đọc sách vớiii
Đào Trung Đạo

Azar Nafisi

READING LOLITA IN TEHERAN 
Đọc tiểu thuyết Lolita ở Teheran
  

Trong lịch sử nhân loại có một hiện tượng khá phổ biến: khi một chế độ độc tài nắm quyền sinh sát thế nào cũng xảy ra việc triệt hủy, ngăn cấm những sản phẩm văn học không đi cùng chiều với ý thức hệ đang thống trị. Hàng ngàn năm trước Tần Thủy Hoàng  là kẻ đã ra lệnh đốt sách, giết học trò ngay khi chiếm được ngôi báu. Dưới thời Hitler, Stalin nhà văn, trí thức không chấp nhận ý thức hệ đang trị vì lập tức bị trù dập, xóa tên, lưu đầy. Mao Trạch Đông cũng ghi lại trong lịch sử Trung Quốc hiện đại những thành tích hủy diệt văn hóa khó tưởng tượng nổi. Việt Nam trong vòng hơn một thế kỷ từ giai đoạn thuộc địa sang giai đoạn cọng sản cũng không ra khỏi ngoại lệ. Mới đây nhất, những chế độ độc tài trong các xứ theo hồi giáo tái diễn tấn thảm kịch độc tôn văn hóa. Điển hình nhất khi Giáo chủ Ayatollah Khomeini lên cầm quyền từ năm 1979 ở Iran, chính sách độc tài văn hóa đã được thực hiện triệt để ở mức độ cuồng tín tôn giáo. Thông tin về những gì đã xảy ra ở Cộng Hòa Hồi Giáo Iran về mặt văn hóa thời Khomeini lọt được ra thế giới bên ngoài rất khó khăn hoặc bị bóp méo, cường điệu. Vì vậy khi Azar Nafisi cho xuất bản tác phẩm “Reading Lolita in Teheran” (Đọc Tiểu thuyết Lolita ở Teheran) vào năm 2003 quyển sách này lập tức được độc giả Âu-Mỹ đón nhận nồng nhiệt.

Azar Nafisi từng là sinh viên Iran du học ở Mỹ trong những năm 70õ. Bà tốt nghiệp ở University of Oklahoma và trở về nước năm 1979 vào giai đoạn chế độ quân chủ ở Iran sắp sụp đổ. Cha là Thị Trưởng Teheran, một thời bị chính quyền quân chủ giam giữ  nên khi còn là sinh viên du học ở Mỹ Azar Nafisi đã có mặt trong những cuộc biểu tình chống Shah Hoàng Reza Pahlavi. Khi về nước, lúc đầu bà được bổ nhiệm làm giáo sư văn chương Anh-Mỹ ở những đại học lớn ở Iran như University of Teheran, Viện Đại Học Hồi Giáo Tự Do, Viện Đại Học Allameh Tabatabai, nhưng lần lượt hoặc bị sa thải hoặc từ chức vì đã từ chối che mặt bằng mạng. Azar Nafisi bỏ nước ra đi năm 1997,  hiện cư ngụ ở Washington D.C, dạy học tại Johns Hopkins và viết cho các tờ The New York Times, The Washington Post, The Wall Street Journal và The New Republic. Bà là một trong những chuyên gia xuất sắc  về Vladimir Nabokov, nhà văn di dân Nga được coi là tiểu thuyết gia vĩ đại nhất của Văn Chương Nga thế kỷ 20.

Đọc Tiểu Thuyết Lolita ở Teheran là một hồi ký, và là một hồi ký về những tiểu thuyết. Sách dày khoảng 350 trang, gồm 4 chương: Lolita, Gatsby, James, Austen, và gần 3 trang Bạt. Lolita là tên tác phẩm được đọc nhiều nhất của Vladimir Nabokov, Gatsby là chữ thu ngắn tựa đề tiểu thuyết The Great Gatsby của nhà văn Mỹ Scott Fitzgeralt, còn James và Austen là Henry James và Jane Austen.  Chủ đề của tập hồi ký là khả năng giải phóng con người của văn chương, tuy ngay từ đầu sách Azar Nafisi đã cảnh cáo:”trong bất cứ hoàn cảnh nào, đừng bao giờ làm giảm giá trị một  sáng tác văn chương bằng cách biến nó thành một bản sao của cuộc sống thực.” Đọc văn sẽ giúp ta hiểu biết thế giới hiện tại và chọn cho mình một thái độ tinh thần, khởi đầu bằng quyền được tự do tưởng tượng.

