Gió O Tết Con Tý 2008
đọc sách
với
đào
trung đạo
peter handke
Der Bildverlust
(mất hình ảnh)
Peter Handke được người đời bíết đến nhiều như một nhà văn gây ra những tranh cãi sôi nổi không những về văn học mà còn về chính trị trong khi ông lại được giới trí thức văn học hàn lâm coi như một tác giả có tầm vóc lớn của văn chương thế giới cuối thế kỷ 20. Gần đây nhất, vào ngày 18 tháng 3 năm 2006, khi dự tang lễ cựu tổng thống Slobodan Milošević, một nhân vật chính trị bị đưa ra tòa án quốc tế xử tội ác chiến tranh và diệt chủng, trước trên 20,000 người dự tang lễ Peter Handke đã đọc một bài điếu văn gây nên những luồng dư luận phản đối sôi nổi vì người ta cho rằng ông là người thân cận và bênh vực Milosevic. Nhưng đối với giới nghiên cứu văn học, người ta chú ý đến văn tài của ông hơn là thái độ và quan điểm chính trị của nhà văn này. Peter Handke sinh năm 1942 ở Griffen, Áo quốc, mẹ là người gốc slovac, cha vô danh. Giòng dõi gia đình tiểu nông tỉnh nhỏ, tên Peter Handke là do ông bố dượng nghiện rượu đặt cho đứa con riêng. Ngay từ khi còn nhỏ Peter Handke đã thù ghét ông bố dượng cũng như nơi sinh trưởng của mình. Ông khởi đầu viết văn khi mới 16 tuổi và khi đang học dở dang ở trường Luật đã có tác phẩm được một nhà xuất bản lớn ở Đức nhận in sách nên Peter Handke bỏ học quay sang chuyên sáng tác. Tên tuổi ông được chú ý nhiều nhất vào năm 1966 khi cho trình diễn vở kịch “Nhục Mạ Khán Giả” và đưa ra lời đả kích đầy khiêu khích phê phán Nhóm 47 – gồm phần lớn những nhà văn Đức hiện đại tiền phong nổi tiếng như Heinrich Boll, Gunter Grass – là đã cưỡng chế văn chương khi áp đặt văn chương có vai trò dấn thân phê phán xã hội. Peter Handke là nhà văn và nhà biên kịch độc đáo, có một chỗ đứng biệt lập trên văn đàn thế giới. Sách của ông được dịch ra nhiều thứ tiếng, được trao nhiều giải thưởng văn chương cao quí của Áo và Đức. Nhà văn nữ Elfriede Jelinek khi được trao giải văn chương Nobel năm 2004 tuyên bố Peter Handke mới là nhà văn xứng đáng hơn bà để nhận giải thưởng này. Peter Handke hiện tạm cư tại Chauville, kế cận thủ đô Paris.
Quyển tiểu thuyết mới nhất của Peter Handke có tựa đề nguyên văn Der Bildverlust oder Durch die Sierra de Gredos ( Mất Hình Ảnh hoặc Băng Qua Sierra de Gredos) khi được dịch sang Anh văn xuất bản vào tháng 9 năm 2007 tựa đề này chỉ giữ lại phần sau là Crossing the Sierra de Gredos/Băng Qua Sierra de Gredos, trong khi bản dịch Pháp văn do nhà Gallimard xuất bản từ năm 2004.bìa sách chỉ in phần đầu tựa đề La perte de l’image/Mất Hình Ảnh. Qua cách chọn tựa sách này chúng ta thấy cách tiếp thị của giới xuất bản ở Mỹ muốn độc giả nghĩ đây là một cuốn truyện du ký, trong khi giới xuất bản ở Pháp lại nghiêng về tính chất văn chương, triết lý trừu tượng của tác phẩm hơn. Peter Handke thuộc loại tác gia chọn lựa độc giả, dễ làm cho những người đọc sách để giải trí nản lòng vì tác gia đòi hỏi người đọc kiên nhẫn, bỏ thói quen lối mòn đọc văn chương bài bản thời thượng. Ngay từ trang mở đầu quyển truyện Peter Handke đã làm người đọc bối rối khi vào truyện quá đột ngột như sau “Bà ấy mong mỏi đây sẽ là chuyến du hành cuối cùng của bà. Đi đến cái nơi chốn ở đó bà đã sống và làm việc trong một khoảng thời gian khá dài, giờ đây nó lại luôn luôn đem tới cho bà quá dư thừa những kinh nghiệm và những cuộc phiêu lưu.” Cốt truyện của quyển tiểu thuyết bề ngoài đơn giản đến trần trụi và những diễn biến của cuộc phiêu lưu không lạ lùng hấp dẫn. Nhân vật tự sự vắng mặt khiến người đọc nhiều khi tưởng lầm đó chính là tác giả. Peter Handke giới thiệu nhân vật chính không có cả một cái tên, vắn tắt chỉ “là một bà hoàng trong giới tài chánh”, một phụ nữ đã quá tuổi trung niên, hiện sống tại một thành phố lớn ở Bắc Âu, nay bỏ lại sau lưng