đào trung đạo
(106)
Kỳ 1, Kỳ 2, Kỳ 3, Kỳ 4, Kỳ 5, Kỳ 6, Kỳ 7, Kỳ 8, Kỳ 9, Kỳ 10, Kỳ 11, Kỳ 12, Kỳ 13, Kỳ 14, Kỳ 15, Kỳ 16, Kỳ 17, Kỳ 18, Kỳ 19, Kỳ 20, Kỳ 21, Kỳ 22, Kỳ 23, Kỳ 24, Kỳ 25, Kỳ 26, Kỳ 27, Kỳ 28, Kỳ 29, Kỳ 30, Kỳ 31, Kỳ 32, Kỳ 33, Kỳ 34, Kỳ 35, Kỳ 36, Kỳ 37, Kỳ 38, Kỳ 39, Kỳ 40, Kỳ 41, Kỳ 42, Kỳ 43, Kỳ 44, Kỳ 45, Kỳ 46, Kỳ 47, Kỳ 48, Kỳ 49, Kỳ 50, Kỳ 51, Kỳ 52, Kỳ 53, Kỳ 54, Kỳ 55, Kỳ 56, Kỳ 57, Kỳ 58, Kỳ 59, Kỳ 60, Kỳ 61, Kỳ 62, Kỳ 63, Kỳ 64, Kỳ 65, Kỳ 66, Kỳ 67, Kỳ 68, Kỳ 68,Kỳ 66, Kỳ 69, Kỳ 70, Kỳ 71, Kỳ 72, Kỳ 73, Kỳ 74, Kỳ 75, Kỳ 76, Kỳ 77, Kỳ 78, Kỳ 79, Kỳ 80, Kỳ 81, Kỳ 82, Kỳ 83, Kỳ 84, Kỳ 85, Kỳ 86, Kỳ 87, Kỳ 88, Kỳ 89, Kỳ 90, Kỳ 91, Kỳ 92, Kỳ 93, Kỳ 94, Kỳ 95, Kỳ 96, Kỳ 97, Kỳ 98, Kỳ 99, Kỳ 100, Kỳ 101, Kỳ 102, Kỳ 103, Kỳ 104, Kỳ 105, Kỳ 106,
GIUSEPPE UNGARETTI
Chương II
Thi pháp và Thi ca của Ungaretti
Giọng điệu thơ Ungaretti theo thời gian càng ngày càng cô đọng, khó hiểu. Lý do được Ungaretti nói trong bài Tựa cho Tuyển Tập Thơ xuất bản ở Pháp năm 1953: Ungaretti luôn có ý muốn đạt tới một tính chất khách quan được đẩy thật xa và coi thi ca như một thử nghiệm đưa kinh nghiệm cá nhân lên cấp độ của tư tưởng và huyền thoại. Theo Bengt Holmqvist “Từ thứ thơ-tia sáng/chớp (poésie-éclair) Ungaretti phần nào chuyển sang một thi phong nhẹ nhàng hơn.”[42] Chúng ta nhận thấy – nhất là ở phần cuối tập Thời Cảm – thơ Ungaretti khó hiểu và tối tăm hơn so với trước đây, không phải vì Ungaretti muốn đưa ra một văn tự mật mã (écriture cryptographique) nhưng đúng ra vì nhận thấy cần tránh sự nguy hiểm của phép tu từ vì tu từ đặt những ý tưởng trong những tương quan tỉnh lược,không giống như những tương quan thật sự giữa những sự vật nhiều khi cách nhau rất xa. Chắc chắn là Thời Cảm khó đọc hơn những tác phẩm trước vì “những hiện tượng tách rời quá xa nhau” nay được biểu đạt bằng những ý tưởng thay vì mô tả những sự vật. Âm nhạc trong Thời Cảm được làm cho đông đặc lại trong cấu trúc câu thơ và sự biểu lộ trực tiếp bị dấu kín trong những từ trừu tượng như trong bài thơ Canto/Bài ca của tập Amore/Tình yêu Ungaretti viết năm 1932 dưới đây:
Rivedo la tua bocca lenta
(Il mare le va incontro nelle notti)
E la cavalla delle reni
In agonia caderti
Nelle mie braccia che cantavano,
E riportarti un sonno
Al colorito e a nuove morti
E la crudele solitudine
Che in sé ciascuno scopre, se ama,
Ora tomba infinita,
Da te mi divide per sempre.
Cara, lontana come in uno specchio...
Anh lại thấy khóe miệng chậm rãi của em
(Có nhiều đêm biển đến gặp gỡ nó)
Và bên dưới hông em con ngựa cái
Trong cơn hấp hối hất tung em
Vào giữa những cánh tay anh đang ca hát,
Và anh lại thấy giấc ngủ đưa em
Sinh động trở lại và đưa em đến gặp những kẻ mới chết.
Và nỗi cô đơn tàn khốc
Mỗi kẻ, khi hắn yêu, khám phá ra rằng,
Nơi mình, giờ đây một nấm mồ vô tận,
Vĩnh viễn chia cách anh và em.
Em yêu, em xa vời như đang ở trong một tấm gương...
