đào trung đạo

(101)

 

Kỳ 1, Kỳ 2, Kỳ 3, Kỳ 4, Kỳ 5, Kỳ 6, Kỳ 7, Kỳ 8, Kỳ 9, Kỳ 10, Kỳ 11, Kỳ 12, Kỳ 13, Kỳ 14, Kỳ 15, Kỳ 16, Kỳ 17, Kỳ 18, Kỳ 19, Kỳ 20, Kỳ 21, Kỳ 22, Kỳ 23, Kỳ 24, Kỳ 25, Kỳ 26, Kỳ 27, Kỳ 28, Kỳ 29, Kỳ 30, Kỳ 31, Kỳ 32, Kỳ 33, Kỳ 34, Kỳ 35, Kỳ 36, Kỳ 37, Kỳ 38, Kỳ 39, Kỳ 40, Kỳ 41, Kỳ 42, Kỳ 43, Kỳ 44, Kỳ 45, Kỳ 46, Kỳ 47, Kỳ 48, Kỳ 49, Kỳ 50, Kỳ 51, Kỳ 52, Kỳ 53, Kỳ 54, Kỳ 55, Kỳ 56, Kỳ 57, Kỳ 58, Kỳ 59, Kỳ 60, Kỳ 61, Kỳ 62, Kỳ 63, Kỳ 64, Kỳ 65, Kỳ 66, Kỳ 67, Kỳ 68, Kỳ 68,Kỳ 66, Kỳ 69, Kỳ 70, Kỳ 71, Kỳ 72, Kỳ 73, Kỳ 74, Kỳ 75, Kỳ 76, Kỳ 77, Kỳ 78, Kỳ 79, Kỳ 80, Kỳ 81, Kỳ 82, Kỳ 83, Kỳ 84, Kỳ 85, Kỳ 86, Kỳ 87, Kỳ 88, Kỳ 89, Kỳ 90, Kỳ 91, Kỳ 92, Kỳ 93, Kỳ 94, Kỳ 95, Kỳ 96, Kỳ 97, Kỳ 98, Kỳ 99, Kỳ 100, Kỳ 101,

 

GIUSEPPE UNGARETTI

Chương II

Thi pháp và Thi ca của Ungaretti

 

Quan niệm Thi pháp Ký ức của Ungaretti chịu ảnh hưởng Leopardi và Mallarmé. Thi pháp Ký ức không phải là một chủ đề (theme) nhưng là một hoạch định gợi lại kinh nghiệm quá khứ đã ăn sâu trong xương tủy về hố chia cách hiện tại với quá khứ. Như trên đã nói thi pháp này có tính chất kép, bằng cách tạo ảo tưởng nơi con người với phương tiện là những từ để mô tả sự mất mát tiếp diễn và khát vọng tìm lại sự mát mát này. Trong tập Canti Leopardi gợi lại ký ức về sự vĩ đại của nước Ý và về tuổi trẻ, những hình tượng và những quang cảnh rút ra từ chính quá khứ của mình. Thời trẻ tuổi suốt trong hai mươi năm Leopardi tuy là người đau ốm nhưng lỗi lạc, sống cô độc tách rời khỏi bạn bè cùng trang lứa, có đời sống tâm thần rối loạn và sống bằng cảm giác và trí tưởng tượng suốt trên con đường ký ức vô tận giữa quá khứ và hiện tại hữu hạn: thế giới và những đối tượng của thế giới trở thành “kép”, theo một nghĩa nào đó. Chẳng hạn, mắt nhìn thấy (thị giác) một cái tháp và tai nghe thấy (thính giác) tiếng chuông nhưng đống thời trí tưởng tượng lại hình dung ra một cái tháp khác, tiếng chuông khác. Theo Leopardi loại đối tượng thứ cấp này mới thực sự đẹp và thật đáng buồn nếu trong đời sống chỉ nhìn, nghe, cảm những sự vật/đối tượng đơn giản.

Leopardi tìm kiếm trong thi ca Ý thế kỷ 18 khái niệm siêu phàm (sublime) và tuân theo lời Longius cho rằng thi ca “không phải là thuyết phục nhưng là chuyên chở”, nên nỗ lực sáng tạo một phong cách (style) CÓ THỂ gây truyền lan cảm xúc. Chính vì thế Leopardi ngưỡng mộ thi ca của Monti, Petrarch, Filicaia, Testi và nhất là Chiabrera. Leopardi tìm thấy ở Chiabrera việc có thể nhân đôi hiệu ứng ký ức bằng thi từ và bằng nhân cách hóa vật thể với những hình ảnh rõ ràng, không lẫn lộn và không đối chọi nhau, nhưng không được cho rằng hình ảnh này chiếm ưu thế, đáng ưa thích, hay coi là “đúng” hơn hình ảnh kia. Những hình ảnh thi sĩ đưa ra trong thơ tạo cho người đọc ảo tưởng về không thời gian, về chiều sâu và về điểm nhìn. Leopardi tin rằng ngôn ngữ có gốc rễ trong ẩn dụ, do đó qua các ẩn dụ triển khai từ nguyên ủy vốn có tính chất biểu lộ trong kinh nghiệm cảm giác nhưng từ nguyên ủy sau đó đã bị hoặc bỏ quên hoặc bị phớt lờ làm cho ngôn ngữ thành trung tính và trừu tượng. Thế nên Leopardi đề nghị giải pháp tạo hiệu ứng kép như mong muốn bằng cách truy cứu nguyên gốc La tinh có tính chất ẩn dụ của từ. Chẳng hạn như từ costringere vốn có nghĩa buộc lại với nhau, từ vago vốn có nghĩa sự rung động của ham muốn đã bị ý niệm hóa thành costringere=cưỡng ép, vago=mờ nhạt, không rõ rệt. Leopardi gọi parole là những từ có nhiều tầng nghĩa được sản xuất qua thời gian ngược lại với termini là những từ bị làm cho cố định và giới hạn trong “duy nhất một ý tưởng” hay bị giới hạn trong việc chỉ định  nghĩa  (denotation). Leopardi cho rằng từ vựng gốc Hy Lạp và khoa học như tiếng Pháp là termini vì vậy là phản thi ca. Theo Leopardi ngôn ngữ càng sở hữu nhiều parole như tiếng Ý vốn có gốc rễ ăn sâu trong ngôn ngữ cổ, không bị lây nhiễm trong thời Hậu-Phục Hưng (post-Renaissance) Pháp, càng dễ thích ứng với thi ca và thi pháp ký ức. Ý kiến này của Leopardi xem ra có phần chủ quan, dân túy, dễ gây tranh biện.

