đọc sách vớiii
Đào Trung Đạo

richard powers


và tiểu thuyết

THE ECHO MAKER
Kẻ Gây Tiếng Vang..

 

 

Trong một dip trước đây chúng tôi đã có dịp giới thiệu nhà văn Mỹ Richard Powers và quyển The Time of Our Singing/Thời Chúng Mình Ca Hát xuất bản năm 2003. Không đầy 3 năm sau, vào tháng 6 năm nay, nhà văn này vừa cho ra mắt quyển tiểu thuyết thứ chín The Echo Maker. Ở Mỹ cũng như ở nhiều xứ sử dụng Anh ngữ cũng như ở Đức, Richard Powers thuộc loại  nhà văn được giới độc giả văn chương cũng như văn giới chờ đọc tác phẩm mới. Nhà văn Mỹ lão thành John Updike cho rằng có thể coi Richard Powers có tầm cỡ của Thomas Mann và Thomas Pynchon. David Foster Wallace cũng cho rằng Richard Powers là người viết tiểu thuyết tầm cỡ nhất hiện nay của Mỹ. Nhiều nhà phê bình văn chương đặt câu hỏi tại sao cho đến bây giờ mà người ta vẫn còn chưa chịu trao giải Pulitzer về Văn cho Richard Powers. Trong giới phê bình có người tuy nhìn nhận quả thực Richard Powers là một nhà văn tài năng nhưng cũng chỉ ra một khuyết điểm là trong phần lớn những tiểu thuyết Richard Powers nặng phần tư tưởng và nhẹ phần nhân vật. Để đáp ứng lời phê bình này trong The Time of Our Singing. và kế tiếp trong tác phẩm mới nhất The Echo Maker Richard Powers đã cho người đọc thấy sự cân bằng giữa tư tưởng và nhân vật.

 Nói chung, có ba điểm nổi bật nhất trong văn chương Richard Powers, và ba điểm này không thể thiếu ở một nhà văn có tầm cỡ lớn:  văn phong độc đáo, khai thác những chủ đề nhân loại phổ quát, và nhân vật có chữ ký tiêu biểu thời đại. Về văn phong Richard Powers có lối viết thi  vị rất gần với Thomas Pynchon, câu văn trong sáng và lạnh.Cách bố cục truyện của Richard Powers thắt mở chủ động để đạt mục đích qua nhân vật tiểu thuyết nói lên được tư tưởng chủ đạo. Về chủ đề, qua mỗi tác phẩm Richard Powers muốn đánh động người đọc suy nghĩ và tự tìm ra câu trả lời cho những vấn đề như: làm thế nào để ta thấy được ý nghĩa thế giới và cuộc đời. Dặc biệt trong The Echo Maker ông đặt vấn đề  bản ngã con người hôm nay là gì, trong ý thức tình cảm hay tri năng đóng vai trò chủ động, khoa học điện toán và khoa học thần kinh đưa ra những bài toán nào giải đáp sự bí ẩn của con người.Trong những tác phẩm trước là những vấn đề như quan hệ giữa nghệ thuật và chủng tộc, vấn đề kỳ thị chủng tộc và ô nhiễm môi trường cũng như ảnh hưởng của những tập đoàn tư bản trên đời sống và văn hóa. Tuy là người đã được trao tặng giải MacArthur năm 1989 vì được coi là một thiên tài đa diện cả vế văn học nghệ thuật lẫn khoa học, Richard Powers lại được giới phê bình Mỹ đặt cho danh hiệu “nhà tiểu thuyết ẩn danh được ngợi ca nhất của nước Mỹ.”