Những hình ảnh của quá khứ và thời khắc hiện tại dường như bị cách ly bằng sự hư vô hóa của tư tưởng. Đó cũng là một cách để Ungaretti thoát ra khỏi những kinh nghiệm cá nhân buồn đau, chẳng hạn cái chết của đứa con trai mới 9 tuổi trong thời gian Ungaretti dạy học ở Brezil. Trong giai đoạn 1937-1946 của tập thơ Il Dolore Ungaretti không những chỉ nói về cái chết của Antonietto như trong bài Giorno per giorno/Ngày lại ngày mà còn nói về những người đã khuất khác và những thời gian khổ nạn của mình và của mọi người đã nếm trải, và những tủi nhục con người hiện đại phải gánh chịu như trong bài Roma occupata/Rome bị chiếm đóng. Tiếng thơ như tiếng la hét được mở toang ra do sự đau khổ của thế giới nay đã trở thành khổ nạn. Thế nhưng, theo Bengt Holmqvist, Il Dolore cũng là một sự tạm thời ngưng nghỉ trong lộ trình thi ca của Ungaretti.
Tham vọng đưa sự kiện cá nhân lên tầm cao mới, tầm cao “tới tận ý tưởng và tới tận huyền thoại” của Ungaretti trong giai đoạn này thắng thế nhu cầu giao tiếp với con người nên trong nhiều năm liên tiếp thi sĩ dành tất cả sức lực và thời giờ cho một tác phẩm thật ra được bắt đầu từ năm 1935 với kinh nghiệm chuyến thăm Ai Cập được Ungaretti ghi lại trong bài thơ “Il mio paese d’Africa.” Quá trinh hình thành Đất Hứa khá phức tạp. Bản viết lần đầu của tập thơ này được xuất bản năm 1948 nhưng mang tựa đề Frammenti/Những đoạn rời và rồi hai năm sau Ungaretti cho thêm vào một số bài thơ mới sáng tác và đặt tựa đề Đất Hứa. Năm 1954 Ungaretti cho xuất bản tập thơ này trong Thơ Toàn Tập với nhiều chỉnh sửa và thêm thắt. Thế nên khó mà biết chắc được Đất Hứa đã thật sự kết thúc chưa. Một lý do khác: Ungaretti chủ trương không coi bất kỳ một sáng tác nào là dứt khoát hoàn thành. Bengt Holmqvist nhận định: “Song le La Terra promessa là một tóm lược lớn tất cả tác phẩm thi ca của Ungaretti, với những tiếng vang vọng của những thử nghiệm ban đầu của ông ta, những thử nghiệm này được làm mới ở đây trong một trò chơi phần lớn được phân nhánh xoay quanh sự bền bỉ của quá khứ trong hiện tại. Những nhân vật của Aeneid biểu lộ tư tưởng của thi sĩ. Thật vậy, trong tác phẩm này, trong những điểm quan trọng nhất, phải kể bài ca thoại của Palinurus và một loạt những bài hợp xướng mô tả trạng thái tâm hồn của Dido[n]. Huyền thoại và ký ức được đặt trên cùng một sự hiện diện: hình ảnh và tư tưởng cuối cùng trở thành duy nhất là một.”[43] Sau hết, Đất Hứa cũng chỉ ra sự hòa giải của Ungaretti với đời sống. Trong bài thơ trích dẫn ở phần trên tình yêu là cô đơn và xa cách. Thế nhưng khi lớn tuổi Ungaretti đã viết bài thơ Per Sempre/Mãi Mãi để bày tỏ tâm sự: tình yêu nay không còn là vĩnh viễn chia xa nhưng chỉ là tạm chia tay:
PER SEMPRE
Roma, il 24 Maggio 1959
Senza niuna impazienza sognerò,
Mi piegherò al lavoro
Che non può mai finire,
E a poco a poco in cima
Alle braccia rinate
Si riapriranno mani soccorrevoli,
Nelle cavità loro
Riapparsi gli occhi, ridaranno luce,
E, d’improvviso intatta
Sarai risorta, mi farà da guida
Di nuovo la tua voce,
Per sempre ti rivedo.
MÃI MÃI
Rome, 21 tháng 5, 1959.
Không vội vã anh sẽ mơ thấy mình,
Cong lưng với công việc
Chẳng bao giờ dứt,
Và rồi ở phía trên
Những cánh tay hồi sinh,
Những bàn tay giúp đỡ sẽ mở ra,
Mắt, lại đi vào
Trong hốc mắt, sẽ sáng rỡ,
Và, đột nhiên, nguyên vẹn,
Em sẽ hiện ra, và tiếng nói của em lại sẽ
Là người hướng dẫn anh;
Mãi mãi anh lại gặp em
___________________________________
[42] Bengt Holmqvist, Ungaretti trong L’Herne: Ungaretti trang 151.
