đào trung đạo
thi sĩ / thi ca
(85)
RENÉ CHAR
Kỳ 1, Kỳ 2, Kỳ 3, Kỳ 4, Kỳ 5, Kỳ 6, Kỳ 7, Kỳ 8, Kỳ 9, Kỳ 10, Kỳ 11, Kỳ 12, Kỳ 13, Kỳ 14, Kỳ 15, Kỳ 16, Kỳ 17, Kỳ 18, Kỳ 19, Kỳ 20, Kỳ 21, Kỳ 22, Kỳ 23, Kỳ 24, Kỳ 25, Kỳ 26, Kỳ 27, Kỳ 28, Kỳ 29, Kỳ 30, Kỳ 31, Kỳ 32, Kỳ 33, Kỳ 34, Kỳ 35, Kỳ 36, Kỳ 37, Kỳ 38, Kỳ 39, Kỳ 40, Kỳ 41, Kỳ 42, Kỳ 43, Kỳ 44, Kỳ 45, Kỳ 46, Kỳ 47, Kỳ 48, Kỳ 49, Kỳ 50, Kỳ 51, Kỳ 52, Kỳ 53, Kỳ 54, Kỳ 55, Kỳ 56, Kỳ 57, Kỳ 58, Kỳ 59, Kỳ 60, Kỳ 61, Kỳ 62, Kỳ 63, Kỳ 64, Kỳ 65, Kỳ 66, Kỳ 67, Kỳ 68, Kỳ 68,Kỳ 66, Kỳ 69, Kỳ 70, Kỳ 71, Kỳ 72, Kỳ 73, Kỳ 74, Kỳ 75, Kỳ 76, Kỳ 77, Kỳ 78, Kỳ 79, Kỳ 80, Kỳ 81, Kỳ 82, Kỳ 83, Kỳ 84, Kỳ 85,
Một vài vấn đề văn chương quanh René Char
4. Di sản thi ca của Char
Đặt vấn đề về di sản của René Char cũng là dịp để xem xét giá trị thi ca của Char từ ba quan điểm: trước hết quan điểm của những người ca ngợi, ngưỡng mộ Char, sau đó là ý kiến của những người chống-Char, và cuối cùng là quan điểm có tính cách trung lập của những người tỏ ra có sự dè dặt (réticence) trong phán đoán đánh giá thi ca của Char. Trong Feuillets d’Hypnos René Char viết: “Notre héritage n’est précédé d’aucun testament/Di sản của chúng ta không có bất kỳ di chúc nào ở trước.” (frag.62). Không những chỉ khắng định như vậy Char còn được biết là người có thái độ chống đối, bất chấp mọi thiết chế (institution), tức là những nơi gìn giữ di sản. Char không muốn để lại di chúc cho di sản của mình là một thái độ khiêm tốn và cũng tỏ ra rất hiểu biết rằng mình sẽ không có kẻ thừa kế, truyền nhân. Quả thực nếu chúng ta coi René Char là thi sĩ có tầm vóc lớn thì René Char không là ngoại lệ so với đa số các thi sĩ lớn khác: hầu như họ đều không có truyền nhân. Nhưng thật khó định nghĩa những dạng thức lưu truyền di sản và nội dung của di sản của Char. Thế nên phải chăng nói về “di sản” và “lưu truyền di sản” của Char là điều nghịch lý? Song le, căn cứ ít nhất trên hai yếu tố chúng ta vẫn có thể nói đến di sản thi ca của Char theo nghĩa rộng của từ này: Thứ nhất, Char là người ngưỡng mộ di sản của những tiền nhân như Héraclite, Georges de LaTour, Nietszche, Rimbaud...Trong bài Pages d’Ascendants pour l’An 1964 Char đưa ra một ký ức lịch sử văn chương trong đó Char bày tỏ món nợ của mình đối với danh sách khá nhiều nhà văn nhà thơ; và, thứ nhì, chính Char cũng là thi sĩ rất được ngưỡng mộ. Thêm nữa, từ thập niên đầu thế kỷ 21 ngày càng có nhiều nghiên cứu về thi ca René Char được xuất bản ở Pháp, không kể trước đó đã có không ít văn thi sĩ danh tiếng và những nhà phê bình thế giá viết về Char để bày tỏ sự ngưỡng mộ.