 

Phải chờ đến Chương 3 “Thượng đế Dẫn Lối Ta Đến Với Ngươi” Richard Powers mới giải thích về tựa sách The Echo Maker, đưa ra những huyền thoại từ Đông sang Tây về Hạc. Chúng ta được biết giống chim Hạc này thời xa xưa được dùng làm tên gọi một bộ lạc người da đỏ. Hạc cũng là một loài chim có tiếng kêu vang động, cho nên Hạc được coi là lãnh đạo, tiếng Hạc có khả năng hợp quần mọi người. Tiếng Hạc Vang Vang được tác giả lấy làm tựa đề cho tác phẩm của mình. Có một chi tiết lý thú: Richard Powers có trích dẫn (trang 182) một bài thơ của một thi nhân Việt Nam thuộc thế kỷ 14 có đề tài về Hạc nhưng rất tiếc ông không nêu rõ tên thi sĩ này. Bài thơ được chuyển sang Anh văn như sau (Richard Powers không cho biết tên người chuyển ngữ. Phải chăng ông đã tạo ra một nhân vật tiểu thuyết thi sĩ Việt đó?):

 

          Clouds drift as day pass;

          Cypress trees are green beside the altar,

          The heart, a chilly pond under moonlight.

          Night rain drops tears of flowers.

          Below the pagoda, grass traces path.

          Among the pine trees, cranes remember

          The music and songs of years ago.

          In the immensity of sky and sea,

          How to relive the dream before tha lamp of that night?

 

 The Echo Maker dầy 451 trang, được chia ra 5 chương (Chương 5 chỉ có 9 trang sách) Tên mỗi chương sách là những giòng chữ trích từ  một mảnh giấy do một kẻ ẩn danh ghi lại bằng nét chữ ngoằn ngoèo như mạng nhện và đã kín đáo để bên giường nạn nhân trong bệnh viện. Mảnh giấy đó ghi vỏn vẹn: “Ta Không Là Ai, nhưng Đêm Nay Trên Con Đường Hướng Bắc, THƯỢNG ĐẾ Dã Dẫn Dắt Ta Tới Ngươi, Vậy Ngươi có thể Sống, và đem một kẻ nào đó trở lại” (The Echo Maker, trang 10). Chắc chắn người viết mảnh giấy này phải là kẻ đã gọi điện thoại cấp cứu cho cảnh sát, đã có mặt không lâu sau khi tai nạn xảy ra. Nhưng tại sao vị ân nhân này lại không muốn lộ diện?  Quả thực đây là những lời cần được giải mã. Lời đề từ cho quyển sách Richard Powers ghi lại câu nói của A.R. Luria, một nhà tâm lý học: Muốn tìm thấy linh hồn cần thiết phải mất linh hồn. Linh hồn ở đây không phải là một thực tại siêu hình mà có thể hiểu là ý thức, tri năng pha trộn cảm xúc, tri giác, ký ức. Ở đây Richard Powers muốn qua kinh nghiệm một nhân vật, cộng với kiến thức khoa học, rọi sáng mối tương quan giữa tri năng và cảm xúc trong ý thức bằng một trường hợp bệnh lý. Để làm nền cho chủ đề này, Richard Powers dùng ẩn dụ triệu triệu những con Hạc hàng năm sáu tuần lễ trước khi trời vào Xuân lại bay về “tụ họp cánh liền cánh trên vùng hạ lưu con sông này, cái con sông chúng đã nhập tâm ngả bay tới trong ký ức” Mấy năm trước chính mắt Richard Powers trong một lần đi ngang vùng hạ lưu sông Platte thuộc hạt Kearney ở bang Nebraska đã thấy bầy hạc này và nghĩ rằng “súc vật và con người cùng chia xẻ một ngôn ngữ”.

 

