đọc sách vớiii
Đào Trung Đạo

Maxine Hong Kingston

THE FIFTH BOOK OF PEACE 

Đệ Ngũ Thư Hòa Bình

 

Maxine Hong Kingston là một nhà văn di dân có sách được dùng vào việc giảng dạy sâu rộng ở Mỹ. Nếu xác định một tác phẩm theo kiểu của Roland Barthes dựa trên tiêu chí “được dùng vào việc giảng huấn” thì tác phẩm của Maxine Hong Kingston không những là khả độc (lisible), có giá trị văn chương cao, không bị thời gian chôn vùi mà còn được xếp vào loại cổ điển. Quyển sách được đọc nhiều nhất của bà là “Woman Warrior” in năm 1975. Từ sau khi cho xuất bản “Tripmaster Monkey, His Fake Book” năm 1987, người ta tưởng rằng bà không còn thể viết chuyện được nữa nên đã quaysang làm thơ và dạy học. Cho mãi tới cuối năm 2003, trong lúc độc giả hâm mộ bà không chờ đợi, Maxine Hong Kingston tái xuất hiện với  cuốn chuyện mới, quyển “The Fifth Book of Peace(Đệ Ngũ Thư Hòa Bình- ĐNTHB).  Thật khó qui định thể loại những tác phẩm tản văn của bà. Trước hết, vì chúng tôi không thấy Maxine Hong Kingston ghi thể loại tác phẩm bên dưới tựa đề sách.  Sau nữa, ta không thể dùng khung phân loại thông thường để định nghĩa sách của bà. Nhưng có một điều chắc chắn là không thể cho những tác phẩm của Maxine Hong Kingston là tiểu thuyết (novel) được. Cho nên chúng tôi dùng chữ “chuyện” để xếp loại những tác phẩm của bà, như vậy có lẽ gần với ý định sáng tác của bà nhất vì Maxine Hong Kingston là tác giả của kỹ thuật độc đáo “talk-story” (nói thành truyện)

 

Trên 400 trang sách “Đệ Ngũ Thư Hòa Bình” được chia ra 4 chương: Lửa, Giấy, Nước, và Đất. Tên các chương sách này khiến người ta liên tưởng tới 4 yếu tố căn bản của thể tính là Lửa, Nước, Khí, và Đất trong triết lý cổ điển. Nhưng tại sao lại là “Đệ Ngũ Thư Hòa Bình”? Theo Maxine Hong Kingston, từ thời xưa ở Trung quốc đã có Ba Quyển Sách luận về Hòa Bình, nhưng cho đến nay những cuốn sách này đã thất lạc. Thất lạc là vì mỗi khi một triều đại mới lên cầm quyền, vương quyền lập tức ra lệnh cho thiêu hủy những quyển sách này. Tiêu biểu nhất trong lịch sử là việc Tần Thủy Hoàng đã ra lệnh đốt sách và giết trí thức khi lên ngôi. Và dưới triều đại Mao Trạch Đông việc triệt hủy văn hóa còn được phát động ở một mức độ triệt để hơn. Kẻ đương quyền phải đốt những quyển sách luận về hòa bình vì lo sợ tác dụng tiêu cực của những quyển sách này, không có lợi cho họ. Còn tông tích “Đệ Tứ Thư Hòa Bình” thì sao? Đó là một tác phẩm chưa hoàn thành của Maxine Hong Kingston và đã bị thiêu rụi trong trận hỏa tai xảy ra năm 1991 ở thành phố Oakland, California là nơi có căn nhà của nhà văn nữ này. Trận hỏa tai xảy ra đúng vào ngày bà vắng nhà vì phải đi dự đám tang ông thân sinh. Lúc trở về thấy lửa ngập tràn khu nhà bà đang ở, Maxine liều lĩnh xông vào đám cháy với hy vọng “cứu” bản thảo quyển sách đang viết dở dang. Nhưng mọi sự đã quá muộn. Là người từ lâu yêu chuộng hòa bình, bà muốn thực hiện lời gia huấn của mẹ luôn nhắc nhở bổn phận phải dùng văn chương để giáo huấn mọi người nên sau trận hỏa tai Maxine Hong Kingston càng quyết tâm hơn trong việc viết một tác phẩm ngợi ca hòa bình. Maxine Hong Kingston không có ý định viết lại tác phẩm viết dở dang  đã bi tiêu hủy, cuốn “Đệ Tứ Thư Hòa Bình”, nhưng khởi thảo một tác phẩm hoàn toàn mới với tựs đề “Đệ Ngũ Thư Hòa Bình”. Đó là tóm tắt hai chương đầu “Lửa” và “Giấy”của ĐNTHB.  Hai chương sách này được viết theo thể hồi ký.

