn viết những câu như “hắn ta nói với một nụ cười duyên dáng.” Tôi không muốn có một sự trợ giúp nào cả vì vậy khi viết văn tôi lọai bỏ hết cái gì được coi là giúp vào, tôi luôn luôn đi thẳng tới cái thiết yếu.” Ngòai đời cũng như trong văn chương,  Yasmina Reza coi việc giữ vai trò của mình thế nào khi còn sống là quan trọng trên hết thảy mọi sự. Sự buồn chán (ennuie) là kẻ thù của bà cũng như của nhân vật tiểu thuyết của bà vì “cảm thấy buồn chán là cách ra khỏi thời gian tệ hại nhất.” Yasmina Reza là người không bao giờ thỏa mãn và đặt ra những tiêu chí tinh thần khá cao cho con người cũng như cho chính bản thân. Bà cho rằng tất cả những gì thuộc về thể xác, sự đam mê và sự ham muốn  là những thứ đối nghịch với tình yêu. Lý do là vì để chiếm đọat. Khi bạn muốn chiếm đọat một người nào đó, cái bạn muốn chiếm đọat không phải là cái tốt, cái thiện của người đó má chính là bạn muốn đọat được cái xấu, cái ác.

Đào Trung Đạo

© 2006 gio-o

đọc các bài viết khác của Đào Trung Đạo