Trường hợp bệnh lý ở đây là Mark Schluter, hai mươi bảy tuổi, có một tuổi thơ u buồn và một tuổi trẻ bất toại, hiện đang làm thợ máy cho một lò sát sinh ở Kearney, mê thích tìm hiểu xe tải, sống đơn độc lặng lẽ tuy có một người chị duy nhất rất thân thiết tên Karin hiện đang làm công việc giao dịch với khách hàng cho một hãng điện toán ở Sioux City. Nhưng vào nửa đêm ngày 20 tháng 2 năm 2002 (sáu tháng sau ngày 11 tháng 9, 2001) đang lái chiếc xe tải trên xa lộ cách không xa vùng hạ lưu sông Platte thì xe bỗng nhiên bị lật một cách thật bí mật. Mark không say rượu khi lái xe, đêm đó trời sang tỏ, con đường này anh thường lái xe qua lại, và anh được coi là một tay lái xe nhà nghề. Cái gì đã gây ra tai nạn này? Chỉ biết khi tỉnh dậy trong bệnh viện Mark thấy có Karin ngồi bên giường.  Mark dần dần hầu như bình phục hoàn toàn ngọai trừ anh bị một chứng bệnh tâm thần rất hiếm là mất hẳn khả năng nhận biết những người thân. Đó là bệnh hội-chứng Capgrass: người mắc hội chứng này tuy vẫn nhận biết được tất cả những đặc điểm của người thân nhưng lại nhất định cho rằng kẻ đang đứng trước mặt mình kia là một kẻ giả mạo/danh. Cho nên Mark nhất quyết cho rằng chị Karin chỉ là một kẻ giả danh do người khác sai khiến tới gặp mình để hãm hại anh và điều này làm Karin rất bối rối, cay đắng. Karin  buồn khổ vì đã bỏ hết công việc, đời sống êm đềm để về với người em duy nhất đang lâm nạn nhưng Mark không những không nhận ra mình mà còn có thái độ nghi ngờ mình nữa.

 

Buồn chán nhưng không thể bỏ đi, Karin gặp gỡ lại hai người tình cũ trong vùng và thật may mắn, Daniel một trong hai người tình của Karin mua được hai quyển sách lọai bìa mỏng của Gerald
Weber, một bác sĩ thần kinh ở New York đang nổi danh như cồn. Karin nghĩ rằng những bác sĩ của bệnh viện không đủ khả năng chuyên môn để chữa trị cho em mình nên suốt trong ba đêm liền đã ngấu nghiến đọc hết hai quyển sách của Weber và sau đó đánh liều gửi điện thư cho vị bác sĩ này. Tuy không mấy hy vọng Weber sẽ tìm đến Kearney chữa bệnh cho Mark nhưng Karin đã cố gắng viết lá thư theo giọng văn của Weber trong sách và gửi lá thư đi. Weber sau một chuyến đi giới thiệu sách tuy đã quá mệt mỏi  nhưng vì hội-chứng Capgrass là một bệnh tâm thần rất hiếm và Weber cho rằng mình không thể bỏ lỡ cơ hội nghiên cứu nên đã tìm đến với Mark. Weber lấy phòng ở khách sạn MotoRest nằm sát xa lộ lien bang. Weber chọn ở khách sạn này vì cái bảng tên khách sạn:  CHÀO MỪNG NHỮNG KẺ NHÌN TRỘM HẠC. Được Weber báo tin, Karin đến khách sạn gặp Weber và lái xe đưa Weber đến bệnh viện gặp Mark. Thái độ riễu cợt và nghi ngờ của Mark là những dấu chỉ cho Weber biết đây là một trường hợp bệnh lý nan giải. Trong những lần gặp riêng Karin, Weber tìm hiểu them về Mark, về gia đình và tuổi thơ của Mark. Sau đó Weber làm  một vài cuộc thử nghiệm, thu thanh vài cuộc nói chuyện, và cũng chỉ viết ra một chương trình trị liệu mơ hồ cho Mark. Sở dĩ Weber không có đủ tâm trí nghiên cứu bệnh tình của Mark vì xảy ra việc Weber bị phê bình dữ dội trên những tạp chí lớn như Harper và Times. Những bài phê bình coi những công trình nghiên cứu của Weber không những chỉ là một thứ tranh hí họa vớ vẩn mà còn lên án Weber đã vi phạm đời sống riêng tư của các bệnh nhân ông đã trị liệu vì đã nêu rõ nhân thân họ trong sách. Việc chạm trán với hội chứng Capgrass nơi người bệnh Mark, bị phê bình công kích trên báo chí, cộng thêm  những âu lo buồn phiền về cuộc hôn nhân đã ba mươi năm với vợ là Sylvie, tất cả những sự việc này dồn dập đến với Weber khiến vị bác sĩ thần kinh nổi danh này phải đặt ra những vấn đề: nghi ngờ những kết quả nghiên cứu của mình trong quá khứ, tựhỏi phải chăng  cuộc đời Mark và đời mình là hai tuyến song hành cùng đang kết thúc. Tuy Weber chỉ ở lại Kearney với Mark bốn ngày, sau đó lẳng lặng bỏ đi nhưng Weber vẫn  gián tiếp theo dõi bệnh tình và việc trị liệu Mark.