 Sau khi từ chức giáo sư  ở Đại Học Allameh Tabatabai, Azar Nafisi thành lập một nhóm đọc sách gồm bảy nữ sinh viên xuất sắc  và đáng tin cậy nhất, cứ mỗi sáng Thứ Năm họp ở tư gia của bà để đọc và thảo luận về những tác phẩm văn chương từ tiểu thuyết cổ điển Ba Tư, tiểu thuyết cổ điển Tây Phương đến các nhà văn Mỹ hiện đại như Saul Bellow, và dĩ nhiên phải có Lolita của Nabokov.  Bảy nữ sinh đó là: Manna, Mahshid, Yassi, Azin, Mitra, Sanaz, và Nassrin. Nhóm đọc sách này sinh hoạt với nhau được gần hai năm cho tới khi Azar Nafisi qua Mỹ. Đặc biệt nhất là sau khi đến phòng đọc sách, họ bỏ hết mạng che mặt, áo choàng đen cổ truyền, họ trở thành rực rỡ  đúng như hình ảnh người phụ nữ tự do như họ muốn. Họ cũng chia xẻ với nhau những niềm tin, những kinh nghiệm đấu tranh cũng như sự tức giận, lo lắng, mất mát, sợ hãi, bối rối và những đau đớn họ đang phải gánh chịu.

 Tại sao nhóm đọc sách đã chuyên tâm vào quyển Lolita? Với những người chỉ xem phim mà không đọc kỹ tác phẩm này của Nabokov, Lolita là một tiểu thuyết phi luân lý vì nhân vật chính Humbert Humbert đã dụ dỗ một thiếu nữ vị thành niên đi vào một cuộc tình phiêu lưu bi thảm. Nhưng với Azar Nafisi, vốn là một  người ham mộ và khảo cứu khá tường tận về Vladimir Nabokov, chọn tác phẩm Lolita vì theo nhận xét của bà, nam giới ở Iran hãy còn không chịu nhận chân bản ngã và những ham muốn của ho. Các sinh viên trong nhóm đoc sách tranh luận về sự áp đặt tàn bạo cái bản ngã của chính Humbert lên cô bé Lolita không khác gì Ayatolah Khomeini đã áp đặt lên dân chúng Iran một thực tại xây dựng từ giấc mơ rất riêng tư  để rồi cuối cùng Khomeini cũng giống như Humbert đã hủy phá cả cái thực tại họ dựng lên lẫn giấc mơ của họ. Nói cách khác, “chân lý tuyệt vọng của truyện Lolita là...việc tịch thu cuộc đời một người này bởi một kẻ khác.” Lolita chính là Iran, dân chúng bị kẻ cầm quyền độc tài tịch thu đời sống, gợi ra một hình tượng con người can đảm cần phải tự giải phóng bản thân. Những chương sau của quyển hồi ký tiếp nối với cuộc xử án Gatsby rất xôi nổi do các sinh viên của Nafisi đóng vai các luật sư tranh biện giống như cảnh tượng xảy ra ttrong những ngày đầu cách mạng thành công ở Iran, tiểu thuyết Daisy Miller của Henry James được dùng làm nền cho việc mô tả cuộc chiến tranh giữa Iran và Iraq, chính quyền độc tài đưa ra chương trình cải cách được kể lại trong khung hình tiểu thuyết Pride and Prejudice của Jane Austen.

Azar Nafisi tuy là một người yêu văn chương nhưng cũng là người có thái độ phê phán không nhân nhượng chế độ độc tài. Bà viết: “bản chất độc đoán của một chính quyền độc tài là luôn luôn xâm nhập vào những góc riêng tư nhất của đời sống  chúng ta và không ngừng áp đặt những điều hoang tưởng của chế độ lên chúng ta.” Tuy cho rằng nước Iran sau Khomeini ngày nay với sự thắng thế của chính sách “cải cách” có đôi chút thay đổi nhưng  thái độ căn bản của chế độ vẫn không khác trước. Nhà nước vẫn can thiệp vào bất kỳ cái gì bị họ coi là vô đạo đức, và họ can thiệp một cách bất tường và tàn bạo. Bà viết: “Sống ở nước Cộng Hòa Hồi Giáo cũng tương tự như làm tình với một người đàn ông mình ghê tởm.” Hành văn của Azar Nafisi trong quyển hồi ký “Đọc Tiểu Thuyết Lolita ở Teheran” tuy rất tiết chế nhưng cũng có nhiều đoạn cảm động. Tuy vậy những độc giả khắt khe hoặc có thái độ bài-Tây phương đã không hài lòng vì Azar Nafisi đã chọn toàn những tác phẩm văn chương Âu-Mỹ làm khung cho thiên hồi ký của mình. Theo chúng tôi, đây là một lỗi lầm khó tránh vì đó cũng là sở trường căn bản của Azar Nafisi, một giáo sư văn chương Âu-Mỹ. Dù có những khuyết điểm, quyển hồi ký này cũng đạt được mục tiêu của tác giả là phơi bày bản chất của mọi chế độ độc tài và nói lên khả năng giải phóng con người qua văn chương nếu như ta biết đọc văn chứ không mù văn. 

Đào Trung Đạo

đọc các bài viết khác của Đào Trung Đạo