[43] Sđd trang 152: Néamoins La Terra promessa est un grand résumé de toute œuvre poétique d’Ungaretti, avec les échos de ses premières épreuves qui se renouvellent ici dans un jeu largement ramifié autour de la persistance du passé dans le présent. Des personnages de l’Eneide expriment la pensée du poète. En effet, dans cette œuvre, parmi les points les plus importants, il faut citer le recitatif de Palinure et une série de chœurs décrivant l’état d’âme de Didon. Le mythe et la mémoire se fondent dans une même présence: image et pensée deviennent enfin une seule chose.
_____________________________________________
THƠ UNGARETTI trong ĐẤT HỨA
CA THOẠI [TỰ SỰ CA] của PALINURUS
Bão tố đã lên cơn cuồng nộ cực độ
Tôi không cảm thấy giấc ngủ tới;
Đó là một mặt phẳng trơn chợt trải rộng trên sự giận dữ của những con sóng,
Một cánh đồng mở rộng cho tự do của yên bình,
Một tuôn trào bất tận của hình ảnh giả trá
Ập đến gáy tôi và quật tôi ngã xuống.
Thân xác tôi đã vùng vẫy chống lại bản án chết người của nó
Khi tôi nhào xuống những giấc mơ không thực của sự cuồng nộ
Bịt kín những hang hốc của hình ảnh nó là thế
Sự quên lãng quỉ quyệt, giấc ngủ bặt lặng,
Với những tiếng vang xa xa đầu độc sự yên bình,
Chỉ có những đợt sóng cho phép sự kiệt lực.
Với sóng không có hưu chiến hay ngơi nghỉ,
Chẳng còn sôi nổi thách đấu sinh tử
Nếu khi sóng tưởng rằng giác quan ngưng nghỉ là yên bình;
Khi nổi lên một cơn thịnh nộ đe dọa khác
Tôi không còn biết bão tố hay giấc ngủ,
Làm tôi kiệt sức giống như biểu tượng cô độc của nó.
Rồi mắt báo điềm đưa ra một hình ảnh
Thắp lửa của tôi những tinh tú và những ngọn sóng,
Qua nghệ thuật trinh nguyên, một vị thần linh đổ đầy giấc ngủ của tôi
Dùng khoa học vị thần linh này làm tăng nỗi âu lo chết người;
Trái tim biết rằng, khi ôm choàng, như thể sự cắn rứt trong cuồng nộ.
Không còn nghi ngờ gì nữa, tôi rớt xuống, chẳng yên bình.
Vì thế niềm yên bình mãi mãi chạy trốn tôi;
Qua sự trung tín cùng mình, hình ảnh
Của tuyệt vọng và, mồi nhử của mọi cuồng nộ,
Tôi rớt xuống, sự giận dữ lạnh lùng của sóng hất tôi trở lại
Tôi trở thành trương phình do sự xô đẩy chết người,
Điên cuồng hơn cả những ngọn sóng, kẻ thù điên rồ của giấc ngủ.
Càng trồi thẳng đứng giấc ngủ càng
Trói chặt tôi; phía sau cái vỏ rạn vỡ của sự yên bình
Mắt tôi bị khoét thủng bởi sự nghiêm xác chết người;
Tôi là đối thủ, là thuyền trưởng thất bại của một biểu tượng vụn vỡ,
Để chiến thắng lại tôi cố gắng đọ sức một cách vô ích với những con sóng;
Nhưng trong huyết quản tôi là sự cuồng nộ rũ liệt
Bừng tỉnh từ giấc ngủ cuối cùng, bí ẩn nhất,
Và cao hơn những ngọn sóng và như một biểu tượng
Của yên bình, tôi đã trở thành sự cuồng nộ không-chết-đi.
[Trong Aeneid Palinurus là thuyền trưởng chiếc thuyền đưa Aeneras
và đoàn tùy tùng đi tìm đất hứa. Khi thuyền tạm dừng ở Carthage để
tránh bão tố Palinurus khuyên Aeneras đi tới Ý nhưng một cơn bão ập
xuống Sicily nên trong khi chờ bão tan mọi người làm lễ mai táng cha
của Aeneras là Anchises. Khi thuyền rời Sicily theo lệnh của các thần linh
Palinurus phải bị hy sinh để mọi người an toàn đến Ý. Palinurus bị
thần linh đánh thuốc mê ngủ say và bị rớt xuống biển. Aeneras không
biết mình bị thần linh xui khiến nên kết án Palinurus là kẻ tự mãn đặt niềm
tin vào bầu trời và biển cả, nên Aeneras chỉ huy chiếc thuyền và đưa
ra lời nguyền Palinurus sẽ phải chết phơi thây trên một bãi biển vô danh.
Sau này Aeneras gặp lại Palinurus dưới địa ngục và được Palinurus cho biết
tuy rớt xuống biển nhưng không chết, sau bốn ngày trôi dạt vào một bãi
biển gần Velia nhưng lại bị dân chúng ở đó giết chết mà không chôn cất.
Aeneras được Cumaean Sibil kẻ dắt chàng xuống địa ngục cho biết có
lời tiên đoán của thần linh rằng Palinurus sẽ được dân địa phương vinh
danh và lập đền thờ.]
(còn tiếp)
đào trung đạo
http://www.gio-o.com/DaoTrungDao.html
© gio-o.com 2018