 

Chương cuối quyển sách Và Ngươi Đem Người Nào Đó Tr5ở Về kết thúc với việc Mark khỏi bệnh, Mark trở lại tình trạng như trước khi mắc hôi-chứng Capgrass. Trong cuộc gặp gỡ chuyện trò thật cảm động giữa Mark và Karin anh sung sướng vì Karin đúng như ý muốn thầm kín của em trai đã quyết định không trở lại Sioux City mà ở lại Kearney với em. Karin mừng tủi khi nhận ra Mark trở lại là Mark như xưa, một Mark ân cần, luôn dành hết long yêu thương, lo lắng cho Karin. Thấy chị khóc, Mark dỗ dành Karin như thuở hai chị em còn thơ ấu. Mark bảo Karin “Này chị, em biết chị đang cảm thấy như thế nào. Những ngày tháng cực khổ khó khăn, với cả hai đứa mình. Nhưng hãy xem đấy! Nhưng không phải là hoàn toàn tệ hại, phải thế không? Thật ra cũng tốt lắm đấy chứ. Về nhiều mặt, xem ra còn tốt hơn nữa là khác.” Kiểu nói năng ấy đúng là của Mark rồi, Karin biết vậy nên còn gang hỏi “Ý mày định nói gì hả Mark? Khi mày nói khá hơn về cái gì chứ”? Và Mark trả lời “ Ý em muốn nói. Chị. Em. Nơi đây.” Trong chương chót này Richard Power cũng kể lại cuộc trở về với gia đình của Weber, những ý nghĩ , tình cảm mông lung về thế giới, về cuộc đời, về hội-chứng Capgrass, về Mark khi Weber còn đang ở trong chiếc máy bay đưa ông trở về. Weber nay muốn được sống cuộc sống một người vô danh. Weber có ý nghĩ “Từng giây phút, chúng ta được sinh ra đời”. Khi máy bay hạ cánh, trên đường đi vào phi trường Weber tha thiết mong đợi Sylvie, vợ mình, ra đón mình để Weber có thể tìm lại được Sylvie, một Sylvie đã tìm lại được Weber.

 

Mở đầu cho mỗi chương sách Richard Powers đều trở lại nói về Hạc. Diễn biến câu chuyện được xếp đặt rất hấp dẫn, sự biến thiên tâm lý và cuộc sống những nhân vật chính Mark, Karin, Weber được trình bày trong một mạng lưới thông tin chồng chéo giữa thực tại và khoa học, bằng một kỹ thuật tự sự luôn luôn biến đổi vị trí người kể chuyện. Người đọc tuy phải thật cố gắng chú ý theo dõi mọi chi tiết truyện cũng như những đối thọai, mỗi câu văn tự sự (một điều thiết yếu Richard Powers đòi hỏi người đọc sách ông) để lần về  giải đáp cho những nan đề và những bí mật nhưng sẽ được đền bù xứng đáng khi đọc đến giòng chữ chót của quyển sách. Và tự hỏi: ẩn dụ muôn vàn những con hạc hàng năm trước khi trời vào Xuân lại bay về quần tụ trên vùng trời mênh mang phía trên hạ lưu một con sông tác giả đưa ra phải chăng muốn nhắc nhở mình hãy mở rộng tầm nhìn cuộc sống lên cấp độ cao hơn và thấp hơn tầm nhìn lối mòn quen thuộc xưa nay.

                   

 

 Đào Trung Đạo

         

© 2006 gio-o

đọc các bài viết khác của Đào Trung Đạo