Vậy di sản thi ca của René Char là những gì? Trước hết di sản đó là quan niệm về thi ca của Char. Maurice Blanchot cho rằng Char là “thi sĩ của thi ca.” Nhận định của Blanchot không có nghĩa Char đưa ra một định nghĩa cho thi ca, thiết định những qui luật của nghệ thuật làm thơ mà đúng ra là Char mời gọi người đọc tiếp cận một kinh nghiệm ngôn ngữ thi ca, nhận diện chân dung thi sĩ tuy rằng thật khó định nghĩa kinh nghiệm này cho chính xác. Stéphane Baquey hiểu cụm từ “thi sĩ của thi ca” của Blanchot theo một nghĩa khác: Char là một người chuyên chở đặc quyền trong đó có một thực hành nào đó lưu tồn, [ông ta] là một thi sĩ kiểu mẫu cho một sự nhận ra chân dung.”[310] Char suốt đời làm thơ thường lập đi lập lại nhiều lần từ “thi sĩ” trong nhiều bài thơ của mình nhất là trong bài Partage formel cũng như trong bài viết Sur la poésie/Bàn về thi ca (1936-1974, O.C. trang 1298-1303). Ngay từ tập thơ Moulin premier (1935-1936) trong một số đoạn rời cũng như trong bài Commune présence kết thúc cho tập thơ này René Char đã đưa ra cho người đọc chân dung thi sĩ cũng như kinh nghiệm thi ca theo quan niệm của Char. Như vậy Char đã bắc cầu, tạo trung gian giúp người đọc hiểu thơ của mình bằng cách chỉ ra sự cần thiết đọc quan niệm về thi sĩ của Char trước khi đọc thơ Char. Có thể cho đó là một chỉ dẫn về đọc thơ. Việc nêu tên thi sĩ, theo Jean-Claude Mathieu, không nên coi như một hành vi trí thức nhưng là sự xuyên qua thể xác theo lời Char: “Pourquoi le mot “poète” me traverse souvent?/”Tại sao từ “thi sĩ lại thường qua lại nơi tôi?” “Pour qu’il y ait plus d’espace dans le plein et moins d’erreur sur une identité mal révélée. De la nécessité de conserver les maîtresses ombres/Để cho từ này có nhiều chỗ/không gian hơn trong sự đầy đủ và ít có nhầm lẫn về diện mạo bi nhận ra không đúng. Do sự cần thiết duy trì những nỗi ám ảnh tối tăm.”[310] Jean-Claude Mathieu giải thích lời Char: “Trong khi quay trở lại, cái tên trượt trên chính nó, xoay sở một không gian, làm trống rỗng cái nó chỉ định và dành trước một phần của sự vắng mặt, một công việc của niềm im lặng trong khoảng giữa của những lần trở lại của nó.”[311] Chú giải cho từ “le retour/sự trở lại” của cái tên thi sĩ Jean-Claude Mathieu trích dẫn lời Char viết trong bài Nhập (Introduction) cho tập thơ Dehors la Nuit est gouvernée: (viết tắt là Dehors) “[Les poèmes de Dehors, si l’on admet] que la poésie, insolite et cinqième élément, sème ses planètes dans le ciel intérieur de l’homme, en le ménageant un espace pour être mieux vues et une issue pour disparaître/rằng thi ca, là khác thường và là môi trường thứ năm, rải những hành tinh của nó trong bầu trời nội giới của con người, cũng tìm cách thu vén để có một không gian sao cho những hành tinh này được nhìn thấy rõ hơn và có một ngả để chúng biến đi.”[311] Vì Char từ chối viết di chúc cho di sản của mình (di sản kháng chiến, di sản thi ca) – điều này có nghĩa nếu có một “di sản” của Char thì di sản đó lại không có chủ nhân – cho nên việc lưu truyền trở thành nếu không là phức tạp thì cũng là khó xác định. Tuy nhiên ta cũng vẫn có thể tìm được những dấu vết của sự lưu truyền di sản này căn cứ trên những bài viết bày tỏ sự ngưỡng mộ Char của khá nhiều nhà phê bình, những đệ tử chịu ảnh hưởng của Char, những triết gia thân hữu yêu mến Char (Martin Heidegger, Jean Beaufret, Michel Foucault, Roger Laport) những thi sĩ, nhà văn tuy tỏ sự dè dặt (réticence) khi nói về Char nhưng phần nào cũng có sự ngưỡng mộ, những họa sĩ danh tiếng tán thưởng thi ca của Char nên đã vẽ tranh hoặc để minh họa những bài thơ của Char hay vẽ chân dung Char trong những ấn bản đặc biệt [312]
Có quá nhiều những bày tỏ sự ngưỡng mộ khó có thể kể hết ra đây. Chỉ xin vắn tắt: Trong một bức thư gửi cho Char với một giọng thân thiết Saint-John Perse viết: “Char, anh đã bắt ép tia chớp vào tổ chim, và anh xây nhà trên tia chớp...Dành cho anh, Char, tư tưởng, sự tin tưởng đầy tình cảm của tôi.”[313] William Carlos Williams trong một bài viết trên tờ New Republic năm 1956 gọi René Char là “một thi sĩ không dừng bước” (un poète qui ne s’attarde pas). Ngay từ năm 1951 Francis Ponge trong một thư trao đổi với Jean Paulhan đã ca ngợi vai trò quan trọng của René Char trong việc biên tập phần Pháp văn cho tờ tạp chí Botteghe Oscure (gồm những bài viết bằng nhiều ngôn ngữ) do công chúa de Bassiano tài trợ cho thấy ảnh hưởng bao trùm của Char trong tạp chí này.
______________
[310] Stéphane Baquey, L’Héritage du poète trong René Char en son siècle trang 370: Rene Char est “poète de la poésie; et en cela, il est un passeur priviligié par lequel se perpertue une certaine pratique, le poète exemplaire pour une identification. Mais en même temps, cette pratique, il la designe plus qu’il ne la definit.
[311] René Char, Impressions anciennes trong Recherche de la base et du sommet, O.C. trang 744.
[312] Jean-Claude Mathieu, La Poésie de René Char t.II trang 173: En revenant, le nom glisse sur lui-même, se ménage un espace, évide ce qu’il désigne et reserve une part d’absence, un travail du silence dans l’intervalle de ses retours.
[313] L’Herne, René Char trang 17.
(còn tiếp)
đào trung đạo
http://www.gio-o.com/DaoTrungDao.html
© gio-o.com 2017