tất cả của cải danh vọng để làm một chuyến đi băng ngang vùng Sierra de Gredos tới tỉnh La Mancha xa tắp cũng thuộc Tây Ban Nha để gặp nhà văn nổi tiếng từ lâu sống ẩn dật bà đã thuê viết quyển tiểu sử cùng với chuyến du hành của bà. Địa danh La Mancha nhắc nhở người đọc nhớ tới nhà văn Cervantes và tác phẩm Don Quixote cũng như nhà hiệp sĩ lang thang đánh nhau với cái cối xay gió. Người phụ nữ trung niên quyền uy này, tác giả tiết kiệm thông tin nên chỉ sơ lược cho biết bà sinh trưởng ở Đông Đức, tổ tiên giòng dõi Ả Rập và Slovac, cha mẹ bị tai nạn chết sớm nên được ông bà là những kẻ sống du mục nuôi nấng, có một người con gái nhưng nay đã biệt tích và một người em trai hiện bị tù vì tôi khủng bố. Tuy nổi tiếng nhưng người phụ này ngoài đời lại là một khuôn mặt ẩn hiện bất thường. Ngoài ra, bà còn có một khả năng đặc biệt rất nhậy cảm với hình ảnh nên có thể điều khiển hình ảnh theo ý muốn và khả năng này đã giúp bà nhiều lần tránh khỏi những hiểm nguy. Điều kiện bà đặt ra cho nhà văn là không được dùng những chi tiết cũng như những biến cố cụ thể của đời bà và của chuyến du hành để viết quyển tiêu sử.
Cuộc du hành băng qua Sierra de Gredos không được mô tả theo cách thường tình nhưng được “vạch lại” như một cuộc hành hương tâm linh. Để minh họa Peter Handke đã đối nghịch cái nhìn của nhân vật chính với cái nhìn mô tả sự kiện ngoại tại của một ký giả - điển hình cho giới truyền thông Tây phương hiện đại – cho thấy tri giác thực tại là tổng hợp cả hai nguồn nội tâm và ngoại tại. Cái mô-típ hình ảnh của quyển tiểu thuyết qua chủ đề tác giả muốn chỉ ra rằng sinh lực của hình ảnh đã bị tiêu hủy trong nền văn hóa hiện tại bị tràn ngập bởi những kích thích giả tạo, được sản xuất hàng loạt. Thế nên ký sự chuyến du hành băng qua vùng Sierra de Gredos núi non hiểm trở của nhân vật chính với những cuộc gặp gỡ người bản xứ Hondarederos cho người đọc thấy những tri giác, những khái niệm nguyên mẫu trái ngược hẳn với những tri giác, khái niệm thời thượng. Chẳng hạn họ có một khái niệm về thời gian được diễn tả bằng một hình thức biểu đạt đồng bộ với kinh nghiệm cảm thụ cái hiện tiền chứ không phải là khái niệm thời gian vật lý trên mặt đồng hồ. Đó là thời gian của mùa hoa trái, của gió đêm, của những vành môi. Cũng chính vì nhân vật phụ nữ có khả năng đặc biệt cảm thụ hình ảnh nên bà đã giao cảm được với những nền văn hóa nguyên mẫu bản sắc của những dân tộc khác nhau và Peter Handke qua nhân vật này trình bày tư tưởng triết lý của mình, một triết lý phản bác cơ sở văn minh Tây phương hiện đại.
Nếu có thể coi quyển Don Quixote của Cervantes là tác phẩn đầu tiên khơi giòng cho thể loại tiểu thuyết từ hơn hai thế kỷ nay thì chúng ta cũng dễ dàng nhận ra tham vọng khai phá một giai đoạn mới cho tiểu thuyết của Peter Handke khi viết quyển Mất Hình Ảnh. Như lời nhân vật tự sự của quyển sách đã nói sách không chứa đựng chất liệu “là những biến sự bất thường, thuần ngoại tại, gây sửng sốt, kinh ngạc,” nhưng được xây dựng bằng chất liệu dựa trên “những sự xếp đặt bên nhau cái ngoại tại với cái nội giới gây ngạc nhiên, bất thường, chúng đan chéo vào nhau và thực sự cộng hưởng nhau,” thích đáng với thời gian và không gian. Như vậy đó là một quyển sách “soi đường,” khai minh cho chúng ta. Và để tiếp cận và am hiểu tác phẩm này một cách sâu sắc người đọc không những phải từ bỏ những khái niệm khuôn đúc sẵn có mà còn cần một lối đọc văn mới phải chú tâm cao và kiên nhẫn theo chân tác giả. Hay nói khác đi, phải có một cách đọc sách không chỉ “lướt qua, nhảy cóc, hay ngốn ngáo mà phải lần theo rạch ròi, ở nhiều chỗ còn phải nói rõ ra hay đoán định được ý nghĩa” như lời một nhân vật trong truyện đã nói.
đào trung đạo
http://www.gio-o.com/DaoTrungDao.html
© 2007 gio-o