Tuy ngưỡng mộ Leopardi nhưng trong giai đoạn Allegria Ungaretti lại quan tâm tới việc ký ức bị tiêu hủy một cách mãnh liệt chứ không chú trọng gợi lại quá khứ. Nhưng thi pháp parabola như Leopardi quan niệm cũng có ảnh hưởng trong cách Ungaretti sử dụng thi từ hay viết câu thơ được đặt cô lập nhằm thử nghiệm tính chất cảm xúc, sức nặng của âm độ (tone) hay trọng lực (gravity) của từ và câu. Ungaretti nói về ảnh hưởng của Leopardi trong giai đoạn sáng tác Thời cảm: “Trong những ngày đó tôi suy nghĩ về ký ức...nhờ có sự tràn đầy ý nghĩa ký ức đã cho từ (parola), mở lớn từ và làm cho viễn cảnh của từ sâu thẳm. Một từ đã sống trải qua nhiều thế kỷ, nghĩa là qua thật nhiều lịch sử [từ] phản ảnh nhiều thứ, rằng nó đem chúng ta quay trở lại sự hiện diện của biết bao người mà thân thể họ đã biến mất trên mặt đất nhưng sự hiện diện tinh thần của họ vẫn ở lại khi từ [lời] của họ vẫn tác động trong chúng ta – một từ [lời] với sự hân hoan hay u buồn của chúng ta, có thể làm cho chúng ta nhập cảm vào lịch sử sống động của dân tộc cần cù và thê thảm mà chúng ta thuộc về – một từ  như Leopardi đã nắm bắt được sự thật và vẻ đẹp về hiệu ứng, vẫn có thể gợi cho thi sĩ những phương tiện tốt nhất để làm cho mình phong phú cả về việc rộng mở đạo đức lẫn ngôn từ. Và như vậy tôi đã cảm thấy thi ca của tôi đã không ngừng tự nó nhập với ký ức như chủ đề chính yếu của nó.”[32]

Thế nên trong Thời cảm Ungaretti không những viết câu thơ theo kiểu hendecasyllable  (có 11 từ hay âm tiết) như “trật tự thi ca tự nhiên” mà còn đưa cả parola văn chương như “nhạc cụ cổ xưa” chiếm một vị trí quan trọng đã được Ungaretti bóc tách, xem xét và tái tạo cho riêng thơ của mình như lời phát biểu trong cuộc phỏng vấn với Angioletti năm 1929: “Sự khó khăn không nằm ở chỗ xáo trộn hòa âm của hendecasyllable của chúng ta, cũng không phảiviệc từ bỏ bất kỳ phương cách vô cùng tận nó đã hoàn thành được suốt trong đời sống của nó nào và đồng thời coi coi như thứ yếu trong sự táo bạo và sự gắn bó với thời đại của mỗi người...”[33]  Trong những năm thập kỷ 20 thế kỷ trước Ungaretti nỗ lực xây dựng cơ sở lý thuyết cho Thi pháp Ký ức – tuy gặp nhiều khó khăn – bằng cách phối hợp bài ca cổ điển Ý (canto italiano) đặ trong tâm vào Leopardi “thời gian là tương quan và hướng nội” và với chủ thuyết tượng trưng Pháp với trụ cột là Mallarmé và quan niệm của Bergson về thời diễn, dòng chảy thời gian (la durée). Trong bài viết quan trọng Hồn nhiên và Ký ức đăng trên NRF năm 1926 Ungaretti khẳng định có sự liên hệ mật thiết giữa Mallarmé và Leopardi trong “niềm khao khát sự hồn nhiên bất thỏa của họ,” chứng cớ cả hai đều là những nhà ngữ văn (philologues) chuyên chú tới cái không thể định nghĩa được trong từ, tới khả năng nhạc tính của từ, tới bản thể của từ mà họ dường như cho là không mấy hư hoại và bản thể này là phổ quát. Ungaretti coi nhũng ý kiến của Mallarmé trong bài “Câu thơ tự do” (vers libre) và trong bài “Khủng hoảng thơ” (Crise de vers) là mẫu mực. Ungaretti học được trong văn chương mờ ảo (vague littérature) của Mallarmé những hiệu ứng bí ẩn được xây dựng bằng những ám chỉ gián tiếp và làm mờ đi những gợi tưởng.

 

-------------------------

[32] Joseph Cary, sđd trang 175. Trích dẫn từ  Lirici nuovi (ed. Luciano Anceschi, Milan 1943):

[33] The difficulty is not to disturb the harmony of our hendecasyllable, not to renounce any of the infinite resources it has achieved during its long life and at the same time to be second to none in boldness and adherence to one’s own times...

(còn tiếp)

đào trung đạo

 

http://www.gio-o.com/DaoTrungDao.html 

 

 

© gio-o.com 2018