 

Chương 3 “Nước” là chuyện đúng nghĩa. Trong chương này Maxine Hong Kingston viết tiếp quãng đời trưởng thành của nhân vật lai Hoa-Mỹ Wittman Ah Sing. Wittman thời thanh niên là nhân vật chính trong Tripmaster Monkey trước đây. Tái xuất hiện trong “ĐNTHB” vào thời điểm khởi đầu sự can dự trực tiếp về quân sự của Mỹ vào cuộc chiến ở Việt Nam, Wittman hiện đang trốn quân dịch đem vợ là Tana và con trai sang Hawaii sống cùng đám phản chiến, quân nhân đào ngũ, và giúp Louis D. “Buffy” Perry ttrong công tác vận động lập nên một nơi ẩn tránh cho những kẻ cùng cảnh ngộ.  Buffy vốn là một trung úy không quân, hiện đào ngũ  được và được sự tiếp tay của Nhà Thờ để lập “Sanctuary” ngay trong địa phận nhà thờ. Sanctuary dành cho những quân nhân cả đào ngũ lẫn đã giải ngũ hồi hương. Những cựu chiến binh tham dự chiến tranh VN này chất bị chấn thương nặng nề cả tâm thần lẫn thể chất . Theo Buffy “Nơi Nương Náu là một nơi an toàn giữa một xã hội đang có chiến tranh. Tôi xây dựng hòa bình trong lúc đang có chiến tranh...”. Trong chương này, những cựu chiến binh có dịp nói hết những kinh nghiệm của họ về chiến tranh, và đó cũng là bước đầu dẫn tới hòa bình.

 

Trong chương sách cuối cùng “Đất” Maxine Hong Kingston kể lại việc bà đã lập ra “lớp viết văn” (workshop) để hướng dẫn, động viên, và cùng với những cựu-chiến-binh Mỹ đã tham dự cuộc chiến tranh Việt Nam (Viet-Vets) viết ra những kinh nghiệm, những cảm nghĩ đã trải qua ttrong cuộc chiến tranh này. Chủ đích của bà không phải mở lớp để dạy sáng tác văn chương mà để hiểu rõ xem những cựu chiến binh này “đã trở về như thế nào? Họ đã hóa thành người như thế nào sau khi đã thoát chết trong cuộc chiến? Giờ đây làm sao họ còn có thể sống ở đời được? Làm sao họ có thể tái-gia-nhập xã hội dân sự được?” như Maxine Hong Kingston đã nói rõ trong một bài phỏng vấn. Những người tham dự lớp viết văn cũng như những người trong các phong trào hòa bình đã cùng với Maxine Hong Kingston xây nền cho một mảng văn chương hòa bình. Như vậy, viếttìm đến hòa bình chứ không là một hành vi nhằm chữa lành, trị liệu vết thương.

 

Nhìn chung, nếu đặt “Đệ Ngũ Thư Hòa Bình” trong hoàn cảnh thời cuộc hiện tại khi nước Mỹ đang cùng một số đồng minh tham dự vào cuộc chiến tranh Iraq và công luận Mỹ đang ngày càng nghiêng về phía muốn chấm dứt cuộc chiến tranh này thì tiếng nói của Maxine Hong Kingston cần được lắng nghe. Về mặt kỹ thuật viết chuyện,  phần đông các nhà phê bình đều nhìn nhận tài năng của bà cũng như không ai có thể phủ nhận tấm lòng tha thiết yêu chuộng hòa bình của Maxine Hong Kingston, nhưng trong tác phẩm này bà đã để lộ yếu điểm của một người “cả tin” : có rất nhiều thông tin về cuộc chiến tranh Việt Nam không đúng sự thực. Có rất nhiều điều hoang tưởng hoặc những thông tin ngụy tạo do tuyên truyền binh vận của cọng sản những cựu chiến binh Mỹ nghe được và kể lại cho bà nghe, khi đưa vào sách làm cho giá trị tác phẩm giảm đi rất nhiều. Chẳng hạn về “đường mòn Hồ Chí Minh” hay về “dưới chế độ cọng sản nhà văn có được tự do viết không? Rất tiếc Maxine Hong Kingston đã đặt những câu hỏi này với (Hồ Anh Thái và Lê Minh Khuê) những nhà văn được Đảng cho phép sang Mỹ, bà không hiểu rằng họ không thể được phép nói sự thực. Điều làm ta ngạc nhiên là bà đã tỏ ra rất tinh tế và có óc phê phán đối với những thông tin về chiến tranh của chính quyền Mỹ nhưng đến khi đón nhận những thông tin từ phía đối nghịch trong cuộc chiến thì Maxine Hong Kingston lại tỏ ra quá dễ dãi, thơ ngây.

Đào Trung Đạo

đọc các bài viết khác của Đào Trung Đạo